PDA

View Full Version : M - Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (26)



Dan Lee
04-05-2008, 11:42 AM
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần

251. Hãy làm việc! Đừng phí bỏ một giây phút nào!

Hãy đứng lên! Hãy làm việc! Bạn và tôi chỉ sống cuộc đời của mình trên trần gian nây một lần mà thôi.

Đừng phí bỏ một giây phút nào.

Khi đến giấc ngủ, chúng ta sẽ ngủ ngon. Và khi đến giờ chết, chúng ta sẽ ra đi trong an bình.

252. Suy nghĩ cho chính xác

Suy nghĩ cho thật chính xác, đó là công việc quan trọng nhất của một người, và điều nầy mới đem lại ý nghĩa cho đời sống của một người.

Đây là một trong những điều quan trọng nhất đối với một linh mục hoặc một tu sĩ trong tương lai.

Nếu ai đó được bề trên đáng giá là “suy nghĩ lệch lạc” (faux jugement), nghĩa là suy nghĩ không chính xác, thì người đó có dấu hiệu rõ ràng để cho bề trên nói rằng người đó “không có ơn kêu gọi”.

253. Người huấn luyện ta hay nhất

Ngoài Chúa và Đức Mẹ ra, người huấn luyện ta hay nhất, không phải là ai khác ngoài chính ta.

Chính ta phải tự huấn luyện ta, chứ đừng để cho người khác huấn luyện ta.

Người khác chỉ có thể hướng dẫn ta, làm cố vấn cho ta, còn chính ta mới là kẻ huấn luyện ta.

Được như vậy, ta mới biết sống trưởng thành, tự trọng và tự chủ.

254. Mười hai dấu hiệu của một người sợ sệt

1. Quan trọng hoá những điều nhỏ mọn
2. Hành động tùy lúc, tuỳ hứng
3. Nhảy cuồng lên khi chỉ nghe một tiếng động nhỏ
4. Rất mau và rất dễ bị phật lòng
5. Rất mau hờn giận
6. Có những tình cảm mạnh một cách dễ dàng
7. Dễ vui quá mà cũng dễ buồn quá
8. Xét đoán theo cảm tình
9. Làm việc lừ đừ, chậm chạp
10. Ôm lo nhiều việc quá trong một lúc
11. Chỉ làm việc khi bổn phận đòi buộc
12. Chỉ bằng lòng quan sát những dấu hiệu bên ngoài mà thôi.

255. Trên đời nầy, cái tốt nhất, là cái thuộc về đời đời

Trên đời nầy, trong khi mọi sự đều phù vân, nay có mai không, thì cái gì tốt nhất, là cái thuộc về đời đời, là cái có giá trị đời đời.

Điều nầy làm cho chúng ta luôn nghe vẳng bên tai lời Chúa Giêsu dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích chi?”

256. Đôi mắt làm cho chúng ta được đầy những gì chúng ta thấy

Khi nhìn, đôi mắt chúng ta được trần đầy những gì chúng ta thấy.

Bạn hãy năng nhìn lên Nhà Tạm Thánh Thể để con người của bạn được tràn đầy Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bạn hãy năng nhìn lên Thánh Giá để con người của bạn được tràn đầy Khí Cụ Cứu Chuộc của Chúa Giêsu.

Bạn hãy năng nhìn lên trời cao để con người của bạn được đầy tràn Tình Chúa Cha yêu bạn.

Bạn hãy năng nhìn hoa đẹp để con người của bạn được tràn đầy vẻ đẹp của Đấng Tạo Hoá muôn loài.

257. Chúng ta hãy có hình bóng của ba người đàn bà trong lòng mình

Đó là hình bóng mẹ của chúng ta.

Đó là hình bóng của mẹ của những đứa con của chúng ta.

Đó là hình bóng của mẹ của tất cả các bà mẹ trên trời dưới đất nầy, là Đức Mẹ Maria.

258. Mục tiêu của học vấn

Thánh Bênađô nói về mục tiêu của học vấn như sau:

-“Có những người học để thông biết mọi sự. Có những người học để phô trương. Có những người học để cầu danh lợi. Có những người học để xây dựng cho đời. Có những người học để xây dựng đời mình.

Học để biết suống, là tò mò. Học để tự phô trương, là giả dối. Học để làm giàu, là vụ lợi. Học để xây dựng cho đời, là bác ái. Học để tự xây dựng cho mình, là khôn ngoan.

Các con hãy chú ý đến hai hạng người sau cùng: học để xây dựng cho mình, rồi xây dựng cho đời.”

259. Ảnh hưởng trên kẻ khác

Chúng ta hãy làm sao để cho tất cả những ai có dịp đến gần chúng ta, đều yêu những gì chúng ta yêu và tin những gì chúng ta tin.

260. Người có đạo phải lo sống đạo trước hết và trên hết

Cái gì sống thì sinh ra sự sống.

Trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ngôi Cha sinh Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần sinh ra bởi Ngôi Cha và Ngôi Con.

Trong đời sống tự nhiên của các loài thụ tao, chúng ta thấy cây cối sinh ra hoa quả, loài vật sinh ra những con thú, loài người sinh ra những con người.

Trong đời sống đạo cũng vậy: người giữ đạo phải sinh ra những hoa quả thiêng liêng, là các việc lành phước đức.

Vậy người có đạo phải lo sống đạo trước hết và trên hết.

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang