PDA

View Full Version : T - Truyền bá Lời Chúa cho các tù nhân



Dan Lee
02-23-2008, 01:11 PM
TRUYỀN BÁ LỜI CHÚA CHO CÁC TÙ NHÂN

Trong vòng 15 năm, Cha Yves Aubry là Linh Mục Công Giáo Tuyên Úy nhà tù Bois-d'Arcy ở Yvelines, thuộc vùng Phụ cận Paris, thủ đô nước Pháp. Cha sáng lập Hội ”Le Bon Larron - Người Trộm Lành” có mục đích loan báo Lời Chúa cho các tù nhân. Cha cũng thành lập Hội ”Les Amis de Tibériade - Các Bạn Hữu Tibériade” nhằm giúp cựu tù nhân hội nhập vào đời sống Giáo Hội và xã hội. Cha Yves Aubry nói về công tác mục vụ ”Trình bày Ánh Sáng THIÊN CHÚA” nơi các nhà tù như sau.

Chỉ người nào được Chúa Thánh Linh thúc đẩy mới dám loan báo Lời Chúa cho các tù nhân. Lời an ủi, Lời chữa lành cho những ai tiếp nhận Lời Chúa. Phải, chỉ khi nào được Chúa Thánh Linh sai khiến - điều kiện đầu tiên và không thể thiếu được - thì mới có đủ can đảm rao giảng Lời Chúa và trông thấy cảnh Lời Chúa thấm nhập vào con tim các tù nhân. Đây là kinh nghiệm tôi từng chứng kiến nơi các nhà tù. Từ đó, loan báo Lời Chúa trở thành nhu cầu đích thực, một cần thiết cho kẻ được Tình Yêu từ Con Tim THIÊN CHÚA chạm đến trong cõi thâm sâu nhất của lòng mình.

Thánh Phaolo tông đồ đã chẳng từng nói: ”Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (1Cor 9,16b) đó sao? Chúng ta nhớ rằng, sau khi nhận lãnh Thánh Thần và trước khi bắt đầu rảo quanh các miền để công bố Tin Mừng, lời đầu tiên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ chính là: ”Thầy đến để trả tự do cho người bị áp bức, giải thoát kẻ bị giam cầm, giải phóng các tù nhân, những người ở sau chấn song cũng như mọi người khác, và chính vì vậy mà Thầy trao ban cho họ Thần Khí của Thầy” (xem Luca 4,18-19). Nếu ai biết tiếp nhận Lời Chúa thì Ngài sẽ dẫn người ấy đi vào nội tâm sâu thẳm và ban cho họ sức mạnh giải thoát. Họ sẽ được tái tạo nhờ Tình Yêu.

Tôi từng sống, từng cảm nhận và chia sẻ nỗi sầu khổ dằn vặt của các tù nhân. Không nên quên rằng, người bị tù phải chịu đau khổ thật dữ dội. Họ bị bứt khỏi tình cảm gia đình, không được hưởng hoa trái lao công, bị bứng khỏi môi trường tự do và an toàn. Họ bị tống giam gần giống như người ta giam cầm các con thú dữ. Phần đông các tù nhân sống triền miên trong sầu khổ, trong tủi hổ, trong hối hận vì nhận ra điều dữ mình đã làm cho người khác. Các tù nhân còn bị dằn vặt bởi mặc cảm thấp hèn, bất lực và nhất là bị lương tâm cắn rứt ngày đêm.

Trong hoàn cảnh đáng thương như thế của các tù nhân, nếu chúng ta - các tín hữu Công Giáo - không loan báo Đức Chúa GIÊSU Cứu Thế cho họ, thì thử hỏi: ai sẽ làm công việc này? THIÊN CHÚA đã mặc xác phàm để băng bó vết thương các con tim. Chỉ duy nhất Ngài mới có đủ khả năng chữa lành những ai tiếp nhận Lời Chúa được rao giảng với tình yêu. Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA mới có thể đi vào tận cõi thâm-sâu kín-ẩn nhất của con người để soi sáng và chữa lành. Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Việc biến đổi nhà tù thành nơi thanh luyện mang tính chất nhân bản, tùy thuộc phần lớn việc truyền giáo cho các tù nhân, được tái sinh trong nhân phẩm của họ. Vì thế, để loan báo Lời Chúa nơi nhà tù, tín hữu Công Giáo cần phải hợp tác chặt chẽ với nhiều người khác hầu biến nhà tù thành nơi có tình người hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của tín hữu Công Giáo chính là rao giảng Lời Chúa cách trung thực, không quanh co bóp méo và rao giảng với trọn tình yêu nơi Đấng Cứu Thế duy nhất.

Trong thông điệp ”Redemptoris Missio - Sứ Mệnh Cứu Thế” (7-12-1990), Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) nhắn nhủ rõ ràng rằng: ”Thời đã điểm để mọi người dùng toàn sức lực của Giáo Hội dấn thân trong việc Truyền Giáo Mới. Không một người nào tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, cũng không một đoàn thể nào của Giáo Hội, được phép tránh né khỏi nhiệm vụ tối cao là loan báo Đức Chúa GIÊSU KITÔ”. Nói tắt một lời, các tín hữu Công Giáo phải can đảm trở thành nhà truyền giáo!

... ”Thật vậy, chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính THIÊN CHÚA, thì đó là một ân huệ. Vì nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu, thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn THIÊN CHÚA ban. Anh em được THIÊN CHÚA gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Chúa KITÔ đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (Thư I Thánh Phêrô 2,19-23).

(”Famille Chrétienne”, n.1120, Juillet/1999, trang 18)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt