PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Giai đoạn sáu của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 09:26 PM
Giai đoạn sáu


Tha thứ cho chính mình.



Ghét linh hồn mình, chính là không thể tha thứ cho chính mình, là không hiện hữu, mà cũng chẳng thể là mình.

Bernanos

Tha thứ cho chính mình xuất hiện cho tôi như điểm quay vòng của tiến trình tha thứ. Những sự tha thứ cho Thiên Chúa và cho tha nhân trước hết phải đi qua sự tha thứ mà bạn trao ban cho bạn. Kẻ muốn tha thứ nhưng không tha thứ cho chính mình giống như một người bơi lội mà sóng biển cứ kéo ra khơi, mãi xa bờ. Mọi nổ lực mà bạn sử dụng để tha thứ cho kẻ khác sẽ bị mất tác dụng vì sự hận thù mà bạn mang lại cho chính bạn. Ngay cả trường hợp người ta không chịu một xúc phạm hay chửi rủa đặc biệt nào, sự tha thứ cho chính mình vẫn là một trong những thực hành lớn có tính cách tâm lý và thiêng liêng để được chữa lành. Một nhà phân tâm đã nói : "Cái cốt yếu của việc trị liệu, chính là bạn học tha thứ cho chính bạn".

Khi bạn bị tổn thương sâu sắc, bạn không còn có thể do dự tha thứ cho chính mình nữa. Bằng mọi cách, bạn đã bị dồn vào đó. Một cú cay đắng đã phải nhận chịu, nhất là khi nó lại đến từ một người thân yêu, sẽ phá tan thành mãnh sự hòa điệu nội tâm của bạn. Lúc ấy, những sức mạnh đối địch sẽ được phát động lên trong bạn. Chỉ có sự tha thứ khiêm tốn mà bạn trao ban cho mình sẽ thành công trong việc tái lập trong bạn sự bình an và hòa điệu, đồng thời mở lòng bạn ra với sự có thể tha thứ cho người khác được thôi.



1. Ý thức về sự thù hận chính mình :

Sự hòa điệu nội tâm vẫn luôn luôn ở trạng thái quân bình mong manh và không bền. Một nỗi thất vọng, một sự bất công hoặc một bất hạnh bất ngờ xảy ra đủ đánh thức dậy trong mình những tiếng nói bất hòa xâm lấn hầu như cả không gian của thế giới nội tâm, đến đổi chẳng còn chỗ cho tha thứ nữa. Bị vướng trở nơi chính mình như thế, người ta trở nên không thể tha thứ cho kẻ khác được. Đó là điều tôi đã nhận thấy sau một tuần chữa trị cho những người phân ly vợ chồng. Tôi đã xin các tham dự viên mô tả những chướng ngại ngăn trở họ tha thứ. Trở ngại chính mà họ thuật lại là do sự chỉ trích khắt khe về chính mình và sự bất lực không thể tha thứ cho chính mình. Đây là những trích dẫn từ các chứng từ của họ :

Tôi khó tha thứ cho chính mình, bởi vì tôi đã làm gia đình tôi tan vở, đã không suy nghĩ trước khi ra đi, đã không chứng tỏ có đủ tâm hồn cao thượng để chịu đựng và dung thứ những xung đột vợ chồng, vì…

Lẽ đáng ra tôi phải thấy trước các vấn đề khi tôi cưới lấy một người đàn ông có một sự dòn mỏng tâm lý như vậy …

Tôi hận mình vì đã quá ngây thơ và đã đặt tất cả lòng tín nhiệm vào nàng …

Tôi không tha thứ cho mình được vì đã nghĩ trước khi kết hôn rằng tôi có thể làm thay đổi được người chồng rượu chè của mình …

Tôi phẩn nộ với chính mình vì đã tin vào những lời dối trá của nàng và đã kéo dài quá lâu những bất trung và những xài phí quá đáng của nàng…

Con người mà tôi cảm thấy khó nhất để tha thứ là chính tôi, một kẻ nhu nhược, vì đã ngoan cố sống trong một cuộc hôn nhân không có tương lai, vì đã quá duy vật chất…

Tôi có sự khó tha thứ cho mình vì đã không sẵn sàng tha thứ…

Những lời "tự thú" nầy chứng tỏ người ta hối hận đến độ nào khi gặp phải thất vọng lớn. Họ không tha thứ cho mình vì đã đấn mình vào những bất hạnh như thế, và xúc phạm mà họ phải chịu đựng lại phơi bày ra ánh sáng những suy sút và yếu đuối của họ. Còn hơn là bị sĩ nhục, họ cảm thấy tràn ngập xấu hổ và có lỗi, hòa lẫn với chuỗi dài những nhục nhã của quá khứ.



2. Nguồn phát sinh sự coi thường chính mình :

Người ta có thể biện phân ba nguồn chính của sự coi thường chính mình:

- trước hết là sự thất vọng vì đã không đạt được đỉnh cao lý tưởng mơ ước ;

- tiếp đến là những sứ điệp tiêu cực nhận được từ cha mẹ và những người có ý nghĩa đối với mình ;

- sau cùng là những tấn công của bóng tối cá nhân được hình thành trong phần lớn tiềm năng nhân bản và thiêng liêng bị dồn nén, và do đó không phát triển được.

Nguồn thù địch đầu tiên với chính mình đến từ sự kiếm tìm hạnh phúc và một sự hoàn hảo tuyệt đối, giống như các thần thánh hay tiên nữ, hoặc ít nhất như hoàng tử và công chúa. Cái ước vọng vô biên nầy luôn hành động trong mình, mặc dầu những giới hạn và bất lực của mình vốn là thọ tạo. Dần dần, ta phải học chấp nhận sự hữu hạn của mình và chịu đựng tình cảm có lỗi không hoàn hảo của mình. Việc chấp nhận cụ thể trạng thái tạo vật của mình luôn luôn được xem như một bước lớn trên con đường sức khoẻ tâm lý và thiêng liêng. Người ta gọi đó là "đức khiêm nhường". Nhân đức nầy giúp nhận lấy đúng kích thước của mình. Nó cho phép tha thứ cho mình không những vì bị giới hạn và sai lầm, mà còn vì tưởng rằng mình là toàn năng, toàn tri, không thể chê trách được và hoàn hảo về mọi phương diện.

Nguồn thứ hai buộc tội và chê ghét chính mình đến từ những sứ điệp tiêu cực về phía những nhân vật mà người ta coi là quan trọng trong cuộc đời mình. Những sứ điệp nầy thuộc trật tự không lời hay bằng lời. Trước hết, chúng ta hãy xem những sứ điệp tiêu cực không lời. Đứa trẻ cảm nhận trong thân thể nó cả một lô những sứ điệp không lời, như những cử chỉ thiếu nhẫn nại và bạo lực của cha mẹ. Sự mệt mỏi, suy sút, từ chối vô thức của đứa trẻ, thiếu sót các chăm sóc vệ sinh, sự xâm nhập vào tính sâu kín trẻ con của nó, những hành động bạo lực, những lạm dụng tình dục, trẻ con ghi hết tất cả vào trong hệ thống thần kinh và ký ức của nó.

Về sau, sự coi thường và cả sự thù hận chính mình sẽ lớn lên theo sau những sứ điệp bằng lời có nghĩa xấu, chẳng hạn những lời nói làm mếch lòng, những phê phán ác ý, những so sánh, những chế nhạo, những biệt hiệu, v.v… Sự tích lủy các sứ điệp bất lợi tạo nên nơi con người một mặc cảm tự ti, chẳng hạn nó không ngừng tự so sánh mình với một lý tưởng không thể được vì lẫn lộn và được định nghĩa sai. Thất vọng về mình và luôn luôn thua kém, người đó càng lún sâu trong phiền muộn và những trạng thái trầm uất định kỳ, có khi bị xô đẩy tới chỗ tự tử là hình thức cao nhất của sự từ chối tha thứ cho chính mình.

Nguồn thứ ba của tình cảm có lỗi và khó chịu đối với chính mình phát sinh do "bóng tối" nhân cách. Bóng tối bao gồm tất cả mọi phương diện của mình mà người ta đã không thể hay không biết phát triển, vì nghĩ rằng chúng không thể được môi trường xã hội chấp nhận. Bị hoảng sợ trước những phần của mình mà mình cho rằng không thể đón nhận được, người ta chôn giấu chúng trong vô thức. Đó là cái mà người ta thường làm, chẳng hạn với sự bạo lực mà người ta sợ phải đương đầu. Bạo lực nầy nổi lên ngay lúc bị xúc phạm và đòi trả chỗ cho nó. Nếu lúc ấy mà nó không được đón nhận và chấp nhận, thì sẽ có nguy hiểm là nó quay lại chống người không biết đến nó. Thay vì là liên minh, nó sẽ quay sang hàng ngủ kẻ thù để tấn công dưới hình thức tự buộc tội mình một cách bệnh hoạn.



3. Sự đồng nhất hóa với kẻ tấn công :

Theo sau một xúc phạm, một lăng nhục hay một tấn công cá nhân, một hiện tượng lạ phát sinh mà trong khoa tâm lý người ta gọi là "sự đồng nhất hóa với kẻ tấn công". Một cách nào đó, thì đó là một phương thế để sống còn. Bởi đó, người ta nhằm thoát khỏi trạng thái nạn nhân bằng cách thay thế cho chính kẻ gây nên xúc phạm. Mặc cho mình sức mạnh của kẻ tấn công như thế, nạn nhân có ảo tưởng bảo vệ được một phẩm giá nào đó hoặc một vẻ bề ngoài tự lập. Nhưng vấn đề là người ta tiếp tục là kẻ bách hại chính mình, ngay cả khi sự xúc phạm đã biến mất. Hầu hết các trường phái tâm lý đều nhìn nhận sự hiện hữu của một cơ chế tự vệ mà họ chỉ định bằng những danh từ khác nhau : siêu ngã, tâm thần tội lỗi, mặc cảm tự tôn…

Bấy giờ cái phần nầy của hữu thể tự tỏ ra bạo ngược và nhẫn tâm đối với chính mình. Nó hiển hiện ra trong một số phát biểu phản bội lại một yêu sách quá mức đối với mình, ngay cả một sự không bằng lòng triền miên. Đây là vài ví dụ của cuộc đối thoại nội tâm đó : "Tôi cần phải…", "tôi phải…", "lẽ đáng ra tôi phải…", "lẽ đáng ra tôi cần phải…". Đôi khi tính chua chát nầy được bộc lộ bằng những bí danh làm cho hèn hạ và những lời chửi bới mà người ta nói cho chính mình.

Một cuộc đối thoại như thế tạo nên một tính đối cực mà hai phần của chính mình đi vào xung đột. Phần nầy có khuynh hướng hà hiếp phần kia bằng những yêu sách không thể thỏa mãn được, trong khi phần kia chịu đựng đủ thứ cáo buộc và chịu sụt giá trước những thành tích nghèo nàn của mình và những lần khác thì lại nổi loạn. Từ cuộc chiến thường khi vô thức nầy phát sinh ra những tình cảm có lỗi, xao xuyến miên man và những trạng thái trầm uất.

Như vậy, mỗi khi là nạn nhân của một xúc phạm hay một bạo lực thì một phần của chính mình chịu để bị hư hỏng bởi hành động đê tiện của kẻ tấn công và tự làm cho mình thành đồng lõa với kẻ xúc phạm đến chính mình bằng cách tự bách hại chính mình. Điều dữ mà người ta làm cho nó thúc đẩy nó nhai lại những lời nói gây thương tổn, xem lại những hình ảnh của biến cố đau thương và làm linh hoạt trở lại những xúc cảm đã sống khi bị xúc phạm. Sự dữ thâm nhập vào mình và người bị hành hạ có nguy cơ lớn quay lại chống chính mình và chống lại các kẻ khác vì những lạm dụng mà mình đã phải gánh chịu.

Thường xảy ra trong trị liệu là người ta tự cáo buộc mình bằng chính những lời nói của kẻ tấn công họ. Một nữ khách hàng lặp đi lặp lại không ngừng "Tôi là đồ súc sinh !" Tôi xin nàng tự nói lại cho mình lời nguyền rủa ấy trong khi lắng nghe giọng điệu tiếng nói của mình để khám phá ra tiếng nói coi nàng là súc sinh đó thuộc về ai. Hết sức ngạc nhiên, nàng nhận ra trong tiếng nói của nàng giọng nói của chồng nàng, là người đã đối xử với nàng như thế khi rời bỏ nàng.

Do đó một trong những điều kiện đầu tiên để tha thứ cho chính mình hệ tại việc bắt đầu tha thứ cho chính mình vì đã đồng nhất hóa với kẻ xúc phạm mình.



4. Việc chấp nhận chính mình và sự tha thứ :

Cái giá mà người ta phải trả vì thiếu chấp nhận và quí mến chính mình là rất cao. Trong L'homme à la recherche de son âme, đại tâm lý gia Carl Jung chủ trương rằng chứng loạn thần kinh là nguồn gốc sự thiếu chấp nhận và quí mến chính mình : "Chứng loạn thần kinh là một trạng thái chiến tranh với chính mình. Tất cả những gì nhấn mạnh sự chia rẻ vốn ở trong mình làm cho tình trạng của bệnh nhân thêm trầm trọng hơn, và tất cả những gì phá tan sự chia rẻ nầy góp phần chữa lành bệnh nhân".

Cũng chính tác giả nầy nói tiếp khi đề cập đến tình yêu chính mình : "Sự chấp nhận chính mình là chính yếu tính của vấn đề luân lý và là tổng hợp của mọi viển ảnh của cuộc sống. Nếu tôi cho những người đói ăn, nếu tôi tha thứ một xúc phạm, hoặc nếu tôi yêu kẻ thù của tôi nhân danh Chúa Kitô, thì chắc chắn điều đó tạo nên những nhân đức lớn. Điều gì tôi làm cho kẻ bé mọn nhất trong các anh em của tôi là tôi làm cho chính Chúa Kitô. Nhưng tôi sẽ làm gì khi tôi khám phá ra rằng người bé nhỏ nhất trong mọi người, người nghèo nhất trong mọi kẻ ăn xin, kẻ tồi tệ nhất trong những kẻ đã xúc phạm đến tôi được tìm thấy ở trong chính tôi, rằng chính tôi là kẻ cần ăn xin sự dễ thương của tôi, rằng chính tôi là kẻ thù đang van xin tình thương của tôi ?"

Cần phải thú nhận rằng tất cả chúng ta đều phải tha thứ cho mình, vì chúng ta đã tưởng mình toàn năng như thần thánh, đã chen vào những thương tổn của tha nhân, đã để mình bị chê bai bởi những sứ điệp tiêu cực của cha mẹ và những người đào tạo chúng ta, đã cho phép cái bóng của chúng ta quay lại chống chúng ta, và cuối cùng, đã đồng lỏa với kẻ xúc phạm chúng ta đến độ tiếp tục mãi những cử chỉ gây xúc phạm trong chúng ta.

Trước những thách đố lớn lao như vậy của việc tha thứ cho chính mình, không có cái gì khác ngoài sự ngã lòng, thất vọng sao ? Dĩ nhiên là có. Theo vẻ bề ngoài như thực, chúng ta sẽ vấp ngã, nếu chúng ta chỉ tin vào sáng kiến và sức mạnh của chúng ta thôi. Bernanos không nghĩ gì khác hơn : "Một người bị bó buộc nhìn ra ngoài lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa chỉ rơi vào sự thù hận và khinh miệt chính mình thôi".

Dù gì đi nữa, tôi hy vọng rằng mọi người đã hiểu tầm quan trọng sinh tử của việc tha thứ cho chính mình. Sự tha thứ cho chính mình nầy là điều kiện thành công cho các tha thứ khác : "Nếu một người nào độc ác đối với chính y thì người ta làm sao mà có thể chờ đợi ở y lòng cảm thông với người khác được ?"



5. Để giúp tha thứ cho chính mình :

a) Nhờ thực tập đầu tiên nầy, chúng ta sẽ học đối xử dịu dàng hơn với mình. Vấn đề là phải ý thức về tất cả mọi lần mà chúng ta tự cáo buộc mình và cho mình những mệnh lệnh với các thành ngữ như tôi cần phải, tôi phải, có lẽ tôi phải, tôi bị bó buộc phải … :

Bạn bắt đầu liệt kê những phát biểu của ngôn ngữ thường ngày của bạn, chẳng hạn tôi cần phải tha thứ cho bạn tôi. Rồi trong khi bạn ghi vào danh mục các "cần phải" và những công thức truyền khiến khác, bạn để thời giờ dừng lại ở mỗi thứ và cảm nhận cái gì xảy đến trong mình bạn. Chắc chắn bạn sẽ hiểu tất cả những cưỡng bức mà bạn tự áp đặt cho mình đó là nguyên nhân gây nên ứng suất như thế nào.

Một khi bản liệt kê của bạn được chấm dứt, bạn thay thế những chữ cần phải, tôi phải, lẽ ra tôi phải, lẽ ra tôi nên bằng tôi chọn…, tôi tự do để… Bạn dừng lại để thưởng thức trạng thái mới của tâm hồn được tạo nên nhờ sự thay thế đó.

b) Tập luyện nầy nhằm làm lại sự hòa điệu nội tâm đã bị phá hủy do sự va chạm của xúc phạm :

Bạn ngồi một cách thoải mái, lưng thẳng đứng, loại bỏ mọi sự chia trí trong vòng hai mươi phút. Dành vài chốc lát để đi vào nội tâm bạn.




Trước hết, bạn ý thức về hai phần của bạn : phần cáo buộc bạn và phần bị cáo buộc.




Bạn đặt hai tay lên đầu gối và tự hỏi tay nào trong hai tay có thể đại diện cho phần cáo buộc. Bạn tin chắc tay kia có khả năng đóng vai phần bị cáo buộc. Nơi nhiều người, thường chính bàn tay thuận đóng vai kẻ cáo buộc và tay kia đóng người bị cáo buộc.




Một khi đã xác định rõ hai phần rồi, đưa tay cáo buộc lên một bên quá đầu, gấp khuỷu tay lại để bạn khỏi quá mệt. Nhìn vào bàn tay dường như đó là một màn ảnh mà trên đó bạn thấy vẽ ra phần cáo buộc của bạn. Bạn sẽ vẽ nó ra như thế nào ?… Những khuôn mặt nào xem ra đang ẩn núp đàng sau cái phần đó của bạn, mà phần cáo buộc nầy tỏ ra quá yêu sách, bạo ngược và bắt lỗi ? … Nghe một hoặc nhiều giọng nói với bạn những lời khiển trách…




Bây giờ, bạn đặt các ngón tay lên vai để cho cánh tay của bạn được nghỉ ngơi.

Đưa bàn tay bên kia lên quá đầu một chút và hơi chếch đàng sau. Bạn nhìn phần lần nầy bị cáo buộc của bạn. Nó là phần nhạy cảm, dịu dàng và dễ bị tổn thương, có khuynh hướng dễ bị suy sút tinh thần vì những lời khiển trách. Bạn sẽ mô tả nó như thế nào ? … Nó bao nhiêu tuổi ? … Bạn ngắm nhìn nó hiển hiện ra suốt trong nhiều thời kỳ khác nhau của đời sống bạn…




Bạn đặt các ngón tay lên vai để cánh tay được nghỉ ngơi.

Bây giờ trở lại với phần cáo buộc. Đưa bàn tay lên quá đầu. Hai mắt lại chăm chú nhìn phần cáo buộc của bạn, bạn tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây : Tôi có tán dương cái phần nầy của tôi không, dù nó tỏ ra quá yêu sách đối với tôi và thường năng cải lộn với tôi như thế ?… Ý hướng tích cực nào mà nó hành động với tôi như vậy ? … Cái gì sẽ xảy ra cho tôi nếu tôi thiếu mất nó ? … Dần dần bạn khám phá ra ý hướng tích cực đang tác động nó. Ngay cả khi bạn không luôn luôn tán thành những cách thức nó muốn giúp đỡ bạn, bạn ý thức rằng nó muốn điều tốt cho bạn.




Bạn đặt các ngón tay vên vai để cánh tay được nghỉ ngơi. Bây giờ sang bàn tay kia. Đưa nó lên quá đầu một chút và hơi nghiêng về đàng sau. Tự đặt cho bạn những câu hỏi : Tôi tán dương cái gì nhất trong nó, dù tính rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của nó ?… Ý hướng tích cực nào nó có trên tôi ?… Tôi sẽ làm gì nếu không có nó ? … Dần dần, bạn ý thức về tất cả tầm quan trọng của nó đối với bạn, ngay cả khi bạn không luôn luôn sử dụng các phương tiện nó dùng để làm cho nó được yêu thương.




Cứ để bàn tay bạn nghỉ ngơi trên vai bạn. Trở lại với bàn tay kia bằng cách đưa nó lên quá đầu, về một bên và hơi nghiêng về đàng sau. Bạn xin lỗi nó về mọi lần bạn đã không tán dương nó hoặc bạn đã muốn tống khứ nó đi.




Sau khi nhận sự tha thứ của nó, bạn nói với nó rằng bạn tha thứ cho nó mỗi lần nó đã quá cứng cỏi hoặc quá vụng về đối với bạn. Bạn xin nó tìm các phương thế khác nhân bản hơn và thích hợp hơn để thực hiện những thành tích mà nó chờ đợi ở bạn.




Bạn để bàn tay và cánh tay nghỉ ngơi, rồi lại nói với phần dịu dàng và nhạy cảm của bạn. Bạn xin lỗi nó về những lần bạn xét đoán nó là quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương, và những lần bạn đã muốn không thèm biết đến nó hoặc bạn muốn tống cổ nó đi.




Sau khi nhận được sự tha thứ của nó, bạn tha thứ cho nó về tất cả những đau khổ mà nó đã gây nên cho bạn. Bạn xin nó tìm kiếm các phương tiện khác hiệu quả hơn để bạn hoàn tất những gì nó muốn ở nơi bạn.




Bây giờ, bạn giơ hai tay ra trước mặt, cao quá đầu và cách nhau khoảng một mét. Bạn để ít khoảnh khắc ngắm nhìn hai phần của bạn mà chúng tượng trưng và tất cả những gì mỗi phần cống hiến cho bạn về sự phong phú, phẩm chất và tài nguyên.




Khi bạn cảm thấy sẵn sàng, bạn cho hai tay xáp lại gần nhau theo nhịp độ riêng của bạn. Bạn tiếp tục chiêm ngắm sự đồng nhất riêng với mỗi bên của cả hai phần. Khi chúng đụng vào nhau, bạn đan các ngón tay vào nhau và đưa hai bàn tay đan nhau đặt trên bụng bạn. Rồi bạn đi vào trong mình (nhập định) một cách sâu xa.

Không cố gắng, ngay cả không tìm cách giải thích những gì xảy đến trong bạn, hoặc thử đoán biết những gì xảy đến với bạn, bạn để cho hai phần của bạn tiếp tục gặp nhau để chúng học nhận biết nhau hơn, sáp nhập với nhau hơn, cộng tác với nhau hơn và kính trọng lẫn nhau hơn.




Như vậy là tốt. Bây giờ, bạn đi vào nội tâm mình cách còn sâu xa hơn nữa. Bạn phó mình cho sự khôn ngoan vô thức đang hoạt động trong bạn (ở đây, bạn có thể khẩn cầu nguồn linh hứng thiêng liêng của bạn). Bạn xin Chúa khai mở sự hòa điệu hai phần của bạn, ngõ hầu chúng có thể sống trong bình an, thanh lặng va trong suốt.




Bạn thưởng thức sự thanh lặng, bình an, và hiệp nhất nội tâm nầy. Đang khi ở lại trong trạng thái thư giản nầy, bạn tưởng tượng nhìn thấy đôi mắt của người đã làm tổn thương bạn và trong ít giây, bạn ý thức tất cả những gì bạn muốn dạy dổ y. Bây giờ, bạn để đôi mắt của y ra đi. Rồi bạn trở lại thưởng thức sự bình an và hiệp nhất sâu xa mà bạn cảm nhận trong lòng. Hai phần của bạn sẽ tiếp tục hòa giải với nhau và sáp nhập với nhau trong những ngày tới, những tuần tới, những tháng tới.

Bạn tìm trong nhà một vật gì tượng trưng cho trạng thái thanh lặng, vui tươi và trong sáng mà bạn hiện đang sống. Khi bạn nhìn ngắm nó, vật biểu tượng ấy sẽ làm sống dậy trong bạn cái kinh nghiệm hiện tại về sự thanh lặng, bình an và vui tươi.




Rồi, tùy theo nhịp điệu riêng của bạn, bạn để mình trở lại với thế giới bên ngoài. Bạn đếm từ một cho đến mười để giúp bạn bắt liên lạc lại với những tiếng động, ánh sáng và màu sắc bao quanh bạn.

Cuộc luyện tập nầy tạo nên cho bạn một cảm giác lớn về bình an và hòa điệu nội tâm. Bạn có thể làm lại tập luyện nầy nhiều ngày liên tiếp. Sự hòa điệu mới mà bạn sẽ thiết lập với chính bạn sẽ giúp bạn dễ dàng trong nhiệm vụ trao ban cho người khác sự tha thứ của bạn.

c) Cuộc luyện tập trên đây nhằm thiết lập lại hòa điệu nội tâm. Cuộc tập luyện nầy sẽ giúp thực nghiệm sự tha thứ cho chính mình :

Dùng thời gian bạn muốn để đi vào trong bạn. Làm mới lại ý hướng của bạn là để cảm nhận bạn được giải thoát khỏi mọi sự coi thường và mọi hận thù đối với bạn. Bạn dọn mình để đón nhận bạn với tình yêu và cảm thông.

Bạn cầu xin Chúa đồng hành với bạn trong tiến trình tha thứ cho chính bạn, đồng thời đổ đầy tâm hồn bạn sức mạnh và tình yêu.

Đã đến lúc để rơi rụng xuống mọi tình cảm bạo lực, coi thường và tức giận đối với bạn. Hãy để biến mất đi tất cả mọi tình cảm phá hoại.

Bạn loại trừ mọi cám dỗ hạ thấp bạn, tranh chấp, so sánh, nghĩ là bạn hơn hay thua kẻ khác.

Một lần cho mọi lần, bạn cho phép bạn được là chính bạn.

Thật nặng nề biết bao khi biết rằng bạn bị vất ném ra khỏi bạn và sống bên lề chính con tim của bạn.

Từ từ, bạn mời gọi con tim bạn đón nhận và yêu thương bạn trở lại.

Hết sức dịu dàng, bạn lắng nghe con tim bạn nói với phần không được yêu thương của bạn : "Ta tha thứ cho mầy những yếu đuối, nhân tính bị tổn thương, những ước vọng quá mức và tất cả mọi lỗi lầm của mầy. Ta tha thứ cho mầy. Ta tha thứ cho mầy".




Bạn để cho con tim bạn nói với bạn : "(Tên bạn) ơi, tôi đón nhận … trong lòng tôi. Tôi muốn dành một chỗ thật lớn ở đó cho … Tôi tha thứ cho … Tôi tha thứ cho … "

Chính như thế. Bạn xóa tan đi mọi phán đoán bất lợi và mọi cay đắng đối với bạn. Bạn để biến mất đi mọi cảm giác cứng cỏi đối với bạn.

Bạn tiếp tục đón nhận mình với tế nhị và yêu thương, dường như bạn cư xử với đứa con đã làm bạn tổn thương. Bạn dành cho mình còn nhiều chỗ hơn trong trái tim và bạn tưởng tượng nhìn thấy tim bạn được bao bọc đầy ánh sáng và hơi ấm.

Có thể bạn bất chợt thấy rằng bạn xét đoán quá bao dung đối với bạn, đến độ bạn cảm thấy bối rối. Bạn đón tiếp những ý nghĩ nghiêm khắc ngăn cản bạn tha thứ cho mình đó. Bạn đón nhận chúng và để cho chúng tan chảy trong hơi ấm nồng nhiệt của trái tim bạn.

Bạn cảm nhận rằng trái tim bạn mềm ra dần dần và trở nên dịu dàng đối với bạn.

Bạn bắt đầu thưởng thức niềm vui tha thứ cho chính bạn và sự sinh hạ của một tự do nội tâm mới. Sự an ủi mà bạn cảm thấy sẽ làm cho bạn hiểu rằng thật là phù phiếm, nếu bạn cứ hận mình lâu dài hơn.

Bạn để cho sự hiệp thông và lòng quí mến, bình an và cảm thông của con tim thấm nhuần tất cả con người bạn.

Bạn thấy cảm giác được giải thoát phát sinh do sự tha thứ cho chính mình giúp bạn tỏ ra cảm thông hơn đối với người khác và sẳn sàng tha thứ cho họ đến mức độ nào.

Cảm thông với chính mình :

Tôi muốn tha thứ cho tôi,

- vì đã tìm kiếm vì sao không thể đạt tới được,

- vì đã dòn mỏng,

- vì đã xấu hổ về đau khổ của mình,

- vì đã nhận là có lỗi trong bất hạnh của mình,

- vì đã duy trì khao khát một sự hoàn hảo không thể tới được,

- vì đã đồng lõa với kẻ bách hại mình,

- vì đã tự đặt mình ra ngoài con tim mình,

- vì đã nhớ mãi những lời cáo buộc gây tổn thương đến mình,

- vì đã không có khả năng tiên liệu mọi sự,

- vì đã thù ghét mình không xót thương,

- vì đã cảm thấy bất lực để tha thứ cho người khác,

-
...

Tóm lại, tôi muốn tha thứ cho tôi, vì đã là người.


Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai