PDA

View Full Version : C - Chúa NHẬT Phục Sinh: (GIOAN 20, 1-9)



Dan Lee
03-25-2008, 11:49 AM
CNI - PHỤC SINH - NĂM A
CHÚA NHẬT PHỤC SINH: (GIOAN 20, 1-9)

Trong mấy ngày qua chúng ta được giáo hội dẫn đưa chúng ta đi lại những chặng đường lịch sử của một vụ án có một không hai trong lịch sử loài người, vụ án loài ngoài xét xử con Thiên Chúa làm người. Xét theo phương diện lịch sử thì con người đã thành công vì thật sự con Thiên Chúa làm người mang tên Giêsu đã bị xử án và bị đóng đinh trên thánh giá giữa hai tên trộm cướp giữa thanh thiên bạch nhật trước sự chứng kiến của biết nhiêu người. Trên thập giá chính Người đã bị một người lính Rôma đâm thủng một bên cạnh sườn, và cũng chính trên cây thập giá chính Người đã kêu lớn tiếng phó linh hồn trong tay Thiên Chúa Cha và gục đầu tắt thở trước sự chứng kiến của muôn vàn cặp mắt đầy hận thù của những kẻ đòi giết Người. Vì thế, xét theo phương diện lịch sử thì thật sự Chúa Giêsu đã chết trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, và ngay cả việc Người được hạ xác và chôn táng trong mồ, và cửa mồ được lấp kín và niêm phong chặt chẽ dưới sự giám sát của cả một đội ngũ lính Rôma cũng được các sách Phúc Âm thuật lại, và các sử gia ghi chép một cách tường tận cũng đủ chứng minh được điều này.

Nhưng xét về phương diện thực tế, thì Chúa Giêsu đã không chết luôn mãi nhưng Ngài đã sống lại, tuy việc sống lại của Ngài không được một người nào chứng kiến một cách thực sự như việc Ngài chịu chết, nhưng như vậy không có nghĩa là Ngài không sống lại.

Sách tông đồ công vụ đã viết: “Các ông người Israel, xin nghe các lời này: Giêsu Nazaret, người được Thiên Chúa ủy nhiệm đến với các ông bằng những việc quyền năng, những điềm thiêng cùng dấu lạ, tức là những việc Thiên Chúa đã dùng Ngài để thi hành giữa các ông như các ông biết, thể theo ý địng đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa mà bị phó nộp, thì các ông đã thủ tiêu Ngài đi, là dùng tay vô đạo đóng đinh thập giá. Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, đã gỡ Ngài khỏi các sự đau khổ, sự chết, bởi chưng sự chết vô phương kiềm hãm được Ngài dưới quyền nó” (Cv. 2, 23-24). Chính các Thánh tông đồ đã làm chứng về việc Chúa Kitô Phục Sinh, sách Công Vụ Tông Đồ viết: “Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại, tất cả chúng tôi xin làm chứng về điều đó” (Cv. 3, 32). Hội Thánh ngày hôm nay cũng làm chứng về điều đó, và chúng ta, những người Kitô hữu cũng làm chứng về điều đó, “Đức Kitô đã sống lại hiển vinh, Alleluia”.


Nhưng điều gì đã làm cho các tông đồ xác tín rằng Chúa Kitô thật sự đã sống lại? Phải chăng là các bằng chứng cụ thể hay là nhờ đức tin vững mạnh của các Ngài? Hay bởi một lý do nào khác?

Đọc lại câu chuyện trong phúc âm theo Thánh Gioan ngày hôm nay, chúng ta được biết bà Maria Madalena, và các bà ra mồ từ sáng sớm, bà thấy tảng đá đã được lăn qua một bên và ngôi mộ trống rỗng, nhưng bà chưa thật sự tin được là Chúa Kitô đã sống lại, mà vì thế bà tốc tả chạy về báo tin cho các tông đồ với một lòng ngờ vực “Người ta đã mang xác Thầy đi nơi khác, và chúng tôi không biết họ để Thầy ở đâu”. Thánh Phêrô, và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy ra mồ Chúa, thánh Phêrô cũng chứng kiến tận mắt cảnh trống không của ngôi mộ nhưng vẫn chưa tin được rằng Thầy mình đã thực sự sống lại, chỉ có người môn đệ Chúa yêu đã đến, đã thấy, và đã tin.

Tại sao cả Maria Madalena, Phêrô, và người môn đệ Chúa yêu đều nhìn thấy và chứng kiến những sự việc xảy ra nơi ngôi mộ trống mà chỉ có một mình người môn đệ Chúa yêu là tin rằng Thầy mình đã sống lại. Phải chăng người môn đệ Chúa yêu này đã yêu Chúa hơn hết các tông đồ, và chính nhờ tình yêu này đã giúp cho người môn đệ này có đủ can đảm để cùng dõi buớc theo Chúa lên đồi Canvê? Và cũng chính tình yêu dành trọn cho người Thầy yêu qúi của mình đã giúp cho ông ta nhận ra rằng Thầy Mình đã sống lại khi nhìn thấy những dấu hiệu Thầy mình để lại trong ngôi mộ trống?

Thật vậy, chính tình yêu sẽ làm thay đổi tất cả, chính tình yêu sẽ là sức mạnh cho chúng ta bước tới, và cũng chính nhờ tình yêu vào Thiên Chúa mà ta nhận ra Chúa hiện diện và sống giữa chúng. Đây chính là tin mừng Phục Sinh, vì yêu thương nhân loại mà Chúa Giêsu đã đến sống giữa chúng ta, đã chết cho chúng ta, và sự Phục Sinh của Ngài mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.

Chính tình yêu sẽ ban tặng cho chúng ta một cặp mắt mới, một cặp mắt tâm hồn để chúng ta thấy được điều mà những người khác không thể thấy được, ước gì tình yêu Chúa Phục Sinh giúp mỗi người chúng ta nhận ra Chúa đang sống giữa chúng ta, đang sống trong mỗi anh chị em sống chung quanh chúng ta, bất kể sang hay hèn, mạnh khỏe hay yếu đuối, để chúng ta yêu thương và phục vụ hết tất cả mọi người trong tình yêu của Đức Kitô.

LM Anthony Nguyễn Tin, SDD