PDA

View Full Version : T - Thầy Biết Con Yêu Mến Thầy



Dan Lee
06-29-2008, 11:54 AM
THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY


Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay, Hội Thánh hân hoan và long trọng mừng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô, hai cột trụ đã được chính Đức Kitô cắt đặt để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính máu của mình như lời Ca Nhập Lễ mà Giáo hội hát lên trong phụng vụ thánh lễ hôm nay:

“Đây là hai vị Tông Đồ đều anh dũng
Dâng máu dào xây Giáo Hội ngàn thu
Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ
Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc”

Thánh lễ hôm nay, cũng là ngày Hội Thánh khai mạc Năm Thánh Phaolô, nhân dịp kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Ngài. Chúng ta hiệp lòng hiệp ý cùng toàn thể Dân Thánh hân hoan cử hành Năm Thánh Phaolô và nguyện xin Chúa ân ban muôn vàn hồng phúc cho tất cả chúng ta và cho những ai đã chọn Hai Thánh Phêrô-Phaolô làm Vị Bổn Mạng của mình. Trong số đó, có Đức Cha Phêrô, Giám Mục Giáo phận chúng ta, có Cha Phêrô Tổng Đại Diện, có Quí Cha, quí Thầy, có hội dòng nữ tu Phaolô và đông đảo anh em giáo dân. Nguyện xin Hai Thánh Tông đồ cầu thay nguyện giúp cho toàn thể Hội Thánh, cách riêng, cho tất cả tất cả những ai đã chọn hai Ngài làm Thánh Bổn Mạng.

Giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa: Kính thưa Ông bà anh chị em,

Mừng lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô có lẽ là dịp tốt nhất để chúng ta cùng khám phá những chứng từ sống động nơi hai cuộc đời vĩ đại đã cùng nhau thiết kế Ngôi Nhà Giáo Hội và chuyển tải cho muôn thế hệ những sứ điệp tuyệt vời của Lời Mặc khải của Thiên Chúa.

1. Một thoáng chứng từ Lời Chúa về Phêrô:

Thánh sử Mác-cô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một lời tuyên tín đầu tiên, cốt yếu nhất của Kitô giáo được đặt nơi môi miệng của Thánh Phêrô: "Thầy là Đấng Kitô" ( Mc 8,, 29b). Đó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phê-rô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Ga-li-lê để trở thành kẻ lưới người.

Tân Ước rõ ràng cho thấy Phê-rô là vị lãnh đạo các Tông Đồ, được Đức Giê-su chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Gia-cô-bê và Gio-an, Phê-rô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của con gái ông Giairô và sự hấp hối trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phê-rô được Đức Giê-su chữa lành bệnh sốt. Phêrô được sai đi với Gio-an để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Đức Giê-su từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị Tông Đồ.

Và Phê-rô là người duy nhất được Đức Giê-su nói, "Này Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" ( Mt 16,17b – 19 ).

Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phê-rô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phê-rô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Đức Giê-su.

Phê-rô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì ?" ( x. Mt 19, 27 ). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Đức Ki-tô khi chống đối ý tưởng của một Đấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" ( Mt 16, 23b ).

Phê-rô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Đức Giê-su, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Đức Giê-su rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Đức Giê-su bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các Tông Đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Đức Giê-su đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phê-rô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Sau cuộc khổ nạn và tử nạn, Chúa Giêsu sống lại, hiện ra nhiều lần. Tại bờ hồ Tibêria, Người đã hiện ra với Phêrô và các bạn khi họ đang thả lưới đánh cá. Gioan nhận ra Người và nhắc cho Phêrô biết:

- “Chúa đó”.

Với một nhiệt tình xưa, Phêrô vội cuốn áo gieo mình xuống biển đến gặp thầy. Sau đó, cũng tại nơi đây, ba lần Chúa Giêsu đã hỏi ông:

- Con có mến Thày không ?

Phêrô trả lời:

- Lạy Chúa, Chúa thông biết mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa.

Ba lần xác quyết tình yêu xóa bỏ ba lần chối Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh cho ông:

- “Hãy chăn dắt đoàn chiên Ta”.

Và Người thêm:

- “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tuỳ ý, nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Ga 21,15-18)

Từ đây Phêrô lãnh nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Ngài đã đề nghị chọn một tông đồ thế chân cho Giuda. Ngày lễ Hiện xuống, Ngài là tông đồ đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô phục sinh. Có 3000 người trở lại sau bài giảng ấy. Thật là một mẻ lưới lạ lùng.

Tại cửa đền thờ, Phêrô thấy một người què từ lúc mới sinh, Ngài nói với hắn:

- “Vàng bạc tôi không có, song có gì tôi cho anh: nhân danh đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy bước đi.

Người què liền khỏi bệnh và nhảy lên vì vui sướng. Sau phép lạ này, thánh Phêrô giảng lần thứ hai cho dân. Lần này số người trở lại lên tới 5000 người. Thành công lớn lao này một cho các đầu mục trong dân bực tức. Họ cấm các tông đồ không được rao giảng về Chúa Kitô nữa. Nhưng đầy can đảm thánh Phêrô trả lời:

- Vâng lời các ông hơn là vâng lời Thiên Chúa có phải lẽ không ?

Các tín hữu quây quần bên các thánh tông đồ, họ mang của cải đặt dưới chân các Ngài để mưu ích chung cho mọi người. Annaya và Saphira tiếc của còn muốn nên danh giá. Vợ chồng hắn nói dối là đã dâng hết, khiến lần lượt họ ngã chết ngay dưới chân Phêrô (Cv 5,1-11). Các phép lạ Ngài thực hiện ngày càng nhiều: tại Lyda, Ênêa liệt giường được lành mạnh, tại Giophê, chị Tabihta đã chết hai ngày được sống lại. Bóng của Ngài cũng chữa lành các bệnh nhân.

Thánh Phêrô rảo khắp xứ Giuđêa rao giảng nước Chúa. Ngài bị Hêrôđê ra lệnh tống giam, nhưng đã được cứu thoát cách lạ lùng. Ngài chủ tọa công đồng Gierusalem, quyết định rằng: các lương dân gia nhập Kitô giáo không phải giữ luật cắt bì.

Thánh Phêrô còn đi rao giảng bên ngoài đất Palestina, Ngài tới Antiôkia, xây dựng Giáo hội tại đây. Sau đó Ngài đi Rôma và biến nơi này thành trung tâm của Kitô giáo. Thời Nêrô cầm quyền, Giáo hội bắt đầu bị bách hại. Thánh Phêrô bị tù và theo truyền thuyết, Ngài lãnh nhận án đóng đinh thập giá. Theo chứng của Origênê, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh lộn đầu xuống đất vì thấy mình không đáng được chết cùng một cách như Thày.

+ Mộ Ngài được tìm thấy tại chính đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày nay.

2. Một thoáng Phaolô:

TM không nói một câu nào về Ngài.

Chúng ta chỉ được biết về Thánh Phaolô sau khi Chúa Giêsu đã về trời.

Xét về con người của Phaolô thì chúng ta thấy Ngài có nhiều điểm hơn hẳn Phêrô.

Phaolô là một con người có học thức - Là học trò của Giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng Gamaliel.

Gia đình Ngài thuộc loại khá giả

Đặc biệt Ngài là người có quốc tịch Rôma

Phaolô không thuộc nhóm 12. Ngài là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt.

Phaolô xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu. Tệ hơn, như một kẻ thù: Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện Phaolô tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu

Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những người Kitô hữu này Chúa đã chinh phục Phaolô. Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn Phaolô để sai Ngài đi rao giảng TM cho dân ngoại.

Muốn hiểu cuộc đời theo Chúa của Phaolô như thế nào chúng ta hãy đọc lại Sách Tông đồ công vụ và nhất là những bức thư nổi tiếng Thánh Cả còn để lại.

3. Bài học hôm nay:

Gần 2000 năm qua rồi nhưng cuộc đời của Phêrô-Phaolô vẫn còn là một gợi hứng đầy sinh động và cuốn hút cho Dân Chúa nói chung và cho mỗi một người chúng ta nói riêng. Bài học lớn đầu tiên mà Hội Thánh rút ra từ hai cuộc đời vĩ đại nầy phải chăng là “Sự hiệp nhất trong đa dạng”. Đa dạng trong tính tình, khuynh hướng, trình độ tri thức lẫn phương cách hoạt động nhưng Hai Vị Tông Đồ lại hiệp nhất trong cùng một đức tin và một lòng yêu mến. Sự hiệp nhất như thế thật sự là quá cần thiết cho Giáo Hội muôn nơi và muôn thuở. Cho dù hôm nay, Giáo hội có bành trướng cở nào, có vươn dài đến mọi biên giới của muôn dân tộc, quốc gia, thì sự khác biệt mãi mãi sẽ không làm cho Giáo Hội chia rẽ, phân tán, nhưng càng thêm phong phú tốt tươi vì mọi phần tử được liên kết với nhau trong một mối dây thâm sâu nhất đó là tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Kitô, đối với Hội Thánh của Ngài.

Cách riêng đối với mỗi người chúng ta, chỉ cần nhớ lại một đôi câu nói của hai Ngài, chúng ta cũng có thể tìm thấy cả một linh đạo cần thiết cho hành trình đức tin của mình:

- Để sống khiêm hạ: “Lạy Thầy xin hãy xa con, vì con là người tội lỗi…” (Phêrô); “Cho đến bây giờ chúng tôi đã nên như rác rưởi thế gian…” (Phaolô)

- Để vững lòng trông cậy: “Lạy Thầy cứu con” (Phêrô), “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (Phaolô)

- Để thuộc trọn về Đức Kitô như chọn lựa cuối cùng: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai…” (Phêrô), “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…”, “Tôi sống đây không phải tôi nhưng chính Đức kitô sống trong tôi” (Phaolô)

- Để yên mến Đức Kitô hết mình: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Phêrô), “Không có gì tách tôi khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Phaolô).

- Để trung thành với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh: “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Phêrô), “Tôi đã chạy đến cùng đường và giữ vững niềm tin” (Phaolô)

- Để vâng lệnh Chúa Kitô ra đi loan báo Tin Mừng: “Vâng lời Thầy con xin buông lưới” (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô)

- Để củng cố và xây dựng Hội Thánh; “Anh em là Dân tộc thánh…là những viên đá sống xây dựng đền thờ Thiên Chúa” (Phêrô), “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (Phaolô)

Kết: Kính thưa toàn thể cộng đoàn,

Vào Ngày Thứ Nhất trong tuần Chúa Phục Sinh, trên bờ hồ Ti-bê-ri-át, Chúa Giêsu đã 3 lần trắc nghiệm lại mối thâm tình và chọn lựa của Phêrô dành cho Ngài qua câu hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người nầy không ?”. Và chúng ta cũng biết rằng, để chuộc lại một lỗi lầm quá lớn mà Phêrô đã phạm phải mấy ngày trước đó khi đành đoạn chối Thầy liên tiếp ba lần trước vài kẻ tầm thường, Phêrô đã khiêm hạ thân thưa: “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Hôm nay, ước gì lời nói đầy tin yêu và xác tín, đầy khiêm hạ và thắm nghĩa Thầy-trò nầy cũng sẽ theo suốt mỗi người chúng ta trên cuộc hành trình sống đức tin, yêu mến và phục vụ Giáo Hội. Riêng đối với những ai đã chọn hai Thánh tông Đồ Phêrô-Phaolô làm Quan Thầy bảo trợ, tôi xin được nhắc lại lời thân thương nầy như một lời chúc và ước nguyện, để rồi đây trên vạn nẽo đường cuộc sống, cho dù có chân chồn gối mỏi, thân mòn sức kiệt, hay phải đối diện với muôn thử thách gian nan, xin anh em hãy luôn hướng về Đức Kitô và thân thưa với Ngài với trái tim khiêm hạ và xác tín: “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

LM. Giuse Trương Đình Hiền