PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (53)



Dan Lee
10-17-2008, 03:53 PM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (53)

521. Giáo Hội xem bổn phận truyền giáo của mình là điều quan trọng nhất

Hoài bão lớn nhất của Chúa Giêsu khi xuống trần gian nầy, là giải phóng tất cả mọi người khỏi ách nô lệ của ma quỷ, xác thịt, thế gian, giành lại cho họ quyền độc lập tự do hạnh phúc của người con Chúa.
Hoài bão nầy được Chúa nói ra trước khi đi chịu chết: “Đây là máu đổ ra để cứu chuộc nhiều người”.
Hoài bão nầy cũng được Chúa nói ra trước khi Ngài ngự về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Vì thế, thay mặt Chúa Giêsu, Giáo Hội đã long trọng tuyên bố trong Công Đồng Vatican II rằng: “Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là bổn phận căn bản của Dân Chúa”, là “bổn phận cao cả và thánh thiện nhất của Giáo Hội”.
Nghe như vậy thì biết rằng: từng cá nhân, từng đoàn thể, từng giáo xứ, từng địa phận, từng Giáo Hội địa phương và cả Giáo Hội toàn cầu, đều phải xem bổn phận truyền giáo của mình là điều quan trọng nhất.

522. Ba chiều của việc truyền giáo

Mỗi người chúng ta có bổn phận phải xây dựng Nước Chúa theo ba chiều:
- chiều rộng, nghĩa là phải lôi kéo nhiều người vào Đạo Chúa, làm cho họ thuộc về Nước Chúa, làm dân của Chúa, làm môn đệ của Chúa;
- chiều cao, nghĩa là phải làm sao cho người ta vâng giữ luật Chúa và sống theo những điều Chúa truyền dạy;
- chiều sâu, nghĩa là phải làm sao cho Đạo Chúa thấm nhập vào đời sống xã hội, ăn sâu vào tư tưởng, tập quán của xã hội, để xã hội trở nên môi trường thuận lợi cho Tin Mừng nẩy nở.

523. Yếu tố quan trọng thứ nhât của việc truyền giáo: tha thiết cầu nguyện

Việc truyền giáo, việc làm tông đồ cho người ta trở lại, là công việc siêu nhiên.
Người ta trở lại là nhờ ơn Chúa ban. Mà Chúa chỉ ban ơn khi thấy chúng ta tha thiết cầu nguyện. Bởi đó, trong vấn đề truyền giáo, điều quan trọng nhất, là sự cầu nguyện.

524. Yếu tố quan trọng thứ hai của việc truyền giáo: thật tình hy sinh

Lời cầu nguyện, muốn được Chúa nhậm lời, phải có sự hy sinh kèm theo.
Chúng ta càng hy sinh, càng chịu khó, càng hãm mình nhiều chừng nào, thì lời cầu nguyện của chúng ta càng dễ được Chúa nhậm lời chừng đó. Bởi đó, cầu nguyện mà không kèm theo hy sinh thì không được Chúa nhậm lời; mà hy sinh, nhưng không cầu nguyện, thì hy sinh cũng vô ích.

525. Yếu tố quan trọng thứ ba của việc truyền giáo: treo cao gương tốt

Gương tốt của chúng ta lôi kéo người khác trở lại với Chúa, vì họ được đánh động khi thấy cách ăn nết ở xứng đáng của chúng ta.
Gương các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội là một bằng chứng rõ ràng: họ chỉ là thiểu số, họ thiếu thốn mọi sự, họ bị Nhà Nước loại bỏ, nhưng họ vẫn sống đức tin mạnh mẽ; họ treo cao gương tốt khắp nơi, làm cho nhiều người cảm phục Đạo Chúa và xin theo Đạo càng ngày càng đông.

526. Quá trình của sự ghi nhớ

Hằng ngày, chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ rất nhiều thứ trong cuộc sống thông qua 5 giác quan: sờ, nếm, ngửi, nhìn, nghe.
Bất kỳ cái gì chúng ta nghiệm được và giữ lại trong 5 giác quan nầy, được gọi là “ghi nhớ”.
Hệ thống ghi nhớ của một người được chia làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có một khoảng thời gian khác nhau: giai đoạn ghi nhớ giác quan, giai đoạn ghi nhớ ngắn hạn, giai đoạn ghi nhớ dài hạn.
Giai đoạn ghi nhớ giác quan lưu giữ thông tin chỉ trong phút chốc. Giả dụ bạn nhìn vào bức tranh cảnh hoàng hôn. Mắt bạn lướt qua những chi tiết buổi hoàng hôn và giữ lại những hình nầy trong trí nhớ giác quan. Trí nhớ nắm giữ một cách ngắn gọn và hầu như chính xác hình ảnh của bức tranh. Nhưng hình ảnh đó mau chóng mờ nhạt và biến mất.
Giai đoạn ghi nhớ ngắn hạn giữ lại một sự việc trong khoảng thời gian bao lâu, là do bạn cố gắng nhớ về nó. Ví dụ khi bạn nhìn một số điện thoại và tự nhắc lại số điện thoại nầy cho đến khi bạn có thể nhớ để quay lại nó, đó là lúc bạn đã dùng trí nhớ ngắn hạn. Bạn sẽ quên việc ghi nhớ nầy sau 20 phút, trừ khi bạn tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần nữa.
Giai đoạn ghi nhớ dài hạn bao gồm khối lượng thông tin lớn địa chỉ lưu giữ cho cả đời. Hai yếu tố cần thiết để lưu giữ thông tin dài hạn, là sự lặp đi lặp lại và cảm xúc mãnh liệt. Nếu bạn cứ đọc đi đọc lại bảng cửu chương mỗi ngày, là bạn đã ghi nhớ vào bộ nhớ dài hạn. Và những cảm xúc mạnh, như tình yêu đầu đời, luôn được cất giữ trong trí nhớ dài hạn. (Tăng Cường Năng Lực Trí Nhớ)

527. Mười chín điều liên quan đến diễn thuyết

1. Khi bạn bước lên bục diễn thuyết và cảm thấy rất căng thẳng, bạn chỉ cần nhớ rằng khán giả đứng về phía bạn và họ muốn bạn cũng thư giãn như họ.
2. Vì sự hồi hộp khi đứng trước khán giả liên quan đến bán cầu não thực hiện chức năng phía bên phải, nên bạn hãy khắc phục bằng một chức năng nào đó nơi bán cầu trái, như đếm số hoặc làm các phép tính trong đầu.
3. Hít thở đều, hít qua đường mũi và thở ra qua đường miệng.
4. Đừng quên mĩm cười. Bạn sẽ thấy sự căng thẳng tan biến mất.
5. Sẵn sàng nói chuyện. Cần bảo đảm rằng mọi thứ đã được chuẩn bị trước.
6. Nếu được, bạn đừng nói.
7. Điều chỉnh buổi nói chuyện theo những gì khán giả quan tâm và lồng vào buổi nói chuyện những câu chuyện thú vị.
8. Cố gắng ngang bằng với trình độ của khán giả. Đừng ra vẻ hợm hĩnh, khoe khoang khoác lác, hoặc không thân thiện.
9. Cần nhớ rằng khán giả muốn nghe bạn phát biểu hoặc cung cấp thông tin, hơn là chỉ đọc một bài viết sẵn.
10. Cần rõ ràng cụ thể về những điểm bạn trình bày.
11. Nói rõ, bằng cảm xúc và sự nhiệt tình.
12. Hãy kiểm soát giọng nói vì người mới phát biểu lần đầu sẽ có khuyn hướng nói lớn tiếng hoặc mất bình tĩnh.
13. Hãy nói chậm để người khác có thể theo dõi những gì bạn đang nói.
14. Tránh nói huyên thuyên và lặp đi lặp lại.
15. Cố gắng nói ngắn và đi vào trọng tâm.
16. Khi kết thúc, bạn cần nói: “Cám ơn” và ngồi xuống.
17. Vì ấn tượng ban đầu rất quan trọng, bạn nên mở lời bằng cách khen ngợi khán giả, phát biểu gợi mở, gây sững sốt, hoặc kể một câu chuyện vui, v.v…
18. Vì ấn tượng sau cùng cũng quan trọng không kém, bạn đừng ngại sử dụng ngôn ngữ gây cảm xúc, diễn cảm, hoặc sử dụng một số câu thơ trữ tình.
19. Nếu bạn giới thiệu một diễn giả đang đứng trên bục với khán giả, hãy nói ngắn gọn, và nhanh chóng nhường diễn đàn cho diễn giả. (Phép Xã Giao)

528. Hãy can đảm từ bỏ những thuận lợi trong hoàn cảnh của mình.

Chướng ngại lớn nhất trong việc khai thác những khả năng tiềm tàng của bản thân, chính là hoàn cảnh thuận lợi hiện tại của bạn.
Bạn có được công việc nào đó, là nhờ “ô dù” chẳng hạn, thì bạn không thể thăng tiến được với tất cả khả năng thật sự của mình.
Người thành công chân chính, là người biết thích nghi với những hoàn cảnh bất lợi cho họ, và từng bước, vượt lên hoàn cảnh. (Chìa Khoá Sống Thanh Thản)

529. Mỗi mục tiêu đều cần đặt ra một kỳ hạn

Có rất nhiều người đặt ra hàng đống mục tiêu, thế nhưng, lại không đặt ra kỳ hạn hợp lý cụ thể, nên không đạt được những mục tiêu nầy.
Một mơ ước hay mục tiêu không có kỳ hạn, thì hiệu quả sẽ rất hữu hạn.
Có những người thiết lập rất nhiều mục tiêu, nhưng lại thực hiện rất ít. Nguyên nhân là: thứ nhất, không hợp lý; thứ hai, không có kỳ hạn; thứ ba, thiếu kế hoạch tỉ mỉ; thứ tư, không cân nhắc tiến độ hằng ngày.
Những kế hoạch, mục tiêu như thế, là đã định trước thất bại. Giả như ngẫu nhiên có đạt được thành công, thì đó cũng chỉ là sự may mắn mà thôi.
Nhất thiết đừng dựa vào vận may, mà cần dựa vào mục tiêu và kế hoạch. Đây là điều kiện cần có của người muốn thành công, mà cũng là việc cần liên tục tiến hành.
Mỗi người thành công đều có mục tiêu rõ ràng, đều có những mơ ước to lớn; đồng thời, họ cũng có kế hoạch và kỳ hạn cụ thể có thể đạt được. (Lòng Tự Tin)

530. Thường xuyên hội ý tham khảo ý kiến giúp tránh sai lầm thất bại do chủ quan

Chúng ta thường có khuynh hướng làm theo ý mình, ít muốn tham khảo ý kiến với ai, nên cũng thường dễ rơi vào chủ quan, sai lầm, thất bại.
Hội ý tham khảo ý kiến, nhất là với những người có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết rõ vấn đề, là một thái độ khôn ngoan, giúp cho ta được sáng suốt hơn. Đó là biện pháp “lấy trí tuệ của người khác bổ sung cho trí tuệ của mình”, rất hữu ích và hữu hiệu. Tục ngữ “Tam ngu thành hiền” cũng nhằm vào ý nghia đó.

LM Nguyễn Vinh Gioang