PDA

View Full Version : T - Mái Tóc Dạ Hương (Bài 15)



Dan Lee
06-08-2008, 11:40 AM
Bài 15: Mái Tóc Dạ Hương

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

“Tóc mai sợi vắn,sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.” (Ca Dao Việt Nam)

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường hay bối tóc cao để lộ cái gáy thanh tao và trắng ngần. Khi nằm trong tay mẹ, tôi thường dí mặt vào tóc mẹ để ngửi hương thơm tho đượm mùi bồ kết thoang thoảng bay ra từ làn tóc mây đen của mẹ.

Từ những kỷ niệm êm đềm ngày thơ ấu, tôi thích ngắm mái tóc dài của người đàn bà: óng ả và đen huyền như giòng suối, mềm mại và thơm tho như hương trời, quyến rũ và gợi cảm như lời mời gọi yêu đương. Người đàn bà có mái tóc dài luôn trở nên yêu kiều, yểu điệu và đầy nữ tính. Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tình với những người thục nữ tóc dài, dáng điệu thanh thanh và ngoan hiền. Từ đó, tôi cũng thích các bài nhạc hay bài thơ nói về mái tóc.

Nhìn lại trong lịch sử văn chương của Việt Nam, mái tóc người đàn bà Việt Nam đã là nguồn thơ của biết bao văn thi sĩ và nhạc sĩ. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, mái tóc vẫn mãi đóng góp hồn thơ cho nhạc, thơ và văn chương.

Thi sĩ Đinh Hùng đã thốt lên trong bài ”Mái tóc Dạ Hương”:

“Từng bước lần theo trăng viễn khơi,
Chao ơi, màu suối tóc buông mềm.”

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã kêu lên một cách bi thương:

“Em ơi, em ơi, em đâu rồi?
Làm sao anh hôn bờ tóc rối?”

Nhạc sĩ Nam Lộc hoài niệm về Sàigòn và người tình xa xôi ngàn dặm chỉ còn trong tâm tưởng:

“Saìgòn bây giờ buồn không em?
Và em còn hong tóc bên thềm.
Em còn đợi chờ ngoài hiên vắng,
Em còn gội nắng trong sân trường?”

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm diễn tả trong bả nhạc “ Gọi người yêu dấu”:

“Thương yêu nét môi cười ngây thơ,
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng,
Thương em mong manh như một cành lan.”

Hà Huyền Chi và Trần Trịnh đã ca tụng làn tóc mây trong bài hát ”Lệ Đá”:

“Giòng tóc mây thơ trên vai rủ mềm.
Mười ngón tay em đan trong tủi phiền.”

Một Đức Huy diễn tả trong ”Đường xa ướt mưa”:

“Da em lụa là, tóc em xoã mềm.”

Và Đan Thọ lãng mạn trong ”Chiều Tím”:

“Người em tóc dài, Sầu trên phím đàn,
Tìm trong chiêm bao, Tóc bay dài, gío viễn khơi.”

Một Xuân Diệu của thơ văn bất tử trong bài ”Tình Kỹ Nữ”:

“Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng vít.”

Một Phạm Duy thơ mộng trong ” Còn chút gì để nhớ”:

“Nên tóc em ướt và mắt em ướt,
Nên em mềm như mây chiều trong.”

Một Phạm Mạnh Cương thật nhẹ nhàng trong ”Tóc em chưa úa nắng hè”:

“Em, tóc em hong vàng, Buổi chiều xuống nắng,
Đếm bước hoàng hôn. Em buông lơi tóc thề,
Tình mình theo cơn lốc về.”

Nhạc sĩ Văn Phụng đã có một nhận xét tinh tế và tuyệt diệu khi đề cập đến suối tóc:

“Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi,
Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai.”

Trong văn chương đã thế, nhưng trong thực tế, tôi đã được chính người bạn kể về tác dụng của mái tóc đối với tâm lý người đàn ông.

Cô Nina là người Đài Loan làm cùng sở với tôi. Buổi đầu khi gặp cô ta, tôi tự nhiên băn khoăn vì thấy vẻ mặt cô ta buồn thê thảm. Nét buồn sầu muộn làm cho người đối diện cảm thấy ngay tâm sự u hoài của cô. Nina rất ít khi cười. Ngay cả lúc cô ta cười, ta cũng thấy ngay vẻ gượng gao trong ánh mắt cô ta.

Lần hồi, tôi mới tìm hiểu tâm sự đau buồn của Nina. Chồng của Nina tên Paul là một kỹ sư ở California, cũng là người Đài Loan. Anh Paul lấy Nina đã tám năm nhưng họ chưa hề có một lần ân ái vợ chồng vì chàng không có khả năng làm chồng.

Sở dĩ Paul yêu và cưới nàng chỉ vì nàng có mái tóc dài đen mượt và óng ả. Anh luôn thò tay vuốt ve mái tóc của nàng khi hai người nằm bên nhau. Anh kể cho vợ nghe:

Khi Paul còn nhỏ, gia đình anh rất nghèo nên cha mẹ tất bật cả cuộc đời để lo cơm áo. Paul là con út nên được người chị gái cõng chạy chơi suốt ngày. Paul lớn lên trong cô độc. Mỗi lần được chị cõng, anh ta luôn ấp mặt vào tóc chị và đùa chơi với mái tóc của chị. Từ đấy, anh say mê mái tóc dài đen mượt. Paul đã từng tuyên bố rằng chỉ có mái tóc người đàn bà là gợi niềm cảm hứng nơi anh mà thôi.

Nina rất ngoan, hiền và thông minh. Nàng sống an phận và chấp nhận định mệnh tàn nhẫn một cách bình thản. Họ sống với nhau rất đầm ấm và êm đềm. Nina đã nhiều lần thẳng thắn bảo chồng:

-Một ngày nào đó, nếu em tìm được một người đàn ông khác có đủ khả năng đem lại hạnh phúc cho em, thì em sẽ đi theo người ấy đến trọn đời. Xin anh nhớ thông cảm cho em!

-Paul cam chịu. chấp nhận sự thật. Biết vợ thiếu thốn về vấn đề sinh lý nên chàng luôn cưng chiều vợ rất mực. Anh đã làm việc rất nhiều để mong đền đáp phần vật chất cho vợ mình. Cứ thế, họ sống bên nhau môt cách êm đềm.

-Nhân mùa Giáng sinh, tôi nhớ lại câu chuyện tặng quà cho nhau để nói lên tình yêu của mình, xin kể lại để riêng tặng những đôi tình nhân hay vợ chồng yêu thương nhau hơn cả chính mình:

Mùa Giáng sinh về mà cả hai vợ chồng đều nghèo nên họ băn khoăn không biết tìm đâu ra tiền để mua quà tặng cho nhau. Chàng chỉ còn lại có một quả đồng hồ mà không có dây đeo, còn nàng thì chỉ có mái tóc dài óng ả chạy dài xuống đôi bờ vai.

Thế rồi cả hai cố gắng tìm kiếm quà để tặng cho nhau. Chàng thì quyết định bán quả đồng hồ của mình để có tiền mua cho người yêu một chiếc trâm cài tóc. Trong khi ấy, nàng cũng quyết định bán mái tóc dài của mình cho các tiệm làm tóc để có tiền mua cho chàng chiếc dây đeo đồng hồ.

Đêm Giáng Sinh đến, chàng hân hoan trao quà cho nàng. Vừa thấy mái tóc ngắn của nàng, chàng giật mình hốt hoảng nên không nhớ là mình phải tặng cho nàng chiếc trâm cài tóc. Còn nàng thì vui thích khoe dây deo đồng hồ cho chàng. Khi hỏi ra thi đồng hồ và mái tóc đã không còn nữa

Thât là một mối tình cao đẹp! Họ đã hy sinh những gì họ quý nhất để trao tặng quà cho người mình yêu. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình vì người mình yêu. Tạ ơn Chúa!


---------------------

Ở các nước Trung Đông, mái tóc và khuôn mặt người phụ nữ đựợc che kín sau khăn quàng đội đầu. Trong nghi thức tôn giáo, tôi để ý thấy môt số phụ nữ đôi khăn trên đầu khi vào nhà thờ, nhất là khi tôi đi hành hương ở Naju, Đại Hàn. Có lúc tôi tò mò hỏi thì một phụ nữ bảo tôi:

“Cô có biết không? Lý do đầu tiên là vì mái tóc người phụ nữ rất dễ gợi cảm, làm cho đàn ông phạm tôi. Vì thế, phụ nữ khi đi vào nơi thờ phượng thì nên che tóc lại. Lý do thứ hai là khi che tóc lại là ta tỏ lòng tôn kính Thượng Đế.”

Đó là điều mới lạ cho tôi học hỏi, bất chợt, tôi nhớ trong Kinh Thánh cũng có một đoạn nói về mái tóc người phụ nữ, trong Tin Mừng Thánh Gioan 12: 3:

“Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.”

Quả thật, đây là một hành động thật đặc biệt, mà nếu không khéo thì cả Chúa Giêsu và cô đều có thể bị dân chúng hiểu lầm. Cô Maria xứ Betania thật là môt phụ nữ biết quý trọng bậc Thầy của mình, và hành động thống hối và yêu mến của cô đã được nhắc nhớ cho đến muôn đời.

(còn tiếp) Bài 16: Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Dây Oan. (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?p=207402#post207402)

Kim Hà