PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần



Dan Lee
03-28-2008, 03:32 PM
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (28)

271. “Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi.”

Đức Giêsu chết trên thập giá. Trên đầu, có tấm bảng đề “Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái” bằng ba ngôn ngữ: Hy Bá, Hy Lạp và La Tinh.

Đức Giám mục Bossuet suy niệm như sau:

“Vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được phổ biến bằng tiếng Hy Bá là tiếng của Dân Chúa, bằng tiếng Hy lạp là tiếng của các nhà bác học, các triết gia, các bậc khôn ngoan; bằng tiếng La Tinh là tiếng của đế quốc thế giới, tiếng của các nhà chinh phục và của các nhà chính trị.

Vậy, ớ những người Do Thái, những người được thừa hưởng những lời Chúa hứa, cũng như những người Hy Lạp, phát minh ra các nghệ thuật, cũng như các người Roma, những kẻ làm chủ thế giới, hãy đến gần đây. Hãy đến và đọc tấm bảng lạ lùng nầy. Các người hãy quỳ gối xuống để thờ lạy Vua trên hết các vua!”

Thật như lời Chúa Giêsu đã nói tiên tri: “Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi.”

272. Bằng an trong lương tâm vì được Chúa tha tội trong Bí Tích Giải Tội

Năm 1927, chính quyền nước Na Uy ban tặng huy chương bạc cho nhà khoa học danh tiếng Lars Eckeland.

Trong một bữa tiệc được tổ chức mừng ông Lars Eckeland, có người hỏi vì sao ông từ bỏ Đạo Tin lành để theo Đạo Công Giáo. Sau đây là câu trả lời của nhà khoa học Na Uy nầy.

- “Lúc đó, tôi muốn nhận lãnh Bí Tích Giải Tội làm cho tôi chắc chắn rằng những tội của tôi đã được tha. Tôi đã tin rằng những tội của tôi đã được tha, và như vậy, tôi đã giải quyết được vấn đề lớn nhất của đời tôi.”

273. Các Đức Giáo Hoàng và nền hòa bình thế giới

Năm 1889, ĐGH Lêô XIII khen ngợi và khuyến khích Hội Nghị đầu tiên về Hòa Binh, và năm 1896, ngài chúc lành cho Hội Nghị Hoà Bình họp tại Budapest, nước Hungary.

Năm 1906, ĐGH Piô X chúc lành cho Hội Nghị Quốc Tế thứ 15 về Hòa Bình, và năm 1911, ngài khen ngợi Tổ chúc Trợ Cấp Carnegie có mục đích lo cho hòa bình thế giới.

ĐGH Bênêđictô XV luôn suy nghĩ về nền hòa bình kitô-hữu. Ngài ngõ lời an ủi những chiến binh năm 1915. Ngài nhắc nhở những vị lãnh đạo của các quốc gia lâm chiến (1.8.1917), và thông điệp của ngài, tháng 8 năm 1917, vẫn còn trong đầu óc của mọi người. Nước Thổ đã dựng bia kỹ niệm ngài tại Istanbul. Sau đó, ngài còn cho công bố thông điệp Pacem Dei (1920).

ĐGH Piô XI, khi lên ngôi giáo hoàng, ra thông điệp đề cao nền hòa bình của Đức Kitô.

ĐGH Piô XII chống lại chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách thúc giục mọi người tham gia vào công việc xã hội và bác ái để lo cho các tù nhân, các người chạy trốn, các người tỵ nạn, các trẻ em, những người nghèo khổ, người người bị thiên tai. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngài gởi những sứ điệp đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh để kêu gọi hoà bình.

ĐGH Gioan XX III ra thông điệp Pacem in terris (1963) kêu gọi nhân loại hãy hãy sống bình an huynh đệ với nhau. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến ''tất cả những người thiện chí''. Nhà lãnh đạo Sô viết Khrouchtchev từng tuyên bố trong tờ Izvestia là ông đã đọc thông điệp ấy ''một cách thích thú, vì Đức Gioan XXIII lắng nghe được tiếng nói của lẽ phải''. Và đây cũng là lần đầu, một vị lãnh đạo Sô viết biết khen Giáo hoàng! Thông điệp nầy tạo nên một biến cố quan trọng và gây chú ý đến giáo huấn của Giáo hội về hòa bình.

Năm 1968, Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Hòa bình thế giới. Ngày nầy được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng giêng.

274. Những chuyện nhỏ làm nên sự trọn lành

Một người bạn đến thăm nhà họa sĩ và điêu khắc lừng danh nhất thế giới, Michelangelo, người Italia. Khi vào thăm, ông thấy Michelangelo đang làm việc trước một pho tượng.

Một tháng sau, khi đến thăm lại, ông cũng thấy Michelangelo đang làm việc trước pho tượng nầy. Và ông cũng thấy pho tượng nầy không khác gì mấy cách đây một tháng. Ông ngạc nhiên và hỏi tại sao một tháng rồi mà pho tượng vẫn chưa xong. Nhà họa sĩ và điêu khắc lừng danh nhất thế giới nầy trả lời một cách say sưa:

- “Anh xem kìa, tôi đã làm việc không ngưng nghỉ, dầu vậy tôi vẫn làm chưa xong. Anh hãy quan sát cho kỹ: tôi đã làm cho pho tượng nầy được diễn tả sống động thêm, tôi vẽ đi vẽ lại các bắp thịt, tôi làm cho các đường gân nổi lên, tôi tô đi tô lại các móng tay, móng chân,. ..

Nghe vậy, người bạn liền cười và góp ý:

- “Những chuyện đó là chuyện nhỏ!”

Michelangelo nghiêm nghị trả lời:

“Tuy là chuyện nhỏ nhưng anh hãy nhớ rằng những chuyện nhỏ làm nên sự trọn lành và sự trọn lành không phải là một chuyện nhỏ!”

275. Nhờ lời cầu nguyện, tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh Giá và hôn ba lần.

Lời cầu nguyện của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu lúc 14 tuổi đã làm cho một tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh giá và hôn ba lần.

Chúng ta hãy đọc câu chuyện nầy trong nhựt ký của Têrêxa: “Truyện Một Linh Hồn.”

Số là năm 1887, tên tội phạm khét tiếng dữ tợn là Pranzini bị kết án tử hình. Trước khi bị điệu đi ra pháp trường xử tử, anh ta vẫn khăng khăng không chịu ăn năn. Biết được như vậy, Têrêxa rất đau buồn. Chị quyết nhận anh ta làm người con thiêng liêng đầu tiên. Chị cầu xin với Chúa như sau:

- “Lạy Chúa con, con tin hết sức chắc chắn rằng Chúa muốn tha thứ cho Pranzini bất hạnh nầy. Mặc dầu anh ta không chịu xưng tội và không tỏ ra dấu gì ăn năn, nhưng con vẫn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Vì anh ta là người tội lỗi đầu tiên của con, con xin Chúa cho con một dấu chỉ chắc chắn, cốt là để nâng đỡ con.”

Trong khi đó, ngoài pháp trường, Pranzini bị dẫn lên đoạn đầu đài để bị chém đầu. Trước khi chém đầu Pranzini, lý hình cởi trói cho anh ta. Được tự do hai tay, anh chụp lấy Cây Thánh Giá của vị linh mục đang đứng gần đó và hôn Thánh Giá ba lần.

Têrêxa vô cùng sung sướng khi biết được tin nầy. Chị hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành.

276. “Đây là vấn đề lương tâm của tôi.”

Nhà thi sĩ và trí thức người Pháp, Francoçois Coppée, cọng tác cho tờ báo Journal de Paris. Mỗi bài của ông đăng, được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19).

Khi thấy tờ báo nầy cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin ông giám đóc tờ báo cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc, liền nói:

- “Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn quan tiền Pháp mỗi năm.”

Francois mĩm cười và trả lời:

- “Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề lương tâm của tôi.”

277. Một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia đã trở lại thế nào?

Thế kỷ thứ 18, tại Rôma, có một thanh niên chỉ biết ăn chơi, không màng gì đến giáo lý và đạo đức.

Một ngày kia, vì tọc mạch, anh ta ghé vào một nhà thờ và nghe được một câu của linh mục giảng: “Đời đời sẽ không bao giờ chấm dứt!”

Lạ thay, câu nầy cứ ám ảnh anh ta mãi.

Chịu không nổi, anh ta quyết đi xưng tội.

Sau khi chịu Phép Giải Tội, anh ta được bằng an vui vẻ, không còn bị ám ảnh bởi câu đó nữa. Từ đó, anh ta quyết sống một cuộc đời mới.

Anh ta xin đi tu, và sau đó, làm linh mục.

Linh mục nầy về sau, được chọn làm giám mục. Đó là một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia: Đức Cha Đôminicô Mansi, tổng giám mục thành Lucca (+1769)

278. Ảnh hưởng của giáo lý kéo dài...

Các thanh thiếu niên ở Ars ngu dốt về giáo lý.

Ngay từ sáu, bảy tuổi, các em đã phải ra đồng ruộng làm việc.

Chỉ có những ngày mùa đông lạnh lẽo âm u, các thanh thiếu niên nầy mới rãnh được. Lại thêm một vấn đề rất bất lợi cho giáo lý: không ai biết đọc, biết viết.

Linh mục quản xứ mới của Ars, cha Vianê, liền đưa ra thời khoá biểu thuận lợi cho đàn chiên của mình về việc đi học giáo lý: mỗi ngày, học một giờ giáo lý từ lúc 6 giờ sáng; mỗi ngày Chúa nhựt, học một giờ giáo lý từ lúc 13 giờ trưa.

Và linh mục quản xứ Vianê nầy giữ giờ giáo lý nầy một cách đều đặn trong vòng 27 năm.

Về sau, từ giám mục đến linh mục trong giáo phận Lyon, ai ai cũng công nhận rằng giáo dân Ars hiểu biết giáo lý và được dọn mình rất kỹ trước khi lãnh nhận các Phép Bí Tích.

279. “ Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Mẹ Maria đã chiến thắng!”

Sau khi chiến thắng Farnace, vua của Ponto, tại Zela, Cesar kiêu căng gởi về Rôma bản tin danh tiếng: “Tôi đã đến, tôi đã thấy, và tôi đã chiến thắng!” (Veni, vidi, vinci!)

Ngược lại với sự kiêu căng nầy, Sobieski, vua nước Ba Lan, sau khi chiến thắng quân Thổ để giải phóng thành Vienna, kinh đô của nước Áo, đã khiêm nhượng gởi về cho Đức Giáo Hoàng tại Rôma, bản tin sau đây: “Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Maria đã chiến thắng!” (Venni, vidi, Maria vinse!”

280.Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ

Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Khi yêu thương, thông cảm và giúp đỡ người nghèo, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa, chúng ta nếm được sự vui vẻ thanh cao, chúng ta hưởng được sự bình an quý giá.

Mẹ Têrêsa, người đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đưa ra nhận xét đầy kinh nghiệm sau đây:

"Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi yêu cầu một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến và khi họ ra về, nhận xét chung của họ là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được 5 người đang chết, trong đó, có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với bà trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay của bà. Bệnh nhân tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, chỉ miệng cười và nói 'cám ơn' trước khi nhắm mắt lại từ giã cuộc đời."

280A. Đời hạnh phúc là do chúng ta quyết định

Chúng ta được hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh, điều nầy không do Thiên Chúa định đặt, nhưng do chúng ta quyết định: chính chúng ta quyết định chúng ta có hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh.

Một người kia sống rất hạnh phúc. Được hỏi, ông nói:

- “Thật quá đơn giản! Mỗi sáng mở mắt ra, tôi có hai lựa chọn trong ngày sống hôm đó: một là tôi sống vui vẻ hạnh phúc, hai là tôi sống buồn phiền, bất hạnh. Tôi xin Chúa cho tôi chọn điều thứ nhất. Và tin tưởng vào Chúa thương tôi, ban ơn giúp sức cho tôi, tôi chọn điều thứ nhất, và tôi quyết sống theo điều nầy trong ngày sống hôm đó của tôi.”

LM Nguyễn Vinh Gioang