PDA

View Full Version : X - Xâu Chuỗi Hy Vọng, Cơ Quan Y Tế Từ Thiện



Dan Lee
04-05-2008, 01:54 PM
Xâu Chuỗi Hy Vọng, Cơ Quan Y Tế Từ Thiện



Ibrahim Sylla là một cậu bé 12 tuổi người Mali, Phi Châu. Gia đình Sylla thuộc hạng bình dân. Ngay từ thuở nhỏ, ông bà Sylla đã nhận thức được rằng cậu con trai Ibrahim không khỏe mạnh bình thường, đi vài bước là thở hổn hển mệt nhọc.

Khi đưa con đi khám bác sĩ, ông bà Sylla choáng váng nghe viên y sĩ báo cho biết là Ibrahim bị bệnh tim rất nặng, cần phải được chữa trị lâu dài. Điều tốt nhất là một cuộc giải phẫu tim có thể đưa Ibrahim đến một cuộc sống bình thường như hàng ngàn hàng vạn đứa bé khác, chạy nhảy đá bóng đánh chuyền vv...

Nhưng hỡi ơi, hoàn cảnh túng thiếu của gia đình cùng với tình trạng chậm tiến của quốc gia xã hội Mali không cho phép ông bà Sylla mơ tưởng đến việc chạy chữa cho con đến nơi đến chốn. May thay, một y sĩ địa phương nảy ý kiến gởi hồ sơ bệnh lý của Ibrahim đến trụ sở tổ chức Mission France, một ngành của hội Bác Sĩ Thế giới.

Tổ chức Mission France được thành lập năm 1986 với mục đích đón tiếp và chữa trị các bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, các bệnh nhân thuộc các quốc gia nghèo, cổ động chương trình y tế tại các dân nước kém mở mang và đánh động dư luận quốc tế trước những vấn đề bảo hiểm săn sóc sức khỏe. Hiện nay, tổ chức Mission France có tất cả 2000 bác sĩ, 300 người vừa y tá và trợ tá xã hội, 100 ân nhân đặc trách việc đón tiếp và hỗ trợ tinh thần các bệnh nhân. Tất cả đều làm việc tự nguyện.

Tại trụ sở tổ chức Mission France, hồ sơ bệnh lý của Ibrahim được toán bác sĩ chuyên khoa giải phẫu tim nghiên cứu kỹ lưỡng và vì tình trạng nguy ngẬp đe dọa mạng sống cậu bé, họ quyết định đưa cậu bé về Pháp để chữa chạy. Bác sĩ Alain Deloche, người sáng lập tổ chức Mission France, bay ngay sang Mali để đích thân khám nghiệm Ibrahim trước khi chuyển cậu bé sang Pháp. Tất cả phí tổn đều do tổ chức chịu, nhưng nhờ một hệ thống tương trợ mang tên là Xâu Chuổi Hy Vọng, các phí tổn này được giảm thiểu tối đa.

Đến Paris, Ibrahim được một gia đình ân nhân đón tiếp và trong những ngày đầu, cậu bé viếng thăm các thắng cảnh tại Paris, đồng thời, thực hiện các cuộc thử nghiệm cần thiết để chuẩn bị cuộc giải phẫu sắp tới. Ông bà Bacot, gia đình ân nhân đón tiếp Ibrahim, hết lòng chiều chuộng cậu bé và không rời cậu một giây phút nào.

Buổi sáng ngày giải phẫu, ông bà Bacot đưa Ibrahim đến nhà thương, ở lại với cậu bé cho đến lúc cậu lên bàn mổ. Bà Bacot bồn chồn chờ đợi suốt thời gian cuộc giải phẪu kéo dài để biết kết quả. Rồi sau đó, suốt thời gian 1 tuần điều dưỡng ở nhà thương, chiều nào bà cũng vào thăm viếng cậu bé. Khi ra khỏi nhà thương, cậu bé trở về nhà bà Bacot dưỡng bệnh mấy tháng sau đó.

Ngày nay, Ibrahim là cậu bé hoàn toàn mạnh khỏe. Tại quê hương Mali ngày ngày Ibrahim chạy nhảy chơi đùa nghịch ngợm như bao nhiêu đứa trẻ cùng tuổi khác trên thế giới. Niềm vui và nụ cười tươi nở trên môi Ibrahim là phần thưởng vô giá đối với bác sĩ Alain Deloche.

Khi được hỏi là động lực nào đã giúp bác sĩ vượt thắng những trở ngại chông gai trên con đường phục vụ, bác sĩ Deloche trầm ngâm hồi lâu rồi dứt khoát trả lời:

Động lực giúp tôi vững bước tiến tới là một xác tín nội tâm sâu xa kiên vững. Tôi biết tại sao tôi làm việc này. Niềm xác tín đó là tôi tin vào con người. Tại Sarajevo, khi thấy những tên bắn sẻ nhắm trong ống kính bắn gãy chân một đứa bé, để rồi chờ đợi và nhắm bắn chết một người lớn liều mình ra cứu nó, tôi cảm thấy thật chóng mặt trước tình trạng bạo lực vô nghĩa lý này, một tình trạng có thể làm chúng ta buông tay đầu hàng định mệnh.

Thế nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ đến những nụ cười nhợt nhạt nở trở lại trên đôi môi của những em bé thơ vừa ra khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, nếu không được chạy chữa thì chỉ còn đợi giờ chết. Và những nụ cười đó là những ánh nến chói sáng trong đêm tối, giúp chúng tôi vững bước mạnh tiến trên đường phục vụ.

Tôi rất hãnh diện và sung sướng vì đã biết từ bỏ tháp ngà kỹ thuật tân tiến của ngành y khoa Tây Âu để trở thành một y sĩ chính hiệu, một y sĩ đích thực và hoàn toàn. Tại Pháp, tôi biết chắc rằng nếu không có tôi, người ta sẽ kiếm ra ngay một người khác thế chỗ. Nhưng tại những nước thế giới thứ ba, tôi thật sự cảm thấy là cần thiết cho con người ở đó.

Mai Anh, 05/04/2008