PDA

View Full Version : Âm Nhạc Từ Khởi-Đầu Tới Phục-Hưng - Mme Ngô



delta
03-13-2008, 05:17 PM
Âm Nhạc Từ Khởi-Đầu Tới Phục-Hưng

Mme Ngô

Âm nhạc bắt đầu có từ bao giờ? Bạn hổng biết ha, tui cũng không luôn! Nguồn gốc chính xác của âm nhạc nó mơ hồ y chang nguồn gốc của nhân loại. Rồi người ta nắm chỗ này bắt chỗ kia, trong những chuyện thần thoại truyền kỳ, trong những hình ảnh khảo cổ đào được từ các hang động vv ... và ráp chúng lại để tìm cách giải thích nguồn gốc âm nhạc.

Các nhà sử học cho rằng âm nhạc đã bắt đầu trước cả tiếng nói. Khởi đầu bằng việc vỗ tay và dặm chân - nghĩa là Adam Eva và đám con cháu của ổng bả đã chơi nhạc bằng cách ... đánh nhịp. Thời xa xưa âm nhạc được coi như có sức mạnh siêu việt và vạn năng: Âm nhạc được dùng để đuổi tà thần trong những dịp lễ tế. Theo Cựu Ước, thành quách Jericho đã kinh động và sụp đổ vì những hồi kèn. Trong lịch sử Ấn-Độ, dân chúng Bengal nhờ một giọng hát cất lên (khẩn cầu thượng đế) mà đã thoát nạn đói. Các thày tư tế của ai-cập cổ dùng âm nhạc để chữa bệnh hiếm muộn ở phụ nữ. Dân tộc do-thái xưa dùng âm nhạc để ngừa bệnh, điển hình nhứt là việc vua Saul đã cho liên tục chơi nhạc để trí óc luôn luôn sung mãn ...

Plato, nhà hiền triết nổi tiếng của Hy lạp (429-347 B.C) có ý định dùng âm nhạc để hướng dẫn tuổi trẻ hướng đến đích thiện mỹ – thiện mỹ cũng là đặc tính tiêu biểu trong kiến trúc và điêu khắc văn minh Hy Lạp cùng thời. Aristotle, học trò của Plato (383-320 B.C) theo bước chân thầy, tin tưởng rằng với âm nhạc con người có thể hồi phục thể chất và vững vàng trí tuệ trở lại sau cơn bệnh. Aristotle cũng thêm rằng âm nhạc còn là một cách giải trí, làm thanh thản đầu óc đã mệt mỏi vì công việc.

Thoạt kỳ thủy, nhạc do người Hy-lạp soạn ra rất đơn giản chỉ có một giọng đều đều, mục đích là để phổ vào thơ, hát trong đền thờ đấu trường, hát kèm với các vũ công hay hát trong các cuộc tranh tài thể vận. Thánh Augustine (345-430) của giáo hội công giáo La mã với câu nói bất hủ «Hát là cầu nguyện hai lần » đã đem âm nhạc vào mục vụ, và từ đó âm nhạc đã trở nên thiết yếu cho các buổi lễ tế kể từ thế kỷ thứ 7. Tuy kế thừa nền âm nhạc này của Hy-lạp nhưng dân tộc La-mã lại không biết làm cho nó phát triển, thành ra rồi nó cứ dặm chân tại chỗ mãi cho tới thế kỷ thứ 11.

Bắt đầu từ thế kỷ 11, ảnh hưởng Hy-La chấm dứt, thời Gothic khởi đầu, âm nhạc phát triển mạnh cùng với hội họa và kiến trúc. Nhạc đã bắt đầu được giảng dạy tại các trường, nổi tiếng nhứt là trường phái Notre-Dame ở Paris. Hệ thống ký âm pháp được đặt ra và từ từ hoàn chỉnh sau này. Nhịp/nốt chõi (counterpoint) được chế ra làm âm nhạc thêm đa dạng và phong phú. Nhạc lúc này đã có nhiều bè nhiều giọng khác nhau, tuy vậy vẫn còn nghiêng nặng về tôn giáo, nổi bật nhứt là nhạc gregorian (Gregorian chant - Mai mốt có dịp tui sẽ nói thêm về loại nhạc này).

Sau Gothic là giai đoạn vàng son của thời Renaissance - Phục Hưng (1450-1600). Nghệ thuật như cô gái dậy thì trổ giò rực rỡ. Ảnh hưởng của tôn giáo vào âm nhạc từ từ nhạt hẳn. Xã hội ồ ạt trở mình do thương mại và kỹ nghệ tiến triển, ngoài giới quí tộc và bình dân, xuất hiện thêm một giai cấp mới: giai cấp thượng lưu. Thêm vào đó các ông hoàng bà chúa, trước đây vẫn bị giáo hội kiềm chế, đã tìm cách gây thanh thế trong lãnh vực chánh trị và văn hóa để tự giải thoát khỏi vòng ảnh hưởng của giáo hội. Âm nhạc trở mình theo, vượt ra khỏi hẳn khuôn viên thánh đường và tu viện, âm nhạc từ đó cho tới bây giờ được dùng để diễn đạt tâm tình và khát vọng của nhân lọai.

Biểu tượng của nhạc thời Phục Hưng là Dare spirito vivo alle parole, nghĩa là tạo linh hồn cho ngôn ngữ. Nhạc ở giai đoạn này được viết với nhiều phần, thường là 3-5 phần gọi là madrigal. Madrigal là thí dụ điển hình của counterpoint (tạm dịch là chõi hay đối) Thoạt kỳ thủy mỗi giọng hát một phần riêng rẽ và tiếp nối, bây giờ thì hát chung nhưng độc lập với nhau, có lúc tách riêng, nhập lại, và có thể còn trượt –across - cả lên nhau nữa. Các ban nhạc và ca đoàn được thành lập, cách trình diễn điêu luyện hơn và sự xuất hiện của đồng phục cũng làm tăng thêm màu sắc trang trọng.

Trong thời Renaissance, âm nhạc trở thành một nghệ thuật tinh xảo. Một tên tuổi lớn thời này xin bạn đừng quên là Palestrina. Ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng của giáo hội công giáo La Mã (1525-1594). Tên thật là Giovani Pierluigi Sante, Palestrina là nơi chôn nhau cắt rún gần Rome. Tại Rome nơi ông sống và qua đời, ông được gọi thân mật là da Palestrina. Thời niên thiếu Palestrina sống bằng nghề hát lễ, sau đó đánh organ trong thánh đường. Chính ông là người đã khởi xướng việc kết hợp và hòa âm các bè nhạc.

Cuối thời Phục hưng, các nhạc cụ, điển hình nhứt là Organ và Lute, được chế tạo và phát triển tại Anh quốc sau đó rồi lan rộng mạnh khắp âu châu.

1581 Ballet xuất hiện lần đầu tiên để giải trí Hoàng-hậu Catherine de Medici của cung đình pháp và phát triển mạnh ngay sau đó.

1597 vở nhạc kịch Opera đầu tiên Dafne do Peri viết và trình diễn riêng tại nhà của Quận công Bardi ở Florence. Ba năm sau đó 1600 Peri viết thêm vở Euridice nhân dịp đám cưới của của Hoàng đế pháp Henry IV và Maria de Medici. Không may mắn như ballet, mãi một thế kỷ sau opera mới thực sự được chú ý và phát triển.

Vài tên tuổi đáng kể của thời này: Ở Anh có William Byrd, John Dowland, Thomas Morley, Thomas Tallis. Ở Ý có Jacopo Peri (cha đẻ của opera). Ở Đức có Michael Preaetorius. Ở Flamand có Guillaume Dufay ...

Tóm lại thời Phục hưng là thời đại huy hoàng của nghệ thuật, nó đã thành cái bàn đạp để nghệ thuật nhảy vọt những bước dài sau này.

PS: Tiện đây tui cũng có 2 chú thích cho bà con khỏi mất công tra cứu.
1. Lute: Là một loại đàn giây giống như cây guitar nhưng có cái bầu hình trái lê. Giữa thế kỷ 14-17, mấy tay đực rựa thời ni như Romeo của W. Shakespeare chẳng hạn, ưa bận đồ Harlequin và ôm Luta khảy tình tang đặng làm màn tán gái - Tán thì cứ tán còn Em thích bài ca mến cả người hay không là chuyện hậu xét!
2. Medici: Hay Mecicis là một dòng họ lẫy lừng ở Florence. Ông tổ Medicis thoạt tiên là tiểu thương vớ vẩn, sau thành công lớn bằng nghề ngân hàng và được phong tước quí tộc. Từ năm 1434, nền thương mại của cả Florence tập trung hết trong tay dòng họ này. Laurent 1st (1449-1492) là một nhà thơ, lúc cai quản thành phố Florence từ 1469-1492 được mênh danh là Laurent The Magnifique vì đã cống hiến cả cuộc đời để bảo tồn văn hóa nghệ thuật. Catherine de Medicis, cháu nội của ông đã về làm dâu vương triều pháp. Năm 1600 một cô Medicis khác tên Maria cũng trở thành hoàng hậu Pháp quốc. Nếu có dịp thăm viếng thành phố này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những công trình văn hóa khủng khiếp của dòng họ Medicis ở hầu như khắp thành phố.

Rất thân ái.
Mme Ngô