PDA

View Full Version : T - Thánh Don Bosco, người Tông đồ của Mẹ Maria



Dan Lee
01-19-2009, 06:38 AM
(Lễ kính vào ngày 31 tháng 1 hằng năm)


Thánh Don Bosco, người Tông đồ của Mẹ Maria




Bình thường mỗi khi nghe nói đến tên thánh Don Gioan Bosco (1815-1889), người ta liền nhận ra ngay được rằng ngài là một nhà sự phạm tài ba và một người cha đầy nhân từ và thánh thiện của thanh thiếu niên. Nhưng rất ít người biết được rằng thánh Don Gioan Bosco là một vị Tông đồ nhiệt thành của Mẹ Maria, là một vị Linh Mục có lòng tôn sùng Mẹ Maria tha thiết.

Don Giovanni Bosco sinh ngày 16.8.1815 ở Becchi thuộc thành phố Turinô/ Ý. Gia đình Bosco là một gia đình nông dân nghèo, chất phác. Vì thế, Gioan đã phải trải qua một tuổi trẻ đầy thiếu thốn chật vật trong đủ mọi lãnh vực. Nhưng tất cả những khó khăn thiếu thốn đó đã không thể ngăn cản cậu trên con đường tiến tới lý tưởng làm Linh Mục mà cậu hằng ấp ủ: Ngày 6.6.1841 thầy Gioan được thụ phong Linh Mục, một ngày hạnh phúc nhất của đời thầy. Từ nay, cha Don Gioan Bosco được sống gần gũi và kết hiệp với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể hơn và qua đó cha càng yêu mến Mẹ Maria hơn, vì như xưa trong mái nhà Na-da-rét, Chúa Giêsu luôn có Mẹ Thánh của Người bên cạnh, thì nay trong Nhà Tạm trên bàn thờ, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng luôn có Mẹ Maria bên cạnh.

Sau khi chịu chức Linh Mục, cha Don Bosco đã hoàn toàn dấn thân cho công tác giáo dục các thanh thiếu niên bị bỏ rơi, sống vất vưỡng lang thang trên các đường phố. Năm 1846 cha đã sử dụng chính ngôi nhà của mình để làm chỗ nuôi dạy các trẻ em mà ngài nhặt lượm được khắp các đường phố. Nhưng để cho công cuộc giáo dục các thanh thiếu niên bất hạnh được bảo đảm lâu bền, cha Don Bosco đã thành lập năm 1859 «Tu Hội Salêdiêng», chọn thánh Phanxicô Salêsiô làm Đấng Bảo Trợ, và năm 1874 cha lại lập thêm một ngành dành riêng cho phái nữ lấy tên là «Maria Hilf» - (Đức Mẹ Hằng cứu giúp). Ngày nay công tác giáo dục của các Tu Sĩ Dòng Don Bosco lan rộng đến hầu như khắp các nước trên các châu lục và đã, đang và còn tiếp tục đóng góp vào chương trình giáo dục của các nước sở tại một cách hết sức hiệu quả về cả các phương diện trí dục lẫn đức dục, văn hóa, kỹ thuật. Vì thế, vào thế kỷ IX, thánh Don Bosco được coi là một nhà giáo dục vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và một vị thánh thời đại quan trọng nhất của Giáo Hội.

Ngày 31.1.1888, Linh Mục Don Giovanni Bosco đã qua đời trong hương thơm thánh thiện tại thành phố Turinô, giữa tiếng khóc thương của hàng ngàn thanh thiếu niên, những đứa con tinh thần mà ngài đã suối đời thương yêu, tận tụy chăm sóc nuôi nấng và giáo dục.

Nhưng điểm đặc biệt và nổi bật nhất trong đời sống thiêng liêng của thánh Gioan Bosco, là lòng sốt sắng tôn sùng Đức Mẹ một cách sâu xa. Chính vì yêu mến Mẹ Maria quá tha thiết, nên thánh nhân càng yêu thương các thanh thiếu niên hơn, nhất là những trẻ em đường phố, những trẻ em bị bỏ rơi bất hạnh. Lòng tôn sùng Mẹ Maria của thánh Don Bosco có thể cô đọng lại trong ba điểm:

1. Dolorosa – Đức Mẹ Sầu Bi

Người ta có thể khẳng định được rằng lòng tôn sùng yêu mến Mẹ Maria của thánh Don Bosco là do sự vun đắp của thân mẫu thánh thiện của ngài, bà Margarete (1788-1856). Ngay khi Don Gioan Bosco còn bé, thân mẫu Margarete đã dâng hiến em cho Mẹ Maria. Về phần cá nhân thánh Don Bosco, ngoài gương đạo đức yêu mến Mẹ Maria của thân mẫu, ngài còn cảm nhận như một ơn riêng qua các giấc chiêm bao thánh thiện của mình về Mẹ Maria. Cũng như nơi các Thánh Tổ Phụ trong Kinh Thánh - ví dụ: Tổ phụ Gia-cóp hay Thánh cả Giuse, v.v… - các chiêm bao cũng đã đóng một vai trò quan trọng hầu như mang tính cách quyết định trong cuộc đời của thánh Gioan Bosco.

Thật vậy, ngay khi mới lên 9 tuổi, một hôm nằm ngủ Don Bosco đã nhìn thấy trong giấc mơ gương mặt nhân từ hiền dịu của Mẹ Maria hiện ra khuyên em sau này cần phải tiếp nhận và thương yêu các thanh thiếu niên nghèo khổ. Khi còn là một đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn đói khổ, Don Bosco đã thường chiêm ngắm hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi và em đã khám phá ra rằng khi còn sinh thời, khi còn sống trong cuộc đời trần thế, Mẹ Maria cũng đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu là đau khổ về vật chất cũng như về tinh thần, hầu Mẹ có thể trở thành Đấng đồng công cứu chuộc của Chúa Cứu Thế. Bởi vậy, Don Bosco đã coi Mẹ Maria là tấm gương sáng, là Đấng Bảo Trợ, Đấng có thể an ủi dìu dắt chàng trong những khó khăn thiếu thốn, vì chính Mẹ cũng đã trải qua những thiếu thốn vất vả như thế. Tuy nhiên, lòng yêu mến và trông cậy của Don Bosco vào Đức Mẹ hoàn toàn mang tính cách tích cực, nghĩa là Don Bosco luôn chiến đấu, để tự lực cánh sinh, để vượt lên khỏi những thử tách khó khăn về phương diện tài chính của gia đình, hầu chàng có thể hiện thực được ơn gọi Linh Mục mà chàng hằng ấp ủ. Do đó, Don Bosco luôn chạy đến cầu xin cùng Đức Mẹ Sầu Bi, và cũng vì thế sau này cha Don Bosco đã viết một tác phẩm rất nổi danh để dâng kính Mẹ Maria, đó là tác phẩm «Triều thiên bảy sự thương khó Đức Mẹ». Cha Don Bosco luôn xác tín rằng vì nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria mà cha với 16 tuổi đã được nhận vào học tại một trường trung học và qua đó cha đã vượt qua được trở ngại đầu tiên trên con đường tiến tới lý tưởng Linh Mục.

2. Immaculata – Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai

Trong suốt cuộc đời của ngài, cha Don Bosco đã cảm nghiệm được nhiều ơn lành của Chúa qua sự bầu cử của Mẹ Maria. Đặc biệt nhất là khi ngài còn là một Linh Mục trẻ và phải đối mặt với bao thách đố cực kỳ khó khăn của công cuộc giáo dục thanh thiếu niên, cha đã «khám phá» ra Mẹ Maria như là Đấng Immaculata, Đấng Vô Nhiễm Thai. Lòng sùng kính Mẹ Maria đã mang lại cho cha nhiều tư tưởng, nhiều quan niệm hết sức đúng đắn và giá trị trong đường hướng sự phạm của cha. Nhất là cha tìm gặp trong sự sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội một sự trợ giúp cần thiết cho các thiếu niên của cha giữ được tâm hồn trong trắng và tinh thần vui tươi lành mạnh của tuổi thơ. Áp dụng theo ý nghĩa câu tục ngữ: «Hãy nói cho tôi biết anh có quan hệ với ai và tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai hay anh sẽ là ai», cha Don Bosco luôn mong muốn cho các thanh thiếu niên của ngài biết thường xuyên tiếp cận và yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm qua các kinh nguyện, hầu cho tuổi thanh xuân của chúng luôn được hồn nhiên trong trắng.

Vì thế, cha Don Bosco đã vô cùng sung sướng và đầy tâm tình cảm Chúa, khi cha vừa tròn 39 tuổi đời, cha đã được diễm phúc chứng kiến đặc ân Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria mà cha hằng sùng kính đã được Mẹ Giáo Hội nâng lên thành Tín điều vào ngày 8.12.1854 do Đức Giáo Hoàng Piô IX. Đối với cha Don Bosco, ngày Đức Piô IX, đại diện Giáo Hội hoàn vũ, long trọng tuyên bố Tín điều «Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội» cũng chính là một chứng thực cho đường lối sư phạm của cha trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Đàng khác, Tín điều «Đức Mẹ Vô Nhiễm» đối với cha Gioan Bosco còn có một giá trị như một lời hứa là sự thiện sẽ dành được chiến thắng cuối cùng. Bởi vậy, đường lối sự phạm của cha Don Bosco là nhằm tới mục đích giúp cho sự thiện hảo vượt thắng được mọi sai trái và độc hại. Và để đạt được mục đích đó trong chương trình giáo dục, cha Don Bosco luôn thâm tín rằng không chỉ đời sống gương mẫu của các nhà giáo dục là một nhiều thiết yếu không thể thiếu, nhưng trên hết là sự nâng đỡ siêu nhiên, là ơn thánh Chúa qua sự bầu cử của Mẹ Maria.

3. Auxilium Christianorum – Đức Bà phù hộ các giáo hữu

Thánh don Bosco đã tóm lược lòng sùng kính và yêu mến Mẹ Maria của ngài lại như sau: «Mọi sự cha đạt được trong cuộc đời là đều nhờ ơn Mẹ Maria hết.» Sau khi chính thánh Don Bosco đã đặt hết mọi tin tưởng và hy vọng vào Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và ngài đã không bao giờ phải thất vọng, thánh nhân đương nhiên đã trở thành một nhân chứng khả tín nhất cho các con cái và bạn hữu của ngài về lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Biểu tượng cụ thể cho lòng sùng kính và yêu mến sâu xa của thánh nhân đối với Mẹ Thiên Chúa là ngôi Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà chính thánh nhân đã cho xây dựng tại thành phố Turinô ở Bắc Ý, và là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ lớn nhất tại nước Ý mãi cho tới ngày nay.

Lòng sùng kính của thánh Don Bosco đối với Mẹ Maria dưới tước hiệu «Đức Bà phù hộ các giáo hữu» là một tóm tắt kinh nghiệm sống, là gia sản và sứ điệp của thánh nhân để lại không chỉ cho các con cái trong đại gia đình Tu Hội của ngài, nhưng còn để lại cho tất cả mọi tín hữu trong toàn Giáo Hội.

Lạy thánh Don Gioan Bosco, xin dạy cho chúng con biết yêu mến và sùng kính Mẹ Maria! Amen

LM. Nguyễn Hữu Thy