PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật II Thường Niên, năm B ( Trăm nghe không bằng Thấy )



Dan Lee
01-14-2009, 08:04 AM
CHÚA NHẬT II TN B

TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY

Sau Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa Phụng vụ đưa chúng ta vào hoạt động của Chúa Giêsu mà câu chuyện Anrê và Gioan gặp và khám phá ra Chúa là Đấng Mêsia có tầm quan trọng riêng cả trong lãnh vực Tông đồ, cả trong đời sống tâm linh của người môn đệ là tất cả chúng ta, những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần bởi Chúa Giêsu Kitô.

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: 1Sm 3,3b-10.19.

2. Bài đọc 2: 1 Cr 6.13-15a.17.20.

3. Bài Tin Mừng: Ga 1,35-42.


II. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1."Trăm nghe không bằng một thấy."

Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đức Giêsu và hai môn đệ đầu tiên là Anrê và Gioan thật lạ lùng, vì hai bên hỏi và trả lời nhau như những kẻ "nghễnh ngãng": "Các anh tìm gì thế? Thưa Thày, Thày ở đâu?" - " Đến mà xem" và "Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy".

Hai ông Anrê và Gioan là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Hiển nhiên là hai ông đã nghe Gioan giảng dạy và khẳng định nhiều lần và với nhiều hạng người rằng ông không phải là Đấng Mêsia, không cả là một ngôn sứ mà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Đức Chúa là Đấng sẽ đến sau nhưng cao trọng hơn ông bội phần. Khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa thì hai ông liền đi theo Đức Giêsu...Chắc hai ông sống trong tâm trạng vừa vui vừa mừng vừa hồi hộp vừa thấp thỏm vì không biết sự gì sẽ xẩy ra. Đức Giêsu không lý thuyết dài dòng mà rất cụ thể, rất thực tế: "Đến mà xem" Và kết quả là: "Chúng tôi đã thấy Đấng Mêsia". Đức Giêsu quả là một nhà sư phạm đại tài, biết người biết ta, biết chinh phục người khác. Thật đúng như cha ông ta vẫn nói: " Trăm nghe không bằng một thấy" tức nghe trăm lần không bằng nhìn thấy một lần.

2. Kinh nghiệm gặp Chúa là một kinh nghiệm riêng tư không ai làm thế cho ai được.

Nếu đi sâu vào tường thuật của Gioan, chúng ta không khỏi thắc mắc, vì điều chúng ta chờ đợi nhất thì Gioan lại không nói ra, không chịu bật mí. Trong thời gian một ngày mà hai ông Anrê và Gioan ở lại chỗ Đức Giêsu đã xẩy ra những chuyện gì? Hai bên đã nói với nhau những gì? Làm sao mà chỉ sau một ngày hai ông Anrê và Gioan tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia? Tại sao Gioan không có một lời nhỏ nào để tường thuật về điều quan trọng ấy? Gioan có chủ ý gì khi giữ "thinh lặng" (một sự thinh lặng huyền bí) về kinh nghiệm ấy? Phải chăng dụng ý của Gioan là muốn độc gỉa chúng ta biết rằng đó là một kinh nghiệm hết sức riêng tư và độc đáo của riêng ông nên ông không thể nói, kể và chia sẻ gì với người khác ngoài kết quả của kinh nghiệm gặp Chúa: "Chúng tôi đã thấy và đã tin!"

Vậy thì dụng ý của Gioan là nếu ai muốn có một kinh nghiệm gặp Chúa tương tự như ông, thì chỉ có một cách duy nhất là người đó hãy tìm đến với Đức Giêsu Kitô và ở lại bên Người. Không có một biện pháp "mì ăn liền" nào khác. Không thể sao chép, copy kinh nghiệm của người khác, vì mỗi người là một con người độc đáo, duy nhất trước mặt Chúa.

Kinh nghiệm gặp Chúa của Samuel được tường thuật trong trích đoạn 1 Sm 3, 3b.10-19 (bài đọc 1) cũng giống như thế.

3. Hãy tìm kinh nghiệm gặp Chúa cho chính mình và cho người khác.

Chúng ta biết có thể tìm gặp Chúa ở đâu và bằng cách nào. Giáo lý dạy chúng ta rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, trong tâm hồn chúng ta, trong mỗi một con người -nhất là người nghèo- cũng như trong cộng đoàn Giáo hội, trong Phép Thánh Thể cũng như trong Lời Chúa là Bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước. Nhưng Thiên Chúa còn hiện diện trong các biến cố xảy ra cho chúng ta và chung quanh chúng ta. Muốn gặp Chúa thì chúng ta phải biết biết kiên trì tìm kiếm: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7) ở những nơi ấy. Riêng người giáo dân phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Thiên Chúa trong các thực tại trần thế: đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội như Công đồng Vatican II đã dạy:

"Vì ơn gọi riêng, người giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách đảm nhận các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và nghĩa vụ của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội: tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Am, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ bộc lộ Chúa Kitô cho kẻ khác. Chính họ là người có nhiệm vụ đặc biệt phải soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và ngày một phong phú hơn lên theo Thánh Ý Đức Kitô, hầu ca tụng Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ" (HC tín lý về Giáo hội, số 31).

4. Hãy tìm kinh nghiệm gặp Chúa cho người thời nay.

Tuy chúng ta rất khó mà chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa và sống với Chúa của riêng mình cho người khác, nhưng kinh nghiệm ấy lại hết sức cần thiết để chúng ta có thể giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta. Nhìn vẻ bên ngoài, chúng ta dễ lầm tưởng rằng ngày nay con người, nhất là người trẻ, đang bị cuốn hút vào dòng xoáy của học hành và sự nghiệp, của công danh và tiền tài, của tiện nghi cuộc sống và thăng tiến xã hội, nên chẳng quan tâm đến đời sống tâm linh. Chắc chắn có một số người đang lâm vào tình trạng ấy. Nhưng không phải tất cả mọi người đều như thế. Vẫn có một số thành phần trong xã hội âm thầm khát khao và tìm kiếm Thiên Chúa. Trong cuộc hội thảo "Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại" do Uy ban Giám mục về Văn hóa tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn vào các ngày 11-13.12.2002 vừa qua, linh mục Vũ Khởi Phụng, Dòng Chúa Cứu Thế, khi trình bày đề tài "Linh mục, con nợ đặc biệt của người nghèo và người yếu đuối" đã đưa ra năm hạng người "đang cần và đang tìm đức tin". Đó là:

1. Anh chị em các dân tộc thiểu số,

2. Các bạn trẻ sinh viên, học sinh,


3. Những người gốc Công giáo, nhưng đã nhạt đức tin,

4. Những người có thành kiến, ác cảm hoặc lãnh đạm với đạo, nhưng sau đổi ý,

5. Những nạn nhân của các gia đình tan vỡ.

Cha Phụng gợi ý với các linh mục dự hội nghị là hãy quan tâm đến 5 hạng người kể trên, nhưng lại cho thấy thường thì anh chị em giáo dân - có khi chỉ là những người giáo dân rất nghèo - lại là những người tự động tìm đến với những anh chị em "đang cần và đang tìm đức tin" kia.

Muốn giúp đỡ anh chị em mình thực sự, mọi người chúng ta cần có kinh nghiệm tìm kiếm, gặp gỡ và sống với Chúa. Cả kinh nghiệm phản bội và từ chối Chúa của chúng ta cũng sẽ có ích cho công việc tông đồ này. Khi chúng ta sẽ chia sẻ những yếu đuối, sai lầm của mình và nhất là Tình Yêu và Sức Mạnh của Chúa thể hiện nơi mình cho anh chị em mình thì anh chị em sẽ gần gũi với chúng ta hơn và dễ cất bước đi tìm Chúa hơn. Nếu không có kinh nghiệm về cách Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác, làm sao ông Eli có thể giúp Samuel biết rằng tiếng gọi ban đêm kia là tiếngcủa Thiên Chúa. Châm ngôn người La Mã thời cổ: "Không ai cho cái mình không có" có thể được chúng ta chọn làm phương châm cho lãnh vực kinh nghiệm tâm linh này.

III. SỐNG LỜI CHÚA

1."Trăm nghe không bằng một thấy": Cùng với lời nói và lời giảng dạy (hoặc hay hơn là: trước khi nói và giảng dạy) tôi thể hiện tinh thần dấn thân và phục vụ của mình bằng những việc mắt có thể thấy và người khác có thể kiểm chứng được.

2. Không phải kiến thức về Chúa mà là kinh nghiệm gặp và sống với Người mới là điều tối quan trọng cho đời sống đức tin: tôi sẽ bỏ công sức vào việc tìm kiếm và sống với Chúa trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, cộng đồng, xã hội của mình.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con một bài học để đời: "Trăm nghe không bằng một thấy" khi Chúa tiếp đón và khai mở cho Anrê và Gioan vào con đường làm môn đệ của Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7). Chúng con rất khát khao gặp Chúa và muốn sống với Chúa. Chung quanh chúng con cũng có nhiều người khát khao gặp Chúa và muốn sống với Chúa như chúng con. Xin Chúa mở lòng, mở trí, mở mắt, mở tai. .. chúng con để ai nấy tỉnh thức, bén nhạy trước các tín hiệu mời gọi, hẹn hò của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa "ráp nối" chúng con vào với Chúa Giêsu Kitô.


Giêrônimô Nguyễn Văn Nội