PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (53)



Dan Lee
09-28-2008, 02:08 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (53)

531. Vâng lời trọng hơn của lễ!

Samuen nói với Saun: “Phải chăng Giavê vui nơi thượng hiến và lễ tế bằng vâng nghe tiếng của Yavê? Nầy, vâng nghe tốt lành hơn lễ tế, và tuân lệnh thì quý hơn mỡ béo của dê.” (1S 15,22)

532. Chúa phạt Samuen vì không vâng phục

Samuen nói: “Bởi ngươi đã chẳng nghe tiếng Yavê mà thi hành án lôi đình thịnh nộ của Người trên Amalek, cho nên hôm nay Yavê đã xử với ngươi thế nầy. Yavê sẽ phó nộp ngươi với cả Israen nữa trong tay quân Philitin.”…
Tức khắc, Saun ngã lăn sóng sượt trên đất. (1S 28,18-20)

533. Lời khấn vâng phục của Đức Mẹ

Khi được tin làm Mẹ Đức Chúa Trời, Đức Mẹ khấn ngay đức vâng phục: ‘Nầy tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời.” (Lc 1,38)
Lời khấn đức vâng phục là lời khấn thứ hai của Đức Mẹ, vì lời khấn khiết tịnh là lời khấn thứ nhất của Đức Mẹ khi Ngài đã nói ra cho thiên thần biết: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” (Lc 1,34)

534. Gương vâng lời của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu vâng lời trước khi xuống trần gian: “Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10,7)
Chúa Giêsu vâng lời trong gia đình: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2,51)
Chúa Giêsu vâng lời trong đời sống công khai hành đạo: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34)
Chúa Giêsu rất hãnh diện vì đã vâng lời Cha Ngài một cách hoàn toàn: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.” (Ga 17,4)
Chúa Giêsu quyết tâm vâng lời dẫu đang ở trong hoàn cảnh quá đau đớn: “Lạy Cha, nếu chén nầy không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện.” (Mt 26,42)
Chúa Giêsu vâng lời một cách quá tuyệt vời, đến đỗi thánh Phaolô phải nhận xét: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 8). Và tác giả Thư Do Thái cũng nói đến điểm nầy: “ Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 5,8)

535. Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời người ta!

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng:
- “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”
Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm.” (Cv 5, 27-29)

536. Huấn luyện giáo dân là điều rất quan trọng cho Giáo Hội hiện nay

Với sự thấu hiểu các nhu cầu của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Piô X (1903-1914) thường có những nhận xét rất đúng.
Báo L’Ami du Clergé (1921) thuật lại mẩu truyện lý thú giữa Đức Giáo Hoàng và một số Hồng Y. Đức Thánh Cha hỏi:
- “Hiện nay, cái gì là cần thiết hơn cả để cứu vãn tình trạng thối nát của thế giới?”
- “Tâu Đức Thánh Cha - một vị Hồng Y thưa – con nghĩ phải xây nhiều học đường công giáo.”
- “Không!”
- “Tâu Đức Thánh Cha - vị khác nói - phải xây thêm rất nhiều thánh đường.”
- “Cũng không phải!”
- “Con nghĩ - vị thứ ba nói - phải khuyến khích công việc tuyển trạch hàng giáo sĩ.”
- “Không! Điều cần thiết nhất lúc nầy là mỗi xứ phải có một nhóm giáo dân vừa đạo đức, vừa biết rộng, trông xa, cương quyết và có tinh thần tông đồ thực thụ.” (Hồn Tông Đồ)

537. Một trong những nghệ thuật đàm phán: chọn lựa từ một menu-giới-hạn

Đừng bao giờ để cho phía bên kia không có lựa chọn nào khác.
Đừng bao giờ tuyên bố: “Hoặc là cái nầy, hoặc không có gì cả!” Thay vào đó, hãy để họ có một lựa chọn tốt hơn hẳn – ít nhất là khi so sánh với các lựa chọn khác….
Tháng 8/1977, người Croatia cướp một chiếc máy bay TWA trên lộ trình từ sân bay La Guardia, New York tới O’Hare, Chicago.
Để kéo dài thời gian, máy bay bay theo một lộ trình ngoằn ngoèo qua Montreal, Newfoundland, Shannon, London và cuối cùng, đến sân bay Charles de Gaulle, nơi nhà chức trách Pháp đã bắn nổ lốp.
Chiếc máy bay nằm trên đường băng trong ba ngày.
Cuối cùng, cảnh sát Pháp… đưa ra một tối hậu thư menu-giới-hạn mà tôi diễn đạt lại như sau:
- “Xem đây… các anh có thể làm bất cứ cái gì mình muốn. Tuy nhiên, cảnh sát Mỹ đã đến. Nếu các anh đầu hàng và quay lại liên bang với họ bây giờ, các anh sẽ bị tù từ hai đến bốn năm, tối đa. Nghĩa là các anh có thể sẽ được thả ra trong vòng 10 tháng.”
Chờ một lúc cho những từ nầy thấm, cảnh sát Pháp tiếp tục:
- “Nhưng nếu chúng tôi phải bắt các anh, hình phạt sẽ là tử hình theo luật của Pháp. Bây giờ, … các anh muốn thế nào?”
Những kẻ không tặc quyết định đầu hàng và thử cơ hội với hệ thống toà án Mỹ. (Bạn Có Thể Đàm Phán Bất Cứ Điều Gì)

538. Người thành công đều biết xin lỗi

Ông Abraham Lincoln là một trong những tổng thống nổi tiếng nhất của Mỹ.
Ông có thói tính không mấy tốt đẹp. Khi còn nhỏ, ông nổi tiếng là người ăn nói cay nghiệt. Khi làm luật sư, ông đã rèn luyện cho mình có tài biện luận, hầu như ít ai cãi được hơn ông.
Do tuổi trẻ hăng hái, tính tình thẳng thắn bộc trực, nên ông có nhiều kẻ thù.
Một hôm, có người bị ông mắng, họ tức giận, thách quyết đấu với ông. Nhưng nhờ ăn nói lợi hại, không ai ăn nói hơn, và cũng nhờ mọi người can ngăn, ông đã xin lỗi đối phương, cuối cùng, không xảy ra cuộc quyết đấu nữa…
Sau nầy, trong một cuộc va chạm tranh cãi, Lincoln không tự chủ được mình, đã mắng té tát một nghị viện trước mặt mọi người. Những câu nói cay độc, xóc hống, như con dao nhọn đâm vào đối phương, không thương tiếc.
Lincoln mắng nghị viện nầy đến nỗi ông ta phải khóc.
Mắng xong, Lincoln cảm thấy hối hận. Một mặt, ông oán trách mình phạm phải sai lầm cũ, một mặt, nghĩ cách làm sao giải quyết thỏa đáng vấn đề nầy.
Sau một cuộc vật lộn đấu tranh tư tưởng, Lincoln quyết định vứt bỏ tự ái, đến nhà xin lỗi viên nghị viện kia.
Ngay đêm hôm đó, ông đến nhà viên nghị viện, thành khẩn xin lỗi, và tỏ ra xấu hổ về chuyện va chạm của mình trong ngày.
Tuy viên nghị viện chưa tỏ ra chấp nhận xin lỗi của Lincoln ngay, nhưng thái độ cử chỉ của ông ta chứng tỏ mâu thuẩn giữa hai người đã được hòa hoãn, và Lincol đã tránh được một kẻ thù ghê gớm về chính trị….
Bài học dạy đời là phải biết xin lỗi, thừa nhận sai lầm, và được nhiều người giúp đỡ, nên Lincoln đã bước tới thành công. (Sức Mạnh Của Lời Xin Lỗi)

539. Bài học của sai lầm cũng như của thành công

Có một anh chàng than rằng Thượng Đế không bao giờ nói cho anh ta biết cái gì cả.
Anh ta đi hỏi bạn bè:
- “Tại sao Thượng Đế không gửi cho tôi một thông điệp nào cả như từng gửi cho người khác?”
Bạn thân của anh ta trả lời dứt khoát:
- “Thượng Đế làm như vậy với anh qua những sai lầm của anh đó.”
Sai lầm là những thông tin phản hồi chúng ta nhận được và cần phải học hỏi từ chúng.
Kẻ chiến thắng phạm sai lầm nhiều hơn kẻ thất bại. Đó là lý do họ chiến thắng. Họ sẽ nhận được nhiều thông tin phản hồi khi họ cố gắng thử nghiệm nhiều khả năng khác nhau.
Vấn đề vướng mắc của những người thất bại là ở chỗ họ coi sai lầm là một gánh nặng mà không nhìn thấy những mặt tích cực của nó.
Chúng ta học hỏi nhiều điều lúc thất bại hơn là lúc thành công.
Khi chúng ta thất bại, chúng ta suy ngẫm, phân tích, tập hợp lại và thảo ra một chiến lược mới.
Khi chúng ta chiến thắng hay thành công, chúng ta chỉ đơn giản ăn mừng những gì chúng ta đã làm, vì thế, chúng ta học hỏi được rất ít khi thành công. Đó là lý do nữa để chúng ta sẵn sàng vui vẻ đón nhận những sai lầm. (Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi)

540. Nơi đâu có ý chí, nơi đó có lối đi.

Chúng ta không nên hoảng sợ trước tầm quan trọng của vấn đề.
Thỉnh thoảng, chúng ta lại đánh giá thấp năng lực của chính mình và tự gây trở ngại bằng tầm quan trọng của vấn đề.
Một lần, cậu trai nọ ngồi góc tối của ngôi làng với một ngọn đèn nhỏ trong tay. Ngọn đèn chỉ có thể tỏa ánh sáng trong vòng một mét rưỡi, trong khi cậu phải đi bộ sang làng bên, cách đó ba dặm.
Một cụ già, người tình cờ đi ngang qua, hỏi tại sao cậu phải ngồi một mình trong góc tối của ngôi làng với ngọn đèn trong tay?
Cậu trai trả lời:
- “Cháu phải đi ba dặm trong bóng tối và cây đèn mà cháu có, chỉ có thể tỏa ánh sáng trong vòng một mét rưỡi. Vì vậy, cháu ngồi đây để qua đêm và sẽ bắt đầu chuyến đi vào lúc trời sáng.”
Cụ già cười và nói:
- “Cháu đúng là một đứa trẻ ngu ngốc. Đúng là cây đèn chỉ có thể toả ánh sáng trong vòng một mét rưỡi, nhưng khi cháu vượt qua quảng đường đó, cây đèn tỏa ánh sáng thêm một mét rưỡi nữa, và vì thế, cháu có thể đi bất cứ đâu trong đêm với cây đèn nầy.”
Chỉ khi đó, cậu trai mới nhận ra sự khờ khạo của mình và bắt đầu chuyến đi với ngọn đèn cháy sáng trên đường theo cách giải thích của cụ già…
Rất thường, chúng ta không ý thức được năng lực của mình và không biết cách sử dụng chúng, giống như cậu trai nhỏ với chiếc đèn, đã bị bóng tối mênh mông cản trở.
Nếu cậu ta bắt đầu chuyến đi, cậu sẽ phát hiện ra chiếc đèn đủ để soi sáng đường cậu đi, vượt qua cả quãng đường dài.
Trừ khi chúng ta quyết định hành động, nếu không, vấn đề sẽ không được giải quyết; và để hành động, chúng ta phải có ý chí cần thiết.
Một khi đã có ý chí, chắc chắn sẽ có lối đi. (Tự Tin Để Thành Công)

LM Nguyễn Vinh Gioang