PDA

View Full Version : Làm Hầm, Cao Ôc Lại Sụt, Hậu Quả Của Tình Trạng Cả Sài Gòn Đang Lún



violet09
03-30-2008, 09:49 AM
Làm Hầm, Cao Ôc Lại Sụt, Hậu Quả Của Tình Trạng Cả Sài Gòn Đang Lún


Friday, March 28, 2008

SÀI GÒN, (NV) - Tối 28 tháng 3, 48 gia đình cư ngụ trong cao ốc số 207 đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, đã được di tản khẩn cấp. Trước đó, một khoảnh đất có diện tích khoảng 5m2 cặp vách cao ốc này đã bất ngờ sụp xuống. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do thi công tầng hầm của cao ốc số 102 đường Cống Quỳnh, sát vách với cao ốc số 207 đường Bùi Viện.

Cao ốc số 102 đường Cống Quỳnh do công ty Tân Hoàng Thân làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công cao ốc này là công ty Mai Hoàng. Theo giấy phép xây dựng, cao ốc này có một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lửng và chín tầng lầu.

Theo tờ Tuổi Trẻ, quanh thành hố nơi đất vừa sụp đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt dài và bên dưới một căn hộ thuộc cao ốc số 207 đường Bùi Viện có rất nhiều hàm ếch nên khả năng cao ốc 207 đường Bùi Viện bị sụt lún là rất lớn.

Tình trạng đất bị sụp đã trở nên phổ biến tại Sài Gòn. Tờ Tuổi Trẻ cho biết, hôm 27 tháng 3, tại công trường lắp đặt đường ống thoát nước nước trên đường Nguyễn Kiệm, thuộc phường 4, quận Phú Nhuận, cũng đã xảy ra một vụ sạt lở lớn, chiều dài khu vực sạt lở khoảng 10 mét và chiều ngang khoảng 1m, đe dọa sập một phần đường Nguyễn Kiệm.

Hồi năm ngoái, tại Sài Gòn cũng đã xảy ra hai vụ sạt lở lớn liên quan đến thi công công trình. Một vụ xảy ra vào ngày 31 tháng 10 khi xây dựng cao ốc Saigon Residences ở số 11 đường Thi Sách, quận 1. Vụ sạt lở này đã khiến cao ốc số 5 đường Nguyễn Siêu, sát vách với công trình xây dựng cao ốc Saigon Residencs bị nghiêng và người ta phải di tản khẩn cấp hàng trăm người đang sống trong cao ốc số 5 đường Nguyễn Siêu. Chưa kể, vụ sạt lở còn gây lún nứt ở nhiều cao ốc quanh đó như: khách sạn Ðiện lực, cao ốc 508 và cao ốc Mai Linh.

Cũng trong tháng 10 năm 2007, vụ sạt lở đất khi thi công cao ốc Pacific nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 đã làm sập một khối nhà của Viện Khoa Học Xã Hội Sài Gòn, gây lún sụt trụ sở của Sở Ngoại Vụ Sài Gòn và đe dọa sự an toàn của nhiều cao ốc quanh đó. Hôm 19 tháng 3 vừa qua, báo chí cho biết công an Sài Gòn đã khởi tố chủ đầu tư công trình cao ốc Pacific là ông Ngô Duy Tân, giám đốc công ty Pacific vì “vi phạm các qui định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Theo giấy phép xây dựng, cao ốc Pacific chỉ có ba tầng hầm, một trệt và 20 tầng lầu nhưng công ty Pacific đã tự ý thay đổi thiết kế, làm sáu tầng hầm (chiều sâu 21,1m), một tầng trệt, 21 tầng lầu.

Ngoài hàng loạt các sai sót (không khảo sát địa chất hoặc khảo sát địa chất không kỹ, các nhà thầu thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết về kỹ thuật thi công,...) việc thi công cao ốc hoặc công trình thường xuyên bị sụp lở có thể còn do một nguyên nhân khác, đáng ngại hơn. Hôm qua, tờ Tiền Phong đã công bố kết quả nghiên cứu của một tiến sĩ tên Lê Văn Trung, làm việc tại Trung Tâm Ðịa Tin Học, thuộc Khu Công Nghệ Phần Mềm của Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn, theo đó, giống như Hà Nội, toàn bộ thành phố Sài Gòn đang bị lún, bề mặt địa hình ở tất cả các quận, huyện của Sài Gòn đều đã và đang bị biến dạng với các mức độ khác nhau. Dựa trên các không ảnh của ENVISAT (vệ tinh thám sát trái đất lớn nhất với 10 bộ cảm biến quang học và ra đa được phóng lên quỹ đạo vào năm 2002 nhằm thực hiện sứ mệnh thám sát bề mặt trái đất, khí quyển, đại dương và băng trôi), Tiến Sĩ Lê Văn Trung cho biết, các khu đô thị mới thuộc khu vực quận 2, quận 7 và Bình Thạnh, độ lún đất đã vượt qua 20cm. Khu vực thuộc các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 9, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh có độ lún từ 15-20cm. Các quận: 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Ðức có mức độ lún từ 10-15cm. Khu vực ngoại thành được nhận định là bị lún ít hơn so với nội thành, trong đó trừ Hóc Môn (từ 2.5-10cm), còn lại đều thấp hơn mức 2.5cm. Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu dân cư mọc lên như nấm ở các quận mới không chỉ tạo ra làn sóng xây dựng các công trình mà còn khiến nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi, đến mức cạn kiệt. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được xác định là do khai thác nước ngầm bừa bãi (sản lượng nước ngầm bị khai thác ở Sài Gòn đã vượt mức 600 ngàn khối/ngày, trong khi lượng nước bù đắp chỉ ở mức dưới 200 ngàn khối/ngày) khiến mực nước ở các tầng chứa nước trong lòng đất đang ngày một thấp, kết hợp với áp lực của các công trình xây dựng phía trên đã gây nên sự biến dạng (lún) bề mặt địa hình. Tiến Sĩ Trung cảnh báo: “Tình trạng lún đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và đe dọa đến sự tồn vong của các công trình dân dụng và công nghiệp. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy tình trạng lún ở Sài Gòn đã đến mức báo động”. (G.Ð)