PDA

View Full Version : DĐ - Đánh mất căn cước Kitô: nguy cơ của tín hữu Tây Âu



Dan Lee
06-28-2008, 02:00 PM
Một số nhận định của Đức Hồng Y Carlo Caffara, Tổng Giám Mục Bologna, về nguy cơ đánh mất căn tính của các Kitô hữu Tây Âu

Ngày 13-6-2008 Đức Hồng Y Giacomo Biffi, nguyên Tổng Giám Mục Bologna thọ 80 tuổi, trong khi Đức Hồng Y Carlo Caffara, người kế vị Đức Hồng Y Biffi thọ 70 tuổi.

Trong lịch sử Italia, Bologna là thủ phủ của vùng Emilia Romagna, nhưng nổi danh là ”thủ đô” của đảng cộng sản Ý. Vì thế tổng giáo phận này cũng có các vấn đề riêng của nó. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Caffara về nguy cơ đánh mất căn cước Kitô của tín hữu vùng này nói riêng và Kitô hữu âu châu nói chung.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khẩu hiểu của Đức Hồng Y Biffi, nguyên Tổng Giám Mục Bologna, vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y, là ”Ubi fides, ibi libertas - Ở đâu có lòng tin, ở đó có tự do”. Khẩu hiệu này có còn thời sự không?

Đáp: Có lẽ đây là giáo huấn mạnh mẽ nhất của Đức Hồng Y Biffi: đó là xác tín rằng điều Kitô giáo đề nghị với con người rất là có lý. Xem ra Đức Hồng Y trình bày trước một đề tài chính của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Nghĩa là chỉ từ một tình bạn canh tân giữa lòng tin và lý trí, mới nảy sinh ra chứng tá lớn lao của tình bác ái là sức mạnh sáng tạo của Kitô giáo. Nhưng chính tại điểm này mà ngày nay người ta gặp các khó khăn sâu xa trong việc tái truyền giảng Tin Mừng cho Tây Phương. Một đàng, có sự kiện một thứ lý trí tự gây qùe quặt cho mình, và vì thế không nhận biết chiều kích sự thật nào trong lòng tin nữa. Đàng khác, nơi nhiều tín hữu Kitô lại có một loại lòng tin chỉ được công bố mà không được cật vấn, chỉ được tuyên xưng mà không được suy tư. Vì thế đó là một thứ lý trí tự cấm mình có khả năng hướng dẫn con người, và là một thứ lòng tin không biết cho thấy lý lẽ của mình. Chính trong sự gẫy đổ này giữa lý trí và lòng tin mà bản tính con người và sự tự do của nó gặp nguy cơ. Điều dấu ẩn trong khẩu hiệu, mà Đức Hồng Y Biffi lấy lại từ thánh Ambbrogio, đó là một thách đố đối với chúng ta.

Hỏi: Cách đây 20 năm Đức Hồng Y Biffi đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng về thành phố Bologna. Ngài gọi Bologna là thành phố ”no nê và tuyệt vọng”. Có phải ngài đã trông thấy trước cái khó chịu của con người ngày nay, vượt xa ranh giới của thành phố này hay không?

Đáp: Tôi mới gặp ban giám đốc của tổ chức Caritas Bologna và được biết là số các gia đình không đủ khả năng tài chánh cho các chi tiêu cho tới cuối mỗi tháng, ngày càng gia tăng. Thành phố Bologna không còn là thành phố ”no nê” nữa, và rất tiếc nó vẫn tiếp tục là thành phố tuyệt vọng. Trước đây nó là một thành phố, trong đó người dân gắn bó với nhau, thích đối chiếu trong niềm tôn trọng lẫn nhau tại các quảng trường lớn và các hành lang có vòm che như chứng tích của việc thành thị hóa. Ngày nay thành phố xem ra bị tan rã, như thể người ta không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Các tế bào nền tảng liên kết của cuộc chung sống dân sự đang bị mỏng dần đi. Nếu có thành phố nào đó trên thế giới đã tạo ra lịch sử trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này, thì đó là thành phố Bologna, từ đại học cho tới tư tưởng. Đại học Bologna là đại học cổ xưa nhất vì là đại học đầu tiên trên thế giới. Nhưng ngày nay tôi phải thú nhận rằng tôi lo sợ. Tôi lo sợ rằng Bologna chịu trận trước cảnh tàn lụi của mình và giã từ lịch sử.

Trong bức thư mục vụ cuối cùng gửi tín hữu giáo phận Đức Hồng Y Biffi đã cảm thấy các tâm tình khó chịu của dân chúng. Tôi biết rằng các lời tôi nói, cũng như các lời của Đức Hồng Y Bifi nói trước kia, có thể gây đau đớn. Nhưng chúng phát xuất từ một tình yêu thương lớn lao mà cả hai chúng tôi có đối với thành phố này. Nó cũng giống như khi người ta yêu thương một phụ nữ rất đẹp, nhưng thấy nàng lại bỏ bê không săn sóc sắc đẹp của mình.

Hỏi: Trong lá thư mục vụ cuối cùng Đức Hồng Y Biffi có viết: ”Người ta có cảm tưởng rằng không còn có ai đề nghị điều gì tuyệt diệu và hấp dẫn nữa, và cả giới trẻ xem ra cũng chịu trận, sống cho qua ngày”. Có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chúng ta đang đụng chạm tới vấn đề nòng cốt liên quan tới tương lai của thành phố này: đó là sự cấp thiết của việc giáo dục. Có sự đứt đoạn cuộc sống giữa thế hệ cha ông và thế hệ con cháu. Cách đây không lâu có một nhóm học sinh của một trường tiểu học ngoại ô đến thăm tôi. Tôi hỏi các em có biết nhà thờ thánh Petronio không. Các em trả lời là chưa bao giờ nghe nói đến nhà thờ thánh Petronio. Sự kiện này khiến cho tôi đau lòng. Đến nhà thờ chính tòa của thành phố mà các em cũng không biết, và từ đó trở đi tôi nhủ thầm: phải coi chừng, vì ở đây đang xảy ra điều gì rất là nghiêm trọng.

Một dân tộc tiếp tục duy trì truyền thống của mình bằng cách làm cho nó sống động trong tương quan giữa các thế hệ. Nếu việc thông truyền cho con cái bị ngắt quãng, thì thế hệ con cháu như là bị mất gốc rễ, bị mồ côi ngôi nhà tinh thần. Khi không có ký ức, thì một cộng đoàn cũng chết.

Hỏi: Nhưng mà tại sao việc thông truyền truyền thống đó lại đã bị ngắt quãng như thế, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Bởi vì thế hệ các người cha đã mất uy tín. Uy tín có nghĩa là tôi là cha hay là mẹ, cống hiến cho bạn là con, một đề nghị sống, mà tôi chắc chắn về sự tốt lành và sự thật của nó. Tôi xác tín vì chính tôi đã kiểm chứng trong chính cuộc sống của tôi. Khi nào các tiền đề này suy yếu đi, thì không còn có gì thật để trao ban cho con cái nữa. Bên trong một tâm thức duy tương đối, thì việc giáo dục không chỉ trở thành khó khăn, mà không thể thực hiện được. Hành động giáo dục bị nhận thức như là một sự xâm lấn. Ngày nay giới phụ huynh nói: ”Cháu nó sẽ quyết định, khi nó sẽ lớn”. Nhưng thật ra như thế là chúng ta tạo ra các nô lệ. Đức Hồng Y Biffi là một trong những người đầu tiên báo động về thần tượng duy tương đối này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, còn có một câu nữa trong thư mục vụ của Đức Hồng Y Biffi gây chấn động, khi người nói rằng ”cần phải cứu vãn gương mặt quốc gia khỏi các nguy cơ của một cuộc di cư không được kiểm soát”. Khẳng định này có đúng không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Các sự kiện xảy ra chứng minh cho thấy Đức Hồng Y Biffi có lý. Nếu một dân tộc tìm cách quên đi căn cước của mình và khước từ lịch sử định nghĩa căn cước đó; nếu nó sống trong cái ”mâu thuẫn căn cước” của người không muốn có căn cước để đừng nhận diện ra chính mình” - như khoa học gia Riccardo Prandini đã viết - thì dân tộc đó không có khả năng tiếp đón lớn hơn - đây là một sai lầm khổng lồ - nhưng trái lại càng bị tha nhân làm cho hoảng sợ và như thế chẳng những ít niềm nở hơn đối với người khác, mà còn thù nghịch họ nữa.

Trái lại một ý thức mạnh mẽ về căn cước của mình, trong nghĩa đúng đắn của từ này, khiến cho người ta có thể gặp gỡ sự khác biệt, vì bạn không sợ hãi và như thế bạn có thể đối thoại và hội nhập. Ngày nay việc đánh mất đi căn tính của chúng ta tạo ra vùng đất lớn cho một sự sợ hãi người khác, sợ hãi người xa lạ. Cả tại Bologna này người ta cũng cảm nhận được sự sợ hãi đó. Nhưng sự sợ hãi không bao giờ là cố vấn tốt.

Hỏi: Có một điểm mà Đức Hồng Y thường nói tới trong các bài giảng đó là ”sự khó khăn trong việc phán đoán” về thực tại của nhiều tín hữu Kitô: họ như không được chuẩn bị để đương đầu với sự tân tiến.

Đáp: Vâng ngày nay đối với tôi, sự yếu kém của chủ thể Kitô đó là không có khả năng biến lòng tin trở thành một kiểu sống bên trong thực tại. Đối với nhiều tín hữu điều mà họ cử hành ngày Chúa Nhật không ăn nhập gì với điều họ làm ngày thứ hai cả. Nó chỉ là một việc đạo đức giúp vượt lên cao khỏi các xấu xí của thế giới này. Nhưng trong cụ thể, kiểu chúng tôi suy tư và sống trong gia đình có ăn nhập gì tới Chúa Kitô đâu. Các kinh nghiệm lớn trong cuộc sống của chúng tôi: say mê nhau, có con cái, làm việc, không ăn nhập gì với Chúa Kitô cả. Nghĩa là chính khả năng sống một cách Kitô trong thực tại bị suy giảm.

Hỏi: Làm sao lại có thể xảy ra thảm cảnh này thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đó là hậu qủa của việc tách rời lý trí khỏi lòng tin. Lòng tin phải được suy tư. Thánh Agostino đã nói rằng một lòng tin không được suy tư thì không phải là lòng tin thật. Và đó không phải là một tư tưởng của giới trí thức. Mẹ tôi đã không học qúa lớp ba tiểu học, tuy nhiên lòng tin dậy cho bà biết phải đương đầu với cuôc sống như thế nào. Góa chồng rất sớm với 4 con nhỏ phải nuôi nấng dậy dỗ. Công việc làm rất nặng nề, tiền bạc thì ít, nhưng bà biết hy vọng, lớn lên trong niềm hy vọng và tiến bước. Bà thức dậy rất sớm để đi lễ. Khi chúng tôi xin bà tiếp tục ngủ nghỉ thì bà trả lời: Các con không hiểu là không có thánh lễ thì mẹ không tiếp tục được hay sao? Đó là nền văn hóa Kitô. Đó là thịt, là thức ăn. Chúa Kitô là thực phẩm giúp chúng ta sống cuộc sống tốt lành, mặc dù có các khó khăn tệ hại nhất. Đây là điều ngày nay thiếu. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đề cập đến, khi khẳng định rằng từ một lòng tin bị chia rẽ khỏi lý trí, thì sẽ không bao giờ nảy sinh ra một chứng tá Kitô.

Hỏi: Đức Hồng Y cũng nói với người dân Bologna về thiện ích chung có phải thế không?

Đáp: Thiện ích đích thật của con người thì luôn luôn là chung. Triết gia Platon đã nói lên điều này. Đó là một thiện ích được chia sẻ, trong đó mỗi người có lý trí nhận biết chính mình, trong khi các lợi lộc cá nhân thì gây chia rẽ. Nhưng mà trong ý thức dân sự thiện ích chung có thể là hoa trái của luân lý được chia sẻ, hoa trái của một sự khám phá ra các giá trị hay không? Tinh thần của thánh Agostino trong tôi trả lời là không, bởi vì chúng ta nhậy cảm hơn đối với thiện ích tư. Tuy nhiên, sự khẩn nài cứu vớt mà con người ngày nay nói lên với Giáo Hội, dù có ý thức hay không, đó là xin trả lại cho chúng tôi khả năng sống một sự hiệp thông đích thực, vì không có nó, chúng tôi chết trong nỗi cô đơn của chúng tôi. Chúa Kitô đã đến cho điều này, Ngài đến để quy tu các con cái bị phân rẽ và tản mác khắp nơi lại với nhau. Đó là thách đố của việc rao truyền Tin Mừng, mà Đức Gioan Phaolo II đã lập đi lập lại. Và đó là thách đố rộng mở tại Bologna này. Nó bắt đầu với việc giáo dục con người, tái xây dựng gia đình và hôn nhân, vì cộng đoàn nhân loại bắt đầu giữa một người nam và một người nữ.

(Avvenire 8-6-2008)
Linh Tiến Khải