PDA

View Full Version : M - Một Lần Yêu Thương, Một Đời Bão Nổi ( Bài 13 )



Dan Lee
06-07-2008, 03:57 PM
Bài 13: Một Lần Yêu Thương, Một Đời Bão Nổi

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Ở vùng An Cựu, Huế có các nhà ở ngay gần chợ An Cựu là nơi gội đầu chùm kết hay bồ kết cho khách hàng. Họ còn làm móng tay, chân và se lông mặt nữa. Khách cứ việc nằm trên ván ngựa để người ta múc mước chùm kết đã được đun sôi dội vào đầu, xong người ta gãi đầu và kỳ cọ rất kỹ lưỡng, rồi người ta xả nước cho sạch và vắt chanh lên đầu. Gội xong, mái tóc khách trở nên thơm tho và mượt mà. Nội cái cảm giác được người khác săn sóc và o bế mái tóc mình là đã thấy thú vị rồi.

Và ngày rằm hay mùng một, ngoài chợ An Cựu thường bày bán đồ ăn chay nấu sẵn. Chỉ với năm đồng bạc là ta có thể mua một tô đồ ăn chay lớn có bí ngô đỏ, mướp, cà rốt, khoai lang, nước cốt dừa và đậu phụng. Chao chay ăn rất béo ngậy nhưng mùi vị năng hơn chao của người Tàu.

Ngày ấy, ở bên cạnh chợ An cựu, trên đường vào Phát lát, có một bà tên là Bà Méo bán bánh nậm nhân tôm thịt thật đậm đà và ngon ngọt. Khách tới mua phải chờ đợi, chầu chực nhưng khi ăn thử rồi thì phải trở lại và đợi mãi cũng được.

Muà hè êm ả trôi. An hay tới nhà cô bạn Mỹ Dung chơi vì nhà bạn này ít người và lại có vườn rộng. Khi đọc sách hay học bài thì hai đứa trèo lên hai cái võng giữa vườn, nằm đong đưa rồi ngủ gà ngủ gật, ngủ rồi thì ăn cây trái ở trong vườn, ăn rồi lại tán dóc. Vậy mà ba mẹ của nó rất thích An tới nhà vì nghĩ rằng hai đứa trẻ này tâm đầu ý hiệp, lại còn chăm chỉ học nữa. Ai có ngờ hai đứa chỉ ăn và ngủ thôi...

Cũng trong mùa hè ấy, năm đứa con gái: An, Mỹ Dung, Thanh Tịnh, Mỹ và Đào tìm được thầy giáo dạy kèm môn toán để chuẩn bị thi bằng trung học phổ thông, mà người ta thường gọi là ”diplome”. Người thầy dạy là anh Bửu Phi, dòng dõi hoàng tộc. Thấy An hay hỏi về chuyện sử và lai lịch của dòng Nguyễn Phước Tộc, anh rất hãnh diện và cho nàng xem gia phả của tộc họ mình. Anh còn khoe nàng những bài thơ đặt tên cho con cháu của vua Gia Long viết tặng cho các hoàng tử, con trai của ngài để các ngài đặt tên tự cho các con cháu và chắt.

-Bài thơ của vua Minh Mạng như sau:

“Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh,
Bảo Qúy Định Long Trường.
Hiền Năng Kham Kế Thuật,
Thế Thoại Quốc Gia Xương.”

Anh Phi rất mến An vì nàng thích tìm tòi về Sử học. Anh bảo rằng:

“Nếu người trẻ nào cũng yêu mến Quốc sử như em thì đất nước mình sẽ giàu mạnh và thăng tiến mãi. Ngoại bang sẽ chẳng thể nào xâm chiếm nước ta.”

“Vâng thưa anh Bửu Phi, em yêu đất nước của dân tộc mình, vì mỗi tấc đất là cái gía rất đắt mà tổ tiên ta phải trả, có khi bằng chính mạng sống của họ. Em thích Quốc sử vì sử được ghi lại bằng giá máu của các anh hùng liệt nữ. Mong sao cho đất nước hòa bình, cho dân tộc sống yên vui tự do.”

Thế rồi anh Phi còn ngồi chép tay để tặng An hơn mười bài thơ của các hoàng tử con trai của vua Gia long. Nàng đã trân trọng giữ gìn chúng cho đến ngày nhà nàng bị cháy năm Mậu Thân 1968. Những kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp ấy An vẫn còn giữ mãi trong tâm tư.

An rất thích đọc sử của Việt nam vì ngoài việc đọc sách, nàng chẳng biết làm gì cho hết ngày. Một hôm. bà Tâm mua được một chiếc radio cũ kỹ và to hiệu Philips. Từ ngày có nó, An thấy yêu đời hơn. Có nhạc du dương mỗi ngày, An cảm thấy tâm hồn phấn khởi hơn nhiều. Từ đấy, nàng ít đi chơi mà nằm dài trên giường để nghe nhạc yêu cầu và hát theo các ca sĩ.

Đến khi nhập học lại, vì An phải đi học cả ngày nên việc chợ búa phải giao cho bé Lệ Châu, con bé mới vừa hơn năm tuổi. Vào ngày nghỉ, bà Tâm dắt bé Châu ra chợ và giới thiệu con bé với bà bán thịt, bà bán tôm, cá , rau và tạp hóa để họ nhớ mặt mà bán rẻ cho nó khi nó đi chợ một mình. Con bé vừa khôn vừa lễ phép và biết chiều theo ý người nên ai ở ngoài chợ cũng thương mà bán hàng rẻ cho nó cả.

Mỗi trưa, sau khi đi học về, Châu liền cầm tiền đi chợ. Mua được một miếng thịt heo và một mớ tôm tươi, nó liền bỏ vào hai cái tô rồi đặt hai tô trong mâm nước để cách thủy cho kiến khỏi bu. Con bé quên đậy lồng bàn nên mèo của hàng xóm vào tha luôn miếng thịt heo đi. Khi mẹ và chị về nhà, con bé khóc lóc vì tức con mèo ăn vụng, làm hỏng công trình của nó.

Từ ngày chị Hồng nghỉ việc, bà Tâm không còn mượn người làm nữa nên bé Châu tha thẩn chơi một mình sau giờ học. Có một lần, bà Tâm đi làm về thì thấy con gái nhỏ của bà nằm lả dưới nền đất, mê man không còn biết gì vì nó lên cơn sốt qúa độ. Không người coi sóc thì có thể làm kinh phong mà chết luôn. Mẹ con bà khóc rối rít và đưa Châu đi nhà thương ngay. Tội nghiệp đưá bé thiếu sự săn sóc và tình thương từ nhỏ. Sau lần đó, bà Tâm dặn con là hễ có bịnh thì chạy qua hàng xóm kêu cứu chứ đừng giữ im lặng mà chịu trận như lần ấy nữa.

Mùa đông năm 1964, một cơn bão lớn khủng khiếp đã hoành hành miền Trung nghèo đói. Đó là mùa bão năm Giáp Thìn, năm con rồng. Mưa to, gío giật. Nhà cửa sập, nóc tôn bay khắp nơi. Cây cối gãy đổ, dây điện đứt tứ tung. Nước sông Hương dâng lên cuồn cuộn và đục ngàu màu của bùn. Trong cơn giông bão, sông Hương trở thành bà phù thủy với cơn giận nghiệt ngã, khác hẳn khuôn mặt ngoan hiền của cô gái Hương giang dịu dàng vào mùa hè.

Các trường cho học sinh nghỉ học đến khi hết bão lụt. Được tin về, cả đám học sinh mừng rỡ, chúng xắn quần lên để rủ nhau đi lội nước lụt. Ai cũng cười ngặt nghẽo mà quên đi rằng có bao gia đình chịu cảnh màn trời chiếu đất, mất tài sản, tiền bạc và thân nhân vì cơn bão năm Thìn ấy. Các chợ búa cũng đóng cửa sớm nên gia đình An phải ăn cơm với muối mè trong các ngày lụt ấy.

Loay hoay rồi lại đến kỳ thi trung học đệ nhất cấp. An phải chong đèn học cả đêm. Kết quả năm ấy nàng lại thi đậu cao nên bà Tâm rất hãnh diện về con gái. Bà tuyên bố:

“Gia đình về Sàigòn thăm gia đình chuyến này như để mừng con thi đậu! ”

Bà Tâm rất mừng khi nghe tin con gái thi đậu ”diplome”. Ngày ấy, sau mỗi kỳ thi là bạn bè phân tán. người lên học tiếp, kẻ bỏ học. Các cô gái nhà nghèo thì phải ở nhà lo làm ăn phụ giúp cha mẹ để nuôi đàn em. Có cô thì chuẩn bị lấy chồng. Cha mẹ thường có quan niệm con gái không cần học nhiều, học giỏi qúa thì lại hay cãi cha mẹ và chửi lại chồng mà thôi.

Lúc chưa đi thì háo hức nhưng lúc đi rồi lại muốn về Huế.

Lần hội ngộ với các em, An rất buồn khi nghe các em kể lể về sự tàn nhẫn của người cha: Ông Bình hay đánh Tịnh và làm nhục nó trước mặt hàng xóm. Khi ấy, Tịnh cũng đã lớn, đã mười ba mười bốn mà vẫn bị ba nó cởi lột hết quần áo, rồi dùng dây xích sắt đánh đập tàn nhẫn. Đánh xong, ông dùng xích buộc cổ nó lại gần cái cột để nó khỏi chạy trốn.

Ông Bình đã tàn nhẫn với vợ, làm cả gia đình tan nát, nay ông lại tàn ác với con ruột của mình. Nghe kể lại thì ông cũng đánh đập Phu rất tàn tệ. Vì thế, thằng bé có vẻ khờ khạo, mệt mỏi và lờ đờ. Gặp lại hai em và chứng kiến chuyện thương tâm của hai em càng làm cho An và mẹ nàng đau khổ hơn.

Lần ấy, bà Tâm rất ít nói, hình như bà muốn về lại Sàigòn để đem hai đứa con trai về nuôi cho thoát bàn tay dã man của người cha độc ác và thiếu tình người ấy. Năm mẹ con ríu rít ôm lấy nhau và trò chuyện tâm sự.

Mỗi lần về đến Sàigòn là An lại thấy buồn vì vết thương tình cảm tưởng lành nay lại có dịp hành hạ nàng. Nàng cảm thấy lạc lõng vô cùng. Họ hàng thì lạt lẽo, tình gia đình lạnh nhạt. Lần ấy, nàng không gặp gia đình dì Xuân vì họ đã ra Cam Ranh để làm ăn với các cơ quan Mỹ ở đó. Còn bà ngoại nàng thì dọn nhà về vùng Ngã Năm Bình Hoà.

Khi gia đình An trở về Huế thì còn là mùa hè năm 1965. Các bạn rủ An đi xem người ta đi biểu tình. Thấy vui vui, An cũng đi theo bạn xem đoàn biểu tình. Nể bạn, An nhập cuộc. Cũng trong lúc quan sát đàn biểu tình mà Đào, bạn An quen với Trạch, một học sinh lớp dệ nhị ở trường Hàm Nghi để rồi sau đó cả hai thành vợ chồng. Vì thế, ai cũng nói việc biểu tình là việc mai mối của đôi trẻ.

Cũng trong mùa hè này, gia đình An lại phải dọn nhà lần nữa vì chủ nhà cần lấy lại căn nhà để ở. Tội nghiệp bà Tâm phải bôn ba đi tìm nhà. Cuối cùng, bà đành thuê lại một phần của căn nhà rộng. Căn nhà này do hai mẹ con của một bà cụ gìa thuê, nhưng nhà rộng qúa nên bà ta cho bà Tâm thuê để bớt tiền chi phí. Khi biết mẹ con của An không có đàn ông, bà cụ rất mừng.

Căn nhà mới dọn ở gần Miễu Đại Càng, gần Cung An Định. Gia đình bà cụ ở một căn, còn gia đình An ở hai căn nên trả gía cao hơn. Hai gia đình cách nhau bởi một bức màn bằng vải mỏng. Mỗi lần gia đình An xuống bếp thì phải đi qua chỗ ở của bà cụ. Bà cụ rất tỷ mỷ và kỹ lưỡng. Bà làm mọi cách để thử sự thật thà của gia đình An, chẳng hạn bà cố ý để tiền bừa bãi một cách cố ý, để đồ ăn nấu sẵn ở chỗ dễ với đến. Sau một thời gian chung sống trong một mái nhà, bà cụ biết rằng mẹ con An không tham lam nên bà mới kể cho biết việc thử người của bà.

Vì bà cụ là người Hoàng tộc nên An gọi bà là mệ. Con gái mệ là chị Thu Trân, lớn hơn An bảy tuổi và đã là cô giáo dạy môn Việt văn ở làng Truồi. Trong khi chị Trân rất hồn nhiên cởi mở thì mệ lại kín đáo và lặng lẽ. Hai mẹ con sống đơn sơ như nhà tu. Vì thế mẹ con An cũng phải rón rén đi đứng và nói năng nhỏ nhẹ để khỏi làm phiền họ.

Mệ rất ít khi cười thỏai mái. Mệ nói năng rất nhỏ và chậm. Khi mệ giận ai, mệ không bao giờ hét lớn mà chỉ nghiến chặt hai hàm răng và rít lên trong kẽ răng. Chị Trân là nạn nhân của sự đay nghiến ghê gớm ấy. Mệ không bao giờ hài lòng bất cứ việc gì chị Trân làm cả. Tuy vậy vì đã quen nên chị Trân cứ tỉnh bơ và cười nói đùa giỡn như không có sự gì xảy ra.

An rất mến chị Trân vì những đức tính của chị: hiền lành, dễ tính, vui vẻ, lãng mạn, sâu sắc, nhận xét mọi việc một cách tinh tế, rất nhạy cảm và thân thiện với mọi người. Chị cũng thương An như em gái nhỏ. Hai chị em hay nói chuyện và đi rảo bộ ngoài sân, có lúc nằm chung giường để tán gẫu, rồi có khi đạp xe đi chơi chung để nhìn chiều rơi và mặt trời lặn trên dòng sông Hương.

Tuy tuổi tác cách nhau nhưng hai tâm hồn rất hợp nhau. Cũng giống An, chị Trân thích nghe nhạc và đọc sách. Nhưng sách chị thích là loại dạy làm người: khô khan và đạo đức. Chị còn thích đọc sách của nhà xuất bản Lá Bối, đặc biệt là sách của thầy Nhất Hạnh. Dạo ấy, cuốn sách ”Bông Hồng Cài Áo” là sách gối đầu của giới trẻ mới lớn vì giọng văn của thầy Nhất Hạnh giản dị và chân thành nhưng lại đánh động tâm linh mọi người.

Chị Trân hay khuyến khích An đọc sách, chị ân cần nói:

-Nếu em chịu khó đọc sách thì như vậy em sẽ tiến rất xa! Chị hình dung ra em sau này phải là một giáo sư dạy môn Văn hay một luật sư giỏi lý luận đó.

Nghe chị Trân khuyến khích, An nể chị mà đi chơi chung. Chơi với chị, An học hỏi được rất nhiều. Cho dù tuổi tác khá cách biệt nhưng họ vẫn thân với nhau. Sau này, có những buổi thuyết trình của các đại học, Chị Trân cũng dắt An đi nghe. Dần dần, An xa dần đám bạn cùng tuổi để chỉ chơi với chị Trân và du nhập vào cái thế giới trí thức và trưởng thành của chị.

Dạo ấy, chị Trân có một người yêu là anh Minh. Anh Minh đẹp trai, cao lớn và rất trí thức, còn chị Trân thì thấp nhỏ, dễ thương và hồn nhiên như chim sáo sậu. Cho dù họ thương yêu nhau nhưng lại không được sự ưng thuận và tán thành của bà mệ, mẹ chị Trân. Có thể đó là tâm lý của người mẹ gìa có con độc nhất và không muốn con bỏ mình đi lấy chồng. Chính vì thế mà mỗi lần anh Minh đến nhà thăm chị Trân là tối hôm ấy, mệ kiếm chuyện để gây sự với con gái.

Một ngày cận tết Bính Tị (1965), anh Minh đem mứt cam quật và bánh trái đến biếu mệ và chị Trân. Đêm hôm ấy, mệ vật vã lăn lộn từng hồi trên giường, rồi mệ rít róng cả đêm. Vừa nghiến răng mệ vừa khóc vừa chửi nho nhỏ trong miệng. Bà Tâm ở bên cạnh, nghe tiếng lại tưởng mệ bị bịnh mà rên la nên bà vội vàng chạy qua cạo gió cho mệ. Lỡ bộ, mệ tỉnh queo nằm yên cho bà Tâm cạo gió.

Trong lúc ấy, chị Trân lại lục đục đi gội đầu trong đêm giá lạnh cận tết. Tưởng là xong, ai ngờ mệ lại gầm thét qua hai hàm răng còn chị Trân thì khóc thút thít và không hề cãi lại. Mẹ con An ở bên này bức màn nằm nín thinh để theo dõi cuộc chiến tranh thầm lặng của mẹ con chị Trân. An đâm ra sợ sự thâm trầm của mệ.

Hôm sau, nhân lúc mệ đi chợ vắng, An bèn hỏi dò chị Trân thì chị kể rằng mệ ghét anh Minh, ghét luôn cả qùa tết của anh cho nên mệ đổ nguyên một hũ mứt cam quật lên đầu chị cho đã tức. Dù chị đã yên lặng không cãi lại và cố gắng ngủ nhưng mệ lại dựng đầu chị dậy để mà nguyền rủa và đay nghiến. Một cuộc xung đột dữ dội nhưng mệ đã giữ kín nên gia đình An chỉ biết sơ sơ mà thôi.

Sau vụ ấy, Anh Minh không còn dám đến nhà mệ nữa nên anh sai người em trai là Hoà đến đưa tin và thư cho chị Trân. Hoà cũng đẹp trai và cao ráo như anh Minh. Chị Trân muốn cho Hòa va An làm quen với nhau để thỉnh thoảng hai chị em tới nhà anh Minh chơi cho tiện và cho chị đỡ cảm thấy ”dị” vì con gái mà tìm đến nhà con trai một mình.

Cũng nhờ chị Trân gán ghép nên An và Hoà thường nói chuyện mỗi khi Hoà có dịp đến nhà chị Trân đưa thư. Tình cảm của hai người trẻ cứ lớn dần theo năm tháng. Từ đấy, chị Trân luôn nói về gia đình của Minh và Hòa. Một buổi chiều nắng đẹp, chị Trân rủ An đạp xe đạp đi đến nhà anh Minh chơi. Ngôi nhà của họ ở trong vùng Vỹ Dạ, đầy hoa lá và cây xanh. Gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc.

“Tại sao mệ lại chê anh Minh?”

Câu hỏi ấy cứ ám ảnh An mãi không thôi. Nàng đoán có lẽ mệ không muốn con gái duy nhất đi lấy chồng. Có lẽ chị Trân là con nuôi của mệ vì theo lời mệ kể thì mệ làm việc trong các lăng tẩm của các vị quân vương triều Nguyễn, ở các nơi hẻo lánh thì làm gì có cơ hội gặp gỡ đàn ông?

Cuộc sống của An trở nên có ý nghĩa và đẹp đẽ hơn. Nàng đem mộng vào thực. Nơi nào nàng cũng thấy đầy hình ảnh của Hòa. Từ đấy, nàng thẫn thờ, ngơ ngẩn, mơ mộng và đợi chờ:

“Biết làm sao định nghĩa được tình yêu?
Lòng yêu thì cho mà đâu biết nhiều.

Yêu như khung trời bãng lãng,
Yêu trong như giòng suối vắng.
Hay yêu là nghe cay đắng?”

Nhưng An cũng biết trở lại với thực tế ngay. Mình còn nhỏ, con nhà nghèo thì lo học hành cho có nghề nghiệp vững chắc chứ mơ mộng chỉ làm cho việc học sa sút, rồi làm sao mà giúp mẹ và giúp các em? Vì thế, sau một thời gian ngắn, An tìm cách tránh né để khỏi đi với chị Trân đến nhà anh em của anh Minh và Hòa. Trong lúc ấy, Hoà vẫn tìm cách đến nhà chị Trân để gặp An. Có lần chàng mượn cây đàn Mandolin của chị Trân để hát cho An nghe các bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn. Dạo ấy, giới trẻ mê say nhạc của người nhạc sĩ trẻ tài ba này. Lúc ấy, Hòa thường đàn và hát bài ”Cuối cùng cho một tình yêu”:

“Một lần yêu thương, một đời bão nổi,
Gĩa từ, giã từ. Chiều mưa giông tới.
Em ơi, em ơi. Sầu thôi xuống đầy,
Làm sao em nhớ mưa ngoài sông bay.
Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh say.”

Phải, yêu thương là đối đầu với giông bão, nhất là cơn bão trong gia đình. Vì thế, mỗi lần thấy bóng dáng Hòa là An chạy trốn. Khi chàng qua chào chị Trân thì An lặng lẽ trốn ra ngã sau để đi qua nhà hàng xóm. Yêu đương sớm chỉ làm cho mẹ đau buồn và thất vọng mà thôi. Về sau, hình như Hòa hiểu được tín hiệu ấy nên chàng không còn đến thăm chị Trân để gặp An nữa. “Giã từ, giã từ, chiều mưa giông đến.”

Mỗi buổi tối, sau khi làm xong bài vở ở trường, An có thói quen ngồi trên cửa sổ. Chiếc cửa sổ rất lớn lại không có lưới sắt hay các thanh gỗ đan nhau nên nàng ngồi gọn lỏn trên thành của cửa sổ để mơ mộng và ngắm nhìn ánh hỏa châu. Nàng cảm thấy mình cô đơn và buồn bã. Lòng trống vắng và thiếu một sự gì không tên. Yêu hay không nên yêu?

Ngày ấy, cuộc chiến giữa Việt Nam Cộng Hoà và Cộng Sản đã leo thang nên ánh hoả châu rọi sáng cả vùng trời. Ánh sáng bùng lên như pháo bông, rồi máy bay quần thảo trên vùng trời. Đèn đỏ ở các đài kiểm soát nhấp nháy. Rồi thì tiếng nổ đì đùng của bom đạn và pháo kích. Huế đã thực sự thấy nét chiến tranh hiện rõ.

Ngày nào An cũng mục kích từng đoàn xe cam nhông chở đầy binh lính Việt Nam đi qua lại trên Quốc lộ một, trước nhà nàng. Nhìn thấy họ, An cảm thương và kính phục họ. Họ đã hy sinh cho dất nước. Làm sao nói cho hết những sự hào hùng của họ? Thân phận người trai trẻ trước cảnh tang biến của quê hương là thế đó. Lẽ ra họ phải được học ở các đại học nhưng họ lại phải nằm gai nếm mật vì sự an ninh của tổ quốc.

Thỉnh thoảng, xe lại chở đầy binh lính Mỹ đi qua. Họ huýt gió và la hét ồn ào khi gặp các cô gái Việt Nam. Trong khi các chàng vẫy tay chào thì các nàng cuống quít đạp xe và cắm gầm đầu xuống vì mắc cở. Nhìn những chàng lính Mỹ trẻ măng, có nụ cười đôn hậu, có dáng vẻ ngơ ngác của trẻ thơ, có nét lạc loài của những con nai xa bầy, An đâm ra ái ngại cho họ. Họ còn quá trẻ mà đã phải xa gia đình, quê hương và người yêu để đi chiến đấu ở một vùng đất xa quê hương cả nửa vòng địa cầu.

Trong khi đó, nơi quê hương họ ở Mỹ quốc đã có những sinh viên phản chiến, biểu tình và phản đối chiến tranh. Ở một nơi an lành không phải đối diện với cái chết và nỗi nguy hiểm hàng ngày, những kẻ phản chiến đã thực sự phản bội những chiến sĩ đã ra đi và hy sinh tánh mạng vì lý tưởng tự do.

Dù còn trẻ, còn mộng mơ, lãng mạn nhưng An vẫn bùi ngùi và xốn xang khi nhìn thấy sự chết chóc, mất mát và đau khổ của người dân Việt Nam khi cuộc chiến ngày một khốc liệt hơn.

Dạo ấy, bài nhạc ”Diễm Xưa” cũng rất nổi tiếng vì đó là một bản nhạc mà Trịnh Công Sơn viết tặng một nàng nữ sinh Đồng Khánh tên Bích Diễm. Theo lời kể lại của Bích Diễm sau này thì nàng không hề quen biết chàng. Định mệnh đã sắp đặt nên họ tình cờ gặp nhau tại nhà người bạn gái của Bích Diễm.

Một buổi trưa hè lặng gió và oi bức,Trịnh công Sơn cùng người bạn trai đến thăm cô bạn gái thì gặp Bích Diễm đang loay hoay leo cây hái trái đào ( trái roi). Nắng hè rực rỡ làm đôi má nàng đỏ au. Quần áo nàng xốc xếch và nhàu nát. Miệng nàng còn đang ngậm một trái đào đỏ chín, còn hai tay nàng đang ôm một lô trái đào. Mái tóc dài của Diễm thì dính đầy nụ hoa và lá khô. Bất ngờ bị bắt gặp Diễm lúng túng nhảy xuống cây, cúi chào trong vẻ bối rối và ngượng ngập. Còn người nhạc sĩ đa tình thì như bị thu hút bởi dáng ngây thơ, qúy phái và hồn nhiên của nàng nên chàng cứ ngẩn ngơ như người mất hồn. Cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa chàng và nàng đã làm cho chàng ngất ngây và say đắm.

Từ đấy, chàng thường tìm hiểu về nàng qua tin tức người bạn trai của anh, và qua cô bạn gái của anh ta, cũng là bạn gái của Bích Diễm. Chàng bắt đầu tương tư và đạp xe đi sau nàng khi nàng tan trường về. Có nhiều hôm, khi nàng đạp xe bên này dòng sông An Cựu thì chàng đạp xe bên kia sông và gọi tên nàng suốt buổi.

Vào những ngày mùa hè, khi nàng và các bạn thuê thuyền đi thưởng ngoạn trên sông Hương thì chàng lại đạp xe đi dọc bờ sông và không ngớt kêu tên nàng. Bích Diễm đã xao xuyến và bâng khuâng. Những đêm dài mất ngủ, những ngày dệt đầy mộng với thơ. Nàng thực sự đã trở thành nàng thơ và nguồn cảm hứng cho chàng sáng tác nhạc tình từ đấy.

Sự tỏ tình đầy thi vị và đáng yêu đã làm tim nàng rung động và bồi hồi. Mối tình thoảng nhẹ như mây ngàn gío núi, êm đềm và thanh thoát như hương trời đã tạo thêm hương vị cho cuộc đời. Bàng bạc trong nhạc tình Trịnh Công Sơn, ta thấy hình ảnh một người con gái mảnh mai và qúy phái, một mối tình không trọn, một sự đau đớn rã rời.

Sau đó, Bích Diễm vào Sàigòn học trường Quốc Gia Hành Chánh còn Trịnh Công Sơn thì ở lại Huế và tiếp tục cống hiến cho đời những bản tình ca bất hủ. Những bài nhạc đã làm bao trái tim nức nở và thổn thức:

“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.” (Trịnh Công Sơn)

Bẵng đi một thời gian, ông Thư đem con trai là anh Khánh đến thăm An. Từ từ, anh Khánh vẫn tìm đến nhà thăm An vào những buổi chiều khi chỉ có hai người ở trong nhà một mình. Dạo ấy, anh Khánh học năm thứ hai trường Y khoa. Chàng rất hiền, thông minh và lịch sự. Mặc dù chàng có nhiều ưu điểm nhưng An chỉ xem chàng như một người anh cả, nàng cũng lễ phép tiếp anh nhưng tim nàng không hề rung động trước những cử chỉ và lời nói dịu dàng của chàng.

Có những buổi chiều, chàng đến nhà ngồi và chăm chú ngắm nhìn An say đắm mà không nói một câu. Cái nhìn”hỗn” và”bạo” của anh làm nàng nhột nhạt và cảm thấy bất an. Nàng có cảm tưởng là chàng đã nhìn rõ hết tâm tư sâu kín của nàng. Ít ra, chàng cũng nên gợi chuyện chứ, nhưng không, chàng chọn sự im lặng là cách tỏ tình.

Sau đó, chàng đem sách báo và tạp chí ”Văn” đến cho An mượn đọc. Phải gọi Khánh là con mọt sách vì chàng đọc rất nhiều và hiểu rộng. Chàng có thể giảng giải cho nàng mọi vấn đề. Nàng không thích Khánh đến thăm nhiều nhưng vẫn không đủ can đảm để nói thẳng cho chàng biết. Khánh thì chưa hề ngỏ một lời thương yêu hay bầy tỏ bằng hành động. Vì thế, mỗi lần Khánh đến thăm là nàng thấy lúng túng và khó chịu.

Mùa thu năm 1965, An thình lình bị bịnh thương hàn. Bà Tâm phải vội vàng đưa nàng vào bịnh viện Huế. Trong lúc An mê man vì bịnh hành thì Khánh vẫn hàng ngày đến thăm nàng. Bà Tâm kể lại với giọng xúc động rằng Khánh chỉ lặng lẽ khóc bên giường nàng mà không hề đến gần vỗ về. Sau đó, bà Tâm tỏ ý muốn cho con gái tìm hiểu thêm về Khánh vì theo bà, chàng là người chung tình và yêu thương nàng. An cảm động muốn khóc nhưng vẫn chỉ coi chàng như anh.

Khi An nằm dưỡng bịnh ở nhà thì Khánh vẫn hàng ngày đến nhà thăm nàng và đòi đút cháo cho nàng. Khánh, người con trai kín đáo và chung tình. Vừa thấy Khánh, nàng lấy cớ mệt nên nhắm mắt ngủ, mặc cho chàng lặng lẽ ngồi bên.

“Anh Khánh, anh có biết em sợ cái sự lặng lẽ của anh qúa không? Anh hãy nói vài lời để đánh tan bầu không khí nặng nề này. Nếu yêu thương em, hãy nói đi, hãy hét lên, hãy điên cuồng và sôi nổi một chút cho em còn thấy anh là con người của thế kỷ này. Đừng đối xử với em như người thời lãng mạn Trung cổ, em ngột ngạt lắm. Còn nếu không yêu em thì đừng tới, đừng nhìn em cái kiểu si tình ấy. Em chịu không nổi cái vẻ trí thức xa vắng của anh nữa rồi. “

Cho đến một buổi chiều khi trời mưa như trút nước, Khánh lại đến thăm An, quần áo chàng ướt hết. Nàng lúng túng đưa cho chàng mượn cái khăn lông để lau người. Trong lúc, chàng xin phép cởi áo để vắt bớt nước mưa ra thì nàng bối rối đề nghị dùng lò than và cái lồng úp gà để hong cho áo chàng chóng khô. An xuống bếp nhen lửa lò than thì Khánh lần xuống theo. Chàng bảo nàng:

-Nì, em có nhớ bài: “Em đến thăm anh một chiều mưa” không? Bài nớ hay ghê đi:

“Ta ước mơ một chiều thêu nắng,
Em đến thăm quên niềm cay đắng, và quên đường về.”

-Dạ nhớ chứ, em rất thích bài nhạc ấy.

Kể từ sau hôm ấy, Khánh nói nhiều hơn, chàng đến nhà chơi hàng ngày. Khánh cứ từng bước một tiến tới. Ngày sinh nhật mười sáu tuổi của An, Khánh đem tặng cho nàng một quyển thơ bằng tiếp Pháp với tựa đề: ”Toi et Moi” và một nụ hoa hồng đỏ thắm. Đọc xong tập sách, An mới rõ cái dụng ý của Khánh, chàng đã mượn thơ người khác để tỏ tình, mối tình say đắm của chàng dành cho mình.

Đọc xong sách, An lặng lẽ khóc, tại sao mình lại không thể đáp lại tình yêu của anh ấy? Hay cứ để thời gian là phương thuốc kỳ diệu nhất để làm cho mình chín chắn và trưởng thành?

Một lần khác, trời đang đổ mưa thì Khánh lại đòi về. An ái ngại, giữ Khánh lại để chờ cơn mưa tạnh. Chàng nhẹ nhàng bảo:

-Thôi, em để cho anh về. Giữ anh lại, anh ở luôn đây, rồi mẹ và em lúc ấy lại khó chịu đó. Vả lại, ngồi đây chờ thì sợ đến mai vẫn còn mưa. Cơn mưa xứ Huế thì phải biết, kéo dài cả tháng.

Thế rồi anh đọc luôn hai câu ca dao:

“Trời mưa thì mặc trời mưa,
Anh không có áo, trời chừa anh ra.”

-Hay anh ở lại đây ăn cơm với gia đình em đi. Bữa ni cho anh ăn canh mít non nấu với cá tràu, do chính tay em nấu có đủ mắm ruốc và lá lốt nữa đó nghe. Ăn một lần, nhớ một đời đó. Lại còn có muối sả ớt và muối mè nữa.

Khánh nuốt nước miếng rồi chàng bùi ngùi thở dài:

-Anh thèm những bữa cơm chung có đầy đủ người trong gia đình. Cả mấy năm ni, anh không được ăn bữa cơm mô của mạ cả. Ba cha con ăn cơm đạm bạc, nhà thiếu người đàn bà nên buồn dễ sợ. Mạ lại không hợp với ba nên không chịu vô Huế sống, cứ lấy cớ lo cho ông bà ngoại để ở ngoài quê. Anh thương xót cho ba anh và tội nghiệp cho hai anh em của anh lắm!”

Thế rồi Khánh đứng lên đi về khi trời còn mưa. An cũng đành chào từ giã. Khánh vẫn lui tới sau đó, nhung An thì vẫn hồn nhiên như cây cỏ, vẫn xem chàng như người anh mà thôi. Thật sự, nàng còn quá trẻ để dấn thân vào cuộc tình. Vì thế, mối tình của Khánh cũng chỉ là đơn phương.

Sau đó, vì lý do Huế trở nên bất an, gần nhà An có một ty cảnh sát và Việt cộng thường pháo kích vào ty cảnh sát nên bà Tâm quyết định dọn vào Sàigòn vào mùa hè năm 1967. Quyết định của bà làm bao nhiêu con tim tan nát, trong đó có cả bà Tâm, ông Thư, anh Khánh và An. An buồn vì phải xa Huế và xa bạn bè, xa những người đã cho nàng hiểu thế nào là tình yêu, tình bạn. Nàng nuối tiếc những kỷ niệm êm đềm và thơ mộng. Ngày chia ly thật buồn thảm. An khóc nức nở vì phải lìa xa Huế và những bạn bè thân thương.

Ngày chia tay, anh Khánh buồn bã đến tặng cho An tập nhạc của Trịnh Công Sơn với những lời nhạc được tô đậm và gạch dưới:

“Tình yêu như trái phá, con tim mù loà.
Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu.”

Sau khi vào Sàigòn được nửa năm thì biến cố Mậu Thân xẩy ra, An được các bạn còn ở Huế báo tin cho biết là anh Khánh vì là sinh viên Y khoa nên bị bắt lên bưng để làm việc cho Việt Cộng. Lòng An tràn ngập tình thương xót cho người anh tốt lành và tử tế. Nàng không biết anh còn sống hay thân xác chàng đã bị vùi dập ở các mộ chôn tập thể mà các nạn nhân đều là thành phần trí thức của quốc gia, trong trận tổng tấn công ở Huế, vào năm Mậu Thân 1968.

Rồi vì phải vật lộn với đời sống xô bồ của Sàigòn nên An trở nên buồn bã và ít nói. Cuộc đời nàng quay cuồng theo vận mệnh của đất nước. Vùng trời Tuổi Ngọc đã qua đi. Tuổi đời càng lớn thì cơn mưa giông bão của tình yêu và cuộc đời càng tiếp tục bủa vây nàng, như lời tiên tri của bản nhạc:

“Một lần yêu thương, một đời bão nổi.”

Qua những năm tháng chứng kiến nhiều sự thay đổi bi thương của đất nước và dân tộc. Qua những năm tháng lưu lạc quê người, An gánh chịu nhiều nỗi đau đớn và ray rứt trong cuộc đời, An đã vui lòng chấp nhận mọi sư rủi may xẩy đến trong cuộc đời mình. Nàng hiểu rằng tất cả mọi sự đau khổ xẩy ra cho đời sống của nàng không phải là sự tình cờ, mà là do Thánh Ý Chúa đã định cho đời của mình.

Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và dậy dỗ An để nàng hiểu rằng, khi Chúa chọn ai làm việc cho Ngài thì Ngài sẽ thanh tẩy kẻ ấy bằng sự đau khổ để thánh hoá và xử dụng kẻ ấy.

Từ một đứa trẻ mồ côi, bị lợi dụng thể xác, bị hành hạ tinh thần, bị người đời khinh dể và chê bai, bị cha mẹ hành hạ và đối xử bất công, bị thầy cô giáo đánh phạt nặng nề, bị thân nhân gán cho các biệt danh thô bỉ, An đã cố gắng vươn lên vì biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và an ủi mình.

Ngày nay, nhờ vào ơn Thánh Chúa nàng đã chiến thắng mọi sự dữ và trung thành tuân theo Thánh Ý Chúa.

Nhờ ơn Thánh Chúa, nàng đã trở thành một ngôn sứ của Chúa qua các phương tiện tân tiến hiện đại của truyền thông.

Nhờ ơn Thánh Chúa, nàng trở nên một nhịp cầu thương yêu giữa quê hương và đất nước thứ hai của mình để lo lắng cho các người tàn tật và đau khổ nơi quê nhà.

Nhờ ơn Thánh Chúa, nàng dấn thân để binh vực và chăm sóc cho các tù nhân, các trẻ thơ mồ côi vô tội và các người bất hạnh khác.

Nhờ ơn Thánh Chúa, nàng trở nên người biết an ủi và nâng đỡ những ai cô đơn sầu khổ và mất niểm hy vọng.

Con đường tĩnh tâm và cầu nguyện làm cho hồn nàng lắng đọng và thanh thản. Không còn nỗi đau đớn và sự xôn xao nào của cuộc đời có thể làm cho nàng mất đi sự bình an. Và con đường đến với Thiên Chúa là con đường đầy ánh sáng, sự sống và sự bình an. Tạ Ơn Thiên Chúa cao cả!

(còn tiếp) Bài 14: Tình Yêu Đẹp Như Giấc Mơ (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22845)

Kim Hà