PDA

View Full Version : Mụn nhọt (áp xe da) - St



delta
03-21-2008, 09:54 AM
Mụn nhọt (áp xe da)

Nhọt là gì ?

Một cái nhọt, hoặc một áp xe da, là một nhiễm trùng khu trú sâu trong da. Một cái nhọt thường bắt đầu như là một vùng đỏ, đau. Theo thời gian, vùng này trở nên chắc và cứng. Cuối cùng, trung tâm của áp xe mềm đi và chứa nhiều bạch cầu mà cơ thể huy động đến để chống lại sự nhiễm trùng. Ổ bạch cầu này được gọi là mủ. Sau cùng, ổ mủ "hình thành một đầu đinh" và thoát ra khỏi da.

Có vài kiểu nhọt khác nhau. Trong số đó là :

Nhọt cụm hay nhọt chùm : Ðây là một áp xe trong da do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Nó có thể có một hoặc nhiều lổ trên bề mặt da và có thể đi kèm với sốt hoặc lạnh run.

Mụn bọc : Ðây là một loại áp xe được hình thành khi các ống tuyến bã bị bít tắc và nhiễm trùng. Mụn bọc thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ : Ðây là một bệnh mà có nhiều ổ áp xe hình thành ở nách và vùng bẹn. Những vùng này là kết quả của viêm khu trú các tuyến mồ hôi.

U nang lông : Ðây là một kiểu áp xe xuất hiện ở nếp gấp của mông. Nó thường hình thành sau một

chuyến đi dài mà phải ngồi.

Tại sao nhọt xuất hiện ?

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhọt. Vài loại nhọt có thể do lông đang phát triển bên trong. Những loại khác có thể hình thành như là hậu quả của mảnh vụn hoặc vật lạ khác bám ở da. Những loại khác, như là mụn, do các tuyến mồ hôi bị tắc trở nên nhiễm trùng.

Bất kỳ sự phá vỡ tính nguyên vẹn nào của da như là một vết cắt hoặc trầy xướt cũng có thể tiến triển thành một áp xe nếu nơi đó bị nhiễm trùng.

Ai có khả năng bị nhọt nhất?

Ai cũng có thể bị nhọt. Tuy nhiên, những người có những bệnh nhất định có nhiều khả năng xuất hiện nhọt hơn. Trong số những bệnh này là tiểu đường và suy thận. Các bệnh đi kèm với tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch bình thường có thể làm tăng khả năng xuất hiện nhọt.

Ðiều trị nhọt như thế nào?

Hầu hết nhọt có thể được điều trị tại nhà. Ðiều trị nên bắt đầu ngay khi nhọt được nhìn thấy, bởi vì điều trị sớm có thể tránh các rắc rối sau này.

Ðiều trị chính cho hầu hết nhọt là dùng sức nóng, thường là ngâm vào nước ấm hoặc đắp khăn ấm. Việc sử dụng nhiệt làm tăng tuần hoàn đến vùng nhọt và cho phép cơ thể chống lại sự nhiễm trùng tốt hơn. Khi nhọt còn nhỏ và chắc, việc rạch và dẫn lưu nhọt là không có ích cho dù vùng nhọt đau đi chăng nữa. Tuy nhiên, một khi nhọt trở nên mềm hoặc "hình thành đầu đinh" (khi đó, một ổ mủ được thấy bên trong nhọt), đó là lúc để dẫn lưu nhọt. Một khi được dẫn lưu, đau có thể giảm một cách ngoạn mục.

Hầu hết các ổ áp xe nhỏ, như những ổ hình thành quanh chân lông, tự dẫn lưu khi ngâm ấm. Thỉnh thoảng, đặc biệt các nhọt lớn, cần được dẫn lưu hoặc "trích mủ" bởi nhân viên y tế. Thông thường các nhọt lớn này chứa vài túi mủ phải được mở ra và được dẫn lưu.

Nếu có nhiễm trùng da xung quanh, bác sĩ có thể quyết định cho kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh không cần thiết cho mọi trường hợp và quả thực, không vào tốt ổ áp xe và sẽ không điều trị hết ổ áp xe.

Khi nào tôi nên đến cơ sở y tế?

Bất kỳ nhọt hoặc áp xe nào xảy ra trên một bệnh nhân bị tiểu đường hoặc bệnh nhân có bệnh cơ bản (như ung thư, viêm khớp dạng thấp, v.v..) nên được khám bởi nhân viên y tế. Hơn nữa, nhiều thuốc, đặc biệt Prednisone, ức chế hệ thống miễn dịch (hệ thống chống nhiễm trùng tự nhiên của cơ thể) có thể gây ra biến chứng cho một nhọt lẽ ra là đơn giản. (Nếu bạn không chắc chắn về ảnh hưởng của thuốc lên hệ miễn dịch, dược sĩ của bạn có khả năng giải thích cho bạn thuốc nào là đáng quan tâm).

Nhọt nào có đi kèm với sốt nên được chăm sóc y tế (được thăm khám). Một "u nang lông", nhọt xuất hiện giữa 2 mông là một trường hợp đặc biệt. Những nhọt này hầu như luôn luôn cần điều trị bao gồm dẫn lưu và đắp gạc (đút gạc vào miệng áp xe để bảo đảm nó liên tục được dẫn lưu). Sau cùng, nhọt nào gây ra đau đớn mà lâu hết nên được thăm khám.

Làm gì để tránh áp xe da?

Có vài biện pháp bạn có thể thực hiện để tránh áp xe hình thành. Xà bông kháng khuẩn có thể giúp ngăn chặn vi trùng phát triển trên da và vì thế làm giảm cơ hội cho một áp xe hình thành. Thỉnh thoảng, nhân viên y tế của bạn có thể giới thiệu cho bạn vài chất làm sạch đặc biệt như pHisoderm để làm giảm hơn nữa vi khuẩn trên da.

Ðối với mụn và viêm tuyến mồ hôi mưng mủ (xem ở trên), kháng sinh có thể cần trong một thời gian dài để ngăn hình thành áp xe. Các thuốc khác, như isotretinoin (Accutane) có thể được dùng cho mụn bọc và đã tỏ ra hữu ích ở vài bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mưng mủ. Sự tái phát thường gặp ở các bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mưng mủ. Cuối cùng, phẫu thuật có thể cần thiết, đặc biệt ở các u nang lông tái phát, nhưng cũng cho viêm tuyến mồ hôi mưng mủ. Ðối với các u nang lông, việc mỗ lấy bỏ bao nang là quan trọng. Thủ thuật này thường được thực hiện ở phòng mổ. Ðối với viêm tuyến mồ hôi mưng mủ diện rộng có thể cần sữa chữa bằng phẫu thuật tạo hình.

Sơ lược về nhọt

Nhọt, hoặc áp xe da là một ổ mủ hình thành bên trong cơ thể.

Kháng sinh thường không hữu ích lắm trong điều trị nhọt.

Ðiều trị chính bao gồm đắp khăn ấm và dẫn lưu ("trích mủ") áp xe, nhưng chỉ khi nó mềm và đúng lúc để dẫn lưu.

Nếu bạn bị sốt hoặc có bệnh mãn tính, như ung thư hoặc tiểu đường, hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn bị nhọt.

delta
03-21-2008, 10:20 AM
Đắp mụn nhọt bằng hạt đình lịch

Dân gian có lưu truyền một phương cách trị mụn nhọt là dùng hạt đinh lịch ngâm nước cho trương nở và kết dính thành khối nhão rồi đắp lên để “gom mủ” và làm nhọt vỡ miệng.

Cây đình lịch còn có tên là mịch lịch, bình lịch, huỳnh lịch; tên khoa học Hygrophila salicifolia, thuộc họ ôrô-Acanthacea. Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, chuyên gia về thực vật học, lá cây đình lịch ở Malaysia được dùng đắp chữa vết thương bị sưng phù. Ở ta, hạt đình lịch nhỏ, tròn, dẹp được thu hái để dành. Khi bị mụn nhọt, lấy ngâm nước nóng cho trương nở, tạo chất nhầy kết dính, dùng tay ép lại thành khối và đắp lên mụn nhọt. Cách chữa trị như thế được ghi nhận là giúp mụn nhọt mau “chín”, mềm, gom mủ, dễ vỡ và dễ nặn “ngòi”. Trong sách “Cây cỏ Việt Nam, giáo sư Phạm Hoàng Hộ cho biết, đình lịch khi thử trong ống nghiệm có tác dụng chống virus. Tuy nhiên, tác dụng gọi là “có tính kháng sinh, đắp nhọt hút mủ tốt” vẫn chưa được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học.

Mụn nhọt (hay đinh nhọt) là tình trạng viêm nang lông sâu, thường do tụ cầu khuẩn gây ra. Khuẩn này làm hoại tử nang lông và mô bì lân cận tạo thành mủ, đặc biệt có “còi” gồm xác tế bào, bạch cầu. Lưu ý “đinh râu” là thể đinh nhọt nặng mọc ở vùng quanh miệng, có thể gây biến chứng viêm tắc tĩnh mạch các xoang đưa đến nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Tuyệt đối không được nặn khi còn non vì sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ tổ chức của cơ thể, làm cho vi khuẩn phát tán tràn ngập trong máu gây nhiễm trùng huyết.

Ngoài đình lịch, kinh nghiệm dân gian còn dùng lá cây dâm bụt giã nát rồi đắp lên mụn nhọt để giúp nhọt mau “chín”, mềm, làm miệng và dễ nặn “ngòi”. Tuy nhiên, chỉ nên dùng các kinh nghiệm dân gian này khi không có điều kiện chữa trị nào khác. Đặc biệt, khi mụn nhọt đã vỡ, không nên đắp kín bằng đình lịch hay lá dâm bụt vì nguy cơ bị nhiễm trùng do chế biến hạt hoặc lá trong điều kiện không tiệt trùng, làm vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào chỗ tổn thương, gây nhiễm khuẩn nặng hơn. Khi muốn trị nhọt, nên rửa xung quanh chỗ bị tổn thương với nước sạch và xà phòng, thường xuyên bôi dung dịch sát khuẩn như Povidine (có chứa iod sát khuẩn), có thể làm mềm nhọt bằng cách đắp bông gòn tẩm dung dịch thuốc tím loãng.

Khi mụn nhọt chín, cách tốt nhất là đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế giúp lấy mủ, nặn “ngòi” và chăm sóc đúng cách. Có khi người bệnh được cho uống kháng sinh (để trị tụ cầu khuẩn hoặc phải dùng kháng sinh oxacillin hoặc dicloxacillin) khi mụn nhọt to và có vẻ nặng.