PDA

View Full Version : C - Chúa chữa người mù



Dan Lee
02-28-2008, 09:30 PM
Chúa Nhật thứ IV mùa Chay

CHÚA CHỮA NGƯỜI MÙ

Những bài đọc và nội dung của Thánh kinh Chúa Nhật thứ 4 mùa Chay chu kỳ năm A quá phong phú và chuyển tải nhiều thông điệp. Chúng ta chỉ khai triển vài khía cạnh của các thông điệp ấy. Những bài đọc này được Giáo hội Mỹ ưa chuộng và khai thác đặc biệt trong các giáo án dành cho các lớp dự tòng.

Nếu chỉ đọc thoáng qua, ta không thấy những móc xích liền lạc như cầu nối, nối kết nội dung cả 3 bài đọc lại với nhau. Nội dung chính là về ánh sáng. Ánh sáng là yếu tố cần thiết để các sinh vật tồn tại và phát triển. Ánh sáng cần thiết để ta nhìn rõ sự việc, để thẩm định chính xác vấn đề, để đạt tới quyết định đúng đắn, và qua đó sinh hiệu qủa phong phú.

Qua bài sách thánh tiên tri Samuel, tất cả chúng ta cảm thấy được rất an ủi vì Chúa là đấng thấu rõ tâm can con người. Ai cũng có nhiều ít khuyết điểm hay những mặc cảm trong cuộc sống. Có người buồn vì kém thông minh. Có người buồn vì cánh cửa cuộc đởi mình đóng lại, thiếu vắng cơ hội tốt. Có người buồn vì vóc dáng không sáng sủa. Có người buồn vì nhìn đã sáng sủa nhưng chiều cao lại khiêm tốn. Rất nhiều nỗi niềm và rất nhiều mặc cảm khác… Qua bài đọc này tại sao ta được an ủi? Vì Chúa là Đấng có cái nhìn thấu suốt. Chúa đọc được tâm can con người và thấu suốt nỗi lòng cũng như thiện chí của ta. Câu truyện Chúa thúc giục và hướng dẫn Samuel lựa chọn xức dầu phong vương 1 trong các con của Jesse là bằng chứng. Cả vị tiên tri cũng lầm tưởng khi được sai đến xức dầu ngưòi Chúa tuyển chọn. Ông đã tự nghĩ và phán quyết theo lối nhìn tự nhiên…chọn người có tướng tá, chọn nhân vật ra vẻ vóc dáng. Chúa đâ giáo huấn chính vị tiên tri và các người khác rằng đường lối của Chúa khác của người ta. Chúa không nhìn theo sự thẩm định hời hợt ngoại diện, theo vỏ bề ngoài, nhưng đạt thấu tâm can, đi vào đúng nội tâm con người. Chúa chính là nguồn sáng và là Đấng ban phát ánh sáng hiểu biết.

Trong giáo huấn cho giáo đoàn Ê phê sô, thánh Phaolô đã nhắn nhủ, đào sâu khía cạnh ánh sáng và bóng tối. Khi chưa nhận biết Chúa, chúng ta là con cái sự tối tăm và buớc đi trong bóng tối; một khi đã nhận biết, và có Thiên Chúa trong cuộc đời rồi, ta phải sống và hành xử như con cái sự sáng. Ở đây có một chi tiết liên quan đến tu đức của bí tích giải tội. Thánh Phaolô nói ta phải moi móc, phơi bày những việc làm cũ của sự tăm tối ra. Cũng như ánh nắng tia sáng mặt trời sẽ biến đổi và sàng lọc nước thải đá bị ô uế (sanitary field/pool) để biến thành lành mạnh tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn phô bày những việc làm của tăm tối và tội lỗi để được ơn Chúa và Nguồn Sáng thanh lọc. Phaolô hiểu rõ tâm lý ngại ngùng và khó khăn của vấn đề: dù có ngại, có xấu hổ để ôn lại ký ức, để duyệt xét lại tội lỗi tâm linh, thì đó là việc làm rất cần thiết. Mọi việc khi đưọc phơi bày sẽ hiển lộ; khi đã hiển lộ sẽ là chính ánh sáng, là thiện hảo.

Câu truyện dài với nhiều chi tiết ly kỳ về việc Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh, là trọng điểm Thánh kinh hôm nay. Nói đến ngũ giác con người, ta phải đồng ý rằng giác quan nào cũng quan trọng và đặc biệt, để giúp chúng ta sống phong phú đúng đời sống con người. Thính giác và thị giác còn là những giác quan đặc biệt hơn của sinh vật cao cấp. Ngoài công dụng thiết yếu cho nhu cầu bảo tồn đời sống, “thính & thị” còn cho ta cơ hội học hỏi, thưởng thúc sự phong phú của nghệ thuật, làm con người trổi vượt và tiến bộ vô cùng giữa muôn ngàn sinh vật. Thời nay chúng ta nghe nhiều về phương pháp thính thị (audio & video). Audio và Video là 2 động từ Latinh nghĩa đen là “tôi nghe”, “tôi thấy”

Bị mù lòa là sự thiệt hại và mất mát vô cùng to lớn. Theo quan niệm người xưa trong thánh kinh, mù loà cũng như nhiều bệnh hoạn ghê gớm khác được gán cho là hậu qủa bị Trời phạt, do chính mình phạm tội hoặc gia đình, tổ tiên phạm tội. Không lạ gì, các môn đệ Chúa hỏi Ngài rằng anh thanh niên bị mù là do tội của anh ta hay của gia đình cha mẹ. Chúa xác định không phải do anh mà cũng không bởi cha mẹ anh, mà chỉ là “cơ hội” cho thiên hạ chung quanh được “xem thấy”. Chúa muốn những người có mặt chứng kiến phép lạ sẽ nhìn thấy sự hiện diện và bàn tay Thiên Chúa và mong họ sẽ được mở mắt đức tin.

Sự mù loà thể xác chỉ là diễn tả của một thực tại khác còn khốc liệt hơn, đó là sự mù loà tâm linh. Thị giác con người quá quí hóa. Mất thị giác, con người mất phương tiện lớn lao để học hỏi, để tiến bộ, để thưởng thức, để tồn tại. Cho tới bây giờ khoa học và y học chỉ có thể giúp điều chỉnh thị giác, nếu bị những khuyết điểm như: loà, cận, viễn, loạn…chứ không thể chữa một người mù bẩm sinh để có ánh sáng được. Anh thanh niên mù trong Phúc âm qủa là qúa hạnh phúc. Từ mù lòa tăm tối nay anh được Chúa chạm đến chữa lành và cho được xem thấy. Anh ta qúa đỗi vui mừng tới độ khẳng khái quyết liệt tuyên xưng lòng yêu mến và nể phục tuyệt đối với nhân vật Giêsu. Anh ta không hề sơ sệt e dè những người Do Thái đầy ghen tương và thâm hiểm. Cha mẹ anh ta thì sợ lắm, sợ chuyện “cái miệng vạ cái thân”. Vì thế để trả lời người Do thái đang ngang ngược ép cung, cha mẹ anh khéo léo nói rằng: “Cháu nó lớn rồi, các bác cứ nó mà hỏi đi …”

Phúc âm Chúa nhật này đã bắt đầu dàn dựng bối cành cho cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà chúng ta sê cử hành trong vài tuần nữa. Các trưởng tế, biệt phái, và viên chức Do thái mưu tính giết luôn cả Chúa Giêsu và người mù đuợc chữa lành này. Vị trí và ảnh hường của các nhóm người này thực sự bị đe dọa. Sự chữa lành người mù là cực kỳ siêu phàm, kéo theo sự thán phục và tin tưởng mãnh liệt nơi quần chúng! Quả thật chưa hề có mà cũng chẳng bao giờ có, dù ở giữa thế kỷ 21 với sự ra đời của computer cao cấp, như một ngã rẽ ngoạn mục của đời sống con người ngày hôm nay.

Mù lòa thể xác chỉ là phản ảnh một thực tại của mù lòa tâm linh. Khi ta không nhìn thấy sự thật khách quan nơi vấn đề hàng ngày là ta đã mù loà hiểu biết, mù lòa tri thức. Khi ta không nhận biết và đánh giá những thực tại tâm linh, là ta đã mù loà đức tin, mù lòa tâm linh. Chúa Giêsu đến để làm chứng về Thiên Chúa Cha và mong cho người ta qua Ngài nhận biết Cha. Chúa Giêsu không cần ta nài xin vẫn tự nguyện chữa lành ta, giúp ta được thấy. Trong nhiều câu truyện chữa lành trong Phúc âm, người ta phải xin rồi Chúa mới chữa cho. Trong trường hợp người mù này, Chúa chủ động đến với người mù và chữa anh ta. Đọc kỹ đoạn Thánh kinh này, ta thấy Ngài muốn chữa để những người khác được “thấy”. Nghe thì thật tức cười: chữa mắt mù người này mà có mục đích cho những người khác được “thấy”.

Oan nghiệt thay: trước dấu lạ, phép lạ nhãn tiền như vậy, nhóm biệt phái và đầu mục Do Thái lại quyết tâm chối bỏ, cố gây khó dễ, và âm mưu giết cả Giêsu lẫn người mù đã được chữa lành. Đó là chiêu giết người bịt miệng, diệt đối thủ, diệt luôn nhân chứng. Chấp nhận phép lạ này nhóm viên chức Do thái này hiển nhiên chấp nhận tầm ảnh hưỏng quan trọng của ngôi sao đang lên Giêsu ( a rising star); là chấp nhận mình bị yếu vai vế, bị mất đặc quyền đặc lợi… Ngược lại, người mù được chữa lành và dân chúng đơn thành thì hết lòng tin vào ông Giêsu. Đối chiếu trong cuộc đời, trong cuộc sống đức tin, có những điều nhãn tiền nhưng ta vẫn không thấy. Có những dấu chỉ của Chúa rất rõ ràng nhưng vì tác động và áp lực của đam mê, của tội lỗi ta vẫn cố tìm cách chối bỏ Chúa và tiếng Chúa.

Mù lòa thể xác chỉ phản ánh phần nào sự mù lòa tâm linh là thứ mù loà tàn hại và thê thảm hơn. Xin Chúa ban sức mạnh để con vượt qua đam mê và tội lỗi, để được sáng và được thấy. Xin ân sủng mùa Chay thánh giúp con đến gần Chúa và được thấy!

Giữa cõi u minh, cặp mắt loà.
Ngài thương chạm mở, thấy ngàn hoa.
Tâm linh mù tối, dọi nguồn sáng.
Chúa chữa tim con, lòng bão hòa.

Des Moines, IOWA
LM Trần Tân