PDA

View Full Version : T - Tình phụ tử (Mái Ấm Gia Đình)



Dan Lee
05-21-2008, 08:43 PM
Tình phụ tử


Lỡ lầm là thường tình, đó là điều đáng thương hơn đáng trách. Chỉ đáng trách nếu cố chấp trong lỡ lầm.

Chàng đã một lần đi hoang. Mồ hôi nước mắt của cha mẹ, chàng đem nuôi những mối tình ngang trái. Chàng đã lỡ lầm như tôi, như bạn lỡ lầm. Nhưng nếu lỡ lầm mà biết ăn năn, căng thẳng mà biết hoà giải, thì tội dẫn tới phúc. Phúc của người con phung phá nhận ra TÌNH PHỤ TỬ thâm sâu (Lk 15:11-32).
Người con phung phá gia tài,

Sống đời ô trọc miệt mài truy hoan.
Đầy vơi tiếng khóc thở than,
Cho TÌNH PHỤ TỬ ngợp tràn thứ tha.
Thương là tha thứ giải hoà,
Ôi tình Phụ Tử, Tình Cha Ngọt Ngào.

Để được BÌNH AN vì “Đừng Lo Lắng”, bài này xin chia sẻ về Cách Xưng Tội, gọi là Bí Tích Hoà Giải. Trên phương diện thực hành, một số điểm cần lưu ý:

Trước tiên, thường có hiểu lầm về câu giáo lý “phải xưng hết mọi tội trọng”. Đúng, mọi tội trọng phải xưng hết, nhưng không phải hết mọi chi tiết đều phải kể ra. Không cẩn thận, thì Toà Cáo Giải biến thành nơi tả tình tả cảnh lê thê bất tận, có khi nên dịp tội cho cả người xưng lẫn vị giải tội. Thay vì xưng tội để Chúa tha tội thì lại đi vào những chi tiết, chẳng những không giúp để tránh tội mà còn để thấy vẻ hấp dẫn của tội.

Hãy làm như người con phung phá. Cha anh cảm động, sẵn sàng Tha Thứ không phải vì anh kể lể dài dòng, mà vì anh Cương Quyết Trở Về, vì anh Đoạn Tuyệt Lối Sống Cũ, vì anh Tin Chắc Cha Tha Thứ. Hay hãy làm như người thâu thuế (Lk 18:9-14). Ông không lải nhải nhiều lời, trái lại lời “xưng tội” của ông thật ngắn gọn: “Ôi Chúa, xin thương con, một kẻ tội lỗi” (Lk 18:13). Đúng là lời ngắn tình dài vì ông Thành Tâm Thống Hối.

Để cụ thể, xin lấy ít thí dụ (đây là tưởng tượng chứ không nhắm tới tội của ai). Cùng là tội bỏ lễ Chúa Nhật, hai người xưng hai cách khác nhau. Người thứ nhất:

- Trình lạy cha, con khổ sở quá cha ơi! Con lúc nào cũng muốn đi nhà thờ nhà thánh, nhưng con cái thì chỉ ham chơi, không chịu chở con đi. Ông nó nhà con thì ham cờ bạc, lễ lạy thì bê bối, nhưng có ai ới gọi một cái là đi “ngồi xoè” cả mấy ngày. Chẳng có ai chở, nên con bỏ cả lễ lạy...

Bà xưng tội, nhưng không xưng tội của bà mà tố cáo tội của con, của chồng. Tương tự người biệt phái kể lỡ lầm của người, trừ của chính mình (Lk 18:11-12). Ngoài ra, bà kể dài dòng mà vốn thiếu, làm cha giải tội phải hỏi lại:

- Bà bỏ lễ nào? Có phải lễ Chúa Nhật không? Bỏ bao nhiêu lần? Vì lý do gì? Có đọc kinh thờ phượng Chúa bù lại lễ không?

Những kể lể và những câu hỏi này làm uổng phí thời giờ, vì nó thuộc hàng phương tiện, chứ không phải mục đích đi cáo giải. Việc chính là Yêu Mến Chúa, nên Khiêm Nhường Thú Tội. Việc này bị chìm xuống, bị bóp nghẹt vì đổ lỗi cho người này kẻ nọ.

Cùng tội bỏ lễ, người thứ hai xưng:

- Con bỏ lễ Chúa Nhật hai lần vì lười.

* Giống tội nào? Bỏ lễ Chúa Nhật (hay ăn cắp, hoặc ngoại tình, thù oán ghen ghét, v.v...)

* Vì lý do gì? Lười biếng (hay vì gian tham, vì theo chúng bạn, coi tranh ảnh, video xấu xa, v.v...)

* Bao nhiêu lần? Hai lần.

Chỉ trong một câu, người thứ hai này đã xưng đủ ba yếu tố cần thiết trên.

Điều dễ hiểu lầm thứ hai là tội nhẹ. Hiểu lầm về chữ “nhẹ” này. Đời sống hằng ngày, người ta thường đau lòng, gia đình khủng hoảng, cũng như liên hệ bạn bè, cộng đồng bị tan nát, không phải lúc nào cũng vì tội nặng, mà thường là tội “nhẹ”. Tuy gọi là nhẹ, nhưng hậu quả thật nặng nề.

Thí dụ người chồng vào xưng tội:

- Thưa cha, con hay chửi vợ mắng con, khi ít khi nhiều khi nào cũng có.

Ông xưng câu này như cái máy. Từ ngày cưới đến nay, lần nào ông cũng xưng như vậy. Miễn có xưng là ông yên lòng, và lại chửi vợ mắng con tiếp. Con của ông hay chửi lẫn nhau “mẹ bố mày”, ông có biết chúng học chửi từ ông thầy nào không? Bà nhà đã mấy lần định gọi cảnh sát, vì ông hết võ miệng lại đến võ tay. Mặt mày bà sưng u. Đi làm, mấy người Mỹ hỏi “Đhat happen?” bà đành nói dối là trượt tuyết đụng cây. Thật ra, ông cho bà trượt... giường đụng cùi chỏ!

Có gia đình đã ly dị chỉ vì tội nhẹ đó là cái nút kem đánh răng. Ngày mới quen nhau, chàng hào hoa, nàng trang nhã. Sau ngày cưới, khi chung sống, nàng thấy chàng hay quên. Quên đậy nút kem đánh răng mỗi tối. Nàng âu yếm nhắc chàng. Chàng ân cần hứa nhớ. Nhưng tối sau, chàng lại quên. “Tội nhẹ” hay quên này làm kem đánh răng rơi vào... cầu tiêu. Nước thấm vào trong hộp kem. Một tháng. Ba tháng. Bảy tháng sống trong “tội nhẹ”. Tuy nhẹ với chàng nhưng nặng hơn cối đá với nàng. Nàng bị ám ảnh, nên nôn mửa. Rồi nàng xin ly dị chỉ vì “tội nhẹ” không đậy nắp kem đánh răng này.

- Con hay kể chuyện người khác cho bạn bè. Thoáng nghe thì đây có vẻ một tội nhẹ. Nhưng bà Xuân bắt đầu nghi ngờ ông Xuân chỉ vì tối qua “người xưng tội” đã điện thoại rót vào tai một bà:

- Này bà, điều này bí mật bà nên cẩn thận. Hôm rồi đi chợ, thấy ông ấy cười nói với bà Hạ mà chồng còn kẹt ở Việt Nam đó.

Tuy miệng nói là “bí mật” nhưng “người mới xưng tội” đã điện thoại liên hồi. Nguyên tối hôm đó bà “bật mí” cho chừng 30 gia đình. Gia đình nào bà cũng thêm câu: “Đừng nói với ai nhé!” Phải chăng như vậy, để bà độc quyền chia rẽ gia đình ông bà Xuân?

Vợ chồng nghi ngờ nhau,
Bạn bè không còn tin tưởng,
Cộng đồng giáo xứ lủng củng,
Hết thương yêu,
Đời căng thẳng,
Chỉ vì “tội nhẹ” Kể Chuyện Người Khác!

Vậy tội nhẹ chỉ là nhẹ vì chưa đến nỗi mất linh hồn, sa hoả ngục. Nhưng nhiều khi nặng ghê sợ. Nặng hơn vũ khí giết người, vì nó gây tan hoang không phải cho vật chất, mà nhất là cho tâm thần.

Nói như vậy, không có nghĩa là từ nay phải kể hết tội nhẹ. Trái lại thì đúng hơn. Có khi tội nhẹ còn khó chừa hơn tội trọng. Không ai cướp của, hiếp dâm, giết người từng giây phút, nhưng một người có thể liên lỉ giận ghét, luôn luôn cau có, hay lúc nào cũng... quên, làm tàn thuốc lá rơi rớt khắp nhà.

Nếu mỗi lần đi cáo giải chừa được một tội nhẹ thôi, thì gia đình và bạn bè dễ sống hạnh phúc lắm rồi.

Nếu thay vì chửi vợ, thì ông bắt đầu khen bà. Thay vì mắng con, thì ông dịu dàng lắng nghe con.

Nếu thay vì kể xấu, thì bà nhìn cái tốt nơi ông Xuân. Thay vì điện thoại bừa bãi, thì bà thâm trầm đắn đo.

Hãy năng xưng tội.
Tội trọng phải xưng cả,
Nhưng theo cách chia sẻ trên đây:
Nên xưng một, vài “tội nhẹ”,
Sức con người có hạn,
Không phải thần thánh,
Chỉ hy vọng chừa được một hay hai “tội nhẹ” mỗi lần xưng tội.

Máu ai loang lổ trên đồi,
Cho tình thập giá đơn côi vì người.
Con sa ngã, con ươn lười,
Con cho là nhẹ, dể ngươi máu đào.
Con nay cay đắng nghẹn ngào,
Cho con Hoà Giải, cho vào Tình Cha.

Ngoài hai điểm về tội trọng, tội nhẹ, thì điểm thứ ba là về thái độ tâm lý khi xưng tội. Xưng tội có thể để tránh tội, mà cũng có thể để dễ phạm tội hơn.

Anh Trúc và chị Mai quen nhau ba năm nay. Anh chị muốn tiến đến hôn nhân, nhưng cần đợi ít năm nữa vì cả hai còn đang đi học. Lửa gần rơn. Anh chị sa đi ngã lại. Mỗi lần xưng tội là mỗi lần anh chị có cảm tưởng như trút được gánh nặng. Gánh nặng của ám ảnh sợ Chúa phạt. Xưng tội là hết tội. Hết tội là hết phạt, hết sợ hãi. Anh chị sống với lương tâm sai lầm. Càng xưng, càng muốn gần nhau, dễ phạm tội hơn.

Ông Thu bỏ xưng tội đã mấy năm liền. Mùa Vọng vừa qua ông đi cáo giải. Sau khi đền tội xong, ông thấy mãn nguyện và cho rằng “phải làm cái gì mới được”. Về nhà ông thấy anh Bình và chị An, đang say sưa với bộ phim chưởng trên màn ảnh TV. Mắt nhìn nẩy lửa, ông dằn từng tiếng:

- Chúng bay con cái nhà ai mà hư thân mất nết như vậy? Khô khan như tao đây mà cũng còn đi xưng tội xưng lỗi. Tối ngày chỉ đú đởn. Không liệu mà đi xưng tội thì cứ chết với tao. Ông Thu tránh được tội bỏ đi xưng tội thì lại phạm tội “chửi mắng vợ con”. Dạy bảo không có nghĩa là la mắng dằn mặt. Biết trước con người dễ sa ngã ngay khi cả bề ngoài thánh thiện, nên Chúa phán: “Khi thần ô uế ra khỏi một người, nó đi lang thang tìm chỗ nghỉ nhưng không được. Nên nó nói: “Ta sẽ trở lại nơi cũ ta đã bỏ đi”. Nó trở lại và thấy nhà đó sửa sang đẹp đẽ chưa ai ngụ. Nó liền đi rủ thêm bảy quỷ còn dữ hơn nó. Chúng vào và ở lại đó. Tình trạng sau của người này còn tệ hại hơn trước” (Mt 12:43-45).

Điểm thứ bốn: nếu xưng tội mà muốn không “tệ hại hơn trước”, thì cần vượt lên trên những kể lể, những điều tiêu cực. Kể lể tiêu cực hay sợ hãi đau khổ, tuy cần nhưng chưa đủ để được Hoà Giải Đích Thực, Hoà Giải Nhiệm Mầu.
Người con phung phá trong dụ ngôn TÌNH PHỤ TỬ cũng đã sợ. Sợ chết đói, sợ cùng cực làm tôi đòi. Sợ hãi này (cũng như sợ hoả ngục, sợ bị phạt trầm luân đời đời) có thể là khởi điểm để chàng Hồi Tỉnh Lương Tâm. Nhưng chàng đã vượt lên trên cái tâm lý tiêu cực này. Chàng Cương Quyết Chỗi Dậy và Trở Về Nhà Cha (Lk 15:18-20). Chàng không than thân trách phận, ngồi ỳ trong buồn hận. Trái lại, chàng đã Nghĩ Đến Tình Cha. Tin Cha Thương Con. Chàng tích cực THAY ĐỔI nếp sống, đoạn tuyệt với bùn nhơ của phân heo bợm bãi.

Đi “xưng tội”, nếu quá chú ý tới “xưng”, tới “kể” thì đã đặt sai mục đích. Điều cần, là mong qua việc xưng, sẽ trở lại được với TÌNH CHA CON khăng khít. Sẽ cảm nghiệm được như người con phung phá đã cảm nghiệm: “Anh LÊN ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA mình. Còn xa xa, cha anh thoạt trông thấy liền ĐỘNG LÒNG THƯƠNG, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Anh thưa: “Lạy cha, con đắc tội với trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa”. Nhưng cha bảo đầy tớ: “Mau mau đem áo tốt nhất ra đây mặc cho cậu, lấy nhẫn cho cậu đeo tay, giầy cho cậu đi. Rồi bắt con dê béo giết thịt ăn mừng. Vì con ta NHƯ ĐÃ CHẾT VỪA SỐNG LẠI, ĐÃ LẠC MỚI TÌM THẤY ĐƯỢC” (Lk 15:20-24).

Xưng tội, hay (1) Hoà Giải Với Chúa, thật ra phải là (2) Hoà Giải Với Anh Em, thì mới mong (3) Hoà Giải Với Chính Mình. Hoà giải không phải bằng lời nói, mà bằng việc làm cụ thể. Xưng tội mới là xong phần nói. Khi rời toà giải tội thì mới đến phần làm. Đa số phần làm này liên hệ đến người hơn là đến Chúa. Vì 10 Giới Răn thì chỉ có ba Giới Răn đầu về Mến Chúa, còn bảy điều kế tiếp về Yêu Người.

Xưng, là xưng với Chúa (qua linh mục)
Làm, là làm với người (bác ái)
Hoà Giải Với Người (2) phải đưa tới Hoà Giải Với Chúa (1)

Trong nghi lễ “Hoà Giải Nhiệm Mầu” của những cuối tuần tĩnh tâm, luôn mời gọi thực hiện điều (2) để dễ đạt được điều (1). Chỉ khi nào Cảm Nghiệm thấy Chúa Động Lòng Thương, Chúa thương tôi, thì lúc đó mới hy vọng Lên Đường Về Nhà Cha.

Về nhà, sẽ không chỉ gặp lại nguyên cha,
mà còn gặp lại anh em,
gặp lại chính mình,
Hoà Giải Với Mình (3),
tức hết điên,
Bình An Phó Thác,
Như Cánh Chim Trời:
“Đừng lo lắng – Not to worry” (Lk 12:22).

Lm. Phêrô Chu Quang Minh