PDA

View Full Version : KK - Khi Vui Muốn Khóc, Buồn Tênh Lại Cười (Bài 10)



Dan Lee
06-02-2008, 08:37 PM
Bài 10: Khi Vui Muốn Khóc, Buồn Tênh Lại Cười

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Mùa hè năm 1961 rồi cũng trôi qua. Tháng chín đến, An bắt đầu vào học lớp đệ thất (lớp sáu) của trường nữ trung học Đồng Khánh. Bà Tâm sắm cho con hai cái áo dài trắng và ba cái quần trắng để thay đổi.

Vào trường Đồng Khánh, An cảm thấy mình lớn hẳn lên và quan trọng hơn. Thuở ấy, ngày nào cũng có ít nhất là một lớp học ra đứng xếp hàng ở gần cột cờ để chào cờ và hát quốc ca Việt Nam.

Đã quen đời sống dễ dàng ở trường tiểu học mà nay phải đổi lớp, đổi thầy, đổi thời khoá biểu nên cả bọn học sinh mới đều lúng túng và bỡ ngỡ như chim lạc đàn.

Giáo sư chủ nhiệm lớp An học là cô Tuyết. Cô còn là giáo sư dạy môn Quốc văn. Tuy gầy nhỏ nhưng cô Tuyết ăn nói lưu loát và tính tình vui vẻ, cởi mở. Cô Tuyết có người chị là cô KC dạy môn nữ công gia chánh. Nghe đồn rằng cô KC là người yêu của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử, vì thế mà cô không lấy ai dù cô đẹp và có duyên.

Nhà của hai cô giáo này ở vùng Vỹ Dạ, căn nhà rất rộng và có vườn cây ăn trái. Vì thế lũ học trò như An thường tìm đến nhà thăm cô để mà ngồi dưới bóng cây và leo cây hái trái ăn. Thôi thì đủ thứ ổi, mít, mãng cầu, đào (roi). và lựu.

Nhà của cô Tuyết. rất đẹp, có hòn non bộ và hồ cá vàng. Chung quanh hồ là những cây kiểng được vun trồng rất công phu. Đàng sau nhà là những hàng cây cau cao vút và đứng thẳng tắp. Nhìn cảnh nhà ngăn nắp và thứ tự, An chợt nhớ đến chuyện tình giữa cô KC và Hàn Mặc tử, một nhà thơ tài hoa nhưng bị bịnh cùi và chết đi khi vừa tròn 28 tuổi.

Dù còn nhỏ nhưng An đã thuộc bài thơ ”Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử:

”Sao anh không về chơi thôn Vĩ,
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt qúa, xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.
Ai biết tình ai có đậm đà.”

Lúc ấy, lũ trẻ con như An tha hồ được dịp thêu dệt và đồn đãi về thiên tình sử tuyệt diệu cuả người giáo sư đoan trang và nhà thơ trẻ đầy tài năng thiên phú ấy. Có đứa còn qủa quyết rằng chính mẹ nó đã biết hết câu chuyện tình đầy huyết lệ ly kỳ của cô và Hàn Mặc Tử; rằng khi hai người chia tay thì trời sầu đất thảm. Rồi chàng vào trại cùi Quy Nhơn để chữa bịnh trời hành, còn nàng thì vật vã và hụt hẫng cho mối tình đẹp và đau thương, chia lìa và hận đến thiên thu.

Sau đó, Hàn Mặc Tử đã được các bà nữ tu Công giáo săn sóc chu đáo và đầy lòng nhân đạo. Vì thế, nhà thơ đã làm nhiều baì thơ hống thiết để ca tụng công đức và lòng nhân ái đầy sự hy sinh của các bà sơ vì người khác mà quên mạng sống của chính mình.

Nghe chuyện của cô KC rồi, An và các bạn đâm ra sùng kính cô như một thần tượng. Mỗi cử chỉ của cô đều được bọn chúng quan sát kỹ để tìm kiếm cái tâm tình:” Sương khói mờ nhân ảnh” ấy.

Những khám phá kỳ thú ấy đã làm An thú vị và dệt mộng. Nó không ngờ rằng nàng thơ của nhà thi sĩ tài danh lại chính là cô giáo của nó.

Trở lại chuyện nhà An. Hồi ấy, nhà muốn có nước dùng thì phải đi gánh nước từ mấy cái máy nước công cộng, được gọi nôm na là ”phông tên”. Nơi ấy, lúc nào cũng có vài chục cô sen đứng xếp hàng đợi lấy nước. Chen chân không lọt, nên chị Hồng, người làm của gia đình An đã phải chạy qua nhà ông thợ may tên Châu ở phố bên kia đường để xin gánh nước lấy từ giếng của họ.

Gia đình ông Châu rất đông con nên cả nhà đều làm thợ may ở tiệm của nhà. Ông có đến hai vợ mà bà chị lại là vợ hai, vì khi em bà sinh nở, bà chị lên thăm nuôi em và lén lút lấy em rể có thai nên làm vợ hai của ông luôn. Ấy vậy, mà hai bà đều sống chung hoà bình và tạo ra đến hơn mười đứa con.

Vào ban ngày vì có khách tới lui may đồ nên ông Châu không cho lấy nước. Vì vậy mà chị Hồng và hàng xóm đành đợi đến chiều tối mới qua quẩy gánh nước về đổ trong thùng phi mà xài dần. Tối tối, An vẫn lò dò đi theo chị Hồng chơi. Chỉ cần nghe tiếng gầu nước đụng vào thành giếng, rồi tiếng nước rơi róc rách trở lại giếng cũng đủ làm nó thích thú. Vào những đêm trăng sáng, chỉ cần nhìn ánh trăng phản chiếu trong giếng nước, rồi khi chiếc gầu rơi xuống làm miếng trăng vỡ tan từng mảnh, An chợt buì ngùi nghĩ đến câu ca dao tình tứ:

“Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” (Ca dao Việt Nam)

Ngày nay, trăng vẫn lung linh soi sáng thế trần nhưng còn mấy ai nhìn thấy những nét đẹp và thơ mộng của trăng vàng, của sông nước và của tình thơ nữa?

Trở lại chuyện học hành của An. Cô giáo dạy môn Pháp văn của An là bà D., sau này bà trở thành Tổng giám thị của trường. Bà còn hoạt động tích cực trong các phong trào Hướng Đạo và Phật Tử nữa. Bà D.rất nghiêm khắc. Khi bà giảng bài thì cả lớp im lặng và không ai dám hó hé. Chỉ cần bà gửi cho một cái nhìn lạnh và sắc là cả bọn học trò run đến lạnh gáy.

Một hôm, bà ra lệnh cho cả lớp phải mua một quyển sổ nhỏ, có in các mẫu tự từ A đến Z để viết các từ ngữ ”Vocabulaire” từ Pháp văn ra Việt văn. Ngày ấy, cuốn sách đáng giá từ năm đồng đến mười đồng. Vì biết mẹ nghèo, ăn một ngày cơm chỉ có mười đồng cho cả gia đình mà nay mua một cuốn sách nhỏ là mất một buổi chợ, nên An cắn răng xé các tờ giấy học trò còn thừa từ các lớp trước để tự đóng thành quyển sổ nhỏ. Nó phải loay hoay một ngày chủ nhật để đo và cắt theo mẫu tự từ A đến Z rồi mới viết các chữ Pháp một bên và chữ Việt một bên.

Sáng hôm sau, cả lớp phải nộp sổ lên để bà D. kiểm soát. Sổ của các bạn An đều được điểm cao cả. Đến khi cầm đến sổ của An thì bà nhăn mặt chê bai vì hình thức xấu. Bà vạch từng trang ra xem rồi đưa cao cuốn sách lên và hỏi:

-Cuốn ni của ai rứa?

An luống cuống đứng lên, mặt đỏ tiá tai vì ngượng ngùng:

-Thưa cô, cuốn sổ nớ của con, con làm lấy một mình!

Bà D. cười mai mỉa, lũ bạn được thể về hùa, cười rộ lên. An đau khổ và tủi thân. Nghèo là một cái tội sao? Nó ứa nước mắt và muốn độn thổ để khỏi phải đối diện với những kẻ vô tình và tàn ác. Kết qủa, nó được điểm năm trên hai mươi trong khi lũ bạn giàu đi mua sổ thì được mười sáu và mười tám trên hai mươi.

Bài học chua cay đó đã giúp An sau này trở thành một cô giáo biết thương yêu và săn sóc tận tình đến những đứa học trò nghèo mà chăm học sau này.

Ở trường Đồng Khánh lúc ấy, các bác cai và gia đình thường làm bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc,bánh ít, bánh ram hay bún bò để bán cho học trò và cô giáo. Họ còn bán cả các loại chè để ăn tráng miệng. Đến giờ chơi thì cả đám kéo nhau đi ăn hàng một cách nhộn nhịp, chỉ có những đưá nghèo như An thì phải đi lảng xa để quên cái thèm thuồng.

Khu phố của An ở vì cũng là trên quốc lộ Số Một nên lúc nào đường xá cũng nhộn nhịp. Thỉnh thoảng, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm về nhà thăm mẹ là dân chúng xôn xao bàn tán. Các xe cộ bị đi bọc đường khác. Con đường Duy Tân trở nên vắng lặng. Các nhân viên giữ an ninh đứng dọc từng đoạn đường, quay mặt vào các khu phố để quan sát, lưng họ quay ra đường lộ để bảo vệ an toàn cho Tổng thống.

Khi xe của Tổng thống tới gần thì có tiếng còi hụ lên. Rất nhiều lần, An được thấy mặt của Tổng thống Diệm, trông ông hiền lành và phúc hậu vô cùng. Mọi người nôn nao chạy ra để nhìn cho được vị tổng thống thân yêu của họ.

Huế là nơi rất sùng đạo Phật nên mỗi khi có lễ Phật Đản hay lễ Vu lan thì cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Người ta mua chim trời và cá sông về để thả chúng bay đi hay trở về sông nước, đó là việc phóng sinh. Tối ngày Phật đản thì các ngọn đèn làm bằng giấy màu có thắp nến được thả hàng loạt trên giòng nước sông Hương. Ánh đèn chập chờn, lung linh làm sáng cả một khúc sông. Người người lớn nhỏ rủ nhau đi ngắm đèn, hàng đoàn con gái tay trong tay cười nói ngặt nghẽo, phía đàng sau các nàng là đám thanh niên đi theo chọc ghẹo và tán tỉnh.

Ngày ấy ở vùng An Cựu thường có các đoàn xe hoa đi biểu diễn trên các đường phố lớn. Bà con đua nhau đến chùa cúng lạy Phật rồi ở lại chùa để thọ trai, nói cách khác là ăn cơm chùa. Bọn trẻ tuổi như bọn An thì tíu tít đạp xe chở nhau đi đủ chùa. Từ chùa Diệu đế đến chùa Từ Đàm, từ chùa ở Cồn Hến đến chùa Thiên Mụ, bạn bè An ồn ào đua nhau đạp xe đi cả chục ngôi chùa mà không biết mệt. Đến lễ Phật còn là dịp để nam thanh nữ tú có cơ hội gặp gỡ trao duyên. Ban ngày càng vui nhộn với nhiều cuộc hội ngộ thì ban đêm càng bâng khuâng và thao thức vì những bóng hình người mộng.

Cơm chay của các chùa nấu rất ngon. Các thiện nữ tới làm công qủa cho chùa. Vừa cúng thức ăn, họ vừa nấu ăn các món chay để đãi các người đến lễ Phật. Các món ăn rấl lạ miệng và ngon vô cùng. Khi ăn xong cả bọn thường ra sau chùa, tìm một bóng cây mát để nghỉ mệt. Đây cũng là lúc từng cặp trai gái xé lẻ để tình tự, bạn bè đều không ước hẹn mà chấp nhận.

Vì thường đi thăm chùa với bạn bè nên An đâm ra thích cảnh chùa tịch mịch và êm đềm, thích nơi có cây cối um tùm đầy bóng mát. Cô bé mê tiếng chuông chùa ngân vang buồn não nuột. Mỗi lần được thăm viếng một ngôi chùa cổ, nàng lại muốn trở thành ni cô. Hình ảnh các nhân vật chính trong chuyện ”Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng lại hiện rõ mồn một trong trí nhớ.

Qua mùa hè năm 1962, An chuẩn bị lên lớp đệ lục (lớp bảy). Chị Hoa hàng xóm trở nên mập mạp và nặng nề. Chị không còn cười nữa mà buồn rười rượi, nước mắt lưng tròng. Còn anh Thanh thì trở nên đăm chiêu và ít nói hẳn đi. Trong khi ấy thì chị Hồng cứ lấm le lấm lét, hết rỉ tai người này lại đến nói nhỏ với người khác. An đâm ra nghi ngờ vì hình như có một điều gì bí ẩn giữa ba người này. Nàng hỏi vặn chị Hồng nhưng chị cứ đánh trống lảng.

Cuối cùng cả xóm ồn ào vì được tin chị Hoa bỏ nhà ra đi với anh Thanh. Thì ra chị đã mang thai với người anh họ là anh em con cô con cậu ruột của chị. Nghe đồn họ đưa nhau đi Đàlạt để sinh sống vì Huế nhỏ qúa. Dân Huế lại cay nghiệt và khắt khe. Chỉ nghe họ xầm xì, lườm nguýt và lên án thì đôi trẻ cũng chết dần chết mòn mà thôi.

Cái tin động trời ấy đã làm cho An sững sờ và bàng hoàng như bị sét đánh ngang tai. Đối với Huế, đây là một chuyện ngoài sức tưởng tượng, còn đối với An thì nàng mất hai người bạn lớn tuổi dễ thương. Chị Bảo là em gái chị Hoa đâm ra bơ vơ một mình nơi xứ lạ. Chị khóc lóc vì nhớ chị gái. Cuối cùng, chị Bảo bỏ học để trở về với gia đình ở Cầu Hai vì không còn ai lo cho chị ở Huế cả.

An một lúc mất ba người hàng xóm dễ thương, nàng và chị Hồng đâm ra ngơ ngẩn và buồn bã ra mặt. Cũng may, lúc ấy có hai vợ chồng người Bắc dọn đến trong xóm. Ông Huy là trung úy bộ binh còn vợ ông là bà Thịnh, người đẫy đà và lém lỉnh. Hai đứa con củ họ là Chung và Thủy, một trai năm tuổi và một gái bốn tuổi. Ông bà Huy có nuôi hai cô bé người làm chừng mười bốn, mười lăm tuổi.

Hai cô bé này rất thèo lẻo và lắm chuyện. Trong nhà chủ có chuyện gì là chúng đem chuyện kể cho cả xóm nghe. Chị Hồng cũng cùng một tính. Vì thế, chị lại đem hết mọi chuyện kể lại cho An nghe.

Ở trong gia đình An, một gia đình nghèo nàn vì cảnh bà mẹ trẻ phải lo toan mọi bề thì việc được ăn một tô bún bò cho buổi sáng là một chuyện xa xỉ. Tuy vậy, cứ khoảng một tháng thì bà Tâm lại kêu một gánh bún bò vô nhà để cả nhà cùng ăn. Mỗi lần được ăn là An vui cả ngày.

Lâu lâu, cả nhà An lại được ăn chè đậu xanh nguyên hột nấu với lá dứa thơm, rồi thỉnh thoảng lại được ăn trứng vịt lộn vừa úp mề. Qùa buổi xế trưa ở Huế cũng hấp dẫn vô cùng. Các bà bán bánh bưng thúng đi và rao hàng ơi ới. Thôi thì đủ thứ: bánh bột lọc trần nhân tôm thịt hay bọc trong lá chuối, hay bánh ít trần nhân tôm thịt kẹp với bánh ram tôm thịt, bánh ướt cuốn nhân tôm khô giã nhỏ, bánh bèo tôm, bánh nậm mỏng như tàu lá, ăn với miếng chả tôm vừa dòn, thơm, ngon và đỏ au. Ăn một miếng, nhớ muôn đời.

Huế còn có món bánh canh cua rất ngon. Cua màu đỏ, nước lèo có ánh đỏ của gạch cua hay ớt bột. Bánh canh ăn vừa ngon, vừa cay. Ăn xong nước mắt chảy đầy cả mặt, nhưng người ăn vẫn còn thòm thèm.

Món ăn ở Huế rất đặc biệt và hợp khẩu. Món canh cá tràu (cá lóc) được gỡ thịt riêng ra rồi nấu với trái mít non, bỏ lá lốt xắt nhỏ vào, nêm một chút mắm ruốc, ăn rất thanh và lạ miệng. Món mít non luộc rồi trộn gỏi với tôm và thịt heo luộc, có đậu phụng và chanh, ớt cùng mắm ruốc. Khi ăn thì xúc bánh tráng mè nướng ăn vừa bùi, vừa ngọt. Món gan heo băm nhỏ với tỏi, tiêu rồi đem hấp hay tiêm tỏi vào và đem chiên rô ti. Món cá bống thệ kho khô và cay, ăn với cơm nóng nghe đậm đà tình quê hương.

Về mùa đông, món mắm ruốc kho với củ sả sắt nhỏ và thịt ba chỉ sắt nhỏ, ăn cay tê cả lưỡi nhưng cũng nhờ nó mà người ta bớt được cái lạnh triền miên và cắt ruột. Tôm ở Huế rất tươi. Ở chợ, người bán để từng mớ tôm trên từng mẹt nhỏ. Thế là các chú tôm cứ thi nhau nhảy tanh tách, văng cả ra nền đất. Mình tôm trong vắt như pha lê, đến nỗi ta có thể thấy được cả cái lằn đen ở sau lưng tôm.

Cá, cua và ốc ở chợ Huế đều tươi roi rói. Những con cá cứng và sáng bóng như bạc. Vì thế đồ ăn ở Huế ngon vì sự tươi tốt và có chút mắm ruốc nêm vào hầu hết các món canh, sào và gỏi.

Vào mùa nước lụt, chợ còn có bán món tôm bạc. Tôm bạc lớn hơn các loại tôm thường. Vỏ của nó mềm, đầu nó có gạch đỏ. Vì thế khi kho ngọt thì gạch tôm ra đỏ hẳn một nồi, ăn một chén cơm với một con tôm là đủ thấy thú vị và hạnh phúc rồi.

Gạo ở Huế cũng rất ngon. Gạo đỏ khi nấu cháo thì cháo trở nên bùi ngậy và dẻo hơn. Chất cám ở gạo lúa còn đầy nên làm cho người ăn khỏe mạnh hơn. Ở An cựu có món gạo de nổi tiếng thơm ngon và dẻo. Gạo này chỉ cần nấu chín ăn với muối mè và đậu phọng là cũng đủ ngon rồi. Ngày ấy, ai giàu thì mua một lúc mười hộc gạo. Người nghèo thì mua từng lon gạo. Người bán thường dùng ống tre nhỏ để gạt gạo cho đều.

Dạo ấy ở trong lòng chợ Đông Ba có một cô bán hàng gạo rất đẹp và hiền thục. Cô có rất nhiều người si mê cô nên hàng của cô lúc nào cũng tấp nập. Người đến ngắm nhiều hơn người đi mua. Đến nỗi bọn con gái như An cũng thi nhau tìm đến để chiêm ngưỡng dung nhan mùa hạ của cô nàng.

Tháng chín 1962, An lên lớp đệ lục. Ngày nào nàng cũng đi bộ đến trường với bạn bè. Thuở ấy, các học trò Đồng Khánh đều phải mang huy hiệu có thêu tên của mình trên áo dài trắng để các thầy cô giáo dễ gọi tên mình.

Cũng vì cái huy hiệu ấy mà An bị ”Cái Oan Thị Kính”. Trên đường đi học, An đã lọt vào mắt xanh của một chàng học sinh trường Nguyễn Tri Phương. Một hôm chàng điều tra và dẫn một người bạn trai đến nhà An. Gặp chị Hồng vặn hỏi, chàng bèn tuyên bố là bạn thân của cô bé Bình An. Nay không có An ở nhà thì cho hai chàng gửi xe đạp để đi chơi. Chị Hồng ngạc nhiên, há hốc mồm rồi vội vàng mách với bà Tâm. Hôm ấy, bà Tâm lôi con ra mắng như tát nước:

-Con gái mới có tí tuổi đầu mà đã bầy đặt bồ với bịch. Đừng có bắt chước thói lẳng lơ của người ta. Oắt con học không lo, mà lo chuyện trai với gái.

An sửng sốt như vừa từ trên trời rớt xuống. Qủa thật, nàng không hề biết hắn là ai, tên gì và mặt mũi ra sao nữa. Vừa tức hắn, nàng càng tức mẹ hơn vì bà kết luận vội vã. Nó giận dữ trả lời mẹ:

-Mẹ, mẹ tin con hay tin một người mà mẹ chưa biết mặt? Con không hề quen biết hắn. Con không biết tại răng hắn biết tên con và nhà mình. Để hắn về đây con sẽ hỏi cho ra nhẽ. Mẹ khoan chửi con đã.

Bà Tâm vẫn không chịu tin con, hai mẹ con đôi co. Bà còn đòi đánh con gái vì thói trăng hoa. An ức lòng quá nên giận bỏ ăn cơm tối và không chịu vào nhà ngủ. Chị Hồng năn nỉ An vào nhà ngủ nhưng nó giận mẹ nó thiếu suy xét và hồ đồ nên nằm lăn ngay ngoài cửa, gần lối đi của lối xóm. Bà Tâm thấy con làm reo nên thách thức:

-Mi ngon thì ngủ luôn ngoài cửa đi nghe!

Con bé đã quyết tâm nên nó nằm ngửa dưới nền đất gồ ghề. Tối hôm ấy, trời trở mưa tầm tã. An bấm bụng đưa mặt ra đón những cơn mưa rơi thẳng vào mặt đến rát cả mặt. Người nó ướt như chuột lột. Cơn lạnh đến nhanh chóng. Bà Tâm nóng ruột, kêu chị Hồng ra thăm chừng xem cái gan của con gái bà to đến chừng nào. Một hồi lâu, vì sợ con bịnh nên bà đành ra ngoài mưa kéo con bé vào và nói:

-Thôi, vô nhà đi, chuyện chi còn đó. Mi không thể bị bịnh được. Mai rồi tính.

An lầm bầm:

-Dạ, mai con phải làm cho ra chuyện. Con bị oan mà mẹ lại không tin con. Mai mẹ nghỉ một buổi rồi hỏi hắn xem hắn quen con ra răng.

Hôm sau, Bà Tâm nghỉ một buổi để ở nhà chờ gặp hắn. Khoảng chín giờ sáng, hai chàng bèn tới nhà An lấy hai cái xe đạp. Bà Tâm giận dữ túm lấy áo của một chàng và hỏi tới tấp:

-Nì, cậu quen con An của tui hồi mô? Trong trường hợp nào? Nói thiệt, còn nói láo là tui mét ông hiệu trưởng đó nghe.

Hắn bối rối nhìn bà Tâm rồi quét đôi mắt đen nhìn An. Vừa run rẩy, hắn vừa thú tội:

--Bác à, xin bác đừng giận nghe. Con chỉ biết tên của cô An vì nhìn thấy cái huy hiệu có thêu tên của cô ấy chứ còn tụi con chưa hề quen nhau. Con phải nói láo hôm qua vì muốn có chỗ gửi xe để đi về quê thôi. Xin lỗi bác và An nghe.

Bà Tâm dịu cơn nóng, quay ra nhìn con rồi gục đầu không nói. Hai anh chàng lủi thủi xách xe đi. An muốn nạt cho hắn vài tiếng nhưng khi thấy hắn chân thành xin lỗi nên cũng ngậm miệng làm thinh luôn.

Sau vụ ấy, An giận mẹ cả tháng, không thèm nói chuyện. Bà Tâm bả lả làm quen với con nhưng cũng không hề xin lỗi con. Hình như ngày ấy chuyện cha mẹ xin lỗi con là chuyện hiếm có và không ổn. Từ đó, An dấu cái huy hiệu vào cặp táp và chỉ đeo nó khi đã vào sân trường thôi.

Học lớp đệ lục, lớp An ở ngay trên lầu, gần bên cầu thang gỗ nên mỗi giờ tan lớp hay giờ chơi thì rất ồn ào. Vì thuộc loại lớn con nên An bị xếp ngồi hàng cuối lớp. Giờ Pháp văn, bà Giáo đọc chính tả (dictée) thì bà viết các chữ mới và khó xuống cho học trò học. Bà dặn là nếu ai còn viết sai những chữ đã được dạy thì bị trừ gấp đôi điểm. Khi ấy, An không nhìn thấy rõ chữ trên bảng nên luôn viết sai. Bà giáo giận và la nàng là không chịu chú ý và hay lơ đãng. Cả bà và An đều không biết là con bé đã bị bịnh cận thị.

Cuối cùng, An đem chuyện phàn nàn với chị hàng xóm là chị Tuyết. Chị ấy ái ngại và bảo nàng:

-An ơi, chi nghi em bị cận thị rồi, ngày mai hai chị em mình đi thử mắt đi nghe.

An buồn đắng họng, ừ có lẽ mình bị cận thị rồi. Rồi phải đeo kiếng như lũ con của ông thầy Đinh Qui thôi, cả nhà toàn đeo mục kỉnh cả.

Sáng hôm sau, chị Tuyết chở An ra khu ngoại khoa của nhà thương Huế, trên đường Ngô Quyền để thử mắt. Mắt chị Tuyết còn tốt còn mắt của An thì bị cận. An buồn bã đem toa bác sĩ về nhà cho mẹ mua kiếng thuốc cho. Bà Tâm lầm bầm:

-Nhà mình đã nghèo mà plhải mua kiếng thuốc cho con, đào mô ra tiền đây?

An ứa nước mắt:

-Mẹ ơi, con đâu có muốn bị cận thị để mà đeo kiếng cận mô nà?

Từ khi phải đeo kiếng, An đã bị bọn bạn bè đi theo chọc ghẹo cả ngày. Bao nhiêu ”mỹ từ” đều được các bạn tặng cho nàng. Thôi thì ”nhà trí thức”, ”con bốn mắt”, ”nữ bác sĩ”,” nhà thông thái” hay ”bà già cận”. An chỉ còn biết khóc. Nàng không dám đeo khi ra đường hay ở ngoài lớp mà chỉ dám đeo trong lúc nhìn chữ trên bảng mà thôi.

Cũng từ đấy, An tập cho mình một nụ cười nửa miệng hay còn gọi là nụ cười nửa mùa (demi saison). Từ đàng xa, gặp ai nàng cũng mỉm cười. Khi đến gần, nếu là người quen thì nàng bèn cười to thêm để chào họ, còn nếu là người lạ thì nàng từ từ khép miệng lại để khỏi bị hố.

Từ ngày có kiếng cận, An thấy đời đẹp hẳn lên. Trăng sao tự nhiên nhiều hẳn lên. Mặt ai cũng rõ ràng. An không còn sai lỗi chính tả nữa.

Giáo sư chủ nhiệm lớp đệ lục là cô Nhàn. Cô là giáo sư môn tóan. Nhà cô ở gần hồ Tịnh Tâm. Cô có lối giảng bài rất gãy gọn. Chữ viết của cô rất đẹp và cẩn thận. Dáng cô thanh tú và cao ráo. Cách ăn mặc của cô rất chỉnh tề. An rất thương và kính trọng cô. Cô lo cho học trò như em út của cô. Phần An rất giỏi Quốc văn và Pháp văn nhưng còn môn toán thì nàng hay bị bí vì mất căn bản từ năm đệ thất. Mỗi lần có toán học là An phải chạy sang nhà cô bạn gái là Minh Nguyệt để nghe anh chị nó giảng bài và làm bài tập.

Năm ấy, khi mùa mưa đến, trời nổi cơn giông bão cuồng phong. Gío thổi như muốn bứng các cây cao hai bên đường. Các cành cây khô rớt đầy đường. Nước dâng lên tràn ngập các lối đi. Rồi cơn mưa đến vội vã, mưa như trút nước, mưa và gío thao túng cả một vùng. Gió cuốn mái tôn của những căn nhà nhỏ rồi cuốn tôn bay tít lên trời, xoay vòng tròn và rớt xuống một nơi nào đó mà nạn nhân không thể định hướng mà tìm lại được.

Mặc gió mặc mưa, mặc nước lụt và bão tố, An chạy ra đường để lượm củi khô về cho gia đình dùng làm củi nấu ăn. Trời giông bão nên không một bóng người ngoài đường, chỉ có một mình nàng chạy tung tăng dưới mưa để ôm từng bó củi khô chạy về nhà chất đầy nhà bếp. Một niềm vui nhen nhúm trong hồn vì nàng đã thực sự giúp cho mẹ nàng đỡ được một khoản tiền chi phí cho than củi rồi. Chị Hồng thấy An lượm được nhiều củi, chị tíu tít và chạy theo An đi lượm củi.

Một hôm khác, nhân ngày trời mưa, An và chị Hồng tình nguyện làm món bánh tôm chiên với khoai lang sắt nhỏ. Hai chị em ỳ ạch làm đến hai giỏ đầy. Sau đó, An bèn mượn xe đạp của anh hàng xóm để đạp xe mang bánh tới sở mẹ để đãi những người đồng nghiệp của bà.

Trong cơn lạnh tê tái và dưới dòng mưa như thác đổ, An đạp xe đi một cách khó nhọc giữa giòng thác nước. Quần áo nàng ướt như chuột lột. Cực khổ nhưng khi thấy mẹ nở một nụ cười cám ơn, An cảm thấy sung sướng và hớn hở như vừa lập được một chiến công.

Đời sống của mẹ con An cứ đều đều trôi. Bà Tâm càng ngày càng bận rộn với công việc hàng ngày, với những tối đi học Anh văn, và những chiều đạp xe đi chợ. Chính vì thế chỉ có An, chị Hồng và bé Châu là lủi thủi chơi chung với nhau.

(còn tiếp) Bài 11: Một Cuộc Bể Dâu (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22810)

Kim Hà