PDA

View Full Version : T - Tại sao khó tha thứ (Mái Ấm Gia Đình)



Dan Lee
05-21-2008, 08:34 PM
Tại sao khó tha thứ


Người ta thường nghe vợ than phiền về chồng với bạn bè:

- Em không hơi đâu mà giận nhà em, nhưng đã gần năm nay, ai chỉ lo chuyện người nấy...

Tương tự như vậy, cha mẹ thường trách con cái, rồi con cái đổ lỗi cho cha mẹ; hay cha sở kêu la giáo dân và giáo dân xét đoán cha sở. Ai cũng mong người khác CẢM THÔNG và THA THỨ cho mình, nhưng chính mình lại khó cảm thông và tha thứ cho người khác.

Gia đình tan nát, con cái bỏ nhà ra đi, cộng đồng èo ọt, phần lớn cũng vì nói tới HOÀ GIẢI, nhưng không hiểu diễn tiến tâm lý của những giai đoạn THA THỨ, do đó rất khó “tha nợ cho kẻ có nợ chúng con”. THA NỬA VỜI là chưa tha gì cả.

Doris Donnelly viết cuốn sách nhỏ, chỉ trong một thời gian ngắn đã tái bản tới lần thứ ba, tựa đề của sách là HỌC THA THỨ (Learning to Forgive, Abingdon Press, Nashville, 3rd Printing, 1983). Cuốn sách này vừa thâm trầm vừa thực tế. Những hàng sau đây cảm hứng từ cuốn Học Tha Thứ để chia sẻ. Mong với Ơn Thiêng nâng đỡ, chúng ta đi từ Tha Nửa Vời tới THA TOÀN VẸN. Bài này tìm hiểu tại sao người ta làm vẻ như chẳng giận ai bao giờ, nên “có gì đâu mà phải tha thứ?” Và nhất là tìm hiểu tại sao thường khó tha thứ thật tình?

Ông Thất làm cùng hãng với bà Nhân và cô Tâm. Tuy ông đã có vợ, và con gái ông năm nay cũng đôi mươi rồi, nhưng ông bay bướm và có tình riêng với cô Tâm. Người nào trong sở cũng biết chuyện này, nhưng ông ghét cay ghét đắng và Nhân vì cho rằng nếu “không có con mẹ ấy, thì ai biết mà bàn tán?” Bề ngoài ông vốn niềm nở nhưng trong lòng không lúc nào tha thứ cho cái tội phóng đại của bà Nhân cả. Hằn thù âm ỉ trong lòng, nên lần kia ông Thất đã làm một việc ghê tởm để hại bà Nhân. Sau nhiều ngày quan sát trong sở, ông biết rằng mỗi tháng một lần khu điện cao thế được mở ra, với nhiều đường dây chằng chịt nguy hiểm. Thế rồi ông đã dụ bà Nhân qua khu đó. Ông giả vờ kéo bà Nhân đi nhanh cho khỏi té, nhưng thực ra đã đẩy bà ngã vào dòng điện mạnh và từ đó bà bị bán thân bất toại. Qua nhiều năm lương tâm dày vò, nay ông thú nhận tội lỗi và thường lui tới viện dưỡng lão giúp đỡ bà Nhân.

Câu chuyện trên trái ngược với chuyện do Donelly tả trong tác phẩm Học Tha Thứ. Truyện kể: Cách đây không lâu, một cậu bé 13 tuổi bỏ nhà trốn theo bạn bè. Cậu bị bắt và toà án xử rằng cậu được trở về với cha mẹ. Làm ra vẻ như ông bà không tức giận gì cậu cả, nên khi đưa con về tới nhà, ông nói một câu gọn lỏn: “Từ nay mọi chuyện sẽ khác”, rồi ra xe đi đâu cả buổi chiều, còn bà mẹ thì làm như thản nhiên, vào bếp nấu nướng cho tới tối. Riêng cậu trai 13 tuổi thì lấm lét lúc ban đầu, sau không thấy ai nói gì, nên vào phòng bật TV coi hết phim này tới phim nọ. Bề ngoài thì gia đình này đã đoàn tụ lại, nhưng trong thâm tâm mỗi người chưa có chỗ cho sự THA THỨ. Việc ở chung một nhà biến thành có xác mà không có hồn.

Những chuyện vợ chồng không tha thứ cho nhau, cha mẹ khước từ con cái, nhà tu cư xử lạnh lùng với nhà tu, họ đạo tổ chức CANH TÂN nhưng khó HOÀ GIẢI, bạn bè lối xóm một khi sứt mẻ thì khó hàn gắn, thường thì do một hay nhiều nguyên do dưới đây:

Trước tiên tại tôi không thể tha thứ, hay chỉ tha nửa vời vì sự xích mích hay việc tai hại gây ra cho tôi còn quá mới mẻ và đau thương. Này nhé, hằng ngày tôi đi làm hai việc; một việc được hai ngàn rưỡi đôla một tháng và việc thứ hai được một ngàn chín. Mỗi tháng tôi trao cho vợ trên bốn ngàn đôla. Tin tưởng trọn vẹn nơi nàng. Nhưng trong khi tôi nai lưng kiếm tiền, thì có anh chàng sở khanh tới tán tỉnh vợ tôi. Hắn không đi làm nên chưng diện bảnh trai. Còn tôi cực khổ nên tiều tụy như mới ở rừng về. Nghĩ rằng như vậy vợ càng thương tôi vì tôi chí tình hơn. Không ngờ nàng chán. Cuối cùng lấy hết năm mươi ngàn bỏ nhà theo trai. Vết thương quá sâu, quá độc. Làm sao nói chuyện tha thứ lúc này? Chỉ có giết chết lũ gian phu dâm phụ mới hả dạ. Vì không tha thứ nổi, tôi bị nung nấu trong căm hờn giận dữ. Trước thì hốc hác vì làm quần quật suốt ngày, nay lại thêm mất ăn mất ngủ vì oán giận người vợ bất trung. Kết cục chỉ có tôi thiệt, vì tự trói mình trong vòng luẩn quẩn.

Tôi bắt đầu nhận ra sự khó khăn trong lời kinh: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đọc cho xong thì dễ dàng, nhưng đọc mà làm theo thì phải coi như phép lạ nhiệm mầu. Không tha thứ hay chỉ giả đò tha thứ, đó là điều bình thường theo đa số loài người. Lý do vì tôi đang đau khổ, mà nay tha thứ là kéo tôi ra khỏi đau khổ đó. Củ hành củ tỏi nước Ai Cập tuy không hảo hạng nhưng quen rồi, khỏi phải mạo hiểm gian khổ; do đó, tôi tự ru ngủ trong những âm mưu tìm chước báo thù. Tha thứ thật tình không phải đi đôi với chức tước (làm ông bà, ma sơ, tuyên úy, chủ tiệm...) mà phát xuất do tấm lòng TIN TƯỞNG và KHIÊM NHƯỜNG.

Nguyên do thứ hai làm tôi khó tha thứ là những xúc động mạnh mẽ, như tức tối, ghen tương, hay căm hờn. Khi sự tức tối còn nóng hổi, nó thường đưa đến sự điên cuồng và sự trả thù. Anh Hùng lái xe tới nhà thờ để dự lễ Chúa Nhật; vì đi trễ nên anh đã lái hai ba vòng mà chưa tìm được chỗ đậu. May có người ra nên anh hí hửng đợi vào chỗ đó. Thình lình anh Dũng và mấy em cũng đến trễ, nhưng nhờ xuôi chiều, nên lách ngay vào chỗ đậu mà anh Hùng đợi từ lâu. Chẳng nói chẳng rằng, mặt đỏ như lửa, anh Hùng xuống xì hơi bánh xe anh Dũng. Dũng và hai em trai cũng là loại “chịu chơi chết bỏ”, sấn tới tống cho Hùng hộc máu miệng. Tức tối và trả thù chẳng những làm Hùng vốn không có chỗ đậu xe mà còn ăn trận đòn nên thân!

Trong cuộc bầu cử Hội Đồng Giáo Xứ nọ, một ông cựu chủ tịch ra ứng cử nhiệm kỳ hai, với dụng ý là chứng tỏ cho cha quản nhiệm rằng cha đã làm sai, ông đúng. Lợi dụng một dịp Canh Tân, ông lớn tiếng chỉ trích những người “vào phe” với cha quản nhiệm, kết án họ gây chia rẽ, không chịu Hoà Giải để Tha Thứ cho nhau theo tinh thần “họ đánh con bên má phải, thì đưa cả má trái ra nữa”. Ai cũng thấy ông ngụy biện, nhân danh chống chia rẽ để gây thêm chia rẽ. Nhưng chính ông lại không nhận ra điều đó. Sau cuộc bầu cử, ông bị thua, và việc ông làm là viết thư lên Đức Giám Mục, tố cáo rằng cha quản nhiệm làm tan nát cộng đồng.

Mỗi người mang theo những đòi hỏi thầm kín về người khác. Nếu may mắn người khác thoả mãn những đòi hỏi đó, thì họ vui như tết. Chẳng may người ta không biết, nên không làm hài lòng họ, họ vừa tức tối vừa kết án, chứ không tha thứ cái lỗi họ tưởng tượng ra, chứ “người kia” không phạm. Nhiều loại bệnh tâm trí phát xuất là do ảnh hưởng của những xúc động này. Bệnh chủ quan, bệnh âm ỷ oán hờn, hay bệnh kết án một chiều, những bệnh này ở một khía cạnh nào đó, còn trầm trọng hơn bệnh về cơ thể, vì bệnh trên cơ thể có thể nhờ bác sĩ điều trị; còn bệnh tâm trí không thể nhờ ai ngoài nhờ chính mình. Mọi người, mọi vật chỉ là tạo khung cảnh và điều kiện. Còn chính tôi mới có thể quyết định cứu tôi hay không.

Điều thứ ba ngăn cản sự tha thứ hay Hoà Giải là tính trả thù “mắt đền mắt, răng đền răng”. Tôi muốn được tiếng là người văn minh nhưng về mặt tâm lý và lòng đạo đức, thì tôi lại áp dụng những luật từ lúc loài người còn ăn lông ở lỗ. Tôi lái xe Toyota Maxima, mặc quần áo hợp thời trang số một, nhưng trong lời nói và hành động, thì tương tự như người tiền cổ còn đóng khố, hay chưa có khố mà đóng.

Chúng ta thường nghe những câu:

- Bà ấy chẳng thăm tôi thì tôi cũng chẳng cần thăm bà ta.

- Để tao xem nó còn đấm đá nữa không khi tao chặt tay nó đi (và đã chặt tay thật!).

- Cha quản nhiệm hách xì xằng, để tụi này viết lá thư phanh phui đủ thứ của ông ấy ra, cho ông ấy tởn.

- Chồng em chuyên môn đi chơi cuối tuần, để em giấu biệt bằng lái xe và chìa khoá đi, xem anh ấy làm ăn ra sao.

- Càng hiền càng bị ông bố chê là con gái mất nết, đã vậy đi chơi xả giàn cho ông ấy biết tay.

Đó là lý luận của những người không biết tới cảm thông, tha thứ là gì. Đường đi của họ một chiều, tiêu cực và đen tối. Họ không có bình an đích thực vì họ chỉ vui trên đau khổ của người khác. Họ nhân danh Chúa, nhân danh tình nhân loại, hay nhân danh hạnh phúc mà trả thù.

Tình dang dở vì tha nửa vời,
Đau lòng quá oán hận đầy vơi.
Căm phẫn thù hằn: đời thế đó,
Nên tha là huyền nhiệm bởi trời.

Nguyên do thứ tư thúc đẩy tôi không tha thứ, là vì xã hội chấp nhận như vậy.

Tha thứ bị coi như yếu đuối, hèn nhát hay đồng loã với tội lỗi. Xã hội thường đồng hoá tội phạm với người phạm tội. Tôi gớm ghét tội lỗi, nên cũng ghê tởm cả người tội lỗi. Tôi theo đạo Chúa, tôi thuộc luật bác ái yêu người, nhưng ai đống đến tôi, nếu tôi chưa cho vào tù chung thân được, thì tôi cũng “làm cho biết tay”.

- Cái con đó lẳng lơ trắc nết, tại sao ông bà không tống nó ra khỏi nhà? Ai cũng bảo gia đình này gia giáo, nếu để nó ở đây thì mang tiếng mọi người.
“Gia giáo” ở đây hiểu là giữ cho mình được tiếng khen, thu hẹp việc đạo đức cho ai đã đạo đức sẵn. Còn những người xấu xa thì đứng lui xa ngoài kia, không đáng hưởng sự gia giáo của nhà này.

- Thằng Xuân, tao đã bảo mày không được cưới con Hạ. Nếu mày cứ cưới thì tao từ mày.

Trong cơn nóng giận, ông Thu và bà Đông đã “thề” như vậy. Nay biết mình quá nóng và lỡ lời nhưng ông bà không đủ can đảm để tha thứ và hoà giải với con, vì ông bà cho rằng rút lời như vậy là hèn nhát, con cái nhờn mặt.

- Tuần tới vốn có rước kiệu Đức Mẹ như thường. Ban thường vụ đã ấn định thế nào, thì phải tuân theo biên bản như thế.

Ông chủ tịch tỏ ra cứng rắn không phải vì ích lợi của giáo dân, mà vì ông thấy quyền hành của ông bị lung lay, uy tín bị xâm phạm, do đó tư cách của ông bất ổn. Không còn chỗ cho cảm thông và hoà giải. Những trường hợp này trái ngược với thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi, những người bị xã hội ruồng bỏ. Tội ngoại tình và người phạm tội này không còn chỗ đứng giữa người sống. Việc không tha thứ biểu lộ bằng hành động: “chúng tôi sẽ ném đá những hạng ấy. Phần Thầy, Thầy dạy sao?” (Jn 8:5). Chúng ta hãy nghe lời của Vua yêu thương: “Ta cũng không luận tội chị. Chị hãy về, đừng phạm tội nữa” (Jn 8:11)

Điểm thứ năm khiến nhiều người không tha thứ, vì có cách dễ dàng hơn, đó là loại trừ. Nếu bạn làm phật ý tôi, thì tôi cần gì bạn? Dễ dàng mà, tôi gạt bạn ra khỏi đời tôi. Không thăm viếng, xoá bỏ số điện thoại, hết lui tới. Thế là xong. Cần gì nói đến tha thứ với hoà giải?

Những người ích kỷ, hay chấp nhất, ít khoan dung không nhận ra điều này là con người lệ thuộc lẫn nhau, phải liên đới với nhau như những mắt xích vô hình. Loại trừ có nghĩa là xã hội chia làm nhiều phân mảnh, rời rạc và xung đột nhau trong khi tha thứ nói lên con người thuộc chung một đại gia đình, trong đó tất cả là anh em chị em với nhau.

Ông Lạc là một cựu sĩ quan. Ông bà thường khoe khi xưa kẻ ăn người ở đầy nhà, đâu có phải đi chợ hay nấu nướng cực khổ như bây giờ. Nếu bạn bè nào phản đối ý của ông bà, sẽ bị ông bà chê là thuộc loại it học quê mùa, và dịp Giáng Sinh sẽ không nhận được thiệp của ông bà nữa. Một bên miệng ông bà nói chẳng cần đông bạn bè, chỉ ít người thân tín là đủ; nhưng một bên ông bà lại hay tổ chức mừng sinh nhật, ăn tất niên, mừng con ra trường. Ngày ông bà Lạc lo đám cưới cho con gái là cô Hướng, ông bà tưởng khách sẽ thật đông, nên đặt mấy chục bàn ăn tại nhà hàng. Điều làm ông bà Lạc và cô Hướng ngỡ ngàng là mặc dầu đã khai mạc buổi tiệc trễ, nhưng khách chỉ lèo tèo mấy chục người. Thì ra trước đây ai cũng chỉ xã giao với ông bà; tiệc tùng cũng chỉ mấy bạn trai muốn coi mắt cô Hướng. Ông bà Lạc tưởng mình loại trừ người khác; không ngờ chính ông bà bị người khác loại trừ khỏi vòng thân thiết của họ.

Thứ sáu, nguyên do chót làm nhiều người không tha thứ hoà giải, đó là tự ái. Tự ái ẩn dưới thiên hình vạn trạng. Tự ái làm con người hèn nhát, biến thành nói dối, quanh co và lường gạt nhau. Không có tha thứ trong tự ái, vì tha thứ là biểu chứng của khiêm nhường đích thực.

- Cha tuyên úy đâu có đuổi tao ra khỏi hội hát. Tao ghét mấy đứa làm tàng, nên tự ý bỏ đấy chứ.

Sự thật khác hẳn, chính tôi làm tàng, ban thánh ca chịu hết nổi, nên thưa cha quản nhiệm và ngài đành “mời” tôi nghỉ dài hạn.

- Không ai truất chức hội trưởng Dòng Ba của tôi cả. Tôi tự ý rút lui.
- Đáng lẽ tôi cũng để tên trong danh sách ứng cử chủ tịch kỳ này, nhưng thấy lem nhem quá, nên bỏ quách cho rồi.

Tự ái đã ngăn cản tôi khiêm nhường nhận sự thật là tôi không còn điều kiện để nhận những chức vụ trong cộng đồng. Cũng chính tự ái làm tôi không dám nhìn thẳng vào sự thật, đó là tôi bị tổn thương, bị người khác ảnh hưởng đến tôi. Tôi không làm chủ tôi được, trong khi sống là một liên đới. Tôi ảnh hưởng người khác và người khác cũng ảnh hưởng đến tôi.

Tha nửa vời là chưa tha gì cả.
Tha toàn vẹn là một huyền nhiệm linh thiêng.
Thiên thần rụng cánh xuống trần gian,
Vì tự ái ghê rợn ngút ngàn.
Thành u mê không còn tha thứ,
Chúa ơi ban lại chút bình an.

Lm. Phêrô Chu Quang Minh