PDA

View Full Version : T - Tha thứ vô giới hạn (Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm A )



Dan Lee
09-09-2008, 02:49 PM
Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm A

THA THỨ VÔ GIỚI HẠN

1. Tha thứ vô giới hạn

Ngày 26.5.1996, 40 ngàn nhà thờ trên toàn nước Pháp đã đánh chuông tử để tưởng niệm 7 đan sĩ của dòng khổ tu Trappiste vừa bị sát hại bởi một nhóm Hồi giáo vũ trang quá khích. Ngày 27.3, nhóm này đã đột nhập vào tu viện của các đan sĩ ở vùng bắc Angiêri và bắt họ làm con tin. Trong khi chuông nhà thờ Ðức Bà Paris thong thả đổ từng tiếng, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Paris đã thắp sáng lại 7 ngọn nến như dấu chỉ về cuộc sống mới mà các đan sĩ này đang bước vào. Bảy ngọn nến sáng ngời của sự phục sinh cũng là những ngọn nến sáng ngời của lòng yêu thương tha thứ.

Các đan sĩ trên đây quá rõ về mối nguy hiểm đang đe dọa tính mạng của họ. Nhưng lương tâm không cho phép họ bỏ đi, khi dân chúng ở đây đang gặp cảnh khốn khó. Họ ở lại đây chỉ vì yêu, một tình yêu dám hy sinh mạng sống. Hơn hai năm trước khi bị sát hại, linh mục tu viện trưởng Christian de Chergé đã viết một bức thư, cũng là một lời trối, trong đó toát lên một tinh thần tha thứ phi thường: Cha Christian đã viết cho kẻ giết mình những lời như sau: "Và bạn nữa, người bạn của giây phút cuối cùng, bạn không hiểu điều bạn đã làm... Cầu xin cho hai chúng ta, những người trộm lành, sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng, theo ý Chúa muốn. Chúa là Chúa của cả hai chúng ta..." Cha Christian không nuôi chút hờn oán nào, ngài mong cho kẻ giết ngài được hoán cải và được vào Nước Trời. Ngài coi kẻ sát nhân như một người bạn, một người trộm lành như ngài, chẳng có gì phân cách giữa đôi bên. Thái độ tha thứ của cha Christian cho thấy ngài đã thấm nhuần Lời Chúa đến mức sâu xa và đã sống Lời Chúa một cách hồn nhiên tươi tắn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô đã đến với Ðức Giêsu để hỏi về số lần mình phải tha thứ cho người anh em lỗi phạm đến mình. Chuyện va chạm giữa những người Kitô hữu sống trong cùng một cộng đoàn là chuyện khó tránh khỏi. Chương 18 của Tin Mừng theo thánh Matthêu cho chúng ta thấy phần nào những vấn đề nổi cộm trong cộng đoàn và thái độ cần có để giải quyết. Chắc chắn tôi phải tha thứ cho người anh em, chị em đồng đạo với tôi, nhưng vấn đề là tha thứ bao nhiêu lần. Phêrô thử đề nghị 7 lần. Con số 7 thường tượng trưng cho sự trọn vẹn, hoàn hảo. Nếu ta tha thứ cho ai 7 lần một ngày (x. Lc 17,4), chắc đã là một hành vi đáng phục rồi. Nhưng ở đây Ðức Giêsu không ngừng lại ở số 7, mà là những bội số của 7. Các bản dịch có sự khác nhau: bảy mươi bảy lần hay bảy mươi lần bảy. Dù sao thì qua những con số trên, Ðức Giêsu mời gọi Phêrô tha thứ một cách vô giới hạn. Khác với Lc 17,4, ở đây không thấy nói đến việc người được tôi tha thứ phải có lòng hối hận ăn năn.

Có thể nói là tôi được yêu cầu tha thứ cho người anh em tôi một cách vô điều kiện.

2. Tha thứ vì chạnh lòng thương

Sau đó là một dụ ngôn đặc biệt của Tin Mừng Matthêu. Dụ ngôn này muốn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta không biết tha thứ cho anh em của mình. Người đầy tớ nợ vua 10,000 nén vàng hẳn phải là một viên quan cao cấp trong triều đình, và người bạn của ông ta cũng là một viên quan khác, cấp thấp hơn, vì chỉ nợ có 100 quan tiền mà cũng không có gì để trả. Có một sự chênh lệch ghê gớm giữa hai món nợ. Theo sử gia Flavius Josephus, vào cuối thế kỷ thứ nhất, một nén vàng bằng 10 ngàn quan tiền, mà một quan tiền là tiền lương công nhật cho một người làm mướn (Mt 20,2) vào thời đó. Vậy 10 ngàn nén vàng là một món nợ khổng lồ, không thể tưởng tượng nổi; nó gấp một triệu lần món nợ 100 quan tiền.

Có sự tương đồng trong hoàn cảnh và thái độ của người đầy tớ nợ nhiều và người đầy tớ nợ ít. Cả hai đều không có khả năng trả nợ. Cả hai đều sấp mình phủ phục mà nài xin cho hoãn một thời gian, và hứa sẽ trả hết. Có một sự tương phản trong thái độ của vị vua và của người đầy tớ nợ nhiều. Vị vua lúc đầu đòi bán ông ta, vợ con ông và toàn bộ gia sản để trừ nợ. Dĩ nhiên tất cả những điều đó chẳng thấm vào đâu so với món nợ khổng lồ của ông ta đối với nhà vua. Nhưng sau khi nghe ông ta năn nỉ và hứa hẹn, nhà vua chạnh lòng thương và làm một việc không ai dám ngờ, đó là tha luôn món nợ. Tiếc thay người đầy tớ vừa được hưởng lòng thương xót và quảng đại của vị vua là tôn chủ của mình, lại tỏ ra nhẫn tâm đối với người đồng bạn mắc nợ mình một món tiền nhỏ. Ông túm lấy, bóp cổ, và mặc cho những lời van xin, ông tống người bạn vào tù.

Khi nghe dụ ngôn này, chúng ta ai cũng tức giận trước thái độ tàn nhẫn của người đầy tớ đã được chủ tha. Chúng ta nghĩ rằng nếu mình ở vào địa vị người đầy tớ này, chắc chúng ta sẽ quảng đại và bao dung hơn nhiều. Nhưng trong thực tế, lắm khi chúng ta vẫn là một người đầy tớ tàn nhẫn đối với đồng bạn. Chẳng ai có thể lường được mình đã nợ Cha trên trời một món nợ lớn ngần nào. Mười ngàn nén vàng, chỉ là một con số tượng trưng cho món nợ khổng lồ, không thể trả nổi đó. Không cần phải là một tội nhân phạm những tội ác ghê tởm, chúng ta mới mắc nợ Thiên Chúa. Chính các thánh là người cảm nhận một cách sâu xa món nợ tình yêu đối với Cha trên trời. Họ thấy rõ mình đã nhận được quá nhiều ơn, và cả đời sống thánh thiện của họ cũng là một ơn nhưng không. Chỉ khi ý thức rằng mình đã được tha quá nhiều và đã được hưởng bao hồng ân của Thiên Chúa, chúng ta mới thấy việc tha thứ cho người khác là chuyện tự nhiên, chuyện phải làm.
"Há ngươi lại không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (c. 33). Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót. Chính tôi đã lãnh nhận lòng thương xót từ Chúa và tôi không được giữ lại điều đó cho riêng mình. Tôi phải thương xót anh chị em đã xúc phạm đến tôi bằng chính lòng thương xót của Thiên Chúa. Có khi nào chúng ta cứng cỏi trước lời van xin hay hối lỗi của người khác? Có khi nào nỗi đau của người khác gây cho ta quá lớn đến nỗi ta kiên quyết đòi lại cho bằng được món nợ này? Có khi nào chợt chạnh lòng thương kẻ đã làm hại ta, vì ta nếm được cái dằn vặt, cắn rứt mà kẻ ấy phải chịu?

3. Hết lòng tha thứ

Kitô giáo là tôn giáo của sự tha thứ. Ai trong chúng ta cũng cần được Thiên Chúa tha thứ. Tha thứ chính là cứu độ. Tự bản chất, Kitô hữu là người được ơn tha thứ. Chúng ta liên tục cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa. Cả cuộc đời chúng ta là một chuỗi những vấp ngã được đan với những thứ tha. Nhiều khi ta thấy khó thứ tha vì quá dựa trên luật công bằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Gandhi nói: "Nếu cứ theo luật mắt đền mắt thì cả thế giới sẽ đầy những người mù." Luật công bằng cần được làm cho dịu lại bởi tình yêu tha thứ. Một sự công bằng tàn nhẫn lại trở thành một thứ bất công dưới mắt Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn trên đây, ta thấy ông vua nổi giận và trừng phạt người đầy tớ không có lòng thương xót. Ông lấy lại những gì ông đã cho. Chúng ta chỉ hy vọng giữ được ơn tha thứ Chúa ban, nếu chúng ta thực lòng tha thứ cho anh em. Dòng suối tha thứ của Thiên Chúa chảy vào đời ta, nếu bị ngăn lại, sẽ trở thành ao tù. Nó chỉ trong lành khi nó được chảy đến tha nhân. Chúng ta có khả năng làm cho đời mình thành ao tù, khi không sống yêu thương tha thứ.

Thế giới hôm nay bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Ðức Thánh Cha vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thấy tha thứ có khó không? Khi bạn bị người khác xúc phạm đến danh dự, tài sản, quyền lợi chính đáng, bạn thường phản ứng ra sao? Có cách nào giúp bạn vượt qua được nỗi tức giận, hờn oán một cách mau chóng không?

2. Các thánh tử đạo chẳng bao giờ ghét những kẻ giết mình. Bạn có tin rằng cái chết của 7 vị đan sĩ dòng Trappiste sẽ khiến cho những người Hồi giáo quá khích phải nghĩ lại không?

Lm Augustine S.J.