PDA

View Full Version : L - Lề Luật, Ân Sủng, Đức Tin, Việc Làm và Ơn Công Chính Hóa (Chúa Nhật X Thường Niên)



Dan Lee
06-04-2008, 04:36 PM
Chúa Nhật X Thường Niên – Năm A

Lề Luật, Ân Sủng, Đức Tin, Việc Làm và Ơn Công Chính Hóa

Trong lịch sử Dân Thiên Chúa và Hội Thánh, năm từ ngữ Lề Luật, ân sủng, Đức Tin, việc làm và công chính đã là những đề tài gây ra nhiều tranh luận và tranh chấp sôi nổi giữa những người Biệt Phái và Chúa Giêsu, giữa những người Do Thái tòng giáo và Dân Ngoại tòng giáo thời các Thánh Tông Đồ, rồi giữa những người Tin Lành Cải và Công Giáo như trong nửa kỷ nguyên qua.

Trong Bài Phúc Âm tuần này, một số người Biệt Phái thấy Chúa Giêsu đồng bàn với những người thu thuế nên đã thắc mắc rằng tại sao Người lại ngồi ăn với những người tội lỗi. Sở dĩ họ thắc mắc như thế vì họ cho rằng chỉ có họ là những người công chính bởi họ lúc nào cũng mang theo Lề Luật trên mình như Thiên Chúa truyền cho ông Môsê trong Bài Đọc Thứ Nhất tuần trước (Đnl 11, 18. 26-28), và giữ Lề Luật ấy cách rất tỉ mỉ. Họ tin rằng nhờ làm theo Lề Luật mà họ đã được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Rồi họ dùng chính mình làm thước đo sự công chính của người khác. Họ cho rằng tất cả những ai không làm giống như họ đều là người bất chính, kể cả Chúa Giêsu.

Còn người thu thuế Matthêu chắc chắn là trước khi được Chúa gọi đã biết ít nhiều về Chúa, và được ơn Chúa cảm hóa tận đáy lòng nên đã tin vào Chúa, nhưng vì thấy mình tội lỗi nên không dám đi theo. Chỉ cần Chúa gọi một tiếng là “Hãy theo Ta” thì ông sẽ lập tức bỏ tất cả mà theo Chúa. Và hôm nay ông đã được toại nguyện, vì Chúa không những đã gọi, mà còn đến nhà ông để đồng bàn với ông cùng bạn hữu ông, và từ nay ông được đồng hành và đồng bàn với Chúa mỗi ngày trong đời ông như một trong những người bạn nghĩa thiết nhất của Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa đã giúp ông Tin, và nhờ Đức Tin mà ông đã được Chúa coi là công chính, và nhờ đồng hành cùng đồng bàn với Chúa mà ông đã thật sự trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa vì ông đã học cùng Chúa Giêsu để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn.

Trong bài Thánh Thư tuần trước, Thánh Phaolô nói rằng “con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật” (Rom 3:28). Trong bài đọc Chúa Nhật này Thánh Phaolô đưa lòng tin của ông Abraham ra làm gương mẫu cho chúng ta. Một lòng tin không nao núng… Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa, trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, ‘việc đó đã được kể cho ông là sự công chính’. Và Thánh nhân nhắn nhủ chúng ta rằng chúng ta cũng được nên công chính vì tin vào Đức Kitô, tin rằng Người đã “từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá” (x. Rom 4:18-25).

Trong thời các Thánh Tông Đồ, những người Do Thái tòng giáo đã cho rằng mình công chính hơn những Dân Ngoại tòng giáo nên đã bắt họ phải giữ Luật Môsê, đến nỗi các Thánh Tông Đồ phải triệu tập Công Đồng Giêrusalem và công bố rằng: “Quyết định của Chúa Thánh Thần và chúng tôi là không đặt trên anh em một gánh nặng nào khác hơn những điều cần thiết này; là anh em hãy kiêng ăn những gì đã cúng cho ngẫu tượng, tiết, và thịt loài vật bị chết ngạt, và tránh gian dâm. Nếu anh em tránh những điều này, là anh em làm điều tốt rồi.” (TĐCV 15:28-29). Lại có những người bóp méo các Thư Thánh Phaolô và cho rằng con người chỉ cần Đức Tin là được nên công chính, đến nỗi Thánh Giacôbê phải viết rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (x. Gc 2:14-17), và Thánh Phêrô phải nhắc nhở các tín hữu rằng: “Trước hết, anh em phải hiểu điều này, không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng” (2 Phr 1:19), và ngài nói về các Thư của Thánh Phaolô rằng: “Trong các thư đó, có vài điều khó hiểu, mà những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, cũng như với những câu Kinh Thánh khác, để đưa chúng đến chỗ diệt vong” (2 Phr 3:16).

Trong thời Cải Cách Tin Lành, Lutherô cũng cho rằng con người được công chính hóa nhờ Đức Tin mà thôi chứ không cần đến việc làm. Ông dạy rằng nhờ Đức Tin, Thiên Chúa lấy chính sự công chính của Đức Kitô mà che phủ lên con người tội lỗi, và từ đó người ấy “được kể là công chính trước mặt Thiên Chúa”, dù bên trong lòng vẫn đầy tội lỗi. Bao lâu người ấy còn Đức Tin là bấy lâu người ấy còn chắc chắn được cứu độ. Còn John Calvin thì cũng tin như Lutherô, nhưng ông còn dạy rằng, khi một người đã được công chính hóa nhờ Đức Tin thì người ấy chắc chắn được cứu độ, không thể mất linh hồn được nữa. Nhiều người Công Giáo lại cho rằng mình được nên công chính nhờ làm những việc lành, nên họ cũng như những người Biệt Phái, dựa theo việc làm bề ngoài mà phán đoán những người khác.

Theo giáo huấn của Hội Thánh từ thời các Giáo Phụ thì công chính hóa là một tiến trình. Thiên Chúa thật sự muốn chúng ta nên công chính, nên thánh, chứ không phải chỉ lấy sự công chính của Đức Kitô mà phủ lên trên chúng ta như Lutherô dạy. Hội Thánh dạy rằng không ai có thể nhờ sức riêng mình mà nên công chính trước mặt Thiên Chúa cả. Ơn công chính hóa là ơn chúng ta lãnh nhận cách nhưng không nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ nên Ngài ban ơn để những ai tin vào Lời Ngài mà chịu Phép Rửa thì được tha hết mọi tội lỗi và trở nên công chính trước mặt Ngài nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Sau khi đã trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, Ngài tiếp tục ban ơn để thánh hóa chúng ta. Nhưng vì Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta và không bắt buộc chúng ta phải nên thánh, cho nên chỉ những ai hợp tác với ơn Chúa bằng cách cố gắng sống theo gương Đức Kitô thì sau cùng sẽ được thật sự trở nên công chính.

Để giúp quý bạn hiểu thêm về ơn công chính hóa, chúng tôi xin tóm tắt Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như sau.

I. Đức Tin và Ơn Công Chính Hóa

Công chính hóa là ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho ta nên công chính nhờ tin vào Ðức Kitô qua bí tích Thánh Tẩy, và nhờ kết hợp với cuộc Vượt Qua của Người bằng cách chết cho tội lỗi. Công trình đầu tiên Chúa Thánh Thần thực hiện nơi ta là sự hoán cải. Dưới tác động của ân sủng, ta từ bỏ tội lỗi mà quay về với Thiên Chúa, nhờ đó được ơn tha thứ và sự công chính. Khi được công chính hóa, ta được hòa giải với Thiên Chúa, được giải phóng khỏi tội lỗi và được chữa lành. Sự công chính ở đây chỉ sự công minh chính trực của tình yêu Thiên Chúa. Cùng với ơn này, Ngài ban cho ta đức tin, đức cậy, đức mến, và ơn biết vâng theo thánh ý Ngài. Ta được công chính hóa nhờ cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, Ðấng đã dâng mình trên Thánh Giá làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên phương tiện đền tội cho mọi người. Ơn này giúp ta sống phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa.

Ơn công chính hóa mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người. Về phía con người, ơn này được biểu lộ qua sự bằng lòng tin theo lời Thiên Chúa mời gọi hoán cải, và cộng tác bằng đức ái với tác động của Chúa Thánh Thần. Con người phải hợp tác với Chúa Thánh Thần khi đón nhận tác động này mà họ có thể từ chối. Tuy nhiên, không có ân sủng Chúa, họ không thể nhờ ý chí tự do của mình đạt tới sự công chính trước mặt Ngài. Chúa Thánh Thần là vị thầy nội tâm. Ơn công chính hóa khai sinh "con người nội tâm" và đem lại ơn thánh hóa toàn thể con người. (x. GLCG 1987-1995)

II. Ân Sủng

Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Chúa ban để ta trở thành con cái Ngài. Ân sủng cho ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử Thiên Chúa, được gọi Ngài là "Cha". Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa ta nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Ơn này là một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa (x. GLCG 1996-2000).

Chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức ái. Thiên Chúa tự do đi bước trước, và Ngài muốn con người tự do đáp trả. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu (x. GLCG 2001-2002).

Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng gồm các ơn giúp ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh. Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh. Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời ta và các thánh, cho ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong ta, giúp cho đức tin của ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa (x. GLCG 2003-2005).

III. Công Phúc hay Việc Làm

Theo đúng nghĩa, chúng ta chẳng có công gì trước mặt Thiên Chúa. Nhưng vì Ngài đã tự do an bài cho ta cộng tác với ân sủng nên ta có thể lập công trước mặt Ngài. Công đầu tiên thuộc về ân sủng của Thiên Chúa. Khi nhận ta làm nghĩa tử, Ngài cho ta "đồng thừa tự" với Ðức Kitô. Công trạng của ta là hồng ân của Ngài. Trên bình diện ân sủng, không ai lập được công để đáng nhận ân sủng mở đầu cho các ơn hoán cải, tha thứ và công chính hóa, vì đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Sau đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và đức ái, ta mới có thể lập công để đáng lãnh nhận cho mình và tha nhân những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa, gia tăng ân sủng và tình yêu, cũng như đạt được sự sống đời đời. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế như sức khỏe, tình bạn…. Các Kitô hữu vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho mình các ân sủng và lợi ích này. Lời cầu nguyện có thể làm Thiên Chúa thương nghe và ban ân sủng cần thiết giúp chúng ta làm những việc đáng thưởng. Tình yêu Ðức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng kết hợp ta với Người trong tình yêu, bảo đảm tính siêu nhiên của các việc ta làm, do đó bảo đảm công trạng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Các thánh luôn ý thức rằng công trạng của các ngài hoàn toàn do ân sủng (x. GLCG 2006-2011).

IV. Sự thánh thiện của Kitô hữu

Tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh. Ðể nên thánh, chúng ta phải dùng các sức lực mà Đức Kitô đã ban để làm theo thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Chúng ta phát triển đời sống thiêng liêng để càng ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Ðức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là "thần bí", vì nhờ các bí tích và các mầu nhiệm thánh, ta được tham dự vào mầu nhiệm Ðức Kitô, và trong Người, ta được tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi. Con đường tiến đến hoàn thiện phải qua Thập Giá. Không tài nào đạt được sự thánh thiện, nếu không từ bỏ chính mình và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải tu luyện và khổ chế. Là con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta hy vọng Thiên Chúa là Cha sẽ ban ơn giúp chúng ta bền đỗ đến cùng và ban phần thưởng cho các việc, mà nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta đã làm trong sự kết hợp với Ðức Kitô. Vì cùng sống theo một quy luật, ta được chia sẻ "niềm hy vọng hồng phúc" với những người mà Thiên Chúa đã quy tụ trong "thành thánh Giêrusalem mới từ trời" (x. GLCG 2012-2029).

Kết Luận

Ngày hôm nay, trong Hội Thánh, trong các giáo xứ và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam khắp nơi, cũng vẫn có những xung đột giữa những người tự cho mình là công chính và những người khác. Có những người tham gia công việc chung mà quên cả bổn phận của mình đối với gia đình, và cho rằng như thế là công chính. Có những người sống ở nước ngoài, nhưng đòi những người trong nước, kể cả Hội Đồng Giám Mục, phải can đảm đứng lên tranh đấu cho nhân quyền theo ý họ. Có những người chỉ mới đi dự được một “buổi tĩnh tâm” hay một khóa “Thánh Kinh” đã tự cho là chỉ có khóa tĩnh tâm mình đi là tốt nhất, chỉ có mình là được ơn Chúa, là phải học Thánh Kinh như mình mới đúng, rằng chỉ có mình là biết Thánh Kinh và chê bai cả các linh mục là đã giảng sai hết. Vì tự cho mình là công chính, họ dùng việc làm của họ, sự hiểu biết của họ và quan niệm của họ làm thước đo sự công chính của người khác. Nếu người khác không làm như họ thì là những người bất chính. Mà một khi đã nghĩ rằng mình công chính thì tự đặt mình về phía những người Biệt Phái, là những người đã lành bệnh rồi, không cần Thầy Thuốc Giêsu nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn luôn ý thức rằng mình là người yếu đuối, không làm được việc gì công chính nếu không có ơn Chúa, để con luôn luôn biết đi theo Chúa và bám chặt lấy Chúa. Xin cho con có nhiều dịp đồng bàn với Chúa cùng các bạn bè con là những người mà Chúa trao cho con trong gia đình, ở sở làm và trong giáo xứ của con. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi