PDA

View Full Version : Suy tim xung huyết



delta
02-25-2008, 11:48 AM
Suy tim xung huyết

http://www.kekho.com/vietnhimimages/suy1.jpg

Suy tim xung huyết là gì ?

Tìm được cấu tạo từ những tế bào cơ hoạt động như là một cái bơm tự động để đưa máu đi khắp cơ thể. Suy tim xung huyết là tình trạng mà chức năng bơm máu của tim không đủ để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể. Tình trạng kém cung cấp máu do suy tim xung huyết có thể dẫn đến suy những hệ thống cơ quan khác của cơ thể. Khi hoạt động bơm máu của tim không hiệu quả do tình trạng suy tim xung huyết, máu sẽ ứ lại ở phía sau tim. Tình trạng xung huyết này có thể dẫn đến sự ứ dịch ở phổi và ở mô của cơ thể. Suy tim xung huyết có thể được xem như là triệu chứng của suy giảm chức năng bơm của tim gây ra bởi một bệnh tiềm tàng nào đó.

Suy tim xung huyết có thể được chia rộng hơn trong một bảng phân loại tuỳ thuộc vào sự hiện diện của nguyên nhân nền tảng gây suy tim xung huyết. Sự co bóp của tim có thể bị suy giảm do rất nhiều bệnh gây nên suy yếu cơ tim hoặc khả năng của tim trong việc dãn và đổ đầy bị suy giảm. Thêm vào đó, trong một vài trường hợp, mặc dù hoạt động bơm máu của tim vẫn còn nguyên vẹn nhưng do những yếu tố khác gây ra bởi nhu cầu tăng cao một cách bất thường của mô cơ thể làm cho tim khó khăn trong việc trong việc cung cấp đủ máu ra ngoại biên ( được gọi là suy tim cung lượng cao ).

Suy tim xung huyết thường bao hàm sự kết hợp của hai tình trạng ở trên. Trong bài này sẽ tập trung chủ yếu vào nguyên nhân làm suy yếu cơ tim.

Suy tim xung huyết có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan của cơ thể không kể đến nguyên nhân khởi đầu của suy tim xung huyết, sự suy yếu cơ tim sẽ làm tim mất khả năng trong việc tống máu ra hệ thống tuần hoàn cơ thể. Khi tim suy, các cơ quan khác đều bị ảnh hưởng. Quan trọng là thận bắt đầu giảm khả năng bài tiết muối và nước bình thường. Hậu quả là thận có thể bắt đầu bị suy, phổi có thể trở nên xung huyết và khả năng gắng sức bị suy giảm.

Tương tự như vậy, dịch có thể ứ ở gan, vì vậy làm suy giảm khả năng trừ khử chất độc trong cơ thể và làm giảm khả năng tạo ra những protein cần thiết. Ruột cũng trở nên mất khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và thuốc. Theo thời gian, suy tim xung huyết không được điều trị sẽ ảnh hưởng hầu như đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Nguyên nhân gây suy tim xung huyết là gì ?

Khả năng bơm máu của tim bị suy giảm bởi suy tim xung huyết có thể do nhiều bệnh tạo ra. Những nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim xung huyết là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nghiện rượu kéo dài và rối loạn của van tim. Nguyên nhân ít gặp hơn gồm viêm cơ tim do siêu vi, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn nhịp tim và nhiều nguyên nhân khác nữa .

Chúng ta cũng cần chú ý đến những bệnh nhân có bệnh tim tiềm ẩn, sau khi uống một vài loại thuốc có thể dẫn đến tiến triển hoặc nặng hơn tình trạng suy tim xung huyết. Những loại thuốc đặc biệt này có thể gây giữ muối hoặc ảnh hưởng lên khả năng bơm máu của tim. Ví dụ như những thuốc thường dùng là kháng viêm nonsteroid ( NSAIDS ) bao gồm ibuprofen ( Motrin và loại khác ) và Naproxen ( Aleve và loại khác).

Triệu chứng của suy tim xung huyết là gì ?

Những triệu chứng của suy tim xung huyết tuỳ thuộc vào từng cơ quan riêng biệt bị ảnh hưởng và còn lệ thuộc vào phần còn lại của cơ thể đã “ bù trừ “ cho sự suy yếu của cơ tim. Triệu chứng thường gặp của suy tim xung huyết là mệt. Mệt là dấu hiệu chỉ điểm rất nhạy cảm của suy tim xung huyết, nhưng rõ ràng nó không phải là triệu chứng đặc hiệu mà còn có thể gặp nhiều tình huống khác. Khả năng gắng sức cũng bị giảm đi. Bệnh nhân có thể không cảm giác được mức độ giảm này và họ có thể hạn chế đi lại, hoạt động vốn có của mình để thích nghi với giới hạn này.

Khi cơ thể trở nên quá tải bởi sự tích tụ dịch, phù ở hai mắt cá chân và chân có thể được ghi nhận. Thêm vào đó, dịch có thể tích tụ ở phổi, do đó gây nên khó thở đặc biệt trong lúc gắng sức và khi nằm đầu thấp. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân không ngủ được lúc ban đêm mà phải há hốc mồm để thở. Một vài trường hợp khác không thể ngủ được khi nằm trừ khi ngồi để ngủ. Sự tích tụ nhiều dịch trong cơ thể gây tiểu nhiều đặc biệt là lúc ban đêm.

Ứ dịch ở gan, ruột có thể gây buồn nôn và chán ăn.

Suy tim xung huyết được chấn đoán bằng cách nào ?

Chẩn đoán suy tim xung huyết dựa vào lâm sàng, dựa vào tiền sử của bệnh, thăm khám kỹ và làm những xét nghiệm có chọn lọc.

Việc hỏi bệnh sử kỹ có thể phát hiện được một hay nhiều triệu chứng của suy tim như đã mô tả ở trên. Thêm vào đó, cần quan tâm đến tiền sử bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim trước đây, tăng huyết áp, tiểu đường, hay nghiện rượu cũng là dấu hiệu cần lưu ý .

Thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, tập trung phát hiện sự quá tải dịch trong cơ thể ( âm phế bào, phù chân, hoặc tĩnh mạch cổ nổi to ) kể cả những biểu hiện của tim ( mạch, kích thước tim, tiếng tim, và âm thổi).

Các xét nghiệm để chẩn đoán bao gồm đo điện tim ( ECG ), chụp X-quang ngực để khảo sát tình trạng nhồi máu cơ tim trước đây, loạn nhịp tim, tim to, ứ dịch ở trong và quanh phổi. Một xét nghiệm khác hữu dụng nhất để chẩn đoán là siêu âm tim. Siêu âm tim giúp biết được tình trạng của cơ tim, cấu trúc của van tim, và kiểu của dòng máu chảy. Siêu âm tim rất hữu ích trong chẩn đoán suy tim. Siêu âm có thể gợi ý lên nguyên nhân của suy tim, ví dụ như nhồi máu cơ tim trước đây, bất thường van tim. Hầu hết tất cả bệnh nhân nghi ngờ suy tim xung huyết nên làm siêu âm tim vào một thời điểm nào đó.

Những nghiên cứu về y học hạt nhân giúp đánh giá toàn bộ khả năng tống máu của tim và có thể xác định được sự suy yếu chức năng này. Thông tim có thể giúp quan sát được hình ảnh của động mạch và chụp động mạch( dùng một chất cản quang bơm vào mạch máu rồi chụp, có thể thấy được qua phương pháp chụp X-quang ). Trong khi đó thông tim có thể đo được áp lực ở trong và quanh tim, đánh giá được chức năng của tim. Trong một số hiếm các trường hợp, sinh thiết mô cơ tim có thể cần đến để chẩn đoán một số bệnh đặc biệt của tim. Sinh thiết nhờ vào một dụng cụ chuyên biệt xuyên qua tĩnh mạch đưa vào tim để lấy mô cơ tim.

Việc chọn lựa xét nghiệm tuỳ thuộc vào mỗi bệnh nhân, và những nghi ngờ về chẩn đoán.

delta
02-25-2008, 11:50 AM
Suy tim xung huyết (Phần 2)

http://www.kekho.com/vietnhimimages/suy2.jpg

Điều trị suy tim xung huyết bằng cách nào ?

Cải thiện lối sống :

Sau khi chẩn đoán suy tim xung huyết, việc điều trị nên được tiến hành ngay lập tức. Có lẽ mặt điều trị quan trọng nhất mà chưa được quan tâm lắm là cải thiện lối sống. Muối gây ra sự gia tăng tích tụ dịch trong cơ thể. Bởi vì cơ thể thường xuyên bị xung huyết do quá tải dịch nên rất nhạy cảm với lượng muối và nước ăn vào. Hạn chế muối và nước thường rất cần thiết bởi vì xu thế dịch thường tích tụ ở phổi và xung quanh mô. Chế độ ăn không thêm muối vẫn còn chứa 4 đến 6 gam muối mỗi ngày. Ở bệnh nhân bị suy tim xung huyết nên ăn ít hơn 2 gam muối mỗi ngày.

Cần đọc kỹ nhãn hiệu thực phẩm và loại bỏ hết lượng muối trong thức ăn là điều rất quan trọng. Vì vậy, tổng lượng muối đưa vào cơ thể phải được điều chỉnh. Mặc dù nhiều bệnh nhân bị suy tim xung huyết dùng thuốc lợi tiểu để đào thải bớt lượng dịch quá tải này, nhưng uống quá nhiều nước và những dịch khác sẽ làm cho hoạt động của thuốc lợi tiểu sẽ trở nên kém hiệu quả. Phương châm uống tối đa “ 8 ly nước mỗi ngày giúp cơ thể khoẻ mạnh “ không được áp dụng cho bệnh nhân bị suy tim xung huyết. Bệnh nhân bị suy tim xung huyết tiến triển khuyên nên hạn chế dịch, tổng số lượng dịch từ các nguồn cung cấp phải dưới 1,5 lít mỗi ngày. Những chỉ dẫn về lượng muối và dịch kể trên có thể thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ nặng của suy tim ở từng bệnh nhân.

Một phương pháp quan trọng để theo dõi lượng dịch xuất nhập thích hợp là thường xuyên theo dõi cân nặng. Dấu hiệu sớm nhất của sự ứ dịch trong cơ thể là cân nặng tăng. Thậm chí nó xuất hiện trước khi khó thở hoặc phù hai chân, hay phần khác của cơ thể xảy ra. Khi tăng 1-1,5kg trong vòng 2-3 ngày thì nên đi khám bác sĩ ngay . Bác sĩ sẽ gia tăng liều thuốc lợi tiểu đang sử dụng hoặc có phương pháp khác để ngăn chặn ở giai đoạn sớm của sự ứ dịch trước khi nó trở nên nặng hơn.

Tập Aerobic một phương pháp không được khuyến khích đối với bệnh nhân suy tim xung huyết, đã cho thấy trở nên có nhiều ưu điểm trong việc duy trì khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống và thậm chí cải thiện được sự sống còn. Với cùng một mức độ suy tim như nhau, nhưng mỗi bệnh nhân có đáp ứng khác nhau.Tập thể dục thường xuyên đến khi bệnh nhân dung nạp được, sẽ có nhiều lợi điểm

Các yếu tố có khả năng hồi phục được.

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra suy tim, mà nên tìm ra những yếu tố có khả năng hồi phục được suy tim. Ví dụ như suy tim do thiếu máu cơ tim, có thể cải thiện được bằng cách phẫu thuật động mạch vành hoặc đặt stent trong động mạch vành để tăng dòng máu nuôi cơ tim. Suy tim do bệnh lý van tim có thể cải thiện bằng mổ nong hoặc thay van.Suy tim do tăng huyết áp lâu ngày sẽ cải thiện nếu như kiểm soát tốt huyết áp. Cũng vậy, suy tim do nghiện rượu có thể cải thiện rõ khi ngưng uống rượu. Suy tim do những nguyên nhân khác có thể cải thiện hoặc hồi phục hoàn toàn nếu như kiểm soát được nguyên nhân.

Thuốc

Cho tới giờ này, việc chọn lựa thuốc trong điều trị suy tim vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng là chính. Tuy nhiên, có một số thuốc có thể cải thiện triệu chứng và quan trọng là kéo dài sự sống còn.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) :

Thuốc ACE đã được được dùng để điều trị tăng huyết áp hơn 20 năm nay. Thuốc này đã cho thấy có hiệu quả trong điều trị suy tim.Thuốc này ức chế sự hình thành angiotensin II, là một hormon có nhiều tác hại tiềm tàng đối với tim và hệ tuần hoàn ở bệnh nhân bị suy tim xung huyết. Trong nhiều nghiên cứu trên hàng ngàn bệnh nhân cho thấy, thuốc cải thiện đáng kể triệu chứng suy tim, ngăn ngừa bệnh diễn tiến xấu hơn và kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Mặt khác, thuốc ức chế men chuyển còn ngăn ngừa bệnh suy tim tiến triển và nhồi máu cơ tim. Nhiều bằng chứng cho thấy việc dùng thuốc này trong điều trị suy tim rất tốt, nó cần thiết đến nỗi là loại thuốc phải có trong điều trị suy tim.

Tác dụng phụ của thuốc thường gặp là ho khan, ăn không ngon miệng, hạ huyết áp, làm bệnh suy thận năng thêm, rối loạn chất điện giải và hiếm hơn là phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, khi dùng thuốc có theo dõi cẩn thận, đa số bệnh nhân suy tim đều dung nạp tốt mà không có vấn đề gì đáng để ý cả. Sau đây là một số thuốc ức chế men chuyển thường dùng là: captopril ( Capoten), Enalapril ( Renitec,Vasotec), Lisinopril (Zestril, Prinivil ), Benazepril (Lotensin ) và Ramipril (Altace).

Đối với bệnh nhân không dùng thuốc ức chế men chuyển, nhóm thuốc khác có thể thay thế là nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin có thể được sử dụng ( ARBs ). Thuốc này tác dụng trên con đường hormon giống như ức chế men chuyển nhưng nó lại ức chế trực tiếp hoạt động của angiotensin II tại vị trí tác dụng. Một vài nghiên cứu nhỏ gần đây cho thấy khả năng sống còn của bệnh nhân suy tim xung huyết lớn tuổi giống như là ức chế men chuyển. Tuy nhiên, những nghiên cứu với số lượng lớn hơn có xem xét kỹ đã cho thấy được ức chế thụ thể angiotensin II ( ARBs ) trội hơn ức chế men chuyển. Tác dụng phụ của thuốc này cũng tương tự như với ức chế men chuyển mặc dù ho khan ít gặp hơn. Ví dụ về loại thuốc này bao gồm Losartan ( Cozaar), Candesartan( Atacand ), Telmisartan( Micardis), Valsartan ( Diovan) và Irbesartan( Avapro).

Ức chế beta ( Beta-blockers)

Vài hormon như là epinephrine ( adrenaline), Norepinephrine và những hormon tương tự khác tác dụng lên thụ thể beta ở những mô khác nhau trong cơ thể và tạo ra hiệu quả kích thích. Tác dụng của những hormon này trên receptor beta ở tim là làm gia tăng sự co bóp của cơ tim. Ức chế beta là thuốc mà nó ức chế hoạt động của các hormon kích thích này trên thụ thể beta của mô cơ thể. Vì vậy nó được xem như là ức chế thụ thể beta hơn là ức chế chức năng của tim. Từ lâu, ức chế beta đã không được dùng ở bệnh nhân suy tim xung huyết. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy tim xung huyết dưới tác dụng của các hormon trên sẽ làm bất lợi cho cơ tim theo thời gian. Những nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả lâm sàng khá ấn tượng của ức chế beta trong việc cải thiện chức năng tim và khả năng sống còn của bệnh nhân suy tim xung huyết, người mà đã dùng ức chế men chuyển rồi.

Chìa khoá để thành công trong việc dùng ức chế beta ở bệnh nhân suy tim xung huyết là bắt đầu với liều thấp và gia tăng liều một cách từ từ. Lúc đầu bệnh nhân có thể cảm thấy một chút lo lắng và có thể dùng thuốc để hỗ trợ. Tác dụng phụ có thể bao gồm ứ dịch, hạ huyết áp, mạch chậm, và mệt mỏi. Ức chế beta cũng có thể không được dùng ở những người có bệnh ở đường hô hấp( ví dụ như hen phế quản, khí phế thủng ) hoặc nhịp tim lúc nghỉ rất chậm.Trong lúc Carvedilol ( Careg) là thuốc đã được nghiên cứu dùng thường xuyên ở bệnh nhân suy tim xung huyết ( và là ức chế beta duy nhất đã được sự chấp thuận của FDA trong điều trị suy tim xung huyết), nhiều nghiên cứu với ức chế beta khác cũng đã có nhiều hứa hẹn. Những nghiên cứu so sánh Carvedilol trực tiếp với những ức chế beta khác trong điều trị suy tim xung huyết đang được tiến triển.

Digoxin :

Digoxin đã được dùng trong điều trị suy tim xung huyết hơn 100 năm nay! Nó là sản phẩm tự nhiên được chiết từ hoa loài cây Foxglove( còn gọi là cây cựa gà ). Digoxin kích thích cơ tim có thắt mạnh hơn. Nó cũng có những tác dụng khác nhưng chưa được hiểu rõ ràng, cải thiện triệu chứng của bệnh nhân suy tim xung huyết và có thể ngăn ngừa suy tim không cho nặng hơn. Tuy nhiên, gần đây những nghiên cứu ngẫu nhiên với số lượng lớn cho thấy tác dụng của digoxin trên mức độ tử vong. Nó được dùng cho nhiều bệnh nhân với những triệu chứng suy tim xung huyết rõ ràng, mặc dù kéo dài tuổi thọ không là tác dụng của nó. Tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn ói, rối loạn nhịp tim và bất thường về điện giải. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này là hậu quả của gia tăng nồng độ digoxin tới ngưỡng độc, có thể theo dõi nồng độ của digoxin trong máu bằng những xét nghiệm. Liều lượng của digoxin cũng cần phải điều chỉnh lại đối với những bệnh nhân bị suy thận.

Thuốc lợi tiểu :

Thuốc lợi tiểu thường là phần quan trọng trong điều trị suy tim xung huyết để ngăn ngừa và làm giảm đi triệu chứng ứ dịch. Bằng cách thúc đẩy lượng dịch lọc qua thận, thuốc lợi tiểu giúp cải thiện được sự ứ dịch ở phổi và các mô khác. Mặc dù tác dụng của nó trong việc làm giảm đi các triệu chứng khó thở và phù chân nhưng nó không cho thấy được kéo dài sự sống còn. Tuy vậy, thuốc lợi tiểu vẫn là chìa khoá trong việc ngăn ngừa diễn tiến xấu đi tình trạng bệnh của bệnh nhân. Khi nhập viện, thuốc lợi tiểu được dùng bằng đường tĩnh mạch bởi vì khả năng hấp thu bằng đường uống bị suy giảm. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu bao gồm mất nước, bất thường về điện giải đặc biệt hạ Kali trong máu, rối loạn về thính giác và hạ huyết áp. Điều quan trọng để ngăn ngừa hạ Kali là bổ sung khi cần thiết. Sự rối loạn về điện giải có thể làm cho bệnh nhân dễ bị rối loạn về nhịp tim. Ví dụ vài loại thuốc lợi tiểu khác nhau bao gồm furosemide ( Lasix ), Hydrochlorothiazide, Bumetanide( Bumex), Torsemide( Demadex) và Metolazone ( Zaroxolyn ).

Một loại thuốc lợi tiểu gần đây đã cho thấy hiệu quả đáng ngạc nhiên trên sự sống còn ở bệnh nhân suy tim xung huyết có triệu chứng đang tiến triển. Spironolactore ( Aldactone) đã được sử dụng trong nhiều năm như là một thuốc lợi tiểu yếu trong điều trị nhiều bệnh khác nhau. Trong số những loại thuốc khác nhau đó thì Aldaclone ức chế hoạt động của hormon Aldosterone. Có nhiều giả thuyết nói về tác dụng có hại của Aldosterone trên tim và hệ tuần hoàn của bệnh nhân suy tim xung huyết. Sự phóng thích aldosterone được kích thích một phần bởi angiotensin II trong máu thấp. Những nhà nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng Spironolactone có thể cải thiện tỉ lệ sống còn của bệnh nhân suy tim xung huyết. Trong nghiên cứu, sử dụng liều tương đối nhỏ đã cho thấy ưu điểm của nó trong việc ức chế Aldosterone tốt hơn khi xem nó như là một thuốc lợi tiểu yếu. Những tác dụng phụ của thuốc này bao gồm tăng Kali máu và ở nam có hiện tượng vú to.

Ghép tim :

Trong vài trường hợp, mặc dù việc sử dụng phác đồ điều trị tối ưu ở trên nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn xấu đi do sự tiến triển của suy tim. Ở những bệnh nhân này, ghép tim là phương pháp được chọn. Người được chọn ghép tim nói chung dưới 70 tuổi và không có tình trạng tổn thương nặng hoặc không hồi phục ở những cơ quan khác. Thêm vào đó, ghép tim chỉ được thực hiện khi tiên lượng điều trị nội khoa tiếp tục không còn đáp ứng nữa. Do nguy cơ loại bỏ tim được ghép, vì vậy bệnh nhân cần thiết phải dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Thậm chí, họ cần phải được theo dõi tình trạng bệnh mạch vành ở tim được ghép.

Mặc dù có hàng ngàn bệnh nhân chờ đợi ghép tim bất cứ lúc nào nhưng số phẫu thuật được thực hiện mỗi năm bị hạn chế do số người cho tim không đủ. Vì những lý do này, ghép tim chỉ thực hiện được ở một số lượng rất nhỏ của rất nhiều bệnh nhân suy tim xung huyết.

Những điều trị cơ học khác.

Do những hạn chế của ghép tim, nhiều dự định gần đây hướng tới phát triển trực tiếp những dụng cụ hỗ trợ cơ học nhằm giúp đỡ một phần hoặc toàn bộ chức năng bơm máu của tim. Có một vài dụng cụ có thể dùng cho bệnh nhân và nhiều hơn nữa đang được thực hiện. Ví dụ như có một dụng cụ hỗ trợ thất trái, nó được xem như là phương thức tạm thời để hỗ trợ hệ tuần hoàn cho những bệnh nhân rất nặng cho tới khi ghép tim có thể thực hiện được.

Những nghiên cứu có kiểm chứng về vai trò của những dụng cụ cơ học này trong một khoảng thời gian dài dựa trên những người được cấy ghép nó vĩnh viễn đang được xúc tiến. Hạn chế chính hiện tại của những dụng cụ này là nguy cơ bị nhiễm trùng đặc biệt là ở chỗ mà dụng cụ thoát ra khỏi cơ thể qua da để nối với nguồn năng lượng bên ngoài .

delta
02-25-2008, 11:55 AM
Suy tim xung huyết (Phần cuối)

http://www.kekho.com/vietnhimimages/suy3.jpg

Suy tim xung huyết (Phần cuối)

Bệnh cảnh lâu dài của bệnh nhân suy tim xung huyết là gì ?

Nhìn chung, tiến triển của suy tim xung huyết có những giai đoạn ổn định, có những giai đoạn bùng phát. Tuy nhiên, quá trình của bệnh tùy thuộc từng bệnh nhân, thay đổi rất nhiều. Những yếu tố liên quan tới tiên lượng của bệnh nhân bao gồm bệnh tim nền tảng, đáp ứng với điều trị, mức độ tổn thương các cơ quan khác, và những bệnh nặng khác kèm theo, triệu chứng của bệnh nhân, mức độ suy giảm, và những yếu tố khác vẫn còn chưa rõ.

Ngày nay, với những thuốc mới hơn tác động lên quá trình tiến triển của bệnh. Do đó, tiên lượng nhìn chung thấy tốt hơn so với cách đây 10 năm. Trong một vài trường hợp, đặc biệt khi rối loạn chức năng cơ tim mới bị thì sự cải thiện tự nhiên không phải là không thường gặp, thậm chí một lúc nào đó chức năng cơ tim trở nên bình thường.

Một điều quan trọng ở bệnh nhân suy tim xung huyết là nguy cơ bị rối loạn nhịp tim. Tất cả những trường hợp tử vong xảy ra ở bệnh nhân bị suy tim xung huyết, thì khoảng 50% liên quan tới suy tim tiến triển, còn 50% được nghĩ là liên quan tới rối loạn nhịp tim nặng. Tuy nhiên, điều chưa rõ là bằng cách nào để xác định tất cả những bệnh nhân suy tim xung huyết có những yếu tố nguy cơ cao nhất của rối loạn nhịp tim và cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc điều trị chúng. Hiện nay, trên lâm sàng có dùng thuốc chống loạn nhịp và máy khử rung để điều trị.

Những lãnh vực nghiên cứu mới trong suy tim xung huyết là gì?

Mặc dù thuốc có nhiều ưu điểm trong điều trị suy tim xung huyết khoảng trên 20 năm qua nhưng có rất nhiều nghiên cứu đang được xúc tiến. Những loại thuốc mới đang được thử nghiệm trên lâm sàng bao gồm những thuốc tác dụng lên thụ cảm thể calcium, ức chế vasopeptidase và những peptides lợi tiểu. Ngoài ra, còn dùng thêm ức chế men chuyển và ức chế beta, việc dùng những thuốc này dựa trên sự hiểu biết thêm về quá trình tiến triển và hậu quả để lại do suy tim. Thêm vào đó, liệu pháp gen được tập trung nghiên cứu và đang được thử nghiệm trên động vật.

Những điều trị mới này đã được chứng minh, là một điều lạc quan chưa từng thấy trong điều trị suy tim xung huyết. Ở đa số bệnh nhân cải thiện lối sống phù hợp, dùng thuốc đúng thứ tự, có thể duy trì được hoạt động, và cảm thấy dễ chịu. Việc chọn lựa những loại thuốc như ức chế men chuyển, ức chế beta để điều trị đã cho thấy có nhiều điều đáng chú ý. Vào thế kỷ 21 chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều những can thiệp có hiệu nghiệm hơn.

Sơ lược về suy tim xung huyết .

Suy tim xung huyết là tình trạng mà chức năng bơm máu của tim không đủ để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể.

Có nhiều bệnh có thể làm suy giảm chức năng bơm máu của tim và gây ra suy tim xung huyết.

Triệu chứng của suy tim xung huyết thì rất thay đổi bao gồm mệt, giảm khả năng gắng sức, khó thở và phù.

Chẩn đoán suy tim xung huyết dựa trên việc hỏi kỹ về bệnh sử, thăm khám lâm sàng cẩn thận và làm những xét nghiệm có chọn lọc.

Việc điều trị suy tim xung huyết có thể bao gồm cải thiện lối sống, chú ý đến những yếu tố có khả năng hồi phục, thuốc, ghép tim và những điều trị cơ học.

delta
02-25-2008, 11:58 AM
Xơ vữa động mạch, ngõ vào của nhiều bệnh chứng
http://www.kekho.com/vietnhimimages/suy4.jpg


Thứ tự ưu tiên không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với luận lý khoa học. Hai tiếng tim mạch là thí dụ điển hình. Tuy nhắc tim rồi mới nhớ đến mạch, nhưng trên thực tế thì trong đa số trường hợp bệnh tim lại bắt đầu từ mạch máu.


Trái tim là cơ quan có khả năng chịu đựng áp lực và bù trừ chức năng rất cao. Ngoại trừ trường hợp bất khả kháng do dị tật bẩm sinh, tim không dễ gì ngã bệnh trong một sớm một chiều

Điểm yếu của hệ tuần hoàn chính là mạng lưới mạch máu trải dài nhiều cây số nhằm phủ kín bề mặt cơ thể và toàn bộ nội tạng. Muốn làm tròn chức năng cung ứng dưỡng khí và dưỡng chất đến tận mọi vùng sâu, vùng xa của cơ thể, tim phải trông cậy vào các mao mạch nhỏ li ti như chân rết nối liền với mọi ngõ ngách của cơ quan và tế bào.

Khi chướng ngại vật là xơ vữa

Đây chính là điểm éo le trong toàn bộ vấn đề. Đã là mạch máu nhỏ đến độ chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi điện tử thì vi mạch dễ gì có cấu trúc bền vững! Chính vì thế mà mao mạch dễ bị thương tổn bởi nhiều lý do. Vì nguyên nhân nào đó, chẳng hạn do hậu quả của tình trạng viêm nhiễm, tác hại của độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá..., một vài chỗ trong mạch máu bỗng nhiên không còn trơn láng. Nếu ngay lúc đó dòng máu lại chảy qua một cách chậm chạp, vì quá đậm đặc do chứa nhiều chất mỡ hay do tiểu cầu tập trung quá độ bởi tình trạng căng thẳng thần kinh (stress), thì chất mỡ trong máu có đủ thời giờ và phương tiện để bám chặt vào thành mạch máu. “Thừa nước đục thả câu”, chất vôi, chất đạm, tiểu cầu... cũng dừng lại “nghỉ chân”, tạo thành những mảng xơ và làm cho mạch máu bắt đầu chai cứng. Hậu quả của điều này là trái tim phải gắng sức đẩy máu vượt qua những chướng ngại từ xa càng lúc càng nhiều, trong khi cơ quan nằm quanh vùng mạch máu lại bị xơ vữa do thiếu dưỡng khí và dưỡng chất vì đường tiếp tế bị gián đoạn.

Đến lúc nào đó trái tim kiệt sức và mạch máu phải chai cứng, đứt đoạn hay tắc nghẽn! Điều gì sẽ xảy ra nếu hiện tượng xơ vữa mạch máu xuất hiện ngay trên thành tim, trong não, trên đáy mắt? Hậu quả không gì khác hơn là nhồi máu cơ tim, bại liệt vì tai biến mạch máu não! Trái tim, cơ quan cao cấp của cơ thể, phải chấp nhận thất bại một cách oan uổng chỉ vì một sự khởi đầu... rất tầm thường. Có đáng phải trả giá như thế không?

Cần chiến lược phòng bệnh lâu dài

Thử xoay ngược vấn đề. Liệu có cách nào bảo vệ mặt trong của thành mạch máu? Có thể nào giữ cho dòng máu tuy không loãng như nước lã, nhưng cũng đừng quá đậm đặc? Có cách nào ổn định các thành phần trong dòng máu sao cho độ nhớt của máu đừng vượt quá mức độ bình thường? Câu trả lời dứt khoát là có, nếu thầy thuốc và bệnh nhân chú ý nhiều hơn đến mục tiêu phòng bệnh dựa vào hoạt chất sinh học có nguồn gốc thiên nhiên.

Xơ vữa mạch máu là bệnh có thể dễ phòng ngừa nếu phương án dự phòng được thực hiện không chỉ đúng lúc, mà càng sớm càng tốt. Hơn thế nữa, muốn bảo vệ mạch máu để giảm bớt gánh nặng cho trái tim thì biện pháp phòng bệnh cần được tiến hành liên tục sao cho các yếu tố gây xơ vữa mạch máu không tìm được cơ hội thuận tiện. Dùng thuốc ngừa xơ vữa theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” thì không uống thuốc nhiều khi còn tốt hơn. Không mong gì lật đổ được ngôi vị đứng đầu về tỉ lệ tử vong của bệnh tim mạch nếu thiếu chiến lược phòng bệnh lâu dài.

Trên thực tế không thiếu phương tiện phòng bệnh, từ cách ăn uống cho đến dược phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Nhưng sở dĩ bệnh tim mạch vẫn còn là mối đe dọa chỉ vì phần lớn người bệnh, hay chính xác hơn, người sắp bị bệnh, thiếu kiên nhẫn theo đuổi giải pháp phòng ngừa.

Muốn chống xơ phải trị vữa!

Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chứng minh:

. Cholesterol không phải là yếu tố đơn thuần dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch.

. Lượng cholesterol toàn phần trong máu dù có tăng cao vẫn chưa là điều kiện cần và đủ để mạch máu bị chai cứng trước khi đi vào tình trạng tắc nghẽn.

. Cholesterol chỉ bám được vào mạch máu khi có sự tiếp tay của một số hoạt chất giúp dán chặt cholesterol vào thành mạch. Các chất này thường gặp trên người thường bị bội nhiễm (C reactive protein), hút thuốc (homocystein), hay ở đối tượng có cuộc sống căng thẳng (ICAM)... Người tuy có nhiều cholesterol trong máu, nhưng nếu không thừa các chất trên, vẫn không bị đe dọa vì xơ vữa mạch máu.

. Ngược lại, người có lượng cholesterol trong máu tuy ở mức bình thường nhưng lại quá dư các chất “cò mồi”, lại là đối tượng hàng đầu của tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... với tỉ lệ không kém nhóm tăng cholesterol!

. Một số hoạt chất trong rau quả, cây thuốc rõ ràng có tác dụng chống xơ vữa mạch máu thông qua cơ chế bảo vệ tính đàn hồi của thành mạch máu, chống hiện tượng đông máu nội mạch và ngăn ngừa tình trạng co thắt mạch máu.

Thêm vào đó, bên cạnh việc chủ động giải quyết nguyên nhân xuất phát từ thói quen sinh hoạt, mâu thuẫn trong gia đình, nghề nghiệp, xã hội..., chế độ dinh dưỡng chú trọng các vitamin và khoáng tố có tác dụng chống xơ vữa đã được chứng minh trong thực nghiệm và trên lâm sàng, như sinh tố C, E, folate, B12, kẽm, selen... là một trong các biện pháp nên được chú ý hàng đầu cho người đã phát hiện tình trạng xơ vữa mạch máu.

Không hẳn lúc nào cũng cần đến hoạt chất cầu kỳ phức tạp mới ngừa được bệnh tim mạch!

delta
02-25-2008, 12:02 PM
Thiếu vitamin D, nguy cơ bệnh tim tăng gấp đôi
http://www.kekho.com/vietnhimimages/suy5.jpg

Chỉ cần thiếu chút ít lượng vitamin D đáp ứng nhu cầu cơ thể là đủ để tăng gấp đôi nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng như các vấn đề khác về tim ở những người có tiền sử mắc huyết áp cao từ 5 năm trở lên.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Harvard công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Thomas Wang, ĐH Y Harvard (Boston) đã theo dõi 1.739 người, có độ tuổi trung bình 59, trong vòng 5 năm. Những người tham gia nghiên cứu đều không có tiền sử về bệnh tim mạch. TS Wang nhận thấy những người có mức vitamin D thấp sẽ tăng tới 60% nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến tim mạch như đột quy, nhồi máu cơ tim so với những người có đủ mức vitamin D đáp ứng nhu cầu cơ thể. Ngoài ra, họ cũng dễ mắc các bệnh tiểu đường, cholesterol cao và huyết áp cao.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố khác như tuổi, giới tính, thói quen hút thuốc, bệnh tiểu đường, mức cholesterol trong nghiên cứu của mình.

delta
02-25-2008, 12:04 PM
Súp lơ chống lại bệnh tim
http://www.kekho.com/vietnhimimages/suplo.jpg

Thường xuyên ăn súp lơ (hay bông cải xanh) có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tim, bên cạnh tác dụng chống ung thư, các nhà khoa học Mỹ thông báo.

Trong thí nghiệm, người ta cho những con chuột ăn thêm một lượng súp lơ trong vòng 1 tháng, và đo ảnh hưởng lên cơ tim của chúng.

So với những động vật mà chế độ ăn không thay đổi, ở nhóm chuột ăn súp lơ, tim của chúng đập tốt hơn hẳn và ít hư hại hơn khi rơi vào tình trạng thiếu ôxi.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Connecticut phỏng đoán súp lơ có thể đã kích hoạt sự sản xuất một protein tên là thioredoxin, giúp bảo vệ tim trước những hư hỏng.

Các công trình trước kia đã tìm thấy nhiều lợi ích của súp lơ đối với sức khoẻ, đặc biệt là có tiềm năng bảo vệ cơ thể chống ung thư.

Tuy nhiên, việc hấp sơ món ăn này có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là khi luộc. "Nếu súp lơ bị luộc chín nhừ, nó sẽ mất đi khả năng bảo vệ", giáo sư Dipak Das, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Nhóm nghiên cứu giờ đây đang tìm hiểu những loại rau khác cùng họ với súp lơ - như cải bắp và cải Brussel - có tác dụng chống lại các loại bệnh tật khác hay không.