PDA

View Full Version : T - Tỉnh Thức, Mong Đợi, Cầu Nguyện. (Chúa Nhật I mùa vọng - Năm B )



Dan Lee
11-30-2008, 01:54 AM
TỈNH THỨC, MONG ĐỢI, CẦU NGUYỆN (Mc 13:33-37)

Nước Mỹ đang trong tuần mừng Lễ Tạ Ơn, ThanksGiving Day. Thời buổi kinh tế yếu kém, ai cũng giới hạn tránh những chuyến vui chơi xa “long-weekend”, nhưng lại thấp thỏm chuẩn bị mong đợi từng giờ từng phút cho ngày Black Friday sau đó. Vì năm nào cũng thế, ngày Thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn luôn luôn là ngày Các Cửa Hàng Buôn Bán trên toàn quốc có thói quen đại hạ giá, on sale 50% hoặc 75% giá thành sản phẩm. Dân chúng Mỹ không ai bảo ai, sẵn sàng hy sinh thức khuya đến xếp hàng trước các cửa tiệm khi trời còn tờ mờ sáng. Họ sốt ruột mong chờ giờ mở cửa mau đến, với hy vọng ưu tiên mua được sản phẩm mình muốn theo giá rẻ mạt.

Mùa Vọng, mùa chuẩn bị đón mừng Chúa đến lần I trong đêm Giáng Sinh và mong đợi Chúa lại đến lần II trong ngày thế mạt, ngày sau cùng của vũ trụ. Điều mong đợi chưa xảy ra, tâm tình chờ đón càng sốt ruột, thổn thức: đi ra đi vào đứng ngồi không an tâm. Chẳng khác gì các trinh nữ thắp đèn chờ chàng rể đến, không lạ gì người đầy tớ tỉnh táo chờ đợi chủ đi xa trở về.

A. Thái độ mong mỏi, chờ đợi.

Bình thường, khi mong đợi sự gì sắp xảy đến, tâm trí con người luôn tập trung, não bộ hồi hộp căng thẳng. Thời gian càng phôi phai, việc mong ước chưa thành, năng lực lại dễ héo mòn thêm.

† Xa cách gia đình đã 30 năm, nay người con tha hương về thăm cha mẹ già yếu tại quê nhà, ắt hẳn tâm tư kẻ đăng trình luôn hồi hộp nôn nóng, bao nhiêu thương nhớ chờ đợi bổng ngập tràn dâng cao ...khi hội ngộ người thân.
† Hai người yêu nhau hẹn gặp nhau tại công viên thành phố. Chàng sốt ruột đi đến chỗ hẹn sớm, chưa thấy bóng người tình, lòng nôn nao khó tả. Từng phút giây chờ đợi trôi qua, mỗi thời gian lắng đọng là biết bao nhịp đập thẩn thờ.
† Vợ chồng hiếm muộn đã 10 năm sống chung, chưa có hoa trái tình yêu. Nay bác sĩ báo tin vui bất ngờ: người vợ có thai được 2 tháng rồi. Người chồng hớn hở chờ đợi suốt 7 tháng còn lại, thổn thức đếm từng ngày mong mỏi đứa con cầu tự sắp chào đời.

B. Sư mong mỏi, chờ đợi của dân Chúa.

1. Dân Do Thái bị lưu đày Babylon đầy khốn khổ. Trong đau đớn cùng cực, họ nhận thức “đã lạc xa đường Chúa, tâm hồn trở nên chai đá không còn biết kính sợ Chúa”. Israel không ngại tự thú “chúng con đã phạm tội, đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi”. Bởi thế, họ mong Chúa tha thứ, đợi chờ Chúa đến cứu thoát họ: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống...” (Is 63 và 64).

Thiên Chúa đã lắng nghe lời con cái nài van, ban cho họ Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi nhưng họ lại không chấp nhận, tiếp tục mong chờ một Đấng Messia khác theo như lòng họ mong muốn.

2. Khi cho các tông đồ biết sự sụp đổ tương lai của thành Giêrusalem, cùng những hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ sẽ có, chiến tranh loạn lạc, bệnh tật khắp nơi...nhiều tai ương xuất hiện trước ngày Con Người quang lâm. Các tông đồ lo lắng hỏi Chúa: “Bao giờ những việc ấy sẽ xảy đến?”. Chúa nói rõ với các ông: “Ngày giờ ấy không ai biết rõ được, dù cả Thiên Thần hay người Con cũng chẳng rõ, chỉ mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:15-36).

Thế nên, trong khi chờ đợi ngày ấy đến, dân Chúa cần “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể đứng vững trước mặt Con Người”

3. Trước khi lìa bỏ các môn đệ trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hứa: Ngài sẽ không để các ông mồ côi, Ngài luôn ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế. Bởi đó, sau khi Chúa về trời rồi, nhiều người vẫn tưởng rằng Chúa sẽ trở lại nay mai. Dân thành Thessalonica không chịu làm ăn, đêm ngày cứ cầu nguyện đợi chờ mong Chúa đến. Thánh Phaolô phải cảnh tỉnh họ: “Ai không chịu làm, thì đừng ăn” (2 Thess 3:10).

† Một truyền thuyết thuật lại: năm 430, có một nhóm thầy dòng miền Alexandria khoảng 300 tu sĩ, tin rằng Chúa sắp đến gần kề. Họ chia thành 6 nhóm anh em, đêm ngày vừa trực cửa Tu Viện, vừa cầu nguyện liên lỉ mong giờ Chúa đến. Chờ hoài không thấy Ngài xuất hiện, các thầy dần dần lơ là kinh nguyện, mòn mỏi hy vọng theo tháng ngày. Dân trong vùng biết chuyện gọi họ là “những Thầy không ngủ”.

C. Mong đợi Chúa đến: Tỉnh thức và cầu nguyện.

Kitô hữu tin rằng: chắc chắn Chúa sẽ trở lại thế trần này trong tương lai.

“Lạy Chúa! Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” ( lời tung hô sau Truyền Phép trong thánh lễ ).

Vì thế, thái độ cần thiết lúc này để đón Chúa đến với ta: tỉnh thức và cầu nguyện.

Thánh Phaolô đã khuyên dạy: “Đêm sắp tàn, ngày gần tới. Anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí sự sáng để chiến đấu” (Rm 13:10).

1. Tỉnh thức bằng việc giữ lòng thanh sạch, luôn có Chúa ở cùng ta.

† quen làm ăn buôn gian bán dối, lấy lời cắt cổ...Hãy bỏ tính tham lam, làm giàu bất chính.
† thường xuyên khô khan đạo lý, xa Chúa lâu nay...Hãy quyết tâm trở lại, xưng tội rước lễ trong mùa Vọng, chuẩn bị máng cỏ tâm hồn để Chúa ngự vào lòng mình.
† ưa ăn nói ba hoa chích choè mất lòng mọi người...Hãy cẩn ngôn, uốn lưỡi lâu hơn trước khi phát biểu.

2. Tỉnh thức bằng sự chu toàn bổn phận việc đời, việc đạo...mà Chúa đã trao ban cho ta.

† việc Đời: trách nhiệm làm cha mẹ với con cái, bổn phận vợ chồng với nhau, nghĩa vụ làm con trong gia đình...luôn đầy đủ tốt đẹp.

† việc Đạo:
* Chúa đã đến với ta trong Nhiệm tích Thánh Thể: chăm lễ lạy hàng tuần, sốt sắng dự giờ Chầu đầu tháng, thường xuyên rước Chúa lai rai...
* Chúa sẽ đến với ta trong giờ chết đời mình: luôn chuẩn bị sẵn sàng với đời sống ơn thánh tốt lành mỗi ngày, phó dâng cho Chúa sớm tối, làm dấu thánh giá khi lái xe...

3. Cầu nguyện bằng cách hướng về Chúa trong mọi nơi mọi lúc: khi làm việc cũng như giải trí, khi bận rộn cũng như lúc nghỉ ngơi. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà chính Đức Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2:20).

D. Lời nguyện kết:

Lạy Chúa! Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến.
Chúa đã đến với loài người và Chúa sẽ còn trở lại với nhân loại.
Chúa đã đến cùng con khi con nhận Bí tích Rửa Tội và Chúa sẽ lại đến thăm
toà nhà linh hồn con trong ngày con từ giã cuộc đời.
Xin giúp con luôn sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện
bằng việc siêng năng kín múc Ơn Thánh Chúa tặng ban. Amen.

LM Dominic Trần Văn Điều, SDD