PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần



Dan Lee
04-20-2008, 09:47 PM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (28)

271. Trái tim của mình, chúng ta phải hết sức trân trọng

Chúng ta đừng coi trái tim của mình như một trái banh, để rồi đưa qua đưa lại cho người nầy người nọ một cách vô tư.

Trái tim của mình, chúng ta phải hết sức trân trọng.

Trước hết, chúng ta hãy dâng trái tim của mình cho Chúa Giêsu để Ngài làm chủ trái tim của chúng ta.

Tiếp đến, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu thánh hoá và siêu nhiên hoá tất cả mọi tình cảm nằm trong trái tim của chúng ta.

Sau cùng, chúng ta hãy dùng trái tim của mình, trái tim đã được dâng cho Chúa Giêsu, trái tim đã được Chúa Giêsu thánh hoá và siêu nhiên hoá, để thi hành Luật Vàng của Đạo Chúa là mến Chúa hết lòng và yêu thương mọi người hết tình vì Chúa.

272. Của ăn tinh thần và của ăn vật chất

Của ăn tinh thần và của ăn vật chất đều cần thiết, nhưng theo lời Chúa dạy, của ăn tinh thần là cần thiết hơn.

Con người không phải chỉ sống nhờ của ăn vật chất như con vật. Con người còn sống bằng của ăn tinh thần là tư tưởng. Và nhiều khi tư tưởng bên trong lại còn cần thiết hơn của ăn bên ngoài.

Người gặp cảnh buồn chán thất vọng, đôi khi không thiết gì đến ăn uống, nhưng nhờ có những tư tưởng lạc quan và thanh cao, họ có thể dễ dàng lướt thắng những nổi buồn chán và thất vọng của mình.

Người biếng nhác buông xuôi mọi công việc, nhưng những tư tưởng hăng hái và phục vụ có thể làm họ trở thành siêng năng.

Người truỵ lạc vùi thân trong tội lỗi, có thể trong một lúc thinh lặng nào đó, nhờ ơn Chúa giúp, những tư tưởng cao đẹp có thể làm lại cuộc đời của họ.

273. Luôn hướng về lý tưởng với bất cứ giá nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào

Chúng ta say mê và theo dõi lý tưởng của mình trong một vài ngày, trong một vài giờ thì dễ, nhưng nếu phải theo dõi lý tưởng của mình trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Vì sao? Vì thực tế nhiều khi đầy phủ phàng, đầy chua chát mà một tâm hồn anh dũng đến đâu mặc lòng cũng có đôi lúc ngập ngừng chùn bước.

Vì thế, chúng ta phải luôn luôn tìm đủ mọi cách để nhen lại ngọn lửa hăng hái trong lòng mình.

Lý tưởng đầy cao đẹp của mình, chắc chắn là chúng ta không bao giờ đạt được hoàn toàn. Tuy thế, chúng ta không bao giờ được phép ngã lòng và chúng ta phải luôn cố gắng tiến tới lý tưởng của mình.

274. Thách đố về đời sống thiêng liêng của tu sĩ công giáo

Thách đố về đời sống thiêng liêng là thách đố chính yếu và quan trọng nhất đối với tu sĩ công giáo vì sự sống thiêng liêng là quả tim của đời sống thánh hiến của họ: không có sự sống thiêng liêng nầy, tu sĩ công giáo không thể nào có đời sống thánh hiến chân chính và chân thật được.

Đời sống thiêng liêng nầy được diễn tả ra bằng sự cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, sống đời nội tâm kết hiệp với Chúa, vâng phục luật dòng, tuân giữ ba lời khấn một cách trung thành, trọn vẹn và vui tươi.

Chính đời sống thiêng liêng nầy của tu sĩ là điều ích lợi nhất cho Giáo Hội và là nguồn gốc của mọi hoạt động tông đồ đắc lực của họ.

275.Chúa yêu thương chúng ta vô bờ vô bến

Vì yêu thương chúng ta vô cùng, Chúa đã dựng nên mọi sự cho chúng ta dùng: ngày sáng để chúng ta làm việc, đêm tối để chúng ta nghỉ ngơi; có khí để chúng ta thở kẻo chết; có nước để chúng ta uống cho được khoẻ mạnh; có nắng, có mưa, có gió để mùa màng được tươi tốt, đem lại cơm bánh cho chúng ta; có thú vật trên đất, có tôm cá dưới nước để làm của ăn cho chúng ta.

Thật Chúa nhân từ yêu thương chúng ta vô bờ vô bến.

276. Mọi sự trên đời nầy nào có ích gì?

Cho dù ta giàu có vô song, tiền rừng bạc bể, vàng bạc chất đống, cũng vô ích! Tiền bạc Giuđa đã được, có sinh ích gì cho ông ta đâu?

Cho dù ta hưởng được mọi sung sướng trên mặt đất nầy, cũng vô ích! Người giàu sang trong Tin Mừng kể lại, đêm ngày yến tiệc linh đình, nhưng khi chêt, số phận lại bất hạnh, khác xa số phận hạnh phúc của người nghèo khó Ladarô thường ngồi trước cửa của ông để lượm những mẩu bánh vụn rơi xuống.

Cho dù ta được những chức tước cao quý trên mặt đất nầy, cũng vô ích vì chúng không giúp ta được rỗi linh hồn.

277. Đời đáng chán hay không đáng chán?

Xét một cách nông cạn, thì đời đáng chán: đời quá vắn vỏi (trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì), đời quá đau khổ (khổ phần xác: bệnh tật, già yếu, đói khát, giặc giã, …; khổ phần hồn: buồn phiền, tê tái, thất vọng, cô đơn, …)

Nhưng xét một cách sâu xa thì đời không đáng chán: đời chỉ là nơi tạm gởi (sinh ký tử quy, quê hương thật của chúng ta là Quê Trời), đời là chiến trường (đánh trận ma quỷ, xác thịt, thế gian để lập công cho đời sau), đời là nơi đầy an ủi (Chúa Giêsu là bạn thân nhất của chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời nầy, chúng ta có Mẹ Maria vô vàn mến thương; chúng ta có Giáo Hội luôn thay mặt Chúa, săn sóc chúng ta từ khi nằm trong nôi cho đến khi xuôi tay trong quan tài….)

278. Hãy để cho Chúa lo

Vô số lo lắng tấn công chúng ta ngày đêm: lo ăn, lo mặc, lo cho có tiền, lo cho có sức khoẻ, lo già, lo chết, ….

Người nào cũng lo: con nít lo, người lớn lo, đàn ông lo, đàn bà lo, ai làm to cũng lo, dân ngu khu đen cũng lo, …

Sự lo lắng làm khô héo cuộc đời chúng ta, cướp mất sự an vui, làm chúng ta quên ăn mất ngủ.

Để tránh lo, nhiều người trong chúng ta đi coi bói, đi xem tướng số, lao mình vào những cuộc giải trí giải sầu.

Nhưng cho dù chúng ta có uống thúôc ngủ để quên lo, thì những nổi lo lắng cũng thức dậy một lượt với chúng ta.

Để hết lo, chúng ta chỉ có một cách: chạy đến với Chúa Giêsu và để cho Ngài lo: “Lòng các con đừng xao xuyến lo âu. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”.

279. Sứ mạng của người nữ

Sứ mạng của người nữ là tạo nên một tổ ấm, một nơi đầy yêu thương, một nơi đầy dịu dàng, an vui. Bởi thế, thiếu sự hiện diện của người nữ, đời sống sẽ rất khô khan và buồn tẻ.

Thượng Đế đã dựng nên người nữ đầy dịu dàng, nhân ái, vui tươi. Họ là ánh đèn soi cho cuộc đời đen tối, là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời lạnh lẽo, là giòng nước đem lại tươi mát cho cuộc đời.

280. Người làm cha trong gia đình phải là một nhà giáo dục gương mẫu

Người làm cha trong gia đình không phải là một kẻ đi làm thuê để lấy tiền đem về nuôi gia đình.

Người làm cha trong gia đình không phải là một ông thầy đem các kiến thức của mình ra để đổi lấy tiền đem về nuôi gia đình.

Nhưng trước hết và trên hết, người làm cha trong gia đình phải là một nhà giáo dục gương mẫu.

LM Nguyễn Vinh Gioang