PDA

View Full Version : S - Sám Hối Là Khởi Điểm (Chúa Nhật XXVI - thường niên - Năm A)



Dan Lee
09-23-2008, 04:06 PM
Chúa Nhật XXVI - thường niên - Năm A

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.

Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.

Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1) Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?

2) Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?

3) Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách?

2. Một đường cái quan
Dụ ngôn hai người con trai là một truyện kể mà các phần tương ứng với ý tưởng Thiên Chúa muốn diễn ta. Chúa cố thử cho người ta hiểu điều sau đây: những người Biệt phái ưng thuận thi hành lề luật, nhưng đến cuối họ không đón nhận Đấng Messia được lề luật loan báo, thái độ ấy khiến họ thụt lùi sau những người tội lỗi. Những người này tuy không tuân giữ lề luật, nhưng cuối cùng đã biết đặt lòng tin vào Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Hai người con trai là người thu thuế và người Biệt phái, người thì tuân giữ lề luật của Môisê, kẻ thì không. Những người thu thuế tuân giữ được ý định tối hậu của lề luật là tin vào Đấng Kitô cùng hoán cải vào đời sống; người biệt phái vì từ chối không chịu tin vào Chúa Giêsu cũng từ chối không hoán cải theo Phúc Âm. Kết cục người thu thế thi hành thánh ý Thiên Chúa, còn người Biệt phái thì không. Thông thường trong Phúc Âm khi một dụ ngôn nói thẳng cho người Do thái cũng kèm theo ý định giảng dạy cộng đoàn Kitô hữu. Do đó dụ ngôn hai người con trai cũng nói cho những ai trong Giáo Hội ngày nay buông mình mang lấy não trạng “chính nhân” giống như người Biệt phái. Chính cho chúng ta ngày nay mà lời khuyến cáo cần phải thi hành thánh ý Thiên Chúa, chứ không được dựa cậy vào những việc tuân giữ bề ngoài được thốt ra. Câu ngắn ngủi trung tâm của truyện kể được Chúa Giêsu tạo ra là: Ai là kẻ đã làm theo ý muốn của Cha? Ý muốn của Thiên Chúa ở đây là gì?

1) Ý muốn của Thiên Chúa là chúng ta tin vào Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc loài người. Nhưng cần nhấn mạnh điểm này: dụ ngôn đòi chúng ta hãy dấn bước lên đường vì đức tin chứ không buộc chúng ta phải đến nơi rồi. Khi nghe dạy ra vườn nho, một trong hai đứa con cuối cùng đã đi. Câu ấy có nghĩa là dấn bước, đi tới một mục tiêu. Trong đời sống đức tin luôn luôn phải lên đường. Chúng ta chưa bao giờ đến đích cả. Vào lúc Chúa Giêsu phán dạy ngụ ngôn, các người nghe Ngài nói ngay cả các môn đệ, không thể nào đạt tới một đức tin trọn vẹn, họ chưa có đủ các yếu tố. Chúa Giêsu chưa đưa các môn đệ vượt qua mọi giai đoạn dẫn đến lời tuyên xưng đức tin mà họ sẽ công bố sau ngày Hiện xuống. Nhưng điều quan trọng ở chỗ nào? Ở chỗ khởi sự tin với những ánh sáng ta có và với tất cả thiện chí ta có.

2) Làm cách nào để luôn tiến bước trong cuộc sống đức tin? Bằng cách tự hoán cải không ngừng. Tự hoán cải là không làm theo ý của mình, nhưng làm theo ý của Thiên Chúa. Thực thi thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là sống thực sự là Kitô hữu không ở trong lời nói nhưng trong việc làm, không những ở các việc đạo đức, nhưng trong cụ thể đời sống. Đức tin tuyên xưng trong tâm trí cần phải thấm nhập cụ thể cách sống và xử sự của chúng ta. Nếu tính ích kỷ của chúng ta phản ứng lại đòi hỏi ấy, đó cũng là việc thường tình và cũng thường tình nếu thoạt tiên đôi khi chúng ta cảm thấy cám dỗ khước từ lời Thiên Chúa dạy. Thiên Chúa không xét đoán chúng ta căn cứ vào cơn cám dỗ hay phản ứng thoạt tiên ấy. Ngài xét đoán chúng ta “tại chỗ”, nghĩa là những gì cuối cùng chúng ta làm khi tuân theo ý Ngài. Phúc cho Kitô hữu nào đi theo con đường trực tiếp ấy mà đến Nước Trời!

3. Trong dự định của Thiên Chúa, sự chết dẫn đến sự sống
Một học sinh đã thức khuya và dậy thật sớm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào trường trung học. Một nhạc công violon tập dợt nhiều tháng để trình diễn bản concerto đầu tiên dành cho violin của nhạc sĩ tài danh Mendelssohn. Một vận động viên đã chạy một đoạn đường khá dài mỗi ngày, ông thực hiện đó mỗi ngày để tham dự vào một giải chạy marathon.

Có phải Thiên Chúa giống như thế không? Có phải Người đã thực tập trước khi Người sáng tạo thực ư? Có phải bây giờ Người phải chịu đựng để mang vũ trụ đến một chung cục hoà điệu không? Có phải Thiên Chúa đang lớn dần lên và phát triển thành một điều gì quyền lực hơn bây giờ không? Dĩ nhiên là không rồi. Thiên Chúa hoàn hảo. Người không thể lớn lên và không thể thay đổi gì nơi thần tính của Người. Nhưng sự nhập thể lại là một chuyện khác.

Người Con Thiên Chúa, có tự đời đời và ngang bằng với Cha Người trong mọi sự, đã không do dự để trở thành một con người nhân loại. Trong lúc vẫn còn là thần linh, Người trở thành giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Những lời mà thánh Phaolô đã can đảm dùng để miêu tả sự Nhập Thể thì đáng chú ý như chính sự kiện: “Chúa Giêsu đã tự làm trống rỗng chính mình và mặc lấy hình hài của một nô lệ, được sinh ra trong nòi giống con người”. Chúa Giêsu trở thành con người để tuân theo Thánh Ý Cha của Người, để hoàn tất chương trình của Cha Người là cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu giống như người con trong dụ ngôn, nói “vâng” khi Thiên Chúa Cha sai Người đi vào vườn nho của thế gian để làm việc hầu cứu độ chúng ta và Người giống như đứa con thứ, Chúa Giêsu đã đi thật sự. Chính vì điều này mà “Người đã trở nên sự vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Chúa Cha đã đáp lại hành động phi thường này bằng việc đưa Người Con tới sự sống Phục sinh. Chúa Cha không muốn Con của Người phải trải qua cái chết trong một cách như vậy, để rồi rơi vào quên lãng ngay cả trong bản tính nhận loại của Người nữa. Không. Chúa Cha muốn tán tụng Chúa Con và “ban cho Người một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu”. Nhưng điều kiện cho sự tán tụng này là, hay nói chính xác hơn, nguyên nhân của sự tán tụng này là Người đã vâng lời cho đến chết. Thánh Phaolô đã tuyên bố cách rõ ràng: “Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết” và bởi vì điều này mà Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Chúng ta sẽ thấy từ: “Bởi vì” đã được viết hoa.

Không phải việc Chúa Giêsu chết và sống lại là một điều gì giống như anh chàng điên tự đập đầu mình rồi sau đó cảm thấy tốt hơn nếu không làm như thế nữa. Chân lý này mầu nhiệm Vượt Qua, dự định của Thiên Chúa Cha là biến những nơi đau buồn nên con đường để đến với niềm vui, sự khiêm tốn biến thành lời ca tôn vinh và cái chết biến đổi thành sự sống đời đời.

Mầu nhiệm Vượt Qua là con đường của Chúa, không chỉ vì một mình Chúa Giêsu mà cả chúng ta nữa. Chúng ta bước vào trong cuộc đụng chạm với Mầu Nhiệm Vượt Qua trong phép rửa tội, nơi mà chúng ta đã chết cho tội và sống lại với một sự sống mới thánh thiện trong Đức Kitô. Chúng ta cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong mỗi thánh lễ: chúng ta tuyên xưng “Chúa Kitô đã chết đi, đã sống lại và sẽ đến một lần nữa”. Từ hy tế Thánh Thể chúng ta kéo sức mạnh xuống để sống theo ý nghĩa của bí tích rửa tội. Giống như Đức Kitô, chúng ta phải vâng theo ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự, ngay cả cái chết nữa. Trong cung cách chúng ta đang sửa soạn cho cuộc kiểm tra cuối cùng, chúng ta thực hiện việc thông dự vào sự hoà hợp phong phú của thiên đàng và chúng ta cố gắng chiến đấu để ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn. Cung cách của Thiên Chúa là mầu nhiệm Vượt Qua, có vẻ lạ lùng đối với một số người, hoặc có vẻ thiên vị, nhưng Thiên Chúa đã dẫn Con của người qua Mầu nhiệm Vượt Qua. Chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan và niềm vui khi thông dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô.

4. Nói vâng với Thiên Chúa chính là thay đổi ngay lập tức
Một người bạn nói với tôi: -Việc biểu dương những kẻ mại dâm làm tôi bực mình. Cha sở của chúng tôi luôn trưng dẫn bản văn này: “Những cô gái mại dâm sẽ vào Nước Trời trước các con”.

Tôi đã sửa lại: Tin Mừng không nói “sẽ vào trước các con” mà là “vào trước các con”. Chúa Giêsu không dành một sự ưu tiên về mặt lý thuyết cho tất cả các cô gái mại dâm! Ngài nhận thấy một điều đó là trong số các thính giả của Ngài, những cô gái mại dâm là những người đầu tiên tin vào Ngài và trở lại đạo.

Người bạn của tôi ngập ngừng.

- Tôi làm vui lòng Chúa Giêsu nếu tôi là một tên vô lại chính cống hơn là một người suy nghĩ chín chắn hay sao?

Tôi đã thấy nhiều người Kitô hữu vấp phải khó khăn này, nhất là sau một bài giảng trong đó người ta đã hành hạ họ. Chắc chắn họ không để ý rằng họ phản ứng hơi giống như những người Pharisêu mà Chúa Giêsu dành dụ ngôn hai người con cho họ.

Hai người con nhận cùng một lời mời gọi. Đây là chi tiết chủ yếu: cho dầu hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta như thế nào, Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta lời mời gọi cơ bản và cũng một lời đề nghị đó. Những khác biệt giữa chúng ta có thể là lớn, nhưng chúng rất hời hợt so với sự chọn lựa sâu xa của chúng ta; trả lời vâng hoặc không cho Chúa Giêsu Kitô.

Khi hai người con nghe: “Hôm nay con ra làm vườn nho cho cha nhé”, một người nói vâng, nhưng anh ta không đi. Người kia nói không, nhưng “nghĩ lại” anh ta lại đi. Hãy ghi nhớ hai tiếng mấu chốt: hôm nay và nghĩ lại, và bạn hãy nghĩ đến những người vây quanh Chúa Giêsu lúc Ngài nói điều này. Chính Ngài là lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi mạnh mẽ nhất: “Hôm nay, hãy lắng nghe Ta trong khi lắng nghe Con Ta”.

Cho tới lúc đó một số người tin rằng họ nói vâng với Thiên Chúa nhưng thực tế họ nói không với Ngài. Họ không biết thực sự người ta nói vâng với Thiên Chúa như thế nào. Trên quan điểm này những người Pharisêu gống y như những cô gái mại dâm. Tất cả những người ấy đều đứng trước cơ may lớn lao là cuối cùng có thể nói vâng với Thiên Chúa ngay lập tức (vào ngày hôm nay): họ chỉ cần lắng nghe Chúa Giêsu là đủ. Những người mại dâm chớp lấy cơ may này, trong khi người Pharisêu bình chân như vại.

Làm sao giải thích một phản ứng khác biệt đến thế được? Tất cả đều nằm trong điều này: “nghĩ lại”. Để nói vâng với Thiên Chuá, phải bắt đầu bằng việc thấy rằng chúng ta đang nói không với Ngài. Thú nhận điều đó không phải là điều dễ dàng. Có một nguy cơ rình rập những người tốt nhất, những kẻ có nhiều nỗ lực như người Pharisêu: tin rằng mình ở gần Thiên Chúa đến độ không nghĩ đến hoán cải, thay đổi. Đối với những người mại dâm, tiếng không của họ nói với Thiên Chúa lớn đến nỗi họ không ngần ngại khi họ đã hiểu họ có thể nói vâng với Ngài ngay lập tức. Chúng ta, người con cả! Chúng ta nói biết bao nhiêu lần Amen... nhưng chúng ta không nhúc nhích.

- Thế thì phải làm người luật sĩ hoặc kẻ mại dâm?

- Không, mà là khám phá ra chúng ta là những luật sĩ và những người mại dâm. Dù là ngươì này hay người khác, tức là những kẻ tội lỗi. Khi chúng ta ý thức về điều đó, chúng ta có cơ may làm người con thứ hai, người con của tiếng vâng thực sự.

5. Sẵn sàng tin
1) Ý nghĩa thứ nhất của dụ ngôn:

Do Thái và lương dân đều có những thái độ khác nhau, giống như thái độ của hai anh em đề cập trong dụ ngôn. Những người trước nài xin vâng rồi bỏ đi, và giờ quyết định họ sẽ bị kết án. Còn lương dân bị gạt bỏ, sau tìm thấy đường về với nước Chúa. Lối giải thích phổ biến này có vẻ hữu lý, nhưng chưa đi vào điểm cốt yếu. Không thể quả quyết về lương dân rằng họ đã từ chối từ nguyên tắc. Nói chung, thái độ của những người đại diện ưu tú của họ chứng tỏ rằng, họ là những người đang tìm hiểu và nhận biết đấng thần linh là lẽ sống của họ. Nhưng theo lời chú giải riêng của Đức Kitô, Ngài đã hướng dụ ngôn này theo một ý nghĩa khác.

Có những nhà chú giải thấy ở đó sự giải thích về tương quan giữa lý thuyết và thực tế. Bản văn tin mừng chỉ có những người trong lý thuyết không chấp nhận, nhưng lại chấp nhận trên thực tế. Song giải thích này cũng bất toàn, vì lời chối từ của người đầu tiên không dựa trên những nhận định lý thuyết mà phát sinh từ một tâm tính cục cằn và bất nhã. Những người khác thấy trong dụ ngôn của Chúa sự đối lập giữa thực tại và vẻ bên ngoài. Người con thứ hai hình như vâng lời, nhưng thực tế lại bất phục. Trong lúc người có một tâm hồn tốt đẹp, nhưng bên ngoài lại khó thương. Lối giải thích này cũng vô ích nếu ta đào sâu bản văn, vì yếu tố cốt yếu không phải là tình trạng cố hữu, cũng không phải là thái độ trung thực núp trong vẻ bên ngoài giả dối. Yếu tố cốt yếu chính là sự hoán cải tình cảm, chính là một ý hướng canh tân, một tình trạng cải hóa của con người: nghĩa là hối hận về một thái độ sai lạc và sau khi đã ý thức, họ ước muốn thay đổi. Đây là điều thấy hiện rõ trong lời Chúa: “Rồi sau anh hối hận và đi làm”.

Theo lời quả quyết của Chúa Giêsu, dụ ngôn này nói về những điểm khác nha giữa những người biệt phái và luật sĩ, những người thu thuế và những kẻ khác, những người lãnh đạo tinh thần của Israel sống mãi trong một thái độ vị kỷ, làm họ xa Thiên Chúa. Chỉ biết chấp nhận lời Chúa, họ trung thành với Môisen, với đức tin, và với những đòi hỏi, như đứa con thứ nhất trung thành với ý cha. Còn khi những giới luật Thiên Chúa không còn đáp ứng với những nguyện vọng cá nhân của họ, họ không còn tha thiết nữa. Qua việc làm của Gioan Tẩy giả xưa, Chúa đòi hỏi việc thống hối, kêu gọi hoán cải tâm hồn và cuộc sống, thì họ không lo gì đến. Còn những người phần thu có lẽ đã lầm lạc, có lẽ hành động trái với thiên ý, nhưng khi họ nghe thấy tiếng gọi của Chúa Giêsu, họ hối cải và đạt tới nước Chúa. Trung thành đích thực nghĩa là sẵn sàng trả lời tiếng gọi của Chúa. Người ta không thể tự khép mình mãi trong một hình thức cuộc sống, vì họ phải thay đổi ngay nếu tiếng gọi từ cao đòi hỏi. “Các ông đã không thống hối để tin vào Gioan tẩy giả”. Đó là lời mắng trách mà Chúa Giêsu nêu ra cho bọn Biệt Phái.

2) Ý nghĩa thứ hai của dụ ngôn.

Những chú giải khác đem tới kết luận khác nhau. Một lối chú giải sai lạc chỉ nêu cao ý nghĩa lịch sử. Dụ ngôn được áp dụng theo dự phóng của thời đại cho thái độ khác nhau của Do Thái và lương dân, biệt phái và phần thu. Lối giải thích lịch sử đó khá xa xôi với đòi hỏi quan trọng nhất. Vì như thế, dụ ngôn chỉ áp dụng cho kẻ khác chứ không cho chính mình.

Dụ ngôn có một ý nghĩa khác nếu ta thấy trong đó có một đòi hỏi phải sẵn sàng tin tưởng. Trong trường hợp này, con người cảm thấy tâm hồn bị khích động rồi nhận ra một đòi hỏi khắt khe rằng: cần phải thuộc về Giáo Hội và phê bình những ai ở ngoài Giáo Hội, rồi sẽ ngoan cố bịt tai không chịu nghe thấy tiếng gọi của Ngài. Vô tình người ta tự cho mình đang đi đúng đường và sống trong tình trạng thiện hảo. Lòng tự tin sai lạc này biến thành cảm giác tự mãn: trong lúc kết án Biệt phái thì người ta lại trở nên giống họ! Ở đây trái lại, Đức Kitô mạnh mẽ mời gọi những ai nghe theo tiếng Ngài phải thống hối, biến đổi, sẵn sàng thay đổi hay hoán cải cuộc sống theo lệnh Thiên Chúa. Thái độ chính đáng duy nhất là tâm hồn sẵn sàng đón nhận đức tin, luôn luôn chú ý nghe và vâng lời, không tự ý điều hòa cuộc sống, nhưng đặt tất cả trong bàn tay Thiên Chúa. Những người có tín ngưỡng giữ đạo theo vẻ bên ngoài, với thời gian sẽ không được chấp nhận vào nước Chúa. Những kẻ khác, bề ngoài có vẻ theo một đường xấu, nhưng trong thâm tâm nhận biết sự sai lạc của tâm hồn mình rồi hoán cải, chính họ sẽ được cứu rỗi. Vậy dụ ngôn này đề phòng chống lại thái độ cứng lòng trong tâm hồn, sự kiêu hãnh tôn giáo, sự an bình giả tạo bên trong và đòi hỏi chúng ta phải nghe Thiên Chúa để theo tiếng gọi của Ngài. Con người phải hoán cải và để cho người ta hoán cải không ngừng, bởi vì từ một thái độ sai lạc, họ sẽ lầm lạc vào đường xấu. Cho dù bên ngoài, tất cả xem ra tốt đẹp. Thật là kỳ cục khi thấy Chúa Giêsu yêu thích những kẻ phần thu hơn những bọn Biệt Phái và Luật sĩ. Hẳn thái độ đó phải là dịp tội cho Do Thái. Nhưng sở dĩ như thế, vì Chúa Giêsu thấu suốt thâm tâm nhân loại. Một tội nhân ý thức về tội tính của mình và hối cải khi được ơn sủng đánh động, còn giá trị hơn một người mộ đạo chỉ muốn sống trong vẻ đạo đức của mình, và vì kiêu ngạo không nghe thấy tiếng gọi siêu nhiên. Hiểu như thế, dụ ngôn bày tỏ sự nghiêm trọng và thái độ cứng rắn đặc biệt đối với những ai ở bên trong. Dụ ngôn khiển trách thái độ hoán cải giả trá và thái độ bất mãn ban đầu. Khi con người đi từ thái độ chấp nhận đến từ chối, thì đó là thái độ đáng thương hại. Vì thực ra, phải đi từ từ chối đến chấp nhận mới hợp lý. Con người mà luôn luôn liều lĩnh chối bỏ Thiên Chúa, cũng sẽ phải tỏ ra luôn sẵn sàng hối cải cách trung thực nhất. Đó là điều mà dụ ngôn này bàn tới.

6. Tuân theo ý Chúa

Có một ông công chức, khi về hưu, đã mua mấy mẫu đất ở miền quê để làm một thửa vườn rộng. Thế nhưng, ông thấy mình không thể đảm đương hết mọi công việc, nên ông đã đi thuê người giúp việc.

Đầu tiên, một chàng thanh niên tới và ông đã hỏi:

- Anh có biết gì về nghề làm vườn hay không?

Anh trả lời:

- Tôi có biết chút ít.

Ông ta chỉ dẫn cho anh:

- Anh hãy lấy những hạt giống này, ngâm vào nước âm ấm cho qua một đêm, rồi mới đem gieo trồng.

Thế nhưng anh đã phản đối và cho rằng đó không phải là một cách thức tốt.

Sáng hôm sau, một chàng thanh niên khác đến xin việc, ông ta cũng hỏi:

- Anh có biết gì về nghề làm vườn hay không?

Anh trả lời:

- Tôi không biết nhưng rất vui lòng được học.

Ông ta cũng chỉ cho anh cách ươm cây và anh đã vâng theo làm như vậy. Cuối cùng ông ta cắt nghĩa:

- Đây là giống bạch đàn không dễ gieo trồng. Nếu không ngâm vào nước ấm trong một đêm thì hạt sẽ khó mà nẩy mầm.

Và chàng thanh niên đã thú nhận:

- Tôi không biết lý do nhưng tôi nghĩ rằng ông có kinh nghiệm hơn tôi nên ông bảo sao thì tôi làm như vậy.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Một số người có quyền và có bổn phận bảo cho người khác điều phải làm. Chẳng hạn người cha trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe, có quyền và có bổn phận đó. Còn hai người con của ông tiêu biểu cho chúng ta, là những người có bổn phận phải làm, phải thi hành, phải vâng theo.

Từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, luôn có sự xung khắc giữa quyền bính và sự vâng phục trong nhiều lãnh vực của đời sống. Chẳng hạn như nơi gia đình, trường học, nhà máy, chính quyền và có khi ngay cả nơi Giáo Hội, là gia đình của Thiên Chúa.

Riêng với chúng ta, những người có bổn phận phải vâng nghe, chúng ta hãy coi những người ra lệnh hay chỉ dẫn là những người có khả năng và hiểu biết hơn chúng ta. Nhất là đối với cha mẹ trong gia đình.

Như chúng ta cũng đã thấy cha mẹ là những người thay mặt Chúa để nuôi dưỡng giáo dục chúng ta, vì thế dưới một góc độ nào đó, thì vâng lời cha mẹ cũng chính là vâng lời Chúa. Nhờ lời chỉ bảo và hướng dẫn của các ngài, chúng ta sẽ trở nên những con người tốt lành như ca dao đã bảo:

- Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Qua câu chuyện Chúa Giêsu kể hôm nay, người con thứ nhất nói là mình không đi làm, nhưng sau anh đã nghĩ lại và đã vâng theo lệnh cha. Còn người con thứ hai nói làmình sẽ đi làm nhưng rồi lại không đi. Thật là tuyệt vời nếu như có người con thứ ba nói rằng: Con sẽ làm hay con sẽ cố gắng làm và thực tế là anh đã chu toàn công việc người cha trao phó.

Chính Đức Kitô đã làm gương cho chúng ta bởi vì Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết chu toàn thánh ý Chúa, nhất là khi thánh ý ấy được biểu lộ qua những lời chỉ dạy và hướng dẫn của cha mẹ, của những người bề trên chúng ta hay không?

7. Hối hận nên lại đi
Suy Niệm

"Người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời trước các ông."

Lời nói của Đức Giêsu như một trái bom nổ trước mặt các thượng tế, kinh sư, pharisêu, những người đáng kính vì đạo đức và học thức, những người đáng trọng vì chức vụ.

Làm sao những người hư hỏng và tội lỗi lại có thể qua mặt các bậc đáng kính như vậy?

Đức Giêsu đã soi sáng trước bằng một dụ ngôn.

Người cha sai hai đứa con đi làm vườn nho. Đứa con thứ nhận lời, nhưng sau lại không đi làm. Đứa con cả từ chối, sau hối hận nên lại đi.

Con thứ tượng trưng cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo. Họ tuyên bố mình sống nghiêm chỉnh theo Lề Luật. Tiếc thay chính sự đạo đức của họ lại làm cho họ tự mãn và khép kín đến nỗi không thể tin vào Đức Giêsu và đón lấy Ngài như quà tặng bất ngờ của Thiên Chúa.

Đứa con cả tượng trưng cho những người tội lỗi, những người bị đặt bên lề xã hội và tôn giáo. Đời sống của họ là một sự nhơ nhuốc đáng buồn. Nhưng chính tội lỗi đã làm cho họ khiêm tốn và dễ dàng hoán cải trước lời mời của Gioan. Rốt cuộc, họ lại là những người tin vào Đức Giêsu và gặp được ơn cứu độ trước nhiều người khác.

Đi làm hay không đi làm vườn nho đồng nghĩa với tin hay không tin vào Đức Giêsu.

Niềm tin có khả năng biến đổi cuộc sống.

Niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động.

"Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Đức Giêsu, để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?"

"Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Đấng Ngài sai đến"

Đó là câu trả lời của Đức Giêsu (Ga 6,28-29).

Tin là một việc làm, một dấn thân nghiêm túc.

Niềm tin vào Đức Giêsu đòi hỏi một sự hoán cải và từ bỏ.

Giới lãnh đạo Do Thái Giáo sợ tin vào Đức Giêsu. Họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi, sợ phải thay đổi quan niệm của họ về Thiên Chúa.

Kitô giáo là tôn giáo của lòng tin.

Lòng tin bên trong phải được biểu lộ ra bên ngoài: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,17).

Lòng tin không phải chỉ là một tuyên xưng ngoài miệng nhưng là một tuyên xưng bằng cuộc sống: "Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy" (Mt 7,21).

Tôi phải tránh lối giữ đạo hình thức: có tiếng là Kitô hữu, nhưng lại không thuộc về Đức Kitô, bởi có một khoảng cách rất xa giữa điều tôi tuyên xưng và điều tôi sống.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa là điều tốt, nhưng chưa đủ nếu không sống Lời Chúa. Bạn lượng giá thế nào về việc sống Lời Chúa của bạn trong đời thường đầy bon chen?

Bạn nghĩ gì về việc anh Giuse Nguyễn Đức Minh xin hiến thân xác anh cho y học? Bạn có coi đó là một hành vi đức tin cụ thể không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt