PDA

View Full Version : T - Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi



Dan Lee
06-07-2008, 06:51 PM
CHÚA NHẬT X QUANH NĂM

Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

“Tại sao thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”? Phải chăng đây chỉ là một câu hỏi đơn thuần hay là một lời buộc tội “hoa mỹ” mà những người Pharisiêu muốn gán cho Chúa Giêsu, Người mà mọi người đương thời cho rằng là một đại tiên tri, là người thánh thiện? Cho dù với ý gì đi chăng nữa thì chính vấn đề mà những người thuộc nhóm “biệt phái” đặt ra cho các môn đệ Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy óc hẹp hòi và cái nhìn thiển cận về Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người nơi những người tự cho mình là “đạo đức, thánh thiện”. Đối với họ thánh thiện là sống tách biệt với những gì là không tốt, là phàm tục, đặc biệt là những người không tốt, đại loại như: quân thu thuế, hạng gái điếm. Bởi vì chính cái tên gọi nhóm “biệt phái” cũng đã nói lên điều này. Biệt phái là gì nếu không phải là một nhóm người, một tông phái sống tách biệt với những người mà họ cho là phường tội lỗi, và như vậy đối với họ là thánh thiện. Xét cho cùng thì những người thuộc nhóm “biệt phái” cũng có ý ngay lành, là họ muốn sống một cuộc sống thánh thiện, nhưng cách sống của họ thì lại không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa mà vì thế đời sống của họ không mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người khác và đôi khi ngay cả cho chính bản thân họ, bởi vì họ quá bận rộn để phân biệt người lành kẻ dữ, người tốt kẻ xấu mà quên mất chính họ đôi khi cũng là những tội nhân.

Nhìn thấy cảnh lầm đường lạc lối trong cung cách “sống đạo” này, Chúa Giêsu đã cho nhóm người biệt phái và cả chúng ta nữa một nhãn quan mới về Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài. Người không những chỉ là một Đấng Thánh tách biệt khỏi những gì là phàm tục, là tội lỗi, nhưng sự thánh thiện của Người cũng được liên kết mật thiết với con người là thụ tạo mang hình ảnh Người để yêu thương và biến đổi chúng ta trở nên thánh thiện như Người là Đấng Thánh. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Lời ngôn sứ của tiên tri Hôsê đã được Chúa Giêsu nhắc lại như muốn nhắc nhở cho những người trong nhóm biệt phái và cho những ai tin tưởng vào Ngài rằng Ngài đến trong thế gian để làm tỏ hiện một cách lạ lùng tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Sự thánh thiện đó là chính Người đã yêu thương hết mọi người, kể cả người lành và kẻ dữ, và Người đã yêu họ cho đến Chết.

Chúng ta đang ở trong tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy siêng năng đến tôn thờ và chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu để khám phá lại dung nhan của Thiên Chúa là tình yêu, như Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định với chúng ta một chân lý rằng: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta, và đã cứu độ chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Quả thật Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành, cũng không phải vì chúng ta tài giỏi hơn những người khác, hay vì một công trạng nào. Ngài không đòi hỏi chúng ta tốt rồi Ngài mới yêu thương, mà ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Ngài yêu thương chúng ta chỉ vì Ngài là tình yêu, là Đấng Thánh. Chính cách tỏ hiện tình yêu tuyệt vời này của Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người khó chấp nhận, cũng như những người thuộc nhóm “biệt phái” xưa. Bởi vì Thiên Chúa thì rộng lượng vô biên còn chúng ta thì ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn...chính những người “biệt phái” xưa cũng đã từng phiền trách Chúa Giêsu khi thấy Người đón tiếp và ngồi đồng bàn với những nguời tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa làm người để làm gì, nếu không phải là để cứu chuộc những người tội lỗi vì yêu thương họ? Quả thật Người đã gần gũi, đã bè bạn, đã yêu thương và cứu vớt những người tật nguyền, bệnh hoạn, những tội nhân. Và Ngài đã khẳng định một cách rõ ràng rằng: “Chỉ có bệnh nhân mới cần thầy thuốc.” Và chính Chúa là Thầy thuốc, là Lương y mà các bệnh nhân đang mong đợi. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã xác định mục tiêu Ngài theo đuổi trong cuộc sống: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.” Ngài không đến để xét xử và luận phạt, nhưng là để cứu độ, để cho ta được sống và sống dồi dào xung mãn.

LM Antôn Nguyễn Tin, SDD