PDA

View Full Version : DĐ - Dọn lòng như Mẹ Maria (Mùa Vọng - IV - Năm B)



Dan Lee
12-16-2008, 04:40 PM
Mùa Vọng - IV - Năm B

DỌN LÒNG NHƯ MẸ MARIA


I.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1) Ý CHÍNH : DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA ĐẾN NHƯ MẸ MARIA

Câu chuyện sứ thần Ga-bri-el được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho trinh nữ Maria giúp chúng ta nhận biết tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong việc thực hiện lời hứa cứu độ loài người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng việc ban ơn và muốn được loài người cộng tác đón nhận. Qua câu chuyện truyền tin hôm nay, thái độ của Đức Maria lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn "Xin Vâng" chính là thái độ tích cực cộng tác mà Giáo Hội muốn các tín hữu chúng ta thực hiện để đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp đến.

2) CHÚ THÍCH :

- Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria. (Lc 1,26-27) :

+ Sáu tháng trước, Da-ca-ri-a đã được sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin khi đang thi hành chức vụ tư tế trong đền thờ. Sứ thần hứa với ông rằng : dù tuổi cao, nhưng bà Ê-li-sa-bét sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông sẽ đặt tên cho nó là Gioan. Đứa trẻ này có sứ mệnh đi trước dọn dường cho Đấng Thiên Sai. Vì không tin lời sứ thần nói có thể xảy ra được, nên Da-ca-ri-a đã bị câm không nói được. Điều này không những là một hình phạt, mà còn là dấu chỉ chứng minh điều sứ thần nói chắc sẽ xảy ra. Quả vậy, sau khi Da-ca-ri-a về nhà được ít lâu, thì bà Ê-li-sa-bét vợ ông đã có thai. Bà đã ẩn mình trong nhà không tiếp xúc với bất cứ ai suốt 5 tháng trời (x. Lc 1,5-25). Đến tháng thứ sáu thì sứ thần lại được Chúa sai đến truyền tin cho Maria.

+ Gáp-ri-en : là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15; Gd 9; 1Tx 4,16), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là : Mi-ka-en, Ra-pha-en và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau : Mi-ka-en nghĩa là "Ai bằng Thiên Chúa" (Đn 10,13-21; 12,1), Ra-pha-en là "Thiên Chúa chữa lành" (Tb 3,17) và Gáp-ri-en là "Anh hùng của Thiên Chúa" (x.Đn 8,16; 9,21).

+ Trinh nữ hay thiếu nữ : Thông thường chỉ có nghĩa là một cô gái chưa có chồng. Riêng về đức trinh khiết của Đức Maria sẽ được gián tiếp đề cập đến qua câu ngài thưa với sứ thần : "Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam" (Lc 1,34). Theo lời tuyên sấm của tiên tri I-sai-a thì : Việc một hài nhi được một bà mẹ thụ thai cách trinh khiết là một dấu chỉ của Đấng Cứu Thế ( x.Is 7,14; Mt 1,23).

+ Đã đính hôn : Từ khi đính hôn, Giuse và Maria được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái được sinh ra trong thời kỳ này cũng là con chính thức. Tuy nhiên theo phong tục của dân Do thái thì việc kết hôn chỉ thành sự khi đàng trai đứng ra tổ chức lễ cưới để đón rước cô dâu về nhà chồng (x, Mt 1,18).

+ Thuộc nhà Đa-vít : Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước như: Ngài phát xuất từ gốc tổ Gie-se cha của Đa-vít (x. Is 11,1;1 Sm 16,3.12); Ngài sẽ sinh tại Bê-lem quê hương vua Đa-vít (x.Mk 5,1; 1 Sm 16,4).

+ Ma-ri-a hay Mi-ry-am : là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do Thái đương thời. Để phân biệt khi có sự trùng tên, người ta thường thêm một biệt danh vào sau tên gọi. Chẳng hạn : Maria Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Maria Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Maria mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Maria vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Maria mẹ Gio-an (x. Cv 12,12)… và Trinh nữ Maria thân mẫu Chúa Giêsu (x. Ga 19,25).

- Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : "Mừng vui lên, hởi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì (Lc 1,28-29) :

+ "Mừng vui lên" không phải là kiểu chào thường ngày của người Do thái, nhưng là lời chào trong những trường hợp đặc biệt, dành riêng cho những người được gặp Thiên Chúa và được ơn Ngài cứu độ : "Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỉ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò !" (Dcr 9,9)

+ "Đầy ân sủng": là một tước hiệu dành riêng cho Maria, một người trong sạch và vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội và được Chúa luôn ở cùng.

+ "Bà bối rối và tự hỏi" : Khác với thái độ "bối rối và sợ hãi" của tư tế Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Maria chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩ của lời Chúa vừa mặc khải cho mình (x. Lc 1,34 và 2,19)

- Sứ thần liền nói : "Thưa bà Maria xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận" (Lc 1,30-33):

+ Sứ thần giải thích cho Maria biết về sứ mệnh làm mẹ hài nhi Giêsu. Giêsu nghĩa là "Cứu Chúa" (x. Mt 1,21) hay là "Đấng Cứu Thế" (x. Lc 2,11)

+ "Con Đấng Tối Cao": đồng nghĩa với "Con Thiên Chúa". Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các vị vua thuộc dòng tộc Đa-vít. Sứ thần ám chỉ Chúa Giêsu là vua thuộc nhà Đa-vít. Ngài sẽ lên ngôi báu cai trị dân Israel, và triều đại của ngài sẽ vững bền mãi mãi.

- Bà Maria thưa với sứ thần : "Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (Lc 1,34)

+ So sánh thắc mắc của Maria với thắc mắc của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,18) : tuy cả hai cùng đưa ra câu hỏi, nhưng lại phát xuất từ hai tâm trạng khác nhau : Câu hỏi của Da-ca-ri-a biểu lộ sự hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa. Ông đã bị phạt cấm khẩu không nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ cho thấy việc bà Elisabét vợ ông sinh con là điều chắc chắn sẽ xảy ra (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Maria thì biểu lộ lòng tin : Maria muốn tìm biết rõ thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Maria đã được sứ thần ca tụng là Đấng "đầy ơn phúc hằng làm đẹp lòng Thiên Chúa" (x. Lc 1,30) và bà Êlisabét cũng khen ngợi Maria là người "diễm phúc" vì đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện (x. Lc 1,45).

+ "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam !" : "Biết" theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là "sự giao hợp vợ chồng". Thắc mắc của Maria ở đây không chứng minh Maria đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh như các người lầm tưởng, vì động từ "Biết" ở đây ở thì hiện tại. Qua câu này, Maria chỉ thắc mắc là : làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay được, khi mà Maria mới chỉ đính hôn chứ chưa được Giuse tổ chức lễ cưới để đón rước về nhà chồng ?

- Sứ thần đáp : "Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35) :

+ Sứ thần giải thích cho Maria hiểu rằng : Vì được Chúa tuyển chọn để thi hành sứ mệnh làm Mẹ Đấng Thiên Sai, nên Maria phải được thụ thai một cách đặc biệt do quyền năng Thánh Thần, đúng như tiên tri I-sai-a đã tuyên sấm là : Đấng Cứu Thế sẽ được thụ thai và sinh ra bởi một Trinh Nữ (x. Is 7,14).

+ "Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà" : kiểu nói "rợp bóng" nhắc lại sự kiện xảy ra thời Xuất Hành khi dân Do thái đang đi trong hoang địa để về Miền Đất Hứa. Bấy giờ Thiên Chúa luôn ở giữa dân Ngài bằng một cột mây rợp bóng che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Rợp bóng cũng ám chỉ sự bang trợ của Thiên Chúa tương tự như chim phượng hoàng giang rộng đôi cánh để bao phủ và che chở Is-ra-en là con dân của Ngài (x.Tv 17,8).

+ "Đấng Thánh "sắp sinh ra sẽ là "thánh" : "Thánh" nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Hài nhi sắp sinh sẽ được "hiến thánh", được dâng cho Chúa để chu toàn sứ mệnh cứu thế.

- Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. (Lc 1,36-37):

+ Ngoài ra, để chứng minh cho Maria thấy quyền năng cao cả của Thiên Chúa, sứ thần đã cho Maria biết về trường hợp bà chị họ Elisabét tuy cao tuổi và hiếm hoi, thế mà cũng được Chúa ban cho có thai được 6 tháng rồi.

- Bấy giờ bà Maria nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi ( Lc 1,38) :

+ Khi tự nhận mình là "Nữ tỳ của Chúa", Maria đã biểu lộ sự tin kính và yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa.

+ "Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" hay : "Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" : Nói câu này, Maria đại diện cho nhân loại để đón nhận ơn cứu độ do Thiên Chúa ban cho. Thực vậy, ngay sau lời thưa "xin vâng", mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đã được thực hiện : Thánh Thần tác động làm cho Trinh Nữ Maria thụ thai, mà không cần đến việc tri giao vợ chồng (x Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời đã "xuống thế làm người", nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng Emma-nu-en nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (x Mt 1,23). Như vậy Chúa Giêsu chỉ có một Ngôi Vị là "Ngôi Con" hay "Ngôi Lời" Thiên Chúa, nhưng lại có hai Bản Tính vừa là Thiên Chúa vừa là loài người.

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1. KHAO KHÁT TÌM THÁNH Ý CHÚA:

+ Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và chào : "Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà. Nghe lời chào ấy, Bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì" (Lc 1,28-29). Đứng trước một biến cố lớn lao bất ngờ, Maria đã bối rối. Nhưng sự bối rối ấy không do hoang mang nghi ngờ như Da-ca-ri-a, mà do tâm hồn luôn khao khát đi tìm Thánh Ý Chúa.

+ Về phần chúng ta thì thế nào? Đối diện với những biến cố xảy ra trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta chỉ biết than van kêu trách Chúa đã không thương mình, mà không thử tìm xem Chúa múôn nói gì với chúng ta qua những biến cố ấy. Chúa Giêsu vẫn thường đi qua cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta đã không gặp được Ngài vì không muốn gặp. Nhiều lần Chúa đã đứng ngoài cửa tâm hồn của chúng ta và gõ, nhưng chúng ta đã không nghe thấy nên không mở ra đón rước Ngài.

2. XIN VÂNG Ý CHÚA :

+ Mẹ Maria luôn sống Xin Vâng trong cả cuộc đời. Khi sứ thần truyền tin, dù chưa hiểu rõ mọi điều, nhưng Mẹ đã xin vâng. Rồi trong các biến cố sau đó trong cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ luôn ghi nhớ mọi điều xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,19). Mẹ quyết tâm làm trọn sứ mệnh được Chúa trao cho. Lời thưa Xin Vâng quan trọng nhất là khi đứng kề bên cây thập giá trong cuộc khổ nạn của Con, Mẹ chứng kiến cảnh Chúa Giêsu bị quân lính cầm lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn (x. Ga 19,25-34), ứng nghiệm lời ông già Si-mê-on đã tiên báo : "Này đây một lưỡi gươm sắt sẽ đâm thâu tâm hồn Bà" (x Lc 2,35)

+ Lời thưa "Xin Vâng" cũng phải là lời của các tín hữu chúng ta trong mọi lúc mọi nơi : Khi gặp may lành ta xin vâng và cảm tạ hồng ân Chúa ban. Nhưng ngay cả những lúc gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng vẫn phải cảm tạ Ngài và "Xin Vâng" như Mẹ Maria, vì biết rằng : mọi sự Chúa để xảy ra cho chúng ta đều tốt đẹp và hữu ích cho phần rỗi chúng ta : "Tất cả đều là hồng ân" (x. 1 C 15,10). Mỗi khi gặp điều gì trái ý, chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu để cầu nguyện như sau : "Cha ơi, nếu được, thì xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha" (Mt 26,39)

3. TIN VÀO THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG :

+ ĐỨC TIN CỦA FULTON OURSLER : Vào một buổi chiều đông tiết trời lạnh giá, FULTON, một người đã mất Đức Tin và không đến nhà thờ nhiều năm, giờ đây đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi qua đại lộ có Nhà Thờ Chánh Tòa của Thành phố Nữu Ước. Tự nhiên ông thấy như có một sức mạnh vô hình cuốn hút ông đi vào trong Nhà Thờ và đến quì trước tương Đức mẹ Maria đặt tại gian nhà nguyện bên hông Nhà Thờ. Sau một hồi im lặng, tự nhiên Fulton mở miệng ra cầu nguyện như sau : " Lạy Mẹ Maria, có thể chỉ một giây lát nữa thôi là con lại thay đổi ý nghĩ bây giờ để tiếp tục bài bác chế diễu các việc con đang làm và quay trở lại con đường vô tín của con. Nhưng lúc này con cảm thấy tâm hồn con thật bình an, dù đang gặp nhiều khó khăn. Xin Mẹ giúp con thêm Đức Tin". Ngay lúc đó, Fulton cảm thấy có một điều gì đó thật kỳ diệu xảy ra nơi ông và biến đổi ông trở thành một người mới. Ông đã có lại Đức Tin và trở thành một chiến sĩ nhiệt thành truyền bá Đức Tin. Cũng từ ngày đó, ông luôn kết hiệp với Mẹ Maria để làm chứng cho Chúa Giêsu bằng một cuộc sống khiêm nhường cậy trông phó thác và đầy tinh thần vị tha bác ái.

+ Thực ra, việc biến đổi những người vô tín để họ nhận biết tôn thờ Thiên Chúa, cũng như việc đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội như : Sì-ke ma-túy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giựt... qủa thật là điều khó lòng thực hiện được chỉ với khả năng giới hạn của chúng ta, nhưng không phải là điều khó làm đối với Thiên Chúa, vì : "Không có gì mà Chúa không làm được" (Lc 1,37). Để việc tông đồ truyền giáo, là một việc vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta đạt kết quả, thì chúng ta cần phải liên kết với Chúa Giêsu và nhờ quyền năng của Ngài trợ giúp như Ngài đã nói : "Thầy là cây nho, các con là ngành. Ngành nào kết hiệp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái... Vì không có Thầy, các con chẳng làm được gì" (Ga 15,5).

III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) Lạy Chúa,

chỉ còn ít ngày nữa là tới đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Chung quanh chúng con, người người đang tấp nập mua sắm và trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị mừng lễ. Nhưng có lẽ điều Chúa muốn chúng con phải làm lúc này là chuẩn bị tâm hồn bên trong, làm cho lòng trí chúng con trở thành một cái hang đá trong sạch và đầy tràn ánh sáng của Chúa, xứng đáng đón rước Chúa đến ngự trong Đêm Giáng Sinh.

Xin Chúa giúp chúng con thật lòng sám hối tội lỗi, quyết tâm làm những việc tốt là khiêm nhường phục vụ tha nhân. Nhất là cho chúng con biết lưu tâm chia sẻ tình thương cho những người nghèo khổ đáng thương như : các cụ già cô đơn không nơi nuơng tựa, các trẻ khiếm thị khuyết tật, các trẻ mồ côi phải lang thang kiếm sống nơi đầu đường xó chợ, và hết những bệnh nhân yếu đau liệt giường mà không có tiền để chữa trị.. . nhờ đó chúng con xứng đáng được đón rước Chúa đến và ban dồi dào hồng ân cho chúng con trong Mùa Giáng Sinh này.

* X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

2) Lạy Mẹ Maria,

mỗi lần gặp phải sự khó khăn hoạn nạn, chúng con thường chỉ biết kêu trời trách đất, hoặc tệ hơn như người ta thường nói : "Hữu sự vái tứ phương", chúng con lại đi tìm sự trợ giúp nơi những con người hành nghề mê tín dị đoan như : thầy bói, cầu cơ, đồng cốt... đang khi lẽ ra chúng con phải một lòng cây trông vào quyền năng của Chúa, chạy đến ẩn mình dưới sự phù trì che chở của Chúa và xin ơn Chúa soi sáng để biết mình phải làm gì theo Thánh Ý Chúa ? Đồng thời, phải biết nhờ Mẹ Maria và các thánh cầu bầu , noi gương Mẹ đã làm để giúp đôi tân hôn tại tiệc cưới Ca-na xưa.

Vậy xin Mẹ giúp chúng con biết lắng nghe lời Chúa phán, tìm biết Thánh Ý Chúa qua mỗi biến cố cuộc sống, và sẵn sàng mở lòng để thưa "xin vâng" như Mẹ đã làm xưa.

* X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


Lm Đan Vinh