PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (65)



Dan Lee
01-10-2009, 12:27 AM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (65)

641. Phép Rửa Tội làm cho chúng ta được trở nên con của Chúa

Chúng ta được trở nên con của Chúa nhờ Phép Rửa Tội.
Khi chịu Phép Rửa Tội, chúng ta nhận lấy mầm giống của Thiên Chúa, chúng ta được sinh ra làm con của Chúa.
Khi dạy giáo lý cho ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói rõ:
- “Tôi bảo thật, nếu ai không sinh lại thì không được thấy nước Đức Chúa Trời.”
Thấy ông Nicôđêmô bỡ ngỡ, Chúa Giêsu cắt nghĩa:
- “Tôi bảo thật, nếu ai không sinh ra bởi nước và bởi Chúa Thánh Thần, người đó không thể nào vào được nước Đức Chúa Trời. Sự gì sinh ra bởi xác thịt thì là xác thịt, và sự gì sinh ra bởi Thánh Linh là Thần Linh.”
Qua những lời nầy của Chúa Giêsu, chúng ta thấy ngài đề cập đến hai cuộc sinh ra: một cuộc sinh ra tự nhiên do cha mẹ, một cuộc sinh ra siêu nhiên do ơn nghĩa thánh do Phép Rửa Tội mang lại.
Như thế, mỗi người trong chúng ta được sinh ra hai lượt: lượt trước, chúng ta được cha mẹ sinh ra làm con người; lượt sau, khi chịu Phép Rửa Tội, chúng ta được Chúa cho sinh ra làm con của Chúa.

642. Tôi là con của Chúa: Chúa yêu tôi vô cùng!

Người ta có thể yêu tôi nhiều hay ít, tùy theo tôi giàu sang hay nghèo hèn, đẹp đẽ hay xấu xí, danh tiếng hay vô danh.
Người ta yêu tôi qua bộ áo tôi mặc, qua chức tước tôi mang, qua món đồ trang sức hào nhoáng tôi mang bên ngoài. Đó là một tình yêu có điều kiện, có giới hạn, vì không có những điều kiện nầy, người ta sẽ không còn yêu tôi nữa.
Trái lại, Chúa yêu tôi vô cùng.
Không phải vì thấy tôi tội lỗi, yếu đuối, khốn nạn mà Chúa thất vọng không yêu tôi nữa, nhưng chính vì thấy tôi tội lỗi, yếu đuối, khốn nạn, mà Chúa lại càng yêu tôi hơn nữa.
Chúa yêu tôi vì tôi là tôi.
Chúa yêu tôi như tôi là tôi, chứ không phải như tôi giống một ai đó.
Chúa không muốn tôi giống ai.
Chúa chỉ muốn tôi giống Chúa mà thôi, chỉ muốn tôi giống Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô mà thôi.
Giữa triệu triệu, ức ức, tỉ tỉ người, Chúa yêu thương tôi một cách trọn vẹn, một cách đặc biệt, một cách lạ lùng!
Thật, Chúa yêu tôi vô cùng!

643. Tôi là con của Chúa: Chúa yêu tôi đến cùng!

Người ta có thể yêu tôi, nhưng họ cũng có thể dễ dàng chán ghét tôi, hoặc bỏ rơi tôi, hoặc lãng quên tôi.
Khi biết rõ tôi có những khuyết điểm nầy, có những tật xấu nọ, có những thiếu sót kia, người ta liền bĩu môi, khinh dể, và không còn yêu tôi nữa.
Và khi tôi chết, thì sức mấy mà ai còn nhớ đến tôi nữa: khi đó, tôi sẽ bị người ta quên lãng, vì - than ôi ! - trái tim người sống thường là cái mồ chôn sâu người chết trong quên lãng.
Trái lại, Chúa không bao giờ chán ghét tôi.
Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi.
Chúa không bao giờ thất vọng về tôi.
Chúa không bao giờ làm điều gì mất lòng tôi.
Chúa yêu tôi mãi mãi.
Chúa yêu tôi đến cùng.
Dẫu tôi nhiều khi yếu đuối, dẫu tôi nhiều lúc lỡ lầm, dẫu khi tôi bạc nghĩa vong ân, Chúa vẫn luôn bằng lòng, vẫn luôn nhẫn nhục, vẫn luôn sẳn sàng tha thứ, vẫn luôn kêu mời tôi yêu Ngài lại. Chúa không bao giờ thất vọng khi thấy tôi yếu đuối, tội lỗi.
Chúa là Đấng không bao giờ thay đổi trong tình yêu: trước khi tôi sinh ra, Ngài đã yêu tôi; khi tôi đang sống trên cuộc đời tạm bợ nầy, Ngài hằng yêu tôi; và sau khi tôi chết, Ngài sẽ đón tôi vào trái tim tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời.

644.Tôi là con của Chúa: Chúa luôn quan tâm đặc biệt đến tôi.

Vì yêu tôi, Chúa biết rõ tôi từng chi tiết.
Người nào nói yêu tôi mà không hiểu biết gì về tôi, người đó chỉ nói yêu tôi ngoài miệng mà thôi, chứ không yêu tôi thật trong lòng.
Trái lại, Chúa yêu tôi thật.
Chúa biết rõ mặt mủi của tôi.
Chúa không lộn tôi với người nầy hay người khác như người ta thường lộn.
Chúa biết rõ tên tôi, tên họ, tên gia đình, tên riêng của tôi, tên mà đôi khi bạn bè nghịch ngợm gán cho tôi.
Chúa biết rõ tính tình của tôi, sở thích của tôi, tính tốt cũng như nết xấu của tôi.
Chúa biết vanh vách lịch sử của cuốn sách đời tôi, biết rõ từng trang một.
Chúa theo dõi tôi một cách sít sao, theo dõi từng bước một, theo dõi từ khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, theo dõi từ khi tôi vừa lọt lòng ra khỏi bụng mẹ, từ khi tôi mở mắt chào đời, từ khi tôi được mẹ đặt nằm trong nôi, và Chúa theo dõi tôi cho đến ngày kia khi tôi xuôi tay bất động, được người ta đặt nằm trong hai miếng gỗ.

645. Tôi là con của Chúa: Chúa săn sóc tôi từng li từng tí.

Không một sự đau khổ nào tôi chịu mà Chúa không chia xớt.
Không một sự phiền muộn nào tôi trải qua mà Chúa không an ủi.
Không một nỗi lo âu thầm kín nào của tôi mà Chúa không giải đáp. Không một tiếng kêu than nào tôi thốt ra mà Chúa không lắng nghe.
Chúa luôn gần gũi tôi.
Chúa luôn ở bên cạnh tôi.
Chúa luôn ở trong lòng tôi.
Chúa truyền cho thiên thần đêm ngày gìn giữ tôi, canh gác tôi.
Và đến đỗi một sợi tóc trên đầu tôi rơi xuống hôm nay, cũng do tình yêu của Chúa cho phép, nó mới rụng xuống được.

646. Thành khẩn xin lỗi khi bạn phải rút lại lời hứa

Khi chúng ta phải rút lại lời hứa, chúng ta cần biết xin lỗi và phải là thực tâm xin lỗi.
Đại loại những lơì thực tâm sau đây mang lại những tác động rất sâu sắc:
- “Tôi sai rồi.”
- “Tôi lấy làm buồn vì điều ấy.”
- “Tôi không giữ đúng lời, tôi thực tình xin lỗi.”
- “Xin lỗi! Tôi làm cho bạn khó xử trước mặt bạn bè vì tôi không hẹn với bạn để làm điều đó.” (Thói Quen Của Người Thành Đạt)

647. Giá trị của nụ cười

1. Một nụ cười chẳng mất vốn, mà lợi thật nhiều.
2. Một nụ cười không làm nghèo người phát nó, nhưng làm giàu người nhận nó.
3. Một nụ cười chỉ nở trong khoảnh khắc, nhưng có khi làm cho ta nhớ tới suốt đời.
4. Kẻ phú quý tới bực nào mà không có nó thì cũng vẫn còn nghèo; còn kẻ nghèo hèn tới đâu, mà sẵn có nó, thì vẫn còn cái vốn vô tận.
5. Nụ cười gây hạnh phúc trong gia đình. Nó là nguồn gốc những hảo ý trong thương nghiệp và là dấu hiệu của tình bè bạn.
6. Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc. Nó là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng xuân cho kẻ buồn rầu, và là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo Hoá để chữa lo âu.
7. Nụ cười không thể mua được, không thể xin như khất thực được, không mượn được, mà cũng không thể ăn cắp được. Vì ta khư khư giữ nó thì nó chẳng có giá trị gì, nhưng nếu ta dùng nó một cách hào phóng thì giá trị nó vô cùng.
8. Cho nên, khi bạn gặp một người mệt mỏi, không còn sức tươi cười với bạn được, thìd bạn hãy mỉm cười với người đó đi. Vì người nào không còn lấy một nụ cười để tặng kẻ khác, người đó cần nhận một nụ cười hơà nội ai hết.
Vậy, nếu bạn muốn được thương mến, xin nhớ giữ nụ cười trên môi. (Fletcher) (Đắc Nhân Tâm: Bí Quyết Thành Công)

648. Hãy không ngừng học hỏi!

Chỉ có một cách để cải tiến mọi thứ. Quá trình đó đến từ việc học hỏi.
Bạn có thể học hỏi thông qua một giáo viên, một cuốn sách, hoặc từ kinh nghiệm và sự hiếu kỳ của mọi người.
Nhưng bất kể nguồn gốc của nó là gì, việc học không chỉ là điều cốt lõi của sự phát triển xã hội, mà còn là sự tiến bộ của con người.
Quyết tâm và tận lực để tiếp tục việc học là sự quyết tâm và tận lực tiếhành phố tục cuộc sống đích thực, và không chỉ sống như bạn luôn luôn có, mà phải sống như bạn thật sự có thể. (100 Bí Quyết Đơn Giản Để Vui Sống Trong Nửa Đời Còn Lại Của Bạn)

649. Hãy sống thành thật và biết giữ lời hứa!

Thành thật và biết giữ lời hứa là thước đo dùng để đánh giá phẩm hạnh của mỗi con người.
Chiếc thước nầy thích hợởptong việc đánh giá phẩm chất của con người trong mọi thời đại ở mọi nơi trên thế giới.
Thành thật, biết giữu lời hứa, không những là đức tính của con người có phẩm hạnh tốt, mà quan trọng hơn, nó sẽ làm cho người khác tin tưởng bạn, nhờ đó, nó sẽ giúp bạn thành công trong côngb việc củab mình. (Biết Người, Biết Mình)

650. Muốn thành công, hãy làm chủ bản thân và luôn cố gắng vươn lên.

Muốn trở thành một người làm nên sự nghiệp, dù thế nào chăng nữa, đều cần phải học cách nắm vững tư tưởng, tình cảm của mình, điều tiết tâm trạng của mình, bất kể là buồn rầu ủ rũ, chán nản thất vọng, hay nhụt chí, đều cần phải cưỡng bức mình cố gắng làm việc.
Sở dĩ nhiều người bị thất bại, đều không phải do hoàn cảnh tạo ra, mà do trong lòng họ không có chí khí, không có nghị lực bền bỉ, sống buông thả, hoàn toàn không muốn vươn lên để tiến đến thành công, lười biếng thích hưởng lạc, chạy theo những ham muốn thấp hèn, thường tạo nên thói quen thích ăn chơi phóng túng, lười lao động.
Trong khi mọi người phấn đấu nổ lực vươn lên, thì càng phải khích lệ động viên mình.
Nếu một người không cam chịu là kẻ tầm thường kém cỏi, thì cần phải rèn luyện thành thói quen, thường xuyên giám sát mình chặt chẽ; hơn nữa, phải luôn giữ tinh thần phấn đấu vươn lên. Bởi vì thành công của một người cao hay thấp, là tùy thuộc vào chí hướng của người đó cao hay thấp.
Khi nhụt chí thì cuộc sống trở nên bất lực, yếu đuối. Mọi động lực phấn đấu cũng theo đó mà giảm sút. (Những Đạo Lý Mà Thanh Niên Cần Phải Có)

LM Nguyễn Vinh Gioang