PDA

View Full Version : G - Ghen (Mái Ấm Gia Đình)



Dan Lee
05-21-2008, 10:08 PM
Ghen


Có phải hễ yêu là ghen? Ghen tức, hay “đánh ghen” có phải là cách thế tốt để duy trì tình yêu không? Bài này sẽ xét thực tế của sự kiện ghen tương, sau đó phân tích ghen vì chiếm hữu, những hình thức biểu lộ ghen tương, và nguyên nhân đưa tới ghen.

I. Thực Tế Ghen Tương

Vụ án O.J. Simpson là vụ giết người vì ghen. Nàng Nicole Brown Simpson, một thiếu nữ kiều diễm da trắng, có thật sự yêu chàng da đen O.J.? Hay vì chàng lừng danh quốc tế về thể thao? Hay “yêu” hàng triệu mỹ kim của chàng, chứ không yêu chàng? Nicole có hai con, nhưng tình tan rã vì hai người ly dị nhau. Khi bị giết, nàng đang ở với bạn trai là Ronald Goldman, nên Ronald cũng bị giết theo. Qua dư luận báo chí, tuy O.J. ly dị Nicole, thể chất xa lìa nàng nhưng tâm tư vốn gần gũi nàng. Như vậy là chàng yêu nàng mà nàng không yêu lại? Nên O.J. ghen? Có lần báo chí nói rằng O.J. uất ức thốt lên, đại ý: “Nếu Nicole không ở với tôi thì không ai được ở với nàng”. Nhiều nguyên nhân làm cho Nicole không yêu O.J. Nguyên nhân đó có thể tầm thường như trường hợp dưới đây:

Người vợ kia không sao yêu nổi chồng vì trong 10 năm, anh không đánh răng. Đã vậy, sáng thức dậy là phà hơi hôi thối vào mặt vợ. Anh lại lý luận rằng yêu nhau có thể chết cho nhau, nên không sợ vi trùng! Nếu anh cảm cúm, anh lại càng nằm gần chị hơn, để chi cảm cúm theo anh. Đã nhiều lần xảy ra như vậy, chị luôn van xin, nhưng anh không buông tha. Đã vậy, anh còn kết tội chị có tình ý với người đàn ông khác, nên mới hất hủi, khinh thường anh. Rồi anh tự động làm đơn ly dị. Chị tưởng yên thân. Nhưng anh theo dõi từng cử chỉ, từng nơi chị lui tới. Anh nói với bạn hữu tương tự như O.J. Simpson: “Nếu nó không ở với tao, thằng nào gần nó sẽ biết tay tao”. Rồi người chồng điên dại này ghen cả với em trai của vợ. Hai chị em ở chung một nhà. Lần kia, lấy cớ đến thăm con, anh cãi lộn với người em trai. Rồi đánh chị. Hàng xóm thấy huyên náo, điện thoại báo cảnh sát. Anh phạm tội đánh người có thương tích, và tội vào nhà bất hợp pháp, vì theo án ly dị, anh không còn là chồng nữa. Anh phải giam tù, nguyên nhân gần là vì hành hung, nhưng nguyên nhân xa là vì ghen.

Thí dụ khác, đó là một chị yêu chồng tha thiết. Đúng ra, chị muốn chiếm hữu để anh nô lệ chị, chứ không phải anh là chồng chị. Anh có khả năng điều khiển, nhiều kinh nghiệm trong việc dùng người, nên được hãng thuê làm giám đốc nghành nhân viên và phổ biến sản phẩm. Dưới quyền anh, có hàng trăm kỹ sư, nhân viên, cũng như chuyên viên kỹ thuật. Theo kỷ luật trong hãng, ai muốn vào tiếp kiến anh, cần điện thoại trước. Khi đến phải gặp thơ ký. Thơ ký báo cho anh. Anh chấp thuận, lúc đó có nhân viên dẫn tới phòng tiếp khách riêng. Phải nói rằng chị không yêu, mà chị điên rồ. Hàng ngày anh đi làm về là bị chị lấy khẩu cung, tra hỏi xem đàn ông hay bà đem cà phê cho anh? Cô nào hôn mà trán có màu hồng? Tại sao không thuê thơ ký là đàn ông mà là đàn bà? Lại còn lựa cô đẹp nữa? Anh trả lời “yes” cũng chết, mà trả lời “no” cũng chết. Sau nhiều lần, anh trở thành lầm lì, chẳng nói chẳng rằng. Chị lại càng ghen. Rồi chị tới hãng, bất chấp luật lệ, xồng xộc vào thẳng văn phòng của anh. Tuy mất thể diện với nhân viên, anh vốn còn bình tĩnh để ôn tồn hỏi: “Em có việc gì cần anh ngay?” Chị xấc xược: “Phải, tôi cần anh cho tôi biết con nào ở đây bỏ bùa anh, để anh quên tôi?” Sau vụ chị “đánh ghen” vì ghen bóng ghen gió này, liên tiếp mấy tuần anh không về nhà. Hàng ngày tan sở, anh đến ở nhà bạn. Anh nói với giọng chán nản: “Tôi sợ nàng”. Như vậy, ghen tương làm nàng chiếm được gì? Tâm hồn chàng? Thân xác chàng? Hay mất tất cả?

Thực tế là nhiều người ghen. Vụ án O.J. Simpson vì ghen. Người chồng vào tù vì ghen. Người vợ xồng xộc tới sở cũng vì ghen. Hình như ghen nằm sẵn trong máu con người. Vì vậy, ca dao tục ngữ nói: Ớt nào là ớt chả cay, Gái nào là gái chả hay ghen chồng?

Như vừa nhìn mấy trường hợp trên, không nguyên đàn bà ghen, mà đàn ông cũng ghen. Vậy đây là động lực thúc đẩy con người ghen? Tại sao Nicole Brown và bạn trai bị giết? Và nhiều câu hỏi tại sao, tại sao được đặt ra, như tại sao chồng không đánh răng, miệng thối, mà còn ly dị vợ? Tại sao vợ vào tận hãng nhục mạ chồng? Tại sao anh nhớ vợ, thao thức không ngủ, nhưng khi thấy vợ đi làm về, anh lại cộc cằn với vợ? Đâu là câu trả lời cho những tại sao, tại sao này? Tuy do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể quy tụ thành bốn nguyên nhân chính, đó là chiếm hữu, tâm lý sợ sệt, đời thơ ấu bất hạnh, và cuối cùng là bảo vệ tình yêu chính đáng.

II. Ghen Vì Chiếm Hữu

Chiếm hữu người yêu như một món đồ mình có. Nếu tôi có chiếc nhẫn hột xoàn, căn nhà, hay có món tiền, v.v., lúc đó tôi có quyền nâng niu, xử dụng, hay cũng có quyền liệng bỏ đi tùy ý. Tôi không phải hỏi ý kiến ai, cũng như không ai được xâm phạm đến vật dụng tôi có. Nếu ai vào nhà mà tôi không muốn, tôi có quyền ngăn cấm. Khi cấm mà còn cưỡng bức vào, tức là xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Nếu bị bắn chết, tôi không chịu tội.

Tình yêu vừa là chiếm hữu, vừa vượt lên trên chiếm hữu, cao thượng hơn chiếm hữu. Trước tiên, tình yêu là chiếm hữu, vì khi cưới xin, thề hứa chung thủy với nhau, thì người này thuộc về người kia. Có mẩu chuyện vui kể lại rằng nhà truyền giáo kia dạy sinh ngữ cho người thổ dân, để họ có thể học giáo lý bằng sách mới nhập cảng. Nếu ngài chỉ vào con sông và nói: “Con sông”, thì tất cả lập lại “Con sông”. Thầy trò vui vẻ thực hành như vậy khắp nơi, từ ngoài cánh đồng cho đến băng qua thung lũng. Khi tới ven rừng, thầy trò bắt gặp một cặp đang chăn gối trong bụi rậm. Nhóm thổ dân gặng hỏi: Gọi làm sao? Vị truyền giáo lúng túng, trả lời cho xong chuyện: Đạp xe đạp. Một thanh niên trong nhóm giương cung bắn người đàn ông. Vị truyền giáo hoảng hốt ngăn lại: Đừng bắn, có tội! Anh thanh niên tức tối trả lời: Nhưng nó đạp chiếc xe đạp của con!

Câu trả lời của anh thổ dân vừa đúng vừa sai. Đúng vì không được cướp vợ của người khác. Sai, vì vợ hay chồng không ngang hàng như vật vô tri, như chiếc xe đạp. Do đó, có thể hủy diệt đồ vật thuộc về mình, nhưng không được hủy diệt bản thân mình, hay hủy diệt bất cứ người nào, dầu người đó là con, là bạn, kể cả người mình ghen ghét. Được ngăn cấm việc làm xấu, nhưng không được giương cung bắn người làm điều xấu.

Điểm thứ hai chứng tỏ tình yêu không phải là chiếm hữu, vì trong chiếm hữu, chỉ có một phía có quyền xử dụng, còn phía kia bị xử dụng, chứ không được xử dụng lại người chiếm hữu mình. Chỉ phía người nuôi ngựa xử dụng ngựa, cỡi ngựa, dùng ngựa kéo xe, v.v., chứ ngựa không xử dụng lại người, bắt người “có đi có lại mới toại lòng nhau”, để ngựa leo lên lưng người, người kéo xe cho ngựa ngồi! Do đó, giữa người và ngựa không có tình yêu. Cùng lắm, chỉ có lòng thương, thương xót con ngựa nhiều năm phục vụ mình. Tuy cùng là người, nhưng trong chế độ nô lệ, người nô lệ “không có quyền xử dụng lại người chiếm hữu mình”.

Trên giấy tờ, ngày nay hết nô lệ. Nhưng trên thực tế, còn nhiều nô lệ. Ai độc tài, thì người đó đang bắt kẻ khác nô lệ mình. Mình nhân danh tình yêu để hủy diệt tình yêu. Nhiều cha mẹ lạm dụng giáo dục để đẩy con vào vòng nô lệ sự độc đoán của mình. Vợ nô lệ chồng, cũng như chồng nô lệ vợ. Hàng ngàn người làm công nô lệ ông chủ, nhất là nô lệ bà chủ. Nhiều chuyện ghen tương xảy ra vì con người nghĩ sai lầm về liên hệ vợ chồng, quan niệm rằng vợ chồng là “của” nhau. Tôi xử dụng vợ thay cái máy thái thịt. Như vậy, vợ ngang hàng với cái máy thái thịt mà thôi. Thay vì mua máy để thái thịt thì tôi “mua” vợ để vợ làm cơm thịt hầu hạ tôi. Máy nằm gọn trong tay tôi, nên vợ cũng nằm gọn trong tay tôi. Tôi ra lệnh cho vợ như ra lệnh cho máy. Trái lại, nhiều người vợ cũng cư xử độc tài với chồng. Nếu không thì không có những chuyện hài hước về chồng sợ vợ.

Tình yêu vượt lên trên sự chiếm hữu, vì tình yêu là nhân vị, còn chiếm hữu là vật vô tri. Không kính trọng vật vô tri, mà chỉ săn sóc vật vô tri để mình xử dụng được lâu dài hơn, ít trở ngại hơn. Nghĩa là mình săn sóc vật vô tri vì ích lợi của mình, chứ không vì ích lợi của đồ vật đó. Đây là lý do có người bị chê cười khi lệ thuộc đồ vật, thí dụ săn sóc chiếc xe quá đáng. Sợ hư xe, để con cảm sốt mà không dám dùng xe để chở con khi trời mưa. Có người ngang nhiên tuyên bố: Cho mượn vợ chứ không cho mượn xe. Trong trường hợp này, vợ thua vật vô tri.

Có câu chuyện vui, đó là một người chồng nghe tin vợ lái chiếc xe mới mua, bị tai nạn, phải vào nhà thương. Anh tức tốc đến thăm, vừa khóc vừa hỏi: “Em tự mở cửa xe ra được hay phải phá cửa xe?” Vợ trả lời: “Em lái xe đến nhà thương”. Anh reo lên: “Nghĩa là chiếc xe không bị hư hại gì?” Như vậy, người chồng này quý xe hay quý vợ? Đến nhà thương vì thương vợ hay thương xe?
Ít bữa sau, hai vợ chồng này đẩy con đi hội chợ. Đến chỗ đông người, có nhiều trẻ con cũng ngồi trên xe đẩy. Anh đánh tráo, đẩy chiếc xe không phải con của mình. Vợ hoảng hốt bảo: “Sao anh đẩy con người khác?” Anh trợn mắt nói nhỏ: “Chiếc xe này mới hơn!” Như vậy anh muốn giữ con hay giữ chiếc xe đẩy con?

Cần kính trọng nhau vì người này ngang hàng với người kia về địa vị làm người. Tôi là người lao công, anh có quyền sai khiến, nhưng không thể khinh bỉ nhân vị của tôi, vì chúng ta cùng ngang hàng địa vị là người. Với tư cách “là người” này (being a human), tôi có thể ngay thẳng, trong sạch, rộng lượng, v.v. Anh hơn tôi về vật chất, còn tôi hơn anh về lòng thương yêu đùm bọc nhau. Anh lạm dụng tôi, còn tôi che chở những người bị anh lạm dụng. Khi ghen, đa số không kính trọng nhau. Nghĩa là biến nhau thành đồ vật. Rồi cục súc với nhau như con vật. Ghen là ấu trĩ, non nớt, vì nếu mình coi người khác như đồ vật thì chính mình là đồ vật trước. Ai dìm người khác xuống là dìm chính mình.

Chị Thanh cưới anh Toán 15 năm rồi, nhưng chị luôn có mặc cảm là anh không yêu chị. Chị ghen, và ghen bệnh hoạn. Một đàng chị muốn chồng yêu chị; đàng khác, chị bắt bẻ chồng tớ mức dầu anh cố gắng yêu cũng không yêu nổi. Ngày mới cưới, chị nghi ngờ anh có tình nhân cũ. Mấy năm liền, hầu như ngày nào chị cũng hạch hỏi, điều tra xem trước khi lấy chị, anh hẹn hò với cô nào? Trong câu chuyện hàng ngày, nếu anh ấp úng, vụng về, thì chị kết tội vì tương tư người cũ, nên lú lẩn trí khôn. Nếu anh vui vẻ hoạt bát, chị lại kết tội là “đẹp trai, ăn nói có duyên”, dĩ nhiên nhiều cô mê. Tại sao không khai tên những cô đó ra? Lúc nào chị cũng có lý, còn anh vô lý. Sau này, khi đã có con, vì công việc làm, anh có nhiệm vụ giao tiếp với nhiều giới. Chị buộc anh phải bắt điện thoại song song, để ở nhà dầu anh nói chuyện với ai, chị đều có thể nghe được chuyện anh nói.

Có khi chị Thanh nhận mình bị bệnh, nhưng lợi dụng tình trạng bệnh này để hành hạ chồng hơn. Nghĩa là nếu chị sai lỗi, thì chị buộc anh phải tha thứ cho người bệnh. Còn nếu anh sai lỗi, thì chị kết tội anh có ẩn ý xấu, vì anh không bị bệnh như chị. Tức là chị luôn trắng án, còn anh lúc nào cũng có án treo. Chị yên lặng thì nhà êm đềm. Còn chị bới tội thì nhà inh ỏi như bị cháy. Mấy con lớn đều bỏ nhà lấy cớ đi học xa.

Trong công việc làm ăn, anh Toán có nhiều người thương mà cũng có nhiều người ganh tị. Những người ganh tị này biết tình trạng gia đình anh Toán căng thẳng, nên họ mượn tay vợ để hại chồng. Thật ra, họ hại cả hai vợ chồng và các con anh chị luôn. Họ rỉ tai chị Thanh rằng họ bắt được quả tang anh Toán ôm hôn người thơ ký trẻ đẹp. Từ hôm đó, chị Thanh hay bị nhức đầu, đau ngực. Trong giấc mơ ngủ đêm, chị hay ú ớ: “Mày là của tao ... Mày chết với tao”. Mấy bạn gái đến thăm, chị than van:

- Có ai có chồng quỷ quyệt như Toán không? Em thách đứa nào đụng đến Toán. Một là cả hai đều chết, hai là em hành hạ Toán đến không ngẩng đầu lên được thì thôi.

Cuối tuần nọ anh Toán ngủ ngày. Chị Thanh đến lay anh dậy:

- Nói, nói ngay. Anh thương con nào mà giấu em?
Vì trong tuần quá mệt mỏi nên anh ú ớ:

- Thương em.

Rồi anh ngủ thiếp đi. Tưởng như vậy là êm, không ngờ chị cuồng loạn vì ghen, miệng lẩm bẩm:

- Giết. Phải giết!

Chị vào bếp, lấy con dao phay, cứa cổ anh. Chị thanh toán anh vì ghen. Sau mấy tháng điều trị, may anh không chết. Toà án phán quyết chị phải vào nhà thương tâm trí lâu dài. Chị muốn có anh nên mất anh, và mất chính mình.

III. Ghen Vì Sợ Trống Rỗng

Tại sao tôi sợ mất tiền, mất nhà, mất vợ, hay mất chồng? Nếu mất, thì tôi hạnh phúc hay đau buồn? Vậy nguồn hạnh phúc từ trong tôi mà ra hay từ bên ngoài đi vào? Ở đây để tìm hiểu việc mất hạnh phúc biểu lộ ra ngoài thế nào, rồi xét tới nguyên nhân trống rỗng, làm người ghen tương mất hạnh phúc.

a. Hình thức biểu lộ tâm trạng trống rỗng:

1. Phập phồng lo sợ.

Người ghen là người không bình an. Tâm trí người này tưởng tượng ra những tai hại không có thật. Sự nghi ngờ len lỏi vào cả những cử chỉ vô tội nhất của người phối ngẫu. Vợ chưa ra khỏi nhà chồng đã tưởng như có đàn ông rình rập ngoài ngõ. Cũng vậy, chồng còn đi trên đường tới sở, vợ đã vẽ ra trong tâm trí hình ảnh cô thơ ký tươi cười chào hỏi chồng, lại nhõng nhẽo hỏi: “Tội nghiệp anh bị lạnh, để em lấy cà phê sữa cho anh nhé?” Có người vợ đang làm may, khi tưởng tượng như vậy, nàng toát mồ hôi. Nhấc ngay điện thoại lên để “đánh ghen”. Điện thoại reo. Reo hoài. Không ai trả lời. Buông điện thoại xuống, chị tự hại mình, bằng cách tưởng tượng rằng chồng đến sở, chưa có ai, trừ cô thơ ký và chồng. Rồi tưởng tượng rằng hai người đang du dương ở góc phòng nào đó. Trong tưởng tượng này, chị đi đến việc làm thật, đó là chị run lẩy bẩy, lại nhấc điện thoại, gọi chồng nữa. Cả sở bị náo loạn vì những cú điện thoại phập phồng lo sợ của chị.

Tình yêu chân thật không lo sợ mất người yêu. Yêu thì không sợ. Chỉ yêu chân thật khi mình có cái gì để cho người yêu, chứ không vì mình thiếu thốn, nên phập phồng sợ người yêu không cho mình. Yêu là cho trước, nhận sau. Và vốn yêu khi không nhận lại gì. Khi sợ thì không yêu. Sợ sệt là yêu mình chứ không yêu người, kể cả Chúa. Nếu sợ Chúa, lúc đó muốn mình không bị khổ, nhất là không bị khổ hỏa ngục, chứ không yêu Chúa. Vì Chúa vốn yêu, nên Chúa cho mình gần Chúa, lên Thiên Đàng.

Thật ra không thể tránh hết mọi phập phồng lo sợ, vì con người có giới hạn không thấu suốt mọi việc xảy ra, nên mình sợ mất tình yêu. Nhưng yêu là liều lĩnh, là đánh canh bài lớn, canh bài cả cuộc đời mình. Đã gọi là canh bài thì có thể thắng, cũng có thể thua. Phải đủ can đảm và bình tĩnh nhận cả lúc thua cuộc. Nếu không sẽ điên. Thực tế có nhiều người điên vì không can đảm nhận cả hai mặt của canh bài yêu thương. Yêu là yêu một người có tự do như tôi. Có trái tim vui buồn, lên xuống như tôi. Có thể thay đổi như tôi. Sáng thấy yêu, trưa thấy tức. Tức người, và tức cả Chúa. Tôi giật mình phập phồng, không ngờ lòng nhen nhúm ý nghĩ không tốt như thế. Nên tôi ý tứ kiểm điểm, để giữ vững lập trường, giữ vững tình yêu.

Yêu tương tự như lái xe. Lái mà phập phồng sẽ mất thăng bằng. Nhưng sự mất thăng bằng này giúp điều chỉnh lại tay lái. Cũng vậy, phập phồng giúp tự vấn lương tâm. Theo nghĩa này, phập phồng chứng tỏ mình yếu kém, nên mình tự tư sửa để hấp dẫn bạn trăm năm hơn. Nhưng sự phập phồng khi ghen không đưa đến tu sửa mình, mà chỉ đưa đến chiếm hữu, đổ lỗi, và hành hạ người mình ghen. Khi ghen vì phập phồng lo sợ, sự ghen này biến thành ghen ghét. Ghét nhau thì không thể yêu nhau. Điều mâu thuẫn ở đây là khi muốn giữ tình yêu thì lại giết chết tình yêu, làm cho bạn trăm năm dầu muốn yêu, cũng không yêu nổi mình.

2. Thần kinh căng thẳng.

Sợ người khác bỏ mình vì mình thiếu thốn, nghĩa là lòng mình trống rỗng. Mình giống như một hố sâu, cần người khác nằm gọn trong đó để hố sâu cao lên, để mình thấy đời có ý nghĩa, dễ mỉm cười. Nhưng ghen là hành hạ, là đạp chìm người xuống, bằng cách uất ức, rồi la lối người mình đang nương tựa để lấp hố sâu trống rỗng trong lòng mình. Nhưng khi làm cho đời người khác hết ý nghĩa thì đời mình cũng không còn ý nghĩa nữa. Và khi đời mình không còn ý nghĩa thì mình không thể mỉm cười, lại thành như loài rắn độc, phun nọc độc cay đắng lên người mình cần nương tựa. Ghen trong trường hợp này đưa đến hậu quả là thần kinh căng thẳng, tâm lý mất quân bình.

Mâu thuẫn này đưa tới mâu thuẫn khác. Đó là mình ghen nên thần kinh căng thẳng. Rồi vì thần kinh căng thẳng, nên lại càng ghen hơn. Càng ghen, thần kinh lại càng căng thẳng, v.v. Rồi ý chí yếu dần. Khi ý chí yếu, mất tự chủ, mà lại ghen sẽ dễ liều lĩnh. Giai đoạn này người ghen dễ trở thành táo bạo, mất sáng suốt. Thật ra, trí khôn vốn sáng suốt trong việc tìm mưu kế để triệt hạ địch thủ, nhưng nó mù quáng, không còn theo được lương tâm bình tĩnh nhẫn nhục. Lúc quá căng thẳng, sự điên rồ chót có thể xảy ra. Sự điên rồ này là khi muốn lấp đầy sự trống rỗng thì lại tạo ra sự trống rỗng hoàn toàn, tức là giết người mình cần nương tựa, rồi giết mình. Nhiều án mạng ghê rợn xảy ra vì thần kinh căng thẳng khi ghen. Do yêu mà trở thành bình tĩnh, nhưng cũng do yêu mà trở thành quẫn trí. Vậy điều cần thiết không phải chỉ là yêu, mà là yêu sáng suốt.

3. Những giấc mơ sợ hãi.

Mơ ban đêm là phản ảnh của tiềm thức ban ngày. Nhiều điều xâm chiếm tình cảm và lý trí, nhưng vì chúng sái lương tâm, nên mình dồn nén, cố xua đuổi, “quên” chúng đi. Nhưng nếu không có ý nghĩ và việc làm khác thay thế, thì những tư tưởng dồn nén kia vốn còn nguyên đó. Trong trường hợp này, càng muốn quên thì lại càng nhớ, cũng như càng muốn ngủ lại càng tỉnh. Vì tiềm thức vốn nhớ nên chúng xuất hiện trong ban đêm. Xuất hiện mà không có lý trí để tổ chức, xếp đặt hệ thống, nên giấc mơ thường lộn xộn, gắn việc mới vào việc cũ, đàn ông thành đàn bà, con gà thành cái xe, v.v.

Áp dụng vào trường hợp mơ vì ghen, giấc mơ này không thể tốt đẹp, vì căn bản của ghen là xấu, là thiếu kém, là tiêu cực. Nếu ai ban ngày ghen, nhưng ban đêm còn ngủ yên giấc, thì tình trạng ghen chưa quá căng thẳng. Trái lại, nếu ai ban ngày nói cười, làm ra vẻ bình tĩnh, “chuyện ấy chẳng đáng kể gì đối với tôi”, nhưng ban đêm mơ những hình ảnh sợ hãi, thì những giấc mơ này là gương chiếu hậu, soi cho thấy tâm tình đích thực của mình. Nếu ngụy biện chối lỗi rồi đổ lỗi cho người khác, lúc đó dễ mơ sợ hãi. Trái lại, nếu khiêm nhường nhận lỗi nơi mình và thành thật nhận điều hay nơi người, lúc đó sẽ dần dần tin cậy lại nhau. Ngủ bớt giật mình. Không mê sảng. Hay nếu mơ thì mơ điều vui hơn.

4. Vui buồn bất thường.

Người ghen là người tự làm khổ mình. Người này mâu thuẫn vì ghen là yêu. Mà yêu là muốn cho mình hạnh phúc vui vẻ. Nhưng không ai vui vẻ, trái lại chỉ đau khổ khi ghen. Tâm lý người ghen lên xuống bất thường, vì người này sống theo tình cảm chứ không theo ý chí. Nếu “ghen theo ý chí”, lúc đó không phải là ghen, mà là “tìm hiểu bằng chứng xác thực của kẻ phản bội”. Người tìm hiểu là người bình tĩnh, ăn ngủ điều hoà, phản ứng quân bình. Còn người ghen vì tâm hồn trống rỗng sẽ phản ứng tương tự con chó con. Nó gặp cái gì là gặm cái đó. Chưa gặm đã bỏ. Chưa bỏ cái này đã gặm cái khác. Người ghen bồng bột cũng vậy. Người này vừa nghe ai nói rằng bắt gặp bạn trăm năm đứng với kẻ này, tươi cười với người kia là uất ức phản ứng như sắp hoả hoạn tới nơi. Người này muốn bạn trăm năm cười với mình, nhưng mình không cười, mà cũng không cho bạn có cơ hội để cười. Cười thì bị kết tội là gặp tình nhân nên mới vui. Không cười thì bảo rằng không gặp được tình nhân nên thất tình. Cười cũng chết, không cười cũng chết. Nhưng người đau khổ trước tiên là người ghen, sau đó mới đến người bị ghen.

Mâu thuẫn nữa, đó là người ghen là người muốn giữ người yêu ở lại với mình, nhưng nếu người yêu tức là bạn trăm năm được điều gì tốt đẹp thì mình lại ghen cả với điều tốt đẹp đó nữa. Thí dụ bạn được người khác ngưỡng mộ, có tài ăn nói, cư xử đường hoàng, hoặc là công việc làm tốt, hoàn cảnh gia đình nề nếp, v.v. Vì ghen với sự thành công này nên tức tối khi bạn được ngưỡng mộ khâm phục. Người ghen là người nói rằng không ưa nịnh hót nhưng nếu ai nói sự thật thì người này oán hận và nhớ lâu. Trái lại, ai khen thì cho rằng người đó là người hiểu mình. Người này vui buồn bất thường vì lệ thuộc vào lời khen chê, những tin đồn thất thiệt bên ngoài. Họ bị bệnh tâm lý, vì họ thích khen nhưng miệng lại nói rằng ghét người nịnh hót.

Việc trống rỗng, vui buồn bất thường đưa đến hậu quả là người ghen tương dễ ngụy biện. Nếu họ tiếp xúc với đàn ông hay đàn bà khác, thì lý luận rằng đó là xã giao tự nhiên, được phép làm. Nhưng nếu bạn trăm năm cũng tiếp xúc tương tự như vậy, thì họ lên án là có tình ý ngang trái. Đây là nguyên nhân của nhiều cặp vợ chồng chưa dứt tiếng cười với nhau, đã to tiếng cãi nhau.

5. Thân xác bệnh hoạn.

Nhiều chứng bệnh bắt nguồn từ sợ sệt vô cớ. Người sợ sệt là người không có lập trường, không biết mình muốn làm gì. Người này lệ thuộc khung cảnh bên ngoài. Nếu bên ngoài vui vẻ, thì người này ăn ngủ được. Nếu điều kiện bên ngoài bất lợi, thì người này bệnh hoạn, mất ăn ngủ. Nói khác đi, người sợ sệt là người trống rỗng bên trong. Vì mình trống rỗng nên mình lấy bạn trăm năm để lấp đầy khoảng trống này. Mình làm ra vẻ như mạnh bạo, hung hăng, nhưng đích thực lòng mình nôn nao, dễ hồi hộp lo sợ. Tình trạng hồi hộp này đưa đến các bệnh thể xác. Thí dụ như nhức đầu, đắng miệng, đau ngực, toát mồ hôi, mờ mắt, trí khôn lú lẩn, làm việc gì thì quên cái này sót cái nọ, v.v.

Anh Tri là một kỹ sư trẻ tuổi. Khi học để lấy cử nhân toán lý hoá, anh được tổng thống điện thoại chúc mừng, vì anh là sinh viên ưu tú toàn quốc khi ra trường. Anh cưới người con gái làm xướng ngôn viên đài truyền thanh. Cô đẹp, ăn nói duyên dáng, giao thiệp với nhiều giới. Cô hay nói chơi vui vẻ, còn anh ít nói, lại hay bắt bẻ lời nói của cô. Vợ chồng sinh được ba con, cháu lớn 9 tuổi, cháu thứ hai 7 tuổi, và cháu nhỏ 5 tuổi. Anh Tri lôi kéo ba con về liên minh với mình để nói xấu mẹ. Trước anh còn ghen ít, sau anh ghen tới mức vào bàn giấy của chị, nếu thấy tờ giấy soạn thảo tin tức nào màu hồng, anh cũng kết tội là chị có tình ý với ai đó, nên dùng màu hồng để “điện tín” cho nhau! Có đêm anh Tri “lấy khẩu cung” bắt chị khai trong ngày gặp những ai, nói chuyện gì, đi ra khỏi văn phòng mấy lần, người ngồi cùng xe là đàn ông hay đàn bà, v.v. Cả hai vợ chồng đều mất ngủ vì anh Tri ghen. Dần dần anh bị tức ngực, ho gằn từng tiếng. Vào sở làm, anh bơ phờ như xác không hồn. Hãng sa thải vì những tính toán của anh sai quá nhiều. Anh Tri thông minh, nhưng vì lòng trống rỗng, nên anh ghen tương sợ sệt. Sự ghen tương này làm anh mất sáng suốt, và mất việc.

b. Nguyên nhân đưa tới trống rỗng.

Đã nói tới nguyên nhân khi nêu lên những hình thức ghen tương. Ở đây nhìn kỹ hơn vào một số nguyên nhân, thí dụ như lòng trống rỗng vất vưởng, lệ thuộc bên ngoài, không có giá trị bên trong, niềm tin yếu ớt và kiêu ngạo trá hình, khi cho rằng mình hơn người là lúc mình kém người.

1. Lòng trống rỗng, vất vưởng.

Khi nói “lòng trống rỗng”, nghĩa là người này có mặc cảm, nhìn mình thấp kém (low self esteem), thua kém người. Do nguyên nhân nào mà một người nhìn mình thấp kém? Có nguyên nhân từ khi mới sinh, từ khi hẹn hò cưới nhau, và có nguyên nhân do hoàn cảnh hiện tại đưa đẩy tới.

- Nếu một người sinh ra do cha mẹ nghèo khổ, thất học, hay bị tàn tật từ nhỏ mà nay lấy người chồng hay người vợ sinh ra do cha mẹ trưởng giả, có ăn học, hay có địa vị trong xã hội, thì người này dễ mặc cảm. Có người chồng kia mồ côi từ nhỏ, đi bán bánh chưng với dì ngoài chợ, nhưng thông minh. Nhờ di cư ra nước ngoài, anh len lỏi buôn bán thành công. Rồi anh về lại quê nhà, tìm hiểu nhiều cô gái, và cưới một cô thuộc loại “công tằng tôn nữ”. Dăm tháng đầu khi mới bảo trợ đoàn tụ, thì anh chỉ dẫn những cách thức sinh sống cho vợ. Sau đó chị cư xử đường hoàng khoan thai, nhưng anh thuộc loại người cộc cằn thấp kém. Vì ghen với giòng máu bẩm sinh của chị, anh đi tới bệnh hoạn quá đáng. Lần kia ăn cơm, tuy nhà có bàn ghế “khảm xà cừ”, nhưng anh buộc chị ngồi xuống đất, miệng anh vừa nhau nhồm nhoàm vừa quát: “Tao ngồi ăn như vậy từ ngày còn bé. Tại sao bây giờ bày vẽ để khinh bỉ tao?” Vì ghen tương với quá khứ của chị, nên anh thương chị mà làm khổ chị.

- Mặc cảm từ khi hẹn hò là nguyên nhân thông thường hơn để hai vợ chồng ghen tương nhau. Mặc cảm này xảy ra khi một người phải theo đuổi người kia, trong khi người kia có nhiều người theo đuổi cùng một lúc. Trong hoàn cảnh này, một người thuộc vế trên, còn một người thuộc vế dưới bị lép vế. Người vế dưới sẽ có mặc cảm nếu người vế trên thiếu hiểu biết, và nếu người vế dưới không sáng suốt để mang lại quân bình trong đời sống riêng tư. Nói “đời sống riêng tư”, vì có người thành công ngoài xã hội nhưng thất bại trong đời sống tình cảm vợ chồng.

Chị Thanh cưới anh Tâm khi anh là phi công. Một phi công Việt Nam khi xưa là vì sao sáng cho nhiều cô theo đuổi. Thật ra, anh Tâm làm quen với chị Thanh trước. Nhưng vì mặc cảm nên chị cho rằng anh bố thí tình cảm cho chị chứ không yêu chị. Bị ám ảnh giữa thương hại và thương yêu, dần dần chị cho rằng mình thấp kém hơn các cô gái khác. Chị ghen với họ bằng cách đay nghiến Tâm. Thay vì chứng tỏ mình đủ khả năng mang lại hạnh phúc thì chị cho Tâm thấy chị thua kém trống rỗng. Rồi chị chán nản buông xuôi, không trang điểm, nên trở thành trống rỗng về cả nhan sắc. Thanh không còn gì hấp dẫn với Tâm. Đây là cách ghen giữ chồng hay mất chồng? Nhiều người chồng mất vợ cũng vì cùng một cách ghen tương tự.

- Hoàn cảnh hiện tại càng dễ tạo ra mặc cảm thua kém hơn nữa. Ông Xuân trước đây là giám đốc sở kiểm tra. Ông ăn hối lộ, nên mua biệt thự tại Đà Lạt cho bà lớn, biệt thự khác tại Vũng Tàu cho bà nhỏ, v.v. Di cư ra nước ngoài, ông mặc cảm đến mức không giao tiếp với ai, kể cả bạn thân khi xưa. Trái lại, vợ ông là người biết thích ứng với hoàn cảnh. B à càng giao thiệp thì ông càng co mình vào vỏ sò. Ông cô đơn, trống rỗng. Ông lại không làm ra tiền. Tiền bạc trong nhà do tay bà làm ra. Đã vậy, ông còn ghen tương. May cho ông vì bà chung thủy. Bà là người hiếm có, vì ông bệnh hoạn lại còn đánh bà và bị cảnh sát cấm không cho ở chung nhà, sợ ông tiếp tục đánh bà. Vậy mà bà không bỏ ông.

2. Lệ thuộc bên ngoài.

Người lệ thuộc bên ngoài là người giữ mẽ, sợ mất mặt. Trong lòng trống rỗng nhưng bề ngoài làm ra vẻ tự tin, như mình có đủ khả năng tinh thần cũng như vật chất. Điều mâu thuẫn là ai “không có mặt” lại càng sợ mất mặt. Người này trong lòng nhỏ mọn, xét nét, nhưng đóng kịch làm như mình quảng đại, rộng rãi. Người này ghen với bạn trăm năm và ghen với bất cứ ai tỏ ra hơn mình. Một câu nói, hay một cử chỉ, cũng đủ làm cho người này vui. Nhưng khoảnh khắc sau, nếu ai lỡ lời, người này có thể nổi nóng tới điên khùng rồi làm lớn chuyện.

Một người vợ khoe với chị em rằng mình quảng đại với chồng, để anh làm gì tùy ý. Chính chị mua cho anh chiếc áo xơ mi màu hồng. Lần kia nhà có khách, ngoài mấy cặp vợ chồng cùng lứa tuổi, có thêm ít cô độc thân vui tính và thích hát “karaoke”. Chồng vô tình mặc chiếc áo màu hồng. Sau bữa ăn, anh hát chung với một cô, cũng vô tình trùng áo màu hồng. Trước mặt bạn bè, chị làm ra vẻ như chiều chồng, anh được tự do vì chị là người quảng đại “không chấp ba cái lẻ tẻ”. Miệng nói thế nhưng đêm đó, chị “lấy khẩu cung” anh từ 11 giờ khuya đến 3 giờ sáng. Mấy lần anh ngủ gục, chị lay anh dậy để “tiếp tục làm việc”. Chị dựng đứng lên: “Em biết anh có tình ý với cô ta từ lâu”. Rồi kết luận: “Nói thật đi, anh mua áo hồng đó cho cô ta bao giờ?” Anh vặn lại: “Em lấy bằng chứng nào buộc tội anh?” Chị lồng lộn: “Nếu anh không có ý gian thì không hạch hỏi em như vậy!” Chị hạch anh, nhưng lại xoay ngược thế cờ lên án anh hạch chị. Càng trả lời chị càng buộc tội, và càng có lý do để tấn công anh hơn. Qua kinh nghiệm mười mấy năm chung sống, anh yên lặng để chị “muốn nói gì thì nói”. Nói hoài, mệt nhoài, chị vừa nói vừa ngủ. Anh chỉ mong có thế để yên thân.

Nhiều cảnh ghen không ngờ. Thí dụ chị Mẫu ghen với mẹ ruột vì chị cho rằng mẹ chiều chồng là con rể hơn chiều chị. Anh Phụ ghen với cha vì anh cho rằng cha chiều vợ là con dâu hơn chiều anh. Hay trường hợp anh Bằng cãi nhau với chị Hữu vì hai người ghen với bạn hữu của nhau, v.v. Nếu lòng con người trống rỗng, bám víu vào bên ngoài, lúc đó con người sợ mất chỗ bám víu, mất phao cấp cứu, nên con người hành hạ mình vì ghen tương.

h. Không có giá trị bên trong.

Giá trị ở đây là một lý tưởng, một say mê chính đáng, hay một điều làm cho mình thích thú, thấy đời có ý nghĩa vui tươi. Nếu có niềm vui bên trong thì mình sẽ bớt lệ thuộc niềm vui bên ngoài. Trong đời sống hôn nhân mình sẽ bớt hạch hỏi ghen tương. Nói khác đi, nếu tình yêu bớt ích kỷ lúc đó sẽ bớt ghen tương.

Anh Thuận làm ra tiền và thích chị trang điểm. Nhưng anh có khuyết điểm của nhiều đàn ông, đó là muốn vợ đẹp mà không muốn ai nhìn ngắm vợ. Nếu vô tình chị khen người đàn ông nào hay người đàn ông nào khen chị thì khổ sở cho chị và cho người đàn ông đó. Đúng ra khổ sở cho bản thân anh Thuận nhiều hơn. Có lần anh chửi mắng một người bắt tay và nói chuyện đường hoàng với chị. Người này kêu cảnh sát. Anh vừa đau đớn vì nhục nhã, vừa đau đớn vì phải vào tù. Toà án buộc anh tham dự những buổi hướng dẫn về gia đình. Nếu không, anh bị cấm không được sống cùng nhà với vợ con. Lúc đầu anh rất uất ức nhưng dần dần anh chấp nhận. Rồi anh say mê tham gia việc nâng đỡ các gia đình có trắc trở trong việc thông cảm giữa cha mẹ và con cái. Bước tiến này đưa tới bước tiến khác. Đó là anh thêm thói quen đọc sách báo rồi hăng say chia sẻ kinh nghiệm trong những cuộc họp hàng tuần. Điều này phù hợp với sở thích của vợ anh, nhờ vậy hai người trở lại thuận hoà.

Giá trị bên trong có thể hiểu theo nghĩa rộng, tức là có đam mê, hay có sở thích chính đáng nào đó. Một ông nọ khi còn ở quê nhà, làm công chức hạng cao. Ông nổi tiếng trong vùng về hai điều trái ngược nhau, đó là ông ghen với vợ cả, nhưng lại có nhiều nhân tình. Ông chia tim cho bao nhiêu người cũng được nhưng vợ ông không được chia tim cho ai. Đi di cư một mình, lúc đầu ông buồn nản, lang thang trác táng. Sau nhờ gặp người bạn ham đi câu, ông đi câu theo. Lòng ông không còn trống rỗng, trái lại tràn đầy thích thú đi câu. “Lý tưởng câu cá” dẫn dắt ông về lý tưởng gia đình, tức là ông làm giấy bảo trợ vợ và năm con sang đoàn tụ.

Không có giá trị bên trong là nguyên nhân thúc đẩy con người ghen tương. Còn khi có giá trị bên trong, con người có thê vươn tới đại cuộc như cánh chim phượng hoàng bay bổng, không giống như đàn gà thiển cận, chỉ bới móc những dun dế hôi tanh, sà sà mặt đất. Phải chăng đó là trường hợp của nhà đại cách mạng Nam Phi, ông Nelson Mandela? Hơn 20 năm tù đầy, khi được giải phóng ông trên 70 tuổi. Nhưng tâm trí sáng suốt, dáng vóc khoẻ mạnh. Tuy nhiên, không biết người vợ trẻ có chung thủy hay không? Trong mấy chục năm kẻ tù đầy, người tự do, con tim của bà ra sao? Nhờ sống với lý tưởng bên trong, nên ông không băn khoăn ghen tương. Trái lại, ông còn bị ngãng trở vì tình duyên bất trắc, đó là bà Winnie Mandela lộng hành, tới mức lập đảng biệt lập với chồng. Chống đối chồng về tình cảm đưa tới chống đối về chính trị. Giá trị bên trong giúp ông giảm bớt ghen tương, hay không còn ghen tương, nhất là giúp ông kiên trì phấn đấu trước những khó khăn hàng ngày.

4. Niềm tin yếu ớt.

Người đạo đức hời hợt dễ ghen hơn người đạo đức chân thật. Người chân thật ít nói về việc đạo đức mình làm. Trái lại, người đạo đức hời hợt hay khoe khoang nói nhiều. Vì vậy, người ghen thường là người nói nhiều, nói để tấn công người đạo đức chân thật. Trong xã hội kèn cựa này, người đạo đức là người thiệt thòi, vì nếu họ lỡ lầm lúc đó họ bị lên án là đạo đức giả. Còn nếu người khác lỡ lầm, họ bị hạch hỏi: “Tại sao đạo đức mà không tha thứ cho người khác?” May mắn, trong xã hội còn có người vững niềm tin trước những oan trái, nên nhiều cảnh ghen tương được hàn gắn, nhiều cặp vợ chồng chưa đi tới tan nát.

Bà Thương trở lại đạo khi lấy ông Mến là người đạo gốc. Ông Mến ở trong tình trạng “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Ông giữ đạo máy móc theo hình thức bên ngoài, vì sau khi chịu phép Thêm Sức lúc 12 tuổi, ông không học hỏi thêm về chiều sâu bên trong. Đạo đối với ông là những nghi lễ bên ngoài, là một Thượng Đế khó tính, luôn xét nét để làm phiền phức con người. Ông sợ Thượng Đế phạt chứ ông không cảm nghiệm thấy Thượng Đế thương yêu. Trái lại, bà Thương học giáo lý hơn hai năm trước khi trở lại đạo. Bà lại học đạo với một vị uyên thâm và cở mở. Trong hai năm này, ông Mến chở bà tới chỗ học đạo nhưng ông không vào học mà lấy cớ “biết hết rồi”, nên đi vòng vòng bên ngoài để đợi bà.

Sau khi cưới, ông Mến không mến đạo mà ghen với đạo, vì ông lên án bà Thương chỉ thương Chúa chứ không thương ông. Ông muốn làm gì bà cũng khuyên ông hy sinh. Ông kết tội bà hy sinh cho Chúa mà không hy sinh cho ông. Chưa đủ, sau này ông Mến thấy bà Thương làm việc bác ái tại nhà thờ, có cả đàn ông lẫn đàn bà, ông đổ tội rằng bà Thương cũng không thương Chúa mà lợi dụng làm việc bác ái để phản bội ông. Ông tự ti mặc cảm đầy đoạ mình nói với bạn bè rằng: Vì ở với nhau đã lâu, bà không còn thấy ông hấp dẫn, trong khi đàn ông khác hấp dẫn hơn, nên bà tìm cách xa tránh gia đình, nhất là tránh ông. Trước những tấn công dồn dập của chồng, bà Thương đau khổ nhưng nhờ niềm tin sắt đá và nội tâm vững mạnh, bà vui chịu những điều chồng tưởng tượng ra để hành hạ bà.

5. Kiêu ngạo trá hình: Khi cho rằng mình hơn người là lúc mình kém người.

Người kiêu ngạo là người không nhận mình có lỗi, nên cũng không nhận mình ghen, hay nếu nhận mình ghen thì luôn nói “tôi ghen có lý”, người khác dồn tôi vào bước đường cùng. Nghĩa là tôi ghen, nhưng người khác có tội. Người bệnh tâm lý là người không nhận mình có bệnh. Người bệnh nặng, có khi nguy hiểm vì giết người khác hay giết mình, là người “không được ăn thì đạp đổ”. Tôi đổ nên vợ con tôi và người dính líu đến vợ con tôi hay người dính líu đến chồng tôi, tôi sẽ cho “đi tàu suốt”, để tôi rửa mặt đất hết gian phu dâm phụ. Tiếc rằng mặt đất không hết điều xấu, mà đất thêm điều xấu xa, vì đất phải thấm thêm máu do tôi gây ra.

Ông Thiên khéo tay, làm nghề chạm trổ vàng bạc, hột xoàn, v.v. nên ông có tiền. Nhưng gia đình nhiều xáo trộn, do tính tự kiêu của ông. Khi di cư ra nước ngoài, ông đi làm ngay, vì nghề vàng không phải học lại. Còn bà khi xưa làm kế toán nên đi học lại hai năm đại học. Tuy nhiên, ông luôn nói rằng ông giỏi hơn bà. Bà làm điều gì cũng thiếu kinh nghiệm, còn ông làm điều gì cũng có kinh nghiệm. Và ông vốn cho rằng mình học nhiều hơn vợ. Thực ra, không phải khi xưa ông học cao hơn mà vì ông thi rớt nên học lâu hơn, còn bà thi đậu nên học nhanh hơn. Những điều bà học tại nước tân tiến này, vì tự ái, ông không nhắc tới. Bà làm trong hãng lớn, được mời tham dự thuyết trình tại những khách sạn sang trọng, nhưng không dám nói với ông vì ông đã không nâng đỡ hãnh diện mà còn dìm bà xuống. Bà đau khổ hơn nữa, vì nếu ăn mặc xuề xoà thì ông bảo bà khinh ông. Nhưng nếu ăn mặc trang nhã, thì ông kết tội bà muốn lôi cuốn đàn ông khác. Gia đình xáo trộn vì ông tự ái nên ghen tương.

IV. Ghen Vì Đời Thơ Ấu Bất Hạnh, Và Ghen Để Bảo Vệ Tình Yêu.

Đời thơ ấu bất hạnh do nhiều nguyên nhân, và đưa tới những hiệu quả trái ngược nhau. Thí dụ: Marylin Monroe mồ côi từ nhỏ. Lớn lên, cô đẹp. Điều đáng ca ngợi là cô thương người, nhất là thương trẻ mồ côi như khi xưa cô mồ côi. Điều đáng tội nghiệp là cô lừng danh quốc tế về thân hình đẹp, nhưng cô vốn là con mồ côi. Điều đáng trách là cô muốn bất tử, muốn là thần tượng bất hủ của thân hình đẹp, nên cô không đủ can đảm sống đến khi thân hình tàn phai. Cô muốn bất tử nên cô đã tự tử vào tháng 6 năm 1962.

Nhiều người còn cha mẹ mà đời thơ ấu bất hạnh, thí dụ, cha mẹ nghèo, cho con để người khác nuôi. Hay cha mẹ trước đây cưới xin không hạnh phúc, nay trút những uất ức xưa lên các con, nhưng thương các con không đồng đều. Hay là cha đã có vợ trước, nay lấy mẹ mình mà mình đã mất cha, nghĩa là mẹ ghẻ con chồng, hay cha ghẻ, v.v. Trường hợp thông thường là cha mẹ giận dữ, luôn cãi nhau, ly dị, con không biết ở với ai.

- Tại sao cha mẹ không hạnh phúc, nhất là không hạnh phúc trong đời sống chăn gối, lại làm cho con ghen tương khi lớn lên, lập gia đình? Nói “không hạnh phúc”, nghĩa là người này uất ức, cay đắng, hay là nghi ngờ người kia. Trong lòng man mác buồn, mà không biết buồn về chuyện gì. Có lúc muốn gây gỗ, muốn phá đổ tất cả, nhưng không kiếm được lý do để gây gỗ. Tuy bề ngoài cười nói, nhưng vốn có vết thương nào đó trong lòng. Đó là vết thương của tình yêu không trọn vẹn. Người này nghĩ rằng mình hy sinh tất cả nhưng người kia lạnh nhạt, không hiểu mình. Ngược lại, người kia nghĩ rằng bạn trăm năm ích kỷ, sống với mình để thoả mãn nhu cầu riêng tư mà thôi. Người này nghĩ trong lòng, có khi nói với bạn bè rằng: “Nếu tôi chết, bạn trăm năm của tôi không chung thủy với tôi đâu. Sẽ đi lấy người khác...” Tâm trạng này làm cho hai người sống với nhau như hai bóng ma.

Con cái của cha mẹ không hạnh phúc này sẽ chịu ảnh hưởng của chính cha mẹ. Một trong những ảnh hưởng đó là có vết hằn trong lòng khi nghĩ tới đời sống vợ chồng. Nếu lớn lên, đi học và tiếp xúc với xã hội, bất hạnh họ lại gặp bạn hữu có đời sống gia đình xáo trộn tương tự như tình trạng của cha mẹ mình trước đây, họ sẽ mất niềm tin nơi người khác. Tuy họ lập gia đình, nhưng họ không tin ngay cả người họ cùng chung chăn gối. Nếu vợ chồng nào ghen nhau vì nguyên nhân “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” như đang diễn tả, lúc đó sẽ đòi thật nhiều nhẫn nại của đôi bên. Đòi thời gian lắng nghe để thông cảm và tha thứ cho nhau. Trên hết, đòi một niềm tin vững mạnh để “cùng nhau nhìn về một hướng”. Nếu thiếu quảng đại và cầu nguyện, họ ở trong vòng lẩn quẩn, vì con của họ lại có đời thơ ấu bất hạnh, rồi cũng ghen như họ. Và họ thất vọng than lên: “Đây là bệnh ghen gia truyền”. Thật ra, không có bệnh ghen gia truyền, mà chỉ có sự không hiểu biết gia truyền. Ông nội không hiểu, bố không hiểu, rồi mình cũng không hiểu, nên không truyền được cho nhau cách thức phá vỡ vòng lẩn quẩn ghen tương.

- Trường hợp cha mẹ thương con không đồng đều, nên khi còn nhỏ, các con ganh nhau. Khi lớn lên và lập gia đình, họ sẽ ghen với bạn trăm năm. Cụ Thân có sáu người con, năm gái một trai. Cụ ông qua đời đã mấy chục năm nên mọi việc trong gia đình đều do cậu con trai quyết định. Hai chị và các em vui nhận các quyết định của cậu, vì thiếu cậu gia đình bị thiếu đàn ông. Cụ bà ghét cô thứ tư và thương riêng cô thứ năm. Còn cô thứ sáu, vì là út, nên không ai ganh tị với địa vị “út ít” của cô. Khi còn bé đi học, bà mua áo mới cho cô Năm, nhưng có khi bắt cô Tư mặc thừa áo cũ của em. Nếu vô tình có ly chén bị bể bà buột miệng la mắng ngay: “Lại con Tư quấy phá!” Điều lạ, là cô Tư buồn tủi nhưng vốn có hiếu với mẹ và thương em. Nhưng điều đáng tiếc là sau này lập gia đình, có bốn con, cô Tư vốn mang theo mặc cảm bất hạnh khi thơ ấu. Càng thương chồng, cô càng tự ti mặc cảm, nghĩ rằng chồng thương hại mình chứ không thương yêu mình. Mình thua kém nhiều người đàn bà khác, nên chồng ở với mình mà lòng xa mình, vì chồng mang trong lòng nhiều hình ảnh đáng yêu khác. Cô tự đày đoạ cô trong những ghen tương tưởng tượng. Xét cho kỹ, cô Tư đau khổ vì ghen, nhưng người gieo mầm đau khổ này là cụ bà. Cô là nạn nhân trong khi cụ bà là thủ phạm. Cụ làm hại cả đời con mà cụ không ngờ.

- Cha mẹ cãi nhau, nghi ngờ nhau, nhất là ly dị nhau, đây là nguyên nhân làm nhiều người trẻ bất hạnh. Khi lập gia đình, họ có cách thức ghen như không ghen. Thế nào là “ghen như không ghen”? Tức là bề ngoài họ làm ra vẻ bất cần người yêu. Nếu bắt được vợ hay chồng ngoại tình quả tang, họ không ngăn cản, có khi còn ngầm tạo cơ hội thêm. Họ làm như vậy để người khác thấy rằng nếu họ cũng ngoại tình thì đó là điều dễ hiểu, vì bạn trăm năm của họ còn xấu hơn họ. Đồng thời nếu hai vợ chồng cùng “phạm tội lén” (tuy lén lút, nhưng “bên này” biết rằng “bên kia” cũng đang “ăn miếng chả trả miếng nem” như mình), thì lương tâm họ bớt cắn rứt, nghĩa là họ tiếp tục phản bội nhau, mà bề ngoài làm ra vẻ như đôi bên không có chuyện gì khó khăn với nhau. Một nguyên nhân đưa tới sự bất hạnh này, chính là gương xấu cha mẹ gieo vào tâm trí họ từ khi thơ ấu.

Tâm lý của những người bị bất hạnh từ khi thơ ấu, nói chung, là một tâm lý thái cực, hoặc nhút nhát quá, hoặc táo bạo quá, táo bạo tới mức thành cao bồi du đãng. Tuy nhiên, cũng vì thái cực này nên có người trở thành thần đồng, thánh thiện, hay người có tâm hồn mở rộng, dễ thông cảm với những người bất hạnh khác. Họ rung động chân thật vì chính họ đã bị bất hạnh như vậy. Tiếc rằng số người thăng hoá (illuminated) này quá ít, so với số người vì bất hạnh mà xuống dốc, ghen tương, làm tan hoang gia đình.
Nếu ghen mà bảo vệ được tình yêu chân thật, thì là loại ghen chính đáng, “ghen tuyệt vời”. Việc ghen tuyệt vời này là điều quan trọng.

Lm. Phêrô Chu Quang Minh