PDA

View Full Version : C - Chúa Kitô biết rõ đời tôi



Dan Lee
02-21-2008, 10:07 PM
Chúa Kitô biết rõ đời tôi
"Người đã nói cho tôi hay mọi sự tôi đã làm"

Phụng Vụ Mùa Chay Năm A: Tiến Trình Mạc Khải Tam Đoạn

Theo tinh thần của phụng vụ Mùa Chay, qua việc Giáo Hội sắp xếp biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ ở Chúa Nhật tuần thứ nhất Mùa Chay ngay trước biến cố Chúa Giêsu biến hình ở Chúa Nhật tuần thứ hai Mùa Chay, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa trong việc Ngài muốn tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại là để họ có thể tin vào Ngài mà được sự sống đời đời. Mà tuyệt đỉnh mạc khải của Thiên Chúa là ở Biến Cố Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, một biến cố vô cùng mầu nhiệm được Giáo Hội long trọng cử hành trong Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh, Biến Cố Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh của Người. Đúng thế, chỉ qua Biến Cố Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, tuyệt đỉnh của "tất cả sự thật" (Jn 16:13) Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người, con người mới có thể được "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Chúa Giêsu Kitô" (Jn 17:3).

Thế nhưng, theo Lịch Sử Cứu Độ và Đường Lối Cứu Độ, Thiên Chúa không mạc khải cho con người "tất cả sự thật" ngay từ ban đầu hay cùng một lúc, mà là từ từ cho tới khi "thời gian viên trọn" (Gal 4:4), lúc "Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài" (Heb 1:2), Đấng "là đường lối, là sự thật và là sự sống" (Jn 14:6). Nếu "không ai đến được với Cha mà không qua Thày" (Jn 14:6), thì quả thực Thiên Chúa đã từ từ tỏ mình ra cho con người nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài theo tiến trình tam đoạn: "đường lối", "sự thật" và "sự sống". Nhóm 12 Vị là một trường hợp điển hình: đầu tiên các vị được kêu gọi "hãy theo Thày" (Mt 4:19; 9:9), như đi vào một "đường lối" chật hẹp khó bước lại ít người đi (x Mt 7:14); sau đó các vị mới được từ từ tỏ cho biết "sự thật" về "Thày là ai?" (Mt 16:15); và sau cùng các vị đã được hoàn toàn "thông phần với Thày" (Jn 13:8), khi Người sống lại từ trong cõi chết để làm cho các vị được "sự sống" khi "Người thở hơi trên các vị mà nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh"" (Jn 20:22).

Ba tuần (III, IV và V) giữa của Mùa Chay Năm A, Phúc Âm theo Thánh Gioan được Giáo Hội cố ý chọn đọc, cũng cho chúng ta thấy tiến trình tam đoạn mạc khải này: Trước hết, ở tuần thứ ba, Chúa Giêsu "là đường lối" tỏ mình ra qua việc làm cho người đàn bà ngoại lai Samaritanô thấy rằng Người quả thực "là Đấng Thiên Sai" (Jn 4:26,29); thứ đến, ở tuần thứ bốn, Chúa Giêsu "là sự thật" tỏ mình ra qua việc làm sáng mắt người mù từ lúc mới sinh, để anh ta có thể thấy Người "là ánh sáng thế gian" (Jn 8:12); sau hết, ở tuần thứ năm, Chúa Giêsu "là sự sống" tỏ mình ra qua việc làm cho Lazarô hồi sinh để anh ta có thể tự động bước ra khỏi mồ, đúng như lời quyền năng của Đấng tự xưng mình trước khi ra tay "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Jn 11:25).

Nơi tiến trình tam đoạn mạc khải này, ngoại trừ ý nghĩa của việc mạc khải liên quan đến tiến trình "đường lối", "sự thật" và "sự sống" như thế, chúng ta còn thấy một điều đáng chú ý nữa, đó là đối tượng được mạc khải, những đối tượng từ xa tới gần và bao giờ cũng là đối tượng kép: đối tượng mạc khải thứ nhất là một con người ngoại lai tội lỗi ở Samaria vùng đất hoang đàng, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân làng của chị; đối tượng mạc khải thứ hai là một con người Do Thái thuần túy ở Giuđêa vùng đất chính giáo, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân chúng, nhất là nhóm Pharisiêu; đối tượng mạc khải thứ ba là một con người thân thiết chí tình ở Bêthania gần Giêrusalem thành thánh, và qua con người này mạc khải chiếu tới cả dân chúng lẫn Hội Đồng Do Thái (x Jn 12:9-11).

Chưa hết, về tính cách của tam đoạn mạc khải theo Phúc Âm Thánh Gioan này, chúng ta thấy việc mạc khải hình như đi ngược với đường lối nơi lời loan báo tiên khởi của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Mathêu, lời loan báo cho thấy yếu tố nhân sinh ("hãy cải thiện đời sống") đi trước yếu tố thần linh ("Nước Thiên Chúa đã đến"). Bởi vì, qua tiến trình mạc khải tam đoạn này, Chúa Giêsu, là tất cả "Mạc Khải Thần Linh" hay "Nước Thiên Chúa", lại tự động tỏ mình ra trước, tự ý đến với con người trước, nhất là ở trường hợp thứ nhất và thứ hai, để nhờ đó, nhờ việc Người tỏ mình ra đó, con người có thể tin Người. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy đường lối nơi lời loan báo tiên khởi của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Mathêu vẫn còn hiện tỏ qua cả ba trường hợp. Bởi vì, ở vào chính giây phút quyết liệt nhất và tột đỉnh nhất của mạc khải, nghĩa là giây phút con người sửa soạn để thấy được Nước Thiên Chúa, để đi sâu vào Thực Tại Giêsu, họ cần phải "cải thiện đời sống", như Moisen cần phải bỏ dép ra trước khi tiến gần đến bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi vậy (xem Ex 3:5). Giờ đây chúng ta cùng nhau khảo sát từng mạc khải một.

Mạc Khải "Thày Là Đường Lối" cho người đàn bà ngoại lai Samaritanô.

Ở đoạn mạc khải thứ nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này:

Chúa Giêsu quả thực đã tự động đến gặp người đàn bà ngoại lai ấy với chủ đích tỏ mình ra cho chị. Người biết được hằng ngày vào giờ nào chị vốn ra kín nước, và giờ kín nước của chí ấy lại là giờ vắng vẻ không có ai, (chắc có thể vì chị mặc cảm bởi đời sống bê tha tội lỗi của mình nên muốn tránh mặt mọi người chăng?). Và chị phụ nữ ngoại lai tội lỗi diễm phúc ấy, dù có ý trốn lánh mọi người ấy, vẫn không thoát được ánh mắt của "Thiên Chúa là thần linh" (Jn 4:24), do đó, chị đã không biết được Vị Thần Linh này vẫn đang theo dõi chị từng giây từng phút, cho đến lúc Ngài thực sự tỏ mình ra cho chị, vào chính ngày giờ (buổi trưa), địa điểm (bờ giếng), hoàn cảnh (kín nước) và cách thức (xin nước), chị không thể nào ngờ được.

Giây phút quan trọng nhất, quyết liệt nhất, trong đoạn mạc khải thứ nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này là lúc Chúa Giêsu, sau khi đã khơi động được lòng khao khát chân thiện mỹ vốn nằm ở tận đáy cuộc đời tội lỗi của chị, như chị lên tiếng xin Người ban nước của Người cho chị, Người bảo chị "hãy về gọi chồng chị". Phải, ở đây, ngay tại chỗ này, vẫn chưa phải là tuyệt đỉnh của mạc khải thần linh, một tuyệt đỉnh chỉ xuất hiện khi nào yếu tố nhân sinh "cải thiện đời sống" nơi con người được tỏ ra, như trường hợp chị phụ nữ Samaritanô này đã tỏ ra, ở chỗ, chị đã thú thật là "tôi không có chồng".

Chính nhờ yếu tố nhân sinh vừa khao khát chân thiện mỹ, dù chưa biết rõ thực tại này ra sao, vừa thành thật không giấu diếm như thế, chị phụ nữ này đã thấy được sự thật về mình, khi nghe Người nói trúng tim đen cuộc đời quá khứ của chị. Nhờ đó, sau cùng chị đã lờ mờ được thấy sự thật về Người "Tôi biết có Đấng Thiên Sai sẽ đến. Khi Người đến Người sẽ nói cho chúng tôi biết hết mọi sự".

Nhất là sau khi Người tỏ mình ra cho chị: "Chính Tôi là Đấng đang nói với chị đây", nghĩa là sau khi mạc khải đã lên đến tuyệt đỉnh, chị đã chẳng những hoàn toàn nhận biết Người mà còn loan báo về Người nữa: "Hãy ra mà xem có người đã nói cho tôi biết mọi sự tôi đã làm! Người này không phải là Đấng Thiên Sai hay sao?".

Nội dung của đoạn nhất trong tiến trình mạc khải tam đoạn này là vai trò Chúa Kitô "là đường lối" mà con người phải theo để có thể đến cùng Thiên Chúa chân thật duy nhất, bằng không sẽ dễ bị rơi vào tình trạng ngẫu tượng (tin tưởng giả tạo), để rồi hậu quả là sẽ đi đến chỗ ngoại tình (tôn thờ ngẫu tượng, hiến thân phụng sự ngẫu tượng). Như trường hợp của dân Samaria bấy giờ, điển hình là trường hợp của chị phụ nữ tội lỗi ngoại tình này. Do đó, ngay sau giây phút quyết liệt của mạc khải, và trước khi mạc khải tiến đến chỗ tuyệt đỉnh, Chúa Giêsu liền kêu gọi chị "Chị hãy tin Tôi đi", nghĩa là Người kêu gọi chị ta hãy đi theo Người, vì, như Người khẳng định với chị rằng: "Các người tôn thờ những gì các người chẳng hiểu gì cả, còn chúng tôi biết những gì chúng tôi tôn thờ".

Vấn đề thực hành sống đạo: Bài Phúc Âm Chúa Giêsu tỏ mình cho người ohụ nữ Samaritanô hôm nay cho thấy, tự mình, con người vốn "chuộng tối tăm hơn ánh sáng" (Jn 3:19) không thể nào biết "Thiên Chúa là thần linh" (Jn 4:24), nếu Ngài không tự tỏ mình ra cho họ nơi Đấng Thiên Sai Con Ngài. Vì "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý"(1Tim 2:4), nên Ngài luôn tỏ mình ra cho mọi người và từng người tùy theo hoàn cảnh của họ. Thậm chí cuộc đời tội lỗi của họ càng là cớ mạnh để Ngài đặc biệt đi tìm họ như mục tử đi tìm con chiên lạc duy nhất vậy. Thế nhưng, con người chỉ nghe thấy tiếng chủ chiên của mình, chỉ nhận ra Người "là Đấng đang nói với" mỗi người chúng ta (Jn 4:26; 9:37), khi nào chúng ta, ít là còn khao khát chân thiện mỹ, còn thành tâm nhìn nhận con người mê lầm tội lỗi của mình mà thôi. Ý nghĩa căn bản nhất của thống hối trong Mùa Chay chính là ở chổ này và bắt đầu từ chỗ này, nhờ đó chúng ta mới có thể tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh