PDA

View Full Version : C - Cơn Khát Núi Sọ (Tiếp Theo #6 )



Dan Lee
09-03-2008, 09:56 PM
Biệt Tặng Các Hồn Nhỏ

của Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu
http://www.thoidiemmaria.net/THANHTHE/Con%20Khat%20Nui%20So/main_files/image002.jpg

CƠN KHÁT NÚI SỌ



Chỉ khi nào con người cảm nghiệm được

Lòng Thương Xót Chúa,

bấy giờ họ mới có thể thực sự hiệp thông với nhau.

Thánh nhân và tội nhân đều gặp nhau nơi

Lòng Thương Xót Chúa.

MỤC LỤC



Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ân Tình Thánh Tuyệt Vời


Xa Cha Phung Phá - Gần Cha Hoang Đàng……


Chúa Giêsu đã Viết Những Gì Trên Đất?


Giakêu, Người Thu Thuế lên Đền Thờ Cầu Nguyện


Satan và Ngụy Thần cũng Tin Có Thiên Chúa


Hai Lời Tuyên Tín với Đấng Tử Nạn Phục Sinh


Cho Đến Tận Cùng Yêu Thương…….


Cốt Lõi Yêu Thương - Tột Đỉnh Trọn Lành


Thiên Chúa Trừng Phạt là Người Cha Tội Nghiệp


Bàn Tay Kẻ Thù - Cỏ Lùng Trong Ruộng


Hỏa Ngục Chỉ Lượm Được Cặn Bã Thế Gian


Ánh Mắt Giêsu – Con Tim Maria


Đụn Cát Lún của Một Bãi Bùn Lầy


Ngươi Đang Ở Đâu?


Khiết Tâm Maria: Nơi Nương Náu - Đường Đến Chúa


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chương 11


Hỏa Ngục Chỉ Lượm Được

Cặn Bạ Xấu Xa của Thế Gian


Cha Pedro Mendoza Pantoja là một trong thành phần ban tổ chức Cuộc Họp Tiên Khởi Tòan Quốc Mễ Tây Cơ của Những Nhà Trừ Quỉ và Những Người Phụ Tá Giải Phóng, vào thời khoảng 31/8-2/9/2004 ở trung tâm của hội đồng giám mục nước này. Cuộc họp đã thu hút được 500 tham dự viên. Vị linh mục này điều hợp công việc của 8 vị trừ quỉ theo vùng trong tổng giáo phận Mexicô City. Ngài đã trả lời cho Zenit qua một cuộc phỏng vấn về những vân đề như Vị trừ quỉ là ai? Phải chăng ai cũng có thể trở thành người trừ quỉ? Người ta cần phải làm gì khi họ nghĩ rằng họ là nạn nhận bị quỉ ám hay khi biết rằng có người ở trong trường hợp bị quỉ ám như thế? v.v. Theo vị linh mục chuyên gia trừ quỉ 6 năm vừa rồi thì:


"Satan sử dụng một số những sách lược để tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa. Những gì ma quỉ chuyên chú đó là làm cho chúng ta bị lẫn lộn, hoặc bằng cách làm cho chúng ta tin rằng hắn không hiện hữu và nếu hắn không hiện hữu thì cũng chẳng có hỏa ngục hay thiên đàng, nên chúng ta cũng chẳng cần phải sợ bị xa lìa Thiên Chúa. Ngoài ra, thay vào đó, hắn hiện hình bằng những thứ áp đảo và ám ảnh để dữ dội hành hạ những ai mở cửa tiếp đón hắn, làm cho họ sợ hãi hắn và không cố gắng đóng cửa lại mà cứ tin tưởng vào hắn".


Cũng trong năm 2004, ở Việt Nam đã xẩy ra một câu chuyện đươc linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thuật lại trong bản Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 26-27, tháng 10/2004, một câu truyện cũng đã được phổ biến trên ít là hai tờ Nguyệt San Công Giáo Việt Nam hải ngoại, đó là Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 11/2004, trang 37-44, với tựa đề “Cầu Cho Người Đã Khuất”, và Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu số 12/2004, trang 19-24, với tựa đề “Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Đã Khuất”.


Trong câu truyện này, linh mục Sơn cho biết là ngài đã giúp được cho một người mẹ trẻ thoát khỏi tình trạng bị một linh hồn tử sĩ nhập vào, một tình trạng cũng đã được một thày bùa ở Phan Rang cố gắng giải quyết song bất thành.

Ở phần kết luận câu truyện mà chính vị linh mục thuật lại là chứng nhân và là vị “rao giảng tin mừng cho người đã khuất”, tác giả đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến tín lý và đức tin Kitô giáo cần phải được giải quyết. Sau đây là nguyên văn các vấn nạn được vị linh mục này nêu lên:

1. “Trong xã hội Việt Nam hôm nay, bùa ngải, thư yểm là chuyện có thật, nhất là nơi những người buôn bán, như ta từng nghe nói: ‘ngậm ngải tìm trầm’ hay ‘bùa yêu’ của một vài người thỉnh về. Bùa ngải này dựa trên nền tảng nào? Quyền lực này bắt nguồn từ đâu: từ ma quỉ hay chỉ là một điều kỳ diệu mà khoa học chưa khám phá?

2. “Theo niềm tin chung của người tií hữu Công giáo, các linh hồn sau khi chết sẽ ra trước tòa Chúa phán xét để rồi hoặc sẽ lên thiên đàng, vào luyện ngục hay xuống hỏa ngục. Vậy phải giải thích như thế nào về những linh hồn vất vưởng như ông Giuse Trần Đình Sang và các bạn bè của ông? (Ở đây vị linh mục muốn nói đến sự kiện là ông Sang 63 tuổi, tử trận ngày 13/12/1973 tại ngay nơi đang được gia đình cô Maria Trần Thị Phương Quỳnh 26 tuổi thuê mướn để kinh doanh đã 3 năm, đó là căn nhà số 46/5C Chu Văn An, quận Bình Thạnh Thành Phố Hồ Chí Minh)?

3. “Ma quỉ có thể tác động vào những người vô tội và nhập vào họ để gây nên bệnh tật, đau đớn bất kể tự do và ý muốn của người bị nhập?

4. “Làm sao ma quỉ lại có thể ở lâu trong những người đó như vậy, trong khi miệng họ vẫn cầu kinh, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa?

5. “Các tôn giáo khác có những nghi thức, bài kinh để trừ tà ma, diệt quỉ như trong tông phái Mật Tông của Phật giáo ở Việt Nam, Tích Lan, Ấn Độ hay Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản. Nhiều người tín hữu hình như muốn đồng hóa các nghi thức này của tôn giáo với sự mê tín dị đoan. Vậy cần phải hiểu thế nào trong tinh thần đối thoại liên tôn của Kitô giáo?

6. “Có cần phải phân biệt ‘ma’ khác với ‘quỉ’ để có thái độ thương xót hơn đối với ‘ma’ và đúng đắn hơn vơiù ‘quỉ’? (Đến đây, để chứng minh vấn đề cần phải ‘rao giảng tin mừng cho người đã khuất’, linh mục tác giả đã trích dẫn những lời Thánh Kinh Tân Ước như sau:)

“Thư 1Pr 3, 19-22 nói rõ: vì Đức Kitô chết cho mọi người nên mọi người đều có thể được cứu độ bằng những cách thế không ai có thể ngờ được. Hơn nữa, vì Đức Kitô là Đấng ‘phán xét kẻ sống và kẻ chết’, mà tiêu chuẩn để phán xét là Tin Mừng, nên trước đó, kẻ chết cũng cần được nghe công bố Tin Mừng (x. 1Pr 4, 5-6; x F. Gomez, Kitô học, Chương Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, Tập II, tr. 135tt). Đức Kitô rao giảng Tin Mừng cho cả kẻ chết có nghĩa là Người đã hoàn tất sứ mạng cứu độ đối với mọi người. Những người đã chết cũng cần được ‘rửa tội’ bằng cách tuyên xưng lòng tin và tình yêu đối với Đức Kitô. Do đó, vào thời các Kitô hữu thế hệ đầu tiên, ở Côrintô chẳng hạn, người ta đã có nghi thức chịu phép rửa thay cho kẻ chết (x. 1Cr 15,29). Hành động của ông Sang hay những linh hồn khác đã khiến tôi nhớ đến sứ mạng phải truyền giáo cho cả những người đãkhuất. Như thế có lẽ ta không nên nói trừ ma, diệt quỉ mà phải cứu ma, trừ quỉ theo nghĩa Kitô giáo chăng?”

Qua những câu truyện “cứu ma” của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn ở Việt Nam và cuộc phỏng vấn về việc “trừ quỉ” của linh mục Pedro Mendoza Pantoja ở Mễ Tây Cơ trên đây, người viết xin được chia sẻ suy tư của mình như sau.

Trước hết, bởi vướng mắc nguyên tội, con người còn được coi như là thành phần bị mù từ lúc mới sinh, chẳng biết Chúa là ai (xem Gioan 9:1,36); thành phần bất toại, không tự giải cứu đươc mình, không làm được những điều lành mong ước, trái lại, làm điều dữ ngược với ý muốn của mình (xem Rôma 7:19); thành phần phong cùi ghẻ lở xấu xa, bị tội lỗi làm méo mó hình dạng con người của mình được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27) v.v. Đó là lý do, Chúa Kitô đã đến để cứu độ, trước hết bằng quyền năng chữa lành của Người, đúng như tiên tri Isaia đã nói về Người (xem Isaia 61:1), cũng như chính Người đã xác nhận về Người với các môn đệ của tiền hô Gioan Tẩy Giả (xem Luca 7:22).

Ngoài ra, cũng bởi nguyên tội, tức bẩm sinh mang mầm mống tội lỗi và sự chết là hậu quả của nguyên tội trong bản thân khi được sinh vào trần gian, mà con người, ở một nghĩa nào đó, ai cũng bị “quỉ ám”, tức bị tiêm nhiễm nọc độc của Satan, có sẵn tử chất Satan nơi mình, nên tự nhiên họ có khuynh hướng “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Gioan 3:19), thực sự bị Satan chi phối và điều khiển theo ý hắn (xem Gioan 8:44). Đó là lý do mà một trong những việc cho thấy Chúa Kitô đến để thiết lập vương quốc cứu độ của Người, đó là việc Người khu trừ ma quỉ là tay thống lãnh thế gian (x Mathêu 4:8-9; Gioan 16:11; Do Thái 2:14), việc “Con Thiên Chúa tỏ mình ra để tiêu diệt các việc làm của ma quỉ” (1Gioan 3:8; xem Do Thái 2:14).

Theo nguyên tắc ai cũng bị quỉ ám (không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ) về phương diện tâm linh như thế, mà không lạ gì có những trường hợp đi đến chỗ trầm trọng đến nỗi con người còn bị quỉ ám cả ở trên thân xác nữa, như những trường hợp được các Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại, những đoạn cũng được linh mục Sơn trưng dẫn trong bài viết của mình: “Ở Capharnaum (x. Mc 1,21-28; Lc 4, 31-37), ở Gađara (x Mt 8, 28-34; Mc 5, 1-20), ở Tyrô (x Mc 7, 24-30)”.

Nếu con người ta có thể trở thành tay sai cho ma quỉ, qua những hoạt động đầy hận thù ghen ghét cố tình quấy phá Giáo Hội, bằng những chống đối quyền bính và gây chia rẽ Dân Chúa, theo tinh thần kiêu căng bất phục tùng phá đám của Satan, thì con người cũng có thể là tác nhân của Satan và cho Satan, qua những thứ bùa ngải, các việc yếm độc, tác hại con người ta, nhất là những người chẳng những đã yếu đức tin lại còn yếu bóng vía, dễ mê tín dị đoan nữa. Thế nhưng, như những con rắn biến từ gậy của các phù thủy Ai Cập chẳng những không thể hại con rắn biến từ gậy của Aaron mà còn bị nuốt đi hết nữa (x Xuất Hành 7:10-12), cũng thế, bùa phép của thày Chăm ở Phan Rang trừ tà cho cô Quỳnh cũng không thể tống ông Sang ra khỏi cô này, trái lại, còn bị việc trừ quỉ của cha Sơn "qua mặt".

Tuy nhiên, thái độ thiện chí của ông chẳng những không ghen tức với cha, trái lại, còn tỏ ra muốn cùng cha Sơn cứu đời, chứng tỏ cho thấy, có một số thày phép có thể bị Satan lạm dụng để mở mang nước của hắn. Ở chỗ, có những lúc hắn giúp cho họ trừ được quỉ con, với thâm ý "bỏ con tép bắt con tôm", mưu lợi cho hắn, chứ không gây chia rẽ hay phá tán vương quốc của hắn theo nguyên tắc Chúa Giêsu đã nêu lên (xem Mathêu 12:24-26). Trong trường hợp cô Quỳnh, nếu ông thày Chăm này thực sự trừ được ông Sang, thì thử hỏi gia đình Công giáo này đang bê bối sẽ hoán cải trở về với Chúa như đoạn cuối câu truyện cho thấy hay chăng, hoặc lại càng thêm mê tín dị đoan mà bỏ Chúa hơn.

Nếu Satan có tác nhân tác hại con người ta bằng bùa ngải thì Chúa Kitô cũng có các thừa tác viên thực hiện các phép trừ tà để giải cứu con người. Nếu các thứ bùa ngải được thành phần phù thủy sử dụng để gây tai hại cách riêng phần xác của con người bị yểm độc thế nào, thì nước phép, Thánh Giá, Sách Thánh, tượng ảnh hay tràng hạt v.v. cũng có thể được sử dụng để trừ tà. Nếu Satan đã ngầm giúp các tác nhân của hắn làm điều bậy bằng bùa phép thì thiên thần cũng đã giúp con người làm điều thiện lợi, điển hình là Tổng Thần Raphen đã giúp cho Tôbia con chẳng những có phương thuốc mật cá để chữa lành mắt cho Tôbia cha (xem Tôbia 6:9, 11:10-13), mà còn cả việc sử dụng phương pháp nướng tim cá và gan cá để xua đuổi ảnh hưởng của ma quỉ nơi con người bị hắn quấy nhiễu như trường hợp người vợ mới cưới của Tôbia con (xem Tobia 6:8, 8:2-3).

Trường hợp linh hồn con người, sau khi lìa khỏi thân xác trong giờ lâm tử, nếu không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục thì vẫn còn ở trong tình trạng chưa được hoàn toàn hoan hưởng thánh nhan Thiên Chúa, tức là vẫn còn ở trong tình trạng cần phải được giải cứu, cho đến khi ơn cứu chuộc của Chúa Kitô được hoàn toàn nên trọn nơi họ. Như thế, đối với con người con sống trên đời thì thành phần đã chết không còn ở trong không gian, nhất là không còn thuộc về thời gian nữa, nhưng đối với thành phần trong luyện ngục, chưa hoàn toàn được hưởng vinh phúc trường sinh này, thì một cách nào đó, họ vẫn còn ở trong “thời gian”, không phải thời gian lập công như khi họ còn sống trên thế gian này, mà là thời gian đền tội và chờ đợi, một thời gian tâm lý của những linh hồn chưa hoàn toàn đạt đến cùng đích tối hậu của mình là Thiên Chúa Toàn Thiện Toàn Ái, nên cảm thấy quặn quại khổ đau bởi chính lòng khao khát đầy mến yêu có sức thanh tẩy ấy (xem Luca 7:47; 1Phêrô 4:8).

Thế nhưng, sở dĩ những linh hồn trong luyện ngục có được một khát khao có sức thanh tẩy tội lỗi này là vì họ đã được hưởng Thần Linh Sự Sống của Thiên Chúa, dù chưa hoàn toàn, một Thần Linh thấu triệt Thiên Chúa (xem 1Corintô 2:10). Hay nói cách khác, vinh quang của Thiên Chúa đã chiếu vào các linh hồn trong luyện ngục bởi Thần Linh tái sinh của Ngài (xem Gioan 3:5). Bởi thế, có thể nói, những linh hồn đang ở trong luyện ngục, vì đã ra khỏi thân xác hữu hình và hữu hạn là những gì khiến linh hồn họ chỉ có thể thấy Ngài "như qua gương" chứ không thể “diện đối diện” (1Corintô 13:12) chiêm ngưỡng “Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), thì dù họ có đang ở trong thời gian đền tội và đợi chờ, song bởi lòng khao khát đầy yêu mến do Thần Linh làm vọt lên trong họ (xem Gioan 4:14, 7:38-39) bấy giờ, họ thật sự đã được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa lờ mờ rồi, như trường hợp người mù chưa được Chúa Giêsu phục quang hoàn toàn, nên mới chỉ “thấy người ta qua lại như cây cối” (Marcô 8:24).

Vì thành phần trong luyện ngục mới được thấy Thiên Chúa “lờ mờ” như thế, mà họ cần phải chờ đợi cho tới khi Chúa Giêsu “là sự sống lại và là sự sống” (Gioan 11:25), là “ánh sáng sự sống” (Gioan 8:12) hoàn toàn chiếu tỏa trên họ, một thứ Chân Lý giải thoát họ (xem Gioan 8:32). Theo dự án cứu độ của mình, Thiên Chúa có nhiều cách cứu độ từng người trên trần gian này, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của họ thế nào, thì khi họ qua đi mà chưa được hoàn toàn giải thoát, Ngài cũng có cách để tiếp tục cứu họ như thế. Chẳng hạn Ngài có thể cho chính linh hồn đương sự “hiện về” (xem Luca 16:30-31) để xin người còn sống bồi thường cho họ về những gì liên quan đến phép công bằng, hay như trường hợp của ông Sang trong câu chuyện được cha Sơn kể lại.

Trong trường hợp của ông Sang, Thiên Chúa chẳng những muốn cứu cả người đã chết là ông Sang mà còn cả người đang sống là gia đình nạn nhân cô Quỳnh cùng ông thày Chăm ở Phan Rang nữa. Cô Quỳnh là vật hy sinh cho việc Chúa làm. Vì ông Sang đã chết không thể tự cứu mình nữa, nên phải nhờ đến đức tin của những người còn sống. Bởi thế, một khi nạn nhân bị ông ám yếu đức tin, ông không thể ra khỏi nạn nhân, cho đến khi đức tin của nạn nhân phục hồi ông mới được giải cứu, và nhờ ông cả nạn nhân lẫn gia đình nạn nhân sống tốt lành hơn. Việc nạn nhân là cô Quỳnh đây được tăng thêm đức tin vì ông Sang (ngoài ý muốn của cô song trong ý nhiệm mầu Thiên Chúa) và nhờ ông Sang đây cũng chẳng khác gì như cô được tái sinh trong đức tin, như cô lãnh nhận phép rửa cho ông Sang vậy.

Đúng thế, chính nhờ đức tin của chị mình là Matta: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Gioan 11:27) mà Lazarô đã bị chôn táng 4 hôm trong mồ đến độ bắt đầu xông mùi tan rữa (xem Gioan 11:39), vẫn có thể cải tử hoàn sinh nghe được tiếng Chúa để bước ra khỏi mồ (xem Gioan 11:43-44). Đó là lý do, vị trừ quỉ Công giáo, một là chính Đức Giám Mục, hai là vị linh mục được ngài chỉ định thay ngài làm việc này, chẳng những có quyền năng làm việc trừ quỉ, nhưng nếu yếu kém đức tin, không sống đời nguyện cầu và chay tịnh (xem Mathêu 17:16-21), thì cũng chẳng trừ được quỉ như có lần đã xẩy ra cho các tông đồ ngày xưa. Một giám mục bất tuân phục Đức Thánh Cha làm sao có thể khu trừ "ngụy" thần, hay một vị linh mục trừ qủi mà lại ham sắc mê của làm sao có thể trừ được thần "ô uế"!?!

Thế nhưng, tại sao biết được rằng mình có thể làm cho người bạn thân của mình là Lazarô (xem Gioan 11:5) cải từ hoàn sinh về phần xác, mà Chúa Kitô, như Thánh Ký Gioan đã thuật lại cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã khóc (xem Gioan 11:35)? Phải chăng là vì Người đã thấy trước được rằng, trong số thành phần thân thiết với Người, có những người, cho dù Người có lên tiếng gọi (xem Gioan 13:26-27; Mathêu 26:50), cũng sẽ không bao giờ chỗi dậy nữa, nghĩa là sẽ bị đời đời trầm luân (xem Mathêu 27:5; Gioan 17:12).

Đó là lý do, trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Các Hồn Nhỏ qua nữ sứ giả giáo dân người Bỉ biệt danh Magarita, Chúa Giêsu đã tâm sự với bà những lời lẽ chí tình chí thiết như sau:


· “Mất đi một trong các con cái của Cha đối với Cha là một bất hạnh lớn. Cha đã vì họ mà đến mà Cha lại không thể cứu được họ…” (ngày 10-12-1968);


· “Hỡi con gái của Cha ơi, con có biết cái thảm bại của một Vị Thiên Chúa là gì không? Đó là Người không thể cứu được hết tât cả mọi người bằng Hy Sinh của Người” (18-5-1970);


· “Những ý nghĩ của Cha (ở trên đồi Gôngôta) là những ý nghĩ thương hại và thương xót. Họ không biết rằng, chỉ bằng một cử chỉ là Cha đã có thể hủy diệt họ đi rồi. Cha để cho họ tha hồ thỏa tay hành khổ Cha, vì trong thâm tâm của Cha, Cha đã chấp nhận Hy Sinh theo ý muốn Cha của Cha. Thế nhưng, nỗi sầu khổ của Cha đã tăng lên gấp bội, vì Cha đã biết rằng, cho dù Cha có để cho mình bị hành hình đến như vậy, Cha vẫn không sao cứu được tất cả mọi con cái của Cha, và đối với nhiều người, Hy Sinh của Cha sẽ trở thành luống công vô ích” (Thứ Sáu Tuần Thánh 30-3-1972).


Vậy thì thành phần được cứu độ nhiều hay ít? Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời một cách rõ rầg ít hay nhiều cho thắc mắc tò mò của một người chất vấn Người: “Những người được cứu có ít lắm chăng?“ (Luca 13:23). Nếu là người, làm gì chúng ta cũng phải làm sao để mang lại lợi ích nhất cho mình, và càng khôn ngoan và quyền năng, chúng ta càng đạt được ý muốn mưu lợi của mình thế nào, thì vô cùng khôn ngoan và toàn năng như Thiên Chúa, chẳng lẽ một việc cứu chuộc con người vô cùng quan trọng, đến nỗi Người đã phải nhập thể vô cùng hèn hạ và tử giá vô cùng nhục nhã như thế, lại chỉ mang về được một thiểu số linh hồn vô giá bất tử, thua quyền lực của Satan là tạo vật của Người?!?

Đó cũng là lý do, với cùng người nữ sứ giả giáo dân trên đây, Chúa Giêsu đã khẳng định như sau:

· “Khi Cha bị đóng đanh trên Thánh Giá như một tội nhân chỉ vì yêu, lẽ nào Cha lại chỉ được ôm lấy khoảng không trống rỗng” (15/10/1966);

. “Hỏa ngục chỉ thu nhặt được những cặn bã xấu nhất của nhân loại. Con hãy tin rằng trước khi đành bỏ cho hỏa ngục một linh hồn, Cha đã thử dùng mọi phương thế theo lòng thương xót của Cha, để cứu rỗi linh hồn ấy. Ai là người muốn được cứu rỗi? Người công chính và tội nhân thống hối. Ai từ chối không muốn được cứu rỗi? Kẻ tội lỗi cứng lòng. Ai sẽ được cứu rỗi? Người ao ước được cứu rỗi với lòng tin tưởng và cậy trông. Trái tim Cha âu yếm ghé xuống với người tự hạ. Thế giới là gì? Là sa mạc của các linh hồn. Không có gì lập cư ở đó, ngoài cái sẽ tan biến mãi mãi. Bụi và tro bao giờ cũng sản xuất ra tro và bụi. Các con Cha ơi! Các con đáng thương của Cha!” (4/10/1967)



Chương 12


Ánh Mắt Giêsu - Con Tim Maria

Chiều Hướng của Sứ Điệp Hòa Bình 2005

Kể từ khi Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Thế Giới Hòa Bình vào Ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Đầu Năm Dương Lịch, đến nay đã được 38 năm. Mỗi năm, tùy theo tình hình thế giới trong năm ngay trước đó, vị Lãnh Đạo tối cao của thế giới Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công giáo nói riêng, đều gửi cho thế giới một sứ điệp thích thời, để kêu gọi nhân loại nói chung và các vị lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo nói riêng hãy dấn thân thực hiện công lý và hòa bình. Điển hình là sau biến cố khủng bố tấn công Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 và sau đó vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2001 Hoa Kỳ trả đũa tấn công khủng bố ở A Phú Hãn, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 35 1/1/2002 là “Hòa bình không thể thiếu công lý, công lý không thể thiếu thứ tha”, một nguyên tắc hòa bình cần phải được ý thức và tuân giữ bởi cả thành phần khủng bố tấn công lẫn thành phần tấn công khủng bố.

Thế rồi, từ đó tới nay, tình hình thế giới càng ngày càng trở nên căng thẳng và trầm trọng hơn, đặc biệt liên quan đến các vụ khủng bố tự sát tấn công, nhất là ở Thánh Địa và ở Iraq trong năm 2004, đó là chưa kể đến những vụ xung đột kịch liệt xẩy ra ở Phi Châu, những tình hình khủng bố và xung đột đẫm máu, (như được chính ĐTC kể đến trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005 ở khoản số 4), mà thẩm quyền quốc tế Liên Hiệp Quốc hiện nay hầu như bất lực không thể giải quyết nổi. Phải chăng đó là lý do Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2005 mang tựa đề: “Đừng để sự dữ chế ngự mà hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”.

Sự dữ, theo Sứ Điệp Hòa Bình 2005 của ĐTC GPII thì sự dữ đây, hiển nhiên nhất, trước hết là hiện tượng bạo lực được thể hiện qua nạn khủng bố và xung đột, như được ĐTC GPII xác nhận trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ở khoản số 4 như sau:

• “Để đạt được sự thiện hòa bình, cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và ý thức rằng bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. ‘Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó cho rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người’ (John Paul II, Homily at Drogheda, Ireland - 29 September 1979, 9: AAS 71 [1979], 1081)”.

Tuy nhiên, theo Thánh Âu Quốc Tinh chủ trương về sự dữ nói chung, và về tự ái thái quá nói riêng trong cuốn Thiên Đô (XIV:28), thì tự bản chất sự dữ là hiện tượng thiếu hụt sự thiện. Theo ý nghĩa về sự dữ được vị Đại Thánh Giáo Phụ Tiến Sĩ này chủ trương như thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ở khoản số 2, đã định nghĩa về sự dữ như thế này:

• “Ở tầm mức sâu xa nhất của mình, sự dữ là việc loại bỏ một cách đáng tiếc những đòi hỏi của yêu thương Trái lại, sự thiện luân lý xuất phát từ yêu thương, cho thấy mình là yêu thương và hướng về yêu thương”.

Tóm lại, theo Sứ Điệp Hòa Bình 2005 (SĐHB 2005) của ĐTC GPII thì sự dữ đây là tất cả những gì phản lại với sự thiện, với yêu thương, và cần phải được chế ngự hay thắng vượt bằng sự thiện, bằng yêu thương mà thôi:

• “Không một con người nam hay nữ thiện tâm nào có thể loại trừ cuộc chiến đấu chế ngự sự dữ bằng sự lành. Cuộc chiến đấu này chỉ có thể chiến đấu một cách hiệu nghiệm với vũ khí yêu thương mà thôi. Khi sự lành chế ngự sự dữ thì tình yêu thắng thế và ở đâu có yêu thương là ở đấy có hòa bình” (SĐHB 2005: 12).

Theo tự nhiên, đúng hơn, theo luật mắt đền mắt răng đền răng thì khó lòng mà có thể chấp nhận được nguyên tắc luân lý này, chứ chưa nói đến vấn đề áp dụng nguyên tắc ấy. Bởi vì, theo tâm lý, nhất là của thành phần nạn nhân, người ta thường nghĩ rằng, nếu nhượng bộ thì sự dữ sẽ càng ngày càng gia tăng, càng lên mặt, càng thừa thắng xông lên. Bởi đó, cần phải ra tay sớm bao nhiêu có thể, mạnh bao nhiêu có thể, thậm chí bất chấp thủ đoạn, dù dữ dội nhất và tàn bạo nhất, hơn cả sự dữ gây sự để có thể và mới có thể ít là ngăn chặn nó, nếu chưa thể hoàn toàn tiêu diệt nó. Trong Sứ Điệp Hòa Bình 2002 (SĐHB 2002), ĐTC GPII đã công nhận là “Tha thứ… dầu sao… cũng là một sứ điệp nghịch thường”, thế nhưng, ngài vẫn cương quyết xác tín nguyên tắc Hòa Bình chân thực bất khả thiếu được ngài lấy làm đề tài cho Sứ Điệp Hòa Bình 35 này là “Hòa bình không thể thiếu công lý, công lý không thể thiếu thứ tha”:

• “Thật vậy, thứ tha bao giờ cũng bao gồm một hình thức thua thiệt ngắn hạn để cho một lợi lộc dài hạn thật sự. Bạo lực thì hoàn toàn ngược lại; chọn làm một việc bề ngoài có lợi ngắn hạn lại bao hàm cả một mất mát thực sự và vĩnh viễn. Thứ tha là việc xem ra có vẻ hèn yếu, song nó lại đòi phải có một sức mạnh về tinh thần cao cả cũng như phải có một tấm lòng can đảm về luân lý, cả hai điều này cần phải có trong việc thực hiện thứ tha cũng như trong việc chấp nhận được tha thứ” (SĐHB 2002:10).

Cũng thế, trong Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ĐTC GPII vẫn tin tưởng kêu gọi loài người thực hiện một thái độ cao cả anh hùng hầu như bất khả thực hiện, nhưng lại hoàn toàn xứng với thân phận làm người của họ, đó là “Đừng để sự dữ chế ngự mà hãy chế ngự sự dữ bằng sự lành”, ở khoản số 11 như sau:

• “Đối diện với nhiều tình trạng thể thảm đang xẩy ra trên thế giới ấy, Kitô hữu khiêm tốn tin tưởng tuyên xưng rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể giúp cho cá nhân con người cũng như cho các dân tộc thắng vượt được sự dữ và chiếm hữu được sự lành. Bằng cuộc tử nạn và phục sinh của mình, Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và đã chuộc lại chúng ta ‘bằng giá cao’ (1Cor 6:20, 7:23), chiếm lấy phần rỗi cho tất cả mọi người. Với sự giúp đỡ của Người, hết mọi người mới có thể thắng được sự dữ bằng sự lành…. Cho dù ‘mầu nhiệm lỗi lầm’ (2Thes 2:7) có hiện diện và năng động trên thế giới này, chúng ta cũng không được quên rằng nhân loại được cứu chuộc có khả năng chống lại mầu nhiệm tội lỗi. Mỗi một tín hữu, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu chuộc, ‘Đấng một cách nào đó liên kết mình với mỗi một con người’ (Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 22), có thể cộng tác vào việc chiến thắng này của sự thiện”.


Áp dụng Chiều Hướng Sứ Điệp Hòa Bình 2005

Không ai có thể chối cãi được là càng ngày tình hình thế giới càng trở nên bạo loạn hơn bao giờ hết. Chẳng những về phương diện chính trị quân sự, mà còn cả phương diện luân lý xã hội và tôn giáo nữa. Bạo lực (violence) ở đây không phải chỉ là những gì trực tiếp liên quan đến vũ khí (arms), bom đạn giết người, mà còn liên quan đến cả tính cách dữ tợn và thái độ hung bạo nữa (aggression), những tính cách và thái độ phát xuất từ lòng vị kỷ hẹp hòi hơn là vì yêu thương chân thực. Chẳng hạn như hành động phá thai (abortion) hay triệt sinh an tử (mercy killing) v.v., những hành động cũng có tính cách khủng bố tấn công. Ngoài ra, những hành động khủng bố tấn công hung bạo này, không phải chỉ xẩy ra nơi những người anh em mang danh “Hồi giáo Ả Rập”, thậm chí còn xẩy ra nơi cả thành phần con cái của chính Giáo Hội Công Giáo nữa, với những thứ khủng bố tấn công bằng ngòi viết, lên án người này người kia, đả phá vị này vị nọ, cho nhiều đấng bậc đồng đạo xuống hỏa ngục, cho các vị giáo hoàng (Phaolô VI và Gioan Phaolô II) cũng như cho chung giáo hội (Công Đồng Chung Vaticanô II) là sai lạc v.v.

Thật ra hiện tượng khủng bố tấn công đã có ngay từ ban đầu, khi con người mới xuất hiện trên thế gian này. Cuộc khủng bố tấn công đầu tiên do ma qủi thực hiện và hậu quả là loài người đã bị tử thương (xem Khởi Nguyên đoạn 3). Cuộc khủng bố tấn công thứ hai do chính loài người gây ra cho nhau, đó là người anh mang tên Cain vì ghen hận đã ra tay sát hại đứa em Abel của mình (xem Khởi Nguyên 4:1-8). Nếu hiện tượng khủng bố tấn công ngày nay còn có một đặc tính tôn giáo nữa, đó là nhân danh Thiên Chúa để sát hại, thì hiện tượng này cũng đã xẩy ra vào ngày thời của Chúa Giêsu, khi Hội Đồng Do Thái xé áo đòi giết Người, sau khi vị Thượng Tế Caipha nhân danh Thiên Chúa để hỏi Người quả thực có phải là Con Thiên Chúa hay chăng (xem Mathêu 26:57-68).

Những cuộc khủng bố tấn công có tính cách tôn giáo trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo cũng thế, thành phần tấn công cũng cho rằng họ cần phải bênh vực Giáo Hội. Thật ra, là con cái, ai cũng có phận sự, về phần tiêu cực, phải bênh vực Giáo Hội, và về phần tích cực, phải xây dựng Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu việc bênh vực hay xây dựng Giáo Hội của mình, thay vì đạt được mục đích của nó lại quay ra làm hại chính Giáo Hội thì, đúng như ĐTC GPII đã khẳng định, như đã được trích dẫn trên đây:

• “Bạo lực là một sự dữ bất khả chấp và không bao giờ nó có thể giải quyết được vấn đề. ‘Bạo lực là một thứ dối trá điêu ngoa, vì nó phản lại sự thật đức tin của chúng ta, sự thật nhân loại của chúng ta. Bạo lực hủy hoại những gì nó cho rằng nó bênh vực, như phẩm giá, sự sống, tự do của con người’”

Ở ngay khoản số 1 của Sứ Điệp Hòa Bình 2005, ngài đã nói ngay đến cái thất sách và bất lợi cùng tác hại của thái độ bạo lực và hung bạo là những gì tiêu biểu và hiện thân của sự dữ như sau:

• “Sự dữ không bao giờ bị chế ngự bởi sự dữ; một khi thực hiện đường lối này thì thay vì thắng được sự dữ thì người ta lại bị sự dữ đánh bại”.

Những quả quyết rất xác tín đầy thực tế này đã hoàn toàn được ứng nghiệm nơi tình hình ở Thánh Địa và Iraq. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn không sợ sai lầm rằng không thể nào có hòa bình ở Thánh Địa và Iraq nếu còn bạo lực, hay nếu không có yêu thương! Cũng thế, thực tế còn cho chúng ta thấy những cuộc khủng bố tấn công nhau bằng truyền thông, bằng phát thanh, bằng báo chí v.v. là những gì chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho vấn đề thêm trầm trọng đến nỗi không thể chữa trị được nữa.

Hy vọng những ai, đang vô tình, hay cố ý, hoặc vào hùa, thực hiện những cuộc khủng bố tấn công anh chị em đồng loại, đồng hương hay đồng đạo của mình bằng bất cứ cách nào, cách riêng bằng thứ vũ khí truyền thông, có thể cảm thấu được phần nào ý nghĩa sâu xa của Sứ Điệp Hòa Bình 2005, một sứ điệp rất chân thực và trọn hảo để có thể giải quyết được những gì đụng chạm về tiêu cực và xây dựng những gì tích cực, đúng như ý muốn của Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Hảo, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ cả dữ người lành cũng như làm cho mưa xuống trên cả kẻ công chính lẫn người bất chính” (Mt 5:45).

Ngay sau cuộc khủng bố tấn công xẩy ra giữa loài người với nhau, Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết rằng việc trả oán hay báo ứng thuộc về một mình Ngài (x Rm 12:19), chứ không phải ai khác, bằng không, những ai muốn thay Ngài tự động báo oán đối với kẻ dữ, dù "kẻ dữ" ấy không phải là tác nhân gây ra sự dữ cho mình, tức là hễ thấy kẻ nào ác là ai cũng có quyền giết theo kiểu giang hồ của phim Tầu, hay theo kiểu tự động nhào vô giải phóng Iraq khỏi nhà lãnh tụ độc tài Saddam Hussein đang có các thứ vũ khí đại công phá nguy hiểm trong tay. Hậu quả của những ai đụng chạm tới "kẻ dữ", điển hình là Cain chẳng hạn, thì sẽ gặp quả báo gấp 7 lần: “Nếu ai sát hại Cain thì Cain sẽ được báo thù gấp 7 lần” (Gen 4:15).

Căn cứ vào mạc khải thần linh được tỏ ra ở ngay đầu Đoạn 4 của Sách Khởi Nguyên này, Giáo Hội Công Giáo, qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã mạnh mẽ phát động việc hủy bỏ án tử hình ngay sau khi tung ra cuốn Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo vào cuối năm 1992. Bởi vì, theo Giáo Hội, không ai có toàn quyền trên sự sống con người, kể cả chính quyền. Nếu ai phạm tội cố sát, hay phạm tội thảm sát như trường hợp của những tay khủng bố tấn công 911, cũng không một tối cao pháp việc trần gian nào được quyền áp dụng án tử cho họ. Bằng không, tính cách và mục đích của việc trừng phạt là để cải hóa con người sẽ mất hết ý nghĩa, thay vào đó, là tính cách trả thù, hủy diệt, hoàn toàn phản lại Mầu Nhiệm Vượt Qua cứu độ của Kitô giáo.

Chính Đavít, dù có thể ra tay hạ thủ vua Saolê là kẻ thù của mình, người muốn dùng võ lực để thủ tiêu mình nhiều lần, Đavít vẫn không tự ý ra tay trả đũa khi nắm trong tay cơ hội ngàn năm một thuở (x 1Sam 24 và 26). Thái độ Đavít không dám đụng đến vị được Thiên Chúa xức dầu (dù vị này làm điều gian ác) như thế, trái lại, vẫn giữ lòng kính trọng như thế, mà Đavít đã "không để cho sự dữ chế ngự mà chế ngự sự dữ bằng sự lành”, và quả thực đã làm cho vua Saolê lần đầu hối lỗi (1Sam 24:18) và lần sau nhận lỗi (1Sam 26:21). Thái độ Đavít không dám tự mình trở thành đao thủ phủ hành quyết kẻ thù Saolê mặc nhiên còn là thái độ tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như vào sự thưởng phạt công minh của Ngài khi tới giờ của Ngài. Đúng thế, ác quả ác báo, cuối cùng vua Saolê đã bị Chúa bỏ đến nỗi tuyệt vọng (x 1Sam 28) và bị tử trận mà chết (x 1Sam 31:3). Ngay trong phim kiếm hiệp của Tầu cũng thế, thường vai chính rất ư là cao thượng, (đến nỗi tôi hay nói nửa đùa nửa thật là xem phim kiếm hiệp Tầu giống như xem phim truyện các thánh vậy), ở chỗ, bị đối phương âm mưu hãm hại đến thế nào đi nữa, bao giờ cũng sẵn sàng thứ tha, và hầu như không tự động hay chủ ý trực tiếp ra tay hạ sát kẻ thù, thành phần thường bị chết bởi những nguyên do khác.

Những Kitô hữu nào động một tí là vạch lỗi của anh em mình ra trên báo chí hay qua phát thanh cần phải thắc mắc là tại sao vị Sư Phụ duy nhất của mình là Chúa Giêsu không công khai điểm mặt chỉ tên tông đồ Giuđa trước mặt các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, mà lại chỉ nói những lời và tỏ cử chỉ xa xa để đánh động chính đương sự, hoàn toàn không để lộ cho một ai biết, dù là người môn đệ yêu dấu nhất của Người (x Jn 13:21-30). Nếu quả thực họ cảm thấy rằng Chúa sai họ, với vai trò là một ngôn sứ, đến để hạch tội hay hỏi tội một đương sự nào đó có những hành vị cử chỉ chướng tai gai mắt, những tác hành gây ra gương mù gương xấu, thì một khi làm việc của Chúa và cho Chúa, tức một khi nhân danh Thiên Chúa mà làm, chắc chắn người của Chúa như họ, một con người đã suy nghĩ chín chắn và luôn gắn bó nguyện cầu với Chúa, sẽ không bao giờ có những thái độ hống hách, hậm hực, dùng những lời lẽ châm biếm, những từ ngữ khinh thường vô lễ bất lịch sự v.v. như thể họ trọn lành không bao giờ lầm lỗi, không biết gì về cái xà trong mắt của mình cả (x Mt 7:5).

Trái lại, họ ý thức được rằng anh em của họ đã phạm lỗi thì họ càng không nên vì tội của những người anh chị em ấy mà tự mình làm mất lòng Chúa thêm. Thậm chí, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện thiết tha trước khi thực hiện những gì tốt đẹp nhất có thể theo nguyên tắc “chế ngự sự dữ bằng sự lành”, như thân tình gặp gỡ riêng, điện thoại riêng, trình bày riêng, viết thư riêng, lần đầu một cách riêng tư và lần sau với một nhân chứng khác (x Mt 18:15-16), mà vẫn không thấy công hiệu, không thấy nhúc nhích, thì một con người môn đệ đích thực của Chúa Kitô sẽ không đi đến chỗ tự động nhổ cỏ lùng cho đỡ chướng tai gai mắt, trái lại, họ sẽ nhẫn nại tin tưởng vào sự quan phòng vô cùng khôn ngoan của Vị Chủ Ruộng toàn năng trong việc Ngài biết cách giải quyết những vấn đề không thuộc quyền của họ khi đến thời điểm của Ngài, để làm sao mang lại lợi ích nhất mà họ không biết (x Mt 13:24-30).

Chúng ta hãy nhớ rằng, để chế ngự sự dữ là tội lỗi và sự chết nơi loài người do ma quỉ là tên sát nhân gây ra ngay từ ban đầu (x Jn 8:44; Gen 3:4,13), một Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng như Thiên Chúa đã không sử dụng một con đường nào khác ngoài thập giá, tức là Ngài đã phải trả bằng một giá cao (x 1Cor 6:20, 7:23), ở chỗ chấp nhận hy sinh chính bản thân Ngài là Chúa Giêsu Kitô khi không dung tha cho Con Một mình một phú nạp Người vì chúng ta (x Rm 8:32). Và Con Người, với tư cách Thiên Sai, nhân danh Thiên Chúa mà đến, cũng đã không đến để hủy diệt mà là để cứu vớt những gì đã hư trầm (x Lk 9:55,18:10), bằng cách chấp nhận trở thành tội lỗi (2Cor 5:21; Rm 8:3), đã trở thành đồ bị nguyền rủa trên cây thập tự giá vì loài người tội nhân chúng ta (x Gal 3:13). Vậy để chế ngự sự dữ nơi anh em của chúng ta, chúng ta đã trả một giá hy sinh bản thân mình như thế nào, và việc chúng ta làm có thực sự mang lại hay chắc chắn sẽ mang lại thiện hảo, mang lại cứu độ hay chăng, hoặc là lại gây thêm sự dữ, tàn hại, khổ đau, gương mù gương xấu, chia rẽ và hận thù!

Vậy thì chẳng lẽ chúng ta đành nín thinh để cho sự dữ lộng lành hay sao?

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, Chúa Kitô không phải là không thương Giáo Hội của Người. Thế nhưng, tại sao Người lại không tìm cách hay ngăn ngừa Giáo Hội của Người nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng tránh khỏi cảnh nhục nhã trước mặt thế giới, nhất là thành phần các tôn giáo khác; trái lại, Người lại phũ phàng, từ đầu Tháng 2/2002 ở Tổng Giáo Phận Boston Massachusetts, để xẩy ra vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em đồng tính vị thành niên, một sự dữ đã chẳng những gây khủng hoảng cho thế giá của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ mà còn làm khánh kiệt tài sản của một số giáo phận ở Mỹ nữa?

Thật là một sự dữ cả thể, xấu hổ cho một đoàn thể đã từng mạnh mẽ chống lại những thứ vô luân về tình dục, như đồng tính hôn nhân, mà nay chính các phần tử của mình, dù là một thiểu số, nhưng lại là một thiểu số thuộc thành phần cộng sự viên với hàng giáo phẩm chăn dắt đoàn chiên Chúa, tác hành phản nghịch lại giáo huấn của mình! Nếu chúng ta là chi thể của Người còn biết xấu hổ về vụ này thì Chúa Kitô là Đầu (bao gồm cả bộ mặt) còn hổ ngươi và ô danh nhục nhã tới đâu. Người quả thực đã bị chính con cái mình, qua bàn tay quyền lực của truyền thông xã hội, (như Dân của Người ngày xưa, qua bàn tay đế quốc dân ngoại Rôma), đóng đanh một lần nữa trước mắt thế giới văn minh hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, dù có bị truyền thông đại chúng tân tiến ngày nay châm biếm nhạo cười tấn công, Người vẫn chấp nhận cái ô nhục khủng khiếp này vì Giáo Hội của Người, vẫn nhất định không tự động xuống khỏi thập giá, với mục đích duy nhất là "để họ được thánh hóa trong chân lý" (Jn 17:19), một chân lý có quyền lực giải thoát con người khỏi sự dữ (x Jn 8:32)!

Bởi thế, mỗi khi thấy một sự dữ xẩy ra nơi anh em của chúng ta, nhất là nơi thành phần chúng ta thấy rằng không nên làm thế hay không được làm thế bởi gây gương mù gương xấu, làm hại đến đoàn thể và thanh danh cộng đồng, thành phần Kitô hữu chúng ta tự nhiên (hay "vì Chúa") cảm thấy bừng lên giận dữ, đối nội, muốn ra tay nhổ ngay cỏ lùng (x Mt 13:28), và đối ngoại, muốn sai lửa trời xuống thiêu hủy (x Lk 9:54) ngay "bọn" truyền thông có ít xít ra nhiều với những lời lẽ trắng trợn xuyên tạc bôi nhọ cũng như "bọn" luật sư lợi dụng nhào vô làm tiền. Nhưng chúng ta hãy ý tứ, dù có vì Chúa mà giận dữ và bênh vực Người, như trường hợp hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan trước thái độ vô lễ của một làng Samaritanô không chịu tiếp đón Đấng Thiên Sai Thày mình (x Lk 9:51-56), chưa chắc thái độ của chúng ta đã hợp với Người và tinh thần Phúc Âm của Người!

Chính Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã vấp phải trường hợp vì Chúa, vì Giáo Hội, tương tự như hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan này. Ở chỗ, vào cuộc họp bán niên thường lệ của mình 13-15/6/2002 tại Dallas, với số phiếu 239/13, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đi đến quyết định "chế ngự sự dữ" tàn hại cả thanh danh lẫn tài sản của Giáo Hội Hoa Kỳ này bằng một Bản Qui Chuẩn. Thế nhưng, Bản Qui Chuẩn của cả một hồi đồng giám mục hùng mạnh nhất thế giới này, tiếc thay song cũng may thay, đã được điều chỉnh cho hợp với Giáo Luật hơn, bởi một hội đồng hỗn hợp 8 vị, 4 của Tòa Thánh và 4 đại diện HĐGM Hoa Kỳ. Cuối cùng bản Qui Chuẩn điều chỉnh này đã được HĐGMHK chấp thuận trong phiên họp tháng 11 tại Washington DC ngày 13, và cũng đã được Tòa Thánh chính thức châu phê qua bức thư đề ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2002 của ĐHY Re Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, và chính thức phổ biến bằng tiếng Latinh ngày 16/12/2002. Tuy nhiên, theo ý định của HĐGMHK, bản qui chuẩn này cần phải tái xét sau hai năm thử nghiệm, do đó, việc Tòa Thánh châu phê đây cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Và ngày được HĐGMHK ấn định bắt đầu thi hành bản Qui Chuẩn này là 1/3/2003.

Đó, cả một hội đồng giám mục thượng thặng này trong vấn đề quyết định việc "chế ngự sữ dữ" mà còn bị sơ hở đến nỗi cần phải được hoàn chỉnh lại như thế, thì cá nhân chúng ta hay nhóm truyền thông chúng ta có thể tự vỗ ngực cho rằng những gì mình nghiên cứu và tung ra là lành mạnh, chính xác và sinh ích lợi thực sự cho công ích hay chăng?

Vậy thì chẳng lẽ chúng ta đành nín thinh để cho sự dữ lộng lành hay sao?

Thiên Chúa không cấm chúng ta chống lại sự dữ, nhưng Người không cho phép chúng ta dùng gươm để bảo vệ Người, như trường hợp tông đồ Phêrô trong Vườn Nhiệt khi thấy Người bị đám bộ hạ của Hội Đồng Do Thái sai đến bắt Người (x Mt 26:52).

Thiên Chúa không cấm chúng ta chống lại sự dữ, chống lại những hành động sai trái hay việc làm xấu xa, nhưng Người không muốn chúng ta phạm đến con người gây ra sự dữ (x Mt 5:38-39).

Thiên Chúa thậm chí còn cấm chúng ta không được chiều theo sự dữ, nhất là gương mù gương xấu của thành phần dẫn dắt cộng đồng, nhưng Người vẫn muốn thành phần được dẫn dắt phải tôn trọng các vị, bằng việc tuân nghe những lời các vị giảng dạy (x Mt 23:3).

Thiên Chúa không cấm chúng ta chống lại sự dữ, như trường hợp Người đã chống lại các chước cám dỗ của ma quỉ trong hoang địa (x Mt 4:1-11), thế nhưng Người không muốn chúng ta dùng những lập luận võ đoán thiển cận kèm theo những lời lẽ phát ngôn của hạng người kém giáo dục (x Mt 5:22), mà bằng những lời lẽ khôn ngoan của Lời Chúa.

Bởi thế, để xây dựng, để "chế ngự sự dữ bằng sự lành", người viết mạo muội xin đề nghị:

Khi thấy một sự dữ nơi người anh chị em của mình, nhất là nơi một số vị lãnh đạo nào đó, chúng ta hãy:

1. Hạ mình xuống ngay lập tức, như muốn cất đi cái xà trong con mắt của mình (x Mt 7:2-5): "Lạy Chúa, không có Chúa, một con người yếu đuối đầy tội lỗi như con còn có thể gây ra nhiều điều xấu xa hơn thế nữa".

2. Cầu nguyện liền cho người anh chị em ấy: "Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới là Đấng thấu suốt mọi sự, xin Chúa hãy cứu lấy người anh chị em của con đây 'cho khỏi sự dữ'".

3. Suy nghĩ xem làm cách nào tốt nhất và hợp nhất để có thể "chế ngự sự dữ bằng sự lành " nơi người anh chị em của chúng ta.

4. Nếu cần hãy áp dụng phương pháp sửa lỗi như Chúa dạy (x Mt 18:15-17): đầu tiên giao tiếp tư riêng với người anh chị em ấy (cũng là hành động để tìm hiểu cho rõ sự thật ra sao kẻo chỉ nghe ngóng rồi đi đến chỗ thiển cận lên án), sau đó, nếu cần, cùng với những nhân chứng khác (xem nhiều người có cùng nhận xét như mình hay chăng, phòng hờ những thứ võ đoán chủ quan), và sau hết, nếu không xong, bất đắc dĩ chúng ta cũng phải trình sự việc lên các vị thẩm quyền để xin can thiệp và ngăn chặn kịp thời.

5. Nếu sau khi đã làm hết cách theo đúng phương pháp khôn ngoan nhất được chính Chúa dạy như thế, mà sự dữ vẫn tiếp tục xẩy ra như thường hay hơn thường, chúng ta hãy nhẫn nại, đừng tự ý lập tòa án quân sự trên mặt báo chí hay truyền thanh hoặc truyền đơn, rồi tự động đóng vai trò làm thẩm phán chí công trong việc muốn dứt điễm sự dữ bằng cách hành quyết đương sự, một hành động như thể cho rằng "Ông Trời không có mắt", Chúa mà cũng chẳng làm gì được, nên họ phải "thế thiên hành đạo". Trong trường hợp này, chính bản thân chúng ta đã vô tình bị "sự dữ chế ngự", và rất cần phải được giải cứu "cho khỏi sự dữ".

6. Trái lại, cái cứng lòng của tác nhân gây ra sự dữ và tình trạng tai hại tràn lan của sự dữ là dấu hiệu cho chúng ta thấy cần chúng ta phải tin tưởng hy sinh nguyện cầu nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cho người anh chị em đáng thương của chúng ta, nhờ đó chúng ta mới có thể trừ được thứ sự dữ "dữ" như thần dữ này (x Mt 17:19-20; Mk 9:28-29); chắc chắn, với lòng chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào quyền năng Phục Sinh vô địch của Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta sẽ "chế ngự sự dữ bằng sự lành".

Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan, Ngài muốn bắn một phát súng trúng cả trăm con chim, chứ không phải bắn con nào chết con đó. Ở chỗ, trước hết, Ngài muốn thánh hóa chính tâm hồn cảm thấy buồn khổ trước sự dữ và tìm hết cách nhổ cỏ lùng, khi bắt họ phải nhẫn nại chịu đựng trong yêu thương. Sau đó, khi thấy đã hội đủ những hy sinh đền bù của họ, cũng như của những người khác, nhất là những khổ đau nơi thành phần nạn nhân bị sự dữ này tác hại, Thiên Chúa sẽ làm cho chính tác nhân gây ra sự dữ hồi tâm nghĩ lại.

Ôi Ơn Cứu Độ mầu nhiệm biết bao: "Thiên Chúa đã dồn tất cả mọi người vào tình trạng bất tuân phục để Ngài có thể tỏ tình thương đối với tất cả mọi người" (Rm 11:31)!

Ôi Mầu Nhiệm Cứu Độ cao cả biết mấy: "Thẳm sâu biết bao tầm vóc siêu vời, khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa! Các phán quyết của Ngài thật là khôn thấu, đường lối của Ngài quá ư khôn dò!" (Rm 11:33)

Tóm lại, trong vấn đề "chế ngự sự dữ" nơi anh chị em của mình, nếu chúng ta thấu hiểu được ý định và tình thương của Thiên Chúa đối với con người như các thần trời của thành phần hèn mọn nhất hằng chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa trên trời (x Mt 18:10), chúng ta sẽ nhìn những người anh chị em gây ra sự dữ của chúng ta ấy, không phải bằng tấm lòng cao ngạo và con mắt khinh khi của người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện cùng một lúc với người thu thuế (x Lk 18:11), mà bằng ánh mắt nhân ái của Chúa Kitô như Người đã nhìn người thanh niên giầu có tiếc của (x Mk 10:21), hay nhìn Phêrô sau khi vị tông đồ này trắng trợn và phũ phàng chối bỏ Người (x Lk 22:61), cũng như bằng tấm lòng hiệp thông của Mẹ Maria, không phê bình trách móc những gì con người sơ xuất và khiếm khuyết, trái lại, hết sức cảm thông và tìm mọi cách để bù đắp những thiếu sót của con người, như Mẹ đã làm ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:3,5), cho Danh Cha cả sáng (x Jn 2:11).




Chén Đắng Vườn Nhiệt

(tiếp trang 4, 27-28, 44, 56, 66, 75-76)


“Cha là Ánh Sáng và là Chân Lý. Ánh Sáng chiếu soi thế giới, mà thế giới lại khinh thường. Luật yêu thưông mà Cha ban cho các con, hỡi con cái của Cha, là luật duy nhất có thể cứu rỡi các con.

“Thế giới không yêu thưông là một thế giới hư vong. Các con tin là các con có thể sống mà không yêu thưông được ư? Các con nghĩ mình mạnh mẽ và sáng suốt. Các con chưa bao giờ lại vô thức như thế. Tại sao các con chú trọng quá nhiều đến cái sẽ qua đi nhỉ? Các con cần phải có tất cả những thứ vụn vặt đó trong hành lý về Trời của các con hay sao?

“Các con hãy suy tưởng đến sự chết là điều sẽ kết thúc tất cả những xa hoa vô loài của các con. Để rồi sẽ còn lại những gì? Các con có muốn mang hai bàn tay trắng đến trước nhan Cha chăng? Các con nghĩ có đáng liều mất hạnh phúc trường sinh để đánh đổi lấy cuộc sống mà các con đang theo đuổi không? Một ít năm sống trên mặt đất này có là bao? Một ngày kia rồi các con cũng sẽ phải rời bỏ nó. Rồi các con sẽ chẳng khóc than trong cói đời đời vì đã ruồng bỏ Thiên Chúa của các con hay sao? Chớ gì ý nghĩ này đánh động lòng các con.

“Các con đã từng nếm được những hoan lạc thánh hảo của tình yêu thần linh chưa? Các con đã từng lắng nghe và nghe thấy được Thiên Chúa của các con trong lặng lẽ của cõi lòng mình chưa?”