PDA

View Full Version : L - Làm Cha Mẹ Mười Chín Lần



Dan Lee
01-17-2009, 04:15 PM
Làm Cha Mẹ Mười Chín Lần

Ông James và Bà Kathleen Littleton đã đáp lại lời mời gọi trao ban sự sống đến 19 lần, tuy 5 trong số 19 đứa con của họ đã qua đời. Họ tả lại niềm vui nuôi dưỡng 14 đứa con đó trong một cuốn sách tựa là “Better by the Dozen, Plus Two” (Một Tá Con Cộng Hai Tốt Hơn) và ngày 12 tháng 1 vừa qua, họ có dành cho Hãng Tin Zenit một cuộc phỏng vấn, đề cập tới quyết định tạo lập một gia đình đông con và lý do tại sao họ xa lánh công luận văn hóa thịnh hành mà không ít người Công Giáo đang tin theo.

Yêu thương, hy vọng và tin tưởng

Được hỏi nếu phải cho ý kiến, cặp vợ chồng này sẽ khuyên người ta ra sao trong việc nhận ra ý Chúa qua lời mời gọi của Giáo Hội phải sinh sản có trách nhiệm, Ông James cho hay: câu trả lời cho câu hỏi ấy hệ ở luật yêu thương, và lẽ dĩ nhiên, hệ ở lòng hy vọng và tin tưởng, không sợ hãi là thứ hiện đang ung thối xã hội ngày nay. Ông và vợ ông từng mắc lầm lỗi đáng tiếc là khi bắt đầu cuộc hôn nhân, họ đã tin theo cái dối trá của ngừa thai nhân tạo. Nhờ ơn thánh Chúa, họ đã từ bỏ được lầm lỗi trên và nhờ thế đã được ơn mưa móc có đến 19 người con, trong đó 14 còn sống trên dương gian và 5 đã về thiên đàng.

Theo ông, Giáo Hội dạy rằng điều cần thiết là mỗi và mọi hành vi vợ chồng tự chúng phải được qui hướng về việc phụ tạo ra sự sống nhân bản (Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2366). Giáo Hội có cho phép các cặp vợ chồng được ngắt quãng các lần sinh vì những lý do chính đáng qua phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên. Cho nên, theo ông, các cặp vợ chồng phải chủ quan tìm ra ý Chúa hàng tháng liên quan tới sự cởi mở và sẵn sàng của họ trong việc cùng với Người chào đón một sự sống mới, đem vào đời và đem vào vĩnh cửu một con người mới, đẹp xinh, một con người nhân bản không thể mô phỏng được, hoàn toàn độc đáo, với sứ mệnh tán tụng Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, một sứ mệnh không ai thay thế được và hết sức cần thiết.

Khả thể trên không phải là một áp đặt, nhưng đúng hơn là một ơn phúc siêu việt của quyền năng sáng tạo vô biên nơi chính Thiên Chúa. Ta phải khiêm hạ và kính sợ khi nghĩ rằng Cha chúng ta ở trên trời đã quyết định đặt cái quyền trao ban sự sống mới tùy thuộc vào quyết định và lòng tốt của các hữu thể nhân bản, những con người mà Người cũng ban cho một quyền lực khủng khiếp khác nữa là ý chí tự do. Người sẽ không bao giờ can thiệp vào ý chí tự do của ta, nhưng tựu chung, ta được mời gọi đáp trả ơn phúc này và mọi ơn phúc của Người trong yêu thương.

Nhân đức cậy mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đang cố gắng thúc giục thế giới hướng về, hết sức trọng yếu đối với việc cởi mở chào đón sự sống mới trong hôn nhân. Ông James cho hay: ông từng gặp khá nhiều người chỉ mong nhận được lời khích lệ hay một gương sáng để có được hy vọng và can đảm mà thực hiện điều họ biết rõ họ rất mong muốn trong tận đáy lòng, điều mà Chúa cũng muốn, là mở lòng mình ra, nếu có diễm phúc, để chào đón một đứa con khác trong cuộc hôn nhân của mình. Cảm thức hân hoan, nhẹ lòng và bình an của họ hết sức hiển nhiên khi họ chia sẻ hay mặc nhiên nhắc tới quyết định sẵn sàng chào đón sự sống mới bước vào thời gian và vĩnh cửu.

Ông James không có ý nói mọi người phải có càng nhiều con bao nhiêu có thể về phương diện thể lý càng tốt mà không đếm xỉa gì tới hoàn cảnh cụ thể của họ. Nhưng ông khích lệ các cặp vợ chồng nên quảng đại và tái thẩm định khả năng có thể có một đứa con nữa nếu Chúa ban ơn ấy. Họ nên xem sét việc ấy trong một thái độ đầy cầu nguyện, sẵn sàng mở lòng ra chấp nhận ý Chúa với cái nhìn siêu nhiên, đầy tràn đức tin.

Đối với ông, nếu ta biết cầu nguyện và chiêm niệm Chúa Giêsu Kitô và tình yêu của Người cũng như sự kỳ diệu của từng hữu thể nhân bản, so với những điều hạ cấp như sợ sệt hay khuynh hướng vị kỷ và duy vật, nếu, điều này quan trọng nhất, ta biết sống cuộc sống Thánh Thể và bí tích, nếu ta biết xin ơn hướng dẫn của Vị Khách êm dịu của linh hồn là Chúa Thánh Thần, và nếu ta biết khiêm nhường tìm lời khuyên của những bậc thông thái và thánh thiện, thì việc ta đáp trả ơn phúc trao ban sự sống mới của Cha nhân từ sẽ có được một cái nhìn mới, sâu sắc hơn và chân thật hơn.

Ông James và vợ thường gợi ý cho các cặp vợ chồng khác đừng chỉ áp dụng lý trí hay trí khôn mà thôi, cả những gì mà nền văn hóa đương thịnh đang cố gắng áp đặt, mà phải áp dụng cả đức tin nữa để tránh đừng làm cho Chúa ra nhỏ bé, đừng đóng khung Người trong chiếc hộp nhỏ xíu. Cha trên trời của chúng ta dư quyền lực và khả năng cấp dưỡng mọi điều ta cần, chắc chắn Người làm thế. Người không bao giờ bị qua mặt về lòng độ lượng.

Quả là một cảm nhận đầy giải thoát và bình an khi ta liều lĩnh một chút, phóng mình ra khơi trong yêu thương và tin tưởng vào Thiên Chúa vô cùng yêu thương của ta.

Đối với Kathleen, Thiên Chúa là đấng sáng tạo, ta chỉ là người cộng tác.Việc tạo nên một sự sống mới hệ ở ý Chúa dành sẵn cho ta. Hoàn toàn tùy ở Chúa muốn ta được phúc hay không được phúc có con. Điều ấy đòi ta phải hết sức quảng đại, đầy đức tin và tin tưởng vào kế hoạch của Người dành cho cuộc hôn nhân và đời sống ta. Nhưng điều hết sức giải thoát là biết được rằng Chúa ở với ta mọi lúc, và nếu Chúa đã dựng nên ta, Người sẽ nâng đỡ ta.

Người cũng ban cho ta ơn bậc sống để ta làm cha mẹ và làm người cấp dưỡng tốt. Còn nếu Người không ban cho ta ơn phúc có con, thì điều ấy cũng là ý Người, mà nào Người có bao giờ lại không muốn điều tốt cho ta đâu. Ta chỉ cần sống mỗi ngày một tin, yêu và quảng đại hơn, để bảo đảm rằng ý Chúa chứ không phải ý ta được thể hiện, vì chỉ có điều đó mới làm ta hạnh phúc và đem lại bình an cho ta.

Huấn luyện con cầu nguyện ngay trong bụng

Ông James và Bà Kathleen cho rằng cần phải đào tạo đứa con cầu nguyện ngay trong lúc nó còn trong bụng mẹ. Nhưng việc đào tạo tính khí thì sao? Nếu phải bắt đầu ngay từ buổi đầu thời ấu thơ, thì phải làm cách nào?

Đối với vấn đề này, Ông James cho rằng việc đào luyện và thánh hóa con phải bắt đầu từ lúc chúng còn trong bụng mẹ và chắc chắn trong suốt tuổi thơ và quá cả tuổi thơ ấy nữa. Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa; ta chỉ là những người cộng tác vào công trình của Người. Hãy đọc Luca 1:41, khi Gioan nhẩy mừng trong bụng Êlisabét lúc nghe Đức Mẹ chào thăm. Điều này phải xẩy ra khi ta cưu mang con trong lòng và đem hài nhi của ta tham dự Thánh Lễ hay đi viếng Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, nơi ơn thánh từ Chúa Kitô lan tỏa vào linh hồn con cái ta và dĩ nhiên cả ta nữa.

Hiện có nhiều kỹ thuật thực tiễn rất hữu ích từ nhiều nguồn khác nhau để đào luyện tính khí ở các độ tuổi khác nhau, và trong cuốn sách của cặp vợ chồng này, họ có trình bày một số ý tưởng và kinh nghiệm thuộc lãnh vực này. Nhưng cần phải nói ngay: mọi kỹ thuật đều vô dụng, nếu không nối kết với cây nho là Chúa Giêsu Kitô. Ở đây, ta thấy tính tối thượng của ơn thánh, trong đó, để đào luyện con cái ta về nhân đức, ta phải trước nhất và đầu hết đem chúng theo tham dự Thánh Lễ, cũng như các bí tích khác, nhất là bí tích Thống Hối, và cùng cầu nguyện với chúng.

Con cái tức khắc và hân hoan vâng lời cha mẹ

Ông James và Kathleen Littleton cũng nói với Zenit về kinh nghiệm nuôi dạy các người con biết vâng lời của họ cũng như các người con biết suy nghĩ một cách có phê phán và cởi mở đối với ơn gọi làm linh mục hay tu dòng. Họ cũng đề cập tới điều con cái họ nhận định về kinh nghiệm trên lúc chúng đã rời tổ ấm.

Về đức vâng lời tức khắc và hân hoan, Ông James cho biết: họ nuôi dạy con cái với tinh thần hy sinh. Họ không muốn con cái họ khi đã trưởng thành đến với họ mà nói” “Thưa ba, thưa má, sao ba, má lại làm hại con bằng cách nhượng bộ? Tại sao ba, má lại luôn cho con điều con muốn, và khi con muốn nó? Sao ba, má không cho con khả năng biết hy sinh? Sao ba, má không đào luyện ý chí con khi ba, má có cơ hội?”

Hai ông bà cố gắng đào luyện các con biết vâng lời. Đức vâng lời ấy phải tức khắc và hân hoan, biểu lộ phẩm chất và cần mẫn. Nói cách khác, khi được yêu cầu làm điều gì đó, ông bà mong chúng làm ngay tức khắc với thái độ tích cực, chú ý tối đa tới các chi tiết của nhiệm vụ, và thực hiện điều ấy nhanh chóng bao nhiêu có thể, không lãng phí thời gian. Thiếu bất cứ đức tính nào trên đây đều thực sự không còn là đức vâng lời nữa

Làm thế nào thực hiện được việc ấy? Trước nhất, con cái đâu phải là thiên thần, chúng chỉ là người, cho nên đây chỉ là chuyện phải luôn cố gắng. Họ cố gắng giúp chúng hiểu rõ cha mẹ chờ mong chúng điều gì. Cần phải có sự nhất quán và cần mẫn cả trong điều cha mẹ chờ mong lẫn trong việc buộc chúng phải chịu tính số. Và rồi, rất có thể phải đưa ra các biện pháp tiêu cực khi một đứa con không vâng lời, như tăng gấp đôi một công việc đòi hỏi khi nó ta thán. Ông James không ủng hộ việc thường xuyên cảnh cáo, mặc dù đôi khi, vì khôn ngoan, ông phải làm thế. Trong khi ấy, hai ông bà cố gắng dùng nhiều cách động viên tích cực như tưởng thưởng một túi kẹo cho đứa con có tác phong tốt nhất sau một thời kỳ đã chỉ định trước. Ích lợi phụ trội của việc ấy là đào luyện tinh thần biết chia sẻ, vì đứa con nhận được túi kẹo kia được quyền tự do giữ trọn cho mình hay chia sẻ với anh chị em. Hai ông bà được diễm phúc thấy tất cả các con đều học được tinh thần chia sẻ như thế. Phần thưởng cũng có thể là một cuộc đi chơi hay một sinh hoạt thể thao nào đó.

Ông James cho biết, ông cũng ráng gặp riêng mỗi đứa con mỗi tháng một lần để đích thân hướng dẫn thiêng liêng từng đứa, dù có khi không thực hiện được đều đặn. Mỗi đứa đều có mục tiêu riêng, xứng hợp với lứa tuổi, như một nhân đức phải thực tập hay một cam kết và mục tiêu cầu nguyện. Có thể nói, chúng là những người đồng hành cùng chịu trách nhiệm đối với việc cố gắng đào luyện riêng của chúng. Điều ấy hết sức chủ yếu.

Và điều quan trọng nhất là gia đình ông lãnh nhận bí tích thống hối với nhau hàng tuần. Họ diễm phúc được cha xứ đặc biệt cho phép các con của họ lãnh nhận bí tích này ngay lúc chúng mới lên sáu. Sự tự phản tỉnh và các ơn thánh của bí tích xót thương này hết sức cần thiết đối với việc vun trồng nhân đức và sự thánh thiện, khiến cho việc làm cha mẹ của ông bà dễ dàng hơn đến 99 phần trăm.

Bà Kathleen, thì cho hay: hai ông bà cố gắng nuôi dạy con cái biết mô phỏng Chúa Kitô như mẫu mực mọi nhân đức. Mục tiêu duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian là làm theo ý Chúa Cha ở trên trời, không phải vì sợ hãi, mà vì yêu thương hoàn toàn. Do đó, hai ông bà luôn cố gắng đào luyện con cái biết vâng lời tức khắc và hân hoan, một đức vâng lời dựa trên cùng một nguyên động lực là yêu thương, chứ không sợ sệt. Yêu là tự hiến, nên mỗi đứa con cần học biết điều này: chúng hiện diện trên thế gian để phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là bày tỏ yêu thương cho người khác, trong khi cau có, thiếu bác ái và tự cô lập mình không do Chúa, chỉ tạo chia rẽ và mất trật tự. Từ chối hợp tác vì lòng vị kỷ sẽ làm cả gia đình gặp trở ngại.

Mỗi thành viên của gia đình cần phải góp phần vào sự vận hành tốt đẹp của cả gia hộ. Tình yêu tự hiến là ra khỏi bản thân mình. Điều ấy không tự nhiên phát khởi nơi con cái, mà ngay cả nơi người trưởng thành cũng thế, nên cha mẹ luôn phải cố gắng củng cố bài học này. Chỉ làm được việc ấy khi ta biết liên tục giải thích lý do tại sao cần phải làm việc với nhau, cho chúng thấy hậu quả của những chọn lựa sai lầm, nhưng quan trọng hơn hết là cho chúng thấy các chứng tá tích cực và niềm hân hoan do kết quả của một gia đình có trật tự và an bình đem lại, một gia đình đã trở thành mái ấm che chở đầy yêu thương. Khi đã đạt được, đức vâng lời mau mắn và hân hoan sẽ mang lại hoà hợp và trật tự cho gia đạo, trong khi thiếu nó, gia đạo chỉ còn hỗn mang, mất trật tự. Đó là lý do khiến hai ông bà luôn giúp các con hiểu rằng mỗi đứa chúng đều được yêu thương, được cần tới và là thành phần cốt cán của gia đình, mỗi đứa đều có một vị trí và một sứ mệnh độc đáo trong đó.

Giúp con biết suy nghĩ có phê phán

Ông James: “chúng tôi huấn luyện các cháu biết suy nghĩ có phê phán, bằng cách đôi khi thảo luận với các cháu về vấn đề này. Điều ấy hết sức quan yếu. Thí dụ, chúng tôi nêu ra một biến cố thời sự hay một chuyện gì đó vô tình đọc trên truyền thông, rồi khảo sát chuyện ấy bằng con mắt phê phán để tìm ra sự thật, xem nó tròn méo ra sao so với quan điểm siêu nhiên của Chúa. Chúng tôi có thể xét xem người viết có nghị trình gì. Chúng tôi cũng có thể đề cập tới các ảnh hưởng có thể có của nền văn hóa đương thịnh, hay quan điểm văn hóa duy tương đối về phương diện luân lý được phát biểu trong đó, và so sánh nó với chân lý khách quan. Chúng tôi xét xem biến cố ấy, bài báo ấy hay cuốn phim ấy ở mức độ nào trên bàn cân luân lý Kitô Giáo. Đó là một thực tập tuyệt diệu giúp các con khai triển lối suy tư có phê phán cũng như kỹ năng biện biệt (discernment) mà chúng sẽ rất cần đến suốt đời. Tựu chung, chúng sẽ cần phải tự đứng vững bằng đôi chân của chúng mà biện biệt được chân lý để sống với chân lý ấy.

Chúng tôi cố gắng để Chúa Thánh Thần chiếm hữu và thúc đẩy chúng tôi trong tư cách cha mẹ, biết nắm lấy các cơ may bất cứ khi nào chúng xuất hiện. Chúng tôi mời gọi các con thảo luận hỗ tương để khảo sát mọi vấn đề dưới ánh sáng chân lý. Điều ấy có thể thực hiện được khi gia đình tụ họp bên bàn ăn, hay bất cứ ở đâu và vào bất cứ lúc nào. Thí dụ như gần đây, tôi cùng các con đổ nhiên liệu cho chiếc xe “ven” tại một trạm xăng. Thấy một biểu ngữ lớn chăng trước cửa tiệm tạp hóa với hàng chữ “Get more good stuff” (Hãy mua thêm đồ tốt), tôi bỗng khởi sự một cuộc đối thoại hào hứng và đầy khôi hài về cái biểu ngữ ấy và cái sứ điệp vật chất chủ nghĩa của nó. Ta có cần thêm đồ tốt không? Há ta đã không đủ đồ tốt hay sao? Ta biết để đâu cái thứ đồ tốt kia? Ta biết làm gì với thứ đồ tốt ấy khi nó trở thành đồ tồi, đồ vất đi? Liệu thêm đồ tốt có làm ta hạnh phúc hay kết cục sẽ làm ta thèm có thêm đồ tốt? Bố con tôi được một dịp thích thú khai thác đủ thứ nực cười của cái sứ điệp kia.

Tôi tin rằng những kinh nghiệm như thế sẽ khắc ghi chân lý một cách sâu sắc, và giúp ta biện biệt được một cách thích đáng, có phê phán, các sứ điệp lầm lẫn và sai lạc mà nền văn hóa đương thịnh đang không ngừng hắt tung vào mặt ta”.

Phản ứng của các con đã trưởng thành

Được hỏi một số con đã trưởng thành nói gì về kinh nghiệm lớn lên với quá nhiều anh chị em như thế, và dựa vào ý kiến của chúng, hai ông bà có phải thay đổi thái độ cũng như thực hành nào liên quan đến cách giáo dục con cái không, Ông James trả lời: “Tôi không nghĩ thế. Điều này đặc biệt hiển nhiên qua sự kiện tất cả các con lớn tuổi của chúng tôi đều thích dành nhiều thì giờ sống với gia đình khi chúng từ trường đại học trở về nhà chẳng hạn. Có va chạm không? Thưa: dĩ nhiên là có. Nhưng đặc biệt trong một gia đình lớn, tôi nghĩ mỗi thành viên đều mau chóng học được điều này: họ không phải là cái rốn của vũ trụ, và cũng nhanh chóng học được các nhân đức cần thiết, biết mau chóng tha thứ và khoan dung.

Còn về phần thứ hai của câu hỏi, hễ sống là phải học hỏi, nhưng một cách chủ yếu, Kathleen và tôi không làm khác bao nhiêu so với cách chúng tôi làm trước đây. Riêng với tôi, tôi ước mong có thể làm tốt hơn để ôn hòa tình nóng như lửa và dễ mất nhẫn nại của mình, vì tôi hay “:phản ứng tức khắc” thay vì bình tĩnh và điềm đạm. Tuy nhiên, tôi hết sức khâm phục và lấy làm an ủi khi biết rằng Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta như thế nào. Người biết rõ mọi lầm lỗi và yếu đuối nhân bản của ta, ấy thế nhưng Người vẫn quyết định ủy thác cho ta việc chăn dắt con cái của Người. Tôi xác tín rằng Người sẵn sàng bù trừ tất cả các thiếu sót trong ta. Ta chỉ được kêu gọi phải cố gắng hết mình, ngoài ra nên tin tưởng phó thác mọi sự khác trong tay Người”.

Bà Kathleen thì cho hay: “Chúng tôi thấy rằng tình yêu tự nhân thừa lên. Nói cách khác, càng yêu, ta càng có thể yêu hơn. Với mỗi đứa con, tình yêu cha mẹ của chúng ta mỗi ngày một lớn mạnh và nhân thừa. Tình yêu của chúng ta gia tăng, không hề giảm đi. Nhiều cha mẹ thú nhận với bọn tôi rằng họ sợ có thêm đứa con nữa vì họ nghĩ họ đã cho hết tình yêu của họ cho một hay hai đứa con hiện nay của họ mất rồi. Họ sợ không còn đủ tình yêu để phân phát nữa, để mà cho đi nữa. Nỗi sợ ấy thiếu cơ sở chân lý và không đúng với kinh nghiệm của bọn tôi. Trái tim con người có khả năng yêu thương gần như vô giới hạn vì nó được Chúa dựng nên giống hình ảnh Người.

Cũng thế, tình yêu mà con cái chúng tôi dành cho nhau cũng nhân thừa với mỗi thành viên mới của gia đình. Con cái bọn tôi, ngay lúc còn nhỏ, cũng làm bọn tôi ngạc nhiên khi chúng hứng chí được thấy đứa em sơ sinh. Không hề có dấu hiệu ích kỷ nào, sợ từ nay ba má không đủ thì giờ hay yêu thương mà phân phát cho mọi người. Trái lại là đàng khác, chỉ thấy niềm vui và hạnh phúc to lớn khi chúng tôi loan tin vui. Ngay bây giờ, con cái tôi vẫn tiếp tục hỏi, cầu nguyện và hy vọng có thêm em cho gia đình, mặc dù chỉ có phép lạ việc ấy mới xẩy ra ở tuổi tôi!

Lớn lên trong một gia đình lớn, tự nhiên con cái học được tính đại lượng và tinh thần phục vụ, mà còn khai triển được cả sự gần gũi, yêu thương và tùy thuộc nhau nữa. Bất cứ ai từng quan sát, cũng thấy các con của chúng tôi biết chăm sóc lẫn nhau. Chúng là bạn tốt nhất của nhau vì chúng chia sẻ sự gần gũi nhau về tuổi tác, chia sẻ của cải chung cũng như chia sẻ các kinh nghiệm buồn vui của cuộc sống gia đình. Chúng lớn lên trong khung cảnh một đơn vị gia đình gắn bó. Như đã viết một cách chi tiết trong cuốn sách của chúng tôi, hệ thống “trách nhiệm lớn, trách nhiệm nhỏ” (charge-master and younger charge) đã tạo nên một mối liên kết yêu thương giữa các con nhỏ tuổi và các con lớn tuổi hơn. Chúng thực sự thương yêu nhau, vì các cháu lớn đảm nhiệm phần quan yếu trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng các em trai em gái nhỏ. Đó quả là một ơn phúc và đã tạo nên một liên hệ hết sức đặc biệt, sẽ kéo dài suốt đời.

Về câu hỏi chúng tôi có phải thay đổi thái độ hay thực hành nào dựa vào các nhận xét của chúng không, chúng tôi phải khiêm hạ trả lời là không, không hề. Chúng tôi luôn cố gắng nuôi dưỡng các con với sự nâng đỡ và ơn thánh của Chúa, nhận được qua lời cầu nguyện và các bí tích. Chúng tôi lắng nghe trong cầu nguyện và hành động dựa trên sự soi sáng của Người. Lối sống của chúng tôi dựa trên phẩm trật các giá trị và ưu tiên, luôn lấy Chúa làm tâm điểm mọi điều chúng tôi làm.

Chúng tôi thường phải chọn con đường hẹp, không để con cái chạy theo đám đông, nhưng giúp chúng nhận ra giá trị của lối sống bác ái, nết na và đạo đức. Chúa là Đấng đã đào tạo nên con cái chúng tôi. Người đáng được công đối với mọi thiện ích đạt được. Giờ đây chúng tôi chỉ mong đợi hoa trái một đời kết hợp với Người. Chúng tôi diễm phúc được nghe chính con cái lớn tuổi nhìn nhận rằng chúng tôi “đúng” ngay trong các quyết định khó khăn. Chúng đã biến đức tin thành của riêng và đang sống cuộc sống của chúng dựa trên cùng những nguyên tắc và giá trị vốn được vun trồng trong đơn vị gia đình…”

Con cái và ơn gọi

Một số con cái của ông bà từng tham dự các chương trình tìm hiểu ơn gọi và thực tế, một người con trai của ông bà đang theo học tại một tiểu chủng viện. Được hỏi ông bà đã làm gì để cổ vũ tinh thần cởi mở đối với ơn gọi làm linh mục và tu trì, Bà Kathleen trả lời: “Các nhân đức quảng đại, phục vụ người khác, vô vị kỷ và có tinh thần trách nhiệm, từng được khai triển trong gia đình đông con, tiếp tục tự tỏ hiện trong các quyết định chọn ơn gọi hay chọn nghề nghiệp, được các con đã lớn của chúng tôi nhận biết như là ý Chúa dành sẵn cho chúng. Từ ngày cuốn sách của chúng tôi được xuất bản, một trong các con gái của chúng tôi đã hoàn toàn dâng mình cho Chúa Kitô trong bậc tận hiến ngoài đời (lay consecrated). Con gái lớn nhất của chúng tôi làm việc toàn thời gian cho Tổng Giáo Phận Chicago. Các con gái thuộc tuổi học đại học của chúng tôi đang chọn những nghề có thể sử dụng được nền giáo dục trong đức tin Công Giáo để phục vụ người khác trong các lãnh vực giáo dục, luật lệ, y khoa và tâm lý… Con trai tôi đang học ở tiểu chủng viện để nhận ra ơn gọi làm linh mục trong khi vẫn nhận được nền giáo dục tối ưu của bậc trung học và nền đào tạo trong đức tin Công Giáo. Mỗi đứa trong bẩy người con lớn nhất của chúng tôi đều đã tham dự các chương trình tìm hiểu lúc các cháu đang học trung học mong dành cho Chúa cơ hội đầu hết trong cuộc đời non trẻ của chúng. Điều ấy không ngẫu nhiên xẩy ra. Ngay từ đầu cuộc hôn nhân của chúng tôi, một cách mầu nhiệm, Chúa đã dẫn dắt để chúng tôi đặt Người làm tâm điểm gia đình và cuộc sống của chúng tôi. Thoạt đầu, việc ấy khởi diễn qua lời cầu nguyện bộc phát với Đức Mẹ, rồi Đức Mẹ dẫn chúng tôi tới Con Trai của Ngài. Và càng năng đọc kinh mân côi, chúng tôi càng được dẫn tới với Thánh Lễ hàng ngày và xưng tội hàng tuần trong tư cách toàn bộ đơn vị gia đình, và tới lòng yêu mến và hiểu biết đức tin mỗi ngày một gia tăng, và sau cùng là chấp nhận các giáo huấn của Giáo Hội.

Hiệu quả của việc trên đối với từng thành viên của gia đình khá rõ ràng qua phương cách chúng tôi sống cuộc sống và các quyết định mà chúng tôi đã tự chọn. Cuộc sống của chúng tôi lấy Chúa làm trung tâm vì sau cùng, chúng tôi biết rằng tại sao Người đã tạo nên chúng tôi. Chính là để biết, yêu và phụng sự Người và đem người khác đến chỗ làm như thế”

Kathleen Naab ghi lại cho Hãng Tin Zenit, ngày 12 tháng 1 năm 2009

Vũ Văn An