PDA

View Full Version : V - Vẫn còn những “công nhân giờ thứ 11”



Dan Lee
09-22-2008, 08:51 PM
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A:

Vẫn còn những “công nhân giờ thứ 11”


Dẫn nhập đầu lễ:

Sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật XXV thường niên hôm nay là một thúc nhắc cộng đoàn chúng ta hoán cải theo Lời Chúa dạy là lột bỏ mọi biểu hiện của tự cao, biệt phái, kiêu căng và hãy biết noi theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mở rộng cõi lòng đón nhận lẫn nhau bằng thái độ nhân từ quảng đại, sẵn sàng bao dung đón tiếp mọi anh chị em cho dù họ yếu đuối bất toàn (mà ngôn ngữ dụ ngôn Tin Mừng hôm nay gọi họ là những “công nhân giờ thứ 11”), để cùng nhau xây dựng “Vườn Nho” Chúa mỗi ngày thêm đẹp thêm xinh.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa:

Ở giữa chợ đời hôm nay, những qui luật cạnh tranh sinh tồn không mấy thiện hảo như “Mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu”, “cá lớn hiếp cá bé”...lại được áp dụng thật đúng mức. Nơi nào cũng đầy ắp cảnh “lính cũ trấn lột lính mới”, người có công vụ thâm niên, …thì đè đầu cởi cổ những kẻ mới tập tễnh vào nghề; những bậc thầy thức giả uyên thâm, những cây cao bóng cả thì xem thường lũ học trò mới được dăm ba chữ, kẻ có quyền cao chức trọng thì trấn áp, bóc lột những người nhà quê chân lấm tay bùn, nhứng thế lực với quyền lực và vũ khí trong tay thì tàn ác bất nhân đối với những dám dân oan áo ôm khố rách, không công trạng cũng chẳng có ô dù điểm tựa đỡ nâng…

Sự kiện “Thái Hà” và “Tòa Khâm Sứ” tại Tổng giáo phận Hà Nội là một điển hình cụ thể cho cái qui luật chợ đời quái quỉ trên: một bên là đám giáo dân hiền lành chơn chất, chỉ với lời cầu nguyện và tiếng kêu oan bằng lẻ phải, còn một bên là lực lượng công an với súng ống, chó dữ, dùi cui và lựu đạn cay…

Và nào chỉ ở nơi chợ đời mới xảy ra cái qui luật “đáng ghét” nầy ! Ở ngay giữa lòng thế giới tôn giáo, dân Ít-ra-en, dân tộc ưu tuyển của Thiên Chúa, nơi mà lương tâm con người được uốn nắn kỹ càng ngay từ tấm bé để hướng thiện, thì vẫn tồn tại lâu dài đến nhức nhối cái tiêu cực đáng ghét nầy. Những người may mắn lọt vào hàng tư tế hay luật sĩ, những kẻ mệnh danh là “Biệt phái”…họ chỉ biết ăn trên ngồi trước, đối xừ tàn tệ với dân đen, kiêu căng hợm hĩnh với dân ngoại và những người bị họ xếp vào loại “công nhân giờ thứ 11”

Thế nhưng họ lại là những người thường xuyên tiếp cận và dạy dỗ những lời chân lý của sách Lêvi như: “phải thương yêu đồng loại như chính mình ngươi” (Lv 19,18) hay như Lời Chúa phán dạy qua sách Isaia chẳng hạn:

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế nầy sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoãnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).

Vì thế, nếu cách đây 2000 năm, Đức Kitô đã phải nhiều lần "ngậm đắng nuốt cay" để chửi thẳng mặt vào cái “tính hư tật xấu nầy”; và hôm nay, ở giữa lòng ”Cộng đoàn Dân mới, Dân tư Tế, Dân Vương Đế, Dân Thánh của Thiên Chúa”, Lời Chúa lại một lần nữa vang lên để cảnh báo, để vạch trần những nhỏ nhen, biệt phái, những ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi…và dạy chúng ta bài học của khiêm nhường hiền hậu, chân lý của bác ái khoan dung mà dụ ngôn “công thợ vườn nho” hôm nay là một hoạt cảnh sống động.

Thật vậy, chẳng ở đâu xa. Ngay giữa cộng đoàn chúng ta đây: vẫn còn đó những con mắt lườm nguýt có đuôi, những cái nhép môi khinh thị, những cú nhíu mày nhăn trán bất bao dung, đố kỵ, những lời ong tiếng ve phê bình chỉ trích, những kết án, lọai trừ…thấp thoáng đâu đó giữa những hàng ghế trang nghiêm thánh thiện của thánh đường để ném về phía những người bị cho là “đến trễ”, bị gán là “công nhân giờ thứ 11”.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11" vì họ họ là dân dự tòng-tân tòng; họ "là những người đến trễ" vì họ thuộc gia đình đang bị rối giây hôn phối.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11" vì họ bị mang tiếng có một quá khứ không tốt lành.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ quá bần hàn rách nát, không giúp được gì cho giáo xứ, cho cộng đoàn.

- Họ "là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ là những người ít học hay khô khan nguội lạnh không thường xuyên tham gia sinh hoạt với cộng đoàn;

- Họ “là những người đến trễ, là công nhân giờ thứ 11” vì họ không có được những hoàn cảnh vật chất và tinh thần thuận lợi như bao nhiêu anh chị em khác…

Thế nhưng, chúng ta dư biết rằng: trên công trường của Giáo Hội, trong Vườn Nho của Thiên Chúa hôm nay vần còn đầy dẫy những anh chị em “là những người đến trễ”, là “những công nhân giờ thứ 11” như thế. Để dạy cho người Do Thái khi xưa và để nới với cộng đoàn chúng ta hôm nay, dụ ngôn Tin Mừng đã trình bày cách ứng xử khác thường của Thiên Chúa: Mỗi người, sớm hay muộn, đúng giờ hay đến trễ, cũng đều lãnh được một đồng như nhau. Phải chăng, ngụ ý của dụ ngôn nầy đã quá rõ để chúng ta hiểu và gắng công thực hiện:

- Hãy ngước lên Thiên Chúa để học mãi bài học khoan dung, quảng đại, thứ tha và yêu thương anh em như chính mình.

- Hãy trông về anh em xung quanh mà biết sẻ chia, cảm thông, yêu thương và kính trọng.

- Hãy nhìn vào chính mình để luôn khiêm hạ và sẵn sàng nhận phần thiệt thòa cho riêng mình để mà quảng đại phục vụ anh chị em.

Hội Thánh hôm nay quả thật đang cần những tín hữu như thế để gương mặt Hội Thánh luôn xuất hiện như một “Vườn Nho” tươi tốt xanh mơ, với đầy muôn kỳ hoa dị thảo, một “công trường luôn đầy ắp tiếng cười vui niềm nỡ của những người thợ thắm tình huynh đệ" chứ không phải là một “tháp Ba-ben” với muôn ngôn ngữ bất đồng của rẽ chia, hận thù, ghen ghét; và để cho ai đó, dù có trở về trong thời điểm trễ tràng của “giờ thứ 11,12” thì vẫn được anh em nồng nàn đón tiếp và chia đều phần "lương bổng đậm nghĩa yêu thương."

Và đó chính là điều được Thánh Phaolô hôm nay lại một lần nữa nhắc bảo cộng đoàn chúng ta: “Anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (BĐ 2)

LM. Giuse Trương Đình Hiền