PDA

View Full Version : T - Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Giây Oan (Bài 16)



Dan Lee
06-08-2008, 11:55 AM
Bài 16: Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Giây Oan

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,
Cứ tìm những nẻo đoạn trường mà đi!” (Nguyễn Du)

--Mùa hè năm 1964 đến với hoa phượng đỏ rực rỡ trên cây, với tiếng ve sầu kêu ran nghe não nuột, với ánh nắng chói chang được lọc qua rừng cây, với những tập lưu bút ngày xanh được chuyền tay nhau. Bạn bè khóc sướt mướt vì phải xa thầy cô và bạn bè.

--Năm ấy, bà hiệu trưởng của trường Đ.K. là cô TN đã rời trường để vào dạy ở trường Gia Long. Từ trước đến giờ, cô rất được các giáo sư và học sinh kính nể vì tác phong và tính tình dịu dàng của cô. Chồng cô là ông VĐH, giám học ở trường Q.H. Đối với người Huế, vợ chồng cô được coi là gương mẫu và lý tưởng. Vợ chồng cô ở với nhau rất lâu, gần hai chục năm nhưng không hề có con. Cô lại là một người luôn làm việc từ thiện để giúp đỡ tha nhân và xã hội.

--Sau này, qua bao nhiêu năm dài, tôi nghe được câu chuyện thương tâm và đớn đau của cô qua ba người quen, trong một thời gian khác biệt khoảng mười năm. Người kể là em họ của người tình cô, người thứ hai là hàng xóm cuả cô ở Cư xá Thanh Đa, Sàigòn, và người thứ ba là một vị giáo sư, vừa là bạn học từ thuở nhỏ của cô, vừa là bạn đồng nghiệp của cô ở trường Gia Long. Vì không phối kiểm được nên xin kể với sự dè dặt của mình.

-- Một câu chuyện tình với nhiều uẩn khúc và bi thương. Tuy cô đã qua đời trong nghèo khổ, bịnh hoạn và tủi hận, tôi vẫn thương yêu và kính trọng vị thầy của mình. Xin đốt nén hương lòng để tưởng nhớ cô và nguyện cầu cho hương linh cô sớm siêu thoát.

--Theo lời kể lại thì trong lúc thầy VĐH đi tu nghiệp ở ngoại quốc thì cô TN ở nhà vẫn sinh hoạt trong phong trào thanh niên. Anh C. vốn là dược sĩ và là đàn em của cô trong phong trào sinh hoạt. Chẳng hiểu vì sao hai người lại thương yêu nhau. Có lẽ một phần vì cô muốn có một đứa con nên cô đã có thai với anh C. Khi thầy VĐH trở về,biết được sự ngoại tình của vợ, thầy đã dánh đuổi vợ tàn nhẫn đến nỗi cô phải xách quần áo chạy vào chùa Ấn Quang ở Sàigòn để xin được tá túc.

--Từ đó, thầy VĐH đã thay các ổ khoá bằng khoá chữ và số bí mật để mở cửa đều là những chữ tục tiũ nhất. Thầy dạy cho đứa con gái nuôi của hai người phải học những chữ tục tiũ ấy và phải sỉ nhục mẹ nó là cô TN. Nghe đồn là sau đó, để trả thù, thầy đã lấy người ở và có con với người ấy. Khi ra tòa để ly dị, cô TN đã làm toà cảm động vì một lý do rất người:

“Tôi muốn có một đứa con. Tôi muốn được làm mẹ.”

--Sau đó cô dọn về Cư xá Thanh đa ở vùng Bình Triệu, ngoại ô của Sàigòn và tiếp tục đi dạy học ở trường Gia long. Tuy ở chung với anh C. nhưng cô dày vò, dằn vặt anh suốt ngày. Trong khi anh yêu chiều cô và đứa con trai thì cô xỉ vả anh không tiếc lời:

“Mi là ma qủy, mi phá tan hạnh phúc gia đình tau. Mi là nghiệp chướng oan khiên của tau từ kiếp trước. Mi là tai họa, là nỗi bất hạnh, là niềm đau khổ triền miên cuả tau. Tau hận mi suốt đời...”

--Hàng xóm đều nghe lời cô mắng chửi anh C., ai cũng ái ngại cho anh và chán ghét đứa bé con của hai người. Người ta nói nó là đưá bé lung lao và cứng đầu. Mẹ nó cưng nó quá đáng và chiều nó đủ thứ. Nó hỗn láo và ương ngạnh, coi trời bằng vung.

Sau một thời gian chung sống, anh C. chịu không nổi sự bạc đãi của cô nên anh đăng lính và xin ra chiến trường. Sau đó anh chọn cái chết cho Tổ quốc như một sự giải thoát cho cuộc đời bi thảm của mình.

--Còn cô TN thì ngày này đạp xe đi rất xa để dạy học. Có nhiều lần, cô mệt đến gần xỉu nhưng rồi cô vẫn phải cố gắng sống vì con. Cô tiếp tục viết nhật ký hàng ngày như một phương cách để giải tỏa những thống hận và niềm cô đơn của mình.

--Sau năm 1975, đời sống của một giáo sư càng cơ cực hơn. Cô phải bán nhà ở khu Thanh Đa để về tá túc người cô họ ở vùng Trương Minh Giảng. Bà cô họ rất ghét đứa con trai của cô vì nó chỉ biết phá phách và hỗn hào. Vì thế bà cũng không thèm chăm sóc cho cô khi biết cô bị bịnh nan y.

--Hồng nhan bạc mệnh, cô TN bị bịnh ung thư tử cung và hậu môn. Cơn bịnh ác tính tàn phá cơ thể cô rất nhanh. Vì không ai săn sóc, lại không có lương tiền nên cô không thể đóng tiền vào nhà thương, và đành nằm nhà chịu trận. Các bạn đồng nghiệp của cô phải thay phiên nhau chắt chiu dành dụm để giúp tiền mua thuốc giá chợ đen rồi thuê y tá tư chích cho cô cầm cơn đau.

--Ngày ngày, cô rên la thảm thiết, máu mủ hôi hám vô cùng đến nỗi bạn bè đến thăm phải bụm mũi. Nhiều người đã ói mửa vì mùi tanh hôi bay ra. Không đêm nào cô ngủ được, cô cũng không thể nằm trên giường vì vết ung nhọt ăn hết phần dưới cơ thể của cô. Suốt ngày, cô phải đứng dựa cánh cửa lớn mà ngủ gục. Dần dần không ai dám tới thăm cô vì họ không chịu nổi mùi thối và những tiếng hét la thương tâm của cô.

--Cuối cùng, các vị nữ tu Công giáo ở hội Caritas đã thay nhau tới làm thuốc cho cô. Họ hy sinh tắm rửa và thay băng, chích thuốc và an ủi cô rất nhiều. Cô đã sống những giây phút đớn đau của một kiếp người. Có thể trong những lúc chăm sóc và an ủi cô, các nữ tu cũng đã giúp cô tìm về với Chúa vỉ chỉ có Ngài mới có thể chữa lành và an ủi cho cô.

Trong những ngày tháng cuối cùng, cô cũng đã viết thư cám ơn những người đã giúp đỡ cô trong cơn hoạn nạn, những người sẽ đi dự đám tang của cô, và cô đã viết thư gửi gấm con trai mình cho những người bạn thân tín nhất của cô.

--Ngày đưa đám cô, theo lời chúc thư và ước nguyện của cô, xe tang đã đi qua trường nữ trung học Gia long. Rất nhiều học trò cũ của cô đi dự đám tang và khóc thương cô, người đàn bà đẹp đẽ, tài hoa, giỏi giang nhưng xấu số.

Khi xe tang dừng lại trước cửa trường, cả trăm học trò, dù có hay không học với cô, đã đồng loạt qùy xuống tống tiễn cô với những giòng suối lệ tuôn rơi không dứt. Đoàn người đưa đám quá đông, dài cả cây số. Ai cũng thương xót cô và khóc sướt mướt. Đến nỗi những người vô tình đều phải buột miệng hỏi:

“Bà ta là ai mà có đông người đến đưa đám và thương tiếc nhiều thế?”

Trước khi hạ huyệt, con trai của cô đã đứng ra đọc lá thư của cô cám ơn mọi người. Tất cả lại khóc nức nở khi nghe những tâm sự chân thành của cô. Gia tài cô để lại cho con mình là từng chồng tập nhật ký.

--Rốt cuộc, người con trai cô đã vượt biên thành công. Không biết bây giờ cậu bé ở nơi nào. Chỉ mong sẽ có ngày tập nhật ký của cô được xuất bản để mọi người có thể hiểu được thế nào là duyên kiếp, là nghiệp chướng, là hồng nhan họa thủy, là tình duyên ngang trái, là nỗi thống hận và sự hối tiếc, hay là nỗi lòng hỷ nộ ái ố của người đàn bà trí thức đa tình và đa tài.

Nhưng kết quả cuộc đời cô đã được các Nữ tu Công giáo là con cái Thiên Chúa tận tình săn sóc cho cô. Có lẽ cô đã được ơn Rửa Tội. Xin Chúa cho linh hồn cô được nghỉ yên nơi Nước Trời!

Tháng 3, 2006

(còn tiếp) Vùng Trời Tuổi Ngọc (Hết) (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?p=207403#post207403)

Kim Hà