PDA

View Full Version : R - Rửa tay



Dan Lee
03-02-2008, 12:33 PM
Rửa tay

Tay là một chi thể trong thân thể có nhiều đặc tính và nhiều ý nghĩa biểu trưng liên quan đến quyền lực nhất. Rửa tay, vì thế bao hàm một ý trốn tránh trách nhiệm một cách hèn mạt nhất và có dòng họ với họ Đổ tên Thừa gần nhất.

Bàn tay thể lý: Bàn tay con người là sự kỳ diệu của việc tiến hóa. Các lòai vật có tứ chi, bàn tay để phục vụ cho việc di chuyển, chịu lực cho một phần cơ thể, bàn tay các loài vật ấy có nhiệm vụ khá hơn bàn chân một chút xíu, nhờ có những hành vi ôm chặt, cào cấu. Việc cầm nắm của con vật linh trưởng khá hơn các loài động vật khác nhưng hạn chế nhiều hơn so với bàn tay con người. Bàn tay con người được giải phóng hòan tòan cho việc đi lại từ khi con người biết đứng và đi trên đôi chân của mình, hơn bàn tay con vật nhờ ngón tay cái dài hơn loài linh trưởng, giúp cho con người cấm nắm và điều khiển hoặc có thể chế tác vật dụng thiên nhiên một cách ngày càng điêu luyện. Bàn tay con người rảnh rỗi, không dùng cho việc di chuyển nên chuyển hướng cho những hành vi chế tác. Khi con người chế tác bằng tay, ý niệm về quyền lực cũng nằm trong bàn tay ấy, Người Phương Đông thường nói việc khởi sự một công việc và kết thúc một công việc bằng cách nói: “Bắt tay vào…Buông tay ra”, người Tây Phương nói: “bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới”. Bàn tay biểu lộ sức mạnh uy quyền, thể hiện việc làm chủ. từ lúc nguyên thủy, con người dùng tay để hái lượm, tiến xa hơn dùng để săn bắt, trồng trọt, làm nên những dụng cụ từ đồ đá, đồng thau, sắt, điện, Kỹ thuật điện tử, IC, Digital … Hàng loạt tiến bộ hiện đại bằng những bàn tay robot… Sự kỳ diệu của bàn tay là thực hiện các ý tưởng trong trí não. Trí não con người phát triển theo một gia tốc thật lớn nhờ vào việc thể hiện được ý tưởng trên bàn tay.

Bàn tay biểu trưng cho sức mạnh, trói tay một người là hành vi khóa chặt tự do, chế ngự sức mạnh, điều này dễ thấy nhất trong thời kỳ nô lệ, trói tay người nô lệ vào một dụng cụ làm việc, như cột chèo, cối xay…Sức mạnh biểu lộ nơi bàn tay mạnh nhất thường biểu hiện cho nhà vua, dấu chỉ của sự thống trị tòan vẹn. Từ Do Thái cổ là Iad có nghĩa là vừa là bàn tay vừa là thống trị. Bàn tay trái của Chúa được biểu trưng là bàn tay công lý, bàn tay phải của Chúa là biểu hiện lòng nhân từ. Ở Trung Hoa, trong Đạo Đức Kinh, bàn tay phải là bàn tay của hành động, bàn tay trái biểu hiện sự vô vi, liên hệ với sự hiển minh. Trong đạo Hindu, hay Phật Giáo, theo Burckardt, Benoist và nhiều nhà nghiên cứu khác, bàn tay chỉ nhiều Mudrâ (Ấn):

Abhaya: Là bàn tay giơ lên tất cả các ngón xòe ra, lòng bàn tay hướng về phía trước, biểu lộ sức manh của thần Kâli, nắm giữ vận mệnh thời gian tồn tại hay hủy diệt, ban sức mạnh giải thoát khỏi sợ hãi đối với những ai cầu khẩn.

Varada: Bàn tay hạ xuống, tất cả các ngón xòe ra, biểu thị cho sự ban phước, bố thí.

Tarjanĩ: Bàn tay đưa cao nắm lại, ngón trỏ chỉ lên trời, biều thị ấn đe dọa đồng thời cũng chỉ con đường giải thoát.

Anjali: Hai bàn tay chắp lại trong tư thế cầu nguyện.

Bhumisparsha: Bàn tay hạ thấp, các ngón tay chụm lại chạm đất, mu bàn tay hướng về phía trước. Đức Phật dùng ấn này để chỉ Đất chứng giam cho đức tính Phật ở trong ngài.

Dhyâna: Hai bàn tay xòe ra đặt lên nhau, lòng bàn tay ngửa, trong tư thế ngồi thiền.

Dấu chỉ của bàn tay nhiều nhất là trong các điệu múa, nhất là các nước trong vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nó là sự diễn tả trong hát bội, chèo, cải lương, ở Cambodia được biểu lộ qua điệu múa của nữ thần Apsara… Bàn tay trong các điệu múa này mang nhiều tính biểu trưng khi được diễn tả trong không gian, hoặc tư thế của tay so với các phần thân thể khác, hoặc tư thế của từng ngón tay. Trong cách diễn tả này có lẽ ứng dụng nhiều nhất nơi những người câm điếc, bàn tay là thay thế cho môi miệng của họ. Bàn tay cũng thấy nhiều trong các tranh ảnh tượng nghệ thuật, nó diễn tả nghệ thuật gợi hình, diễn ý, biểu đạt nội tâm.

Bàn tay bày tỏ thái độ cung kính: Tại Thái Lan, việc đưa tay lên chắp, cúi đầu tùy theo vị trí biểu lộ sự cung kính. Tại Châu Phi, đặt bàn tay trái nắm lại nằm trong bàn tay phải là biểu lộ sự vâng phục, nhún nhường, ở La Mã bàn tay đưa vào trong tay áo biểu lộ sự kính trọng.

Chạm bàn tay: Bàn tay thần lực, biểu dương sức mạnh, chữa lành, băng bó, nâng đỡ, chăm sóc, yêu thương… được diễn tả rất nhiều bằng hình thức chạm tay. Theo nghĩa Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng bàn tay của Người chạm vào bàn tay của ai là truyền sức mạnh của Người cho họ. Như ta thấy, Bàn tay của Giavê đặt trên miệng Giêrêmia trước khi được sai đi làm ngôn sứ, dùng bàn tay của Moisê và của Aharon mà lãnh đạo đòan dân Chúa.

Đặt bàn tay mình vào tay vị phong chức hay trong ngày tuyên khấn của các nữ tu, là biểu lộ tính vâng phục trong lời tuyên khấn. Từ bỏ ý riêng để chu toàn ý Bề Trên liệu có khả thi không? Vấn đề ở đây, trong một hòan cảnh khác xưa, sự vâng phục không theo tính mù quáng, đặt tự do của mình trong tay người khác không có nghĩa là tự biến mình thành nô lệ. Thiên Chúa giải thoát con người khỏi ách nô lệ, bằng cách đưa tay của Moisê trên biển cả để mở ra một lối đi tự do. Tự do trong ý nghĩa là bước đi dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt tay trên con người cũng là hành vi đặt niềm tin vào con người, cho dù con người có thể một ngày nào đó trở mặt, quay lưng, nhưng bàn tay của Thiên Chúa cũng là bàn tay chữa lành băng bó, tìm kiếm dẫn đưa về. Chính ở đây, chúng ta cần thấy hai bàn tay, một bàn tay công lý và một bàn tay nhân từ. Nhờ vào lòng nhân từ, nghĩa là bàn tay phải của Thiên Chúa, công lý được thực hiện ở bàn tay trái, đó là lối đường tự do trong vâng phục. Như vậy, đặt tay mình vào bàn tay Thiên Chúa là Thiên Chúa chấp nhận tất cả để tha thứ tất cả, tha thứ tất cả để con người được tha thứ ấy trở nên con người thực sự tự do.

Trong nhiều tác phẩm diễn tả một bàn tay của Chúa, thân mình ẩn trong mây, chạm vào bàn tay con người, ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh này nói đến việc truyền ban sự sống cho con người, trao cho con người sức mạnh thần linh để chiến đấu, đồng thời con người yếu đuối cũng chạm vào được ngón tay thần diệu của Thiên Chúa, để con người được chữa lành. Về phía con người, bàn tay đưa ra biểu trưng sự bất lực, đang vươn tới để chạm vào bàn tay Thiên Chúa, con người có những giới hạn trong tầm tay của mình. Sự tự do của con người có thể bị sai lầm nhưng được chính Thiên Chúa hướng dẫn, đưa về nẻo chính. Tình yêu là chữa lành chứ không là hủy diệt người mình yêu, bàn tay đưa ra của Thiên Chúa là bàn tay cứu vớt.

Rửa tay nói đến việc vô tội trong khi thi hành quyền lực như trường hợp Philatô là một hành vi kém nhất, phi nhân bản nhất trong lịch sử của con người. Thiên Chúa không rửa tay nhưng chấp nhận để đôi bàn tay ấy mang lấy tất cả tội lỗi của chúng ta trên vai Ngài, để chịu đóng đinh vào Thập Giá. Bàn tay thi hành quyền lực của con người cần chịu đóng đinh như thế, để thấy rằng bàn tay có quyền lực cao nhất là bàn tay chịu trách nhiệm nhiều nhất. Rửa tay trong trách nhiệm này là kẻ hèn mạt, và biểu lộ tính quái đản nhất trong quyền lực của con người, biểu lộ sự lạm quyền để giết chết, bóp nghẹt, kềm hãm tự do người thuộc quyền. Thao túng quyền lực là cách minh chứng kẻ yếu kém nhất về mặt lãnh đạo, càng dùng quyền để lãnh đạo, người ta càng minh chứng rõ rệt hơn chính người lãnh đạo không có khả năng, thiếu mất một cánh tay, một bàn tay, là một người khuyết tật, chỉ mang trên thân mình một bàn tay thép, một cánh tay hủy diệt.

Trong Thánh Kinh việc Thiên Chúa đặt tay trên một người cũng là trao cho họ một uy quyền và trách nhiệm. Việc tiếp nhận sự ủy quyền đó, các Tông Đồ nhận từ nơi Chúa Giêsu, đến lượt các Tông Đồ chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo, và cứ thế chuyển giao làm nên tính tông truyền.

Chúng ta tiếp nhận quyền nhưng quyền này dùng để thực hiện yêu thương và trở nên người phục vụ, chứ không để thống trị, giết chết. Người có quyền lực cao nhất là người mang trách nhiệm lớn nhất, không rửa tay trong trách nhiệm này.

LM Giuse Hoàng Kim Toan