PDA

View Full Version : Cái Nhìn Trong Tân Nhạc Việt Nam - Phạm Duy



delta
03-13-2008, 05:32 PM
Cái Nhìn Trong Tân Nhạc Việt Nam

Phạm Duy


NS: Nhạc phổ thông Tây phương giai điệu phức tạp hơn nhạc Việt Nam. Có phải vì văn hóa Việt Nam đã tác động đến sự thưởng thức âm nhạc và những giai điệu nhẹ nhàng dường như gần gũi với người Việt Nam hơn?

PD: Nhạc phổ thông Tây phương do những hãng đĩa khổng lồ Âu Mỹ sản xuất với những ca khúc mỗi ngày một đổi mới trong cả hình thức lẫn nội dung và nhất là với những giọng hát điêu luyện của các đại minh tinh trong nghề ca nhạc, được tung ra với mục đích chinh phục toàn thể thế giới, qua đĩa hát, video, karaoke, điện ảnh và các đài truyền thanh và truyền hình... chắc chắn phải tác động dữ dội tới mọi người ở trên toàn cầu và tuổi trẻ Việt Nam đang lớn lên ở trong hay lang thang ở ngoài nước. Trừ phi chúng biết tự vệ và giữ cho thật vững niềm kiêu hãnh dân tộc - - dù cũng biết là mình đang nuôi nấng một tinh thần quốc gia hẹp hòi (chauvinism) đấy - - nếu không thì chúng ta sẽ bị mê hoặc, bởi vì nhạc Âu Tây cũng có những giai điệu nhẹ nhàng (ngoài những giai điệu kích động) chẳng cứ gì nhạc Việt Nam.

NS: Sức sáng tác nhạc Việt Nam của những nhạc sĩ trong và ngoài nước hiện nay như bị chùn lại. Nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi động lực tài chính, môi trường, tâm lý hay do một yếu tố nào khác?
PD: Trải qua nửa thế kỷ, trong lịch trình tiến triển của Tân nhạc Việt Nam, tôi thấy có những giai đoạn như sau:
Nhạc hứng khởi trong thập niên 1945-1955. Là nhạc tình, nhạc hùng, nhạc nào cũng đều là nhạc thúc đẩy con người đi tới... Lúc đó là lúc quê hương vừa ra khỏi vòng nô lệ của thực dân Pháp, xã hội rất đẹp vì toàn dân đoàn kết và con người Việt Nam thì đang chiến đấu để gìn giữ tự do, độc lập...


Nhạc suy tư trong thập niên 1955-1965. Nhạc theo xu hướng nào thì cũng có thêm chiều sâu... Lúc đó quê hương bị chia đôi sau hội nghị Geneve, xã hội bị lung lay dù chưa bị đảo lộn và con người Việt Nam thì lâm vào cảnh chia rẽ nội tâm và gần như ly tán...


Nhạc thập niên 1965-1975 là nhạc buồn nhưng phản ảnh cuộc sống Việt Nam. Là nhạc ê chề, đắng cay, chua sót... Lúc đó quê hương tan nát vì chiến tranh, xã hội (ở miền Nam) bị sa đọa vì đồng tiền và con người Việt Nam bị đẩy vào cảnh nội chiến khủng khiếp...

Tôi không biết rõ nhạc ở trong nước hiện nay ra sao nên tôi không dám có ý kiến gì cả, nhưng tôi nhìn thấy rõ hình ảnh quê hương Việt Nam qua tác phẩm của Dương Thu Hương, tình trạng xã hội qua các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và phẩm chất con người qua tác phẩm của Phạm Thị Hoài... Nhạc ở trong nước có phản ảnh "quê hương - xã hội - con người" như văn chương hay không, thật tình tôi không biết!

Còn nhạc ở ngoài nước thì rõ ràng là nó mang nhiều tính chất thương phẩm hơn là nghệ thuật. Vả lại, nếu có muốn phản ảnh cuộc sống thì cuộc sống lưu vong này "boring" ra sao, chúng ta đã thấy rõ. đã có tới hai thế hệ nhạc sĩ trẻ ra đời nhưng nhạc - - gọi là hải ngoại - - chỉ là sự tẻ nhạt trong nội dung và sự lai căng trong hình thức. Cũng có tới hai thế hệ ca sĩ mới toanh ra đời nhưng không có một giọng hát nào cũng đúng được thời đại của mình (chẳng hạn khi xưa Thái Thanh đã cũng đúng được nhạc Phạm Duy và Khánh Ly đã gánh vác được nhạc Trịnh Công Sơn). Cũng cần nói tới vài ba người thiện chí - - trong sáng tác cũng như trong biểu diễn - - nhưng họ bơ vơ và lạc lõng trong một cộng đồng Việt Nam tưởng rằng cần phải chặt chẽ nhưng lại rất lỏng lẻo.Âm nhạc nằm trong tay con buôn. Không có một tổ chức văn hóa nào gọi là chính thống để nâng đỡ người nghệ sĩ chân chính và có thiện chí. Nói theo người Mỹ: Who is in charge?

NS: Vào thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc truyện Kim Vân Kiều. Nhạc sĩ Phạm Duy có thể nói sơ qua dự định chương trình sẽ dàn dựng như thế nào?
PD:Tôi làm việc rất mạnh mẽ vào lúc này vì tự thấy mình đã sắp sửa đi chơi một thế giới khác, vậy tôi phải mau trả nốt thế giới này một món nợ cuối cùng là việc phổ nhạc truyện Kim Vân Kiều. Nhất là tôi luôn luôn có cái mà người Pháp gọi là "la volonté du désespoir", mình càng tuyệt vọng thì mình lại càng phải hy vọng ! Tôi xuất thân là người soạn dân ca mới cho nền Tân Nhạc và kết thúc sự nghiệp của mình bằng việc xung tụng truyện Kiều, đó là cách biểu dương thái độ của một ca nhân Việt Nam. Tôi không dám cả gan phổ toàn bộ trên 3000 câu thơ của cụ Nguyễn Du đâu, tôi chỉ có ý định soạn bốn bức Minh Họa (illustration) Kiều với một Prologue và một Epilogue. Nhờ sự đóng góp quý báu của người con thứ Duy Cường trong phần hòa âm, phối khí... việc minh họa của tôi chỉ cốt ý thăng hoa những vần thơ Kim Vân Kiều. Ví dụ trong khi thi sĩ chỉ có 6 chữ để diễn tả cảnh "cỏ non xanh tận chân trời" thì nhạc của chúng tôi phải cho người nghe thấy được cánh đồng Việt Nam bát ngát cỏ xanh đó... Hoặc khi nàng Kiều "buồn trông cửa bể chiều hôm" thì cái buồn đó phải được diễn tả ra sao bằng giai điệu, bằng hòa điệu... Ngoài ra, trong nhiệm vụ hóa giải những oan khiên Việt Nam, sau những tác phẩm nhỏ nhoi của tôi như Con đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Bầy Chim Hồi Xứ... tôi muốn lấy thêm tác phẩm vĩ đại của cụ Tiên Điền ra để làm nơi gặp gỡ cho những người Việt Nam đang muốn tìm lại nhau, thương yêu nhau, sau 50 năm khinh thị thù ghét lẫn nhau... Lấy truyện Kiều làm nơi tự tình là một điều tuyệt diệu!