PDA

View Full Version : L - Lòng Người Độc Ác (Bài 3)



Dan Lee
05-29-2008, 05:10 PM
Bài 3: Lòng Người Độc Ác


http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

Sau khi di cư vào miền Nam năm 1955, gia đình ông bà Bình Tâm ở Nha Trang được vài tháng thì gia đình lại theo đơn vị của ông Bình để đến Quy Nhơn. Các gia đình sĩ quan xúm nhau ở trong một cái trại dù lớn dựng lên trên một nền đất trống. Gia đình ông bà Bình lần này ở chung với người mẹ chồng.

Ông Bình vẫn lén lút ở với người vợ bé là cô Thanh. Bà Tâm nghe phong phanh chuyện chồng mình ngoại tình nên bà rất buồn. Ở nhà thì đau buồn nên bà gửi hai đứa con nhỏ cho bà mẹ chồng rồi đi theo người quen để buôn bắp cải từ vùng cao nguyên về bán ở Quy Nhơn để tìm khuây khỏa. Lúc ấy, bà đang mang thai đứa con thứ ba.

Có người thứ ba trong hôn nhân nên gia đình bà cứ lục đục như cơm bữa. Bà Tâm ngoài những lúc buôn bán vất vả thì ngồi đâu khóc đấy. Các bà hàng xóm, vốn là vợ các ông sĩ quan khác thấy vậy bèn xúm lại bàn tán và nói ra nói vào. Các bà xúi bà Tâm đánh ghen. Các bà thi nhau làm muối ớt để cho bà Tâm ném vào mắt tình địch. Bà khác thì cho mượn gậy, dao và kéo để cho bà Tâm đánh tình địch một trận”tơi bời lá liễu”. Có bà thì nghiến răng, nghiến lợi như thể muốn ăn tươi nuốt sống đương sự:

“Chị hiền quá, để cho nó qua mặt mình. Gặp tay tui thì chết thôi.”Lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Tui nhất định một ăn một thua với con thúi tha đó.”

Bà khác thì hùng hổ như nữ chúa rừng xanh sắp ra trận, bà ta trợn mắt rồi cung tay lên và nghiến răng trèo trẹo:

“Để tui giúp chị một tay. Tui sẽ nắm chặt tay con đó cho chị vả vào mặt nó, nếu cần thì mình mua át xít tạt vào mặt nó cho tàn đời nó luôn để nó bỏ cái tật giựt chồng người khác đi.”

Thế là cả đám đàn bà nhao nhao lên đòi đánh đấm tình địch của bà Tâm. Bà Tâm cảm thấy can đảm hẳn lên vì đám bạn tốt và đầy nhiệt tình. Cuối cùng cả bọn cỡ mười người hăm hở kéo nhau đi như những chiến sĩ thiện chiến nhất. Nhưng càng đến nhà ”con thúi tha” ấy thì cơn anh hùng của các bà càng nguội dần.

Đến đầu đường, các bà tự động dừng lại và nhẹ giọng xuống:

“Chị Bình à, nói thì nói vậy chứ đây là chuyện gia đình riêng của anh chị, tụi tui cũng ngại anh ấy mét chồng tụi tui. Nếu tới nơi mà anh ấy ở nhà nó thì tụi tui ”de”. Còn nếu anh ấy không có nhà thì cả bọn mình nhào vô”dộng”cho con đó một trận cho chừa cái thói giựt chồng người khác.”

Bà Tâm cũng cảm thấy mất nhuệ khí dần. Đến trước nhà cô Thanh, cả bọn đều thấy chiếc xe Vespa của ông Bình dựng ngay trước cửa lớn. Thế là không ai bảo ai, cả bọn ”dọt” lẹ, chỉ còn có bà Tâm đứng run rẩy một mình,”tiến thối lưỡng nan”.

Ông Bình nhìn ra thấy vợ, ông ta chạy tới rồi lớn tiếng gây gổ:

-Ghê nhỉ, ai xúi cô tới đây để biêu riếu tôi đấy? Có phải mấy con mẹ hàng xóm ăn không ngồi rồi đã bầy đặt cho cô đi đánh ghen đó không? Về ngay lập tức, tôi tát cho mấy cái bây giờ!

Vừa mắng vợ, ông Bình vừa giận dữ đá vợ như đánh đá một kẻ thù. Bà Tâm sợ chồng đến thất đảm. Bà ngậm tăm chịu đòn trong khi ông Bình đạp bà té lộn nhào mấy vòng. Lúc ấy cái thai trong bụng bà cũng vừa được bảy tháng. Cô tình nhân của ông Bình lại trở thành người chứng kiến tấm thảm kịch bi đát ấy.

Sau khi hành hạ vợ xong, ông Bình trở vào nhà mặc quần áo rồi phóng xe đi mất. Cô Thanh vội vàng chạy tới đỡ bà Tâm đứng lên rồi nhẹ nhàng dẫn bà ta vào nhà. Cô ta ra vẻ quan tâm, săn sóc và vỗ về người đàn bà mà cô đã nhẫn tâm quyến rũ chồng của bà ta. Vừa thút thít khóc, cô vừa đóng kịch một ả đào thương:

“Trời ơi, tội nghiệp cho chị, bụng mang dạ chửa lại còn bị đánh đập. Em nào có biết chị là vợ của anh ấy. Nếu biết anh ấy đã có vợ thì em đâu có lấy anh ấy để phá gia cang người ta. Em xin chị tha lỗi cho em. Chúng ta đều là đàn bà, nạn nhân của anh ấy cả. Thôi, chị lau nước mắt đi, chải lại đầu tóc đi rồi em đưa chị ra biển giải sầu nhé.”

Bà Tâm đang đau đớn vì sự tàn nhẫn của chồng, nay lại được người an ủi, cho dù là sự đóng kịch gỉa dối, bà đổi giận làm vui ngay. Bà phân bua như là đang tâm sự với người bạn cũ chí thân chứ không phải là kẻ tình địch mà bạn bè xúi bà xé xác nó:

“Đấy, cô xem thấy nhé, tôi đâu đã làm gì mà anh ấy thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với tôi. Khổ ơi là khổ! Chồng ơi là chồng! Sao trời không cho tôi chết phứt đi cho rảnh nợ. Sống mà bị hành hạ như thế này thì thà là làm ma còn sung sướng hơn.”

Thế là hai người đàn bà đang là kẻ thù bỗng trở thành bạn hữu. Cô Thanh vì là vũ nữ lão luyện nên ngón nghề tâm lý rất vững. Cô ta đóng kịch khéo đến nỗi bà Tâm đã rót ruột tâm sự hết mọi sự trong gia đình với cô nàng. Rốt cuộc, hai người dẫn nhau ra biển ngồi nói chuyện cả một buổi trời.

Bà Tâm rất dễ tin người và không giữ vững lập trường của mình. Bà lại rất dễ tha thứ và mau quên. Vì thế, bà đã bị nhiều người lợi dụng và lung lạc tinh thần bà.

Bà Tâm lại còn phải đối diện với sự hành hạ của bà mẹ chồng cay nghiệt hàng ngày, Bà cứ ốm dần, ốm mòn rồi bịnh lên bịnh xuống. Đến tháng chín năm 1955 thì bà sinh thêm một bé trai. Bà đặt tên con là Trần Vĩnh Phu, có nghĩa là ”Vĩnh biệt vũ phu” để nói lên nỗi lòng đau đớn không nguôi và sự bất hạnh cùng cực của bà trong cuộc sống lứa đôi đầy sóng gió và bão tố.

An lớn lên từ những cảnh xáo trộn trong gia đình. Nó trở nên im lặng và sống trong cô độc. Nó đã sớm biết tự lo cho mình để khỏi phải làm mẹ lo âu. Lúc ấy nó đang học lớp một ở một trường công. Bà giáo là một bà gìa rất dữ, bà ta luôn đánh đập học sinh và la mắng chúng. Một lần, khi An làm điều gì không đúng ý của bà giáo thì bà nổi cơn giận dữ, đuổi nó đi về rồi mắng nhiếc nó hết lời. Sau hôm ấy, lũ bạn của An ngày nào cũng đem nó ra để chọc và chế nhạo. An vì chịu không nổi sự nhục mạ nên về nhà khóc lóc với mẹ và nhất quyết không chịu đi học trường ấy nữa.

Vào một đêm sáng trăng, An tình cờ mặc một bộ đồ quần áo trắng để ra nhà một người hàng xóm chơi. Nó còn mang theo một khúc mía để ăn. Nào ngờ con chó của bác ấy tưởng con bé muốn dùng gậy đánh nó nên nó vùng lên nhảy xổ vào cắn An nơi bắp vế. Vừa đau và vừa sợ, An té xuống ngất xỉu tại chỗ. Khi nó tỉnh dậy thì chỉ thấy mẹ nó với khuôn mặt đẫm lệ và đầy vẻ lo lắng. Nó lên cơn sốt vì sức nó không chịu nổi những sự đau đớn và sợ hãi đến cực độ.

Lần khác, khi ba nó chở hai chị em đi xe Vespa trên cát biển. Xe mất thăng bằng làm cho An bị té mà ba nó không biết. Nó xỉu rất lâu. Khi ba nó về nhà không thấy con gái ở đàng sau, ông trở lại tìm và thấy con đang nằm bất tỉnh trên cát.

Những cơn biến động vẫn tiếp tục xẩy cho gia đình bé nhỏ này như những cơn sóng thủy triều đến và đi mà không bao giờ dứt.

LỜI NGUYỆN:

-Xin Chúa ban Thánh Tâm đầy lửa mến cho những người không thể yêu được và không biết thế nào là tình yêu chân chính.

-Xin Chúa tha thứ cho những kẻ đam mê bất chính mà còn hành hạ người khác.

-Xin Chúa thương xót mà bảo vệ các trẻ thơ vô tội.

-Xin Chúa chữa lành những vết thương lòng của các nạn nhân của thời thế, và của gia đình, và xin ban cho họ Tình Yêu bao la của Chúa. Amen.

(còn tiếp) Bài 4: Câu Chuyện Mùa Giáng Sinh (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22725)

Kim Hà