Log in

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (54)



Dan Lee
10-05-2008, 09:57 AM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (54)



541. Trận thắng Lêpantê năm 1571

Làm chủ toàn Địa-Trung-Hải, đoàn binh thuyền rất hùng mạnh của người Hồi giáo đe doạ sẽ chiếm những quốc gia Âu châu theo Kitô giáo, nhất là các nước Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo.
Ngày 17 tháng 9 năm 1751, Đức Giáo Hoàng Piô Vtruyền cho toàn thể người công giáo hãy lần hạt Mân Côi, xin Đức Mẹ phù hộ che chở cho khỏi bị tiêu diệt bởi người Hồi giáo.
Tại vịnh Lêpantê, Hy Lạp, các binh sĩ Công giáo, gồm 65 ngàn người, trong vòng ba tiếng đồng hồ, xưng tội, chịu lễ, lần hột Mân Côi để cầu nguyện với Đức Mẹ trước khi khai mạc cuộc chiến trên biển Địa-Trung-Hải với quân Hồi giáo.
Cuộc chiến xảy ra rất ác liệt cho đến quá trưa thì quân Hồi bại trận.
Toàn thể binh sĩ Công giáo của nhiều nước tham chiến lúc bấy giờ, đều đồng thanh công nhận: không phải tướng tài, binh giỏi hay vũ khí đã làm cho họ thắng trận, nhưng chính nhờ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi qua việc lần hạt Mân Côi theo nhue lệnh truyền của Đức Giáo Hoàng Piô V.

542. Thánh Grignon de Monfort và tràng Chuổi Mân Côi

Thánh Grignon de Monfort luôn đem chuổi Mân Côi theo mình.
Cùng với những kinh Kính Mừng, ngài đi khắp mọi nơi trên đất Pháp, đi hơn 100 ngàn cây số, đem Tin Mừng đến cho mọi người, đem tình thương của Chúa và Mẹ Maria đến cho mọi người. Nhờ thế, rất nhiều người biết Chúa, và rất nhiều người ăn năn hối cải.
Ngài hãnh diện nói: “Không một tội nhân nào thoát khỏi tay tôi khi tôi lấy chuổi Mân Côi tròng vào cổ họ.”

543. Ba người danh tiếng cùng nhau lần hột

Đó là ba người danh tiếng của nước Ý Đại Lợi: triết gia Rosmini, văn hào Manzoni và bộ trưởng Bonghi.
Lúc đó, vào một đêm thu của năm 1850, ba người nầy gặp nhau tại Stresa. Họ đang bàn với nhau về những vấn đề triết học và tôn giáo.
Bỗng Rosmini nhắc: - “Đây là giờ chúng ta lần hột Mân Côi.”
Ba người danh tiếng của nước Ý Đại Lợi lúc bầy giờ, không đợi ai thúc giục, rút chuỗi ra và cùng nhau lần hột Mân Côi.

544. Xin một ý lễ đặc biệt

Trong một nhà thờ tại Rôma, linh mục đang cử hành thánh lễ mừng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Trong số các người dự lễ, có một bà già.
Lễ xong, bà đến gặp vị linh mục và giao cho vị nầy năm ngàn quan tiền Ý để xin dâng một thánh lễ. Linh mục bỡ ngỡ vì số tiền quá lớn. Bà già cắt nghĩa: đó là số tiền bà đã dành dụm trong vòng 5 tháng. Ý xin lễ của bà: tạ ơn Chúa vì Chúa đã làm cho Đức Mẹ trở quá đẹp đẽ, quá tuyệt vời

545. Huấn luyện giáo dân làm tông đồ

Khi đã về già, Đức Thánh Cha Piô X chỉ đặt hết hy vọng cứu vãn thế giới vào việc các linh mục nhiệt tâm huấn luyện giáo dân để họ biết truyền thông tinh thần tông đồ bằng lời nói, việc làm và nhất là gương sáng.
Trong những địa phận Ngài coi sóc trước khi làm Giáo Hoàng, Ngài không chú trọng đến cuốn sổ ghi tình trạng các linh hồn cho bằng chú trọng đến danh sách những giáo dân có thể làm tông đồ. (Hồn Tông Đồ)

546. Biết điều hành công việc

Jennifer là nhân viên môi giới cho vay thế chấp ở một công ty thương mại ăn nên làm ra.
Trớ trêu thay! Một trong những trở ngại lớn lao nhất của cô là sự đa năng, đa tài trong mọi mặt!
Cô luôn tự tin vào bản thân, và luôn cảm thấy bất an khi phải giao bất cứ việc gì cho ai. Dù là gọi điện thoại, trao đổi với bên cho vay, liên hệ với khách hàng, hay điền vào các mẫu giấy tờ, cô đều tự làm lấy và hoàn thành tốt.
Cô điều khiển êm xuôi trong một thờì gian.
Tuy nhiên, từng ngày qua, công việc càng chồng chất, sự ôm đồm, không muốn san sẻ trách nhiệm, đã bắt đầu có tác dụng ngược: càng ngày, cô phạm sai lầm nhiều hơn, luôn cáu gắt, nói trước quên sau, và lộ vẻ mệt mỏi.
Đồng nghiệp than phiền cô bẩn tính và cư xử hách dịch.
Trong một buổi họp nội bộ được tổ chức nhằm thúc đẩy công việc tiến triển khả quan hơn, mọi người đều cho rằng khuyết điểm về chuyên môn lớn nhất của cô là sự bất hợp tác và san sẻ trách nhiệm chung.
Cô đã nhìn ra vấn đề: không ai có thể chu toàn và làm tốt mọi việc từ A đến Z.
Cô bắt đầu cắt đặt công việc - từ việc nhỏ đến việc lớn – và điều hành một cách suôn sẻ.
Cô dần ổn định và lấy lại sự quân bình.
Cô ý thức việc sử dụng thời gian và chuyên môn của mình hợp lý hơn. Cô nói với tôi (Richard Carison): “Tôi đang tìm lại chính mình.” (Đừng Quá Lo Lắng Về Những Việc Nhỏ)

547. Toàn tâm, toàn ý với công việc là liều thuốc hữu hiệu để trị bệnh và phòng bệnh

Khi ông Kawasaki Shouzou sáng lập hãng đóng tàu Kawasaki, thì ngành đóng tàu không được hưng thịnh.
Một chiếc tàu mới do hãng ông đóng, bị bão nhấn chìm xuống biển.
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết thì hai đứa con trai của ông lần lượt bệnh, rồi qua đời.
Một loạt tai họa ập xuống và ông ngã bệnh.
Bác sĩ trị liệu nói với ông: “Nếu một người làm việc say mê, mà không làm việc, thì sẽ ngã bệnh. Chỉ cần lao vào công việc, bệnh của ông sẽ khỏi ngay.”
Quả nhiên, khi ông trở lại công ty làm việc, thì không chỉ hồi phục sức khoẻ, mà ông còn gặt hái được rât nhiều thành công.
Lời của vị bác sĩ đó quả không sai. Khi toàn tâm toàn ý làm việc, thì rất ít bị bệnh tật tấn công. Có thể nói “toàn tâm toàn ý với công việc” là liều thuốc hữu hiệu để trị bệnh, phòng bệnh.
Ngược lại, những người lúc nào cũng oán thán, cho rằng công việc không có ý nghĩa, không có niềm say mê, thì rất dễ sinh bệnh.
“Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khoẻ mạnh”.
Mỗi ngày, giữ cho tinh thần minh mẫn, nỗ lực tìm kiếm niềm vui trong công việc, không chỉ có thể duy trì sự khoẻ mạnh, mà còn có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. (200 Cách Hành Xử Trong Cuộc Sống)

548. Hết sức hoàn thành các việc nhỏ

Lúc biên soạn cuốn “Tự Điển Vĩ Nhân Quốc Tế”, tôi (Hoàng Xuân Việt) thấy ai làm nên sự nghiệp vĩ đại, đều theo nguyên tắc hoàng kim nầy: làm một cách vĩ đại các việc cực tiểu và làm liên tục, mải miết.
Mommsen đoạt giải Nobel văn chương năm 1902, có viết nổi mấy pho sử khổng lồ của ông không, nếu ông không tập trung tinh thần ráo riết vào mục tiêu thành sử gia của ông? ….
Hệ trọng là bạn phải kiên trì theo đuổi quyết định của bạn sau khi đã suy nghĩ và lựa chọn. Bạn là hậu thuẩn của bạn trước nhất.
Đời ta không muốn hy vọng làm vĩ nhân đâu. Ai được tốt số như vậy, thì họ nên cám ơn riêng Tạo Hoá. Ta chỉ nhắm những giá trị tối thiểu thôi: ta nhất định làm cái gì thì làm kỹ, làm với nỗ lực tối đa.
Thành công không, không biết, mà thấy mình làm tận nhân lực, là được cái vui thú thiêng liêng nó làm mình ham sống rồi….
Là một nhà văn, một nhà thơ, một hoạ sĩ, một khoa học gia gì cũng được, tối hệ là làm cách vĩ đại bất cứ một việc nhỏ nhặt nào, và làm liên tục, trường kỳ. Nguyên tắc nầy, tôi cam quyết không phản bội bạn. Bạn sẽ nhờ nó mà có một đời sống giá trị hơn. (Chảy Mồ Hôi Tim Óc)

549. Luôn ở thế chủ động để sẵn sàng ứng phó

Lần nọ, một cơn bão lớn xảy đến khi tôi (Keith D. Harrell) có việc phải đi công tác.
Lẽ ra, tôi có thể chọn chuyến bay khởi hành sớm một ngày để tránh bị kẹt lại sân bay, nhưng tôi đã không thực hiện được điều đó. Thế nên, khi tôi đến sân bay, toàn bộ các chuyến bay đều đã bị hoãn. Tuy nhiên, để tránh bị động và hao tổn sức lực, tôi quyết định gọi ngay đến khách sạn để đặt phòng. Nếu không thể bay ngày hôm đó thì tôi vẫn có thể qua đêm yên ổn, thoải mái tại khách sạn.
Tôi rời sân bay trong khi những hành khách khác vẫn còn đứng đó kêu gào.
Khi tôi quay lại ngày hôm sau, họ vẫn tiếp tục khiếu nại. Đêm qua, họ phải ngủ trên ghế và dưới sân vì toàn bộ các khách sạn đều đã kín phòng.
Nhờ chủ động, tôi đã được ăn no ngủ kỹ, tinh thần phấn chấn để tiếp tục cuộc hành trình. (Thay Thái Độ - Đổi Cuộc Đời)

550. Vợ giúp chồng thành công trong sự nghiệp

Đại văn hào Hawthorne nước Mỹ, nếu không có được sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của vợ mình là Sophia, thì có thể ngày hôm nay, không có một hoàng đế trong diễn đàn văn thơ.
Trước khi Hawthorne chưa thành danh, ông chỉ là một viên chức nhỏ trong ngành hải quan.
Vào một ngày nọ, ông buồn bã, ủ rũ trở về nhà nói với vợ của mình rằng ông bị đuổi việc rồi. Vợ ông nghe xong, không những không biểu hiện bất mãn, mà trái lại, còn reo lên sung sướng: “Như vậy, anh có thể chuyên tâm viết sách được rồi.”
- “Thế à?”, Hawthorne cười một cách đau khổ, trả lời: “Anh chỉ viết sách mà không làm việc, chúng ta lấy cái gì mà sống đây chứ?”
Lúc nầy, Sophia mở ngăn kéo, lấy ra một số tiền không nhỏ.
- “Số tiền nầy, ở đâu, em có vậy?” Hawthorne há hốc mồm, hỏi một cách kinh ngạc.
- “Em luôn luôn tin rằng anh là một thiên tài văn học.” Sophia giải thích: “Em tin một ngày nào đó, anh sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Cho nên, mỗi tuần, em đều tiết kiệm một ít trong số tiền chi tiêu của gia đình. Bây giờ thì số tiền nầy có thể nuối sống chúng ta trong vòng một năm.”
Có một người vợ luôn luôn ủng hộ mình cả về tinh thần lẫn vật chất, Hawthorne sau nầy, quả thật đã trở thành một nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học nước Mỹ. (Lựa Chọn Để Quyết Định Cuộc Sống)

LM Nguyễn Vinh Gioang