PDA

View Full Version : T - Thiên Chúa Cùng Đích Của Sự Khôn Ngoan



Dan Lee
11-04-2008, 07:26 PM
THIÊN CHÚA: CÙNG ĐÍCH CỦA KHÔN NGOAN



Truyền thuyết cho rằng vua Solomon nổi tiếng rất khôn ngoan. Một ngày kia, có một thiếu phụ nọ đưa hai bó hoa -một bó thật và một bó giả- muốn thử Solomon và hỏi: “Tâu Hoàng Thượng! Nghe tiếng Hoàng Thuợng rất khôn ngoan. Vậy xin Hoàng Thuợng cho biết bó hoa nào là thật và bó hoa nào là giả?” Solomon liền bảo đặt hai bó hoa xuống bàn, rồi truyền mở toang các cửa sổ ra. Lập tức, bướm ong tranh nhau bâu vào hút nhụy hương đoá hoa thật. Cầm bó hoa giả lên, Solomon nói: “Hoa giả thì làm sao cho thể quyến rũ đuợc bướm với ong? Và nguời giả thì làm sao có thể thu thập đuợc sự khôn ngoan nơi những người khác?”

Hãy đừng xin tiền bạc, danh vọng nhưng hãy xin cho được một chút khôn ngoan của Solomon. Có ai đó đã một lần cầu xin như thế. Nhưng đừng vội lầm kiến thức với khôn ngoan. Mỗi ngày có biết bao nhiêu nguời tốt nghiệp bằng này, cấp nọ. Họ có kiến thức. Nhưng liệu họ có chút khôn ngoan?

Con người đuợc sinh ra giống hình ảnh Chúa, và nếu Thiên Chúa là cội nguồn của khôn ngoan, thì điều khôn ngoan đầu tiên mà chúng ta phải liên lỉ kiếm tìm là biết chọn điều tốt nhất để nói, để làm, để mưu cầu sinh sống. Nói một cách khác, kiến thức là biết phân biệt và chọn lựa giữa điều xấu và tốt, nhưng khôn ngoan là biết phân biệt và chọn lựa giữa điều tốt và điều tốt hơn. Và giữa những điều tốt hơn,tuyệt đối khôn ngoan là khi biết chọn điều tốt nhất.

Như biết ý thức và chu toàn bổn phận cá nhân và với gia đình là điều tốt. Nhưng biết ý thức và gắng chu toàn bổn phận với quê hương, với tha nhân là điều tốt hơn. Và điều tuyệt hảo là khi chúng ta tự chế được những đòi hỏi tư riêng của cá nhân và gia đình mình, và dám hy sinh nghĩ đến những nhu cầu chung của tập thể, cộng đoàn. Của dân tộc và của quê hương.

Cuộc đời là một đấu trường liên lỉ giữa cá nhân và tha nhân, giữa tự do và nô lệ, giữa xác thịt và tinh thần mà, quan trọng hơn, giữa điều tốt và điều tốt hơn. Khi Chúa Kitô giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích nô lệ và gông cùm tội lỗi, Người muốn chúng ta mãi mãi được tự do sống. Và tự do nghĩ suy. Và khôn ngoan là khi chúng ta biết nghĩ suy và can đảm chế ngự những bản năng con người của mình.

Có con Bọ Cạp một ngày kia bò dọc bờ sông tìm cách vượt qua bờ bên kia tình cờ gặp một con Ếch đang nhẩn nhơ ngồi và khẩn khoản xin Ech cõng qua sông. Ech vội vàng từ chối. Bọ Cạp hỏi lý do thì Ech liền nói: “Nếu tớ cõng cậu qua thì thế nào cậu cũng chích nọc độc vào lưng tơ và tớ sẽ chết chìm!” Nghe thế, Bọ Cạp phá lên cuời: “Ông bạn ơi! Nếu tớ chích nọc độc vào lưng cậu thì cậu sẽ chìm và nếu cậu chìm thì tớ cũng sẽ chìm, đúng chưa nào?”

Nghe bùi tai, Ech liến đồng ý cõng Bọ Cạp qua sông. Đến giữa giòng, tự nhiên Ech cảm thấy đau buốt cột sống lưng rồi lan đến từng mạch máu và Ech hiểu rằng Bọ Cap đã chích nọc độc vào lưng mình. Thở tàn hơi cuối, Ech thều thào: “Sao cậu lại nhẫn tâm làm thế? Cậu hứa là không chích nọc độc vào tớ cơ mà! Giờ đây tớ và cả cậu cùng chết chìm!” Bọ Cạp liền trả lời: “Tớ biết chứ, nhưng tớ chẳng có thể làm thế nào khác đuợc, vì đó là bản tính tự nhiên của tớ!”Chúa đến để chúng ta được sống và sống rất sung mãn. Nhưng giữa những đời sống rất sung mãn kia, Chúa vẫn phải luôn là tụ điểm. Là nguồn cội. Khi bản năng con người trở thành điều tự nhiên có nghĩa là trở thành tâm điểm đời sống, như con bọ cạp kia không thể cưởng chế nỗi bản năng, chúng ta đã có thể sống sung mãn. Nhưng chỉ riêng cho cá nhân mình. Và không một ai khác đang sống chung quanh.

Cách đây không lâu, trong một chương trình 60 Minutes trên đài CBS tại Hoa Kỳ, khi được Dan Rather hỏi về xì căng đan tình ái với Monica Lewinsky, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã trả lời: “Tôi đã làm chỉ bởi vì tôi đã có thể.” Điều ‘có thể’ này phản ánh từ một động cơ quyền lực cực kỳ ích kỷ: muốn làm gì thì làm và không một ai có quyền ngăn cản! Không một người nào có quyền lên tiếng nói!!!

Đây là một trạng thái tâm lý rất bệnh hoạn mà nữ bỉnh bút Maureen Dowd của tờ Nữu Ước Thời Báo đã gọi là ‘a droit du seigneur’ mà tôi tạm dịch là ‘quyền lãnh chúa’. Quyền tự chiếm đoạt này thường thấy nơi những người nắm quyền cao chức trọng. Chỉ bởi vì tôi có thể nên tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn? Bệnh hoạn đến thế là cùng!!! Xã hội đảo điên là vì thế. Cộng đoàn phân hóa cũng là vì thế. Khi được hít thở bầu khí tự do, hãy suy nghĩ, và hãy làm, những điều tốt. Và nếu có thể, hãy suy nghĩ, và hãy làm, những điều tốt hơn. Rồi hãy chọn và làm điều tốt nhất.

Nếu khôn ngoan là biết chọn những điều tốt hơn và điều tốt nhất, thì khôn ngoan cũng không thể khư khư giữ lấy cho cá nhân mình. Như con kiến Anancy trong câu chuyện duới đây.

Ngày kia, Thương Đế cho Anancy một chiếc bình lớn chứa đựng kho tàng khôn ngoan của toàn nhân loại. Và Thuợng Đế căn dặn Anacy phải chia sẻ kho tàng khôn ngoan ấy cho tất cả mọi người. Nhưng vốn bản tính tham lam. Anancy không muốn chia sẻ cho một ai sất. “Chỉ một mình ta khôn ngoan thôi!” Nghĩ thế, Anancy cột chiếc bình khôn ngoan trước ngực rồi hì hục giấu kín trên ngọn một cây cao. Nhưng chiếc bình trước ngực quá nặng nên Anancy cứ vừa trèo lên lại tuột ngay xuống.

Thấy vậy, chú kiến con của Annacy liền nói: “ Bố ơi! Sao Bố không buộc cái bình kia sau lưng rồi trèo lên có phải dễ hơn không?” Làm đúng theo lời con, chẳng mấy chốc Anancy đã trèo lên đến chót ngọn cây cao. Đột nhiên, Anancy tức tối vô cùng: “Ta có cả một bình khôn ngoan của nhân loại, nhưng thằng oắt con kia lại khôn ngoan hơn ta.” Rồi Anancy giận dữ liệng chiêc bình khôn ngoan xuống đất. Và mỗi vật tìm đuợc một chút khôn ngoan vuơng vãi khắp nơi.

Khôn ngoan không còn là khôn ngoan nữa khi chỉ nghĩ đến mình. Và cho mình. Không ai có thể chiếm hữu độc quyền tuyệt đối khôn ngoan ngoài Thiên Chúa. Và khôn ngoan là biết khiêm cung nhận lấy chân lý này là ngoài Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Ngoài Thiên Chúa, chúng ta không thể hiện hữu để có thể có đuợc khôn ngoan.

Lm Nguyễn Khoa Toàn