PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Giai đoạn năm của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 09:06 PM
Giai đoạn năm


Chấp nhận nỗi giận và lòng muốn báo thù của mình.



Phải là nhà tâm lý trị liệu để biết được có bao nhiêu bạo lực bị dồn nén dưới sự tha thứ giả dối.

Paul Tournier

Thường xảy ra là từ ngữ "giận dữ" gợi lên nơi người ta những cảnh bạo lực ghê gớm. Do đó nó hình thành nơi họ một nỗi sợ lớn lao khi cảm nhận mối xúc cảm nầy. Một số nhà tu đức rất khó nhận thấy trong nỗi giận và lòng muốn báo thù những thực tại tâm lý lành mạnh tự nó. Căn cứ vào một quan niệm bị cắt xén về tình yêu, họ xét đoán rằng phải dồn nén mọi chuyển động của bạo lực.

Đây là câu chuyện của một cuộc cải cọ giữa tôi và một vị tuyên úy của một nhóm đôi bạn. Trước sự hiện diện của ngài, tôi đã thuyết trình về hiệp thông cho một nhóm các đôi vợ chồng. Tôi đã giải thích làm sao cuộc sống lứa đôi mang lại, cùng với những niềm vui của nó, cả một lô những tước đoạt, mất mát. Sự tích lủy của những mất mát theo sau những va chạm nhỏ và những bực tức do đó mà ra, theo ý kiến của tôi, tạo nên một trong những trở ngại lớn nhất cho sự hiệp thông tốt đẹp ở đôi bạn. Tôi cũng khuyên các đôi vợ chồng đừng để chết đi trong mình những cơn giận nhỏ, nhưng nên bộc lộ chúng ra một cách có tính cách xây dựng nhất có thể được. Bởi vì tôi nghĩ rằng cái hủy diệt tình yêu không phải là sự tức giận, nhưng chính là nỗi sợ mở lòng mình ra và sự dửng dưng. Ngay lúc đó, tôi thấy vị tuyên úy nhảy ra khỏi ghế. Bằng một giọng giận dữ, ngài hét lên với tôi : "Nầy cha, đáng ra cha phải biết rằng hờn giận là một trong bảy mối tội đầu chứ !" Ngài lập tức đi ra, đóng sầm cửa lại.

Rõ ràng là chúng tôi đã không có cùng một định nghĩa về sự tức giận. Tôi dùng từ ngữ nầy để diễn tả tình trạng bức tức bên trong được gây nên bởi một sự trái ý, một tiếng chưỡi hay một sự bất công. Ngài thì lại cho từ ngữ "tức giận" ý nghĩa của sự thù hằn và oán giận, là những tình cảm có mục đích làm hại người khác hoặc ngay cả hủy diệt họ nữa.

Thường xảy ra là các vị giảng thuyết, những thầy dạy tu đức đặt đối nghịch tha thứ và tức giận. Đối với họ, để đi đến tha thứ, trước hết phải dập tắt hết mọi chuyển động của tức giận và xua đuổi hết mọi ý nghĩ trả thù. Nói chung, họ khuyến khích sự trấn áp mọi tình cảm được gọi là "tiêu cực". Tiến trình nầy đối với tôi xem ra không có lối thoát. Bởi vì sự tha thứ không thể nào được trao ban, nếu nó đã không được đi trước bởi sự ý thức và chấp nhận sự xấu hổ của mình ; cũng thế sự tha thứ là không thể, nếu người ta kềm chế nỗi giận và lòng muốn báo thù của mình. Không nhận biết và chấp nhận nỗi giận và lòng muốn báo thù của mình, viện lý là muốn tha thứ, chính là tự lừa dối mình, và hơn nữa là bóp méo tha thứ thành sự giả dối có tính cách xã hội.

Nhưng hãy coi chừng ! Ở đây không có vấn đề khuyến khích hay nuôi dưỡng sự hận thù. Người ta thường quá hay lẫn lộn cái xúc cảm tự phát của tức giận với mối hận thù. Trước hết cần phải phân biệt xúc cảm chóng qua của tức giận với lòng muốn báo thù của tình cảm kiên quyết và được nuôi dưỡng bởi lòng căm ghét hay sự hận thù. Biết rằng tức giận là một chuyển động bạo lực của tâm hồn, nó chứa đựng những yếu tố tích cực, bất chấp những vẻ bề ngoài của nó. Nó là một phản ứng bình thường đối lại một hành động bất công, là một sự kiếm tìm sự trung thực và là một nổ lực cất đi chướng ngại cản trở tình yêu tha nhân.

Ngược lại, mối hận thù nhập vào lòng người như một ung thư. Nó che đậy một cơn giận câm nín và bền bĩ chỉ hết đi khi kẻ gây nên xúc phạm bị trừng phạt hoặc bị hạ nhục. Nó có thể mặc lấy những hình thức khác nhau : lời châm chọc mĩa mai cay độc, hận thù dai dẳng, những thái độ khinh miệt, sự cừu địch triệt để, chỉ trích chê bai và tính thụ động bạo lực giết chết mọi niềm vui có thể có trong mọi quan hệ. Bao lâu người ta không muốn nhìn nhận sự tức giận của mình và rút ra lợi ích tốt nhất có thể, thì có mối nguy hiểm là nó sẽ bị hỏng đi bên trong mình và biến thành oán giận và hận thù.



1. Những hậu quả tai hại của cơn giận bị dồn nén :

Kìm nén cơn giận của mình, chính là dấn sâu trong một vũng lầy không có hy vọng thoát ra được. Khi một xúc cảm bị dồn nén vì bị xã hội kết án là không thể chấp nhận được, thì sớm muộn gì nó cũng trổi dậy dưới những hình thức lệch lạc. Bởi vì người ta không thể kìm hãm năng lực cảm xúc được. Nó luôn luôn được bộc lộ ra một cách giả tạo và lừa dối. Để chỉ phẩm chất những lệch lạc cảm xúc nầy, trường phái tâm lý phân tích có tính cách dàn xếp (thỏa hiệp) đã tạo ra thành ngữ "tình cảm bịp bợm". Chúng ta xem xét kỷ những "tình cảm bịp bợm" gây ra do sự dồn nén không lành mạnh của tính bạo lực.

Cơn giận bị kiềm chế có thể đổi chỗ và tấn công những hữu thể vô tội - có thể là những đồ vật, cầm thú hoặc những con người. Có ai chẳng bao giờ nhìn thấy một người nào đó đá một đồ vật hoặc ngay cả một con vật để nguôi đi cơn giận trong lòng không ? Người ta cũng tìm thấy những phản ứng tương tự đối với những con người ("giận cá chém thớt"). Người ta đã dám cả quyết không phải không có lý rằng một người chồng đánh vợ mình là đang cố tự giải thoát mình khỏi hình ảnh của người mẹ một cách tuyệt vọng. Tôi đã thấy một thằng bé sau khi bị mẹ la mắng đã cho thằng em nó một cái tát nên thân !

Thường xảy ra rằng những thúc đẩy không thể kiểm soát được của bạo lực có nguồn gốc là sự tích lủy của các cơn giận bị dồn nén. Một khách hàng có nụ cười cố định đến tìm tôi hỏi cách chế ngự những cơn bạo lực bằng lời nói của y. Ông chủ đe dọa thải hồi y và vợ y thì lại đòi ly dị. Tôi từ chối giúp y tấn công cơn giận của y, vì tôi không muốn thất bại như vị linh hướng của y, khi đã cố tìm mọi cách ngăn cản y không được nổi cáu. Đúng hơn, tôi đã quyết định giúp y thuần hóa cơn giận của y. Tôi đã không xin y kiềm chế cơn giận của y, nhưng lại để cho nó nổi lên, nhận biết nó xuyên qua những căng thẳng tiêu biểu của thể xác, chấp nhận nó và tìm cho nó những lối thoát có thể chấp nhận được như chơi thể thao, bửa củi và những tập luyện mạnh mẻ khác.

Một trong những hậu quả thông thường nhất của sự dồn nén cơn giận là khuynh hướng gán cho người khác chính tình cảm tức giận của mình. Người không ý thức về nỗi giận của mình sẵn sàng chuyển nổi giận đó sang người khác. Lúc ấy chính y cảm thấy bị đe dọa bởi các mặt nạ của cơn giận của chính y nên qui nó cho một số người nào đó. Thí dụ sau đây chứng tỏ rõ ràng điều tôi muốn nói. Một bà có trình độ văn hóa cao và một cảm thức thiêng liêng lớn đã viết cho tôi để chia sẻ những xao xuyến của bà việc tự tử của con trai bà. Bà kể cho tôi làm sao bà đã sớm tha thứ cho con bà về sự khốn khó và buồn phiền mà sự tự tử của nó đã gây ra cho bà. Tuy nhiên, bà không thể tự giải quyết được ý nghĩ làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ một cử chỉ rất đáng trách như vậy cho con bà. Tôi nghĩ rằng bà không thể cáng đáng nổi giận bà đã cảm nhận đối với con trai bà và bà đã phóng chiếu nỗi giận đó lên Thiên Chúa. Điều làm cho tôi quả quyết về sự đúng đắn của giả thuyết tôi đưa ra, chính là những lo âu và nghi ngờ của bà cứ tiếp tục dày vò ray rứt bà, dù những cố gắng của các chủ chăn để bảo đảm với bà về lòng tốt và tình thương xót của Thiên Chúa.

Đây là câu trả lời của tôi cho lá thư của bà : "Thưa bà, không có lúc nào tôi đã dám nghi ngờ sự thành thật của ước muốn tha thứ cho con trai của bà. Tuy nhiên bà cho phép tôi ngạc nhiên về thời gian quá ít bà đã cống hiến để chăm sóc cho nỗi đau của bà, trước khi trao ban sự tha thứ của bà. Bà có tin rằng nỗi buồn tang chế của bà đã đủ chín muồi và vết thương lớn lao của bà đã đủ lành da, để thực sự nghĩ tới việc tha thứ cho cậu nhà ? Kinh nghiệm của tôi bên cạnh những người phải đau buồn vì việc tự tử của một người thân yêu cho phép tôi khẳng định rằng những người còn sống cần phải có rất nhiều thời gian để cho những tình cảm tức giận và có lỗi được bộc lộ và biến đổi. Bà sẽ được lợi ích khi đặt mình lắng nghe các xúc cảm của bà. Như vậy bà sẽ có thể đón nhận trong lòng những xúc cảm chưa tìm ra được cách bộc lộ đầy đủ". Ít lâu sau, tôi nhận được một lá thư trong đó bà nói với tôi rằng tôi đã thấy cách chính xác trường hợp của bà và bà đã tìm được cho mình một nữ cố vấn tốt để giúp bà đảm trách các tình cảm có lỗi và tức giận của bà.

Một lệch lạc khác của tức giận hệ tại việc quay nó lại chống chính mình. Nó phát sinh nơi những kẻ tự cấm đoán mình không được có một chuyển động tức giận nhỏ nhặt nào và tự cho mình là có lỗi khi thấy biểu hiện đầu tiên của tức giận. Bấy giờ họ tự cáo bộc mình, tự trừng phạt mình, khi không bị chìm đắm trong một trầm uất thần kinh, như trường hợp cán sự xã hội kia. Một trong các khách hàng của nàng là một thanh niên mà nàng rất gắn bó đã tự tử. Nàng cay đắng tự trách mình vì đã vắng mặt hôm mà thanh niên ấy đã gọi điện thoại xin nàng giúp đỡ. Từ ngày đó, nàng đã sống với ý nghĩ rằng nàng có một phần trách nhiệm trong cái chết tự tử ấy. Nàng tự cáo buộc mình đã không nghĩ rằng tự tử là một cách giải quyết các vấn đề của khách hàng của nàng.

Sau khi đã lắng nghe nàng kể lại những xúc động của nàng, tôi gợi ý nàng tưởng tượng chàng khách hàng trẻ đang ngồi trước mặt nàng và lặp đi lặp lại với chàng : "Tôi cảm thấy mình có lỗi về cái chết của anh". Rồi tôi đề nghị nàng thay thế câu đó bằng câu sau đây : "Tôi trách anh đã tìm lấy cái chết, mặc cho tất cả sự giúp đỡ mà tôi đã mang lại cho anh". Sau nhiều do dự, nàng đã quyết định nói với anh ta sự thất vọng và tức giận của nàng. Những tình cảm thất vọng và tức giận của nàng càng mạnh khi nàng càng để bộc lộ ra. Rồi, khi nhận biết mình bất lực không thể ngăn cản việc tự tử của khách hàng, nàng bật khóc nức nở. Nàng vừa chấp nhận những giới hạn của mình. Chính lúc đó nàng mới bắt đầu tha thứ cho mình, vì đã tưởng rằng mình đủ mạnh để cứu anh ta mặc dù anh ta không muốn.

Sự tức giận bị dồn nén còn có thể mặc lấy những hình thức che đậy khác như chê bai, chỉ trích càu nhàu, thái độ lạnh lùng vô liêm sĩ, hiềm khích buộc tội hoặc hờn dỗi. Tất cả những cách bộc lộ sự tức giận bị che đậy nầy đi vào trong phạm trù các "tình cảm bịp bợm". Những tình cảm bịp bợm nầy có tính đặc trưng là dai dẵng và lặp đi lặp lại. Ngược lại, những tình cảm đích thực sẽ bị loại bỏ khi người ta bộc lộ ra. Đó là hậu quả thông thường của sự thanh tâm thành công. Nhưng vấn đề hoàn toàn khác đối với tình cảm bịp bợm. Chúng dán chặt vào tính dễ cảm xúc của chủ thể khiến người nầy không tìm được một cách bộc lộ thích hợp. Phương cách duy nhất thoát khỏi vũng lầy xúc cảm nầy hệ tại việc nối lại với sự tức giận đã bị kiềm chế và tìm được cho nó một cách bộc lộ đúng đắn.

Sự tức giận không được thú nhận có thể là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh tâm thể lý, vì đã quá hao tổn nghị lực và vì ứng suất do đó mà ra. Sự tức giận nầy tạo cơ hội cho một ứng suất không lành mạnh là nguồn gốc cho một số bệnh thể lý rất khác nhau. Trong cuốn La guérison des souvenirs, anh em Linn tường thuật các kết quả nghiên cứu do bác sĩ Floyd Ring hướng dẫn trong lãnh vực nầy. Ông đã nghiên cứu các chứng bệnh khác nhau gây nên bởi sự thiếu chế ngự sự tức giận, hoặc bởi một sự bộc lộ vụng về nỗi tức giận nầy.

- Một đàng, ông quyết đoán rằng những bộc lộ quá mức của tức giận, dù thể lý hay lời nói, thường sản sinh ra những chứng bệnh sau đây : tắc nghẽn động mạch vành, chứng viêm khớp thoái hóa, loét dạ dày.

- Đàng khác, những người dồn nén nỗi sợ và tức giận của mình dễ bị mắc những chứng bệnh về da, thấp khớp và viêm loét đường ruột.

- Cuối cùng, những người vì lẽ một sự kiểm soát quá mức thực hiện trên chính mình không bao giờ dám bộc lộ nỗi giận dữ và sợ hãi của mình, ngay cả khi họ ý thức về điều đó, có nguy cơ bị suyển, tiểu đường, cao huyết áp và chứng đau nửa đầu.

Bảng liệt kê các bệnh nầy có lẽ xem ra quá đen tối cho một số người, nhưng điều xem ra không chối cải được, chính là sự trấn áp triệt để các chuyển vận của tức giận gây nên những trạng thái bệnh lý và thần kinh như chủ thể không còn tìm được nghị lực cần thiết để dấn mình vào con đường tha thứ.

Tôi muốn kết thúc phần nầy với vài lưu ý về cách ứng xử với những cuồng tưởng của sự trả thù. Tôi đã gặp những người muốn xua đuổi ý nghĩ trả thù của họ bằng cách chiến đấu thẳng mặt. Đó là công khó mất đi. Họ càng cố gắng đẩy lùi chúng, chúng càng trổi dậy ám ảnh hơn. Để chiến thắng, bạn hãy thực hiện cuộc tập luyện nhỏ nầy : bạn hãy cố đừng nghĩ đến màu đỏ. Bạn sẽ khám phá ra rằng không thể được, vì để tưởng tượng ra cái không đỏ thì trước hết bạn phải nghĩ đến cái đỏ đã. Thực tế, trí tưởng tượng không thể quan niệm cái không đỏ.

Cũng thế đối với những ý nghĩ trả thù của bạn. Bạn càng cố xua đuổi chúng đi thì chúng càng áp đặt mạnh mẻ hơn cho trí tưởng tượng của bạn. Vậy bạn hãy để cho chúng đến với bạn cách êm can và cho phép chúng diễn ra như một cuốn phim. Ngay khi bạn làm như vậy và coi chúng là của bạn, bạn sẽ thấy những cuồng tưởng đó sẽ xem ra rất phù phiếm. Vấn đề còn lại là bạn quyết định không cho chúng tồn tại nữa.



2. Những khía cạnh may lành của cơn giận :

Cơn giận được hiểu trong ý nghĩa là một chuyển động mạnh mẻ và bạo lực của tâm hồn tự nó không có gì là xấu cả. Trái lại, nó do một bản năng bổ ích của sự sống còn thể lý, tâm lý và đạo đức. Hậu quả có hại hay may lành tùy thuộc ở cách người ta sử dụng nó.

Được sử dụng tốt, cơn giận dùng vào cuộc vận hành tốt của các mối quan hệ nhân bản giữa các vợ chồng, những người yêu nhau, bạn hữu, cha mẹ và con cái, hoặc chủ và nhân viên. Trong những trường hợp nầy, điều quan trọng là để bảo vệ những biên giới và giá trị của mình, và đôi khi phải làm điều đó cách kịch liệt và phẩn nộ. Nghịch lại những gì xảy ra khi người ta tỏ thái dộ dững dưng hoặc bạo lực phản hồi thì sự bộc lộ đúng của cơn giận bao hàm ước muốn tái lập mối liên hệ. Sự khẳng định mình, dù có nóng nảy, luôn tìm cách cất đi những trở ngại cho hiệp thông và tình yêu.

Những hậu quả may lành khác phát sinh do bạo lực không bị dồn nén và được hấp thụ, chẳng hạn như đưa dẫn tôi khám phá những giá trị tôi lấy làm tha thiết nhất trong tâm hồn. Như vậy ở đây cơn giận có hậu quả chứng tỏ cách rõ ràng điều người ta muốn trở nên và thực hiện. Nó báo động, nó cảnh giác cho tôi về mối hiểm nguy cho phép người khác lạm dụng tôi hoặc xâm chiếm các biên giới cá nhân của tôi. Hoặc nữa, cơn giận làm cho tôi phản ứng lại trước những bất công phạm đến một con người hay một nhóm người. Nói tóm lại, nó đánh thức trong tôi nghị lực luân lý để đương đầu với sự dữ và bất công.



3. Chế ngự cơn giận để bắt nó phục vụ mình :

Nếu sự dồn nén cơn giận và lòng muốn báo thù dẫn đến những ngõ cụt một cách không thể tránh được, thì phải làm gì cho đúng ? Để chúng sục sôi trong lòng hay thuần hóa chúng ? Giai thoại sau đây gợi ý câu trả lời cho những vấn nạn đó. André đến trình diện với tôi sau sau một cuộc chia ly đau buồn đe dọa nặng nề sự quân bình tâm lý của chàng. Chàng vừa đến chu toàn nhiệm vụ giáo viên trong một trường cấp hai. Chàng luôn phiền muộn và tự buộc mình có lỗi về cuộc ra đi của vợ, tự trách mình đã giận dữ lớn tiếng và như vậy trong nhiều năm dài. Những sự nổi khùng đó làm anh phải sĩ nhục nhiều lắm. Có những thời kỳ, André kiềm chế được tính khí như lửa của mình nhờ những cố gắng rất lớn về ý chí, nhưng sau những lúc bình lặng, thì chỉ cần một biến cố tầm thường cũng đủ làm cho anh nổi đóa trở lại. Anh nói lên cả ngàn lời hối hận và xin lỗi, anh xưng tội và quả quyết lắng nghe những lời cảnh cáo và khuyến khích của cha giải tội, nhưng tràng chửi rủa giận dữ sau đó làm tiêu tán hết mọi cố gắng tốt đẹp của anh.

Khởi đầu cuộc trị liệu, tôi không dám đề cập với anh đề tài về cơn giận, sợ anh chưa khuây khỏa được nỗi đau chia ly. Khi tôi thấy anh đã sẳn sàng đụng tới nỗi giận bị dồn nén của anh, tôi gợi ý với anh làm việc về vấn đề nầy, nhưng xem ra anh chẳng còn quan tâm nữa. Tuy vậy tôi cũng muốn đặt ra thảm chủ đề những thúc đẩy cáu giận của anh. Anh nói cho tôi nghe là cơn giận của anh đã được đặt dưới một sự kiểm soát hoàn hảo.

Nhưng tôi không tin và một ngày kia quyết định thử thách anh xem. Tôi nói với anh về những sự bất trung của vợ anh và về cuộc ly dị nặng nề và sĩ nhục của anh. Anh vẫn thản nhiên. Tôi đi xa hơn bằng cách nhắc anh làm sao anh đã bị cắm sừng mà chẳng hay biết trong khi mọi người chung quanh anh đều tường tận hết vụ việc ấy. Khi nhìn thấy mặt anh đỏ rần lên và các nếp nhăn hằn trên trán, tôi hỏi anh cái gì đã xảy ra trong anh, nhưng anh bắt đầu chối là chẳng cảm nhận chút cảm xúc nào cả. Tôi nhấn mạnh mời anh mô tả các cảm giác anh cảm thấy trong thân xác anh. Anh thú nhận với tôi rằng có một thứ bướu lớn trong dạ dày. Tôi bảo anh cứ liên lạc với cái bướu đó, nhưng anh dứt khoát từ chối, lấy lý do là anh không muốn nổi khùng thấy làm điều đó là xấu.

Nhắc anh về khả năng đạo đức và nghề nghiệp linh mục - tâm lý gia của tôi, tôi xin anh hãy tín nhiệm ở tôi. Được bảo đảm, anh tập trung vào cái bướu đó và bắt đầu mô tả cho tôi cơn giận đang nổi lên và tất cả những gì anh muốn nói và muốn làm. Bấy giờ tôi gợi ý anh nói với cơn giận của anh và nói với nó là anh muốn đón tiếp nó, chấp nhận nó và cám ơn nó vì đã có mặt ở đó để che chở cho anh. Anh lại từ chối lần thứ hai. Tôi lại phải mời anh lần nữa tín nhiệm vào tôi, để cuối cùng anh thuận tình ngõ lời với cơn giận của anh, tiếp đón nó như một người bạn thân muốn bảo vệ anh, rồi anh sẽ tế nhị tuyên bố rằng ngay trong tức thời trước mắt thì anh không cần đến những sự giúp đỡ của bạn ấy. Thật là điều kỳ diệu, cái bướu trong dạ dày của anh bắt đầu tan biến và tỏa nhiệt an lành trong khắp thân thể của anh.

Khách hàng của tôi vừa hòa giải với phần tức giận của con người mình, phần mà anh đã phải chiến đấu từ nhiều năm nay không thành công. André vừa ra khỏi những diễn tiến luân phiên của trấn áp và bùng nổ đã cản trở sự tiến hóa trưởng thành xúc cảm của anh trong suốt nhiều năm. Ít bị vướng víu trong cơn giận của mình, bây giờ anh có thể nghĩ đến việc đạt được sự tha thứ đích thực.

Ít tháng sau, tôi muốn kiểm chứng xem các hậu quả của sự hòa giải của anh với cơn giận của anh. Anh thuật lại cho tôi sự kiện sau đây : "Một hôm đang dạy học, tôi cố làm cho các sinh viên của tôi nghe mình. Khó nhọc vất đi. Chúng nói to hơn tôi. Tôi cảm thấy cái bướu lập tức hình thành trong dạ dày. Tôi đang muốn đâm cho chúng một đòn tức giận khủng khiếp của mình. Bấy giờ tôi nói với chúng bằng một giọng cương quyết "Chú ý ! Lúc nầy tôi sẽ cho một cô bạn đứng lên làm cho các anh chị im lặng. Đó là cơn tức giận của tôi. Và các anh chị biết là nó không đẹp khi nó nổ ra. Nếu các anh chị im lặng thì nó sẽ dịu đi". Quá ngạc nhiên về cách thức mới áp đặt kỹ luật của tôi, các sinh viên của tôi im lặng. Cha Jean, tôi có thể bảo đảm với cha rằng tôi đã không tỏ ra tức giận nào từ bốn tháng nay. Tôi đã học nhận biết nó và kính trọng nó như một người bạn gái".

Như chúng ta nhận định khi đọc câu chuyện nầy, không có những xúc cảm "tiêu cực" hoặc đáng khinh bỉ nào tự nó cả. Các cảm xúc tạo nên những nghị lực nhân bản tích cực. Chúng đòi được nhìn nhận, chế ngự và được sử dụng cách có ý thức. Tuy nhiên, khi chúng là đối tượng của sợ hãi và bị dồn nén trong vô thức, chúng sẽ tạo nên các trung tâm xúc cảm và hình ảnh gần như độc lập và lúc đó mang tên các "phức cảm". Theo khoa tâm lý của Jung, chất liệu bị dồn nén làm thành "bóng tối" của nhân cách. Chất liệu nầy trở thành hổn loạn bừa bãi và không thể kiểm soát được bao lâu con người từ chối ý thức và cố xua đuổi nó khỏi ý thức. Nếu người đó quyết định "ăn" dần dần cái bóng của mình, như trường hợp André hòa giải với cơn giận của mình, thì cái xem ra là một khuyết tật hủy hoại sẽ biến đổi thành nguồn nghị lực và triển nở cho cá nhân và xã hội.



4. Những lý lẽ để tách mình khỏi nỗi oán giận :

Một số người bị tổn thương từ chối bỏ rơi nỗi oán giận của mình. Quả thực, họ sợ rằng nếu họ chấp nhận biến đổi nỗi oán giận và hận thù của họ thì họ tự phản bội chính mình. Họ nghĩ một cách sai lầm rằng giữ vững nỗi oán giận của họ sẽ cứu vãn được nhân phẩm của họ và tránh cho họ khỏi chịu những sĩ nhục khác về phía kẻ gây nên xúc phạm. Dĩ nhiên, ý hướng làm cho người ta tôn trọng nhân phẩm của mình gợi lên những tình cảm cao thượng, nhưng không phải là ít chắc chắn rằng nuôi lớn sự oán giận của mình dẫn đến việc làm suy thoái bản thân và đến các chu kỳ báo thù vô ích, như chúng ta đã nói trên kia. Vậy có những phương thế khác để duy trì nhân phẩm và tự trọng, mà không để cho mình bị gậm nhấm và hủy diệt bởi chính ác tâm của mình.

Một số người khác cho rằng nỗi oán giận và hận thù có thể dùng để tác động họ chứng tỏ cho chính mình và các kẻ khác về giá trị và khả năng của họ. Đó là điều mà một bà kia chủ trương. Bà khẳng định rằng chính là nhờ thù hận và hiềm oán của bà mà bà đã thực hiện và thành công trong việc học của bà. Bà muốn chứng tỏ cho chồng cũ của bà khả năng độc lập về tài chánh của bà. Sau khi khen bà về tính kiên trì và những thành công trong học tập, tôi hỏi bà khi nào thì bà thôi hành động theo chồng cũ của bà để đầu tư tốt hơn năng lực của bà theo chính bà và theo cái bà muốn làm về cuộc đời của bà. Sự oán giận, giống như một chiếc hỏa tiển, có thể tạo nên được lúc đầu một sức đẩy mạnh mẻ, nhưng chỉ ngắn ngủi thôi.



5. Để tôn trọng cơn giận và lòng muốn báo thù :

Đây là một tập luyện khác giúp đi vào liên lạc với cơn giận ngõ hầu đón tiếp nó và học được điều nó có thể làm cho mình. Có thể trong khi tập luyện người ta đi vào liên lạc với một cảm xúc khác, chứ không phải cơn giận. Đừng ngừng lại việc luyện tập. Đàng sau cơn tức giận thường che giấu một đau khổ vô thức và nhiều xấu hổ.

Bạn giữ một tư thế thoải mái. Tránh xa những gì có thể làm bạn chia trí suốt trong hai mươi phút tới.




Để thời gian đi vào trong chính mình. Nhớ lại hoàn cảnh mà bạn đã bị tổn thương, tập trung chú ý trên thân xác của bạn. Không phê phán, hãy chấp nhận các căng thẳng, các cứng cõi, các "bướu" và ngay cả các sự khó chịu thể lý.




Khi bạn đã phát hiện một phản ứng quan trọng của cơ thể, bạn hãy chú ý đến nó với kính trọng và tế nhị, không tìm cách làm thay đổi, giải thích hay loại bỏ nó.




Tăng cường liên lạc với cảm giác đó của thân thể bạn, bằng cách hít thở trong nó dường như đó là một lá phổi mà bạn muốn làm đầy khí, rồi lại làm trống đi.




Luôn luôn tập trung vào phản ứng cơ thể của bạn, bạn làm ra vẻ như bạn vừa mới làm cho nó gồng lên và bạn thổi nó bay ra ngoài khỏi hai bàn tay bạn mở ra đưa cao ngang mặt.




Bạn càng thổi khí trong tay bạn, bạn càng bắt đầu quan sát hình thù của sức căng cơ thể bị thổi ra ngoài. Nhiều người thấy xuất hiện một đám mây mang nhiều hình thức và màu sắc. Rồi, ngay giữa đám mây, họ phân biệt được một hình ảnh thật đặc biệt.




Bạn hãy dùng thời gian cần thiết để biện phân rõ ý nghĩa của sức căng vừa lộ diện trong hình ảnh. Bạn hãy mô tả sức căng trong hình ảnh đó bằng một cái tên hay một thành ngữ.




Dù hình thức ấy tượng trưng cho bạn một xúc cảm tức giận hoặc một xúc cảm khác, bạn hãy hỏi nó : "Mầy muốn làm gì cho tao ? Mầy muốn bảo vệ tao khỏi cái gì ? Mầy muốn giúp đỡ tao thế nào ?" Bạn hãy đợi câu trả lời của nó. Rồi, bạn hãy nói lại với nó câu trả lời của nó bằng ngôn từ của chính bạn để tỏ cho nó là bạn đã hiểu. Bạn hãy tiếp tục đối thoại với cái phần nầy của bạn, bằng cách đối xử với nó như một người bạn".




Tới lúc nầy, bạn hãy nghĩ tới việc cầu khẩn Chúa và giao phó cho Ngài vết thương của bạn hoặc cơn giận được đại diện trong biểu tượng. Bạn hãy xin Chúa giúp đỡ bạn biến nó thành nguồn hiểu biết, tăng trưởng và khôn ngoan cá nhân.




Khi bạn thỏa mãn về sự biến đổi của trạng thái xúc cảm đúng như nó được diễn tả trong biểu tượng của bạn, bạn hãy lấy lại trong tay bạn cái phần đã được biến đổi như thế của bạn và bắt đầu truyền nó vào bên trong bạn bằng cách phân phối nó ra trong tất cả các phần của cơ thể bạn.




Bây giờ bạn hãy kiểm chứng xem cái phần khó chịu thể lý lúc ban đầu của bạn đã được thay đổi đến mức nào.




Nếu bạn thích, bạn hãy biểu dương sự sáp nhập mới nầy của chính bạn bằng một lời nguyện, một bài hát, một điệu nhảy hoặc giản dị là ghi vào nhật ký kinh nghiệm ấy của bạn.


Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai