PDA

View Full Version : M - Mùa Xuân Nhớ Nhà (Bài 5 )



Dan Lee
05-30-2008, 08:34 PM
Bài 5: Mùa Xuân Nhớ Nhà


http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg


Một mùa Xuân mới lại trở về, trong khi người người hân hoan sửa soạn đón Xuân mới thì An lại bùi ngùi nhớ đến những mùa Xuân khi còn thơ ấu. Gia đình An chia ly nên mỗi lần Tết đến là một lần buồn tủi, nhớ thương ba và các em ở nơi xa. Vết thương lòng thật khó mà hàn gắn và chữa lành. Cuộc đời nàng mang tâm trạng của một kẻ mồ côi, nhìn hạnh phúc gia đình người khác mà buồn cho gia đình và thân phận mình.

Rồi trong những khắc khoải đau khổ, trong tận cùng của sự chán nản, nàng đã tìm thấy Chúa Giêsu, Ngài là đường, sự thật và sự sống. Ngài là Đấng Cứu Thế và là Đấng Chữa Lành. Từ đó, nàng đã được Chúa chữa lành mọi mặt tâm lý, tình cảm, tâm linh, mối liên hệ gia đình, và thể xác. Vì thế, nàng mới có thể bình thản sống tín thác nơi lòng thương xót của Chúa, cho dù giông bão cuộc đời vẫn bủa vây tứ phía. Nàng đã tìm thấy một chỗ dựa tinh thần vững chắc, cho dù gió bão có làm cho những chiếc lá cuốn hút và quay cuồng thì chiếc lá đời nàng đã có nơi nương tựa, và nàng an tâm núp bóng Đấng Tối Cao.

Giờ đây, với tâm trạng rất bình an, nàng nhìn lại cuốn phim của đời mình:

“Khi gia đình có bóng dáng của người đàn bà khác thì sự bình an và yêu thương được thay thế bằng những tiếng cãi nhau, chửi rủa và hận thù. Cuối cùng, vì không thể tiếp tục chung sống được nữa nên vợ chồng ông bà Bình đưa nhau ra tòa ly dị. Toà án cho phép ông Bình nuôi hai con trai, còn bà Tâm đang mang thai và bà được nuôi đứa con gái và thai nhi trong bụng. Gia đình ly tán, bà Tâm đưa con gái lên Đàlạt ở với gia đình người bác ruột của bà là ông Đốc Lương, nhà ở đường Quang Trung, gần ga xe lửa Đàlạt.

Ông bà Đốc Lương có một ngôi biệt thự rất lớn. Ngay trước nhà là một vườn hoa hồng rực rỡ đầy mầu sắc với mùi hương thơm ngát. Lối đi vào nhà là hai ngõ trải nhựa đường. Xe hơi có thể lái vào cửa này và đi vòng qua cửa bên kia. Cạnh hai bên cửa là hai cây đào tơ, mỗi lần hoa nở rộ thì mầu hồng tô điểm cả vườn trước nhà.

Căn biệt thự có hai tầng, xây theo kiểu biệt thự của Pháp. Hai bên cạnh nhà cũng là các vườn hoa với đủ loại: nào là Mimosa vàng rực rỡ; nào là Pansée với đủ màu trông như những cánh bướm đẹp xinh; nào là hoa Forget-Me-Not với những cánh hoa mong manh; nào là những gìo Phong Lan đẹp dịu dàng như những nàng khuê nữ đài các. Xen vào đó là những cành Gladys (Lay Ơn) cao vòi vọi với màu sắc lộng lẫy kiêu sa. Hoa Thược Dược khoe hương bên những nàng hoa Cúc đại đoá màu vàng, tím và trắng. Hoa Immortal không hề tàn, và thường được tượng trưng cho những mối tình bấi diệt. Ngoài ra còn nhiều loại hoa hiếm qúy mà An không tài nào nhớ được hết tên.

Sát cạnh nhà là một dãy nhà ngang. Ở cạnh garage là phòng của các chị bếp, rồi phòng của ông già làm vườn, phòng mạch của ông Đốc. Xa hơn một chút, nơi góc vườn là căn nhà nhỏ của chú tài xế Hưũ và gia đình chú.

Đằng sau nhà của ông bà Đốc là một vườn ăn trái rất rộng, gồm có trên ba trăm gốc mận vàng, năm cây mận đỏ và năm cây mận xanh. Mận xanh lấy giống từ vùng Vân Nam ở bên Trung Hoa. Khi trái chín thì vẫn có màu xanh lục, vừa ngọt và vừa giòn. Các con cháu trong nhà không được ăn loại trái này vì chúng chỉ được dành cho chủ nhà.

Vườn có hai cây ổi rất sai trái. Một cây là ổi xá lị để dành riêng cho ông bà Đốc, còn cây ổi có ruột đỏ thì con cháu được ăn thả cửa.

Ngoài ra ông lão làm vườn còn trồng dâu tươi, cải xanh, su hoa, bắp cải, hành ớt và xà lách. Giàn trái Su Su có rất nhiều trái, trông các trái xanh trĩu trịt như những viên ngọc thạch treo lơ lửng trên giàn cây. Giàn hoa Thiên lý thơm ngào ngạt cũng được trồng sát giàn Su Su. Mỗi chiều, An thường thả bộ đi dưới những giàn cây để cảm thấy mình được bình an và hạnh phúc.

Thuở đó, ngôi biệt thự đẹp ấy là cả một cõi thiên đường trong trí nhớ của An. Nó mải miết tìm tòi, tha thẩn và thám hiểm từ mỗi góc vườn, xó nhà cho đến tủ sách. Lần nào nó cũng tìm thấy những điều mới lạ và kỳ thú. Căn nhà như một kho tàng đầy những sự bí ẩn, một cõi hạnh phúc khó tìm trong thế gian. An cảm thấy mến thương ngôi nhà ấy vì nó cũng còn là biểu tượng của sự giàu sang, sung túc và đầm ấm.

Ông bà Đốc rất quảng đại và tốt bụng. Tuy trong nhà có nuôi rất nhiều người làm nhưng ông bà vẫn giăng tay đón nuôi các đứa cháu nghèo khó, kể cả cháu ông lẫn cháu bà. Tính bà Đốc rất nghiêm khắc, bà rất ít nói và lạnh lùng. Vì thế con cháu và người làm sợ bà như sợ thần hay sợ cọp. Tính ông thì hiền lành, ít nói và ít cười. Ông có phòng mạch ở khu phố chợ nhưng vẫn có phòng mạch ở nhà để khám bịnh vào buổi tối và ngay cuối tuần. Các bịnh nhân tới lui tấp nập vì họ đồn là ông rất mát tay.

Số con cháu và người làm có khi lên tới hai mươi người. Trong bữa ăn thì cả nhà phải ngồi ăn trong im lặng, chỉ có ông bà và các con là được quyền nói chuyện mà thôi. Ở đó, ai cũng phải đi đứng rón rén, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ nhẹ nhàng như con nhà gia giáo. Ai muốn làm gì cũng phải lén lút ngó trước ngó sau như người gian sợ lộ.

An có một cái thú thích tìm tòi và thám hiểm. Óc tò mò đã làm nó lục lạo khắp nơi, nhưng để học hỏi chứ không phải để phá phách. Phòng của các cô con gái của bà Đốc có rất nhiều đồ chơi chưng trong tủ kính. An thấy một con nai nằm ngã ngửa, nó bèn sửa cho con nai đứng lên. Nhìn con chó nằm lẻ loi cách xa bầy chó, nó liền dưa con chó vào nằm cùng với bầy chó. Thấy những món đồ chơi có nhạc, nó vặn nhạc lên cho vui tai. Những việc làm lẩm cẩm của An tưởng là không ai để ý thế nhưng cô Trinh đã biết và phàn nàn với mẹ nó. Thế là con bé bị la. Từ đó, nó đâm ra sợ sệt đủ thứ và mang mặc cảm tự ty.

Tối tối sau khi ăn uống xong, ai về phòng nấy, căn nhà trở nên tĩnh mịch và yên lặng một cách đáng sợ. Để giết thì giờ buồn nản và vô vị, bà Tâm thường kể chuyện cổ tích thần thoại hay chuyện các gương sáng lịch sử của các anh hùng liệt sĩ cho con nghe.

Bà Tâm có biệt tài kể chuyện rất có duyên và lưu loát. Nằm co quắp trong nách mẹ, An sung sướng lắng nghe những tình tiết éo le mà cảm thấy thích thú vô tận. Chính những câu chuyện kể về đêm ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tình của An sau này. Nó thuộc nằm lòng những mẩu chuyện tình trong sử học của Việt Nam. Có thể các câu chuyện ấy chỉ là huyền thoại hay dã sử, nhưng dù sao đi nữa, các câu chuyện ấy cũng thể hiện nét lãng mạn và trữ tình của dân tộc Việt Nam.

Câu chuyện của công chúa Tiên Dung nói lên sự lãng mạn, tinh thần thách thức với cái thành kiến trọng giàu khinh nghèo của xã hội phong kiến mà Công Chuá Tiên Dung dám đối đầu. Chuyện kể rằng khi Công Chúa đi chơi thuyền, thấy cảnh đẹp thì ra lệnh cho các cung nữ quây màn cho nàng tắm trên bãi cát. Chàng Sử Đồng Tử vì nhà nghèo, có mỗi cái khố mà hai cha con chia nhau mặc. Khi cha chết, chàng vì thương cha già nên mặc chiếc khố duy nhất cho cha mình rồi chôn cha. Còn chàng thì trần truồng, phải chôn mình dưới cát vì nghe tin Công Chúa đi dạo chơi qua vùng đó.

Lúc Công Chúa đang tắm thì thấy anh chàng nghèo không có khố bị nước tắm làm trôi cát che thân nên chàng trồi lên. Tiên Dung tin rằng đó là ý trời muốn se duyên cho hai người nên cô đã tự ý nhận chàng làm chồng, mặc kệ cho vua cha giận dữ thịnh nộ. Sau đó, Tiên Dung và Sử Đồng Tử đã bỏ xa những lễ nghi của thế tục, những ràng buộc của xã hội phong kiến để đi tìm hạnh phúc trong cảnh thanh đạm. Chàng và nàng sau đó đã học thành tiên để mãi mãi sống bên nhau.

Câu chuyện tình của một Trọng Thủy vì hiếu đành phụ tình. Một Mỵ Châu đã yêu chồng đến tin cậy và dâng hiến . Nàng đã đặt hết tình yêu và bí mật đại sự của quốc gia nàng trong tay chồng. Để rồi khi chàng phụ nàng mà chiếm đoạt giang sơn của phụ vương, nàng đã bị vua cha giết chết trước khi ngài tự tử. Thắng trận xong, Trọng Thủy đau khổ đi tìm vợ. Khi tìm được xác vợ nhờ tín hiệu lông ngỗng, chàng đã hối hận từ bỏ ngôi vua tương lai mà nhảy xuống giếng thành Cổ Loa để chết theo nàng. Một mối tình của những kẻ chung tình và tận hiến.

Nghe mẹ kể rất nhiều chuyện, nhưng An vẫn thích nhất mối tình câm lặng, đẹp như một bài thơ, đau thương như tình lỡ, đắng cay như qủa bồ hòn của một chàng lãng tử nghèo nhưng đa tài Trương Chi dành cho một công chúa mỹ miều kiều diễm có tâm hồn lãng mạn đa tình tên là Mỵ Nương. Một mối tình dang dở bi đát của những bạn tri âm hiếm tìm dành cho nhau.

Định mệnh tàn nhẫn đã khiến công chúa Mỵ Nương tình cờ được thưởng thức tiếng sáo tuyệt diệu của Trương Chi mà đâm ra thương mến, yêu đương và tương tư người thổi sáo. Mối u tình vượt ra vòng lễ giáo nên không thể tâm sự và thố lộ với ai được đã làm nàng u uất, điên đảo và cuồng si. Từ đó nàng bỏ ăn và bỏ ngủ.

Mỵ Nương sầu muộn, rũ liệt và khóc thổn thức từng đêm. Nàng mơ được gặp chàng cho thỏa lòng nhớ thương. Nàng bỏ ăn, bỏ ngủ rồi đau ốm kịch liệt, tưởng có thể chết ngay được. Vua cha thương con, hạch hỏi và tìm được nguyên do. Ngài đã không nề hà sự cách biệt giai cấp để cho vời chàng đánh cá nghèo đến hoàng cung cho nàng diện kiến. Cuộc hội ngộ đã làm Mỵ Nương vì thất vọng về sắc diện và gốc gác của chàng mà đến tỉnh mộng rồi hết cơn bịnh.

Nhưng sau đó, Trương Chi lại chính là người tương tư và mê đắm nhan sắc mỹ lệ của nàng công chúa qúy phái. Chàng trở về sầu muộn, tương tư và ôm hận rồi đau ốm mà chết trong cô đơn. Tiếng sáo không đối thủ đã tắt lịm cùng với cái chết bi đát của chàng.

Kể từ khi ấy, Mỵ Nương lại nằm mơ nghe thấy tiếng sáo của chàng. khi nhặt khi khoan; khi sầu muộn, khi hứng khởi; khi cuồn cuộn như biển sóng; khi êm đềm như giòng sông; khi réo rắt như cung đàn; khi vi vu như thông reo; khi lồng lộng như gío cuốn; khi rít rú như bão tố; khi đê mê như lời tình tự; khi oán than như lời trăn trối của kẻ thất tình. Vì thế, nàng lại đau ốm liệt giường. Lúc tỉnh, lúc mê, tiếng sáo trong mộng tưởng lại một lần nữa làm nàng si mê và sầu muộn. Tiếng sáo bi thương của một tấm linh hồn vì quá yêu thương mê đắm mà thí mạng sống của mình. Tiếng khóc ai oán của người si tình bị dằn vặt mãi:

”Nợ tình đem trả cho ai,
Khối tình đem xuống tuyền đài chưa tan.”

Vua cha lại một lần nữa vì thương yêu con gái mà cho người đi vời chàng Trương Chi đến. Người về báo tin chàng đã chết, nên nàng hối hận khóc nức nở và xin cho được nhìn thấy nắm xương tàn của chàng. Khi mộ chàng bị đào lên thì lạ lùng thay, trái tim yêu đương của chàng đã cô đọng lại thành một tảng đá qúy bằng ngọc thạch. Mối tình vô vọng của chàng đã kết tụ thành đá lưu ly.

Mỵ Nương ôm trái tim người tri âm và thấy hình ảnh chàng ngồi trên chiếc thuyền đang say sưa thổi sáo. Tiếng sáo nghe như khắc khoải và oán trách, Tiếng sáo như kể lể nỗi niềm nhung nhớ triền miên. Tiếng sáo kỳ diệu đã làm cho tim nàng héo hắt, cho lòng nàng nát tan, cho dung nhan nàng uá tàn. Mỵ Nương lại ôm trái tim ngọc và lần này nàng đã tìm được đôi mắt đẫm lệ của chàng. Ánh mắt mê đắm của chàng đã làm nàng ngây ngất và bồi hồi. Nàng đã thực sự thấu hiểu sự mãnh liệt vô biên của tình yêu và tuyệt vọng.

Mỵ Nương đã khóc vật vã và thổn thức. Mầu nhiệm thay, khi từng giọt nước mắt ngà của nàng rớt rơi trên trái tim của kẻ chung tình thì hình ảnh và tiếng sáo mê hồn của chàng cũng tắt lịm. Trái tim cô đọng quý gía ấy đã từ từ hoà với nước mắt của người tình để tan ra thành nước. Kể từ đó, My Nương đã tỉnh mộng. Nàng đã lành bịnh về thể xác. Nào ai biết, trái tim nàng đã đau đớn và chất ngất đến mức độ nào?

Bên cạnh câu chuyện tình buồn ấy, bà Tâm cũng không quên kể cho con gái nghe một câu chuyện khác về tri âm tri kỷ, một sự kết hợp trọn vẹn giữa một công nương Lộng Ngọc, con gái yêu của Tần Mục Công thời Đông Châu Liệt Quốc và chàng trai dân giả Tiêu Sử. Lộng Ngọc cũng nằm mơ được thưởng thức tiếng tiêu tuyệt diệu của người chưa hề gặp mặt. Nang cũng nhớ nhung và tương tư người mộng. Sau đó nàng cũng được vua cha giúp cho có dịp diện kiến người tri âm.

Cuối cùng, chàng và nàng đã dược kết hôn. Chàng vốn là người tiên, nên sau một thời gian sống đầm ấm bên nhau, chàng truyền dạy phép tiên cho vợ. Hai người không ăn uống mà chỉ đàm đạo và thưởng thức tiếng tiêu cùng cảnh đẹp. Một đêm trăng sáng , rồng và phượng đã đáp dến lầu vọng cảnh của hai người để đón Tiêu Sử và Lộng Ngọc về tiên cung. Lộng Ngọc vì luyến tiếc vua cha nên nấn ná đòi gặp cha trước khi về trời. Trong lúc ấy, Tiêu Sử biết là rồng và phượng không thể đợi lâu hơn được nên nắm tay nàng bước lên.

Sáng hôm sau, Tần Mục Công buồn bã nhận tin báo rằng con và rể đã đi không bao giờ về nữa. Ngài thương nhớ con nên xây một đài thật cao để mỗi đêm lên ngắm trăng sao và ngóng tìm con. Ngài không còn thiết tha với ngai vàng và sự đời nữa. Thế rồi một đêm ngài cũng được con và rể đến đón lên tiên để đời đời đoàn tụ.

Những câu chuyện về tri âm tri kỷ, có dở dang và có hạnh phúc đã đánh động lòng An từ những ngày ấu thơ. Phải chăng trên đời, tình yêu vẫn ngự trị và là đầu đề của mọi hạnh phúc và khổ đau? Lớn lên trong cảnh cô đơn và bất hạnh, An vẫn mải mê tìm tòi ý nghĩa đích thực của hai chữ hạnh phúc trong đời sống và sách vở, từ câu chuyện kể hay nhìn những người quanh mình.

Hạnh phúc không phải do tiền tài, danh vọng , quyền uy hay sắc đẹp như ta tưởng, mà nó chính là sự kết hợp giữa hai tâm hồn yêu thương nhau,nâng đỡ an ủi nhau, cùng nhường nhịn nhau để có thể cùng nhau sát cánh chịu đựng gian khổ và đối đầu với tai họa và nghịch cảnh.

Hạnh Phúc thật đơn sơ như cảnh:

“Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.”

Hay thương yêu nhau trong cảnh thanh bần, đơn sơ:

“Đầu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.”

Hạnh phúc là cùng nhau nhìn chung một hướng, là xây dựng lại từ những đổ vỡ, là hy sinh và tha thứ. Hạnh phúc là cùng nhau tìm một ánh sao, ngắm vầng trăng sáng, cùng đi dạo dưới bóng đêm, nắm tay nhau cùng dầm mưa trong những đêm mưa gió não nề. Hạnh phúc là hai mắt nhìn nhau trong thinh lặng, là những vòng tay ôm chặt thương yêu

.

Gia đình ông bà Đốc là thần tượng lý tưởng của An ngày ấy. Ông bà yêu thương nhau và kính trọng nhau như tân khách,”tương kính như tân”. Tuy ông bà đã già nhưng lúc nào cũng gọi nhau là anh em, hay mình ơi. Lúc nào ông bà cũng riú rít như chim liền cánh, như cây liền cành.

Phòng ngủ của ông bà nhìn ra vườn hoa hồng rực rỡ muôn màu. Nhìn qua cửa sổ là có thể ngắm hoa và phong cảnh chung quanh. Lúc ấy, với An thì căn phòng ấy là cả một thế giới huy hoàng, tuyệt vời đầy mầu sắc của hạnh phúc và yên vui.

Đại gia đình của ông bà Cả, một người bác khác của bà Tâm thì ở Sàigòn, còn ông bà Đốc thì ở Đàlạt. Hai anh em chung tiền mua một cái đồn điền lớn ở Định Quán. Một gia đình người cháu họ dược ở tại đồn điền để trông nom và trồng trọt cao su, cà phê, trái cây và rau xanh. Thế là cứ hai tuần, gia đình hai ông từ Sàigòn đến và từ Đàlạt về, cùng gặp nhau ở đồn điền tại Định Quán. Và rồi hai đại gia đình tổ chức ăn uống, trò chuyện và ca hát. Sau đó, mọi người ra thăm đồn điền, hái trái cây và chuyện gẫu dưới bóng mát của những tàn cây xanh.

Với An, đó là bóng hạnh phúc, nó rất thích cái ý tưởng xum họp và đoàn tụ gia đình ấy. Trong tâm tư, An nguyện có một ngày nào đó, nó cũng mua một trang trại nhỏ để mỗi cuối tuần, cùng chồng con và gia đình các em đưa mẹ nó đến chung vui. Tình yêu thương, sự đoàn kết, chung vui và sẻ buồn là những sợi dây kết chặt tình thân ái trong gia tộc.

Ở Đàlạt được ít lâu, An được mẹ xin cho đi học lớp hai tại một trường tư, trường Việt Anh. Ngôi trường nằm trên một đồi cây, vì thế sân chơi lúc nào cũng đầy bóng mát, lá xanh và cảnh đẹp hữu tình.

Mỗi sáng, ông bà Đốc chở cho An đi học và đón nó về bằng xe hơi. Ngồi ở hàng ghế sau, An co ro như con mèo ngái ngủ. Nó không dám cử động hay đổi thế ngồi vì sợ ông bà phiền và mắng cho. Trước khi xuống xe để vào lớp học, An phải vòng tay nói lí nhí:

--Thưa ông bà cháu đi học, xin cảm ơn ông bà.

Có hôm vì vội quá nên nó quên không nói thì bà Đốc liền bắt bẻ:

--Này, mày có biết thưa gởi không? Vô phép quá đi mất!

An sợ run cầm cập, nó vội vàng nói như máy móc để khỏi bị kiếm chuyện. Mỗi lần đối diện với bà Đốc là An mất bình tĩnh và sợ đến mất cả hồn.

Ít tháng sau, hết dịp hè, An được chuyển vào trường công tên Đoàn thị Điểm ở gần chợ Đàlạt để học lớp ba. Tóm lại, nó phải học nhảy lớp vì chỉ học có vài tháng ở trường Montessori, rồi vài tháng học lớp một ở Quy Nhơn, vài tháng học lớp hai ở trường Việt Anh. Ngày ngày, An phải đón xe buýt đi và về, rồi lại đi cuốc bộ từ chợ đến trường.

Mỗi buổi sáng, tất cả học sinh phải đứng nghiêm để hát Quốc ca, rồi bài Suy tôn Ngô Tổng Thống và bài ca hiệu đoàn. Lớp của An là lớp mang tên Đinh Bộ Lĩnh. Vì thế, ngày nào lớp nó cũng hát bài”Động Hoa Lư”. An vẫn thích cái truyền thống đẹp đẽ đó vì nêu cao tình yêu tổ quốc và sự tôn kính những danh nhân của đất nước.

Tuy không được học hành đầy đủ vì gia đình lục đục và cứ thay đổi chỗ ở mãi, nhưng An vẫn học rất giỏi ở lớp ba. Cuối năm ấy, nó được giải nhất của cả lớp. Bà Tâm rất hãnh diện về đứa con gái của bà, bà vẫn thường âu yếm xoa đầu con và nói:

--Con ngoan lắm, con lại giống ba con, thông minh và học giỏi, xứng đáng là con gái đầu lòng của mẹ.

Trong tim bà Tâm, hình ảnh ông Bình vẫn có một chỗ đứng đặc biệt., dù cho ông đã đối xử tàn tệ với bà. Còn trong tim An, những lời mẹ nó khen tặng và khuyến khích đã khiến nó cố gắng học tập để thoát khỏi cảnh khó nghèo và cơ cực.”

Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, giờ đây, An đã tìm được niềm hạnh phúc của đời mình. Hạnh phúc là cho đi những gì mình có để cứu giúp những người bất hạnh. Hạnh phúc là dám chết cho người mình yêu. Đó chính là hạnh phúc mà Chúa Giêsu Ki Tô đã thực hiện khi Ngài chết giăng tay trên Thánh giá cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa Cha.

An cũng đã tìm được người bạn lý tưởng, một người tri âm tri kỷ, một người bạn tốt nhất trên trần gian. Người ấy có tên là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế! Chỉ có Chúa là có thể an ủi và chữa lành những đau đớn không nguôi trong cuộc sống. Chỉ có Chúa là Đấng có thể hàn gắn những vết thương sâu đậm trong tâm hồn và An say sưa được ở gần bên Chúa.

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thương chữa lành cho những ai đang đau khổ và sống trong hận thù. Xin ánh sáng của Chúa soi sáng và đánh tan bóng tối của tội lỗi và đam mê bất chính. Xin Chúa thương các trẻ thơ mà bảo vệ các gia đình. Amen.

(còn tiếp) Bài 6: Lạy Chúa, Xin Ban Bình An Cho Con (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22737)

Kim Hà