PDA

View Full Version : DĐ - Đức Giêsu, Vua Vũ Trụ



Dan Lee
11-19-2008, 06:36 PM
Suy niệm lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ

ĐỨC GIÊSU, VUA VŨ TRỤ



Vào thời Đức Giêsu, dân Do Thái mong chờ Đấng Mêsia. Đây là một vị vua sẽ đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của người Roma. Trong niềm háo hức cuồng nhiệt đó, có lúc người ta đã tưởng Đức Giêsu chính là vị vua mà toàn dân trông đợi. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng định tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài lại rút lui trên núi một mình (Ga 6,15). Khi ở trước toà, Philatô hỏi: "Ông có phải là vua của người Do Thái không?" Đức Giêsu chỉ đáp lại: "Chính quan nói điều đó." (Lc 23,3). Như thế Đức Giêsu không nhận mình là vua theo nghĩa chính trị. Ngài không phải là người gây rối trong nước hay ngăn cản nộp thuế cho Xê-da (Lc 23,2). Ngài chẳng bao giờ công khai xưng mình là Vua Mêsia, vì tước vị này có thể gây ra nhiều hiểu lầm trong dân chúng. Vậy mà Ngài đã bị đóng đinh trên thập giá với bản án "Đây là vua của người Do Thái" (Lc 23,38). Ngài đã chết như một tội phạm chính trị.

Hôm nay khi mừng lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu bị treo trên thập giá giữa hai kẻ gian phi. Đức Giêsu phục sinh hôm nay là Vua theo một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Ngài không chỉ là Vua dân Do Thái, Ngài là Vua của cả vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng. Đức Giêsu phục sinh vẫn không ngừng xây dựng Nước của Ngài, vẫn không ngừng thu hút cả nhân loại về với Ngài (Ga 12,3). Bất cứ ai "đứng về phía sự thật" thì nghe tiếng Ngài và trở nên thần dân của Ngài (x. Ga 18,37). Rồi đến ngày tận thế, Đức Kitô sẽ trao lại vương quyền cho Thiên Chúa Cha sau khi đã tiêu diệt mọi thế lực chống đối Thiên Chúa, và cuối cùng Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài (x. 1C 15,24-28).

Một Vị Vua vâng phục

Đức Giêsu trên thập giá là vị Vua bị lăng nhục, là đấng Mêsia bị thách thức. Trong cái nhìn của Luca, dân chúng không góp phần vào việc kết án Đức Giêsu. Trên đường lên Núi Sọ, có đám đông dân chúng đi theo, trong số đó có các phụ nữ khóc than và đấm ngực (Lc 23,27). Khi Đức Giêsu đã bị đóng đinh, thì thái độ của dân là "đứng nhìn" trong sự lặng lẽ kính cẩn (Lc 23,35).

Ngược lại với thái độ của dân là thái độ của ba hạng người khác: các thủ lãnh cười nhạo, lính tráng chế diễu, một trong hai kẻ gian phi nhục mạ Đức Giêsu, chúng ta cần cảm mến nỗi đau trên thân xác Đức Giêsu, nhưng cũng không được quên nỗi đau tinh thần của Ngài. Những lời chế giễu cũng là những thách thức và cám dỗ gay gắt. Đây là cơn cám dỗ cuối cùng trong đời Đức Giêsu, không phải là cám dỗ vui hưởng lạc thú êm đềm của bậc sống hôn nhân, nhưng là cám dỗ về sự vâng phục và tín thác đối với Cha.

Ba lời nói mỉa mai trước Đức Giêsu chịu đóng đinh khiến ta nhớ đến ba cơn cám dỗ vào buổi đầu sứ vụ "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy biến viên đá này thành bánh" (Lc 4,3). "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi" (Lc 4,9). Đó là cơn cám dỗ của ma quỷ. Còn bây giờ là cơn cám dỗ của con người. "Nếu ông là Đức Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn", "nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi" (Lc 23,35.37). "Tự cứu mình", đó là cơn cám dỗ vẫn thường xảy ra. Cứu mình khỏi cơn đói cồn cào hay cứu mình khỏi nỗi đau và cái chết. Dùng quyền năng Cha ban để tự cứu mình, tự lo liệu cho đời mình, đứng ngoài sự xếp đặt của Thiên Chúa.

Đức Giêsu bị cám dỗ xuống khỏi thập giá để minh chứng cho mọi người thấy Ngài thật là Đức Kitô, là Mêsia mà bao người mong đợi. Cơn cám dỗ quá đỗi tinh vi và hấp dẫn! Chỉ cần xuống khỏi thập giá là chinh phục được bao con người, từ giới lãnh đạo đến những người chưa tin. Chỉ cần xuống khỏi thập giá là gặt hái ngay được một chiến thắng huy hoàng, một thành công rực rỡ, nhờ đó Cha được tôn vinh nơi Con; ở lại thập giá là làm tan vỡ biết bao hy vọng đã được thắp lên trong những năm qua, là làm tắt đi niềm tin mới được nhen nhúm.

Nhưng Đức Giêsu đã không xuống khỏi thập giá, như trước kia Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ. Cả hai đều là những hành vi ngoạn mục và gây ấn tượng. Đức Giêsu không muốn chúng ta xây đức tin trên cái ngoạn mục, vì như thế vẫn còn là ở bình diện tự nhiên. Ngài muốn chúng ta tin vào Ngài, dù Ngài là kẻ đã chết trơ trụi trên thập giá. Đức Giêsu không tự cứu mình, chính vì Ngài thật là Người được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì Ngài là Con mà Ngài không tự lo liệu cho mình, Ngài buông đời mình trong tay Cha. Bởi thế, việc Đức Giêsu ở lại trên thập giá trong sự vâng phục đầy tình con thảo lại là một dấu chỉ hùng hồn cho thấy Ngài thuộc trọn về Cha: Ngài không tìm mình nên Ngài là người đáng tin. Đức Giêsu "đã cứu người khác" (Lc 23,35), kể cả việc cải tử hoàn sinh, vì đó là ý Cha. Nhưng Ngài không tự cứu mình, vì Cha muốn Ngài cứu độ nhân loại qua việc hiến dâng mạng sống. Đức Giêsu là vị Vua Mêsia đầy lòng vâng phục trước Thiên Chúa, vâng phục đến chết (Pl 2,8)

Một vị Vua nhân hậu

Chính vào lúc Đức Giêsu hấp hối trên thánh giá, giữa những lời lăng nhục và thách thức, thì tiếng nói của anh "trộm lành" bất ngời vang lên, làm ta ngây ngất. Anh chấp nhận hình phạt: "chúng ta chịu như thế này là đích đáng". Anh nhìn nhận tội mình đã phạm: "vì xứng với việc đã làm". Anh tuyên xưng sự vô tội của Đức Giêsu: "Còn ông này đâu có làm điều gì trái". Điều lạ lùng hơn nữa là anh đã tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu, tin Ngài là Đấng Mêsia-Vua vào lúc mà mọi sự dường như sụp đổ: "Ông Giêsu ơi! Khi ông trở lại trong tư cách là vua, xin nhớ đến tôi." Như thế trong cái nhỉn của người trộm lành, cái chết nhục nhã của Đức Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết. Anh vẫn tin có ngày Ngài đến trong nước của Ngài, và anh mong được dự phần trong ngày đó.

Đức Giêsu đã ban ơn quá lòng anh ước ao. Ngay khi còn ở trên thánh giá, vị vua bị đóng đinh đã hé lộ vương quyền của Ngài qua một lời hứa long trọng. Bossuet đã viết: "Hôm nay: nhanh biết mấy! Ở với tôi: thân tình biết mấy! Thiên đàng: nơi an nghỉ miên trường." Như thế người trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ; Kẻ gian phi lại là người đầu tiên được hưởng hoa trái của cái chết trên thập giá của Đức Giêsu. Tất cả nói lên lòng nhân hậu của Vua Giêsu đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vị Vua bị đóng đinh đã bắt đầu cuộc chinh phục của Ngài trên các tâm hồn. Sau khi Ngài tắt thở, viên bách quản đã nhìn nhận Ngài là người công chính, và dân chúg cũng đấm ngực mà lui về (Lc 23,47-48).

Đức Giêsu làm vua một cách khác thường. Ngài không thống trị bằng sức mạnh nhưng Ngài phục vụ bằng yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút con người đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền Ngài tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Đức Giêsu chịu treo, để biết cách chinh phục thế giới. Thế giới hôm nay dễ rung động trước lòng tha thứ, yêu thương và sự phục vụ của chúng ta. Chẳng cần thi thố những hành vi ngoạn mục và đạt được những thành công vượt mức, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Đức Kitô bằng sự vang phục và kiên nhẫn trong khổ đau.

Mừng lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, chúng ta muốn khước từ những thần tượng giả mạo, muốn để cho Ngài chiếm trọn từng khoảnh khắc của cuộc đời, từng rung động nhỏ của con tim. Ước gì qua chúng ta mà Chúa Kitô có mặt ở mọi lãnh vực khoa học, ở mọi nền nghệ thuật, ở giữa chốn chợ đời xô bồ và bon chen. Ước gì chúng ta cộng tác với Ngài để làm cho vũ trụ này càng ngày càng trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Có người nhận xét: "Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, đời sống con người càng có nhiều tiện nghi vật chất thì lòng đạo đức lại sa sút, Nước Chúa như bị thu hẹp lại…" Bạn có đồng ý với nhận xét trên không?

2. Chúng ta thường thấy mình bị quyến rũ bởi bạc tiền, quyền lực và khoái lạc: Đó là những ông vua đang được thế giới tôn thờ. Làm sao thoát khỏi sự quyến rũ ấy và đón nhận Vua Giêsu vào đời mình, một vị Vua đơn sơ khiêm hạ và hiến mình vì yêu thương?

Lm Augustine SJ