PDA

View Full Version : C - Cơn Khát Núi Sọ (Tiếp Theo #7 )



Dan Lee
09-04-2008, 10:35 PM
Biệt Tặng Các Hồn Nhỏ

của Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu
http://www.thoidiemmaria.net/THANHTHE/Con%20Khat%20Nui%20So/main_files/image002.jpg

CƠN KHÁT NÚI SỌ



Chỉ khi nào con người cảm nghiệm được

Lòng Thương Xót Chúa,

bấy giờ họ mới có thể thực sự hiệp thông với nhau.

Thánh nhân và tội nhân đều gặp nhau nơi

Lòng Thương Xót Chúa.

MỤC LỤC



Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ân Tình Thánh Tuyệt Vời


Xa Cha Phung Phá - Gần Cha Hoang Đàng……


Chúa Giêsu đã Viết Những Gì Trên Đất?


Giakêu, Người Thu Thuế lên Đền Thờ Cầu Nguyện


Satan và Ngụy Thần cũng Tin Có Thiên Chúa


Hai Lời Tuyên Tín với Đấng Tử Nạn Phục Sinh


Cho Đến Tận Cùng Yêu Thương…….


Cốt Lõi Yêu Thương - Tột Đỉnh Trọn Lành


Thiên Chúa Trừng Phạt là Người Cha Tội Nghiệp


Bàn Tay Kẻ Thù - Cỏ Lùng Trong Ruộng


Hỏa Ngục Chỉ Lượm Được Cặn Bã Thế Gian


Ánh Mắt Giêsu – Con Tim Maria


Đụn Cát Lún của Một Bãi Bùn Lầy


Ngươi Đang Ở Đâu?


Khiết Tâm Maria: Nơi Nương Náu - Đường Đến Chúa


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chương 13


Đụn Cát Lún của một Bãi Bùn Lầy

Truyện về Một Người Con Gái Tốt

Trải Qua Những Lúc Khốn Nạn



Tôi đã từng xuất hiện trên các tờ nguyệt san; tôi đã từng xuất hiện qua phim ảnh; tôi đã từng xuất hiện trên đài truyền hình toàn quốc. Tôi đã từng đến những nơi được hầu hết con người ta mơ ước thấy, đã từng làm những điều được hầu hết con người ta mong muốn làm. Tôi đã từng tiêu tiền như nước, liên hoan tiệc tùng thâu đêm tới sáng, và biến mình trở thành một kẻ hoàn toàn khốn nạn qua việc làm như thế. Thật ra không gì mà Thiên Chúa lại không làm nổi, vì tôi thực sự cảm thấy mình bất lực khi Ngài ra tay giải cứu tôi.



Là một đứa út trong gia đình có 4 người con, tôi đã vào đời với tên gọi là Carolyn Houlihan vào Tháng 3 năm 1961, và được lãnh nhận phép rửa theo Đức Tin Công Giáo. Tiếc thay, gia đình tôi được sinh ra ấy lại không vững Đức Tin mà tôi đã nhận lãnh qua phép rửa, ở chỗ, cha mẹ tôi đã ly dị nhau khi tôi mới lên hai tuổi.



Thoạt đầu, nhờ cha tôi, anh em chúng tôi đã đi lễ vào các Ngày Chúa Nhật. Thế rồi, dần dần mọi sự đã đổi thay. Những lúc hạnh phúc nhất thời ấu thơ của tôi là những giây phút được ở trong nhà thờ. Tôi thích ngửi mùi hương và các thứ hoa trên bàn thờ. Tôi thích nghe ca hát. Tôi thích những cửa kính mầu hình ảnh. Tôi thích hết mọi vẻ đẹp ở nhà thờ.



Tôi đã học trường Công Giáo, cả tiểu học lẫn trung học, nơi tôi được các nữ tu và linh mục gieo những mầm mống đức tin là những gì đã nở hoa nơi tôi hôm nay đây. Tiếc thay, những gì tôi đã học được nơi học đường ấy đã không được củng cố nơi ngôi nhà của mẹ tôi sau khi xẩy ra cuộc ly dị.



Giữa cha mẹ của tôi vốn đã xẩy ra những xung khắc ngay cả trước khi tôi được sinh ra. Tôi được kể cho biết rằng cuộc cãi lộn nẩy lửa đầu tiên của các vị là về việc xem mục Phô Diễn Hoa Hậu Hoa Kỳ trên truyền hình. Mẹ tôi thì muốn xem mục này; còn ba tôi, một con người Công Giáo đạo đức hơn, lại không thích. Ông đã coi mục này gần như là một dịp tội, vì ông cảm thấy rằng nó có thể làm cho thành phần nam giới nhìn xem bị cám dỗ về nhục dục. Ông cũng cảm thấy nó là những gì làm hạ phẩm giá của những người nữ tham dự vào cuộc phô diễn ấy, khi nó biến họ thành một thứ đồ vật thuần túy, thành những đối tượng của khoái lạc.



Mẹ tôi đã xa lánh ông từ đêm hôm ấy. Thái độ của bà đối với những điều như thế sau này đã khuôn đúc cuộc đời của tôi, cũng như Cuộc Phô Diễn Hoa Hậu Hoa Kỳ đã làm vậy.

Đời sống trong gia đình của chúng tôi chẳng hạnh phúc gì, ngay cả trước khi xẩy ra cuộc ly dị; sau đó nó đã trở thành một ác mộng. Những cuộc đánh nhau dữ dội về thể lý luôn xẩy ra giữa thành phần con cái chúng tôi. Khi tôi cố gắng gọi cho mẹ tôi ở sở về vấn đề này, thì thằng anh cả của tôi đuổi theo tôi, dằng lấy điện thoại, rồi nắm lấy tóc của tôi, lôi tôi đi mà đấm đá. Thậm chí cả những người đến thăm viếng gia đình tôi cũng hung tợn nữa. Tôi đã thấy một trong những người bồ của mẹ tôi đã đấm vào mặt mẹ tôi cho đến khi mặt bà đổ máu ra. Tôi lo sợ đến hoảng hốt lên, tưởng bà bị chết đến nơi rồi chứ.



Đôi khi mẹ tôi dẫn tôi ra ngoài chơi với bà. Tôi nghĩ, một phần là vì bà làm việc quá nhiều và vì bà muốn bao gồm cả việc trông coi tôi với việc bà tiêu khiển theo sở thích của bà vào những lúc rỗi rãi. Thậm chí bà đưa tôi vào cả hộp đêm với bà. Bấy giờ tôi không nhận ra điều ấy, nhưng tôi nghĩ rằng bà đã muốn tôi làm quen với những thứ giao du ấy. Vào những ngày hẹn hò của mình, bà quả thực đã dẫn tôi tới những quán ăn sang trọng, cho tôi thưởng thức món bò hầm mềm, món tôm hùm và các thức ăn ngon lành khác mà tôi chưa từng được nếm hưởng trước đó, nhờ vậy, tôi đã biết thích thú với những thứ ngon lành như vậy.



Mặc dù chúng tôi đã được học ở trường rằng mất Lễ là có tội, gia đình chúng tôi cũng chẳng còn đi nhà thờ vào các Ngày Chúa Nhật nữa, và anh em chúng tôi đã thừa biết như thế chứ chẳng cần gì phải hỏi. Tôi đã ngẫm nghĩ đến những gì sẽ xẩy ra nếu cha tôi tích cực hơn nữa trong cuộc sống thường nhật của tôi. Có lúc tôi nghĩ rằng ông là một con người quá tệ, chẳng làm gì cho chúng tôi hết, (khi cha mẹ tôi ly dị nhau thì tôi còn quá trẻ). Sau này, khi tôi làm hòa với ông, tôi đã đứng về bên ông. Rõ ràng là ông đã cố gắng rất nhiều để liên lạc với chúng tôi; song mẹ tôi cứ giữ chúng tôi ở một khoảng cách xa ông, một khoảng cách rất ư là nguy hại.



Là một thanh thiếu niên, tôi chẳng cảm thấy tin tưởng gì cả. Mẹ tôi nghĩ rằng việc làm người mẫu có thể sẽ giúp cho tôi thắng vượt được tình trạng thiếu tự tin của tôi, và làm cho tôi cảm thấy khá hơn về bản thân mình. Tôi đã đồng ý thử, và trước khi tôi biết vấn đề làm người mẫu này, tôi đã là người mẫu cho tất cả mọi thứ cửa tiệm ở địa phương, chẳng hạn như những màn trình diễn thời trang nhập học, những màn trình diễn cô dâu, thậm chí còn trình diễn quảng cáo cả trên đài truyền hình địa phương. Tôi đã trở thành một con cá bự ở cái ao Ohio nhỏ bé ấy. Tôi đã biết về những đại người mẫu nổi tiếng trên toàn quốc như Farrah Fawcett, Cheryl Tiegs, Christie Brinkley, thế nhưng tôi chưa bao giờ mơ tưởng đến một cuộc sống như họ. Tôi chỉ muốn giống như một trong những người mẫu ở địa phương của chúng tôi thôi. Cô ta có tất cả những gì tôi quan tâm: cô ta là một con người thu hút, cô ta lập gia đình, và cô ta có hai đứa con xinh đẹp.



Kết hôn và có một gia đình đó là những gì tôi mong muốn. Khi tôi lên 16 tuổi, tôi phải lòng một anh chàng mà tôi đã có ý định kết hôn sau khi ra trường trung học. Tiếc thay, phong trào nữ giới cấp tiến vào lúc ấy rất mạnh, tuyên truyền trong nữ giới rằng hôn nhân và con cái là những gì chị em neê theo đuổi thực hiện sau nghề nghiệp của mình, sau khi chị em đã làm những gì chị em thực sự muốn làm trong đời, sau khi bản thân của chị em đã “hoan hưởng”. Mẹ tôi là một tay nữ giới hăng say, bởi thế mà tôi đã hoàn trả lại chiếc nhẫn đính hôn và chọn đi vào một con đường đời khác hướng.



Tôi đã dự tranh giải ở những cuộc phô diễn sắc đẹp và đã được vào chung kết ở cuộc Tranh Giải Toàn Quốc Những Người Con Gái Được Đăng Ảnh Ở Bìa Báo. Vào năm 1979, tôi đã trở thành Hoa Hậu Hoa Kỳ Ohio và đã tham dự cuộc Phô Diễn Hoa Hậu Hoa Kỳ toàn quốc. Bấy giờ có một số vị chấm giải này, chẳng hạn như Eileen Ford của Cơ Quan Ford Người Mẫu Quốc Tế và thành phần thuộc Công Ty Hoa Hậu Thế Giới Và Hoa Kỳ, đã đề nghị với tôi đi Nữu Ước để theo đuổi nghề trình diễn và làm người mẫu. Ngay khi vừa xong bậc trung học, tôi liền đến Nữu Ước.



Tôi đã thành đạt rất nhiều nơi thị trường trình diễn hay làm người mẫu ở Nữu Ước. Tôi đã thực hiện nhiều màn quảng cáo toàn quốc. Nếu các bạn xem truyền hình từ 15 đến 20 năm trước đây các bạn đã có những cơ hội nhìn thấy tôi đang cố gắng quảng cáo bán cho các bạn một thứ đồ vật gì đó.



Đấy là tất cả những gì của một cuộc đời. Tôi đã đi đây đó đến các địa điểm được chỉ định làm người mẫu. Tôi đã hoạt động ở hậu trường sân khấu Broadway, thậm chí đã xuất hiện nhiều lần trong một vở tuồng bi kịch truyền hình nhiều màn. Trước đó khá lâu, tôi đã thủ vai chính trong một cuốn phim dài.



Tuy nhiên, cái thành công lớn nhất của tôi lại là việc làm người mẫu và truyền hình. Tôi đã xuất hiện với bộ áo tắm ở trên một tấm bảng quảng cáo to tướng treo ngay lối xa lộ chính tiến vào thành phố Nữu Ước, và tôi đã cảm thấy khoái chí vì tôi thậm chí đã trình diễn hấp dẫn hơn cả Christie Brinkley về một mục quảng cáo truyền hình đặc biệt mà cả hai chúng tôi đều muốn thực hiện. Tôi nghĩ rằng tôi đã trở thành những gì hết xẩy. Theo những tiêu chuẩn của trần gian thì tôi nghĩ rằng tôi là như thế. Những gì tôi đã không nhận thấy được bấy giờ đó là tôi đang chìm đắm nhanh chóng vào một đụn cát lún của một bãi bùn lầy về luân lý, đó là “một đời sống nổi nang” của một nhân vật thành công rực rỡ về phương diện truyền thông trần thế.



Kitô hữu, nhất là nữ giới, thành phần theo đuổi nghề trình diễn hay nghề làm người mẫu ở những thành phố “ăn chơi tiêu khiển” như Nữu Ước hay Hồ Ly Vọng, bao giờ cũng gặp phải những cực kỳ thách đố đối với niềm tưởng vào Chúa Kitô của họ cũng như đối với cuộc sống dấn thân cho Chúa Kitô của họ. Cái nghề này sẽ chiếm hết giờ giấc và sinh lực của các bạn trong việc trở thành loại người cũng như trở thành những gì thế giới trình diễn hoặc làm người mẫu muốn các bạn sống. Vấn đề chăm sóc đầu tóc, móng tay, nhịn ăn nhịn uống, thể dục thẩm mỹ, đấm bóp, sắm sửa đồ trang điểm và phục sức, thử giọng, chụp hình, các lớp học trình diễn, các lớp học phát biểu, các lớp học hát hò, các lớp học nhẩy múa, những thời biểu đóng phim, là những gì buộc các bạn phải bắt đầu từ 7 giờ sáng: nó là một cuộc sống hào hứng không ngừng nghỉ, một cuộc sống tập trung vào các bạn cũng như vào những gì các bạn giống như các người khác. Các bạn có ít giờ, nếu có, cho Chúa. Thế nhưng, nếu các bạn đến đó bằng đức tin của mình, ít là các bạn có một cái gì đó để cố gắng nắm lấy.



Trái lại, nếu các bạn đến Nữu Ước hay Hồ Ly Vọng mà không có đức tin, không có gì để cầm chân của các bạn lại, các bạn sẽ mau chóng thấy mình hoàn toàn trở thành lạc loài. Sự kiện này đã xẩy ra cho trường hợp của tôi. Những vấn đề nan giải về luân lý cứ đột xuất hằng ngày, làm mất dần đi niềm tin. Có lần, một diễn viên nổi tiếng mời tôi đến chỗ của ông ta để giải khát. Ông ta là một con người hào hoa nên tôi đã nhận lời mời của ông, cảm thấy mình như đã là vợ của ông. Ông ta pha nước giải khát, rồi mở tủ trà trang trí đầy những thuốc phiện ra. Vẫn còn cảm thấy vấn đề hôn nhân hấp dẫn, tôi đã quyết định thử một chút xíu. Ông ta cũng thử một chút, rồi nhiều hơn nữa, để rồi trở thành man dại, hoàn toàn không còn kiềm chế được nữa. Tôi không muốn nói thêm những chi tiết xẩy ra sau đó, ngoại trừ điều này là tôi đã học được từ kinh nghiệm ấy một bài học quan trọng về việc chấp nhận các lời mời mọc của những hạng người thuộc giới xã hội ấy.



Có những chọn lựa khác không hoàn toàn rõ ràng minh bạch, song cũng chẳng sai trái là bao. Đã nhiều lần tôi ăn mặc rất ư là trắc nết, thân mình lộ liễu một cách khêu gợi trước mặt thành phần nam giới là những người có thể giúp phần vào nghề nghiệp của tôi. Xin các bạn nhớ rằng tôi chỉ làm những gì giống như các nữ diễn viên khác làm thôi, những người nữ duyên dáng và tài năng đang tranh giành với tôi về cùng những việc làm người mẫu và đóng vai trình diễn. Cho dù tôi chưa bao giờ đến thăm cái “trường kỷ phơi thân trần trụi”, nhưng cứ tin tôi đi, nó thực sự là có đó. Tôi biết nhiều người thuộc kỹ nghệ tiêu khiển đã đến đó hơn một lần, để thực hiện những gì họ nghĩ họ được phép làm một cách vô hại, vì họ thấy có lợi cho viễn ảnh nghề nghiệp của họ. Những áp lực làm hay bỏ của một thứ nghề nghiệp như thế thật là mãnh liệt; và bao giờ cái mồi cũng vẫn là vấn đề kiếm được nhiều tiền bạc. Nó là một thế giới được tạo nên theo thị hiếu để làm suy kiệt đi đời sống đức tin.



Tôi biết rằng tôi đã thiếu thốn một cái gì đó, hoặc là một ai đó.

Và Erwin Kollegger đã đi vào đời tôi.



Erwin cũng đã từng là một người Công Giáo đạo gốc, sinh ở Thụy Sĩ và được cha mẹ rất Công Giáo dưỡng dục. Họ thường đưa chàng tới nhà thờ. Họ cầu Kinh Mân Côi hằng ngày. Họ tham dự những cuộc kiệu rước lễ lậy, và thực hiện các cuộc hành hương khắp cả Âu Châu. Khi Erwin đi vào đời, không có cha mẹ ở bên cạnh để kềm kẹp cho chàng đến nhà thờ, chàng đã theo gương của thành phần chàng gặp và đã bỏ nhà thờ nhà thánh.



Trong khi tôi đã trở thành một người mẫu và là một nữ diễn viên thì Erwin là một tay trượt tuyết có hạng trên thế giới, đang được huấn luyện để tranh giải Thế Vận Hội, cho đến khi tai nạn xe hơi xẩy ra làm gẫy hết mọi cái xương trong thân thể của chàng, khiến các ước vọng của chàng bị khựng lại. Khi cơ hội nghề nghiệp đến tay vào một dịp Thế Vận Hội khác, Erwin đã chộp lấy thời cơ. Qua một thời gian dài, chàng đã du hành khắp thế giới như là một tay đua trượt tuyết, sống hết mình với cái nghề này, ở chỗ đua đòi theo thành phần tiêu khiển nổi tiếng, theo những chính trị gia lừng danh, cũng như theo những thành phần quí phái khác.



Sau đó, có một người bạn rủ Erwin đột xuất khởi công để mở một công ty nhập cảng quần áo lót nữ giới cho anh ta. Vào tuổi mới tam thập bấy giờ, Erwin đã muốn sống ổn định chút xíu, nên ý nghĩ về một việc làm vững chắc đã gọi mời chàng. Và sự kiện xẩy ra là công việc làm ăn này bao hàm cả việc gần gũi với nhiều phụ nữ diễm kiều đã khiến chàng không chần chừ chấp nhận việc làm ấy. Chàng đã mở một thương vụ tại một trong những vùng thượng lưu trên đường Madison Avenue ở Nữu Ước và bắt đầu làm việc với những tiệm cỡ lớn nhất trong nước.



Erwin và tôi gặp nhau khi chàng thuê tôi làm người mẫu cho một tấm ảnh chụp và chúng tôi đã yêu nhau. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy được rằng tôi sẽ sống trọn đời tôi với chàng. Thế nhưng cuộc đời chúng tôi bắt đầu sống chung là những gì trống rỗng, cho dù đầy những sinh động. Nó được xây trên tiền bạc và những gì bạc tiền có thể làm được. Hầu như đêm nào chúng tôi cũng liên hoan ăn uống ở những nhà hàng đắt tiền cũng như ở những câu lạc bộ sang trọng. Chúng tôi dễ dàng tung ra cả hằng mấy trăm Mỹ kim cho một bữa tối, rồi sau đó đi dạo phố trên chiếc xe Porsche mầu bạc láng. Như lời của một bài hát, chúng tôi đã quen biết với tất cả những chân nhân, chúng tôi đã dùng tất cả những thứ chân dược. Chúng tôi nhào đầu vào những thứ tiệc tùng dễ sợ và chúng tôi đã phải trang trải những món tiền ngập đầu.



Không bao lâu sau lần hẹn hò đầu tiên của chúng tôi ấy, Erwin và tôi đã về chung sống với nhau. Chúng tôi hết sức yêu nhau, và chàng là một “Romeo” đẹp trai đầy công thành danh toại của tôi. Cái trống rỗng của đời tôi dường như được khỏa lấp bằng mối liên hệ của chúng tôi ấy. Tôi cảm thấy như thể không gì có thể làm đắng cay cuộc đời chung sống ung dung của chúng tôi này. Sáu tháng sau, tôi có thai và đến gặp bác sĩ sản phụ khoa ở phòng mạch Park Avenue. Bà ta nhìn tôi và nói: “Cô đâu có muốn cái thai này phải không?” Tôi gật đầu, khi nhớ lại điều Erwin đã bảo tôi vào lần hẹn hò đầu tiên, đó là chàng chỉ muốn làm tiền, du lịch, và ăn chơi mà thôi. Tôi nghĩ rằng đứa nhỏ sẽ kết thúc mối liên hệ của chúng tôi. Bà bác sĩ của tôi nói: “Được rồi. Chúng tôi sẽ sắp xếp để cô chấm dứt việc mang bầu”.

“Chấm dứt việc mang bầu”. Sao có vẻ dễ nghe quá vậy. Nó không có tính cách sát hại đứa nhỏ tí nào hết. Nó dường như là việc ngăn chặn một cái gì đó trước khi điều đó xẩy ra thôi. Tôi cảm thấy hết sức nhẹ nhàng. Vào tháng Tư năm 1982, tôi đã để cho một đứa bé dễ thương đang được ủ ấp trong bụng của tôi bị giết chết.



Sau cái tát vào mặt Thiên Chúa ấy, giữa Erwin và tôi không bao giờ còn được như trước nữa. Sự kiện cho thấy chẳng có gì gọi là bí tích hay thánh hảo về cuộc sống chung của chúng tôi bắt đầu lộ diện. Chúng tôi cảm thấy khó chịu bởi những gì chúng tôi làm, thế nhưng chúng tôi vẫn không thể biết được nó là vấn đề trục trặc. Thay vì tấn công cái trục trặc này, chúng tôi lại quay ra tấn công nhau. Khi chúng tôi không bị phân tâm bởi tiệc tùng, du lịch và tiêu pha, chúng tôi lại quay ra cãi lẫy nhau. Erwin nói ra những lời chê bai bình phẩm tôi. Theo như những gì được chàng quan tâm thì tôi không đẹp cho lắm hay thân mình không thon gầy vừa phải, không nấu ăn vừa miệng hay không sạch sẽ cho đủ. Tôi không thể kiếm được đủ tiền để làm hài lòng chàng, bất kể tiền tôi kiếm được là bao nhiêu. Chàng thấy nơi tôi đầy những lỗi lầm. Thế rồi chúng tôi hôn nhau và làm hòa với nhau đúng lúc, để sửa soạn cho một cuộc tái diễn khác về tất cả những gì là thái quá vị kỷ sau đó.



Sau một năm phá thai lần thứ nhất, bất chấp phương pháp ngừa thai của chúng tôi, tôi lại mang bầu một lần nữa. Lại hẹn hò để đến gặp bác sĩ sản phụ khoa.



Bấy giờ tôi nghĩ rằng mối liên hệ hiện tại của chúng tôi không thể nào cải tiến được nữa. Tôi nghĩ nếu Erwin cưới tôi là tốt nhất. Khi chúng tôi mới về chung sống với nhau, tôi đã tự nhủ với lòng mình rằng tôi sẽ cho Erwin thời gian 5 năm để cưới tôi. Tôi đã thấy nhiều nữ diễn viên sống với một người đàn ông cả mấy thập niên, hy vọng người đàn ông ấy sẽ lấy mình làm vợ, để rồi cuối cùng ly tán. Khi đặt vấn đề giới hạn thời gian là tôi cho rằng tôi tinh khôn. Chúng tôi đã mau chóng tiến tới thời hạn 5 năm của tôi (một thời hạn Erwin không hề biết gì về nó), là lúc tôi lại có thai đến lần thứ ba. Lần này, tôi không muốn “chấm dứt” việc mang thai nữa. Tôi nghĩ rằng quyết định của tôi sẽ khiến cho Erwin cưới tôi làm vợ. Trái lại, chàng thề rằng chàng sẽ bỏ tôi.



Thế là việc gặp bác sĩ sản phụ khoa lại được sắp xếp để kết thúc lần thứ ba một mạng sống quí hóa.



Khi hồi tỉnh sau liều thuốc làm mê man cả người ở lần phá thai đầu tiên, tôi đã nghe thấy những phụ nữ ở các phòng lân cận rên la như thú vật. Bấy giờ tôi nghĩ rằng tôi may mắn không phải chịu nhiều đớn đau như họ. Lần này, tôi lại là người bừng tỉnh kêu la; nó không phải là một thứ đớn đau về thể lý. Giống như những phụ nữ được tôi nhớ đến, tôi đã phiền muộn về những gì tôi đã làm, cũng như về một cuộc sống đã vĩnh viễn lạc loài của tôi. Các cô y tá bảo tôi hãy giữ thinh lặng thì sẽ dễ chịu. Thế nhưng nó vẫn chẳng dễ chịu gì cả, và sẽ chẳng bao giờ dễ chịu nữa.



Chẳng bao lâu sau chúng tôi lại xẩy ra một vụ khác. Tôi đã dọn ra ở riêng một mình tại Nữu Ước. Erwin đi California, ở đó chàng mua đất đai, nghĩ rằng tất cả những gì chúng tôi cần đó là thay đổi cảnh sống. Dần dần chúng tôi đã làm hòa với nhau, rồi cùng nhau đi du lịch tới một hải đảo thuộc vùng quĩ đạo, theo lời mời tới thăm của một người bạn.



Erwin đã thấy được cơ hội làm ra tiền từ bất động sản ở hải đảo này. Trong khi tôi nằm tắm nắng ở bãi biển thì chàng đi mua một ngôi nhà khác. Chàng thuyết phục tôi rằng chúng tôi có thể di chuyển đến hải đảo này, bắt đầu lại, kiếm nhiều tiền bạc từ bất động sản, rồi trở về California, nơi tôi có thể trở lại với nghề diễn viên của tôi. Thế là chúng tôi lập gia đình với nhau trước một quan chức ở Nữu Ước (không phải là một đám cưới hoàn toàn như tôi mơ ước), thu đồ và di chuyển đến hải đảo ở vùng quĩ đạo đó để bắt đầu lại.



Erwin đã được giải phẫu để cắt cột ống dẫn tinh của chàng hầu bảo đảm cho việc tôi không còn bị mang thai nữa.



Cảnh sống đổi thay lại không thay đổi con người. Cho dù có ở địa đường đi nữa, chúng tôi vẫn tiếp tục đối chọi với nhau. Đã hơn một lần tôi hận tức đổ cho Erwin là thèm thuồng nhìn ngắm hết mọi người đàn bà ở bờ biển, ngoại trừ tôi. Chàng thì chua cay phàn nàn rằng, tất cả những gì tôi làm chỉ là việc lúc nào cũng xem truyền hình, một việc tôi thực sự làm, những chương trình như Dynasty và Dallas, những tuồng thảm kịch truyền hình ban ngày có tính cách che đậy những cái quyến rũ nhục dục, ngoại tình, tà dâm, lừa đảo, tham của, hư ảo, gian tham và tham lam. Việc tôi thường trực thưởng thức xem những màn truyền hình này chỉ khiến cho tôi thêm thèm khát theo đuổi một đời sống trần tục và duy vật mà thôi. Chúng tôi cũng nặng mình đối với những quan tâm lớn về tiền bạc nữa. Nhất là tôi cảm thấy phải đối chọi với cái cảm giác nửa khinh thường bản thân mình nửa thương hại bản thân mình. Tôi bắt đầu chán chường đớn đau và uống rượu thật nhiều. Bấy giờ tôi đâu có ngờ rằng cái nỗ lực hủy hoại và vô dụng để vượt thoát nỗi đớn đau về cảm xúc của tôi là những gì trực tiếp liên quan tới những lần phá thai trước đó.



Những cuộc cãi lộn của chúng tôi bao giờ cũng rơi vào những cái lẩn quẩn lớn chuyện, không bao giờ chấm dứt, không bao giờ dung hòa, hay hòa giải, mà chỉ là chán chường thất vọng. Chúng tôi có thể không nói chuyện với nhau cả 3 hay 4 ngày trời. Khi chúng tôi nói chuyện lại với nhau thì Erwin bao giờ cũng nhấn mạnh rằng tôi là người cần phải thay đổi, và chàng sẽ không thay đổi gì. Chàng nói rằng nếu tôi không thích những thứ vốn vậy thì tôi đã biết đâu là lối thoát.



Chẳng bao lâu chúng tôi thấy rằng Thiên Chúa đã chủ động nhúng tay vào việc chọn địa điểm hải đảo này của chúng tôi, bởi vì nhà của chúng tôi ở bên cạnh của hai nhà Kitô Giáo. Sau một cuộc gây lộn lớn tiếng, tôi đã bỏ ra ngoài kêu la đến nỗi một người láng giềng của tôi đã đến hỏi tôi có sao không. Một cách nhẹ nhàng nhưng đầy tin tưởng, bà nói rằng tôi thực sự cần được giúp đỡ; bà đề nghị là chúng tôi đến nhà thờ gặp cha sở của chúng tôi.



“Nhà thờ!” tôi ngẫm nghĩ, “Quả là một ý nghĩ mới lạ. Tại sao không bao giờ chúng tôi nghĩ đến đó nhỉ?” Erwin nói rằng chàng không bao giờ đi đến bất cứ một thứ tham vấn nào cả; cần phải có một ơn đặc biệt mới làm cho chàng đồng ý nói chuyện với một vị linh mục. Chúng tôi đã lấy hẹn để gặp vị cha sở của giáo xứ địa phương chúng tôi ở.



Đó là một cuộc gặp gỡ lâu giờ, và chúng tôi đã bàn giải hết mọi chuyện với vị linh mục này. Trước ngày hôm ấy, tôi đã thấy được một cái mấu chốt về lý do tại sao tình trạng của chúng tôi trở nên trầm trọng như thế. Tôi đã tiến đến chỗ gần như vĩnh viễn mất Đức Tin Công Giáo của mình; việc thẳng thắn kiểm điểm một cách không thoải mái về các vấn đề trục trặc của chúng tôi trước mặt vị linh mục ấy đã là một tiếng gọi thức tỉnh. Mỉa mai thay, trong khi Giáo Hội là những gì quan trọng đối với cả hai chúng tôi, song chúng tôi lại không nhận ra như thế qua nhiều năm tháng. Vị linh mục này khuyên chúng tôi hãy bắt đầu đi gặp gỡ một cố vấn về hôn nhân Công Giáo. Trong một môi trường Công Giáo được tái nhận thức như thế, Erwin thực sự đã đồng ý làm điều này.



Tôi đang viết ra vấn đề dữ kiện về tất cả những điều ấy ở đây, thế nhưng, bấy giờ lại là lúc tôi hết sức bị giao động về cảm xúc. Tôi đã đi đến chỗ thù ghét Erwin. Tôi không thể nào nghĩ về hắn, nghe thấy tiếng hắn hay nhìn thấy hắn. Con người mà tôi đã từng lập gia đình với giờ đây lại làm tôi cảm thấy chán chường. Tôi không nghĩ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể cứu vãn, vì tôi nghĩ rằng hắn không thể nào đổi thay được nữa.



Thiên Chúa là Thiên Chúa của những sự lạ lùng.


Vào cuộc hẹn đầu tiên với người cố vấn về hôn nhân của chúng tôi, tôi đã nói toạc ra cho Erwin biết tôi đã ghét chàng đến thế nào, vì chàng làm cho tôi phải khổ sở đớn đau. Thế rồi Erwin, lần đầu tiên trong đời, đã lên tiếng lấy làm tiếc xót vì đã gây ra điều ấy. Đó là một bước tiến rất lớn, đủ để giữ cho cuộc hôn nhân của chúng tôi tạm thời tiếp tục.


Tôi không dối các bạn đâu khi nói rằng sau đó chúng tôi lập tức sống hạnh phúc chưa từng thấy. Thứ biến đổi này vẫn còn cần phải tiếp tục diễn tiến.

Thế nhưng, chúng tôi đã mở đầu. Cuối cùng chúng tôi đã thành hôn trong Giáo Hội. Tôi đã bắt đầu đi Lễ hằng ngày, và sau một thời gian, (theo lời đề nghị của người kế toán viên Công Giáo của chúng tôi), Erwin đã đi dự lễ với tôi. Chúng tôi tham dự cuộc tĩnh tâm Hội Ngộ Hôn Nhân, bắt đầu bằng việc cầu Kinh Mân Côi rồi tiếp tục học hỏi Thánh Kinh. Qua tất cả những điều này, chúng tôi đã thấy mình bằng con mắt của Thiên Chúa, và mới hiểu được tính cách trầm trọng của những gì chúng tôi đã làm. Mối liên hệ riêng tư được chúng tôi bắt đầu phát triển với Chúa Giêsu đã chiếu sáng vào đời sống của chúng tôi, cho chúng tôi thấy nhiều cái tởm gớm của chúng tôi.


Chẳng bao lâu tôi đã chạm tới chỗ tôi cần phải chạm tới, đó là cái đáy vực bằng đá, ở chỗ, tôi cảm thấy mình bị nhức buốt bởi hội chứng hậu phá thai.


Hội chứng này có thực và kinh hoàng, song không một cung cấp viên phá thai nào đã từng cảnh giác cho tôi biết cả, và hết mọi người phụ nữ thực hiện việc phá thai, một ngày kia, đều bị ray rức về nó một cách nào đó. Đối với trường hợp của tôi, nó xẩy ra thình lình vào một buổi tối kia, ở chỗ tôi hoàn toàn cảm thấy tuyệt vọng về những đứa con của tôi bị chết, và tôi là mẹ của chúng phải chịu trách nhiệm về điều này. Tôi đã chạy ra bến tầu của chúng tôi, kêu la một cách bức tỏa, nghẹn ngào và nức nở than van xin Chúa thứ tha cho tôi, ban cho tôi một cơ hội khác, và trả lại cho tôi những đứa con ấy. Nỗi sầu đau của tôi thật khôn xiết.


Tôi không thể sống với bản thân mình, và tôi không thể sống mà lại không có các đứa con của tôi. Tôi đã đi vào phòng ngủ của chúng tôi là nơi Erwin cất giữ một khẩu súng đã nạp đạn. Tôi cầm khẩu súng trong tay như muốn tìm về chốn vĩnh hằng, nhìn chằm chằm vào nó và nghĩ đến những gì tôi có thể cảm thấy khi sử dụng nó. Nó có đau đớn hay chăng? Tôi có cảm thấy cái đớn đau của viên đạn hay chăng?


Tôi cứ nghe thấy tiếng nói nho nhỏ một cách vuốt ve, một cách lọc lừa thuyết phục rằng “Carolyn, cứ làm đi. Cứ làm đi. Dí nó vào đầu của ngươi; bấm cò. Cơn đau của người sẽ được kết liễu. Cứ làm đi. Làm đi. Đó là những gì ngươi muốn làm mà. Cứ làm đi”. Tiếng nói cứ tiếp tục, khẩn trương và thôi thúc, nhưng vuốt ve, hứa hẹn mau chóng giải quyết cho vấn đề của tôi.


Tôi dí khẩu súng lục vào đầu của tôi. Nó trở thành nặng và lạnh trong tay tôi. Ngón tay của tôi thò vào cò súng, sẵn sàng bấm. Tôi đã nhắm mắt lại. Tôi nghiến răng và gồng mình lên.


Thế nhưng tôi đã không thể nào bóp cò súng cho được.


Sau một ít phút, tôi đã bắt đầu cảm thấy run sợ, và tôi biết rằng tôi không thể làm điều ấy. Tôi đã bỏ súng xuống, và bắt đầu khóc rống lên hết cỡ. Cả một triều sóng buồn đau, thương đau và hổ thẹn bức phát từ đáy tâm hồn của tôi, làm tôi kêu la khóc lóc.


Trong lòng, tôi đã than khóc với Chúa, vừa giận dữ chán chường thất vọng về tình trạng be bét tôi đã gây ra cho cuộc đời của mình, vừa run sợ kêu van Ngài xót thương thứ tha về những điều tôi đã làm. Tôi đã than khóc cho những đứa con thai nhi của tôi, những đứa con tôi không bao giờ được ôm ẵm trên tay và hôn chúng. Tôi khóc thương cho bản thân mình. Tôi van xin Chúa, vì nước mắt của tôi, giúp tôi hiểu được những gì cuộc sống của tôi phải gánh chịu, và giúp tôi làm cách nào để có thể tái thiết cuộc sống của tôi trên hoàng tàn đổ nát do chính tôi gây ra.


Tôi than khóc bản thân mình cho tới khi thiếp ngủ đi.


Trong đêm hôm ấy, tôi đã tiếp tục cảm thấy sầu thương và hối hận ngay cả trong cái biến chuyển của những giấc mơ xẩy đến cho tôi. Chúng là những gì sống động và đau thương, nhưng chúng đã giúp cho tôi rất nhiều. Cơn đau của tôi đã hạ xuống, khi chính Chúa Giêsu đã an ủi tôi trong cái giấc mơ đã làm tôi cuối cùng bừng tỉnh. Không thể nào diễn tả được những chi tiết của biến cố này, thế nhưng, trong giấc mơ ấy, tôi đã cảm thấy tình yêu trọn vẹn của Người đối với tôi, cũng như việc Người hoàn toàn tha thứ cho những gì tôi đã làm, vì tôi thực lòng thống hối ăn năn. Tình yêu và an bình của Chúa Kitô, đã bắt đầu bao bọc tôi trong giấc mơ, tiếp tục và gia tăng khi tôi thức giấc. Tôi đã được phục hồi và canh tân. Tôi muốn sống. Tôi cũng biết rằng, cuối cùng rồi thì tôi đã muốn nhận biết, yêu mến và phụng sự Chúa Kitô.


Tất cả những tháng năm trước đây, tôi đã cố gắng để làm hài lòng thành phần sai lạc. Giờ đây, tôi biết rằng, điều duy nhất thực sự quan trọng đó là sống cuộc đời của tôi để làm hài lòng Chúa Kitô từ giây phút.


Cho dù tôi đã có được một cảm quan hy vọng mới, làm cho tôi muốn tiếp tục sống, và tôi tin tưởng hơn là giờ đây, nhờ ơn Chúa giúp, tôi đã có được một ý muốn canh tân đời sống của tôi, song tôi vẫn chưa có ý nghĩ gì về những gì tôi phải làm.

Trong những tháng ngày sau đó, tôi đã trải qua tình trạng bất lực về tinh thần; tôi đã sống trong sự tin tưởng mù quáng là Thiên Chúa sẽ dẫn tôi tới đồng cỏ phẳng lặng, xanh tươi, do Ngài chọn cho tôi. Cảm nghiệm về tình trạng bất lực và lòng tin tưởng của tôi nơi Chúa đã dạy cho tôi một bài học mãnh liệt, một bài học mà tôi chỉ từ từ mới hiểu được.


Một thai nhi bất lực và hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của thai mẫu. Nó bị bao phủ trong tăm tối, lệ thuộc vào mẹ mình hơi ấm, dưỡng chất và việc bảo vệ. Tôi đã thấy được điều này, mặc dù có một số thai mẫu phản bội lại lòng tin tưởng tuyệt đối ấy của thai nhi, như tôi đã làm qua việc phá thai, nhưng Thiên Chúa vẫn không bao giờ làm như thế. Tôi cảm thấy bình an thấm thía hơn bao giờ hết, và tin tưởng nơi Đấng là Cha hết lòng yêu thương tôi. Một người mẹ có thể phá hủy đứa con thai nhi của mình, khi nó trở nên bất tiện hay gánh nặng cho bà, nhưng bất kể chúng ta có tội lỗi thế nào, và có phản chống lại Thiên Chúa, thì Ngài vẫn trung thành và sẽ không bao giờ ruồng bỏ chúng ta là con cái của Ngài. Tôi cảm thấy an ủi nơi những lời Thánh Phaolô viết: “Nếu chúng ta bất trung thì Ngài vẫn trung thành – vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài” (2Tim 2:13).


Vì tôi giờ đây sẵn sàng lắng nghe những lời lẽ ấy mà Chúa đã gửi đến cho tôi thêm những ảnh hưởng về Công Giáo cho cuộc đời của tôi.


Có một người bạn ở giáo xứ tôi hỏi tôi vào một buổi sáng nọ: “Carolyn, bạn đã từng xem chương trình Kinh Mân Côi của chương trình truyền hình EWTN chưa? Chương trình này hay lắm, mình nghĩ bạn chắc chắn sẽ thích cầu nguyện theo chương trình này. Bạn nên bật lên mà coi!”

Tôi chưa bao giờ nghe nói đến EWTN cả, nhưng lời đề nghị hân hoan của người bạn tôi đã đủ để đánh động cái chú ý của tôi, nên tôi đã bật chương trình này lên tối hôm ấy. Tôi cảm thấy lạ lùng sung sướng thấy được cái phong phú của một chương trình xây dựng đức tin Công Giáo. Erwin thích một số điều chàng thấy, nhưng chàng vẫn bị thu hút vào những sự trần thế, bởi vậy một số lần lương tâm chàng cảm thấy áy náy khi thấy Mẹ Angelica lên tiếng trách móc và khuyến khích thành phần khán giả của mình trong việc sống đời sống thánh hảo. Đôi khi những lời của mẹ đã khiến cho chàng trở nên giận dữ, vì chàng chưa thực sự hoán cải tận đáy lòng, và tiếng mẹ kêu gọi hãy vun trồng nhân đức cũng như hãy tránh lành tội lỗi đã ray rứt những nơi đớn đau trong tâm hồn của chàng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục xem EWTN và cầu Kinh Mân Côi.


Thế nhưng, cuộc sống vẫn không trọn vẹn: ở chỗ, có những điều vẫn ngăn chặn giữa Erwin và tôi, và một cách nào đó trở thành tệ hơn nữa, vì Chúa đã cho tôi biết vấn đề gia đình quan trọng ra sao, và vai trò làm vợ của tôi sẽ không thực sự hoàn toàn trọn vẹn, bao lâu chúng tôi còn có ý định loại trừ con cái ra khỏi cuộc sống hôn nhân của chúng tôi.


Đến đây, đã có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng, vì mối liên hệ của tôi với Erwin có thể sẽ không bền. Chàng vẫn cứ cương quyết không chịu tháo cởi ống dẫn tinh đã bị cắt cột của chàng, đến nỗi, tôi đã phải tỏ ra mạnh mẽ dứt khoát là tôi sẽ không tiếp tục sống cuộc sống hôn nhân mà lại không có con cái nữa. Đối với tôi, việc Erwin chủ trương về vấn đề này là những lý do để tôi ly dị, (giờ đây tôi biết được vấn đề không phải là như thế, song bấy giờ tôi vẫn chưa được hiểu cho lắm về Đức Tin của mình). Tôi đã tiến đến chỗ cảm thấy rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự đã chết mất rồi, và bất cứ những gì tình yêu chúng tôi một thời giành cho nhau đã nhuốm đầy những giận dữ, tội lỗi, cùng với những tố cáo lẫn nhau, khiến tôi chỉ còn một giải pháp duy nhất là thoát ly. Những gì trước đây chúng tôi liên hệ với nhau một cách dễ dàng và hạnh phúc, thì giờ đây đã quay cuồng trong một cơn lốc liên lỉ đấu tranh.


Tình trạng căng thẳng của chúng tôi gia tăng đến độ, vào một chiều kia, tôi đã đành phải bỏ cuộc sống hôn nhân và đòi ly dị. Tôi không thể tránh né được những trục trặc chúng tôi phải đương đầu nữa, và tôi không thể cứ giả vờ, cho dù với chính bản thân mình, cho rằng mọi sự như không sao hết.


Tôi đã thu đồ vào xách hành lý ra đi, nghĩ rằng tôi đã rời bỏ chàng vì thiện ích; thế nhưng, tôi biết rằng tôi vẫn còn yêu chàng, và muốn chúng tôi trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc. Tôi đã muốn lập gia đình, và lập gia đình với chàng, thế nhưng, tôi không thể thấy được cách thức để giải quyết vấn đề khiến chúng tôi phải phân rẽ nhau. Đêm hôm ấy, Erwin đã gọi cho tôi tại nơi tôi đang ở, và xin tôi hãy trở về nhà. Chàng nói rằng chàng yêu tôi, và sẵn sàng làm tất cả những gì cần để làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp hơn, kể cả vấn đề gia đình. Tôi đã cảm thấy hân hoan lắng dịu, và chúng tôi đã hạnh phúc tái hợp với nhau trong nước mắt, một cuộc tái hợp không bao giờ thực sự bị kết thúc nữa. Nhờ ơn Chúa, mối liên hệ tưởng chừng đã chết của chúng tôi lại hồi sinh, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi dần dần được canh tân, và cả hai chúng tôi bắt đầu, từ đó trở đi, trở thành một cặp vợ chồng vững mạnh hơn và dấn thân hơn. Thế nhưng vẫn còn những trở ngại trước mắt.


Giây phút hoàn toàn thay đổi của Erwin xẩy ra muộn màng, một giây phút xẩy ra do cú đấm song chiêu của việc tôi yêu cầu ly dị, một giây phút chẳng mấy chốc sau đó đã kéo theo tình trạng tàn lụi về tài chính của chúng tôi. Khi tôi mau chóng rời bỏ khỏi cuộc đời cũ quay nhanh của mình thì nghề nghiệp trần thế của tôi cũng tới hồi kết thúc. Chúng tôi càng ngày càng bị nguy kịch về tài chính, rồi chẳng bao lâu chúng tôi đã mất hết mọi sự, bao gồm cả, tạ ơn Chúa, một số tình hữu nghị trần tục nhất và tàn tệ nhất của chúng tôi.


Có những lúc khốn khó nhưng Thiên Chúa đã an bài cho chúng tôi. Ngài đã thay thế những mối liên hệ tồi bại bằng những liên hệ thánh hảo để giúp cho chúng tôi đổi thay và sống gần gũi Ngài hơn. Có một người bạn mới đã thuyết phục được Erwin đi tham dự một cuộc tĩnh tâm Cursillo. Khi Erwin trở về, chàng nói rằng chàng muốn tháo cởi ống dẫn tinh đã bị cắt cột của chàng. Nó là một trong những cuộc giải phẫu đớn đau nhất người đàn ông phải chịu; mức độ thành công lại không cao, và cho dù cuộc giải phẫu có thành đạt chăng nữa cũng khó nói chính xác bao giờ việc dẫn tinh mới tái hành sự. Ở trường hợp của chúng tôi, có lẽ, đáp lại những lời nguyện cầu của tôi cho có được một cơ hội nữa, vấn đề đã xẩy ra công hiệu liền.


Khi Thiên Chúa tỏ bày tình thương của Ngài thì hãy lui xuống! Các bạn không thể nào đáp trả được Ngài đâu. Chúng tôi đã dâng lên cho Ngài hai trái tim của chúng tôi, và Ngài đã ban lại cho chúng tôi đến bốn quả tim, đó là Zachary Paul, Zoe Elizabeth, Noah Lucas và Mia Maria Katherina. Thiên Chúa cũng biến Erwin trở thành một người chồng thượng hạng và là một người cha mà nam giới có thể thủ vai.


Đời sống giờ đây đã đổi khác. Con người đã bị tôi hận ghét là người bạn thân nhất của tôi, là người chồng của tôi. Gia đình của chúng tôi là một gia đình đoan trang, chúng tôi hiếm đi đâu về đêm. Erwin có một hãng làm đồ gỗ để trang hoàng trong nhà, và gia đình chúng tôi sống bằng duy lợi tức của chàng mà thôi, nhờ đó tôi có giờ với con cái và dạy dỗ chúng ở nhà. Chúng tôi không xem truyền hình nhiều (ngoại trừ EWTN), và chúng tôi cũng không hào hứng với những thứ phim ảnh hiện đại. Gia đình chúng tôi đi lễ hằng ngày và cầu kinh Mân Côi hằng ngày. Thật là tuyệt vời. Một nghề nghiệp làm ra nhiều tiền lắm bạc có thể mua được nhiều thứ, nhưng nó vẫn không bao giờ có thể mua được những gì chúng tôi hiện nay đang có, đó là những lời khen tặng của Chúa Giêsu.


Thời gian bất ổn và tin tưởng tôi đã chịu đựng là những gì hệ trọng đối với việc chữa lành của tôi. Thời gian đó đã dạy cho tôi biết chúng ta bất xứng với tình yêu của Thiên Chúa ra sao, thế nhưng, Ngài cao cả và xót thương biết bao trong việc vẫn tỏ ra yêu thương chúng ta. Bằng tình yêu của mình, Ngài đã nâng chúng ta lên với chính mình Ngài, nếu chúng ta để Ngài làm điều ấy, và giúp chúng ta nên tốt lành cùng thánh hảo, như Ngài là Đấng toàn thiện và toàn hảo. Cho dù tôi có quên đi Vị Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo hồi thiếu thời, Ngài cũng vẫn không lãng quên tôi. Khi tôi bị lạc mất trong hoang địa Hồ Ly Vọng, Ngài đã đến kiếm tìm tôi, một người Cha yêu thương đến để giải cứu cho đứa con gái nhỏ bé của mình.


Tôi không thể diễn tả hết niềm vui về việc nhận thức rằng Ngài đã tìm thấy tôi và Ngài đã dẫn tôi trở về.


- Ôi các tầng trời, hãy hát lên, Ôi trái đất, hãy hân hoan, hỡi các núi đồi, hãy xướng ca. Vì Chúa an ủi dân Ngài và tỏ lòng xót thương với thành phần sầu khổ của Ngài. Thế nhưng Sion nói: ‘Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa đã lãng quên tôi’. Có thể nào một người mẹ lại bỏ quên đứa con thơ nhi của mình chứ, mà lại không chăm sóc cho đứa con của lòng mình hay chăng? Cho dù bà có bỏ quên đứa con của mình đi nữa, Ta sẽ chẳng bao giờ quên con đâu. Này đây Ta đã viết tên con trong lòng bàn tay của Ta, các bức tường của con hằng ở trước nhan Ta” (Isa 49:13-16).



Chuyển dịch câu truyện

“A Good Girl Who Went Through Bad Times”

của Carolyn Kollegger

trong cuốn Bàng Hoàng Trước Sự Thật 2

– Surprised By Truth 2

edited by Patrick Madrid và

published by Sophia Institute Press 2000



Chén Đắng Vườn Nhiệt

(tiếp trang 4, 27-28, 44, 56, 66, 75-76, 150)


“Con người thời nay lấy việc hưởng thụ các tạo vật thay vì Thiên Chúa. Thế mà, Cha vẫn HIỆN DIỆN trong một xó xỉnh của cõi lòng họ mà họ thường không biết đến.


“Thế rồi, trong côn hoạn nạn, họ bất ngờ nhận ra sự Hiện Diện của Cha trong họ. Mà thưông ôi, thật buồn biết bao cho các con cái của Cha, cứ phải chịu khổ cực rồi họ mới đoái hoài đến sự hiện hữu của Cha. Bấy giờ, họ bám víu lấy Cha như vớ được chiếc phao cứu sống.


“Song Cha quá ró lòng dạ đổi thay của họ. Cha thừa biết rằng, một khi họ nhận được các ôn mà họ yêu cầu, họ sẽ quay về với cuộc sống khốn nạn của họ, họ còn làm cho cuộc sống của họ khốn nạn hôn nữa, khi họ vô ôn bội bạc quên đi các hồng ân của Cha. Thế mà, Cha vẫn mềm lòng đối với họ, đến nỗi, Cha không thể nào luôn luôn cầm mình được trước những giọt nước mắt của họ.


“Ôi, con cái đáng thưông của Cha ôi. Cha phải làm sao cho các con đây? Cha mang đến cho các con yêu thưông và an bình' các con lại lãnh đạm và khinh dể Cha. Này Ánh Sáng đang đến với các con. Các con sẽ lãnh nhận lấy Ánh Sáng này, như các con cần phải lãnh nhận lấy, hay chăng?


“Các con có nhận ra sự ngắn ngủi của tháng ngày qua đi chưa? Vì tất cả mọi sự qua đi. Các con có hiểu rằng, các con đang bước mau về cói đời đời không? Một năm, hai năm, có là chi? Một ít năm nữa thôi con đã thuộc về quá khứ mất rồi. Đâu có ai còn nhớ đến con trên mặt đất làm con hư nát này nữa.


“Thế nhưng, ở nôi mà con sẽ đi đến, không có một sự gì bò lãng quên cả. Con sẽ gặt được những gì con đã gieo vãi. Con sẽ bị phán xét về điều dữ mà con đã làm, cũng như được tưởng thưởng theo điều lành mà con đã lập.


“Hãy hồi tâm làm lại con người của mình. Vẫn còn thời giờ. Hãy gieo mình vào cánh tay Cha. Hỡi tù nhân của tình yêu Cha, giang cánh tay trên thập giá, Cha chẳng lẽ lại chỉ ôm lấy được hư không hay sao?”


Chương 14


“Ngươi Đang Ở Đâu?”

(Genesis 3:9)

“Ngươi Đang Ở Đâu?”: Ý Thức



Hiện Trạng Tâm Linh

Theo Sách Khởi Nguyên, sau khi nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm liền thấy mình trần truồng (xem Genesis 3:7), và nhất là sau khi biết được việc làm sai trái của mình đụng đến Thiên Chúa Hóa Công (xem Genesis 3:8), hai nguyên tổ liền ẩn mình đi để tránh đối diện với Đấng đã truyền cho họ không được làm những gì họ vừa làm như chính họ cũng ý thức thấy trước khi hành động (xem Genesis 2:16-17, 3:3).


Chính lúc con người nhận thấy mình có lỗi song lại không dám đối diện với sự thật ấy mà Thiên Chúa mới xuất hiện, hay mới lên tiếng, để nhắc nhở họ, hầu mang họ về với sự thật, sự thật làm người: “Ngươi đang ở đâu?”


Không phải vì Thiên Chúa muốn biết con người đang ở đâu mà Ngài đã lên tiếng hỏi họ như thế. Ngài thừa biết họ ở chỗ nào rồi. Bởi thế lời Ngài nói đã lọt ngay vào tai của họ, vào đúng chỗ họ đang trốn ẩn, khiến họ không thể không lên tiếng đáp lại rằng: “Tôi đã nghe thấy tiếng của Ngài trong vườn…” (Genesis 3:10).


Thật vậy, khi đặt vấn đề với con người đang muốn lẩn trốn sự thật “Ngươi đang ở đâu?”, Thiên Chúa chỉ muốn nhắc nhở họ về sự thật làm người của họ đối với Ngài cũng như đối với thiên nhiên tạo vật được Ngài trao phó cho họ trông coi và quản trị (xem Genesis 1:28) mà thôi. “Ngươi đang ở đâu?” đây nghĩa là “Ngươi là ai?”, “Ngươi đã làm gì vậy?”, “Tại sao ngươi lại trốn Ta?”, "Ngươi muốn gì đây?"


Đúng thế, nếu con người thực sự biết mình là ai, họ đã không dám tự động muốn lên bằng Thiên Chúa (xem Genesis 3:5-6), bằng việc ngang nhiên làm trái với lệnh truyền của Ngài, coi trọng ý riêng của mình hơn là Thánh Ý toàn thiện và toàn tri của Ngài.


Tuy nhiên, tự mình, con người chắc không dám tiến đến chỗ ngang nhiên làm trái với Thánh Ý của Thiên Chúa Hóa Công. Sự việc nguyên tội chỉ xẩy ra sau khi rắn quỉ Satan xuất hiện đánh lừa họ mà thôi (xem Genesis 3:13). Tội của nguyên tổ ở đây không phải chỉ ở chỗ dám làm trái với Thánh Ý tối thượng của Thiên Chúa, mà nhất là ở chỗ không tin tưởng lời Ngài bằng lời của ma quỉ, tức coi trọng ma qủi hơn Thiên Chúa Hóa Công của mình.


Đó là lý do, vấn đề “Ngươi đang ở đâu?” đây, như Thiên Chúa dường như muốn vạch cho con người thấy, còn có nghĩa là con người chẳng những đã mất đi vị thế làm chủ tể thiên nhiên tạo vật hữu hình của mình, mà còn mất đi cả phẩm giá làm con cái của Ngài nữa, ở chỗ, họ đã trở thành nô lệ cho Satan là cha của họ (xem John 8:44), trở thành tôi tớ cho tội lỗi (xem John 8:34; Rôma 7:14) và bị giam nhốt trong chính ngục tù bản thân mình, đến nỗi, những gì tốt muốn làm cũng không được và những gì xấu lại đâm đầu làm (xem Rôma 7:15,19).


Đến đây chúng ta mới có thể được phần nào ý nghĩa sâu nhiệm của dự án và công cuộc cứu chuộỉc của Thiên Chúa Hóa Công, Đấng muốn cứu chuộc con người bằng Mạc Khải Thần Linh, tức bằng việc tỏ mình ra cho họ, bắt đầu từ trong Cựu Ước nơi dân Do Thái, nhất là qua Đức Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể, Đấng Thiên Sai được Ngài hứa sai đến như “ánh sáng thế gian” (John 8:12), “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (John 1:5), “ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian” (John 1:9), để, như chính Đấng Thiên Sai khẳng định: “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống” (John 8:12).


Như thế, nếu Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người bằng Mạc Khải Thần Linh, bằng đường lối chiếu ánh sáng Lời Nhập Thể của Ngài trên con người tội lỗi, thì vấn đề “Ngươi đang ở đâu?” đây chính là tình trạng con người đang “ngồi trong tăm tối và trong bóng dáng sự chết” (Luke 1:79), một thứ “tối tăm” và “bóng dáng sự chết” cần phải được đánh tan và chỉ có thể bị xua tan bằng chính “ánh sáng chân thật” là Chúa Kitô mà thôi. Thực tế cho chúng ta thấy, bởi hậu quả nguyên tội, đã là người, chúng ta ai cũng thực sự cảm thấy mình bị "ngồi trong tối tăm" về tri thức, và "ngồi trong bóng dáng sự chết" về ý chí yếu nhược và đam mê tội lỗi.

Tuy nhiên, “ánh sáng thế gian”, “ánh sáng chân thật” đây không phải chỉ có công dụng là xua tan “tối tăm” và “bóng dáng sự chết”, tức công dụng cứu chuộc về phương diện tiêu cực mà thôi, còn bao gồm cả chính công dụng thánh hóa nữa, tức công dụng làm cho con người, như Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành khẳng định: “được sự sống và là một sự sống viên mãn” (John 10:10). Vì Chúa Kitô không phải chỉ là “Sự Sống Lại” (liên quan đến ý nghĩa cứu chuộc) mà còn là “Sự Sống” (liên quan đến ơn thánh hóa).


Thật ra, khi thực hiện công cuộc cứu chuộc (redemption), đúng hơn, khi thực hiện công cuộc cứu độ (salvation) đối với con người, Thiên Chúa đã, cùng một lúc, xua tan tối tăm nơi con người và ban sự sống cho con người rồi, bởi vì, “ánh sáng” Ngài chiếu soi trên con người và vào nơi “Ngươi đang ở đâu?” của họ chính là “ánh sáng sự sống” (John 8:12), hay ánh sáng ban sự sống, ánh sáng làm cho con người sống cũng thế. Đó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định về thành phần tin vào Người là “đã vượt qua sự chết mà vào sự sống” (John 5:24), tức thành phần là “những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa” (John 1:12).


Chính vì dự án và công cuộc cứu độ con người ở chỗ ban cho con người được quyền làm con cái Thiên Chúa như thế mà vấn đề “Ngươi đang ở đâu?” chính là vấn đề cho thấy con người đang sống cuộc đời hoang đàng xa cha, giống hệt như tình trạng của đứa con phung phá gia tài của cha đã không tiếc nuối thân phận làm con của mình cho bằng nghĩ đến người cha dấu ái (xem Luke 15:12-24).


Phải, tất cả mọi thứ tội lỗi đều mang tính cách lầm lạc, đều là những gì không thật, không đúng, sai lầm, tối tăm. Do đó, muốn thoát khỏi tình trạng tối tăm, điều kiện tiên quyết đó là con người không được sợ ánh sáng, có thế, “ánh sáng sự sống” mới “giải phóng” họ (xem John 8:32), như trường hợp của người trưởng ban thu thuế lùn tên Giakêu, dù tội lỗi cũng vẫn mon men đến gần ánh sáng là Chúa Kitô, bằng cách trèo lên cây sung để nhìn thấy Người, nhất là đã không thẹn thùng đón tiếp Người về nhà mình, và tỏ lòng thống hối lỗi lầm, nhờ đó đã xứng đáng nghe lời Chúa Kitô tuyên bố: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này” (Luke 19:9).


Tìm Đường Vượt Thoát


Một trong những triệu chứng cho thấy rằng chúng ta đang lầm đường lạc hướng, đó là tâm trạng bất an của chúng ta, đó là thái độ bất mãn của chúng ta, đó là cuộc đời bất hạnh của chúng ta, đó là cái vòng luẩn quẩn của con người phàm tục liên quan đến tham vọng tìm kiếm tất cả những gì thuần tự nhiên và thế tục của họ, tức liên quan đến vị trí “Ngươi đang ở đâu?” của họ.


Tại sao con người lại có những triệu chứng bất an, bất mãn và bất hạnh liên quan đến vị trí “Ngươi đang ở đâu?” của họ như thế, nếu không phải chúng là những gì cho thấy thực tại rất chân thật sau đây:


Con người được dựng nên cho Chúa và hướng về chân-thiện-mỹ, nên chỉ có một mình Ngài mới là hạnh phúc chân thực và tuyệt đối cho họ mà thôi, một khi họ chưa gặp được Ngài hay còn tìm kiếm những gì không phải là Ngài hoặc ngoài Ngài, họ sẽ chỉ rước họa vào thân; thế nhưng, nếu họ biết lợi dụng cái họa tạm thời này như một dấu chỉ thời đại, như tiếng Thiên Chúa cảnh giác họ “Ngươi đang ở đâu?”, thì, như một cái điện thoại bỏ túi, (miễn là chưa hoàn toàn hỏng không xài được nữa), cho dù có off không mở, hay hết cục điện (pin), hoặc mở (on) song lại ở trong chỗ quá ồn ào, cuối cùng con người vẫn có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nhắc nhở “Ngươi đang ở đâu?” để có thể đáp lại tiếng của Ngài. Bằng cách nào?


Ở chỗ ý thức được mình là “Ngươi đang ở đâu?” Bằng không, cho dù có bản đồ trên xe và có dừng xe lại để coi bản đồ đi nữa, con người vẫn không thể nào tìm được hướng đi, trong khi thấy rõ được nơi mình muốn đến trên bản đồ. Không phải chúng ta đã nhiều lần dừng cuộc đời quay cuồng bận rộn của mình lại, bằng việc tham dự các cuộc tĩnh tâm, xưng tội v.v. hay sao? Không phải chúng ta cũng đã từng coi lại tấm bản đồ linh hướng, bằng cách đọc Lời Chúa, nghe huấn đức trong các cuộc tĩnh tâm, bàn hỏi chuyện tâm hồn v.v. hay sao?


Việc chúng ta biết dừng chân tĩnh tâm cũng như việc chúng ta chịu khó xem lại bản đồ linh hướng này là những gì chứng tỏ chúng ta cảm thấy mình bị lạc đường và muốn tìm đường đến đích điểm của mình. Thế nhưng, một con người bị lạc đường như chúng ta, cho dù có dừng xe lại để xem bản đồ và có thấy được nơi cần phải tới trên bản đồ đi nữa, chúng ta cũng sẽ không thể nào đến được nơi muốn đến, trái lại, chúng ta sẽ vẫn cứ tiếp tục cuôc hành trình sai lạc rất nguy hiểm của mình, nếu chúng ta không biết được vị thế “Ngươi đang ở đâu?” của chúng ta trên tấm bản đồ linh hướng ấy.



“Ngươi Đang Ở Đâu?”: Kiểm Điểm



Đó là lý do “Về Nguồn Nội Tâm” chính là việc chúng ta tự kiểm điểm xem vị trí “Ngươi đang ở đâu?” của mình. Vì vấn đề “Ngươi đang ở đâu?” trực tiếp và chính yếu liên quan đến mặt trái của cuộc đời con người, tức đến tội lỗi của con người, mà bởi thế, để làm sao cho con người, như người mù từ lúc mới sinh (xem John 9:1) có thể tiến “từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (1Peter 2:9), nghĩa là có thể như người phụ nữ tội lỗi trong thành kia được tha nhiều vì yêu nhiều (xem Luke 7:37,47), chúng ta cần phải tiến sâu vào hang động của tội lỗi, để khám phá ra bộ mặt thực sự của tội lỗi, với những vấn đề rất thực tế sau đây: Tội lỗi là gì? Làm sao để biết được là mình phạm tội? Làm sao để có thể chừa tội? Làm sao để có thể giữ mình sạch tội?


Tội Lỗi Là Gì?


Tội lỗi là tất cả những gì làm mất lòng Thiên Chúa là Cha trên trời. Câu định nghĩa về tội này nói lên một mối liên hệ với Vị Thiên Chúa Hóa Công là Cha của chúng ta. Đó là lý do người con phung phá khi trở về đã thân thưa: “Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha” (Luke 15:18). Câu định nghĩa này cũng cho thấy tội lỗi liên quan đến tình yêu, đến việc làm mất lòng đối tượng mình yêu, đến Đấng đã yêu thương mình. Bởi thế, tội lỗi không chỉ giới hạn nơi những gì phạm đến lề luật Chúa về mặt tiêu cực, mà còn phạm đến những gì không xứng hợp với Thiên Chúa về phương diện tích cực nữa.


Trước hết, tội lỗi là những gì “phạm đến trời” đây là gì, nếu không phải là những gì phạm đến lương tâm con người (gian dối, ác ý, hận thù v.v.), đến lề luật tự nhiên (ngừa thai nhân tạo, đồng tính luyến ái, tạo sinh sao bản v.v.), đến luật công bằng xã hội (như giam dâm, trộm cướp, giết người v.v.).


Sau nữa, tội lỗi là những gì “phạm đến cha” đây là gì, nếu không phải là những gì phạm đến Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha.


Phạm đến Danh Cha là phạm đến bản tính trọn lành xót thương của Cha (xem Mathêu 5:48; Luke 6:36), tức sống ngược lại với bản tính từ bi nhân ái của Cha, sống một cách vị kỷ chấp nhất, không quảng đại thứ tha, khiến cho thành phần chưa nhận biết Cha có một ấn tượng không tốt về Vị Thiên Chúa của Kitô Giáo, thậm chí tỏ ra chê trách Cha và khinh thường Cha.


Phạm đến Nước Cha là phạm đến công cuộc cứu độ của Cha được thực hiện nơi Chúa Kitô là Đấng đã thiết lập vương quốc của Cha trên thế gian bằng lời nói và việc làm của Người, nhất là bằng cuộc Vượt Qua của Người. Phạm đến công cuộc cứu độ của Cha tức là tỏ ra không biết ơn Cha, ở chỗ không thường xuyên lãnh nhận các bí tích, không cộng tác làm việc truyền giáo bằng những đóng góp vật chất khi có thể, không sống đời chứng nhân cho Chúa Kitô, trái lại, còn tỏ ra chống đối hay cộng tác vào việc đả phá Giáo Hội, bất tuân phục Huấn Quyền của Hội Thánh (những vị chủ chăn trong Giáo Hội), không tuân giữ luật lệ của Giáo Hội (ăn chay kiêng thịt vào những ngày được ấn định như Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, giữ ngày Chúa Nhật và các Ngày Lễ Buộc, xưng tội một năm ít là một lần, Rước Lễ ít là trong Mùa Phục Sinh, không làm ăn vào các Ngày Chúa Nhật và các Ngày Lễ Buộc là các ngày đặc biệt giành cho Chúa) v.v.


Phạm đến Ý Cha là phạm đến dự án thánh hóa của Cha đối với bản thân mình, một dự án được Cha tỏ ra cho linh hồn biết nhờ Thánh Thần của Ngài vào thời điểm của nó. Phạm đến dự án cứu độ của Cha là không tuân theo ơn soi động của Chúa Thánh Linh (chẳng hạn từ chối không theo ơn gọi sống trọn lành, như trường hợp của người thanh niên giầu có trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 19 câu 21-22), hoặc hăng say hoạt động (dù cho Chúa) thái quá đến độ bỏ bê nội tâm, lơ là cầu nguyện, hầu như quên mất cả cùng đích của hoạt động là chính Chúa (như trường hợp của Matta trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 10 câu 40-42), thậm chí tỏ ra những thái độ trái với phán đoán của Cha (như trường hợp Thánh Phêrô can ngăn Chúa Kitô chấp nhận tử giá trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 16 câu 23), nhất là tỏ ra chán nản thất vọng khi thấy mình tội lỗi bất lực, bất xứng (như trường hợp tông đồ Giuđa Íchca thắt cổ tử tự được Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 27 câu 3 thuật lại). Đấy là chưa kể đến trường hợp chúng ta vốn có thói quen đi lễ hằng ngày, hay đã từng hăng say hoạt động tông đồ, nhưng lại bị nằm liệt giường, không còn đi đâu hay làm gì được nữa, tỏ ra phiền trách Chúa bằng những lời than van với những người đến thăm chúng ta v.v.


Làm Sao Để Biết Được Là Mình Phạm Tội?


Nếu tội lỗi là tất cả những gì làm mất lòng Chúa là Cha trên trời thì quả thực phạm tội là làm những gì phạm đến Thiên Chúa (trời) và đến Cha của mình.

Những việc phạm đến trời và đến Cha đây, trước hết, không phải chỉ bao gồm những việc làm bằng tay chân cử chỉ của chúng ta, mà còn liên quan đến cả tư tưởng và lời nói của chúng ta nữa.


Những việc lỗi phạm trong tư tưởng của chúng ta đây là ở chỗ, chẳng hạn, chúng ta nghĩ bậy đoán xấu cho người khác, những gì Chúa Kitô đã cảnh giác chúng ta là “đừng đoán xét để khỏi bị xét đoán” (Mathêu 7:1); hoặc chẳng hạn chúng ta có ước muốn xấu, như thực sự muốn ăn trộm ăn cắp hay muốn phạm tội tà dâm với một người nào đó, như trường hợp Chúa Giêsu nói về trường hợp dịp tội nơi con mắt (xem Mathêu 5:28-29).


Những việc lỗi phạm trong lời nói của chúng ta là ở chỗ, chẳng hạn, chúng ta nói hành người khác (nói không tốt về người khác dù họ có hay không có điều chúng ta nói), nói xấu người khác (nói những điều xấu của người khác ra, nhất là những điều không phải ai cũng biết), chửi bới lăng nhục người khác, bôi nhọ thanh danh người khác, vu oan cho người khác, nói dối lừa đảo người khác, xúi bẩy hay khiêu dụ người khác làm chuyện bậy bạ v.v.


Những điều phạm đến trời và đến Cha đây, ngoài ra, không phải chỉ là những việc chúng ta chủ động làm, “trong tư tưởng, lời nói và việc làm”, như Kinh Cáo Mình đầu lễ liệt kê, mà còn bao gồm cả những việc đáng làm, cần làm hay phải làm mà chúng ta bỏ không chịu làm. Chẳng hạn như trường hợp thấy người nghèo khổ đáng thương nhưng chúng ta lấy lý này lý kia để từ chối không ra tay cứu giúp họ khi có thể; điển hình là trường hợp của người phú hộ với Lazarô trong một dụ ngôn của Chúa Giêsu được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở đoạn 16 câu 19-31. Đó là “những điều thiếu sót” (what I have failed to do) mà chúng ta, ở phần thống hối đầu mỗi Thánh Lễ, cần phải thú nhận và ăn năn.


Nếu tội lỗi là tất cả những gì làm mất lòng Thiên Chúa là Cha trên trời, thì phạm tội là việc chúng ta cố tình làm những gì chúng ta thực sự biết được là Vị Thiên Chúa Tối Cao của chúng ta và là Cha trên trời của chúng ta không cho phép chúng ta làm (như được tóm trong 10 Điều Răn), hay không hợp với Ngài (Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha).


Dĩ nhiên, những điều làm mất lòng Thiên Chúa là Cha trên trời chúng ta không biết hay không cố tình làm thì không có lỗi. Nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa đã hoàn toàn hài lòng với chúng ta, và chúng ta đã sống xứng đáng là con cái của một Vị Thiên Chúa Toàn Thiện như Ngài. Điển hình là trường hợp của tông đồ Phêrô đã bị Chúa Kitô thậm tệ quở trách: “Đồ Satan, hãy xéo đi cho khỏi mặt Ta” (Mathêu 16:23), cho dù vị trưởng tông đồ này có hoàn toàn vì ý ngay lành và thương vị sư phụ của mình thực sự, không hề có ý xấu, có ý chống lại ý muốn của Đấng sai Thày!


Đó là lý do, để thánh hóa con người, tức để làm cho con người được hoàn toàn hiệp thông với Ngài, Thiên Chúa vẫn thường dùng Thánh Giá để thanh tẩy con người, thanh tẩy nhất là những gì bất toàn mà con người không biết hay cứ tưởng rằng tốt lành thánh đức, khiến cho con người cảm thấy họ như đang trải qua những đêm tối tăm kinh hoàng về đức tin. Đúng thế, trước khi lập Bí Tích Thánh Thể, 12 vị tông đồ đã được chính Đấng các vị “gọi là Thày và là Chúa” (John 13:13) rửa chân cho, để các vị có thể xứng đáng được “dự phần với Thày” (xem John 13:8).

Làm Sao Để Có Thể Chừa Tội?


Chúng ta không thể nào có thể chừa tội, nếu chúng ta không can đảm nhận biết tội lỗi của chúng ta và tỏ ra hết lòng ăn năn thống hối. Đúng thế, một khi chúng ta không cho những gì chúng ta làm là tội, đúng như bản chất của nó, thì chúng ta làm sao có thể sửa mình được, có thể cải thiện đời sống được, trái lại, chúng ta vẫn tiếp tục phạm những điều mà chúng ta cho rằng không có tội hay không chấp nhận là có tội ấy.


Tâm trạng của một người phạm tội thường là xấu hổ và tìm cách che đậy tội của mình. Điển hình là trường hợp hai nguyên tổ, sau khi sa ngã phạm tội đã đổ lỗi cho nhau và cho ma quỉ (xem Genesis 3:12-13). Tâm trạng này dầu sao cũng cho thấy con người muốn nên trọn lành và cho mình là trọn lành. Chính vì tâm trạng muốn nên trọn lành và cho mình là trọn lành song lại làm điều bất xứng mà con người đã phải lẩn trốn Thiên Chúa, đến nỗi Ngài đã phải lên tiếng vừa chất vấn vừa nhắc nhở họ: “Ngươi đang ở đâu?”


Phải, điều kiện tiên quyết và tối khẩn đối với việc con người tỏ ra muốn chừa tội và muốn thực sự cải thiện đời sống đó là họ phải làm sao dám phơi mình ra ánh sáng, dám tiến tới cùng “Thiên Chúa là ánh sáng” (1John 1:5). Như trường hợp của người đàn bà tội lỗi trong thành đã mạnh dạn mang dầu thơm đến xức chân Chúa sau khi đã lấy nước mắt rửa chân cho Người, lấy tóc mà lau và lấy miệng mà hôn chân của Người, ngay trước mắt của thành phần Pharisiêu vốn khinh khi bọn tội lỗi như chị (xem Luke 8:36-50). Hay ít là đừng sợ ánh sáng hay ghét ánh sáng (xem John 3:20), nhờ đó, khi được ánh sáng chiếu soi, liền chấp nhận ánh sáng, như trường hợp người trưởng ban thu thuế Giakêu (xem Luke 19:1-10).


Một trong những lý do con người tội lỗi sợ ánh sáng, sợ chân lý, không dám phơi mình ra ánh sáng, tránh né ánh sáng bao nhiêu có thể, là vì họ không muốn bỏ mình và sợ bỏ mình. Nếu chấp nhận những gì mình làm là tội thì tất nhiên không được làm nữa. Trong khi đó, theo bản tính hư đi theo nguyên tội, con người “lại yêu thích tối tăm hơn ánh sáng” (John 3:19), bởi vì, như Chúa Giêsu khẳng định với ông Nicôđêmô là một trong những phần tử thuộc Hội Đồng Do Thái đã tìm đến hội kiến với Người trong lúc đêm tối rằng: “công việc của họ là những gì gian ác” (John 3:19). Người nói thêm: “Ai làm việc gian ác thì ghét ánh sáng; họ không muốn đến gần ánh sáng vì sợ những việc làm của họ bị bại lộ” (John 3:20).


Để chừa tội và sửa mình, việc chân nhận lỗi lầm của mình đã là việc rất khó, thì việc ăn năn thống hối lại càng khó hơn nữa. Ăn năn thống hối chẳng những là hành động chứng tỏ hiển nhiên nhất và sống động nhất con người thực sự nhận biết lỗi lầm của mình, mà còn là hành động bao gồm một tiến trình dốc lòng chừa nữa, một tiến trình để làm sao cho linh hồn có thể luôn giữ mình sạch tội, ít là không tái phạm tội cần phải xưng thú và cải thiện nữa.


Thật thế, vấn đề tỏ ra ăn năn dốc lòng chừa cách trọn là tác động quan trọng nhất trong việc xưng tội và chừa tội, một tác động mà nếu thiếu sẽ làm cho bí tích hòa giải (giải tội) không thành. Tác động ăn năn dốc lòng chừa quan trọng đến nỗi, dù chúng ta chưa kịp hay không có hoàn cảnh để xưng tội, nếu chết bất đắc kỳ tử, chúng ta vẫn có thể được rỗi.


Tuy nhiên, để tỏ lòng thật sự và mạnh mẽ ăn năn dốc lòng chừa, vào những lần xét mình trước khi xưng tội, chúng ta cần phải tìm hiểu xem tại sao chúng ta đã phạm tội ấy, và phạm tội ấy vào những trường hợp nào, để chúng ta nhất quyết không tái phạm tội ấy nữa, bằng cách, chẳng hạn, xa lánh những dịp gây ra tội ấy, như không coi truyền hình vào giờ ấy, hay không nghe những loại nhạc ấy, hoặc không gần gũi với những con người ấy v.v.



Làm Sao Để Có Thể Giữ Mình Sạch Tội?


Muốn giữ mình sạch tội, bao gồm cả việc chừa những tội cũ và phòng ngừa những tội mới, theo kinh nghiệm sống đạo và gương các thánh nhân cho thấy, cần phải thực hiện tiến trình tứ diện sau đây: tránh lánh dịp tội, hãm mình khổ chế, năng chịu bí tích, và cầu nguyện liên lỉ.


· Tránh Lánh Dịp Tội


Thật ra, tránh lánh dịp tội ở đây không phải là hành động trực tiếp liên quan đến hoàn cảnh hay môi trường sống cho bằng đến chính bản thân yếu đuối lại hướng hạ của chúng ta. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã khẳng định vấn đề này khi khuyên dạy các môn đệ rằng nếu mắt mũi chân tay là những gì thuộc về bản thân con người gây rắc rối hay dịp tội cho họ thì hãy móc nó ra, chặt nó đi v.v. (xem Mathêu 5:29-30), chứ Người không nói nếu người nữ nên dịp tội cho các con thì các con hãy giết đi, hay không nói nếu truyền hình gây dịp tội cho các con thì các con hãy đập nó đi v.v. Theo Người, những gì gây dịp tội cho con người chúng ta, nhất là hành động của con người, (như việc ăn mặc khêu gợi nơi người này sinh ra nhục dục nơi người khác, hay như việc lành phúc đức của người này sinh ra ghen tương ác cảm nơi người khác v.v.), đều có thể được kể vào số gương mù (scandal) trên thế gian, những gì thế gian không thể nào không có hay tránh được (xem Mathêu 18:7).


Như thế, việc tránh lánh dịp tội ở đây có nghĩa là làm sao để chúng ta là con người mang đầy sẵn những mầm mống tội lỗi và luôn xu hướng về những điều xấu xa có thể chủ mình được mình, đặc biệt là trong vấn đề hãm dẹp ngũ quan, tức là làm sao để chúng ta có thể sống đời hãm mình khổ chế. Ở đây chúng ta thấy, tất cả mọi sự được Chúa dựng nên là tốt lành (xem Genesis 1:31; 1Timothy 4:4), nhưng sở dĩ một số nào trong chúng trở thành xấu bởi tác dụng tiêu cực của nó nơi chúng ta là vì tại tỳ vị yếu kém của chúng ta, nếu xét theo thể lý, hay tại tâm hồn yếu đuối của chúng ta, nếu xét theo luân lý. Đó là lý do, chỉ vì lợi ích của mình mà chúng ta cần phải kiêng lánh những gì không hợp với chúng ta.


· Hãm Mình Khổ Chế

Hãm mình khổ chế đây, trước hết, là việc kiêng cử những thứ không hợp với mình, vì tỳ vị của mình hay bản thân của mình bị kỵ ứng hay có phản ứng xấu. Chẳng hạn như trường hợp thân xác chúng ta bị những chứng bệnh như cao máu (high blood pressure) cần phải kiêng mặn, như tiểu đường (diabetes) cần phải kiêng ngọt, như cao mỡ (cholesterol) cần phải kiêng đồ biển v.v. Trên đường thiêng liêng hay đời sống đạo cũng thế, có những sự tự bản chất của nó là tốt mà chúng ta vẫn phải kiêng lánh, bởi chúng chẳng những không có lợi mà còn tác hại cho tâm hồn của chúng ta.


Chẳng hạn như việc coi những màn truyền hình đấm bốc (boxing) hay đô vật (wrestling), chúng ta dễ cảm thấy thích thú khi thấy người ta bị đánh đập, dù chỉ ở trên màn ảnh nhỏ chứ không phải có thật, là một thứ cảm tình lỗi đức bác ái, chúng ta không nên coi nữa, giống như trường hợp chúng ta bỏ không coi những màn truyền hình khêu gợi tình dục vậy.


Ngoài ra, hãm mình khổ chế đây không phải chỉ là vấn đề kiêng lánh những gì có thể gây tai hại cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, mà còn là việc chúng ta có thể tự động bỏ đi hay kiêng lánh những gì không cần thiết hay không hợp cho lắm đối với đời sống nhân đức trọn lành.


Chẳng hạn, không coi truyền hình trong Mùa Chay, vợ chồng không gần gũi nhau vào các ngày Thứ Sáu trong năm, kiêng thịt vào các Ngày Thứ Sáu hằng tuần dù sống ở nơi được tha phép ăn v.v. Ngoài ra, chúng ta có thể ngồi vào giữa hàng ghế trong nhà thờ, thay vì thích ngồi ở ngoài bìa, vừa để nhường chỗ thuận lợi cho người khác đến sau vừa để làm chủ mình; hay chúng ta đậu xe xa xa ở bất cứ bãi đậu xe nào, thay vì tìm cách đậu gần, để vừa nhường chỗ cho người khác vừa được dịp hãm mình đi bộ; hoặc chúng ta lái xe với tốc độ trên 5 dặm (mile) một giờ ở những xa lộ cho lái với tốc độ tối đa (maximum speed) là 65, thay vì lái 80 hay 90 một giờ, để vừa cầm hãm tính vội vàng và ham tốc độ, vừa đề phòng tai nạn xẩy ra cho mình cũng như cho người v.v.


Đời sống tu trì hiến thân theo Chúa là một thí dụ điển hình cho việc muốn nên trọn lành cần phải bỏ mọi sự con người được quyền hưởng theo tự nhiên, như tình yêu hôn nhân, quyền sở hữu chủ và ý muốn tự do. Tóm lại, để chứng tỏ chúng ta bắt đầu hay phần nào lòng khao khát nhân đức trọn lành của mình, chúng ta có thể không làm những gì chúng ta thích hay quen, hoặc làm những gì chúng ta không thích hay quen.


Nếu chúng ta có thói quen thực hiện những việc hãm mình khổ chế tự động và tích cực này sẵn sàng, thì chúng ta chẳng những có thể dễ dàng thắng vượt được các dịp tội mà còn, khi đau khổ trái bất ngờ xẩy đến, chúng ta cũng dễ chịu hơn.


· Năng Chịu Bí Tích


Tuy nhiên, thực tế phũ phàng về con người của chúng ta, như Chúa Giêsu xác đáng nhận định và thông cảm, đó là “tinh thần thì linh hoạt nhưng bản chất lại yếu nhược” (Mathêu 26:41). Đúng thế, cho dù chúng ta có thực sự nhận biết tội lỗi của mình, nhất là sau đó có hết lòng ăn năn dốc lòng chừa và tìm hết cách để chừa tội và sạch tội, chúng ta vẫn thấy mình, như kinh nghiệm sống đạo vốn chứng thực, sa đi ngã lại cùng một tội được chúng ta xưng đi xưng lại nhiều lần. Thánh Phêrô vừa thề thốt sống chết với Thày đó đã trắng trợn chối bỏ Thày mình một cách phũ phàng đúng như lời Thày đã nói trước với ngài (xem Luke 22:33-34; 54-62).


Để đền tội chối Thày 3 lần, Thánh Phêrô đã phải tuyên xưng tình yêu của mình đối với Thày cũng 3 lần (xem John 21:15-17). Đó là lý do, qua cảm nghiệm này, Thánh Phêrô đã bày tỏ niềm xác tín của mình như sau: “tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi” (1Peter 4:8). Bởi thế, muốn chừa tội và giữ mình sạch tội, Kitô hữu chúng ta cần phải tỏ ra yêu mến Chúa nhiều hơn. Vì càng yêu nhau, người ta càng sợ không dám làm mất lòng nhau, dù là điều nhỏ mọn nhất. Chính tình yêu là động lực khiến cho chúng ta sống thanh sạch xứng đáng với người mình yêu và hiệp thông với người mình yêu. Về phương diện tu đức, việc yêu mến Chúa đây, trước hết và trên hết, được tỏ ra nơi việc gắn bó với Người bằng cách năng chịu các phép bí tích của Người, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, những Bí Tích Thần Linh có hiệu năng tăng cường Quyền Lực Phục Sinh của Người (xem Mathêu 28:18) nơi chúng ta, để chúng ta càng ngày càng nên một với Chúa và trở thành chứng nhân sống động của Người.


Một tâm hồn có thói quen xưng tội thường xuyên hằng tuần, ít là hằng tháng (vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng hay Thứ Bảy đầu tháng chẳng hạn), và tìm cách tham dự Thánh Lễ hằng ngày để được hiệp lễ, hay hễ bao giờ có dịp là dự lễ, hoặc ít ra một khi không tham dự được lễ hằng ngày, họ cũng hết sức chú trọng đến Lễ Chúa Nhật, bằng cách đến sớm để dọn mình trước lễ và về muộn để tạ ơn sau lễ, thì tâm hồn ấy, như thực tế cho thấy, có thể nói rằng, chẳng những ít phạm tội hơn mà còn hăng hái tham gia vào các hoạt động tông đồ nhiều hơn.


· Liên Lỉ Nguyện Cầu


Tuy nhiên, việc yêu mến Chúa không phải chỉ hệ tại việc gần gữi với Chúa Giêsu qua phụng vụ, ở chỗ năng chịu các bí tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, mà còn ở tại việc liên lỉ cầu nguyện nữa. Tại sao? Thực tế cho thấy, không phải đã là linh mục dâng lễ hằng ngày mà mọi linh mục đều sống thánh thiện, không gây ra gương mù gương xấu cho giáo dân và xã hội. Có những giáo dân đi lễ và rước lễ hằng ngày, chẳng những thế còn đọc kinh gia đình cả giờ đồng hồ mỗi ngày vào buổi tối, thế mà khi thấy đứa con gái của mình chửa hoang liền xui phá đi, để giữ mặt mũi cho cha mẹ vốn có tiếng là đạo đức.


Đó là lý do chúng ta thấy vấn đề cử hành phụng vụ, một hành động được giao tiếp với Mầu Nhiệm Thánh, được giao tiếp với chính Chúa Kitô Bí Tích, và việc đọc kinh cầu nguyện của chúng ta, một tác động chúng ta tiếp tục tác động phụng vụ của Giáo Hội để tôn vinh chúc tụng tạ ơn và xin ơn Chúa, cần phải có chiều sâu là chính lòng muốn của con người, bằng không, như Chúa Giêsu đã dùng lời tiên tri Isaia mà trách cứ chúng ta như Người đã thẳng thắn khiển trách thành phần Pharisiêu giả hình là “dân này thờ kính Ta bằng môi mép, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mathêu 15:8; Isaia 29:13).


Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, làm sao chúng ta có lòng để cầu nguyện, hay cầu nguyện rồi chúng ta mới có lòng? Thật vậy, chính vì lòng của chúng ta xu hướng về điều xấu, về tội lỗi là những gì làm cho chúng ta xa Chúa, mà chúng ta khó lòng cầu nguyện hay cầu nguyện một cách hết sức chia trí. Nhưng cũng chính vì thế, vì khó lòng cầu nguyện, lại dễ sa ngã phạm tội, mà chúng ta cần có Chúa, cần có ơn Chúa, chúng ta mới có thể giữ mình sạch tội và sống thánh, tức là chúng ta cần phải đến với Chúa bằng việc liên lỉ cầu nguyện.


Thật ra, chúng ta không thể liên lỉ cầu nguyện bằng việc ở trong nhà thờ cả ngày hay bằng việc lần chuỗi mân côi mấy chục tràng từ sáng tới tối. Nếu việc cầu nguyện liên lỉ đây chính là và thực sự là tác động Khao Khát Thần Linh của lòng muốn chúng ta, thì lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện được, và bất cứ sự gì xẩy ra trong cuộc đời chúng ta, nhất là Thánh Giá đau khổ, cũng có thể tác động để chúng ta hướng về Chúa và khao khát Chúa là nguyên ủy và là cùng đích của chúng ta. Thái độ cầu nguyện liên lỉ của chúng ta đó là làm sao để cho mình luôn tỉnh thức, bằng ý hướng ngay lành trong mọi việc làm, cũng như bằng một tâm hồn đơn sơ dễ dậy luôn tìm ý Chúa và làm theo ý Ngài, thì bất cứ lúc nào Ngài tỏ mình ra cho chúng ta qua những dấu chỉ thời đại, chúng ta đều có thể “nguyện Danh Cha cả Sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.


Một khi chúng ta đã ở trong trạng thái tỉnh thức và sẵn sàng chờ Thiên Chúa đến bất cứ lúc nào như thế thì vị trí “Ngươi đang ở đâu?” của chúng ta là đang ở trước nhan Thiên Chúa rồi vậy.


“Ngươi Đang Ở Đâu?”: Về Nguồn


Phần Thiên Chúa là Đấng luôn muốn tỏ mình và thông mình cho tạo vật của Ngài, nhất là cho những ai khao khát và sẵn sàng chờ đón Ngài bất cứ lúc nào như thế, một lúc nào đó, thường vào lúc con người không ngờ (xem Mathêu 24:44), chẳng hạn vào lúc con người đã cố gắng hết sức mà vẫn cảm thấy mình sa ngã bất lực song vẫn luộn tin tưởng vào Chúa, hay vào chính lúc con người ngây ngô mù quáng lao đầu vào tội lỗi, Ngài sẽ đến thánh hóa họ, thường bằng Thánh Giá đau khổ để làm cho họ được siêu thoát khỏi mọi thứ dính bén trần gian, nhờ đó họ bỗng chốc được hiệp thông với Ngài, được hưởng một cuộc sống thần hiệp là bậc sống đức tin tu đức cao nhất trong Thiên Chúa, với tràn đầy cảm nghiệm thần linh, đúng như những gì Thánh Ký Gioan được thị kiến thấy và nghe thấy trong Sách Khải Huyền: "Này đây Ta đứng gõ cửa. Ai nghe thấy tiếng Ta kêu gọi mà mở cửa ra, Ta sẽ vào nhà của họ để dùng bữa với họ hầu họ được ở cùng Ta" (Revelation 3:20). Đến đây, vị thế "Ngươi đang ở đâu?" của con người đã tiến đến chỗ ở cùng Thiên Chúa.


Quả vậy, con người được ở cùng Thiên Chúa là con người đã tiến đến chỗ "nên bằng Thiên Chúa" hay "nên giống như Thiên Chúa", đúng như mộng ước ngay từ ban đầu của nguyên tổ (xem Genesis 3:5-6), một mộng ước chính đáng của thành phần tạo vật được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (xem Genesis 1:26-27, 9:6). Sở dĩ ngay từ ban đầu con người chưa đạt được mộng ước chính đáng vô tội mà lại cần phải có này của mình, một mộng ước cũng đã được chính Thiên Chúa công nhận và mong muốn qua miệng của Lời Nhập Thế: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mathêu 5:48) như thế, là vì con người tự động làm việc này. Thật thế, tội lỗi ban đầu của con người được gọi là nguyên tội là ở chỗ con người bất phục tùng mệnh lệnh của Thiên Chúa Hóa Công, vì họ tin tưởng lời dụ mật của ma qủi hơn Thiên Chúa chân thật. Nhưng nguyên nhân sâu xa lại là bởi con người khao khát muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn nên giống như Thiên Chúa. Bằng không họ đã không nghe ma qủi xúi dại, hay họ chỉ nghe ma qủi xúi bẩy khi hợp với mộng ước và lòng khao khát thần linh của họ mà thôi.


Đến đây, chúng ta thấy được rằng, tội lỗi cũng là dấu hiệu cho thấy con người tỏ ra khao khát chân thiện mỹ, cho dù một cách sai trái và quá đáng (ở chỗ vượt quá quyền hạn được phép của mình).


Đó là lý do, nếu cầu nguyện là kháo khát thần linh thì ngay trọng khi con người sống trong tội lỗi, họ cũng đang nguyện cầu một cách nào đó tận đáy lòng của họ, như trường hợp người phụ nữ Samaritanô là người đàn bà tội lỗi sống với 6 đời chồng mà vẫn khao khát thứ nước Chúa Giêsu muốn ban cho con người (xem John 4:15,18).


Đó cũng là lý do, nếu con người tội lỗi không sợ ánh sáng, như trưởng ban Giakêu lùn, hay như người đàn bà tội lỗi trong thành, những con người tội lỗi được đề cập đến trên đây, thì, cũng như người phụ nữ Samaritanô, một khi được Chúa là Đấng tìm kiếm những gì đã hư trầm (xem Luke 19:10) tỏ mình ra cho, vào một lúc nào đó không ngờ trong cuộc đời họ, chắc chắn họ sẽ gặp được Người, sẽ đón Người vào nhà tâm hồn họ, đúng như Người đã khẳng định với tổng trấn Philatô: "ai tìm kiếm chân lý thì nghe được tiếng Tôi" (John 18:37).


Như thế, vấn đề tối quan trọng cho phần rỗi đời đời của con người tội lỗi chúng ta đó là làm sao chúng ta, tận đáp lòng, vẫn thật sự tìm kiếm chân lý, thật sự khao khát thần linh, để có thể nhận ra chân lý, cho dù ngay trong tội lỗi của mình.


Tóm lại: vị trí "Ngươi đang ở đâu?" của con người tội lỗi chúng ta mà Thiên Chúa Hóa Công là Đấng muốn “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mathêu 6:9-10) cần thấy được nơi chúng ta đó là viêc chúng ta luôn sống trong chân lý bằng một thiện tâm khao khát thần linh vậy.