PDA

View Full Version : DĐ - Đạo đức và vai trò đạo đức trong đời sống con người (còn tiếp)



Dan Lee
10-16-2008, 09:08 PM
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NƠI NGƯỜI TRẺ HÔM NAY

DẪN NHẬP

Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ nơi cuộc sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại đã làm cho con người có những cách nhìn mới về những giá trị đạo đức. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến mang lại cho con người nhiều tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho con người nhiều nỗi phiền toái, và còn lấy mất khỏi con người nhiều giá trị cao đẹp – vốn là những điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng sống của con người.

Những phương tiện khoa học kỹ thuật vốn không tốt cũng không xấu. Nó tốt hay xấu là phụ thuộc vào người sử dụng nó. Thế nhưng, những phương tiện khoa học kỹ thuật, hay nói một cách nôm na hơn là cuộc sống hiện đại đã làm cho con người, nhất là những người trẻ, có những thay đổi cách nhìn về giá trị đạo đức.

Giới trẻ ngày nay có cách nhìn về cuộc sống, con người, thời đại và về những giá trị đạo đức khác những người xưa nhiều. Đạo đức truyền thống đối với họ không phải là điều bắt buộc nữa. Thứ đạo đức đó đối với họ đã trở thành những món đồ cổ rồi. Phải chăng bây giờ lớp trẻ đang sống thiếu đạo đức ? Một vấn nạn không dễ trả lời.

Những giá trị cao đẹp vốn đã tồn tại bao đời, đang thiếu vắng nơi một bộ phận các bạn trẻ hôm nay. Là con người hoài vọng cho một tương lai sáng lạn, một đất nước giàu và đẹp, cho một tương lai nhân loại tươi sáng hơn, ai lại không băn khoăn, ưu tư trước những thách đố của thời đại, trong đó có vấn đề giá trị đạo đức nơi người trẻ, hay nói một cách thực tế hơn là nhân cách của giới trẻ.

Hàng ngày, chúng ta có thể xem thấy hay đọc được trên các phương tiện thông tin đai chúng những mảnh đời tươi trẻ đang sa vào vũng lầy của tội phạm, tiêm chích,… rồi rơi vào tuyệt vọng. Mang lấy kiếp người, không ai tránh khỏi đau khổ, nhưng có những cái đau đáng tôn trọng, có những cái đau đáng thương, có những cái đau để rèn luyện nhân đức con người và cũng có những cái đau chỉ mang lại thêm đau khổ. Những cái đau đớn do ngoại cảnh đem đến cho ta không nói làm gì, điều đáng nói ở đây là có những cái đau mình biết là do mình tạo nên, nhưng vẫn lao vào đó để chuốc lấy cũng như mang đến cho người khác thì thật đáng trách. Phải làm gì đây để quét sạch những cọng rác làm dơ bẩn sân chơi của cuộc đời ?

Dòng đời vẫn ngược xuôi tất bật, ngồi yên một mình trong phòng để suy nghĩ cũng không xong, mà nếu dạo quanh phố phường một vòng thì thấy toàn là những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhìn những người trẻ sống vất vưởng bên dòng đời, tôi cảm thấy ưu tư, xót xa cho những số phận phũ phàng tang thương đó. Đây là lý do tôi chọn đề tài nghiên cứu này: một là để hiểu hơn thực trạng của đời sống người trẻ; hai là để hun nóng những ưu tư trong con tim mình nhằm có một hướng đi cho tương lai dâng hiến.

Đạo đức ngày nay bao gồm nhiều lãnh vực, chứ không gói gọn trong cách học làm người: Đạo đức sinh học, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong chính trị, đạo đức trong nhà trường, đạo đức trong tôn giáo… mỗi một trong những nền đạo đức này nói lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Giá trị của chúng khác nhau, tuy nhiên, chúng có một điểm chung là con người. Giá trị đạo đức thực là cái bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung mãn hơn.

“Giá trị đạo đức nơi người trẻ hôm nay” không phải là một đề tài mới mẻ đối với quần chúng, vì thực tế đã có nhiều người viết và viết đến nơi đến chốn. Trong phạm vi và giới hạn của bài tiểu luận này, người viết không có tham vọng trình bày một cách rốt ráo mọi góc cạnh của đạo đức cũng như những thay đổi về giá trị đạo đức nơi người trẻ hôm nay; người viết chỉ mong, qua tiểu luận này, nói lên những suy tư của mình về hiện tình sống của người trẻ cũng như là để tìm hiểu sâu hơn những gì đang diễn ra nơi họ.

I. ĐẠO ĐỨC VÀ VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

1. Đạo đức là gì ?

Để hiểu đạo đức là gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu từ nguyên của nó đã. Trong tiếng Việt, nghĩa của từ “đạo đức” và “luân lý” gần gần giống nhau. Để hiểu rõ nội dung của đạo đức cần đi tìm ý nghĩa của từ đạo đức và luân lý. Theo “Hán – Việt Từ điển” của Đào Duy Anh, đạo đức bao gồm “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức – Cái lý pháp người ta nên noi theo”. (Đào Duy Anh, 1957) Theo Từ điển Tiếng Việt thì từ “đạo đức” là “những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.”. Còn từ “luân lý” có nghĩa là “những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội.” (Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm, 1999).

Có lẽ nếu cứ viện dẫn tiếng Việt không thôi thì chưa rốt ráo lắm, chúng ta cần tìm hiểu tiếng nước ngoài xem. Theo từ điển từ nguyên thì “éthique” (tiếng Pháp) có nghĩa là đạo đức học hay luân lý học, còn tiếng Latin là “ethicus”. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “êthikos”, “êthikê”, “êthos” có nghĩa là phong tục, tập quán. Còn từ “morale” (tiếng Pháp) có nghĩa là luân lý học. Từ này bắt nguồn từ tiếng Latin là “mores”, có nghĩa là những thói quen (moeurs) (Larousse, 1971). Trong tiếng Anh, từ “ethics” (ethos: phong tục): “Đạo đức học hay luân lý học là môn học nghiên cứu tiêu chuẩn và nguyên tắc để xác định giá trị hành vi con người là tốt hoặc xấu.” (Thuật ngữ Thần học Anh – Việt, 2002). Còn từ “moral” là “những nguyên tắc quyết định điều tốt trong quan hệ đạo đức giữa người với người.” (Ibid.).

Theo “Từ điển Phật học Huệ Quang” của Thích Minh Cảnh, “Đạo đức” là “nguyên lý thiện ác, chánh tà có liên quan đến hành vi của nhân loại.” (Thích Minh Cảnh, ?). Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu thì quan niệm “Đạo đức hay luân lý là một trong những hình thái sớm nhất của xã hội, bao gồm những nguyên lý (đạo lý), quy tắc, chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng”. (Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu, 1987, tr.145). Cũng những tác giả này, họ định nghĩa về môn học này như sau: “Đạo đức học hay luân lý học là khoa học triết học nghiên cứu đạo đức, - làm rõ vai trò nguồn gốc và sự phát triển của đạo đức trong lịch sử cũng như cơ sở lý luận của những hệ thống đạo đức cụ thể.” (Ibid).

2. Đạo đức theo quan niệm của các triết gia

Đạo đức là một đề tài rất thời sự và cũng rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Theo quan niệm của Démocrite, “Đạo đức là đi tìm khoái lạc vì sự thiện là khoái lạc, còn sự ác là đau khổ. Để mang lại sự thiện thực sự, khoái lạc phải là sự hoan hỉ dài và trường tồn.” [1]

Socrate quan niệm rằng “con người có thể tìm hiểu những điều thuộc đời sống thực tiễn, để tìm thấy những chân lý khách quan về một nền đạo đức thực tiễn. Ông tin vào nhân đức, tin vào công lý và coi đó là cách sống hợp với ý muốn thần thánh.” [2] Con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc, -điều mà con người luôn khao khát tìm kiếm-, khi con người sống đúng đắn, nghĩa là sống hợp với những quy tắc đạo đức; còn nếu không, con người chỉ chuốc lấy khổ nhục. Vì lý do đó, ông thà chịu chết chứ không đi ngược lại với chân lý, -điều ông coi là quy tắc đạo đức phải sống. Một con người sống đạo đức, theo Socrate, phải là một con người có tri thức (khôn ngoan), sống điều độ, sống có kỷ luật (can đảm), có lòng kiên trì và biết làm việc nữa.

Platon đưa ra một hình ảnh điển hình để nói về đời sống đạo đức như sau:

“Con người là một chiếc xe song mã, với một con trắng và một con ngựa đen; con ngựa trắng thì đẹp đẽ, khỏe mạnh, nó yêu chuộng sự khôn ngoan và điều độ; ngược lại, con ngựa đen thì xấu xí và bướng bỉnh, nó cần tới những đòn roi mạnh mẽ có thể đi theo sự điều khiển của người đánh xe. Hai con ngựa đó, mỗi con kéo về một ngả, nên việc điều khiển cỗ xe này thật là khó khăn. Nếu trị được con ngựa đen, thì con ngựa trắng sẽ có thể kéo cỗ xe tiến bước theo đoàn xe của thần thánh, vươn lên tới thế giới ý tưởng để chiêm ngưỡng những thực tại vĩnh cửu, chân thực. Nhưng nếu không trị được con ngựa đen, thì cộ xe sẽ lê lết trong vật giới, sa lầy vào những sự vật của trần gian, đầy những ảo ảnh không chân thật.” [3]

Theo ý tưởng của Platon, con người phải có khôn ngoan và biết sống điều độ, nghĩa là phải biết làm chủ được bản thân mình để đạt được hạnh phúc. Đạo đức của Platon là những yếu tố như: hạnh phúc, chính trực và chiêm ngưỡng.

Trong sự nghiệp trước tác, Aristote không bỏ sót một vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống con người, đó là luân lý. Đối với ông, luân lý đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Muốn sống hạnh phúc, con người phải sống có nhân đức. Nhân đức là một thói quen cần được tập luyện thường xuyên chứ không phải là nhất thời. Nhân đức là thái độ quân bình hay trung dung. Ông phân chia nhân đức ra làm hai loại là: nhân đức tinh thần gồm: óc phê phán, bình luận hợp lý hợp cảnh, tinh thần trật tự; và nhân đức luân lý: là những tập quán tốt giúp con người giữ mực chiết trung giữa thái quá và bất cập.

3. Vai trò đạo đức trong cuộc sống con người

Giả như con người không có nền đạo đức nào làm chuẩn mực để hướng dẫn những hành vi của mình thì con người cũng giống như bao nhiêu sinh vật khác vậy, không hơn không kém. Con người khác với con vật là ở chỗ, con người có tình yêu thương được thể hiện trong quan hệ giữa người với người. Những tiêu chuẩn hướng dẫn hành vi giúp con người sống đúng với hữu thể có lý trí và linh hồn. Một xã hội mà trong đó con người không tôn trọng nhau, nghĩa là không được xây dựng trên những giá trị đạo đức thì xã hội ấy không còn là xã hội đúng như tên gọi của nó nữa. Một xã hội trong đó mọi người tôn trọng nhau, cư xử với nhau có trên có dưới thì xã hội đó mới thực là xã hội của con người.

“Đạo đức là cốt ở sống hợp với bản tính của con người. Các triết gia không đồng ý với nhau, khi cần phải định bản tính của con người là gì, điều này tùy thuộc vào quan niệm siêu hình của từng môn phái; nhưng tất cả đều đồng ý mà quả quyết rằng đời sống đạo đức là cốt ở sự thực hiện cứu cánh của con người đúng theo chân bản tính của nó. Như thế đạo đức không phải là gò ép con người và làm cho nó suy giảm, trái lại đạo đức là làm nảy nở tất cả những gì có giá trị nơi con người. Vậy đạo đức rất là quan hệ; không có đạo đức, người ta có thể làm một kỹ sư hay một thương gia tài giỏi, nhưng không có đạo đức thì không thể trở nên một con người hoàn hảo và không thể phát triển tất cả những gì cao quý tốt đẹp của bản thân chúng ta.” [4]

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, ngay từ giây phút được dựng nên, con người đã được phú ban cho “cái đạo” và “cái đức” để khi sinh ra trên trần gian là biết sống đúng với phẩm giá rồi. Đạo đức có nhiều cấp bậc, nghĩa là nhiều tiêu chuẩn để đánh giá những hành vi nhân linh của con người; có thứ đạo đức xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng, đạo đức của người thầy thuốc, đạo đức của người làm nghề dạy học, đạo đức của người tu trì, đạo đức Công giáo, đạo đức Tin lành, đạo đức Nho giáo, đạo đức thương mại… mỗi một lãnh vực đều có những tiêu chuẩn riêng để giới hạn hay mở rộng phạm vi hoạt động của con người nhằm hạn chế những sai phạm của con người trong lãnh vực đó. Không ai phủ nhận vai trò đạo đức. Đạo đức nằm trong những phong tục tập quán của các dân tộc, trong luật pháp của các quốc gia, trong nền văn hóa của nhân loại. Không một nền đạo đức nào giống đạo đức nào, tuy nhiên tất cả mọi nền đạo đức đều hướng con người đến việc làm lành lánh dữ.

“Đời sống luân lý là một hiện tượng phổ quát. Không một dân tộc nào không có đời sống luân lý; không có một con người nào lại hoàn toàn không có cảm thức luân lý, cho dù các kiểu thứ để thực hiện luân lý có khác nhau. Như thế, người ta có thể thấy được rằng cảm thức về thiện-ác là cái có thực, có trong tất cả mọi người, có ở mọi thời và mọi nơi.” (Nguyễn Trọng Viễn, Triết họcNhập môn, Học viện Đa-minh, 1995, tr.104-105).

4. Đạo đức trong Nho giáo

Đạo đức Khổng - Mạnh không những ảnh hưởng chỉ riêng ở Trung Hoa, mà còn ảnh hưởng lên nhiều nước Á Châu, trong đó có Việt nam chúng ta. Nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị phong kiến phương bắc ngót ngàn năm; cho nên, nền văn hóa của dân tộc ta chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Trung Hoa, hay nói rõ hơn đạo đức của con người Việt mang đạm phong cách của người Trung Hoa. Khổng Tử nói: “Ta lý tưởng vào đạo, giữ vững vào đức, nương cậy vào nhân” (Chí vu đạo, cứ vu đức, y vu nhân - Luận Ngữ, Hình Nhi). “Ông cho rằng đạo là lý tưởng và chuẩn tắc hành vi cao nhất của chúng ta. Đức là sự thể hiện trong hành vi cụ thể. Nhân là gốc của đạo đức. Mạnh Tử tiến thêm một bước, cụ thể hóa nó thành Tứ đức (Nhân, lễ, nghĩa, trí) và ‘Ngũ luân’ (Quân thần-vua tôi, phụ tử-cha con, huynh đệ-anh em, phu phụ-vợ chồng, bằng hữu-bạn bè). Quan niệm đạo đức Khổng – Mạnh đều gợi mở từ sự tự giác trong nội tâm của người ta. Tuân Tử thì lấy Lễ làm gốc cho đạo đức, chủ trương tu thân bằng lễ (dĩ lễ tu thân), làm sáng chính trị bằng nghĩa (dĩ nghĩa minh chính). Đổng Trọng Thư thì căn cứ vào đấy để xây dựng thành đạo đức luân lý ý trời (thiên ý) làm trung tâm, lấy tam cương ngũ thường làm nội dung.” [5]

Có thể nói được rằng nền luân lý Việt Nam được xây dựng trên những nền tảng của Nho giáo, và nó có thế giá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy có năng lực hướng dẫn con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của đạo đức Nho giáo trong những anh hùng hào kiệt con Rồng cháu Tiên như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung,…

5. Đạo đức trong Giáo hội Công giáo

Đọc sách Sáng Thế, từ ngay những chương đầu, chúng ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của một nền đạo đức. Sách Sáng Thế trình thuật chuyện Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Người. Con người được sống trong tình trạng ân sủng dồi dào, được ban cho quyền làm chủ muôn loài. Con người được sử dụng mọi thứ, nhưng có một thứ Thiên Chúa cấm con người không được sờ mó tới, đó là không được ăn quả của “cây biết lành biết dữ”. Phải chăng đây là đạo đức mà Thiên Chúa muốn con người phải sống theo ? Vì theo định nghĩa, đạo đức là những tiêu chuẩn để thúc dục con người làm lành lánh dữ, là những nguyên tắc hướng dẫn hành vi của con người. Thế nhưng con người đã không sống theo thứ đạo đức mà Thiên Chúa đã ban cho con người, cho nên con người đã làm điều ác chống lại đạo đức. Đạo đức đảm bảo cho con người một cuộc sống hạnh phúc. Con người đã không sống theo đạo đức đó, vì thế con người phải chịu đau khổ thôi.

Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người được phú ban cho một nguyên lý tự nhiên gọi là “đạo” và tiếng nói sâu thẳm hay lương tâm gọi là “đức”. Nhưng lương tâm con người đã bị tội lỗi làm cho méo mó. Để điều chỉnh lại những sai lệch nơi con người, Thiên Chúa đã dùng Môi-sê làm trung gian để truyền cho con người phải làm điều này và không được làm điều kia, đó là luật luân lý hay mười giới răn. Mười điều luật này là quy phạm đạo đức hướng dẫn hành động của con người nhằm giúp con người đạt đến những giá trị siêu việt hay cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Giáo hội Công giáo, tiếp nối truyền thống Cựu Ước, rất tôn trọng những gì đã được ghi chép trong sách luật; đồng thời, nhằm thích nghi với những điều kiện sống hiện tại, Giáo hội còn đưa ra những quy tắc khác gọi là giáo luật để giúp con người đạt đến tình trạng tự do của con cái Chúa chứ không phải là con cái của nô lệ. Đạo đức đóng vai trò rất quan trọng đời sống Giáo hội. Nếu như không có luật Chúa hướng dẫn và giáo luật chi phối, con người dễ đi đến tự do phóng túng, đánh mất mình. Phải có thái độ nào với nền luân lý Công giáo ? Là tín hữu, chúng ta cần có thái độ tha thiết với luật Chúa trong đức tin vào Chúa Ki-tô để đạt được những điều Chúa đã hứa ban cho chúng ta.

“Thiên Chúa giáo nhận có Thượng Đế là Chúa tể càn khôn, Ngài đã dựng nên vạn vật và làm chủ muôn loài. Là tình yêu vô hạn, Ngài đã làm người vì yêu loài người và cũng để được loài người kính mến và thờ phụng Ngài trở lại, vì thế Ngài đã dựng nên loài người có lý trí và tự do, có lý trí để phân biệt thiện ác và có tự do để chọn điều lành lánh điều dữ.

Vậy sống đạo đức là vâng theo thánh ý Chúa mà lý trí chúng ta có thể tìm biết được. Sống theo ý Chúa tức là tuân giữ lề luật của Chúa mà tất cả lề luật của Chúa đều tóm tắt trong sự mến Chúa và yêu người, mến Chúa vì Chúa là cha chúng ta, yêu người vì người là hình ảnh của Chúa và là anh em của chúng ta.” [6]

Chúa Giê-su xuống thế không phải là để bãi bỏ những điều luật đã được lưu truyền mà là để kiện toàn. Người đã mạnh mẽ lên án những ai sống cậy thế vào luật lệ, sống hình thức bề ngoài, điển hình cho tầng lớp này là nhóm Pha-ri-sêu. Họ được coi là những người sống vì luật. Cái gì họ cũng đưa luật ra áp dụng, đến nỗi họ đã biến luật thành một gánh nặng chất lên vai người dân. Họ đã làm cho luật trở thành một cái ách cùm chân con người lại. Chúa Giê-su đến đả phá thái độ sống vị luật đó. Người chủ trương luật yêu thương, luật mang lại tự do thực sự cho con người, vì ách của Người thì êm ái, và gánh của Người thì nhẹ nhàng (x. Mt 11,30).

Thánh Phao-lô nhiều lần nói về vai trò của lề luật và tự do của con người. Chúng ta nên trích ra đây vài đoạn để thấy được tư tưởng của thánh nhân:

Thưa anh em, -tôi nói đây là nói với những người biết Luật- anh em không biết điều này sao: Luật chỉ có hiệu lực đối với người ta, bao lâu người ta còn sống? Tỉ dụ như người đàn bà có chồng, thì luật buộc theo chồng bao lâu chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ không còn bị luật ràng buộc với chồng nữa. Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình. Đối với anh em cũng thế. Bởi được liên kết với thân thể Đức Ki-tô, anh em đã chết đối với Luật Mô-sê. Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa. Vì trước đây, khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật. Vậy phải nói sao? Lề Luật là tội chăng? Không phải thế! Nhưng tôi đã chẳng biết tội là gì nếu không có Lề Luật. Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn. Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì tội đã chết rồi. Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết. Quả thế, tội đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi.

Như vậy, Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó. (Rm 7, 1-13).

Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá.Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích. (Gl 2,19-21).

Những điều thánh nhân đã nói trên cho chúng ta thấy rõ vai trò của lề luật đối với người Ki-tô hữu rồi, chúng ta không cần nói thêm nữa.

(còn tiếp)

Chú thích:

[1] Nguyễn Trọng Viễn O.P., Lịch sử Triết học Tây phương, Tập 1 Thời Thượng cổ, Học viện Đa-minh, 1996, tr.111.
[2] Nguyễn Trọng Viễn O.P., sđd., tr.145.
[3] Nguyễn Trọng Viễn O.P., sđd,. tr.192
[4] Cao Văn Luận, Đạo đức học, quyển III, 1960, tr.5.
[5] Lão Tử-Thịnh Lê(cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nhà xuất bản Văn học, 2001, tr.363.
[6] Cao Văn Luận, Đạo đức học, quyển III, 1960, tr.33.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Charmaine Saunders, Tuổi thanh thiếu niên trong cơn khủng hoảng, (dg: Khánh Vân), Tủ sách Tâm lý giáo dục.
Đào Duy Anh, Hán – Việt Từ điển, Trường Thi Xuất Bản, 1957.
GS. Đặng Phương Kiệt, Stress & đời sống, NXB. Khoa học Xã họi, Hà Nội, 1998.
Hữu Ngọc-Dương Phú Hiếp-Lê Hữu, Từ điển Triết học Giản yếu, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.
Jean Vieujean, Thanh niên, Phong trào Thanh – thiếu niên, Loại tâm lý, 1969.
Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm, Từ điển Tiếng Việt, NXB. Thanh Hóa, 1999.
Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức, Giáo trình sơ thảo, Học viện Đa-minh, 2004.
Nguyễn Trọng Viễn O.P., Lịch sử Triết học Tây phương, Tập 1 Thời Thượng cổ, Học viện Đa-minh, 1996.
Nhiều tác giả, Phép thử của những người trẻ, Báo Tuổi Trẻ & NXB. Trẻ, 2003.
Lão Tử-Thịnh Lê(cb), Từ điển Nho Phật Đạo, Nhà xuất bản Văn học, 2001.
Larousse, Nouveau Dictionnaire êtymologique dt historique, Librairie Larousse, Paris-VI, 1971.
Thích Minh Cảnh (cb), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3: Đ-E-GI, (?).
Thuật ngữ Thần học Anh – Việt, Học Viện Đa-minh, 2002.
Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và Danh từ Triết học, Tủ Sách Ra Khơi, 1959.
Vũ Hạnh, Tuổi trẻ nổi loạn, Kiến thức thời đại, 1973.

F.X. Trần Kim Ngọc, O.P.