PDA

View Full Version : K - Khổ và giải khổ



Dan Lee
07-06-2008, 11:25 AM
KHỔ VÀ GIẢI KHỔ

Đời là bể khổ. Chúng ta ai cũng mang gánh nặng nề. Đó là gánh nặng nề của chuyện cơm áo gạo tiền. Giữa lúc kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang, việc làm khan hiếm, đồng lương ít ỏi, đảm bảo được cái ăn cái mặc cho bản thân và gia đình là hết sức khó khăn. Đó là gánh nặng nề của việc học hành. Mùa thi đã và đang đến. Những ngày này biết bao nhiêu học trò căng thẳng. Bao nhiêu bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ cùng con cái. Bao nhiêu thí sinh có biểu hiện thần kinh bất thường. Chúng ta ở nay còn bao nhiêu gánh nặng nề khác nữa? Gánh nặng nề của cuộc sống chung nhiều va chạm. Gánh nặng nề của cuộc sống xa quê nhiều thiếu thốn. Gánh nặng nề của tuổi già bệnh tật, của con cái hư hỏng, của thân nhân bất hoà, của tình duyên lỡ dở, của vợ goá con côi. Vân vân và vân vân. Đi tu lại có gánh nặng đi tu. Lập gia đình có gành nặng của chuyện vợ chồng. Chúng ta đã chẳng từng nghe có ông than rằng “lấy vợ như nợ vào thân” và có bà than rằng “chồng con là cái nợ đời” đó sao! Trên hết mọi gánh nặng và cũng là nguyên nhân của mọi gánh nặng là tội lỗi. Tv 37 nói: “Tội lỗi như gánh nặng vượt quá sức con/ Thân lom khom rã rời kiệt sức/ Cả ngày con thiểu nã lang thang? Ngay lưng đầy lửa bỏng/ Xương cốt con rã rời từng khúc”.

Mỗi cây mỗi hoa. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có gánh nặng nề riêng của mình. Không gánh nào giống gánh nào. Những gánh nặng khiến ta oằn lưng, dung nhan ta tàn tạ, vóc dáng ta tiều tuỵ từng ngày. Những gánh nặng khiến ta lam lũ hơn trâu cày. Vì trâu cày còn có mùa chỉ ăn với ngủ, giữa thời vụ cày bừa cũng còn có lúc thảnh thơi được nằm nhại lại trên bờ đê, vạt ruộng. Trong khi con người chúng ta không lúc nào được ở yên. Lúc nào cũng quay cuồng. Gánh nặng khiến chúng ta còn sống mà như đã chết. Thử nhìn dòng người đi lại sớm chiều trên phố mà xem. Đâu rồi nét tuơi vui, hồn nhiên, trong sáng của con người? Đâu rồi vẻ mặt bình an sâu xa của một cuộc sống đáng yêu đầy thi vị? Thử nhìn lại đời mình xem mấy lúc chúng ta được nghỉ ngơi thật sự? Nhiều khi quá khốn quẫn, chúng ta thốt lên: “Trời ơi sao tôi khổ thế này? Trời có biết chăng?”

Thưa rằng Trời biết. Chỉ có con người mê muội không biết Trời biết thôi. Trời biết cho nên mới mời gọi chúng ta đến cùng Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trời là địa chỉ đầu tiên và cuối cùng chúng ta phải đến. Là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chúng ta phải gặp. Tai Trời đủ rộng để ghe được tiếng than van của chúng ta. Mắt Trời đủ sáng để thấy những cảnh lầm than của chúng ta. Tay Trời đủ rộng để ôm choàng lấy chúng ta. Vai Trời đủ sức để gánh vác lấy những nhọc nhằn của chúng ta. Lòng Trời đủ rộng để yêu thương và đón nhận chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám trút gánh nặng cho Trời không. Tin mừng hôm nay nói: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. TV 54 nói : Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa. Người sẽ đỡ đần cho. Chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ. Biết tin tưởng và phó thác vào Chúa những gánh nặng của mình và của cuộc đời, mình sẽ đứng vững. Mình sẽ bình an. Sẽ là chính nhân.

Sở dĩ chúng ta còn bất hạnh và chúng ta hay than trách trời khi phải mang gánh nặng nề vì chúng ta thường đến sai địa chỉ. Trước nhất chúng ta loại trừ Trời và chỉ cậy dựa vào người. Ở Miền Bắc chúng ta nhiều người còn nhớ cuộc sống điêu tàn của những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi còn làm ruộng tập thể trong các hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Ở làng Phúc Nhạc quê tôi hồi đó, tôi thấy người ta kẻ khẩu hiệu trên tường UBND và HTX rằng: “Anh trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội chúng tôi làm trời”. “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. “Nghiêng sông tát nước vào đồng”. Tất nhiên những khẩu hiệu kia chỉ là một cách nói. Nhưng cách nói ấy phản ánh tinh thần chung của xã hội lúc bấy giờ: Tinh thần cố tình không tin có Trời; tinh thần muốn loại trời ra khỏi cuộc sống của mình. Nhưng khốn thay, chính lúc đấy là lúc kiệt quệ nhất, đói khổ nhất, lầm than nhất. Là lúc người nai lưng kéo cày thay trâu mà vẫn không đủ ăn. Kết luận ở đây là: Khi chúng ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề của mình, chính là khi chúng ta tự cao, tự đại, kiêu ngạo; chính là khi chúng ta muốn làm trời, chiếm đoạt địa vị của Trời. Khi ấy gánh nặng của chúng ta vẫn còn nguyên và tình trạng của chúng ta sẽ bi đát hơn. Đấy là một kiểu đến sai địa chỉ. Cũng ở đây chúng ta mới biết cái khiêm nhường thật mà Chúa muốn chúng ta phải học cùng Chúa là thái độ biết cậy dựa, tin tuởng và phó thác vào Chúa. Vì khi ấy mình biết mình là chỉ người và biết Chúa mới thật là Chúa Trời.

Chúng ta cũng thường sai địa chỉ khi chúng ta tìm đến với những sảm phẩm do con người tạo nên. Chúng ta than khổ cũng là phải thôi. Vì khi mệt mỏi, căng thẳng, đau khổ, trống vắng, thay vì đến cũng Chúa, nhiều người trong chúng ta lại đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Chúa nói đến với Chúa, chứ đâu có nói đến với ma tuý, với tình dục, với rượu bia. Nếu chúng ta đến đó là chúng ta lạc lối rồi. Là chúng ta đang đi vào chỗ chết vậy. Chúng ta cũng đừng chỉ đến với các trò giải trí. Lành mạnh như âm nhạc mà thử hỏi khi nghe những bài hát mà chúng ta gọi là nhạc trẻ hiện nay, có thật chúng ta cảm thấy lòng bình an hơn chăng? Hướng thiện hơn chăng? Thấy đời đáng yêu hơn chăng? Lạc quan hơn chăng? Hay chúng ta lòng bất an hơn? Xốn xang hơn? Buồn hơn? Yếu đuối hơn? Tăm tối hơn? Tôi không tin rằng con người, các liệu pháp do con người nghĩ ra, hay các trò giải trí của con người có thể cất đi gánh nặng nề của con người, mang lại hanh phúc và bình an bền vững sâu xa cho con người! Con người mà chỉ biết dừng lại nơi chính mình sẽ bất hạnh và tuyệt vọng!

Chúa mời chúng ta hãy đến với Chúa, hãy trút bỏ gánh nặng nề của mình cho Chúa. Chỉ trong Chúa con người ta mới được nghỉ ngơi, được bình an. Muốn hạnh phúc mà lại loại trừ Chúa, mà lại chỉ biết đi tìm đến với con người, với những phương tiện do con người tạo ra, là kiêu ngạo, là mê lầm. Bao nhiêu gương xưa nay cho thấy điều ấy. Xem nhạc sĩ Đức Huy thời còn ăn chơi trác táng anh có hạnh phúc không? Không! Vì như lời anh chia sẻ: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi/ Một mình tôi về nhiều lần ướt mi!”. Xem gương thánh Augustino cũng cho ta thấy như vậy. Thánh nhân ăn chơi đủ đường tìm vui trong lạc thú mà có vui đâu! Tìm thoả mãn trong tri thức triết học mà có được thoả mãn đâu. Ngài chia sẻ: “Lạy Chúa tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Chúng ta chú ý chân lý hàm chứa trong lời thánh nhân: Hạnh phúc là sự hoà hợp của đất trời. Là sự hoà hợp của con người với Chúa Trời. Không có chuyện tìm được hạnh phúc chân thật bên ngoài Chúa Trời.

Cách đây gần 10 năm chúng tôi được xem bộ phim tài liệu Chuyện từ một góc công viên. Bộ phim đoạt giải nhất của liên hoan phim quốc gia Việt Nam. Bộ phim nói về cuộc sống của gia đình anh Sơn. Anh Sơn là cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam 1954-1975, anh làm nghề chụp hình dạo ở công viên Lê Nin. Cha anh là cựu chiến binh thời chiến tranh Pháp-Việt 1946-1954. Mẹ anh bán nước chè ở vỉa hè Hà Nội. Con gái cả của anh sống như thực vật cho đến thời điểm làm phim là gần 20 năm. Con trai thứ của anh bị mù cả hai mắt. Vợ anh làm may tại nhà để chăm sóc các con. Thế mà gia đình ấy hạnh phúc. Bao trùm bộ phim là một bầu khí yêu thương đầm ấm và một sự bình an khôn tả toát ra từ vẻ mặt và giọng nói của mỗi thành viên. Về sau, Tu viện chúng tôi có mời ông Trần Văn Thuỷ, đạo diễn bộ phim đến nói chuyện. Ông chia sẻ rằng: Chính vẻ mặt bình an và phúc hậu lạ lùng của những con người trong gia đình anh Sơn đã hấp dẫn ông và khiến ông thực hiện bộ phim.

Chúng ta xem: Tại sao những con người phải mang gánh nặng nề thế kia mà lại không cay đắng, giận dữ, nổi loạn? Tại sao những con người tưởng chừng mất hết cơ hội hanh phúc kia mà lại vẫn sống bình an, hiên hoà và đầm ấm đến thế? Kết thúc bộ phim là cảnh mẹ và vợ anh Sơn đứng đọc kinh trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức của nhà thờ Hàm Long, Hà Nội.

Tôi tin là các thành viên trong gia đinh anh Sơn đã bắt đầu được nghỉ ngơi bồi dưỡng, đã học được bí quyết của hạnh phúc. Bí quyết đấy là biết đến với Chúa, cùng nhau phó thác gánh nặng nề của mình cho Chúa. Cầu chúc cho chúng ta ai cũng được như vậy. Amen.

LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải