PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (51)



Dan Lee
09-14-2008, 08:50 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (51)

511. Cây Thập Giá thật

Thánh Giá là Cây Thập Giá thật vì chính Chúa Giêsu đã chịu chết trên đó.
Nhưng làm sao tìm ra được Thập Giá thật. Đây là một điều không thể nào làm được theo sức tự nhiên của con người. Vậy thì chỉ nhờ sức Chúa mà thôi! Và thật sự, Cây Thập Giá thật đã được tìm ra bằng sức Chúa.
Số là bà thánh Hêlêna, mẹ của hoàng đế Constantinô, sai đào trên Núi Sọ, thì tìm được ba cây thập tự. Đây là lúc đầu thế kỷ thứ tư.
Bà thánh Hêlêna lúc bấy giờ đã 80 tuổi. Bà đến gặp Đức Giám Mục của thành Giêrusalem lúc bấy giờ là thánh Macariô để xin ngài xác nhận Cây Thập Giá thật của Chúa Giêsu.
Thánh Macariô truyền đem ba cây thập tự đên giường của một người phụ nữ đau nặng, sắp chết: đưa cây thứ nhất và cây thứ hai đụng đến người bệnh, người bệnh không không mảy may bị ảnh hưởng gì. Nhưng khi cây thứ ba đụng đến người bệnh sắp chết, người bệnh liền lành hẳn bệnh ngay và có lại sức khoẻ như trước.
Phép lạ nầy chứng minh cây thứ ba là Cây Thập Giá thật của Chúa Giêsu, và từ đó, được gọi là Cây Thánh Giá để tín hữu tôn kính và ngợi khen.

512. Chúa Giêsu chết trên thập giá

Chúa Giêsu đã trãi qua một cái chết thật trên thập giá.
Không phải vì tình cờ mà Chúa Giêsu chết bởi vì Ngài biết trước cái chết của mình: ba lần, Ngài báo trước cuộc tử nạn cho các môn đệ.
Chúa Giêsu không phải chết vì bệnh tật già yếu vì Ngài đang ở tuổi rất sung sức.
Chúa Giêsu không phải chết vì bị người ta ám sát.
Chúa Giêsu cũng không phải vì chán đời mà tự tử.
Cái chết của Chúa Giêsu xảy ra thật rõ ràng: người ta đã bàn bạc lâu ngày để tìm cách giết Ngài. Khi bắt được Ngài, người ta đã lên án, tra tấn, bắt vác thập giá, và đã đóng đinh chết trên đó: Ngài chết tại nước Do Thái, chết thời quan Philatô thay mặt hoàng để Rôma, cai trị nước Do Thái.
Nhưng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một cái chết thường nhbư chúng ta, nhưng là cái Chết-Sống-Lại. Chúa Giêsu chết và sống lại để làm cho chúng ta sống alị và đưa chúng ta vào nước Thiên Đàng.

513. Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bị giết, chết, nhưng chưa hết!

Nietzche (1844-1900), một triết gia người Đức, sống cuộc đời đầy thù hằn với Chúa. Ông tuyên bố một câu rùng rợn sau đây: “Ông Chúa già đã chết. Chúng ta đã giết ông Chúa rồi!”
Chúa là Đấng hằng có đời đời, nên Ngài để cho Nietzche tự do nói lộng ngôn trong một thời gian. Và Nietzche đã chết trong một cơn điên cuồng loạn trí.
Nietzche chết.
Và Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài vẫn còn sống mãi.

514. Nàng công chúa kia đi tu được nhờ Cây Thánh Giá

Thấy một nàng công chúa kia đến xin vào tu, bà bề trên định từ chối vì nghĩ rằng một người con của vua, giàu sang sung sướng, không thể nào sống nổi đời tu.
Bà bề trên cho nàng công chúa biết rằng trong nhà ăn, các nữ tu ăn uống kham khổ; trong nhà ngủ, các nữ tu không có nệm ấm giường êm.
Nàng công chúa đơn sơ hỏi lại bà bề trên: nơi nhà ăn và nơi nhà ngủ, có treo Cây Thánh Giá không. Bà bề trên trả lời ngay: “Nơi nào cũng có treo Cây Thánh Giá.”
Nàng công chúa trả lời làm bà bề trên phải chấp nhận cho vào tu:
- “Khi con ăn cực, con nhìn lên Cây Thánh Giá, thấy Chúa Giêsu đau khổ trên đó, thì con ăn ngon. Khi con khó ngủ, con nhìn lên Cây Thánh Giá, thấy Chúa đau khổ trên đó, thì con ngủ ngon.”

515. Các thánh với Cây Thánh Giá

Thánh Casimirô yêu Chúa Giêsu đến đổi mỗi lần nhìn Cây Thánh Giá là ngài khóc.
Thánh Phanxicô Khó Khăn được in Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu.
Thánh Tôma tiến sĩ nghe lời Chúa Giêsu phán từ trên Cây Thánh Giá: - “Con viết về Ta rất hay. Con muốn được gì?”
Thánh Tôma thưa: - “Con chỉ muốn Chúa!”

516. Đời nội tâm đem lại ích lợi tông đồ

Chỉ có đời nội tâm mới có thể nâng đỡ chúng ta trong việc gieo vãi cách khó nhọc, thầm kín, và bề ngoài coi như thất bại.
Chỉ có đời nội tâm mới làm cho chúng ta hiểu sự vất vả cầu nguyện hy sinh sẽ nâng cao khả năng hoạt động; sự cố gắng bắt chước các nhân đức Chúa Giêsu sẽ tăng lên gấp bội sức linh nghiệm của công cuộc tông đồ…
Đã có lần chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe thuật chuyện về một hiệp hội trong quân khu Normandie. Lúc đầu, chúng tôi không tin là có kết quả như vậy. Thí dụ, có đời nào lại thấy anh em quân nhân tham gia các buổi Chầu Thánh Thể để phạt tạ những lời lộng ngôn, những tội lỗi của chúng bạn, đông hơn là khi dự các buổi hoà nhạc hoặc diễn kịch?
Đến sau, chúng tôi mới hiểu rõ. Và chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa khi nghe biết Cha Tuyên úy của trại quân đội nầy là người thấu hiểu Nhà tạm, đầy sinh lực tông đồ. (Hồn Tông Đồ)

517. Con người sở dĩ vĩ đại là ở chỗ tôn trọng người khác

Một buổi sáng sớm sương mù dày đặc, một mình Washington ra khỏi doanh trại, trên người khoác chiếc áo dài đến đầu gối. Các binh sĩ ông gặp, không người nào nhận ra ông (là thượng tướng).
Ở một địa phương, ông thấy một hạ sĩ đang chỉ huy những binh lính dưới quyền, xây lô cốt ngoài phố.
Người hạ sĩ hai tay đút túi áo, luôn miệng hò hét chỉ huy các binh sĩ đang vất vả khiêng những tảng đá to.
Mặc cho người hạ sĩ hò hét, các binh sĩ trải qua nhiều lần cố gắng, song vẫn không đặt được các tảng đá vào đúng vị trí.
Khi các binh lính đã quá mệt mỏi, thì các tảng đá có nguy cơ lăn xuống.
Lúc nầy, Washington đã vội xông tới, dùng đôi cánh tay lực lưỡng của mình, đỡ những tảng đá.
Sự giúp đỡ kịp thời nầy khiến các tảng đá cuối cùng được đặt vào trúng vị trí.
Các binh linh ngẩng đầu lên nhìn, rôi ôm chặt lấy ông và nói những lời cám ơn.
Washington hỏi viên hạ sĩ:
- “Tại sao cậu cứ hò hét anh em mà mình lại đút tay túi áo?”
- “Lẽ nào anh không biết tôi là hạ sĩ ở đây sao?”
Viên hạ sĩ tỏ vẻ kiêu ngạo trả lời, còn cố ý không hài lòng vì sự chỉ trích của người lạ mặt.
Nghe người hạ sĩ nói, Washington cởi áo khoác, để lộ bộ quân phục cho viên hạ sĩ kiêu ngạo kia biết, rồi nói:
- “Theo quân hàm, tôi là thượng tướng. Song nếu lần sau còn phải khiêng vác nặng như thế, thì cậu gọi tôi đến.” (Những Đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên Cần Phải Có)

518. Tất cả mọi việc trong đời sống đều bắt đàu bằng suy nghĩ

Một bé trai tám tuổi bước đến gần ông cụ già có bề ngoài rất thông thái, rồi ngước nhìn ông, bé nói:
- “Cháu biết ông là người rất sáng suốt, biết nhiều. Xin ông cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống.”
Ông già nhìn đứa bé, đáp:
- “Suốt đời mình, ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều nầy và có thể nói gọn chỉ trong 8 chữ 4 quy tắc.
1. Suy nghĩ. Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng.
2. Tự tin. Hãy tin tưởng vào bản thân bằng cách dựa trên những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống.
3. Mơ ước. Mơ ước những gì có thể thành hiện thực, dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống.
4. Dám làm. Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta.
Ông cụ già đó, chính là hoạ sĩ Walt Disney. (Hạnh Phúc Trong Tầm Tay)

519. Sự hài lòng

Hôm qua, tôi đáp xe lửa quay về sau chuyến đi công tác.
Thời gian tàu chạy rút ngắn hơn trước rất nhiều. Thái độ phục vụ chu đáo, lịch sự của nhân viên soát vé làm hành khách rất hài lòng.
Lúc đó, một hành khách ngồi trước tôi, đang dùng bữa, nhân viên tàu lịch sự nói với anh ta: “Thật ngại đã làm dở bữa ăn của ông.” Sau đó, vừa xem vé, vừa cười nói: “Cám ơn, giờ đến của ông là 8 giờ 06 phút.”
Tiếp đó, anh ta đến bên tôi, soát vé. Cũng vẫn giữ thái độ hoà nhã, lễ phép, ân cần như vậy.
Sau đó, tôi phát hiện nhân viên nầy đối xử với các hành khách, đều tươi cười đón tiếp, còn cho biết thời gian đến của từng người, làm cho không khí trong toa tàu luôn thoải mái. Mọi người đều có ấn tượng rất tốt về anh nhân viên nầy.
Trong thòi đại khoa học kỹ thuật phổ biến, điều kiện vật chất rõ ràng mang lại cho con người nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, chính thái độ phục vụ của nhân viên mới có thể làm cho khách hàng có thực sự hài lòng hay không. (200 Cách Hành Xử Trong Cuộc Sống)

520. Câu truyện ba con ếch

Dân tộc Do Thái lưu truyền một câu chuyện như sau.
Ba con ếch cùng bị rơi vào một chiếc thùng đựng đầy sữa.
Con ếch thứ nhất nghĩ: đây là ý trời. Thế là nó nhắm mắt lại, co chân sau không nhúc nhích. Cuối cùng, nó bị chết ngạt
Con thứ hai nghĩ: mình căn bản không có cơ hội thoát khỏi nơi đây. Chiếc thùng gỗ, chắc như thế kia, cho dù mình có gắng sức đến mấy cũng không có tác dụng gì. Chi bằng hãy chấp nhận sự an bài của số phận. Vì thế, cuối cùng, nó cũng chết.
Con ếch thứ ba nghĩ: tại sao mình không thử sức nhỉ! Chỉ cần chân mình vãn còn sức lực, thì sẽ cố gắng đạp để cho đầu nhô lên. Thế là nó cứ đạp, cứ đạp mãi, sau đó, chân của nó bỗng chạm vào vật gì cưng cứng. Nó thử giẫm chân lên vật cứng đó, dồn sức nhảy thật mạnh. Thật bất ngờ, nó nhảy ra được khỏi chiếc thùng sữa. Thì ra, trong quá trình nó liên tục vùng vẫy, sữa tươi bị khuấy động mạnh và trở thành sữa chua. Nhờ vậy, nó thoát được nghịch cảnh nguy hiểm chết người….
Câu chuyện ba con ếch nhắc nhở chúng ta rằng, tuy không thể thay đổi được nghịch cảnh, nhưng con người có thể thay đổi bản thân: đừng bao giờ buông xuôi, đừng bao giờ chịu sự bó buộc của hoàn cảnh, nhưng phải dũng cảm thử sức. (Những Bài Học Cuộc Đời)

Nguyễn Vinh Gioang