PDA

View Full Version : Ðức Huy - Nhật Thịnh



delta
02-22-2008, 11:23 AM
Ðức Huy

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/DucHuy-1.jpg

Tên thật Ðặng đức Huy, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1947 tại Sơn Tây Việt Nam. Học nhạc từ 1963 qua sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ (anh họ). Ðến Hoa Kỳ năm 1975, theo học SF City College về nhạc căn bản và hòa âm
Tác phẩm đã phổ biến: (khởi sáng tác từ 1969 tại Ðà Lạt)

Nói tới Đức Huy người ta nghĩ tới một giòng nhạc tươi trẻ, tình yêu phơi diễn dưới những khía cạnh mới mẻ, lời ca bình dị, không chau chuốt thơ văn, được chuyên chở bằng âm thanh trong sáng, tiết điệu trẻ trung, đã được mọi lứa tuổi đón nhận một cách yêu thích.

Chẳng hạn bản “Người tình trăm năm” ngay trong phần khơi mở người ta đã thấy một sự giản dị đến độ dường như ngôn ngữ của đời thường, hai người kể lệ, tâm tình với nhau, thương yêu, hứa hẹn, nhưng vô cùng thấm đượm:

Đến một ngày, một ngày nào đó
Em xa anh một ngày nào đó
Anh nhớ có một lần,
Một lần mình nói
Ta yêu nhau có vầng trăng làm chứng
Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay
Nhiều như những gì mình muốn có
Một lần đã trọn vẹn ái ân
Với anh em mãi là người tình trăm năm.

Lời thệ nguyện ngàn vàng kết đá từ xưa người ta đã nghĩ tới mỗi khi nói đến chuyện yêu nhau, Đức Huy đã khéo léo làm cho mới mẻ, hợp với tâm trạng ngày nay, dùng nhiều hình ảnh thiên nhiên để soi tỏ tâm hồn, làm cho rạng ngời, đằm thắm hơn, chan chứa yêu thương. Thế cho nên cho dù tình yêu có nhạt phai, không còn gì để ấp ủ, nhìn cảnh vật xưa cũ người ta còn như thấy có một cái gì ẩn chứa để mãi mãi khắc ghi:

Nếu như có một ngày,
Một ngày nào đó
Em quên anh,
Một ngày nào đó
Những ân tình nhạt nhòa phai dấu
Trong con tim chẳng còn thương đau
Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay
Nhiều như những kỷ niệm qua tay
Một lần đã trọn vẹn ái ân
Với anh em vẫn là người tình trăm năm.

Nhạc phẩm “Người tình trăm năm” đã được Đức Huy sáng tác khi xa dời tiểu bang hiền hòa nóng lạnh California để sang tiểu bang Hawaii năm 1983, sau khi trình diễn trên chiếc du thuyền Independence ở Honolulu. Đêm hè 1984 trên boong chiếc tàu buông neo ở Nawiliwili, Kauai, Đức Huy nhìn ngắm bầu trời đầy sao chợt nhớ đến một câu chuyện tình đã chứng kiến, một cuộc tình như mọi cuộc tình, có khác chăng đây lại là một cuộc tình tan vỡ mà một người đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình để cho người kia được sống trong vòng đai thương yêu, chiều chuộng. Bản nhạc này Đức Huy đã viết đi viết lại tới tám lần, cuối cùng đã hoàn thành vào mùa đông năm 1987 tại Bahamas:

Những vòng tay yêu dấu đã xa rồi
Như con tàu ra khơi
Đến một ngày nào đó em sẽ biết rằng
Anh yêu em nhiều bao nhiêu
Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay
Nhiều như những gì mình đã mất
Một lần đã trọn vẹn hiến dâng
Với anh em mãi là người tình trăm năm.

Chỉ duy nhất một bối cảnh, một đêm sáng sao, nhìn những vì tinh tú lớn nhỏ, lấp lánh kia, đơn thuần có vậy, mà dưới cõi thế này, đôi nam nữ kia đã diễn ra không biết bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm, kết cuộc chỉ gắn bó nơi một suy tưởng duy nhất: “Với anh em mãi là người tình trăm năm”. Đẹp nào hơn sự thủy chung son sắt trong tư tưởng này.

Nhạc của Đức Huy có thể nói đã được viết trong những bước chân di chuyển, cảm hứng bắt từ thực trạng cuộc sống, chắt lọc qua tâm hồn, mang những nỗi niềm, những quặn thắc, những nghĩ suy tạo dựng nên.

Ngược lại bản “Để quên con tim” hoàn thành quá nhanh, trong vòng một tuần lễ tại Santa Ana năm 1983 trước khi dời đi tiểu bang Hawaii, nghĩ tới Kinh thành Ánh Sáng mà năm năm sau Đức Huy mới thật sự đặt chân tới trong chuyến Âu du, tuy là phóng tưởng nhưng đã là những kinh qua nhiều vui buồn, thậm chí đắng cay trong cuộc sống muôn ngã rẽ:

Gọi thầm tên em
Khi nắng chiều nhạt ngoài sân
Trở về Cali
Anh nghe nhớ nhung giăng sầu
Từ ngày xa em
Anh bỗng trở thành lặng câm
Ngày rời Paris
Anh hứa sẽ quay trở lại.

Sự nhớ nhung đó không khỏi để trí tưởng phóng về nơi chốn cũ ngập tràn những kỷ niệm đẹp nõn nà của những ngày sống bên nhau, say đắm thương yêu:

Buổi chiều sông Seine
Có gió lạnh về lập đông
Buổi chiều Cali cô đơn từng cơn rã rời
Từ ngày xa em thao thức trằn trọc từng đêm
Ngày rời Paris anh đã để quên con tim.

Hoặc như nhạc phẩm “Tiếng mưa đêm” Đức Huy sáng tác vào mùa hè 1985 tại Pearl City khi còn bận rộn làm việc trên chiếc du thuyền Constitution của Hawaii Cruises. Nhạc viết xong mà phải mất hơn 4 năm sau mới đặt lời được hai đoạn đầu:

Còn rơi mãi trên phím đàn
Còn rơi mãi những tiếng buồn thở than
Đã lâu rồi nụ cười vắng trên môi
Mưa rơi mưa rơi
Còn rơi mãi nhớ thương ai
Ướt bờ mi em dài
Mưa rơi mưa rơi
Còn làm mưa mãi trong đời
Người đã xa vắng rồi.

Và phải chờ mãi tới cuối năm 1989 Đức Huy mới chấm dứt được điệp khúc của nhạc phẩm này tại Santa Barbara, cho thấy sự thận trọng, cân nhắc khi sáng tác của người nghệ sĩ, không hành động tắc trách:

Từng giọt mưa từng giọt buồn
Ngoài sân vắng buổi chiều tối dần
Từng giọt mưa như hờn giận
Nào người có biết chăng
Từng giọt mưa từng giọt buồn
Như dĩ vãng cuộc tình mình
Còn rơi mãi không bờ bến
Trong tiếng mưa đêm.

Sự kỳ công và sự khổ tâm của người nghệ sĩ trăn trở khi sáng tác chính bởi đó, không muốn vội vàng để công trình tư tưởng của mình phải chết non chết yểu, bị giới thưởng ngoạn hững hờ, phỏng có khác chi một thiếu nữ không người biết tới, chỉ bởi công dung ngôn hạnh không thật vẹn toàn. Họ không nhìn trên nhìn dưới, xoay bao quanh mình, chỉ biết một điều duy nhất đam mê nghệ thuật.

Bởi thế họ thường có tri âm, tạo nên đời sống tư tưởng của con người, đem cho đời những giấc mơ hoa hiền hòa, an lành. Những dĩ vãng, kỷ niệm không ngoài một thoáng nhìn về một thời đã mất, họ là chứng nhân mọi mặt của thời đại nên dù ở đâu mối cảm xúc thường cũng nhẹ nhàng, cao khiết.

Đức Huy sống đích thực cuộc sống bình dị, không cách khoảng xã hội, bởi vậy một giọt mưa rơi xuống, một vạt nắng, một góc phố...đều trở thành những mở đầu cho nhạc phẩm, từ đó phác họa nên cả một cảnh tượng, một tâm trạng, lắm khi người và cảnh như chung mang một nỗi niềm bâng khuâng, man mác, điển hình bản “Chiều vàng nhung nhớ” điệu boléro chậm:

Cơn gió nào đến đây
Làm lá bay trên hè phố vắng
Tia nắng nào vấn vương
Vào mắt em chiều vàng
Cho kỷ niệm ngủ yên
Trong mắt em chiều vàng
Chiều vàng nhung nhớ
Cho mắt em thêm sâu
Chiều vàng nhung nhớ
Cho áng mây xôn xao
Chiều vàng nhung nhớ
Chiều vàng bơ vơ.

Đức Huy mở mắt chào đời tại Sơn Tây, quê hương của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn năm 1947, miền trung châu đồng bằng Bắc Việt. Năm 1954 Đức Huy theo gia đình di cư vào miền nắng ấm, phiêu bạt dọc chiều dài đất nước, từ Đà Nẵng, Đà Lạt qua Nha Trang vào Sàigòn. Hồi còn theo học trường Trung học Nguyễn Trãi khoảng chừng 15, 16 tuổi, Đức Huy sớm đón nhận âm hưởng nhạc trẻ thế giới của những ban nhạc hiện đại The Beatles, The Shadows, Rolling Stones, đã rung động, phát ra ý hướng đi tới, vốn sẵn tiềm tàng trong người mỗi cảnh trí quê hương, mỗi con người một nơi chốn, mỗi tâm cảm một cung bậc âm nhạc.

Năm 1963 Đức Huy được một ban nhạc trẻ nhà nghề Les Vampires mời tham gia, chính thức bước chân vào nghề. Nhưng Đức Huy không chịu dừng chân mãi một nơi. Chỉ một thời gian sau, Đức Huy chuyển từ đàn sang hát, cuối cùng xoay qua sáng tác, quan niệm có một cái gì để được hát.

Nhạc phẩm “Cơn mưa phùn” mở đầu cho sự nghiệp sáng tạo của Đức Huy, tiếp đó tới những bản “Nếu xa nhau”, “Bay đi cánh chim biển”... Nhạc phẩm này theo Đức Huy có một ấn dấu để đời, nguyên hồi còn học tại Đại học Văn Khoa, tác phẩm “The Arrangement” của Elia Kazan đã khiến Đức Huy bị cuốn hút, nói đến không khỏi như có một bức xúc và nó đã là động lực thúc đẩy thai nghén, sản sinh nên bản nhạc này.
Năm 1972 Đức Huy tốt nghiệp Đại học Văn khoa, được lệnh nhập ngũ, nhưng không ham mê mang mai trên cổ áo, nhận khoác áo lính Địa phương quân đóng ở Bình Dương cho gần Sàigòn. Trong suốt thời gian này, cho đến khi miền Nam bị nhuộm đỏ, Đức Huy sáng tác một số bài, trong đó có bản “Mùa thu cho em” đã được nhiều người mến mộ.

Sau biến cố 30.4.1975 xảy ra, Đức Huy bỏ nước ra đi sớm nhất, thu gọn cuộc sống chật hẹp trong trại tỵ nạn Subic Bay tại Phi Luật Tân chừng vài tuần lễ, còn hơn một ngày giam trong ngục tù đỏ, nhờ một người quen đang làm công việc hướng dẫn các trẻ mồ côi Việt Nam, đưa vào làm. Không bao lâu sau Đức Huy đã có mặt ở thành phố du lịch San Francisco, California, khí hậu hiền hòa, dịu mát như những ngày nào sống ở thành phố sương mù Đà Lạt, vừa theo học nhạc vừa làm việc văn phòng, chơi cho một ban nhạc Á châu ở Chinatown liên tiếp bốn năm.

Năm 1985 Đức Huy chuyển hướng qua tiểu bang Hawaii đàn và hát trên chiếc du thuyền chở khách lênh đênh quanh những hòn đảo thơ mộng các vùng Tahiti, Caribean, Jamaica, Mexico. Chán nghề Đức Huy theo học nhiếp ảnh một năm, theo bè bạn rủ hát trở lại, tiếp tục sáng tác, lần lượt cho ra đời các nhạc phẩm “Phố nhỏ”, “Như đã dấu yêu”, “Trái tim ngục tù”, “Chiều hôm nay”...

“Phố nhỏ” được hoàn thành trong một một dịp tình cờ. Tết 1989 Đức Huy gặp trở lại Phù Du, tác giả bài thơ “Em đi” đã được Đức Huy phổ nhạc năm 1982 tại Orange County. Đức Huy được Phù Du cho xem một bài thơ mới viết, họ thỏa thuận thêm bớt đôi chỗ cho phù hợp với điệu nhạc và nhạc phẩm đã kết thúc ngay chiều ngày đó. Lời dạo đầu buồn man mác, trong khung cảnh nhỏ của con phố, khơi gơi lại những hình ảnh, kỷ niệm một thời:

Trưa rất nhẹ, trưa về qua phố nhỏ
Hình ảnh xa xưa của một thuở ấu thơ
Những tháng ngày, tháng ngày qua rất chậm
Buổi chiều hoang vắng mắt xa xăm.

Kỷ niệm đơn thuần thôi, chỉ là những hạt mưa rắc nhẹ, thấm ướt phố xưa, lan tỏa trên bờ vai người con gái, và những phút giây thần tiên của đời người đã sống miên man, bất tận. Ấy một dấu ấn đầu đời khó quên:

Mưa rơi ướt nhẹ, mưa về trên phố nhỏ
Từng giọt thân yêu, từng giọt thấm vai em
Mưa rất nhẹ như nụ hôn ướt mềm
Để lại vương vấn trong con tim.

Mang một ấn tượng sâu xa, được nhiều người ưa thích và không mấy ai không thuộc một đôi lời trong nhạc phẩm “Trái tim ngục tù” được hoàn thành năm 1992, gợi nhớ nhiều kỷ niệm xưa, thoáng nhẹ qua đời nhưng không mấy ai còn lưu giữ, bởi thế mà nhiều người đã sống trở lại một thời trong lời nhạc nhẹ nhàng và tha thiết:

Em đã gọi anh lời buồn chân mây
Em đã chờ anh đến khi lá bay
Em đã nhiều lần ngồi nhìn mình trong gương
Chẳng hiểu vì sao đời mình mãi lao đao.

Tình yêu chợt đến chợt đi thoáng nét như thế, nhìn chuyển biến của mùa để đo lường sự cách biệt nhau, nhớ và bâng khuâng, trằn trọc hơn, khổ đau man mác trong tình trường, không sao thể vơi bỏ hình ảnh nhau cứ vương vấn mãi trong tâm hồn, không dứt:

Xuân đến rồi xuân đi
Ngày tàn nắng ấm
Anh đến rồi đi
Như con sóng ngầm
Em đã một lần
Một lần được biết yêu anh
Để bây giờ chỉ biết yêu anh
Một mình trái tim ngục tù
Trái tim ngục tù
Em yêu anh
Yêu anh đến ngàn thu.

Hình ảnh người tình muôn thuở, tình thương yêu đó chập chờn trong tâm tưởng như tiếng chuông đổ hồi miên man lan tỏa âm hưởng, tự hỏi và nhớ thương, điệp khúc tình yêu đó tưởng chừng ngấn nước lan vòng, tỏa sóng. Làm sao quên được nhau, con người ấy như đã đến từ muôn kiếp trước, hình bóng sững sờ nọ mãi khắc sâu:

Em yêu anh
Yêu anh đến ngàn thu
Đến bao giờ em tự hỏi
Đến bao giờ em mới quên được anh
Em đã tìm anh từ trong kiếp trước
Em đã gặp anh để xót thương
Cho dẫu ngàn lần
Cho ngàn lần phải khổ đau.
[/i]
Tình yêu trong nhạc phẩm của Đức Huy cho dẫu buồn nhưng không sầu thương bi lụy đến đốt cháy con người, mơn man tựa làn gió heo may lướt nhẹ trên những đồng lúa vàng mẩy bông, có một chút gì để nhớ để thương. Đẹp buồn man mác tựa như Xuân Diệu khi diễn tả:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

Bản “Đừng xa em đêm nay” sáng tác năm 1994 được nhiều người thuộc, ngay những người không có giọng ca cũng nhớ đôi ba câu, lẩm nhẩm những khi phát động tình cảm, và có thể nói nhạc phẩm này đã chinh phục được người mến mộ nhạc Đức Huy qua giọng ca mượt mà nhung tơ của Thảo Mi, người bạn đường muôn thuở của Đức Huy, tương tự cặp Văn Phụng-Châu Hà, hay Hải Nguyên-Thùy Dung, sắt son nhân bản. Phải chăng đời sống lứa đôi êm đẹp đó đã khơi động người thiếu nữ xinh tươi kia đã không muốn xa người dấu yêu cho dù chỉ diễn ra trong một đêm tối trời:

Đừng xa em đêm nay
Khi bóng trăng qua hàng cây
Đừng xa em đêm nay đêm rất dài
Vòng tay em cô đơn
Đêm khuya vắng nghe buồn hơn
Con tim em khát khao yêu thương.

Nàng không muốn xa chàng, bởi những nhu cầu tình cảm của con người, tựa như người con gái trong giấc mơ hoa của Huy Cận muốn có ai kia ngồi bên quạt hầu trong giấc ngủ, nàng đây cần có những ve vuốt, nồng nàn, thể nhạc boléro của Đức Huy thật hòa hợp ý nhạc nhẹ nhàng, khung cảnh đã mộng mơ, thêm mộng mơ hơn:

Hãy ôm em trong tay
Cho em biết anh cần em
Và hãy nói anh vẫn yêu em
Giọt nước mắt nào đổ trong bóng tối
Khi nằm lắng nghe tiếng đêm
Lắng nghe tiếng đêm
Nghe nhịp đập con tim.

Giọt lệ đây không phải là giọt lệ lã chã thương đau, chất ngất những bi lụy, trái lại đây là giọt lệ thương yêu, tựa giọt lệ trong tối tân hôn, bởi xúc cảm tràn dâng, theo nhịp đập của con tim, xua tan đi bóng đêm đen tối, đem cho nhau những ấm êm:

Đời em vắng lặng
Và anh đã đến như ngọn nến
Trong bóng đêm soi vào tim em
Những xao xuyến đã ngủ quên.

Đức Huy coi âm nhạc dường như một sự giãi bày những tâm trạng thầm kín, lời đơn sơ, trong sáng nhưng thấm đượm, nhiều khơi gợi sâu xa, nhạc điệu thoáng nhẹ dễ chinh phục lòng người.

Nhạc Đức Huy không thật sự bình dân như có dư luận lầm tưởng, phải nhận là có tính chất lãng mạn đã từ mọi góc cạnh cuộc sống con người được rút tỉa, chắt lọc. Sang tới loại nhạc Thánh ca Đức Huy cũng có nhiều nhạc phẩm như “Và con tim đã vui trở lại”, “Một tình yêu”, “Ngọn lửa thiêng”, “Ơn cứu rỗi”...gây nhiều ấn tượng, khác những ca khúc thuộc loại này đã từng phổ biến từ trước đến nay có tính cách van nài, kêu xin, khóc than thân phận đớn đau, tội lỗi của con người trước đấng thiêng liêng, nên chỉ giới hạn trong một chừng mực nào đó.

Trái lại nhạc Đức Huy đã tạo một luồng gió mới, đưa ra một quan niệm đạo trong đời, không chia rẽ đầu óc địa phương, kỳ thị tôn giáo, gây một niềm tin thái hòa trong đời sống, tương tự những Dan Schutte S.J, Amy Grant, John Foley...của Hoa Kỳ, Cat Stevens của Anh, đi tìm chân thiện mỹ của con người. Bản “Và con tim đã vui trở lại” được nhiều người ưa thích, Đức Huy viết tại Hawaii năm 1986 dưới tựa đề “From now on it’ s only you”, ba năm sau chuyển sang lời Việt, diễn tả một đức tin của con người, đi trong cơn hỗn mang của xã hội, tới một ngày dừng bước, nghĩ trở lui những thái độ, hành động của mình, tự khắc ý thức được con đường đi:

Tìm một con đường,
Tìm một lối đi
Ngày qua ngày đời nhiều vấn nghi
Lạc loài niềm tin sống không ngày mai
Sống quen không ai cần ai
Cứ vui cho trọn hôm nay
Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi
Một mình tôi về nhiều lần ướt mi
Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai
Xoá tan màn đêm u tối
Cho tôi biến đổi tâm hồn
Thành một một người mới.

Người ta thấy lời lẽ đơn thuần có tính cách đời nhưng ngấm ngầm ý đạo, đưa con người trở về nẻo ngay, đạo đời hòa hợp từ một niềm tin và những thương yêu cuộc đời của tuổi trẻ:

Dẫu cho tôi phải đi qua vực sâu tối
Tôi sẽ không sợ hãi gì
Vì người ở gần bên tôi mãi.

Nhiều người đã tới với nhạc của Đức Huy, nghe Đức Huy hát, tương tự Phạm Đình Chương, Duy Khánh đã ca nhạc của mình, diễn tả được trọn vẹn những thầm ý riêng tư gói ghém trong lời ca ý nhạc, giờ thấy được cuộc đời phiêu bồng của Đức Huy, từ đó khai sinh một thế giới nhạc phong phú và đa dạng. Một giòng nhạc trẻ trung viết cho tình yêu và tuổi trẻ.

Nhật Thịnh

delta
02-22-2008, 11:37 AM
Liên Khúc Đức Huy

http://www.youtube.com/watch?v=DnAUOQ_RzaQ&rel