PDA

View Full Version : L - Lời khen tuyệt vời (Mái Ấm Gia Đình)



Dan Lee
05-21-2008, 09:46 PM
Lời khen tuyệt vời


“Căn Thạc vừa tổ chức cuộc rước thật đạo đức, đẹp tuyệt trần!”

“Căn Thạc đồi bại tệ. Cả đời lẫn đạo, cá mè một lứa!”

Hai câu trên, bạn thấy câu nào gợi phấn khởi hơn? Ai cũng muốn được thông cảm, nhưng bản thân bạn, bạn dễ khen hay dễ chê? Nếu là người bị chê, phản ứng của bạn thế nào? Và đâu là điều bạn thấy lên tinh thần, thấy thêm sinh lực để hăng say dấn bước?

Câu chuyện dưới đây liên quan đến nhiều người, nhưng nhân vật nổi bật là Danh và Ty. Anh chị Danh từng mở tiệm tạp hoá tại quê nhà, nhưng không nói được tiếng Anh. Còn anh chị Ty thì làm thầu khoán tại căn cứ Long Bình trước đây. Sau nhiều suy tính, hai gia đình chung nhau mở tiệm thực phẩm Á Đông, có tên là VIDATY. Những ngày vừa mở tiệm, hai chị em thật tương đắc, như đôi uyên ương trong tuần trăng mật. Nhưng ít lâu sau, chị Ty không có mặt ở Vidaty thì cửa tiệm vui vẻ, chị Danh và bé Hồng niềm nở chào khách, hết bán vải lại quay ra liệng thịt, chặt cá, đặt sẵn trong tủ lạnh cho khách hàng dễ lựa chọn. Khi chị Ty tới tiệm, tuy không bảo nhau, hai cô cháu Danh, Hồng len lén im lặng, hết hồn nhiên. Hôm nào Hồng ăn mặc xuề xoè thì chị Ty the thé xỉa xói:

- Cái con chết tiệt kia, áo quần thì xốc xếch, đầu tóc thì bù xù như tổ quạ ấy. Chưa trông thấy mặt mày, tao đã buồn nôn, như thế còn ma nào muốn bước chân vào tiệm nữa hả Hồng?

Nhưng nếu Hồng trang điểm chút môi son má phấn, mặc bộ quần áo mới thì chị Ty lại hầm hầm mạt sát:

- Úi chà, cái con đĩ ngựa! Mới 13, 14 tuổi mà đã làm dáng ghẹo trai. Tao bảo cho mà biết, ăn mặc hở hang như mày thì mấy tháng nữa, cái bụng chình ình lên như trâu chết toi ấy.

Chị Danh rất ngượng khi chị Ty hết nói ngược lại nói xuôi, nhưng để Vidaty êm ấm làm ăn, chị cắn răng chịu nhục. Chị Ty trước còn dè dặt, sau quen thói đành hanh, gặp gì nói nấy, ngay cả với khách hàng. Một buổi chiều nọ, Hồng đang sắp lại những cuốn tiểu thuyết và những băng nhạc Việt Nam thì có hai người thanh niên vào tiệm. Hai chàng có vẻ vừa mới ra khỏi quán rượu nào đó, mặt đỏ gay, ăn nói oang oang. Chàng áo đỏ thì đòi cho bằng được bộ Cô Gái Đồ Long, còn chàng đi chân dép thì đòi coi băng nhạc Song Ngọc, lại đòi Hồng trao tận tay “Shotgun” 12, 16, 24,... Khi trao băng, chàng chân dép không cầm băng mà giả vờ cầm nhầm tay Hồng. Chị Ty thấy thế hồng hộc chạy lại, mắt trợn trừng, miệng há hốc như muốn tuôn ra cả tràng xỉ vả. Nhưng chị chưa kịp cất thành lời thì chàng áo đỏ đã lẹ tay móc ra con dao bấm. Phựt, phựt, phựt!... Phựt, phựt! Một loạt lưỡi dao gim đầy trên ngực, trên mặt đẫm máu của chị Ty. Sau chín tháng nằm nhà thương, chị Ty đi lại được, nhưng đứt một tai, mù mắt bên trái, và đứt hẳn môi trên.

Có những chiều soa lời mỉa mai quá,
Tiếng chị ta làm tim em đầy đọa.
Nước mắt trào mi, em khóc thì thầm,
Cho đời cay đắng, cho tuổi cài trâm.
Lời chị chê, lời gieo bao tê tái,
Nhưng mặt chị, nay thành mặt chiến bại.
Tai cụt, mắt mù, màu tím tàn hương,
Em cầu cho chị mau dứt đoạn trường!

Phải chăng “thất bại là mẹ thành công”, và mắt mù vì chê bai chuyển thành thương yêu nhờ biết ca ngợi? Những ngày chị Ty nằm điều trị tại nhà thương, người thăm viếng thường xuyên chẳng phải anh Ty hào hoa, mà là cô cháu chị Danh và Hồng. Anh Ty vừa phẫn uất vì chị Ty gieo gió gặt bão, vừa cô đơn vì mấy tháng vò võ một mình, nên anh đã chung sống với Thủy, người anh vừa bảo trợ từ Thái Lan qua. Khi nghe tin động trời đó, chị Ty bị máu ghen hành hạ, ngất đi một buổi chiều. Giữa cảnh tan tành với bao lời phỉ báng chê bai, chị Danh và cháu Hồng ngày nào cũng thăm viếng an ủi. Mới đầu thì câu chuyện xoay quanh làm ăn, tình hình của tiệm, tiền ra vào hằng ngày. Rồi dần dần lời trao đổi đầy ắp ân tình. Chị Danh thố lộ rằng ai nói ngược xuôi mặc ai, riêng hai cô cháu bao giờ cũng một lòng quý mến chị Ty và đề nghị chị Ty hằng ngày đọc chung kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa... Đấng Cứu Chuộc tôi”. Thì ra cô cháu chị Danh là hội viên hội Legio Mariae, âm thầm vui vẻ thăm viếng người đau yếu cô đơn.

Nước chảy đá mòn. Lời khen ngợi và sự săn sóc thật tình đã thay đổi tận đáy lòng chị Ty. Một lần thăm viếng nọ, chị Ty rưng rưng nước mắt, xiết chặt tay Hồng:

- Không có cháu thì cô chết mất! Cháu đừng chấp những lời cay độc trước đây của cô, cháu nhé. Cô chẳng biết làm sao cởi mở được lòng ăn năn, cũng như biết ơn cháu và cô Danh cho đủ...

Hồng cũng nước mắt trào mi, thì thầm trong tiếng nấc vui mừng:

- Cô thương cháu, thế là cháu sung sướng rồi. Ba má cháu ở quê nhà, cháu lủi thủi một mình. Giữa cảnh bơ vơ đó thì cô Danh nhận làm “cháu”, vì khi xưa ở nhà, cháu học cùng lớp với con của người chị ruột cô Danh. Đến khi hai cô chung vốn mở tiệm Vidaty, cháu chỉ muốn có được thêm cô nữa... Nay Chúa đã nhậm lời cháu, cháu vui mừng cảm ơn cô lắm.

Lời chê bai cay nghiệt làm chị Ty cụt tai, mắt mù. Nhưng nhờ mắt mù, cụt tai mà chị Ty tìm lại được lời khen ngợi chân thành.

Sứt môi, mù mắt, cụt tai,
Thân hình kỳ dị, ếm tài chi đây?
Đổi thay, thay đổi cao dầy,
Từ nay mặt xấu, nhưng đầy tình thương.
Chị Ty cởi mở đoạn trường,
Dâng lời cảm tạ, chị thường ca khen.

Khi chị Ty còn son phấn, thì khách hàng lườm nguýt chị. Nay chị thân tàn ma dại, thì ai cũng gần gũi quý mến. Chị luôn MỈM CƯỜI NHẪN NHỤC. Lời trên cửa miệng chị là lời CẢM ƠN chân thành. Trước đây chuyện hấp dẫn đối với chị, là chuyện NÓI HÀNH người này, CHÊ BAI người kia. Nay chị Ty chỉ IM LẶNG hay tìm lời AN ỦI, CHE CHỞ lẫn nhau

Giữa cảnh mù loà thể chất nhưng trong sáng tâm hồn ấy, đột nhiên anh Ty về với chị Ty. Sau nhiều lần dò la, chị Ty tìm ra rằng anh Ty bỏ cô Thủy, vì Thủy chỉ muốn tiền. Thủy sống chung chẳng những với anh Ty, mà với bất cứ ai đem đến cho Thủy tiền!

- Những bạn bè a dua với em ngày xưa chưa gặp nạn, nay chẳng còn ai. Điều ngỡ ngàng là mấy bạn bè đó, lúc trước cùng em nói xấu người khác thì khi em vừa vào nhà thương, đã quay lại chê bai chính em. Khi trước môi son, mắt lông nheo, thì tâm hồn em ray rứt. Bây giờ mất tai, mù mắt nhưng em sung sướng an vui, vì em nhận ra cái hay cái đẹp để khen tặng mọi người và mọi người thương mến em.

Mắt sáng nhưng ôi mắt đã mù,
Môi đỏ là môi của ngục tù.
Vì mắt môi gieo lời chua chát,
Gieo tang tóc và gieo sát phạt.
Mắt nay mù nhưng chói hào quang,
Của ca khen đầy ắp dịu dàng.
Của tình tha thứ, tình thanh thoát,
Đời thương mến sao đời khoáng đạt.

Chúng ta thắc mắc: Ai cũng thích được cảm thông, nâng đỡ, nhưng tại sao lại hay chỉ trích chê bai? Đời sống trong gia đình Việt Nam dạt dào chia sẻ, đùm bọc, nhưng tại sao lại đầy mỉa mai, mạt sát giữa hội đoàn hay giáo xứ?

Khi được điểm “D” trong lớp học, hay khi muốn mua chiếc xe mới, tôi mong chị bạn “thông cảm” cho cóp bài của chị, hay mong gia đình người bạn cho mượn đỡ năm ngàn Mỹ kim trong trương mục tiết kiệm. Tại sao vậy? Vì bài làm sẵn và tiền trong ngân hàng sẽ che đậy được sự yếu kém của tôi. Tôi không muốn thay đổi bản thân để tự mình có khả năng làm được bài, hay mua được xe. Tôi muốn có điểm tốt, có xe đẹp, nhưng không muốn là người chăm chỉ, là người tiết kiệm. Tôi đánh lừa người khác để họ tưởng tôi thông minh, học giỏi, làm ăn thịnh đạt. Khi sống hoài trong cảnh đánh lừa người khác như thế, dần dần thành thói quen, và tôi đánh lừa cả chính mình lúc nào không hay.

Vì tôi không muốn chính bản thân mình nhẫn nhục đáng yêu, mà chỉ muốn người khác yêu tôi và phục vụ tôi, nên khi thấy ai đích thực là người tài đức đáng yêu, do đó được mọi người yêu mến thì tôi không nhìn vào mình để thay đổi mình trở nên tốt, mà tôi nhìn vào người, để phá đổ cái tốt nơi người:

- Mày có biết không? Ai cũng khen con Thùy là dễ thương, nhưng tao thấy nó cù lần. Này nhé, hôm thứ Hai vừa qua, nó khoe con Dương là nó vừa mua cái đồng hồ đeo tay mới, con Dương hỏi nó, “What kind is it?” nó lại ngu ngơ trả lời, “It’s eleven o’clock.” Tao ngồi cạnh, cứ ôm bụng cười suốt cả giờ! Tai con Thùy là tai điếc, nó nghe “What kind is it?” lại lộn thành “What time is it?”. Tao mà điếc như nó, thì tao còn thùy mị dễ thương gấp mười lần nó!

Ly Trung ơi, chị mỉa mai Thùy chỉ vì Thùy là cô gái dễ thương nên được mọi người thương mến. Thùy thuộc phái yếu nhưng là người có tâm hồn thanh thoát, cao thượng. Còn Ly Trung yếu người, yếu cả tâm hồn, nên dùng lời chê bai như áo giáp che đậy cái yếu tâm hồn của Ly Trung. Nhưng Ly Trung càng chê bai bao nhiêu, thì tâm hồn càng cắt rứt, bạn bè càng cười chê Ly Trung, và Ly Trung lại càng yếu kém hơn. Vòng chê bai luẩn quẩn là thế.

Ly Trung mai mỉa Thùy đã đành, nhưng thật quái đản khi nghe ông chủ tịch Z nói hành bà thủ quỹ V, cộng đoàn M rải truyền đơn bới móc cộng đoàn N và có tiếng đồn cha X xúi dục nhóm Dựng Nước đe doạ cha Y, vì cha Y hay “xâm phạm lãnh địa” cha X, v.v...

Không có gì quái đản cả bạn ạ. Ngoài điểm tâm lý thông thường của con người “không được ăn thì đạp đổ”, không được như ý thì hạ nhục như chị Ty trước đây, như Ly Trung trong tam cá nguyệt vừa qua, thì còn cái ảnh hưởng của lịch sử hàng ngàn năm bị lệ thuộc của dân tộc mình, thật lâm ly bi đát.

Bạn có bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim không? (Nếu không, tôi thành thật khuyên bạn ra chợ Việt Nam mua ngay một bộ hai quyển, mỗi quyển chỉ bằng giá một tối vào Mekong Restaurant!) Mời bạn mở quyển I, trang 35, bạn sẽ đọc thấy “Bắc thuộc thời đại 111 trước Tây Lịch đến 931 sau Tây Lịch”. Như vậy, nước Tàu đã đô hộ nước ta 1042 năm. Trong hơn ngàn năm nô lệ đó, tuy có trang sử oai hùng của Trưng Vương (40 – 43) và Nhà Tiền Lý (544 – 602), nhưng mấy chục năm tự chủ chỉ nhỉnh hơn một chút số lẻ của 1042. Để sống sót trong cảnh tôi đòi, để gây niềm tin trong thế nhục nhằn, cha ông chúng ta đã tạo một tâm lý khinh mạn kiêu hùng. Cái não trạng tự tôn đó làm dân Việt nuôi cao chí quật cường, tuy đang chịu nhục nhằn nhưng không hết hy vọng và kiêu hãnh. Phải chăng dòng máu “vươn lên giữa nhục nhằn” ấy đã thấm nhiễm vào ngay cả tâm can của vị đệ nhất Tao Đàn nguyên súy Lê Thánh Tôn (1442 – 1491), khi ngài ngâm vịnh những vật tầm thường, với ngòi bút bay bổng thanh tao:

Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng năm ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

(Vịnh Con Cóc)

Sau này trong thời Pháp thuộc và “Mỹ thuộc”, tâm trạng trào phúng châm biếm của dân Việt lại càng dâng cao. Chúng ta yếu kém, còn Pháp, Mỹ hùng mạnh. Để tỏ cái ngạo mạn, mỉa mai, chúng ta thường gọi kẻ cầm quyền là “thằng”: “Thằng Tây mũi lỏ,” “Thằng Mỹ ăn chó nóng (hot dog)!”

Và ngày nay, trẻ em bị dạy cách thức để khinh mạn mọi người, xuyên tạc sự thật. “Người lớn” thì học cách lừa đảo, nói dối. Không mánh lới là không còn mạng.

Cảm ơn bạn đã cùng tôi tìm xem tại sao chúng ta dễ chê bai mỉa mai, hơn là khen ngợi chân thành. Về phía cá nhân thì để che đậy yếu kém như chị Ty, hay Ly Trung; về phía quốc gia thì để sống còn trong cảnh đọa đày. Cái não trạng tự tôn này cũng để lại trong ta tật xấu khó đoàn kết, khó hợp tác với nhau.

Nhưng nay chúng ta muốn gì: Được thông cảm hay phải cô đơn ghét bỏ? Được có sức mạnh, hay bị tan tành chia rẽ, nên chẳng ai chú ý tới chúng ta? Chúng ta muốn được quây quần với nhau, hay bị lũng đoạn, bằng cách làm chúng ta hoang mang, chẳng còn biết tin ai?

Vidaty may mắn tiếp tục mở cửa bán hàng, là nhờ chị Danh và bé Hồng (nay đã là “cô Hồng” năm thứ ba ngành Dược) luôn tươi cười nhún nhường.
Cái giá của sự chê bai thật tai hại đớn đau, đó là mất một mắt, cụt một tai, sứt một môi, và chín tháng nằm nhà thương suy gẫm nỗi đoạn trường.

Chê bai là tự tử.

Biết Khen Tặng là cứu mình và cứu đời.

Không than trách ngàn năm quá khứ (vì than trách chẳng thay đổi được gì trong hiện tại).

Cũng chẳng để ý những lời dèm pha mai mỉa (vì nếu bạn đích thực là người tư cách đường hoàng, thì lời dèm pha kia đâu có làm bạn thành người lang chạ lừa dối?)

Trái lại, cùng nhau NHÌN CÁI TỐT CỦA NHAU, để cùng nhau KHÍCH LỆ CẢM THÔNG.

Một buổi kia trời giăng tơ. Những chòm mây như vương vấn bao vì sao quyến luyến. Trời và đất như chìm ngợp trong cõi lòng người trinh nữ nguyện cầu. Trong giây phút diệu huyền ấy, vụt xuất hiện ánh mắt CA KHEN: Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến thành Nazareth xứ Galilea, đến cùng trinh nữ Maria, đã đính hôn với Giuse thuộc dòng Đavít. Sứ thần vào nơi trinh nữ ở, cất tiếng: “Kính chào Tôn Nương đầy ơn phúc” (Lc 1:28).

Và khi đã mang Giêsu Cứu Chúa trong cung lòng, đã là Mẹ Đấng Thiên Sai, Maria lấy lời CA KHEN để đền đáp lại lời CA KHEN:

Linh hồn tôi NGỢI KHEN Chúa.
Và lòng trí tôi MỪNG VUI trong Đấng Cứu Chuộc tôi.

(Lc 2:46-47).

Bạn nghĩ gì, nếu cách đây hai ngàn năm, lời chào không phải là:

- Tôn nương đầy ơn phúc. Tôn nương tuyệt vời!

- Mà là: Cô đồi bại tệ, chưa trông thấy mặt, đã buồn nôn?

Điều hay điều đẹp em nhìn,
Cất lời CA NGỢI em tin ở tình.
Chê là hút máu tim mình,
Khen là xây dựng bình minh cho đời.
Khen theo thiên sứ Chúa Trời,
Gieo niềm vui mới, vui thời CẢM THÔNG.
Gạt đi hiềm tỵ bất đồng,
Chị Ty ĐỔI MỚI, Danh Hồng treo gương.

Lm. Phêrô Chu Quang Minh